4. VỀ SỰ TỒN TẠI MỘT NGUYÊN BẢN TIẾNG VIỆT
Trước khi trả
lời câu hỏi này, ta cần nói thêm một chút ở đây về hiện tượng “bút thọ”
xảy ra trong quá trình phiên dịch kinh điển Phật giáo ở Viễn Đông, tức
gồm cả Trung Quốc lẫn Việt Nam. Vào thời kỳ đầu, khi Phật giáo truyền
đến Trung Quốc và Việt Nam, tức khoảng từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ
IV và V, những nhà truyền giáo Ấn Độ khi đến Việt Nam hay Trung Quốc,
thường không am hiểu tiếng địa phương một cách rành mạch, trong lúc đó
nhu cầu tìm hiểu đọc tụng kinh điển Phật giáo của Phật tử địa phương lại
mạnh. Cho nên đã xuất hiện thủ pháp "bút thọ". Bút thọ, tức là nhà
truyền giáo Ấn Độ, với vốn kiến thức ngôn ngữ địa phương hạn chế của
mình, cố gắng dịch nguyên bản tiếng Phạn ra tiếng địa phương cho một
Phật tử địa phương, mà thường là các nhà sư, chép lại và điều chỉnh
những câu dịch có tính hạn chế ấy thành một bản dịch có thể đọc được. Ở
Việt Nam ta, khi Cương Lương Lâu Tiếp sống gần đồng thời với Khương Tăng
Hội, dịch kinh Pháp hoa tam muội, thì Đạo Thanh đã "bút thọ". Vì "bút
thọ" là người địa phương, nên chắc chắn văn chương và ngữ pháp của các
bản dịch nầy chịu ảnh hưởng nặng nề của ngôn ngữ người bút thọ. Đáng
tiếc là bản kinh Pháp hoa tam muội ngày nay đã mất, vì thế ta không thể
tìm hiểu được những vết tích tiếng Việt của Đạo Thanh.
Thế
thì, sự kiện bản Lục độ tập kinh hiện nay chịu ảnh hưởng tiếng Việt một
cách có hệ thống và toàn diện như vậy, phải chăng đã xuất phát từ hiện
tượng bút thọ? Các kinh lục từ Xuất Tam tạng ký tập của Tăng Hựu cho đến
Đại đường nội điển lục của Đạo Tuyên và Khai nguyên thích giáo lục của
Trí Thăng không có cuốn nào ghi Lục độ tập kinh được bút thọ cả. Và điều
này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì, như đã nói, Khương Tăng Hội sinh ra, lớn
lên và được đào tạo thành tài ở nước ta, thì không có lý do gì để ông
ngỡ ngàng với tiếng Trung Quốc mà cần tới bút thọ. Thêm vào đó, Lục độ
tập kinh, như đã nêu, chứa đựng những yếu tố từ ngữ vựng, cú pháp đến
các nhận xét và hư cấu hoàn toàn xa lạ với văn học tư tưởng và tập quán
Ấn Độ và Phật giáo Ấn Độ, nên đã dẫn Thang Dụng Đồng đến gợi ý là Lục độ
tập kinh không phải là một dịch bản từ tiếng Ấn Độ, mà là một tác phẩm
do Khương Tăng Hội viết ra. Gợi ý này phải nói một nửa là khá sáng tạo,
bởi vì lần đầu tiên một văn bản như Lục độ tập kinh xưa nay được xem là
dịch bản từ tiếng Phạn, thì bây giờ phát hiện nó không phải được dịch từ
chữ Phạn nữa. Nhưng nửa kia khẳng định nó do Khương Tăng Hội viết ra,
thì phải xét lại, vì như đã nói, sự ảnh hưởng quá nặng nề và có hệ thống
của tiếng Việt về cả ba mặt ngữ vựng, ngữ pháp và cú pháp trong Lục độ
tập kinh không thể giải thích nổi một cách thỏa mãn, nếu chỉ đơn thuần
coi ảnh hưởng đó như một rơi rớt vô ý thức của thói quen ngôn ngữ tiếng
Việt nơi Khương Tăng Hội.
Thói
quen ngôn ngữ là một thực tế khoa học khách quan. Bất cứ ai khi sinh
ra, đều tiếp thụ những tiếng nói đầu tiên từ cha mẹ mình. Tiếng nói được
tiếp thụ nầy, sau đó sẽ trở thành cái khung, cái nền cho việc tiếp thụ
những ngôn ngữ mới, và những ngôn ngữ mới nầy, trong giai đoạn đầu, đều
được học và lý giải qua cái khung và trên nền tảng là tiếng mẹ đẻ, cho
tới một lúc nào đó nó bị những ngôn ngữ mới ấy tác động trở lại. Quan
niệm tác động biện chứng qua lại nầy tạo nên thói quen ngôn ngữ. Mà đã
là thói quen thì nó thường xuất hiện một cách vô thức và do thế, không
có hệ thống và toàn diện một cách minh nhiên được. Cho nên, để trở thành
có hệ thống và toàn diện một cách minh nhiên, nó phải có một số nhân tố
khác tạo điều kiện cho tính hệ thống và toàn diện được bộc phát. Nói
cách khác, sự có mặt một cách có hệ thống và toàn diện những tàn dư ngữ
vựng, ngữ pháp và cú pháp tiếng Việt trong Lục độ tập kinh không những
chỉ ra sự kiện Khương Tăng Hội nói tiếng Việt lưu loát và rành rẽ, mà
còn cho phép giả thiết sự tồn tại của một nguyên bản Lục độ tập kinh
tiếng Việt, mà dựa vào đó Khương Tăng Hội đã dịch ra Lục độ tập kinh
tiếng Trung Quốc, và từ đó thói quen ngôn ngữ tiếng Việt của Khương Tăng
Hội mới có dịp bộc phát một cách có hệ thống và toàn diện, như đã nêu
trên. Chúng tôi dùng chữ “có hệ thống”, vì nó xuất hiện một cách liên
tục và nhất quán từ trước tới sau như trường hợp chữ "cố", và "toàn
diện", và vì nó xảy ra trên một diện rộng chiếm gần hết tác phẩm từ đầu
đến cuối, tức từ truyện 13 đến truyện 85 trên tổng số 91 truyện của Lục
độ tập kinh, như trường hợp chữ "trung tâm". Tính hệ thống và toàn diện
này khá vững chắc, đến nỗi ngay một người sử dụng tiếng Trung Quốc nhuần
nhuyễn như Khương Tăng Hội, mà người Trung Quốc cỡ giáo sư Thang Dụng
Đồng phải khen là “văn từ điển nhã”, cũng không thể khống chế và đánh
lùi được.
Lục
độ tập kinh hiện nay gồm 8 quyển 6 chương và 91 truyện. Ba quyển đầu
dành cho chương Bố thí gồm 26 truyện. Năm quyển còn lại dành cho các
chương Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ theo thứ tự.
Chương Trì giới có 15 truyện, chương Nhẫn nhục 13 truyện, chương Tinh
tấn 19 truyện, chương Thiền định ghi có 9 truyện, nhưng trên thực tế chỉ
có 3 truyện thôi, tức từ số 80 đến 82, còn 6 truyện kia thì 3 truyện
đầu, tức từ số 74 đến 76, không phải là truyện, mà là những trình bày
của Khương Tăng Hội về thiền định và 3 truyện sau, tức từ số 77 đến 79,
kể lại cuộc đời đức Phậttừ lúc đi dạo 4 cửa thành cho đến khi xuất gia
thành đạo. Chương cuối cùng là về trí tuệ gồm 9 truyện. Như thế, tuy ghi
có 91 truyện, nhưng thực tế thì chỉ có 85 truyện.
Và
đầu mỗi chương, trừ chương cuối cùng về trí tuệ, có một bài giới thiệu
ngắn gọn về ý nghĩa của tên chương, như bố thí là gì, trì giới là gì
v.v... Bài giới thiệu về chương Thiền định tương đối dài, nên bản in Đại
tạng kinh thời Đại Chính của Nhật Bản xếp nó thành 3 truyện từ số 74
đến 76, trình bày quan điểm của Lục độ tập kinh về thiền định và cách
thức để đạt được thiền định. Chính lý thuyết thiền định này, về sau, đã
trở thành tiền đề cho sự xuất hiện cuộc tranh cãi giữa Đạo Cao, Pháp
Minh và Lý Miễu về vấn đề tại sao không thấy Phật[98][98]. Bài giới
thiệu về trí tuệ của chương 8 có lẽ đã thất lạc từ lâu, nhưng truyện 81
có nói ít nhiều về "minh độ vô cực" và truyện 83 có một định nghĩa ngắn
ngủi về trí tuệ là gì.
Trong
số 85 truyện trên, ta hiện biết chắc chắn một truyện đã lưu hành trước
thời Khương Tăng Hội ra đời và đã trở thành chủ đề bàn cãi của những
người Phật giáo và ngoài Phật giáo. Đó là truyện thái tử Tu Đại Noa, tức
truyện 14 của Lục độ tập kinh quyển 2 chương Bố thí. Mâu Tử Bác trong
Lý hoặc luận ĐTK 2102 tờ 3c28 - 4a4 đã ghi lại vấn nạn của một người
ngoài Phật giáo thắc mắc vì sao Phật lại dạy việc bố thí không biên
giới, đến nỗi cho cả voi báu của nước, vợ con của chính mình, như thái
tử Tu Đại Noa đã làm. Sự kiện đem truyện thái tử Tu Đại Noa ra tranh
luận như thế này vào những năm 195 chứng tỏ truyện tích thái tử Tu Đại
Noa lưu hành rộng rãi, không chỉ trong giới Phật giáo mà còn trong những
người ngoài Phật giáo sống tại đất nước ta thời bấy giờ, và có một sức
cuốn hút mạnh mẽ.
Tu
Đại Noa quả thực là một truyện đầy cảm động, vừa bi thương vừa hùng
tráng, thể hiện vai trò người cha như một nghiêm phụ gạt nước mắt mà
thực hành lý tưởng, và người mẹ như một từ mẫu quá thương con, nhưng vì
chồng mà đành phải hy sinh tình cảm mẹ con, tình yêu vợ chồng, chịu đựng
gian khổ khó khăn. Cho nên, không chỉ trong thời Mâu Tử Bác và Khương
Tăng Hội, mà còn về sau này nữa, nó tiếp tục lưu hành và thu hút sự ái
mộ của người đọc và người nghe, đến nỗi cuối thế kỷ thứ XVII, Chân
Nguyên đã viết lên thành thơ tiếng quốc âm dưới tên Đạt Na thái tử hạnh
[99][99].
Trong
lịch sử văn học dân tộc ta, thì đây là truyện Phật giáo duy nhất được
viết thành thơ tiếng quốc âm, tìm thấy cho đến bây giờ. Và Chân Nguyên
là một tác gia lớn, có ảnh hưởng sâu rộng, mà sau này khi viết Việt sử
tiêu án[100][100] Ngô Thì Sỹ đã kính cẩn nhắc tới như “Chân Nguyên
Thượng nhân”.
Thế
thì, trước khi Lục độ tập kinh ra đời trên cả nửa thế kỷ, đã phổ biến
rộng rãi truyện thái tử Tu Đại Noa. Truyện này lưu hành dưới hạng văn
bản nào và trong ngôn ngữ gì? Chắc chắn nó phải lưu hành dưới dạng một
dịch bản, dù sau đó có được kể đi kể lại chăng nữa, vì với dạng một dịch
bản như vậy, nó mới đủ quyền uy để làm phương tiện diễn tả giáo lý
nghiêm túc, và từ đó mới được đem ra tranh luận, như ta đã nói. Kiểm tra
lại toàn bộ quá trình phiên dịch tại Trung Quốc, thì không có một dấu
hiệu nào cho thấy nó được dịch ra tiếng Trung Quốc, tuy vào thời điểm ấy
các nhà phiên dịch nước ngoài như An Thế Cao, Chi Lâu Ca Sấm v.v...
cùng với các Phật tử Trung Quốc đã tiến hành công tác dịch thuật một
cách rầm rộ và có qui mô.
Chính
vì không thấy có dấu hiệu nào của quá trình phiên dịch tại Trung Quốc,
nên một số người nghiên cứu Mâu Tử Lý hoặc luận đã đi đến kết luận là
không thể có chuyện Mâu Tử Bác viết Lý hoặc luận vào khoảng những năm
195 được, như Pelliot[101][101] và Hồ Thích[102][102] đã đề xuất, mà
thực sự là một Ngụy thư viết vào khoảng thế kỷ thứ IV, sau khi Khương
Tăng Hội đã dịch Lục độ tập kinh với truyện thái tử Tu Đại
Noa[103][103]. Chúng tôi đã bàn cãi chi tiết và tỉ miû vấn đề này trong
Lịch sử Phật giáo Việt Nam nên ở đây chỉ nêu ra một số kết luận và sự
kiện cần thiết cho việc nghiên cứu Lục độ tập kinh thôi.
Thứ
nhất, việc Mâu Tử Bác viết Lý hoặc luận trong khoảng những năm 195, như
Pelliot và Hồ Thích chứng minh, là hoàn toàn xác đáng. Thứ hai, Khương
Tăng Hội không phải là người đầu tiên dịch truyện thái tử Tu Đại Noa,
bởi vì chính bản thân bản dịch truyện thái tử Tu Đại Noa trong Lục độ
tập kinh của Khương Tăng Hội đã có những dấu hiệu cho phép giả thiết,
nếu không muốn nói là khẳng định, sự tồn tại của một bản dịch tiếng Việt
truyện đó, mà Khương Tăng Hội đã sử dụng như nguyên bản để dịch ra
truyện Tu Đại Noa tiếng Trung Quốc. Những dấu hiệu đó là gì?
Đó là những câu văn viết theo cấu trúc ngữ pháp Việt Nam.
1.
“Nhĩ vương giả chi tử, sinh ư vinh lạc, trưởng ư trung cung, y tắc tế
nhuyễn, ẩm thực cam mỹ...” (Em là con vương giả, sinh ở sung sướng, lớn
lên ở trong cung, áo mặc mềm mại, ăn uống ngọt ngon...)
2. “Lưỡng nhi đổ chi, trung tâm đảm cụ”. (Hai trẻ thấy nó, trong lòng khiếp sợ).
3.
“Mẫu cố quật ấm, kỳ hãm dung nhân, nhị nhi nhập trung, dĩ sài phú
thượng” (Mẹ có đào hố, hầm nó chứa người, hai trẻ vào trong, lấy củi phủ
lên).
Như
thế, trong số 21 trường hợp nêu trên, thì 3 trường hợp đã xảy ra trong
truyện thái tử Tu Đại Noa này, chiếm tỷ lệ 1/7. Tỷ lệ này xem ra tương
đối nhỏ, nếu kể về trường hợp, nhưng nếu kể về số truyện thì lớn hơn một
cách có ý nghĩa, tức 3 trường hợp trong số 15 truyện, nghĩa là gần 20%.
Và nếu tính số chữ và câu của chuyện thái tử Tu Đại Noa trong Lục độ
tập kinh, thì sự xuất hiện 3 trường hợp này phải nói là dày đặc. Truyện
Tu Đại Noa có độ dài khoảng 4350 chữ, tính trung bình một câu khoảng 10
chữ, ta có khoảng 435 câu. Với từng ấy câu, mà có đến ba câu viết theo
ngữ pháp tiếng Việt thì phải kết luận là quá dày đặc, để xem chúng như
một rơi rớt ngẫu nhiên và rời rạc của thói quen ngôn ngữ vô thức.
Nói
thẳng ra, trong khi dịch truyện thái tử Tu Đại Noa của Lục độ tập kinh
ra tiếng Trung Quốc, có khả năng Khương Tăng Hội đã có một nguyên bản
tiếng Việt truyện đó trước mặt mình, nên mới để cho những câu văn có ngữ
pháp tiếng Việt xuất hiện một cách dày đặc như vậy, chứ không phải chỉ
do thói quen ngôn ngữ vô thức tạo nên. Chính sự có mặt của một nguyên
bản tiếng Việt mới làm cho thói quen ngôn ngữ vô thức bộc lộ một cách
mạnh mẽ và minh nhiên, bởi vì nếu không có sự tác động hữu hình của văn
bản trước mắt, thói quen ngôn ngữ thường hay bị chính ngữ pháp của tiếng
nói mình đang viết khống chế và đẩy lùi, đặc biệt đối với một người am
hiểu và sử dụng rành mạch tiếng Trung Quốc như Khương Tăng Hội.
Vậy
thì, chỉ xét qua 3 trường hợp mang dấu ấn ngữ pháp tiếng Việt không thể
chối cãi trên, cũng đủ cho phép ta giả thiết, thậm chí là khẳng định,
sự tồn tại một dịch bản truyện thái tử Tu Đại Noa tiếng Việt lưu hành
chắc chắn vào thời Khương Tăng Hội để làm nguyên bản cho truyện Tu Đại
Noa của Lục độ tập kinh. Chỉ 3 trường hợp này thôi, chứ khoan nói chi
tới những yếu tố phụ gia khác, mà chỉ làm tăng thêm tính thuyết phục của
một giả thiết hay khẳng định như thế. Trong những yếu tố phụ gia ấy,
trước hết phải kể đến ngữ vựng, đặc biệt là chữ "thuộc". Có những từ Hán
Việt bây giờ đã quen thuộc như giao chiến, mãnh lực, thế lực, vô đạo,
nhân đạo, sinh ly, ủy lạo, nghẹn ngào (ngạch yết hay ngạch ế), cực khổ
v.v... Có những từ có khả năng thuần túy tiếng Việt cổ, mà Khương Tăng
Hội đã chép các tá âm của chúng qua bản dịch tiếng Trung Quốc của mình
luôn chẳng hạn, khi tả sức học của một ông già phạm chí, Khương Tăng Hội
viết: “Bỉ ông học đạo... chuyên ngu lung lệ”, tức “Ông kia học đạo...
ngu si lỏng lẻo”. Rồi tả diện mạo ông ta thế này: “Nhan trạng xu hắc, tỉ
chính biển hồ, thân thể liêu lệ, diện sô thần đả, ngôn ngữ khiểng
ngật”, tức “mặt mày xấu đen, mũi chính vặn vẹo, thân thể rệu rạo, mặt
xô, môi dày, nói năng ngọng nghịu”.
Tất
cả những chữ "vặn vẹo", "xô", "dầy", "ngọng nghịu", chúng tôi hầu như
phiên âm lại những chữ viết của Khương Tăng Hội. Và chúng có thể là
những chữ quốc âm đầu tiên hiện còn ghi lại. Chữ "xô" đây là xô xảm. Chữ
"dày" đúng ra phải phiên âm là "đày". Và "đày" trên thực tế với nghĩa
"dày" vẫn còn tồn tại tại trong một số phương ngôn của vùng Bình Trị
Thiên chẳng hạn. Chữ "ngọng nghịu", "rệu rạo" và "vặn vẹo" thì quá rõ
ràng, khỏi phải bàn cãi.
Và
nếu coi những chữ như "tỉ", "diện", "thần" là những tá âm tiếng Việt
của chữ Trung Quốc tức đọc "mũi", "mặt" và "môi", thì bốn câu vừa phiên
âm có thể là một bài thơ tiếng Việt cổ:
Mũi chính vênh vẹo
Thân thể rệu rẹo
Mặt xô môi dày
Ngôn ngữ ngọng nghịu
Bài thơ này cùng với bài Việt ca đang bàn cãi có thể nói là những bài thơ xưa nhất hiện biết của lịch sử văn học Việt Nam.
Và
chữ "thuộc" nói ở trước. Chữ này xuất hiện hai lần liên tiếp nhau như
sau: “Vương viết: Thuộc bất tựu bảo, kim lai hà tật hồ?”, Đôi viết:
“Thuộc thị nô tỳ, kim vi vương tôn”. Chữ "thuộc" trong tiếng Hán, nếu
thêm bộ "khẩu", thì đọc thành "chúc" như trong "di chúc" nên có khả năng
là một tá âm "chốc" của tiếng Việt cổ với nghĩa hiện đại là "ban nãy",
"chốc lát".
Sự
xuất hiện hàng loạt các tá âm như trên, cọng với bài Việt ca trong
Thuyết uyển[104][104] đã bắt buộc những người trí thức Việt Nam phải đề
ra những nguyên lý tá âm và soạn thảo các sách văn phạm cũng như từ
điển hướng dẫn cách viết và đọc những tá âm ấy. Thực tế, sau Khương Tăng
Hội hơn một trăm năm, Đạo Cao đã viết hai tác phẩm Tá âm và Tá âm tự,
mà chắc chắn phải tồn tại cho đến thể kỷ thứ VIII, khi những cao tăng
"nhập Đường cầu pháp" của Nhật Bản đã mang về Nhật Bản và ghi lại trong
Nhật Bản quốc kiến tại thư mục lục viết vào thế kỷ thứ IX. Tuy ngày nay
hiện chưa tìm thấy Tá âm và Tá âm tự, ta vẫn có quyền giả thiết Tá âm
là một quyển sách nói về các nguyên lý mượn tiếng Trung Quốc để viết
tiếng Việt, và Tá âm tự là một tự điển về các chữ tá âm đó. Lịch sử ngữ
học và từ điển của nước ta như thể có một chiều dài khá lớn và người
khởi đầu hiện biết là Pháp sư Đạo Cao[105][105]. Sau cùng là các câu văn
thuần túy tiếng Trung Quốc, nhưng khi đọc lên, ta có cảm tưởng như
Khương Tăng Hội đã dịch từng chữ từ các câu văn Việt Nam. Chẳng hạn, câu
“ngôn thệ thậm minh”, tức “lời thề rất rõ”. Hay bốn câu:
Kim nhi bất lai
Hựu bất đổ xứ
Khanh dĩ huệ thùy
Khả tảo tương ngữ
(Nay con không đến
Lại không thấy đâu
Chàng đem cho ai
Khá sớm nói nhau)
Như
vậy, qua những phân tích trên, rõ ràng là phải giả thiết sự có mặt của
một nguyên bản tiếng Việt của truyện Thái tử Tu Đại Noa, khi Khương Tăng
Hội tiến hành dịch truyện này mới giải thích một cách thỏa đáng việc
xuất hiện có hệ thống và toàn diện của ngữ pháp tiếng Việt trong truyện
đó hiện nay. Nếu không, ta không thể nào hiểu nổi tại sao lại có những
hiện tượng bất bình thường về ngôn ngữ học kiểu ấy của Lục độ tập kinh,
ngay cả khi nại đến thói quen ngôn ngữ. Thói quen này, như đã nói, chỉ
bộc phát một cách lộ liễu, khi có tác động của những nhân tố khác, chứ
tự bản thân nó không thể làm xuất hiện một cách có hệ thống và toàn diện
ngữ pháp tiếng gốc của người viết. Quá lắm thì nó chỉ hóa thân vào một
số tàn dư, mà người đọc phải đọc kỹ lắm mới phát hiện ra.
Nói
tóm lại, chỉ với những chứng cớ nội tại hiện có của truyện Thái tử Tu
Đại Noa, chúng ta cũng có thể giả thiết sự tồn tại một nguyên bản truyện
Thái tử Tu Đại Noa tiếng Việt vào thời Khương Tăng Hội, để từ đó Hội
dịch ra tiếng Trung Quốc trong Lục độ tập kinh ngày nay; nghĩa là truyện
ấy đã tồn tại trước năm 251, nếu không nói là trước nữa. Và như chúng
tôi đã chứng minh[106][106], Phật giáo, nếu không truyền vào Việt Nam
trước những năm cuối của thiên niên kỷ thứ nhất tdl, thì cũng không thể
chậm hơn năm xảy ra cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng (40 - 43) và chắc
chắn là trước năm 100 sdl, khi người nước ta đã biết “trồng hoa uất kim
hương để cúng Phật”. Khi đã truyền vào khoảng thời gian đó, đến thời Mâu
Tử Bác và Khương Tăng Hội, hẳn đã phải có một số kinh sách lưu
hành[107][107] và lưu hành qua tiếng địa phương của người Việt. Cho nên,
Mâu Tử Bác trong Lý hoặc luận có dẫn truyện Thái tử Tu Đại Noa và
Khương Tăng Hội có dùng để dịch lại trong Lục độ tập kinh, thì đó cũng
là chuyện bình thường, hoàn toàn có thể lý giải được. Huống nữa là với
những chứng cớ ngôn ngữ học dẫn trên của Lục độ tập kinh.
Vì
vậy, có thể nói Matsumoto[108][108] hoàn toàn sai lầm, khi căn cứ vào
việc trích dẫn truyện Thái tử Tu Đại Noa, để kết luận Mâu Tử Lý hoặc
luận là ngụy thư. Sai lầm này xuất phát từ một thái độ làm việc không
nghiêm túc, vừa ngây thơ ấu trĩ, vừa hấp tấp vội vàng. Ngây thơ ấu trĩ
vì cả tin vào những gì thấy ở trước mắt, và hấp tấp vội vàng vì đã không
chịu tìm hiểu mà đã đi đến một kết luận đao to búa lớn. Matsumoto thấy
truyện Thái tử Tu Đại Noa do Khương Tăng Hội dịch, thì tin rằng nó do
Hội truyền vào Việt Nam và Trung Quốc, mà không chịu khó đọc kỹ và phân
tích xem nó có chứa đựng gì khả nghi đáng bàn cãi không. Do đó, qua
những phân tích về Lục độ tập kinh trên từ nay trở đi ta có thể loại bỏ
một cách dễ dàng những lối ăn nói hàm hồ vội vạ thiếu nghiêm chỉnh kiểu
Matsumoto trên đối với Mâu Tử Lý hoặc luận. Không những thế, những phân
tích trước còn củng cố ngược lại những kết luận đầy tính thuyết phục và
sáng tạo của Pelliot và Hồ Thích, xác định Mâu Tử Bác viết Lý hoặc
luận vào năm 195. Đây quả là một hệ luận thật bất ngờ. Càng nghiên cứu
Khương Tăng Hội và Lục độ tập kinh, ta càng cảm thấy việc Mâu Tử Bác
viết Lý hoặc luận vào năm 195 là hoàn toàn xác đáng và hợp lý.
Nhưng
không chỉ truyện Thái tử Tu Đại Noa của Lục độ tập kinh có hiện tượng
ngôn ngữ học bất bình thường vừa nêu, mà còn 11 truyện khác của bản kinh
này cũng chứa đựng những hiện tượng bất bình thường tương tự, như đã
thấy, và trải dài trên một diện rộng bao trùm toàn bộ bản dịch, từ
truyện 13 đến truyện 85 trên tổng số 91 truyện. Sự xuất hiện có tính hệ
thống và toàn diện đây tất cũng chỉ dẫn đến một kết luận hiển nhiên là,
phải tồn tại một nguyên bản tiếng Việt của Lục độ tập kinh, chứ không
phải chỉ truyện Thái tử Tu Đại Noa, để cho Khương Tăng Hội sử dụng mà
dịch ra bản Lục độ tập kinh tiếng Trung Quốc hiện còn.
Nói
khác đi, Lục độ tập kinh mà ta hiện sử dụng để dịch ra tiếng Việt, thực
sự là một dịch phẩm từ một nguyên bản Lục độ tập kinh tiếng Việt, chứ
không phải từ một nguyên bản tiếng Phạn. Chính vì dịch từ một nguyên bản
tiếng Việt, nên do tiếp thu những thành tựu văn học của nguyên bản
tiếng Việt đó, mà nó có "văn từ điển nhã", làm cho những nhà nghiên cứu
tầm cỡ như Thang Dụng Đồng đưa ra giả thiết là Lục độ tập kinh hiện nay
là một tác phẩm viết, chứ không phải là một dịch phẩm của Khương Tăng
Hội. Sự kiện "văn từ điển nhã" như thế, có thể được lý giải một cách dễ
dàng, mà không cần giả thiết Lục độ tập kinh là một tác phẩm viết của
Khương Tăng Hội. Và cũng chính vì dịch từ một nguyên bản tiếng Việt nên
mới có hiện tượng sử dụng những thuật ngữ thuần túy phương Đông như nhân
nghĩa, nhân đạo, hiếu thuận, trung trinh v.v... cũng như những nhận
xét phê phán Nho giáo, thậm chí đi đến chỗ cải biên một bộ phận của
truyện hoặc hư cấu nên những truyện mới hoàn toàn, mà ta không thể tìm
thấy trong kho tàng truyện cổ bản duyên Phật giáo Ấn Độ, dù Pali hay
Phạn văn. Việc cải biên và hư cấu này có một ý đồ rõ rệt, thể hiện mục
tiêu nhắm tới của Lục độ tập kinh không phải là những đối tượng truyền
giáo chung chung ở bất cứ địa phương nào cũng được, mà là những đối
tượng cụ thể với những hạn chế dân tộc và truyền thống văn hóa và văn
minh riêng. Nói thẳng ra, Lục độ tập kinh hiện nay mang những đặc thù
riêng, vì nó được hình thành từ truyền thống Phật giáo dân tộc Việt, và
đối tượng nó nhắc tới trước tiên là dân tộc Việt này. Một phân tích xuất
xứ và nội dung sẽ làm rõ những kết luận vừa nêu