Tháng Bảy đi qua, những bộn bề lo toan của hàng triệu triệu
con người, là những phụ huynh và học sinh, lo cho cái ngưỡng sẽ phải bước qua
để đi tiếp, để những ngã rẽ tiếp nối mang tên “số phận” một con người. Có những
ước mơ dang dở và có những sự vỡ òa hạnh phúc. Trong nhân duyên trùng trùng, vô
thủy vô chung này, âu mọi sự biểu hiện đều là “hội đủ nhân duyên”, nên tất cả
đều là lẽ đương nhiên, có cưỡng cầu cũng không được, nếu cưỡng cầu lại thêm xót
xa, khổ đau thêm.
Tháng Tám mùa thu, sắp sang - Ảnh minh họa
Nhưng, tháng Bảy đi qua, bên cạnh những nỗi lo hằn sâu trong
nếp nghĩ của học trò còn là những dấu vết về tình người thơm thảo, về những
thương yêu thao thức của những ông bố bà mẹ nơi trường thi, nơi những trang
sách còn bỏ ngỏ của con. Những lời an ủi chân thành, về sự thành công, thất bại
trong cuộc đời, trong một mùa thi đủ kéo những người trẻ tin rằng, con đường
còn dài phía trước, ta cứ đi, rồi ta sẽ vươn xa…
Ước mơ và hoài bão, tuổi trẻ ai mà chẳng có. Tháng Bảy là
tháng cô đọng, đông đặc những lo âu, bởi những ước mơ đến thời phải biểu hiện.
Hạnh phúc của người thành công, hay nỗi buồn của ai chưa chạm tay vào mơ ước là
điều phải ngẫm, phải suy, trong cách ứng xử với nó. Cả xã hội đang có một hướng
nhìn khác về thành công, về giấc mơ giảng đường, rằng đó không là con đường duy
nhất. Cha mẹ tảo tần đặt lên vai con một thông điệp, một ước mơ mà cuộc đời cha
mẹ chưa làm được, con ráng làm rạng rỡ tổ tông. Con cái lớn lên, đeo đuổi
chuyện học hành, hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình trong chuyện học, và
cũng hiểu ước mơ của cha mẹ cũng là mơ ước của chính mình. Nhưng, sức người có
hạn, thêm vào đó là những rủi may của chốn trường thi, trên lộ trình “lều
chõng”, lắm khi trái gió trở trời cũng đủ là chướng ngại bước vào lộ giới thành
công.
Nếu hiểu và đồng điệu với những ước mơ, thương con một cách thật thà thì
chắc chẳng có cha mẹ nào nỡ nặng lời khi con chưa thi đỗ. Và nếu hiểu và thương
cha mẹ một cách thật thà thì chắc chẳng có người con nào vì sự buồn giận nhất
thời, la mắng nhất thời của cha mẹ vì những va vấp, thất bại của mình trên
đường đời mà lại chọn cái chết…
Tất cả là ở chỗ tình thương và sự hiểu biết. Song, hiểu và
thương đó, nhưng lắm khi tập khí vốn ăn sâu lâu ngày, đã hiểu và cũng thương
lắm nhưng thói quen xấu cứ hiển bày, gây ra những đớn đau bất ngờ. Xã hội trọng
bằng cấp, và theo cái guồng của bằng cấp (phải có) để tồn tại, để vươn xa hơn
trong ước vọng “công thành danh toại” làm người ta nhiều phen đau đớn, khô
khốc, chật vật… Ấy vậy mà người ta vẫn thích cổ xúy cho thứ bằng cấp hão huyền,
vốn không phải là điều kiện tiên quyết của hạnh phúc bằng cách tự xưng, tự
sướng với những chức danh, những học vị, học hàm… như một thứ trang sức phô bày
để người ta nể, phục. Có thể có đó, nhưng, nhơn cách và tấm lòng thơm thảo đôi
khi đáng giá gấp trăm ngàn lần.
Có bận, người ta nghiêng mình với chị bán vé số nghèo không
bằng cấp trả lại 6,6 tỷ đồng tiền vé trúng cho anh thợ hồ - bởi một
“hợp-đồng-miệng”, tiền chưa trao, cháo chưa múc. Và anh thợ hồ nọ cũng cư xử
rất đẹp khi tặng lại một tấm vé số trúng giải đặc biệt 1,5 tỷ đồng cho chị bán
vé số. Cả hai cùng vui, và xã hội đã có một dịp lấy lại niềm tin nơi thiên
lương của con người - thực ra vẫn còn đâu đó, không hề bị mai một như bức tranh
màu xám mà họ vẫn thường thấy trên các trang báo “cướp-hiếp-giết” mỗi ngày,
cũng như những trang mạng xã hội mọc ra như nấm ở ta hiện nay…
Chao ôi, tháng Bảy đi qua, đi qua, để năm-tháng mình hiện
hữu cứ ngắn lại trong ý nghĩ, giả như đời người là một quỹ sống cố định, thì
mỗi ngày qua ta đã xài thêm một ngày. Ngày đi qua sao cho không hoang phí,
không uổng kiếp người theo Đức Phật dạy là rất khó được! Hỏi thế để âm thầm
quay về quét dọn vườn tâm, chào tháng Tám sắp sang…