Chùa được xây dựng bởi nhà sư Ado, ngôi chùa bị đốt cháy bởi sự xâm lược của
Nhật Bản năm 1592. Sau đó, ngôi chùa đã được trùng tu vài lần và làm
mới cho đến nay.
Tác giả tại chùa Mahasa - Ảnh: C.T.V
Ngôi chùa mang đậm phong cách kiến trúc của Hàn Quốc, với những
mái cong điển hình theo phong cách chùa cổ của Hàn Quốc (có ảnh hưởng đường
nét kiến trúc của Nhật Bản với ngói cong theo lối kiến trúc tiền bẩy hậu bẩy và
nhiều vì kèo, trên đỉnh mái không có các hình tượng rồng lượn và biểu tượng
chuyển pháp luân như thường thấy ở chùa Việt Nam).
Điều đặc biệt là tấm biển Đại hùng bảo điện và các câu đối lại được viết bằng tiếng Hán. Các họa
tiết hoa văn trang trí rất chi tiết bằng màu sắc chủ đạo là xanh dương, đỏ và xanh
đậm tạo nên một sự hài hòa, hợp lý.
Chuyện xưa kể rằng, những người
dân tại Mahasa đang lạnh run lên vì mùa đông khắc nghiệt do không có lửa của
than củi. May mắn thay, ngày hôm sau họ đã tìm được mồi lửa từ than củi ở trên
núi và câu chuyện lạ lùng này được lan truyền nhanh chóng. Một tu sĩ trẻ trên
núi Hwangryeong
đã thành công trong việc giữ lửa than củi trong mùa đông cực kỳ giá lạnh. Sau
đó người dân đã chuẩn bị cháo và đậu đỏ mang lên cúng dường vị tu sĩ trẻ. Họ
quan niệm rằng vị tu sĩ này là một trong
16 Nahan (Nahan là những vị thánh, môn đồ của Đức Phật) đã đến ngọn núi Hwangryeong này để
cứu dân chúng.
Quý thầy và Phật tử làm lễ tại chùa - Ảnh: Trần Ánh Dương
Bên trong chính điện - Ảnh: Trần Ánh Dương
Ngôi chùa nhỏ được xây dựng trên
một mảnh đất nhỏ khoảng 500m vuông với một ngôi chánh điện, một điện thờ nhỏ
phía bên trái, một giảng đường dành cho sinh hoạt giáo lý và tháp chuông nhỏ ở
cổng vào.
Trong ngôi chánh điện, điện Phật được bài trí trang nghiêm tôn thờ tượng
Phật Thích Ca, tượng Đức Phật A Di Đà đặt bên phải và tượng Đức Phật Dược Sư đặt
bên trái Đức Phật Thích Ca.
Ngoài ra
chùa còn có một lầu các trên cao để thờ cúng Phật và các vị anh hùng đất
nước. Chùa có đầy đủ phòng ăn nhà bếp và phòng làm việc. Phong cách
kiến trúc ở đây đều
điển hình như các chùa thường thấy ở Hàn Quốc. Chùa hiện nay có 4 nhà sư
đang
sinh sống và tu tập nơi này. Được biết, chùa còn có rất nhiều các Phật
tử đến phụ giúp các công việc trong chùa như nấu
ăn và quét dọn.
Những góc nhìn về chánh điện - trang nghiêm, bề thế - Ảnh: Trần Ánh Dương
Khi bạn đến đây bạn sẽ nghe thấy tiếng chuông mõ hòa nhịp với lời
kinh đều đều của các nhà sư kết hợp với tiếng nước suối chảy róc rách tạo nên một
cảm giác bình an, không gian tĩnh lặng và hòa hợp với thiên nhiên cây cối bao
quanh. Tất cả tạo nên một cảnh quan vô cùng phóng khoáng và gần gũi với thiên
nhiên.
Phật giáo được phát triển ở Hàn Quốc chủ yếu là Bắc tông, các sư ở đây đều mặc áo dành cho tu sĩ theo trường phái Hàn Quốc
là áo rộng, có 2 tà và nhiều nếp tà rộng như quý thầy Bắc tông của Việt Nam thường
mặc.
Việc thờ cúng ở đây khá đơn giản, chỉ bao gồm nước, gạo, muối, trái cây, đậu
đỏ và bánh chay. Ở đây các chùa đều không trưng hoa để cúng Phật, chùa cũng rất
ít khi thắp hương khi làm lễ. Những Phật tử đến đây đều thể hiện lòng tôn kính
Đức Phật và các vị khai quốc công thần của Hàn Quốc.
Việc phát tâm cúng
dường và lễ lạy ở đây cho thấy lòng tín tâm của những Phật tử rất chí thành chí
tín, gần gũi với văn hóa Phật giáo Việt Nam. Họ đến đây với tinh thần tìm về cội
nguồn tâm linh và cảm giác thanh bình an lạc, ai đến chùa cũng làm lễ, bỏ chút
tiền cúng dường và ngồi tĩnh tọa 30 phút trước khi xuống núi.
Hiện
nay, chùa
chiền ở Hàn Quốc rất nhiều nhưng số lượng Phật tử đều giảm do sự lan
tràn bởi chiến dịch "cải đạo" của ngoại đạo, đây là điều đáng lưu ý mà
Phật giáo Việt Nam phải luôn cảnh giác.
Các chùa thì thường tọa lạc trên núi cao, để đến được với chùa tìm đạo
thì khá
công phu và vất vả. Tuy nhiên, hiện nay việc hiện đại hóa giao thông
cũng làm
cho việc đi lại bằng ô-tô tương đối dễ dàng.
Một góc chùa Mahasa - Ảnh: Trần Ánh Dương
Điều đặc biệt ở đây, chùa không thờ chư Tổ các
đời đã qua và không thấy các khu mộ dành cho các bậc tôn túc đã viên
tịch.
Chúng tôi đến đúng vào thời điểm chùa đang làm lễ có rất nhiều Phật tử
đang
hành lễ, các Phật tử đều mặc áo lam, màu nhẹ nhưng không giống áo lam
của Việt Nam mà thường có quần và áo riêng, áo thì ngắn và rộng, quần
cũng rộng và bó
tương tự.
Ở đây các sư cũng tụng kinh Di Đà và chú Đại bi theo tiếng Hàn, thời
gian làm lễ kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ và kết thúc bằng việc đọc tên các Phật
tử đăng ký làm lễ. Trên trần nhà của chánh điện và lầu các đều có treo các tên
của các Phật tử muốn cầu siêu, cầu an được ghi chép, đánh số cẩn thận tạo nên một
bức rèm trang trí khá đẹp mắt.
Tóm lại, nếu bạn đến đây bạn
sẽ cảm thấy được sự gần gũi về văn hóa Phật giáo tương đồng với Phật
giáo Việt Nam và có được cảm giác tự tại, bình an bằng chất liệu của
Phật nơi cửa thiền
môn.