Theo cuốn “Bổn xã khai khẩn truyện ký”(Soạn vào năm thứ 22, triều Cảnh Hưng (1762), sao lục dưới triều Tự Đức, năm thứ 18 Ất Sửu (1865) nguyên văn chữ Hán hiện còn lưu giữ tại nhà truyền thống của làng), làng Cảnh Dương được thành lập vào năm Quý Mùi (1643). Những cư dân Nghệ An vào lập nghiệp trên vùng đất cát ven sông Ròn, sau khi làng xóm ổn định, đã bắt tay vào việc xây dựng một số công trình đền, chùa, am miếu để thờ phụng thần, Phật, để làm nơi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa hương thôn. Theo lời ghi trong “Hương ước” của làng, chùa Cảnh Dương được dựng vào năm 1667, mang tên là “Cảnh Phúc tự”. Chùa nằm ở đầu làng, giữa một vùng cây um tùm, mát mẻ, mặt hướng về phía Bắc, lấy sông Loan làm minh đường, lấy núi Phượng (một tên gọi khác của dải Hoành Sơn - đèo Ngang) làm tiền án.
Sông Loan, núi Phượng hữu tình
Bia vàng, ấn ngọc anh linh chầu về.
Khách tới vãng cảnh hoặc đi lễ ở chùa, sau khi qua lần cổng thứ nhất có hai cây trụ biển khá cao là đến với một khoảng ao vuông rộng chừng 400m2 xây đá. Vòng quanh ao có đường lát gạch cho khách đi lại hoặc tới ngồi nghỉ đón gió lành, ngắm hoa sen, hoa súng khoe sắc hồng, sắc trắng trên mặt ao xanh. Rời ao chùa, bước lên 7 bậc tam cấp là đến cổng tam quan. Đây là một công trình kiến trúc khá bề thế. Theo chiều ngang, tam quan kéo dài đến 30m, bao gồm một cổng lớn, hai cổng nhỏ và hai lầu hai tầng treo chuông, treo trống. Sau cổng tam quan là khoảng sân chùa rất rộng với mặt cát mịn màng, với tường xây kín đáo bao quanh. Sân chùa, nhiều loại cây và hoa quý như đại trắng, phượng vàng, ngọc lan, hồng nhung, trúc bạch v.v… bốn mùa khoe sắc, tỏa hương… Ao chùa và sân chua mát mẻ, tĩnh lặng tạo nên một không gian xanh yên lành, cô tịch, nhưng vẫn gắn bó với làng quê, với cuộc sống của cư dân nơi thôn dã.
Chùa Cảnh Dương kiến trúc theo kiểu chùa phía Bắc, gồm 2 ngôi nhà (mỗi nhà 5 gian) kết liền nhau và chia thành tiền đường và hậu tự. Mái chùa lợp ngói âm dương với những đường uốn lượn rất mềm mại ở hai đầu hồi.
Hậu tự của chùa trưng bày gần 100 pho tượng làm bằng các chất liệu: đồng, gỗ, đá với nhiều kích cỡ to, nhỏ khác nhau. Tượng Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen, Phật Tuyết Sơn, Phật Bà Quan Âm nhiều mắt, nhiều tay, Phật Di Lặc, tượng các vị La hán… mỗi bức tượng là một công trình, một tác phẩm nghệ thuật mang nhiều giá trị lớn. Các tác phẩm điêu khắc này có cái do các nghệ nhân trong vùng tạo nên, nhưng cũng có nhiều cái được các chùa khác hiến tặng hoặc được đưa từ ngoài Bắc vô, từ trong Nam ra. Trong chùa còn treo nhiều bức tranh màu vẽ canh Niết bàn và địa ngục…
Phần tiền sảnh rất rộng rãi. Gian giữa là nơi đặt đồ nghi trượng, chuông, mõ và cũng là nơi để các sư ngồi hành lễ mỗi sớm, mỗi chiều. Hai đầu tiền sảnh có 2 bức tượng Hộ pháp cỡ lớn, cao chừng 5m, dân trong làng thường gọi là ông Thiện, ông Ác. Hai ông cưỡi hai con kỳ lân lớn, ông cầm thanh long đao, ông cầm sổ sách, thân hình cao lớn, mắt phượng, mày ngài, oai phong lẫm liệt, ai nhìn vào cũng kính nể. Tiền sảnh cũng là nơi để thiện nam, tín nữ tụng kinh, niệm Phật trong các ngày lễ. Trên các cột chính của tiền sảnh treo nhiều bức câu đối làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng rất rực rỡ. Các vị túc nho của làng, mãi sau này vẫn còn hay truyên tụng các câu:
Đuốc tuệ đốt tan rừng khổ não
Mây từ che lấp bể trầm luân
Phật tức thị tâm, tâm thị Phật
Nhân nhân hoàn đạo, đạo hoàn nhân.
Ngoài 2 ngôi nhà lớn, bên phải chùa còn có 2 ngôi nhà khác làm nơi trai giới và sinh hoạt cho các vị Tăng Ni. Điều đáng nói là chùa làng Cảnh Dương, hàng trăm năm qua, dưới bom rơi, đạn nổ vẫn còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị văn hóa cao, như Dị bảnVăn chiêu hồn của thi hào Nguyễn Du, 2 sắc phong của vua Khải Định (1924) và đặc biệt là quả chuông đồng lớn đúc vào năm 1801, năm cuối cùng của triều đại Tây Sơn. Quả chuông này nặng 137kg, đầu tròn, miệng loe, thân cao 720mm (nếu tính cả quai chuông thì độ cao của chuông là 1.050mm), đường kính miệng chuông: 550mm. Thân chuông có nhiều họa tiết đúc nổi, giữa các họa tiết đó nổi lên 4 chữ lớn (chiều cao 11mm) phân đều 4 phía: Cảnh viện hồng chung. Toàn bộ mặt chuông khắc chìm bài ký do giám sinh Nguyễn Đức Quýnh người Cảnh Dương soạn. Ngày tháng đúc chuông ghi rõ: “Hoàng triều Cảnh Thịnh cửu niên tuế tại Tân Dậu nhị nguyệt thập lục nhật” (Hoàng triều Cảnh Thịnh năm thứ 9 nhằm ngày 16 tháng 2 Tân Dậu)(2).
2. Người làng Cảnh Dương hơn 350 năm nay chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt, chế biến và buôn bán hải sản. Cuộc sống của họ gắn với sông nước, biển cả, nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít vất vả, rủi ro. Là cư dân của một làng văn vật, người Cảnh Dương rất tôn trọng, rất đề cao các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo. Đình Tổ thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền, Đình lớn thờ thành hoàng làng, chùa thờ Đức Phật, miếu thờ Cá Ông voi… là những nơi xuân thu nhị kỳ làng mở hội tế cúng thần linh để cầu chúc cho dân làng có cuộc sống bình an, no cơm, ấm áo. Chùa làng, trước năm 1945 có các sư trụ trì, sớm chiều tụng niệm, khói hương… Ngày rằm, ngày mồng một, đặc biệt là vào các dịp lễ Phât đản, lễ Vu lan, người làng già trẻ, lớn bé đi lễ chùa rất đông. Người bình dân thuở xưa không phải ai cũng hiểu sâu giáo lý của đạo Phật. Họ tới chùa là để được giải tỏa, thăng hoa về tâm linh, để được nghe và làm theo những điều Phật dạy. Nhưng từ ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ (1946), Cảnh Dương trở thành pháo đài chống giặc Pháp, máy bay, tàu chiến bắn phá thường xuyên thì chùa làng không còn cảnh sinh hoạt đông vui như ngày xưa nưa. Cũng như tiền sảnh của đình Thánh, đình Tổ, tiền sảnh của chùa được người làng dành làm nơi cho con cháu học hành. Tôi đi học lớp “Ấu trĩ viên” (ngày nay gọi là lớp mẫu giáo - vỡ lòng) chính ở tiền sảnh của chùa làng từ năm 1950. Bảy năm sau (1957), khi lên lớp 4 (lớp cuối cấp I thuở ấy), lần thứ 2, tôi lại được đến chùa để học. Lũ học trò chúng tôi ngồi học trước sự “chứng kiến” của ông Thiện, ông Ác và trong sự chở che của Phật Tổ, Phật Bà. Sân chùa, ao chùa là nơi chúng tôi được thỏa sức vui chơi, ngắm hoa, bắt bướm… Thỉnh thoảng chúng tôi lại được ông từ giữ chùa cùng các cô giáo mở cửa hậu đường dẫn vào nội điện và giảng giải cho nghe về cuộc đời của Đức Thích Ca Mâu Ni. Những câu chuyện cổ tích hay về Cây nêu ngày Tết, về ông Mục Kiền Liên, về cô Thị Kính, Thị Mầu…, chúng tôi cũng được biết từ những ngày học ở chùa làng. Chúng tôi cũng hay hỏi cô giáo nhiều câu hỏi xoay quanh đạo Phật, ví như: Vì sao Đức Phật lại có nhiều mắt, nhiều tay? Ông Thiện, ông Ác cầm đao, cầm sách để làm gì? v.v… Những lời dạy dỗ, bảo ban của cô giáo, của ông thủ từ từ những ngày chúng tôi ngồi học ở tiền sanh chùa làng giúp chúng tôi hiểu rõ thế nào là lòng yêu thương con người, là phải làm điều thiện, tránh điều ác… Những bài học đầu đời ấy đi với lũ học trò nhỏ chúng tôi suốt cả cuộc đời.
Bước vào tuổi thanh niên, từ cuối năm 1962 đến nay, đi dạy học ở các vùng quê xa, tôi có nhiều dịp viếng thăm nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở Thái Nguyên, Hà Nội, Huế, Sơn Tây, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Long An, Đà Lạt, TP.Hồ Chí Minh… và đọc thêm một số sach báo về Phật giáo. Tôi càng thấy yêu quý hơn về ngôi chùa cổ kính của làng tôi và hiểu sâu hơn những giá trị nhân văn, nhân bản của đạo Phật. Mỗi dịp về thăm quê, tôi lại đến thăm ngôi chùa xưa. Tiếc rằng do bom đạn của chiên tranh, do sự tàn phá của nắng mưa, hiện thời ngôi chùa làng Cảnh Dương đã không còn được nguyên vẹn và đẹp đẽ như thuở nào. Ước mong của đông đảo dân làng tôi và những người con đang sống xa quê là làm sao ngôi chùa xưa của làng sớm được trùng tu để chùa làng mãi mãi là một giá trị văn hóa cao đẹp của quê hương, của đất nước.
Trần Hoàng
(1) Bát danh hương gồm: Sơn (Lệ Sơn), Hà (La Hà), Cảnh (Cảnh Dương), Thổ (Thổ Ngõa), Văn (Văn La), Võ (Võ Xá), Cổ (Cổ Hiền), Kim (Kim Nại). (2) Xin xem:- Cảnh Dương chí lược (Trần Đình Vĩnh chủ biên)- Sở VHTT Quảng Bình xb năm 1993. - Kể chuyện làng biển Cảnh Dương (Nguyễn Viễn)- Hội VHNT Quảng Bình xb năm 1999. - Một di sản văn hóa thời Tây Sơn vừa được phát hiện (Trần Hoàng)- Tạp chí “Nghiên cứu lịch sử Bình Trị Thiên” số 3-1989.