Từ thành phố Hồ Chí Minh bay đến Quảng Châu, bắt đầu từ Lhasa tới
Kathmandu, vượt qua Gyantse, Shigatse, Shegar, Rongbuk Valley, Everest
Base Camp, Nyalam, Kathmandu, Lumbini, chúng tôi di chuyển bằng xe ô tô
Land Cruser với tổng chiều dài bằng đường bộ khoảng 2.000 km trong điều
kiện khắc nghiệt. Sau 14 ngày ròng rã, tôi đã trở về an toàn, hoàn thành
ước mơ ghi dấu trên các nẻo đường Tây Tạng, Nepal, trên các địa danh
Everest và Lumbini - nơi bất cứ ai cũng khát khao được một lần ghi dấu
chân mình.
Khi máy bay giảm độ cao xuống Lhasa – thủ phủ của Tây Tạng, tôi chợt
nôn nao khi thấy dãy núi Himalaya hùng vĩ trùng điệp dưới cánh bay. Núi
tiếp núi, mây vờn mây, những dòng sông băng khổng lồ cuồn cuộn… Himalaya
đây ư? Tôi có thể tới đây ư. Lòng hồi hộp, trái tim tôi như bị ai bóp
nhẹ với những cảm xúc dâng trào.
Điều đầu tiên Tây Tạng tiếp đón chúng tôi là …sự khó thở. Nằm ở độ
cao 5000m so với mực nước biển nên ít oxy. Và thời tiết khắc nghiệt cộng
với độ cao đã gây ra một số bệnh thường không gặp phải trên các đồng
bằng. Nhức đầu, buồn nôn, sự mệt nhọc, thờ ơ, khó thở, nói chung là khó
chịu, ánh sáng chói, mất thăng bằng, mất phương hướng, và mất ngủ là một
vài khó chịu thường gặp. Đây là vấn đề nói chung cho tất cả mọi người,
không phân biệt tuổi tác, giới tính và thể chất. Dần dần quen với khí
hậu là câu trả lời tốt nhất. Chính vì vậy, chúng tôi buộc phải làm quen
với một số quy tắc, cố tình làm chậm tất cả các hoạt động như thư giãn,
giảm nói chuyện, quan sát im lặng và cười, tránh hút thuốc, uống rượu,
mang hành lý nhẹ, đi chậm, cứ 15 phút đi thì nghỉ 5 phút….Cũng có lẽ
chính vì thế, không gian hành hương ở Tây Tạng cũng “thiền” theo đúng cả
nghĩa đen và nghĩa bóng.
Người dân ở Tây Tạng (Tibet) rất hiền hòa và có họ có một đức tin vào
Phật Giáo mãnh liệt, 70 -80 % thu nhập của người dân Tibet dùng để
cúng chùa chiền. Đối với họ, cõi này chỉ là cõi tạm, cứ rạp mình bái
lạy trời xanh, bái lạy phật tổ để kiếp sau sống thanh bình, thảnh
thơi...kiếp sống này hữu hạn còn vô lượng kiếp là ở mai sau.
Người Tây Tạng đi hành hương rất nhiều. Và Đại chiêu tự là nơi hành
hương quan trọng bậc nhất của họ, dc coi là "trung tâm tinh thần của
Phật Giáo của Tibet”. Chúng tôi theo chân những người hành hương trên
đường, nhắm thẳng tới Đại Chiêu Tự. Bên ngoài Đại Chiêu tự là cây tháp
trước chùa rất phổ biến ở Tây Tạng, nó gửi lên trời những điều cầu may
được ghi trong những lá cờ xanh đỏ. Đuôi trâu Yak ở trên đỉnh tượng
trưng cho nóc nhà (người Tạng hay dùng lông Yak để lợp mái nhà)
"Tam bộ nhất bái" là cách hành hương thường được chọn. Họ tin rằng
đường đi càng khổ hạnh bao nhiêu thì tội lỗi càng được gột sạch bấy
nhiêu. Trên khắp những con đường hành hương Tây Tạng, chúng tôi luôn bắt
gặp người dân ở đây quỳ rạp xuống đường với một niềm tin mãnh liệt.
Trước Đại chiêu tự, khánh hành hương thường làm lễ “Ngũ thể nhập địa”,
theo như quan sát thì trước tiên là 2 tay chụm lại làm thành hình như
búp sen chưa nở, sau đó chạm lên đầu, chạm xuống phía dưới cằm, rồi chạm
xuống ngực, thân hình theo đó mà cúi thấp xuống, 2 tay đưa về phía
trước rồi đầu gối quỳ xuống cho đến khi chạm toàn thân xuống đất, khi đã
nằm song song với mặt đất thì 2 tay lúc này ở phía trên đầu, ngón tay
có thể lần 1 hạt trong tràng hạt hoặc bấm vào 1 máy nhỏ đeo ở cổ tay;
như vậy là làm xong 1 lần lễ. Người Tạng đến Đại Chiêu Tự bày tỏ lòng
thành bằng hình thức bái lạy như thế, ít nhất là lần hết 108 hạt trong
tràng hạt hoặc lễ bái đến 10,000 lần! Ấy là điều mà chúng tôi nghe được
từ người giới thiệu.
Điều đặc biệt nữa là những dân tộc sống trong khu vực Himalaya thường
sử dụng phần trán rất nhiều. Họ chào tạm biệt nhau bằng cách cụng trán
vào nhau, cầu khấn bằng trán và họ gánh hàng hóa cũng bằng trán…
Trên nóc các chùa hay tu viên thường là các Chuyển kinh luân quay
suốt ngày. Người Tạng tin rằng các Chuyển kinh luân này sẽ nhân gấp hàng
ngàn lần các câu tụng kinh của họ. Chính vì thế, hầu như trên tay của
những khách hành hương hay đi cúng lễ, ai cũng có 1 chiếc chuyển kinh
luân dạng cầm tay. Ở trong mỗi kinh luân thường đã chứa đựng sẵn từ
1.000 cho tới 100.000 thậm chí cả hàng triệu lần câu thần chú “Om Mani
Padme Hum” tuỳ theo kích thước to nhỏ của Kinh Luân .Cho nên mỗi khi
hành giả cất tiếng tụng chú, tay quay kinh luân thì phước đức tăng
trưởng như đã tụng hàng trăm ngàn câu thần chú “Om Mani Padme
Hum” (biến chú Lục Tự).
Phong cách kiến trúc Tây Tạng thấm đẫm ở khắp nơi. Từ Chùa chiền đến
các cửa hiệu, từ tu viện cho đến nhà ở. Điều thích thú là ở các ngôi nhà
đều có những ô cửa sổ được làm hệt như nhau nhưng mỗi ô mỗi vẻ. Trên bệ
cửa, nơi được xây đủ rộng để một đứa con gái có thể ngồi đó tán tỉnh
mây trời suốt ngày, là những chậu hoa đủ màu sắc. Có khi là hoa màu đỏ,
có khi hoa màu vàng, rồi màu hồng, màu trắng, màu tím... Có khi kín hết
khoảng không, có khi chỉ để một bên, có khi lại để chính giữa... Đặc
biệt không thể không nói đến Cung điện Potala, cung điện của các Lạt Ma,
những người lãnh đạo tôn giáo được coi là Phật Sống. Cung điện Potala
được tạp chí USA Today và chương trình truyền hình “Good Morning
America” bình chọn là một trong bảy “kỳ quan mới” của thế giới. Theo các
chuyên gia, cung Potala được chọn vì nó mang ý nghĩa quan trọng trong
lịch sử tôn giáo và là một trong số các công trình kiến trúc quý hiếm
của thời Tây Tạng cổ còn sót lại. Thú thực khi bước vào trong, tôi chưa
từng thấy một cung điện nào lộng lẫy và thấm đẫm tâm linh như thế. Rất
tiếc trong Điện không được chụp ảnh. Có thể nói Cung điện Potala là một
nơi bạn phải đến trước khi lìa đời.
Yamdrok, một hồ nước thiêng nổi tiếng quá ấn tượng với tôi. Đẹp đến
nghẹt thở theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Dừng chân trên đèo cao nhìn
xuống, tôi không tin vào mắt mình, đây có phải là cơn mơ không? Hồ xanh
một màu xanh diệu kỳ, mềm và mịn như dải lụa xanh vắt ngang triền núi
vấn vương mây trắng. Một bức tranh sơn thủy tuyệt tác.
Hành trình dài và vất vả nhưng đong đầy những cảm xúc khác biệt,
trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ có thể vắn tắt vài dòng về Lhasa
như chỉ có thể đưa các bạn nếm thử một ngày trong 14 ngày rong ruổi trên
cao nguyên Tây Tạng, dọc theo dãy Himalaya huyền bí.
Chuyến đi đã qua từ lâu nhưng thỉnh thoảng tôi lại thấy mình đang
lang thang đâu đó trên dãy Himalaya khốc liệt. Da diết nhớ về những ngày
phiêu bạt trên thảo nguyên mênh mông... tôi thích cảm giác ở một không
gian khổng lồ, cảm giác vượt qua những dãy núi ngút ngàn mây trắng bồng
bềnh dưới chân mình.
Tôi hay nhớ về buổi chiều ngắm hoàng hôn trên ngọn núi Everest. Một
không gian gần như không có âm thanh, chỉ có những dải nắng vàng như mật
ong vắt trên đỉnh núi Mẹ linh thiêng quanh năm tuyết trắng. Lạnh lẽo và
vĩ đại đến ngộp thở.
Khoảng thời gian hoang dã và điên loạn nhất mà tôi trải qua là cái
đêm xốc một anh bạn bị mất kiểm soát do thiếu oxy lên chiếc ô tô Land
Cruser, chạy từ Everest băng xuống trùng điệp những dãy núi, băng qua
thảo nguyên hoang dã theo những vết xe ngựa dưới ánh trăng sáng vằng
vặc. Hạ độ cao khẩn cấp là cách an toàn nhất và duy nhất để có thêm oxy
đem lại sự sống cho bạn mình….
Cao Thu
Vật dụng cá nhân, bắt buộc khi đi hành trình này phải mang theo như sau:
Quần áo và thiết bị:
- Aó Jacket, Polar fleece, Aó giữ ấm nhẹ.
- Tất len ấm và tất cotton dày
- Đồ lót giữ nhiệt, lông cừu hoặc hỗn hợp kết hợp.
- Áo Len chui đầu, áo sơ mi dầy.
- Găng tay, mũ ấm có trùm tai
- Mũ lưỡi trai, Mũ chống nắng & khăn.
- Đi giày(giầy đi bộ cao cổ bảo vệ mắt cá chân) thoải mái và dép có quai hậu
- Kính dùng đi nắng chói và tuyết
- Khăn-bao gồm cả chiếc khăn tay nhỏ. Các loại khăn khô và khăn ướt(càng nhiều càng tốt)
- Bình nước nóng.
- Túi đi bộ nhẹ (đối với máy ảnh, và những điều rất cần thiết.) Và balo giữ đồ đạc cá nhân của bạn.
- Áo mưa khoác có mũ trùm.
- Phụ nữ có thể lựa chọn vật liệu quần áo khác theo sở thích.
- Đèn pin với pin & bóng đèn
- Video máy ảnh.
- Ống nhòm.
- Cốc nhựa / còi.
- Dao Thụy Sĩ (đa mục đích)
- Không thể thiếu là hộp thuốc dự phòng cá nhân
|