22/06/2013 16:33 (GMT+7)
Số lượt xem: 141595
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong các làng nghề tạc tượng Phật ở Việt Nam thường có lưu truyền ba câu cửa miệng dạng công thức khái quát như: tọa tứ lập thấttrường diện tam trùngnhất diện phân lưỡng kiên. Ba công thức này có lẽ chính là những tỷ lệ quan trọng nhất để tạo tác nên một pho tượng, cho dù là tượng đứng hay tượng ngồi. Tuy nhiên, nguồn gốc của những công thức truyền miệng này từ đâu và từ bao giờ, các nghệ nhân lâu đời nhất ở các làng nghề tạc tượng ngày nay đều không hay biết.




Theo khảo sát điền dã của Chu Quang Trứ từ cuối những năm 90, TK XX, các công thức này được rút ra từ cuốn Duyên Quang tam muội tạc tượng kinh (1), nhưng các phường thợ cho đến nay chưa bao giờ thực sự nhìn thấy sách. Năm 2001, lần đầu tiên, ông Trứ công bố tên của ba cuốn sách cổ về tạo tác tượng Phật (2). Trong thời gian gần đây, nhân việc tra cứu kho sách Hán Nôm tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, ngoài ba cuốn sách nói trên, chúng tôi phát hiện thêm một số cuốn khác cùng chủ đề liên quan. Điều này hết sức thú vị bởi dựa trên các bản dịch, các bản chữ Hán và các minh họa, chúng ta có thể so sánh, đối chiếu với các nguyên tắc tạo tác tượng Phật được lưu truyền trong dân gian, nhằm góp thêm một tư liệu cho việc nghiên cứu tượng cổ ở Việt Nam.

Những cuốn sách hiện có trong thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm bao gồm:

Tân biên tam muội tạo tượng kinh (Kinh tam muội tạo tượng biên soạn mới, ký hiệu lưu kho AC. 646, không có minh họa) do nhà sư Thi Hộ dịch, nhà sư Quán Viên chú giải. Bản in tại chùa Bảo Phúc, Hà Đông, niên hiệu Minh Mệnh 20 (năm 1839), dày 116 trang, khổ 32cm x 21cm. Sách viết về cách thức tạo tượng và nghi lễ sau khi hoàn thành một pho tượng.

Phật tượng lượng đạc kinh (Kinh nói về việc tạc tượng Phật, AC. 136, có 12 minh họa)

Phật thuyết tạo tượng lượng đạc kinh (Lời Phật dạy về việc đo đạc tạc tượng), hay còn gọi là Phật tượng lượng đạc kinhSách này do Công Bố Tra Bố (người trong nội các triều Thanh) dịch ra chữ Hán và viết lời tựa trong năm Càn Long 7 (1742). Sách in tại chùa Xiển Pháp, thôn An Trạch, khu vực Văn Miếu, Hà Nội, dày 168 trang, khổ 30,2cm x 21,2cm, hiện còn 3 bản lưu tại Pháp. Sách viết về việc tạc tượng, có 12 bức tranh tượng và các bài Phật thuyết tạo tượng lượng đạc kinh giải, tạo tượng lượng đạc kinh tục bổ, tạo tượng lượng đạc kinh trích yếu…

Tạo tượng lượng đạc kinh (Kinh về đo đạc tạc tượng, AC.123), bản in tại chùa Xiển Pháp, thôn An Thạch, Hà Nội, dày 138 trang, khổ 31cm x 22cm, có diễn Nôm và 12 hình vẽ.

Tạo tượng lượng đạc đồ dạng (Bản vẽ tỷ lệ về việc đo đạc tạng tượng, A. 3104/g, sách minh họa), bản in 52 trang, không có niên đại.

Diên Quang tam muội tạo tượng lượng đạc kinh (Kinh về việc đo đạc làm tượng phật diệt trừ lửa tam muội kéo dài ánh sáng của Phật pháp, A.3134, có 72 minh họa về các thế tay). Sách do tổ sư chùa Bích Động soạn, chép lại năm Bảo Đại Quý Mùi (năm 1943), dày 244 trang, khổ 28cm x 16cm. Nội dung chia làm 5 phần gồm: cách dựng tượng và hủy tượng; cách điểm nhãn; cách thức làm bùa an thần; các nghi thức trong việc thỉnh Phật an tâm và các nghi thức tụng niệm Phật.

Cổ Kim Phật tích lục (Các tích Phật xưa nay, VHv.2360) bản viết 84 trang, khổ 27cm x16cm. Đây là một cuốn sách có tính chất ghi chép tổng hợp gồm các phần như văn thơ đề vịnh cảnh chùa, chú giải một số thuật ngữ Phật giáo, giới thiệu một số chùa tháp nổi tiếng ở Việt Nam, chuyện các vị cao tăng, và bài dẫn sách Tạo tượng lượng đạc kinh.

 

 

Như Lai an tượng tam muội nghi quỹ (Quy cách an vị tượng Phật, AC.127),124 trang, khổ 31,5cm x 22cm, không có hình vẽ, được Truyền pháp Đại sư Thi Hộ dịch ra chữ Hán, sa môn Quán Viên chú giải, in tại chùa Xiển Pháp, Hà Nội. Sách viết về việc tô tượng Phật Như Lai Kim Cương, các nghi thức rước tượng lên đàn Phật, cách trình bày đàn Phật, các câu châm ngôn và bài ca tán tụng công đức của Phật, có thêm hình vẽ đàn Phật.

 

Phật thuyết nhất thiết Như Lai an tượng tam muội nghi quỹ kinh(Bản kinh ghi lại những lời Phật dạy về việc an vị tượng Phật), bản in tại chùa Xiển Pháp, Hà Nội, hiện lưu tại Pháp. Sách này gồm có 3 phần: Phật thuyết nhất thiết Như Lai an tượng tam muội nghi quỹ kinh, 18 trang, viết về 10 điều cần biết khi tô khắc tượng và nghi lễ rước tượng Phật lên tòa (riêng phần này còn có một bản lưu tại Thư viện Hán Nôm ký hiệu AC.127); Diên Quang tam muội an tượng nghi khoa (10 trang) nói về cách bày biện đàn cúng Phật, chủng loại, số lượng, vị trí các đồ cúng; Diên Quang tập khai quang an tượng điểm nhãn khánh tán lược nghi khoa (86 trang) viết về nội dung và nghi thức rước tượng lên bệ và điểm nhãn tượng Phật.

Lược qua nội dung của các cuốn sách kể trên, chúng tôi thấy, tựu chung các sách này có ba loại nội dung chính: thứ nhất là cách thức họa và tạc theo quy cách tỷ lệ chung cho một số tượng như Thích Ca, Adiđà, Quan Âm, Kim Cương, Hộ Pháp và với mỗi loại tượng, lại có những quy định chi tiết riêng; thứ hai là cách thức bài trí đàn cúng Phật, có sơ đồ cụ thể; thứ ba là các nghi thức an tượng, điểm nhãn.

Các nội dung này thường là được sao chép, khắc từ cuốn này sang cuốn kia nhằm lưu truyền, nên các sách cũng ít nhiều khác nhau. Bên cạnh phần chữ Hán, ở một số sách còn được bổ sung bản diễn Nôm cho người đọc dễ nhớ và phổ biến. Nội dung giữa phần chữ Nôm và chữ Hán gần như trùng lặp nhau. Các cuốn sách này có thể được xem như một loại kinh truyền bởi chúng không chỉ được dùng cho việc khắc họa tạc tượng Phật nói chung mà còn ghi chép về nghi lễ sau khi tạc tượng.

Có thể nói, chuẩn tắc trong các cuốn sách tạo tượng lượng độ kinh này được cơ bản rút ra từ quan niệm về quý tướng hay còn gọi là 32 diệu tướng của Phật, được hội tụ trong sự viên mãn, hoàn thiện. Việc tạc tượng phải tôn trọng nguyên tắc tung - hoành (dọc - ngang) cân xứng. Lối phân tích hình dáng, nghiên cứu tỷ lệ người phần nhiều dựa trên kiến thức y học dân gian (Đông y). Các đơn vị dùng để đo thường là: 4 túc = 1 chỉ = độ dài của 1 ngón (ngón tay); 12 ngón = 1 kiệt = mặt = đầu (hiện đại); 2 kiệt = 24 ngón = 1 trửu; 5 trửu = 1 tầm = 1 thỏa (thác); 1 tầm = 120 ngón chiều cao của cơ thể và cũng bằng chiều ngang của cơ thể khi dang hết hai cánh tay. Trong số những đơn vị đo này thì đơn vị đo bằng ngón là thông dụng nhất, sau đó đến kiệt (đầu hoặc mặt). Cách thức đo bằng ngón, thốn, túc, cũng là lối đo trong thực hành châm cứu (3).

Mặc dầu các sách đặt ra những nguyên tắc tạo tác rất chặt chẽ, nhưng vẫn có những biên độ nhất định cho người thợ làm tượng phát huy sáng tạo theo sở trường sở đoản của mình. Ví dụ như trong việc tạc khắc các nét mặt, áo, và tay của tượng, bên cạnh việc tuân thủ những tiêu chuẩn chung, người thợ còn phải dựa vào kinh nghiệm để có thể thêm bớt sao cho pho tượng đạt được thần thái. Như vậy, để tạo tác tượng Phật, nghệ nhân phải thông thạo không những thuật toán học, thuật hình học mà còn cả nhân tướng học và con mắt riêng của kẻ lành nghề.

Trong 9 cuốn sách kể trên, đáng chú ý nhất là cuốn Tạo tượng lượng đạc kinh (AC.123), một tập hợp gồm 138 trang gồm 2 bài tựa, 1 bài dẫn và 12 hình vẽ. Trong cuốn sách này có bài: Phật thuyết tạo tượng độ lượng kinh, Phật thuyết lượng độ kinh giải và bài Tạo tượng độ lượng kinh tục bổ. Cuối văn bản này còn có bản Tạo tượng lượng độ kinh trích yếu Phật tượng diễn âm và bài viết tay Tạo tượng độ lượng kinh hậu dẫn. Đây cũng có thể xem là cuốn sách đầy đủ nhất về cách thức tạo tác tượng Phật.

Cuốn thứ hai đáng chú ý là cuốn sách chép tay Diên Quang tam muội tạo tượng, được tổng hợp từ rất nhiều nguồn và thể hiện đầy đủ cả ba nội dung trên. Tuy nhiên có nhiều khác biệt, nhất là đơn vị đo: xích, thốn, diện chứ không dùng: ngón, kiệt, tầm; cách thức xác định tỷ lệ tượng cũng hoàn toàn khác. Đặc biệt là phần Tân biên tam muội tạo tượng nghi quỹ được người biên soạn chép nguyên văn kể cả niên đại sao và nguồn sao. Niên đại được ghi là bản thời Tự Đức (1856), sao nguyên văn từ một bản tạo tượng đời Lý (4). Còn sách này được tổ sư chùa Bích Động sao tuyển lại, hoàn thiện vào năm Bảo Đại Quý Mùi (1943). Chi tiết này có thể xem là một chi tiết đang quý, giúp góp phần truy nguyên nguồn gốc sách cũng như các nguyên tắc, đơn vị, số đo trong nghệ thuật tạo tác tượng dân gian Việt Nam.

Để khẳng định đích xác, đây có phải là bản được sao lại từ một văn bản cuối đời Lý hay không, chúng tôi đã đối chiếu các đơn vị đo này với một số mô tả về tượng Phật thời Lý ở các văn khắc khác. Như trong văn bia mô tả tượng Adiđà chùa Phật Tích, đơn vị đo có phần trùng khít (5). Như vậy, đơn vị đo lớn nhất là xích, sau đó đến diện và nhỏ nhất là thốn. Hiện nay, trong các làng nghề điêu khắc tượng Phật, người ta vẫn dùng đơn vị đo này và chủ yếu dùng diện, thốn để đo. Còn đơn vị xích thì ít thấy dùng hơn. Sách này mặc dầu không có phần minh họa các tượng Phật, nhưng lại có thêm các minh họa 72 thế tay làm phép, ấn quyết, trình độ vẽ cũng khá xảo hoạt. Trước phần vẽ các thế tay, sách còn chép thêm một đoạn kinh Đà La Ni, tức kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn, thuộc phái Mật Tông. Đây chỉ là phần thuần túy nói về nghi thức, không phải là phần nói về tạo tác tượng.

Từ sự so sánh kinh văn giữa các cuốn sách trên, chúng tôi cho rằng, rất có thể cuốn Diên Quang tam muội tạo tượng kinh là sách của người Việt được chép lại và lưu truyền từ xa xưa (có thể trước cả thời Lý). Còn các cuốn Phật thuyết hay các cuốn Tạo tượng lượng đạc kinh là sách do người Việt chép lại từ sách của Trung Quốc vào giai đoạn muộn. Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi xét đến các minh họa.

Minh họa đối với sách tạo tượng là một phần rất quan trọng bởi nó giúp người ta có thể hình dung cụ thể hình ảnh trực quan để tạc khắc. Mặc dầu, sách nào cũng có minh họa nhưng đa phần các minh họa này lại giống hệt nhau. Các hình minh họa phổ biến: Phật Thích Ca sơ sinh, Phật Thích Ca khoác áo cà sa, Chuẩn Đề 24 tay, Vô Lượng thọ Phật, Bồ Tát Văn Thù, tỷ lệ mặt Phật, Bồ Tát, tượng Minh Vương theo dạng hình ảnh của Phật giáo Tây Tạng… Hình ảnh này hoàn toàn xa lạ với Phật giáo Việt Nam và không tìm thấy ở bất cứ đâu trong các ngôi chùa Việt. Tượng Bồ Tát Văn Thù cũng không phải là tượng cưỡi sư tử xanh như thường thấy. Việc xuất hiện những hình ảnh Phật giáo Tây Tạng trong các sáchPhật thuyếtTạo tượng lượng đạc kinh này càng gia cố thêm cho giả thuyết về nguồn gốc và niên đại của chúng khi được truyền đến Việt Nam là rất muộn; như niên đại ghi trên các bản sao này thường là đời Nguyễn.

Riêng cuốn Tạo tượng lượng đạc đồ dạng có khác một chút do được tổng hợp từ nhiều nguồn với 52 hình minh họa, không có phần kinh văn. 12 hình minh họa trên là chung cho tất cả các sách, cuốn Tạo tượng lượng đạc đồ dạngcòn tập hợp thêm một số hình ảnh của các vị thần trong đạo giáo như Văn Xương Đế Quân, Kim Giáp Thần Quân, Chu Y tượng, Thái Tử Vi Đà với gáy bìa của một cuốn sách khác. Rồi minh họa phụ tam giới đồ hình ảnh của thế giới Sa Bà và biển Hương Hải thủy. Một vài minh họa khác được rút ra từ cuốn Kim Cương kinh. Rồi minh họa các vị thiền sư từ sách Giới tử họa viên, tam tài đồ hội. Minh họa Quan Âm Nam Hải Chuẩn Đề, kèm theo hai phụ thức thế tay kết ấn. Cuối cùng là một bức minh họa cảnh giới Phật. Cuốn sách này có thể xem như một cẩm nang cho các làng nghề, mà không cần đến kinh văn.

 

 

Tỷ lệ và nguyên tắc tạc tượng

 

Trong quá trình nghiên cứu cụ thể các tỷ lệ đo đạc trong cách cuốn sách kể trên, chúng tôi đối sánh chúng với các công thức hiện đang rất phổ biến trong cách làng nghề tạc tượng Phật ở miền Bắc như xứ Đông có Hà Cầu, Bảo Động, Mai Yên, Bảo Hà (Vĩnh Bảo, Hải Phòng); vùng Sơn Nam Hạ có La Xuyên (xã Yên Ninh, Ý Yên, Nam Định); xứ Đoài có Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Tây), Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Tây). Các công thức thường được truyền dạy như những thành ngữ: tọa tứ lập thất (tượng ngồi thì có tỷ lệ chiều cao của phần đầu và toàn thân là 1/4; tượng đứng có tỷ lệ tương tự là 1/7); nhất diện phân lưỡng kiên (một mặt dài bằng một nửa chiều dài của hai vai); trường diện tam trùng (tỷ lệ mặt chia làm ba phần chính để tạc các bộ phận của gương mặt).

Đây là những tỷ lệ quan trọng nhất để tạo tác một pho tượng. Công thức chung là như vậy, nhưng ở riêng từng làng nghề, người thợ lại có cách làm cụ thể khác nhau. Ở đây, chúng tôi xin đưa ra công thức tính khi tạo tác tượng Phật của làng nghề điêu khắc Phật giáo Chàng Sơn (6) làm một ví dụ căn bản trong việc so sánh với công thức trong Phật thuyết tạo tượng lượng đạc kinh, trong sáchDiên Quang tam muội tạo tượng kinh và điêu khắc hiện đại:

 

 

 

 

 

 

Tỷ lệ

 

 

Làng nghề Chàng Sơn

 

 

Phật thuyết tạo tượng lượng đạc kinh

 

 

Diên Quang tam muội tạo tượng kinh

 

 

Điêu khắc hiện đại

Mặt

1 diện

1 kiệt

1 diện = 3 thốn

1 đầu

Tượng đứng

6,5 - 7,5 diện

 

7 diện

7,5 đầu

Tượng ngồi

3,5 - 4,5 diện

 

4 diện

4,5 đầu

Thân tượng: cằm đến rốn

3 diện

 

 

 

Cằm đến vú

 

1 kiệt

 

1 đầu

Vú đến rốn

 

1 kiệt

 

1,5 đầu

Rốn đến sinh thực khí

 

1 kiệt

 

 

Ngang hai vai

2 - 4 diện

 

2 diện

 

Tâm ngực đo sang nách

 

1 kiệt

 

 

Bề dày thân

1,5 – 2 diện

 

1 diện

 

Chiều dài tay

3 diện

3 kiệt

 

3 đầu

Đùi

 

2 kiệt

 

2 đầu

Cẳng chân

 

2 kiệt

2 diện

2 đầu

Chiều dài chân

3 diện

4 kiệt

3 diện

 

 

Từ những so sánh đối chiếu trên, trước tiên, chúng tôi nhận thấy về cơ bản, tỷ lệ được đưa ra là không khác nhiều với tỷ lệ chuẩn của điêu khắc hiện đại và chuẩn mực phương Tây. Không chỉ cuốn Phật thuyết tạo tượng lượng đạc kinh, mà phần lớn các cuốn sách đều nhấn mạnh đến tỷ lệ chiều cao của cơ thể người từ đầu cho đến chân cũng bằng tỷ lệ từ chiều ngang khi con người dang hết hai cánh tay. Đây cũng chính là tỷ lệ vàng mà Leonardo da Vinci từ TK XV (thời Phục hưng) đã nghiên cứu khái quát hóa để trở thành phương thức đo tỉ lệ hình họa, điêu khắc cơ thể người. Đơn vị tỷ lệ dùng kích thước đầu và mặt, cũng là đơn vị cơ bản của bộ môn hình họa nghiên cứu cơ thể người, đến tận hôm nay vẫn được vận dụng như một chìa khóa căn bản trong nghệ thuật tạo hình. Tuy nhiên, do tỷ lệ này dựa trên quan niệm về các quý tướng nên có khác với tỷ lệ mà phương Tây đưa ra. Nếu Phật tượng làm đúng tỷ lệ chuẩn là 10 kiệt (tức 10 đầu/ mặt) = 1 tầm = 120 ngón (chiều cao cơ thể người đứng) thì phương Tây chỉ là 7,5 đầu. Tượng ngồi thì khoảng 6 kiệt (5,6 đầu/mặt), phương Tây là 4,5 đầu. Như vậy so với hiện đại thì tỷ lệ này được kéo dài hơn khá nhiều.

Riêng công thức làm tượng dân gian được lưu truyền ở các làng nghề và tỷ lệ do đạc trong sách Diên Quang tam muội tạo tượng kinh gần như là trùng khít nhauCông thức này có một số tỷ lệ gần với lối điêu khắc hiện đại như đứng 7 đầu, ngồi 4 đầu, nhưng lại có rất nhiều điểm khác với công thức tạo tác tượng Phật được ghi chép một cách kỹ càng trong các cuốn Phật thuyết, Tạo tượng lượng độ kinh. Thậm chí các đơn vị đo như xích, diện, thốn cũng gần với các nguyên tắc được phổ cập hơn, trong khi các sách kia dùng đơn vị là ngón, kiệt, tầm. Do vậy, việc khẳng định rằng những công thức tạo tác tượng Phật Việt Nam đã được rút ra từ sách Diên Quang tam muội tạo tượng kinh như ghi chép của Chu Quang Trứ là có căn cứ. Và, có thể khi thực hành, các nghệ nhân đã biến công thức trong sách thành các công thức truyền miệng, đọc lên có vần điệu cho dễ nhớ.

Từ việc so sánh đối chiếu các tỷ lệ, giả thuyết về các cuốn Phật thuyết,Tạo tượng lượng đạc kinh được lưu truyền khá muộn ở Việt Nam, khi Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ, càng được khẳng định. Cũng do Phật giáo và nghệ thuật tạo tác tượng Phật đã được phát triển rất vững chắc nên các tài liệu này chỉ có giá trị tham khảo, bổ sung thêm một số hình ảnh. Chúng góp phần thúc đẩy nhanh, mạnh hơn sự giao thoa ảnh hưởng văn hóa, chứ không phải là cái gốc ban đầu của nghệ thuật tạc tượng ở Việt Nam. Điều này cũng minh chứng cho cuốnTạo tượng lượng đạc đồ dạng là một tập hợp đủ các kiểu hình ảnh mà không có kinh văn. Tức các làng nghề cần đến mẫu hình để tạo tượng, hoặc để người đặt hàng dễ hình dung, mà không cần đến công thức tỷ lệ. Đơn giản là công thức tạo tượng trên đã có từ thời Lý hoặc trước đó, nên sau, khi có thêm các cuốn sách khác thì đơn vị đo vẫn không thay đổi.

Chưa kể, theo một số nhà nghiên cứu Phật giáo, nghệ thuật tạo tác tượng Phật ở Việt Nam có trước Trung Quốc. Nếu muộn nhất, cũng trước TK III, và được minh chứng bằng sự kiện Khương Tăng Hội mang tượng từ Việt Nam sang Trung Quốc để hành đạo (7). Lúc đó, Phật giáo Trung Quốc chưa phát triển. Cuốn Diên Quang tam muội tạo tượng dù là sách sao in sau này nhưng vẫn thuần nhất hơn. Cuốn sách Phật thuyết tạo tượng kinh với những hình ảnh phổ biến trong Phật giáo Tây Tạng chỉ có thể xuất hiện vào giai đoạn rất muộn, khi Phật giáo truyền vào Tây Tạng, xuống Trung nguyên rồi vào Việt Nam. Sau đó, thời gian chúng được in sao lại ở Việt Nam còn muộn hơn nữa, theo như các bản sách chúng ta có, niên đại in ấn, sao chép thường là cuối TK XIX, đầu TK XX.

Việc khảo sát lại những cuốn sách tạo tác tượng Phật được lưu truyền trong dân gian Việt Nam cho thấy rằng, dù ngày nay, các cuốn sách đó không còn là cẩm nang được lưu truyền trong các làng nghề nhưng chúng đã có những tác động nhất định trong quá khứ. Sự duy trì của truyền thống Việt trong tạo tượng là khá xuyên suốt, được minh chứng qua cuốn Diên Quang Tam Muội Tạo tượngcùng các công thức, tỷ lệ đo đạc. Sự ảnh hưởng của nghệ thuật Trung Hoa có thể xem là những ảnh hưởng có tính chất chọn lọc. Nghệ thuật tạo tác tượng Phật cho dù tiếp thu tinh hoa bên ngoài song vẫn luôn sáng tạo, bảo tồn những nguyên tắc của riêng mình cho tín ngưỡng và không gian của các ngôi chùa Việt qua hàng bao thế kỷ.

_______________

1, 2. Khảo sát này được công bố trong cuốn Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc (Chu Quang Trứ, Nxb Mỹ thuật ,2001). Cũng trong sách này, lần đầu tiên ông công bố tên của ba cuốn sách cổ về tạo tác tượng Phật: Duyên quang tam muội tạo tượng kinhPhật tượng lượng đạc kinh và Tạo tượng lượng đạc kinh. Trong đó, riêng cuốn sách đầu tiên, phiên âm chính thức từ bản chữ Hán ở Viện Hán Nôm là Diên (không phải Duyên) quang tam muội tạo tượng kinh. Chính vì vậy, trong bài này, chúng tôi dùng tên sách đó theo bản phiên âm chính thức nói trên.

3. Thậm chí ngay trong phần đầu kinh, khi đề cập đến nguồn gốc của nghề tạc khắc tượng Phật và ông tổ nghề, người ta đã nhắc đến câu chuyện nhân vật này đã tu sửa thành công bức tượng châm cứu. Có thể xem đây là ví dụ cơ bản về mối liên quan của nghề tạc tượng và sự hiểu biết dựa trên đông y. Phải nói thêm là các đơn vị đo lường này rất linh hoạt về kích thước (nếu chiểu theo đơn vị đo lường hiện đại) do phụ thuộc vào đôi tay và con mắt ước lượng của từng người thợ cả và phường thợ, chúng là những đơn vị đo mang tính chất ước lượng nhiều hơn. Chính vì thế, trong thực tế, cùng một bức tượng nhưng ở mỗi vùng, mỗi ngôi chùa có thể lại có kích thước khác nhau mặc dù tỉ lệ đều khá chuẩn xác.

4. Cụ thể: "Lý triều chung Đông Sơn Tường Quang tự đặc phong huệ, quốc sư quyện soạn tập chú giải dẫn nghĩa", tức: Quốc sư Huệ chùa Tường Quang núi Đông Sơn cuối đời Lý biên tập chú giải. “Tự Đức Bát niên Tuế thứ Bính Thìn ngũ nguyệt, nhị thập lục nhật. Đại An huyện, Quy Nhuế tổng, Quy Nhuế xã, Thích tử tự Chân Thông tôn tòng Phật ngôn cựu bản, sao tả y nguyên…”, tức: Ngày 16 tháng 5 năm Tự Đức thứ 8 Bính Thìn (1865), nhà sư chân Thông ở huyện Đại An, tổng Quy Nhuế, xã Quy Nhuế, sao lại nguyên văn cựu bản để lưu truyền hậu thế.

5. Bia Vạn Phúc đại thiền tự bi niên hiệu Chính Hòa năm thứ 7 (1687), hiện dựng trước nhà tổ của chùa, có đoạn viết: “Vua thứ ba triều Lý, năm Long Thụy Thái Bình 4 (tức năm 1057) cất lên cây tháp quý cao nghìn trượng, lại dựng lập pho tượng mình vàng cao sáu xích…”.

6. Trương Minh Hằng, Nghệ thuật chế tác tượng Phật Chàng Sơn (tư liệu Viện Nghiên cứu văn hóa).

                7. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, Nxb Tổng hợp, TP.HCM, 1998.


Nguồn: Tạp chí VHNT số 326, tháng 8-2011
Tác giả: Trang Thanh Hiền

Nguon: http://vhnt.org.vn/NewsDetails.aspx?NewID=488&cate=97


Âm lịch

Ảnh đẹp