PHẬT THUYẾT DỤC TƯỢNG CÔNG ĐỨC KINH


Đại Đường, Thiên Trúc, Tam tạng Bảo Tư Duy[2] dịch. Việt dịch: Quảng Minh
25/06/2013 06:38 (GMT+7)
Số lượt xem: 74328
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tôi nghe như vầy, một thời đức Bạt già phạn ở trên núi Linh Phong, (ở phía đông bắc) thành Vương Xá, cùng chúng đại Bí sô và cùng chư đại Bồ tát ma ha tát câu hội. 



 Bấy giờ, trong hội chúng có một vị bồ tát tên là Thanh Tịnh Tuệ, khởi lên ý nghĩ, do nhân duyên gì mà chư Phật Như Lai được thân thanh tịnh, lại nghĩ rằng, Phật ở đời thì thân cận, cúng dường, sau khi Phật diệt độ, cúng dường xá lợi, hai loại người này thu hoạch phước đức có bằng nhau không ?  Khởi niệm này rồi, nương uy thần Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, thưa với Phật rằng:  Bạch đức Thế Tôn, chư Phật Như Lai do nhân duyên gì được thanh tịnh thân; nếu Phật ở đời thì thân cận, cúng dường, sau khi Phật diệt độ, cúng dường xá lợi, hai loại người này thu hoạch phước đức có bằng nhau không ?  Bấy giờ đức Thế Tôn bảo bồ tát Thanh Tịnh Tuệ rằng, tốt lắm, tốt lắm, nay ông vì chúng sanh ở đời vị lai mà phát khởi lời hỏi như vậy, ông nên khéo nghe, Như Lai vì ông phân biệt giải nói.  Bấy giờ, bồ tát Thanh Tịnh Tuệ thưa với Phật rằng, dạ vâng Thế Tôn, chúng con xin vui muốn nghe.  Đức Phật bảo bồ tát Thanh Tịnh Tuệ rằng, chư Phật Như Lai vì cầu bồ đề nên thuở xa xưa tu tập các tam muội, giới, định, nhẫn nhục, trí tuệ, từ bi hỷ xả, giải thoát, giải thoát tri kiến, (mười năng) lực, (bốn) vô úy, tất cả Phật pháp, nhất thiết chủng trí, hết thảy toàn là những phẩm chất thanh tịnh, cho nên chư Như lai được thân thanh tịnh.  Lại lấy hoa, hương, tràng phan, bảo cái để dùng cúng dường, lại lấy nước thơm tắm thân Như Lai, lại lấy bảo cái che trùm trên thân, lấy các ẩm thực, trống nhạc, đàn ca, ngâm khen Như Lai, đem công đức này hồi hướng nhất thiết chủng trí, có được công đức vô lượng vô biên, cho đến thành tựu Vô thượng bồ đề.  Tại sao ?  Trí tuệ của Như Lai vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn, Như Lai có bao phước đức cũng lại như vậy.  Thanh Tịnh Tuệ, sau khi Như Lai diệt độ, có hai loại xá lợi, một là pháp thân, hai là hóa thân.  Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân v.v... cúng dường xá lợi, bằng cách tạo hình tượng Phật nhiều như lúa mạch, tạo tháp có hình dáng như trái am la[3], cột tháp hình dáng như cây kim lớn, lọng tháp hình dáng như cánh bèo, để gìn giữ xá lợi Phật, xá lợi lượng như hạt cải lớn, được an trí trong tháp.  Công đức cúng dường xá lợi bằng với công đức cúng dường Như Lai còn ở đời, không có khác biệt.  Người cúng dường xá lợi được mười lăm thứ công đức:  một là được tâm niệm thanh tịnh; hai là được tâm tùy thuận chánh pháp; ba là được tâm hổ thẹn; bốn là được thấy Như Lai; năm là phát tâm tịnh tín; sáu là nắm giữ chánh pháp; bảy là tu hành đúng pháp; tám là được thân cận chư Phật; chín là tùy ý thọ sanh các quốc độ có Phật; mười là sanh trong nhân loại thì sanh nhà dòng dõi, tâm tánh mềm mỏng, người gặp kính trọng; mười một là vừa sanh làm người được tâm niệm Phật;  mười hai là các chúng ma quân không thể não loạn; mười ba là ở thời mạt pháp, có khả năng hộ trì chánh pháp; mười bốn là thường được mười phương chư Phật Như Lai gia tâm che chở; mười lăm là mau được thành tựu năm phần pháp thân.  Bấy giờ đức Thế Tôn nói lời chỉnh cú rằng:

Nếu dùng tâm thanh tịnh
Sau Như Lai diệt độ
Người cúng dường xá lợi
Hoặc tạo các tháp miếu
Và hình tượng Như Lai
Ở trước tháp tượng kia
Quét tô mạn đà la
Đem các thứ hoa hương
Tung rải trên tháp tượng
Lấy các nước diệu hương
Mà rưới tắm tượng Phật
Các ẩm thực thượng diệu
Giữ sạch để cúng dường
Tán lễ công đức Phật
Vô lượng khó nghĩ bàn
Trí tuệ và thần thông
Các phương tiện thiện xảo
Thảy đều đến bờ kia.

Bấy giờ, bồ tát Thanh Tịnh Tuệ nghe đức Thế Tôn nói chỉnh cú này xong, thưa với Phật rằng, Bạch đức Thế Tôn, lúc đức Phật ở đời và sau khi Ngài diệt độ, các chúng sanh ở đời vị lai tắm tượng như thế nào, cúi xin đức Thế Tôn vì chúng sanh mà chỉ bày nói rộng.  Đức Phật dạy, Thanh Tịnh Tuệ, lúc Phật ở đời, các chúng sanh phát khởi tịnh tâm, sau khi Phật diệt độ cũng nên phát khởi tịnh tâm như vậy, không nên có sự chấp tưởng rằng có Phật hay không Phật, đối với các phẩm tính tốt đẹp (của Như Lai) ôm lòng khát ngưỡng, không sanh nhàm chán.  Tại sao ?  Vì làm như vậy là thành tựu pháp thân và báo thân của Như Lai.  Như Lai đã từng vì ông nói pháp bốn chân lý chắc thật, mười hai nhân duyên, sáu ba la mật, nay Như lai vì ông nói pháp tắm tượng, là cách cúng dường thù thắng nhất trong các cách cúng dường.

Thiện nam tử, nếu muốn tắm tượng, nên lấy ngưu đầu, chiên đàn, tử đàn, đa ma la hương, cam tùng, khung cùng, bạch đàn, uất kim, long não, trầm hương, xạ hương, đinh hương v.v..., lấy các thứ diệu hương như vậy, tùy theo các thứ có được mà làm thành nước tắm chứa trong đồ đựng sạch sẽ.  Trước tiên làm cái đàn hình vuông, thiết một sàng tọa đẹp, trên an trí tượng Phật, dùng các nước thơm lần lượt tắm tượng.  Dùng các nước thơm tắm khắp tượng xong, lại lấy nước sạch rưới tắm tượng đã tắm nước thơm.  Mỗi người lấy một ít nước tắm tượng, xức trên đầu của mình, rồi đốt các thứ hương làm sự cúng dường.

Khi nước bắt đầu chảy từ trên thân tượng xuống, nên tụng bài kệ:

Nay con rưới tắm chư Như lai
Thân tịnh trí, công đức trang nghiêm
Chúng sanh ngũ trược rời trần cấu
Nguyện chứng Như Lai tịnh pháp thân.
Khi đốt hương nên tụng bài kệ sau:
Giới, định, tuệ, giải, tri kiến hương
Khắp mười phương cõi thường thơm phức
Nguyện khói hương này cũng như vậy
Về làm tự tha năm loại thân.

Bấy giờ, đức Thế Tôn thuyết pháp này rồi, trong hội chúng có vô lượng đại bồ tát chứng đắc tam muội Thanh tịnh vô cấu, liền từ chỗ ngồi đứng dậy; vô lượng trời người được sự không thối chuyển đối với Vô thượng bồ đề.  Bấy giờ, tôn giả A Nan thưa với Phật rằng, bạch đức Thế Tôn, kinh này mệnh danh là gì, chúng con tiếp nhận và kính giữ như thế nào ?  Đức Thế Tôn dạy tôn giả A Nan, kinh này tên là Rưới tắm chư Phật được thân thanh tịnh, tôn giả nên tiếp nhận và kính giữ như vậy.  Đức Thế Tôn thuyết kinh này xong, tất cả đại chúng trong pháp hội đều rất hoan hỷ, tin tưởng, tiếp nhận và phụng hành.

 

23.06.2009

(Mùng 1 tháng 5 nhuần Kỷ Sửu)


[1] Kinh tập bộ, Đai tang kinh số 697. 大正新脩大藏經第 16 冊 No. 0697 佛說浴像功德經

[2] Bảo Tư Duy (693-706):  Một trong 24 dịch sư đời Đường (618-907).  Các dịch phẩm của ngài là: Phật thuyết dục tượng công đức kinh (ĐTK 697), Phật thuyết giảo lượng sổ châu công đức kinh (ĐTK 788), Đại đà la ni  Mạt pháp trung nhất tự tâm chú kinh (ĐTK 956), Quán Thế Âm bồ tát Như ý ma ni đà la ni kinh (ĐTK 1083), Quán Thế Âm bồ tát Như ý ma ni luân đà la ni niệm tụng pháp (ĐTK 1084), Bất không quyến tác đà la ni Tự tại vương chú kinh (ĐTK 1097), Phật thuyết tùy cầu tức đắc Đại tự tại đà la ni thần chú kinh (ĐTK 1154), Đại phương quảng bồ tát tạng kinh trung Văn Thù Sư Lợi căn bản nhất tự đà la ni kinh (ĐTK 1181), Na la diên thiên cọng A tu la vương đấu chiến kinh (ĐTK 1281).

[3] Am la = am một la (Amra): Luật Thiện Kiến gọi trái xoài là trái am la.


Nguon: https://sites.google.com/site/thanhhuongbode/kinh-tang/phat-thuyet-duc-tuong-cong-dhuc-kinh


Âm lịch

Ảnh đẹp