7. LỤC ĐỘ TẬP KINH VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM
Khi viết lịch
sử văn học Việt Nam, có một bộ phận văn học bao gồm truyện thần thoại,
cổ tích, ca dao, tục ngữ thường được xếp vào loại văn học dân gian hay
truyền khẩu và được trình bày mô tả theo lối xếp loại ấy. Do thế, đã
không có một nỗ lực tìm hiểu nghiêm túc thời điểm xuất hiện hay lưu hành
một số các truyện hay câu của bộ phận ấy để có thể nghiên cứu một cách
có căn cứ lịch sử phát triển của văn học Việt Nam. Thiếu sót này bây giờ
Lục độ tập kinh có thể giúp chúng ta điều chỉnh lại một phần nào.
Trong số
91 truyện của nó, có một truyện liên hệ với truyền thuyết trăm trứng của
dân tộc ta mà chúng tôi đã cho nghiên cứu thành một chuyên luận, đó là
Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên dân tộc ta[131][131]. Còn lại như
vậy là 56 truyện, tức các truyện 25, 37, 41, 45, 49. Các truyện này
thống nhất hoàn toàn hoặc một phần với một số “truyện cổ tích” do Nguyễn
Đổng Chi tổng hợp lại trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam
[132][132], đó là các truyện 9, 13, 48, 144, 162, 166.
Truyện 25
kể một nhà giàu đi chợ, thấy bán ba ba bèn mua thả. Ba ba đền ơn, báo
cho biết sắp có lụt lớn nên chuẩn bị thuyền bè. Quả có lụt, bèn lên
thuyền. Gặp rắn chồn bị trôi, ông vớt lên. Sau gặp người ông cũng vớt.
Chồng đem vàng trả ơn. Ông đem bố thí. Người được bố thí đến đòi chia
một nửa, ông không chịu, nó đi thưa quan. Ông bị bắt. Rắn đến cứu bằng
cách đi cắn thái tử và cho ông thuốc thể chữa. Ông được tha và làm tướng
quốc.
Truyện cổ
tích 48 kể chuyện một anh nhà nghèo có lòng thương người, đi câu kiếm
ăn, ba lần câu được một con rắn nước, muốn giết. Rắn xin tha. Rắn đền ơn
báo cho anh biết sắp có lụt lớn. Quả có lụt. Anh lên bè, gặp tổ kiến,
rắn lục và anh đã vớt, rồi chuột, trăn. Nhưng đến khi gặp người, rắn cản
bảo đừng vớt, nhưng anh vẫn vớt và đưa về sống với anh. Xong rắn mời
anh xuống thủy phủ chơi và được cho cây đàn thất huyền chống giặc. Người
kia ăn cắp đàn và được phong làm đại tướng khi hắn sắp cưới công chúa
thì bỗng dưng công chúa bị câm. Anh gặp nó, nó liền bắt giam. Kiến đến
thăm anh, đi gọi chuột, chuột tìm trăn. Trăn cho anh viên ngọc chữa lành
bệnh câm của công chúa. Anh được làm quan và lấy công chúa.
Tuy có cải
biên đôi chút với việc thêm thắt một số tình tiết và nhân vật, truyện
48 về cơ bản thống nhất với truyện 25 của Lục độ tập kinh. Thời điểm lưu
hành, nếu không phải là xuất hiện của nó phải rơi vào thế kỷ thứ II
sdl, chứ không thể chậm hơn.
Truyện 37
kể có người đi buôn đến một đảo quốc, lấy vợ quỉ. Sau có người báo, bèn
nhờ ngựa thần vượt về quê. Vợ quỉ đuổi theo, kiện vua. Vua thấy đẹp, lấy
làm vợ. Quỉ đi ăn thịt người, sau chết, sinh làm con gái đẹp một phạm
chí. Có tỳ kheo đòi lấy cô ta, đức Phật la, bảo nó từng ăn thịt dân.
Truyện cổ
tích 166 kể một phú hộ có bốn cô con gái đòi lấy hoàng tử. Họ ra đi, bị
yêu tinh bắt, nhưng thoát được và đến kinh thành làm vợ hoàng tử. Yêu
tinh bèn biến con gái mình thành một giai nhân tuyệt thế, Hoàng tử thấy
mê bèn đuổi bốn cô kia đi. Trên đường đi về nhà, họ bị nó theo móc mắt,
Bụt hiện ra cứu, sau con cô út lớn lên diệt được yêu tinh.
Hai truyện
37 và 166, dù cơ bản không thống nhất với nhau, như truyện 25 và 48 ở
trên, nhưng cốt lõi vẫn tương đồng, đó là yêu tinh vì mất mồi, đã biến
thành gái đẹp mê hoặc vua hay hoàng tử. Truyện 166, do thế, hẳn là một
cải biên của truyện 37. Đặc biệt, khi ta biết rằng truyện 37 này có liên
hệ với truyện 9 và 39 của Lục độ tập kinh và các truyện Catudvàrajàtaka
và Mittavindajàtaka của văn học bản sinh Phạn văn và Pàli là những
truyện có kể tới bốn thành bạc, vàng thủy tinh, lưu ly và bốn, tám, mười
sáu và ba mươi hai cô gái đẹp. Điều này giải thích tại sao truyện 166
có bốn cô gái.
Truyện 41
của Lục độ tập kinh và truyện cổ tích 13 cũng chỉ có nét tương đồng, như
hai truyện vừa bàn. Truyện 41 kể có ông vua tên A Quần ăn thịt người bị
đuổi đi, bèn vào rừng ở và đi bắt người. Một hôm, vua Phổ Minh đi kinh
lý bị A Quần bắt, xin trở về nghe kinh, rồi đến nộp mạng. A Quần đồng ý.
Phổ Minh đến nộp mạng. Quần ngạc nhiên, hỏi bài kinh. Nghe xong, Quần
giác ngộ...
Truyện 13
“Sự tích cá he” kể một vị sư đi Tây Trúc tìm Phật. Trên đường, gặp mẹ
con Ác Lai chuyên ăn thịt người, sư thuyết pháp. Ác Lai giác ngộ, móc
tim mình gởi sư dâng Phật. Sư không làm tròn, nên bị đày làm cá he.
Giống như
truyện sự tích cá he với truyện 41, truyện 9 “Sự tích chim đa đa” và
truyện 144 “Sự tích con dế” có dáng dấp xuất hiện từ truyện 45 của Lục
độ tập kinh. Truyện 45 kể có một người nhà giàu không con để nối dõi. Đi
đường nhặt được một đứa bé, đem về mấy tháng thì vợ ông có thai. Ông
bèn đem bỏ ngoài đường xe đi. Người đánh xe lượm được, một bà lão xin,
ông lại đến chuộc. Được mấy năm, sợ nó hơn con mình đẻ, bèn đem vào rừng
để trong bụi tre. Người tiều phu mang về nuôi. Ông lại đến chuộc. Về
cho ăn học, nó quá giỏi. Ông muốn giết, bèn viết một lá thư bảo người
thợ rèn giết và sai nó cầm đi. Giữa đường gặp em nó, em nó tranh đi, thế
là em nó chết. Ông lại nhờ một người giữ kho giết. Trên đường đi, nó
ghé vào thăm nhà một người bạn cha mình. Con gái người bạn này lấy thư
tráo đi, bảo người giữ kho chuẩn bị hôn lễ cưới cô gái ấy. Thế là nó
được vợ trở về. Ông nhà giàu tức uất mà chết.
Truyện 9
“Sự tích chim đa đa” cải biên tình tiết bỏ con vào trong rừng, đưa thêm
nhân vật bố ghẻ. Lần thứ nhất, nhờ mấy đứa đào khoai mài, nó về nhà
được. Lần sau, nó chết, biến thành chim đa đa. Còn truyện 144 “Sự tích
con dế” đưa vào nhân vật dì ghẻ sai con mình giết con chồng. Em không
giết anh, lại cho anh tiền và nói âm mưu của mẹ mình. Người anh đi lang
thang thì mẹ anh hiện về, giúp đèn sách. Sau gặp nàng Ngọc Châu, thành
vợ chồng, anh thi đổ, vinh qúi. Người dì ghẻ sợ vỡ mật chết hóa thành
con dế. Truyện 144 rõ ràng tương đương với đoạn sau về việc người thợ
rèn và người giữ kho giết và lấy được vợ của truyện 45.
Truyện 49
kể một nhà tu cứu con quạ, rắn và người thợ săn rớt hang. Sau quạ đền ơn
bằng ngọc minh nguyệt lấy của hoàng hậu. Nhà tu đem cho thợ săn, thợ
săn đi tố, nhà tu bị bắt. Rắn đến cứu, cho nhà tu thuốc chữa, rồi đi cắn
thái tử. Nhà tu cứu sống thái tử, được chia nửa nước, vẫn không nhận,
trở về rừng.
Truyện cổ
tích 162 kể một anh quân tử tha tội chết cho chuột, chồn và ruồi. Sau
vua kén phò mã, chồn chỉ cho anh vàng để làm lễ sánh hỏi, ruồi chỉ cho
anh mâm để ngồi và chuột chỉ cho anh buồng để vào gặp công chúa. Anh lấy
được công chúa và sau lên làm vua.
Rõ ràng có
cải biên, nhưng cốt lõi hai truyện 49 và 162 vẫn cơ bản thống nhất với
nhau. Có thể truyện 162 có tham khảo truyện 25 của Lục độ tập kinh nên
đã đưa tình tiết chồn cho vàng. Lối tham khảo nhiều truyện khác nhau,
thậm chí từ nhiều nguồn khác nhau, để tạo nên những truyện mới, không
phải là không xảy ra. Chẳng hạn, truyện 167 “Sự tích thần sông Kỳ cùng”
hẳn đã tiếp theo truyền thuyết hai trứng nở ra con người của A tỳ đạt ma
đại tỳ ba sa luận 120 ĐTK 1545 tờ 626c24-27 cùng với các truyện sự tích
ấy là một thí dụ điển hình. Công tác truy tìm những dạng truyện này đòi
hỏi nhiều thời gian và phương tiện, nên xin hẹn một dịp khác.
Đến đây,
qua phân tích năm truyện tương đương trên, chúng ta có thể rút ra một số
kết luận. Thứ nhất, có những truyền thuyết ta tưởng chúng không bao giờ
truy ra nguồn gốc và thời điểm xuất hiện hay lưu hành, bây giờ có thể
tìm lại được, mà quan trọng nhất là truyền thuyết trăm trứng của lịch sử
khởi nguyên dân tộc ta, thông qua Lục độ tập kinh. Thứ hai, nền văn học
dân tộc ta không phải bắt đầu với Trần Nhân Tông và Nguyễn Trãi, hay
Khuông Việt và Từ Đạo Hạnh, hay ngay cả Đại Thừa Đăng, hay Lý Miễu, Đạo
Cao, Pháp Minh. Nền văn học thành văn của dân tộc ta phải bắt đầu với
bài Việt ca, cụm truyện thần thoại và truyện cổ tích đầu tiên hiện tìm
thấy trong Lục độ tập kinh và Cựu tạp thí dụ kinh, mà năm truyện phân
tích trên là những thí dụ.
Thứ ba,
cụm truyện này, có truyện có những tình tiết có nguồn gốc Việt Nam, cho
dù toàn bộ truyện không xuất phát từ Việt Nam. Chẳng hạn, truyện 25, khi
chồn đem vàng đến đền ơn người “hiền” cứu mạng, nó phải xác nhận vàng
đó lấy từ “hang” của nó, chứ không phải từ mồ mả, không phải là của dân,
không phải của ăn cướp, không phải của ăn trộm. Sau đó, người hiền bị
tố là “quật mộ cướp vàng” và bị bắt. Việc chôn người chết có bỏ theo
vàng ngọc là một tục lệ đặc biệt Trung Quốc, chứ không là Ấn Độ và việc
quật mộ trộm vàng là một tội bị chém đem bỏ chợ. Như Sứu thần ký của Can
Bảo đã ghi và Lưu Chiêu dẫn trong Hậu Hán thư 27 tờ 5b11-13, nhân vụ
Thái Trọng quật mộ Lý Nga để “trộm vàng báu” vào năm 199. Tục lệ chôn
cất và luật lệ bảo vệ mồ mả ấy chắc chắn cũng phổ biến ở nước ta vào
thời Lục độ tập kinh ra đời, nên ta mới thấy có một xác nhận khá minh
bạch về nguồn gốc số vàng trên.
Thứ tư,
thời điểm xuất hiện và lưu hành của cụm truyện ấy, nếu không sớm thì
cũng không thể muộn hơn thế kỷ thứ II sdl. Từ đó, nghiên cứu chúng,
chúng ta có thể biết được ít nhiều về nền văn hiến điển chương của dân
tộc ta, trong đó có cả pháp luật và điển huấn, chứ không chỉ văn học và
lịch sử. Cụ thể là các điều khoản của bộ Việt luật về vấn đề chôn cất mồ
mả và hôn nhân.
Thứ năm,
nhờ Lục độ tập kinh, quá trình hình thành và phát triển kho tàng truyện
thần thoại và cổ tích Việt Nam đang một phần nào được nghiên cứu một
cách có căn cứ về mặt thời gian lịch sử cũng như về mặt cơ cấu nội dung.
Nó sẽ giúp khôi phục lại diện mạo văn học dân tộc ta cách đây hai nghìn
năm. Và chúng ta không còn bàn cãi một cách tùy tiện không cơ sở về một
nền văn học “dân gian” chung chung phi thời gian, phi lịch sử. Những
đóng góp của Lục độ tập kinh do thế, tuy ít ỏi, nhưng thật quí giá và
đáng trân trọng.
8. TỔNG KẾT
Từ những phân tích trên, ta có thể rút ra mấy kết luận sơ bộ sau:
1. Lục độ
tập kinh hiện nay là một dịch phẩm của Khương Tăng Hội từ một nguyên bản
Lục độ tập kinh tiếng Việt. Sự kiện này giải thích cho thấy tại sao có
hiện tượng “văn từ điển nhã”, mà Thang Dụng Đồng đã nhận ra, và bác bỏ
kết luận mà Thang Dung Đồng đã đi tới, đó là Lục độ tập kinh có thể là
một tác phẩm do Khương Tăng Hội viết.
2. Vì xuất
phát từ một nguyên bản tiếng Việt, nên Lục độ tập kinh mới chứa đựng
một lượng lớn những cấu trúc câu văn không theo ngữ pháp tiếng Trung
Quốc, mà theo ngữ pháp tiếng Việt. Số lượng những câu văn này cung cấp
cho ta một lượng lớn thông tin để phác thảo lại diện mạo tiếng Việt cách
đây gần 2.000 năm mà cho đến nay, ngoài bài Việt ca, ta không có một
tín hiệu nào cả. Đây phải nói là những đóng góp vô giá, mà Lục độ tập
kinh mang lại cho dân tộc ta nói chung, và các ngành văn học và ngữ học
nói riêng.
3. Cũng vì
xuất phát từ một nguyên bản tiếng Việt, nên Lục độ tập kinh ngày nay đã
cho ta thấy những luồng tư tưởng nào đã chi phối dân tộc ta, những vấn
đề gì đã làm cho họ suy tư trăn trở vào thời điểm Lục độ tập kinh ra
đời. Từ đó, ta nhận ra một loạt những chủ đề, mà qua suốt lịch sử dân
tộc đã trở thành cốt lõi của truyền thống văn hóa tư tưởng và chính trị
Việt Nam. Về mặt này, Lục độ tập kinh có những cống hiến thật khởi sắc
và đáng suy gẫm.
4. Hệ tư
tưởng Phật giáo truyền dạy thông qua Lục độ tập kinh là bao gồm những gì
tinh túy nhất, cốt lõi nhất và tích cực nhất của toàn bộ hệ thống giáo
lý Phật giáo nguyên thủy, nêu mẫu người lý tưởng gồm hai phẩm chất chính
yếu là tình thương và trí tuệ làm điển hình cho cuộc sống nội tâm và xã
hội của người Phật tử, kiến tạo một quan hệ gắn bó chặt chẽ keo sơn
giữa Phật giáo và dân tộc, từ đó thiết định vai trò và nhiệm vụ của Phật
giáo trong quan hệ ấy.
5. Thêm
vào đó, Lục độ tập kinh chứa đựng một lượng lớn thông tin về nhiều mặt
của đời sống vật chất cũng như tinh thần của xã hội người Việt Nam vào
giai đoạn nó xuất hiện. Từ những kiến thức hết sức chính xác của các
khoa học thực nghiệm như khẳng định thai nhi ở trong bụng mẹ 266 ngày
cho đến các phong tục tập quán kiểu liệm người chết bỏ vàng bạc ngũ cốc
vào miệng hay ngứa nách, máy mắt v.v... từ việc lấy cây chuối làm hình
nộm cho đến chuyện đem chuột nướng bán làm thịt, nó cung cấp cho ta
nhiều dữ kiện để nghiên cứu lịch sử khoa học kỹ thuật Việt Nam cùng
truyền thống văn hóa dân tộc.
Lục độ tập
kinh đã được dịch ra tiếng Nhật, tiếng Pháp từ lâu. Và những mẫu chuyện
do nó cung cấp đã lưu hành rộng rãi trong sinh hoạt văn học và tôn giáo
nước ta. Nhưng cho đến nay, với những đóng góp to lớn vừa nêu, Lục độ
tập kinh vẫn chưa có một bản tiếng Việt hoàn chỉnh và đầy đủ. Đây là một
thiếu sót lớn. Việc công bố bản dịch cùng với bản nghiên cứu trên là để
điều chỉnh lại sự thiếu sót ấy. Cũng mong từ bản dịch này cùng những
gợi ý của bản nghiên cứu vừa nêu sẽ xuất hiện một cao trào tìm hiểu về
dân tộc và truyền thống tư tưởng văn hóa dân tộc, đặc biệt trong giai
đoạn lịch sử có những cuộc đọ sức đầy cam go khốc liệt, nhưng rất hào
hùng và hoành tráng, như giai đoạn mà Lục độ tập kinh ra đời. Có tìm
hiểu mới thấy đất nước ta đã trãi qua những thử thách ghê gớm như thế
nào, và tổ tiên ta đã vượt lên và chiến thắng những thử thách ấy với bản
lĩnh và sức mạnh gì. Có thấy được những điều ấy, ta mới nhận ra trên cơ
sở nào dân tộc ta đã chiến thắng, và từ bệ phóng nào dân tộc ta đã vút
lên để xây dựng thành công một nước Việt Nam như ta có hôm nay. Từ đó
thấy rõ hơn vị thế và trách nhiệm của bản thân mỗi chúng ta trước những
thách đố hiện nay của thời đại, thời đại của cuộc cách mạng dân chủ mới,
của khoa học kỹ thuật hậu công nghiệp, của sự nghiệp thực hiện thắng
lợi lý tưởng “nước giàu dân mạnh” của Lục độ tập kinh. Việc tìm hiểu quá
khứ thực tế và để nhận rõ khả năng nội lực của mình, nhằm lượng định
tình hình khách quan hiện tại mà tiến tới, biến hoài bảo ước mơ của từng
cá nhân và dân tộc thành hiện thực, thành những lực lượng vật chất cụ
thể, đáp ứng yêu cầu kiến tạo một đất nước phồn vinh, một xã hội an lạc.
Ước mơ và nguyện vọng của Lục độ tập kinh đến nay sao vẫn gần gũi, thân
thiết với chúng ta, những người sống sau gần 2.000 năm.