Life, Death and After Death
SỐNG, CHẾT và SAU KHI CHẾT
Lama Thubten Yeshe
Vô Huệ Nguyên chuyển ngữ - Phổ Từ Diệu Hương hiệu đính
Việt Nalanda Foundation ấn tống và phát hành
tại Hoa Kỳ 2009
BÀI GIẢNG THỨ TƯ
Ngày hôm qua chúng ta đã thảo luận với nhau về những ảo
ảnh xuất hiện trong lúc chết. Theo quan niệm của Phật giáo thì tất cả những lầm
lạc, ảo ảnh và ô nhiễm này đều bắt nguồn từ ba nguyên nhân, từ tam độc: tham, sân và si.
Tất cả những ảo ảnh đều từ ba độc tố này mà ra. Nếu chúng
ta không có ba độc tố này thì chúng ta sẽ không có bất cứ một vấn đề gì
trong lúc chết. Nếu được như vậy thì chết sẽ là một sự bình an, một đại
lạc. Ðó là điều quan trọng. Chúng tôi diễn tả sự chết là sự nhận chìm,
là sự
thẩm thấu của tứ đại, khi chúng chìm đi chúng để lại những ảo ảnh. Chỉ
có những
người nào bị tam độc hành hạ mới có những sự mất cân bằng khi tứ đại ra
đi. Tứ
đại chìm đi có nghĩa là tứ đại không còn cân bằng. Trong kinh thư của
Tây Tạng, danh từ đất, nước và lửa “chìm”, nhưng
thực ra chúng không chìm vào nhau. Theo danh từ khoa học, chúng bị suy
đồi hay bị mất cân bằng. Như vậy, khi một “đại”
biến mất là một ảo ảnh xuất hiện, một “đại” khác tan biến là một ảo ảnh
khác
xuất hiện.
Nguyên nhân thoái hoá của những năng-lượng-không-cân-bằng
trong cơ thể là tam độc. Sách y khoa của người Tây Tạng giải thích rằng lòng ham muốn sản xuất ra “lung.” Có nghĩa là khí không còn cân bằng. Một khi lòng tham dấy
lên là khí trong người không còn điều hoà, tham làm cho hơi thở trở nên nặng nề khó luân chuyển.
Lòng sân hận ganh ghét sản xuất ra mật đắng. Vô minh sản
xuất ra TB (ho lao). Lòng tham lam vô độ sản xuất ra xung khí, nó có
ảnh hưởng
đến hệ thần kinh. Lòng thù hận sản xuất ra quá nhiều mật đắng có hại
cho hỏa đại. Vô
minh sản xuất ra nguyên tố nước. Nếu năng lượng trong người mà
hoạt động mạnh quá, hoạt động quá sức, nó sẽ kích động mạnh tứ đại làm
cho con người xáo trộn, kết quả là sẽ có nhiều lầm lẫn, lộn xộn xẩy ra.
Sự thắng thế của một đại trong tứ
đại sẽ tạo nên một sự mất thăng bằng trong cơ thể, nó có thể giết chúng
ta. Khí
lực (phong đại) trong cơ thể của chúng ta là nguồn sinh khí phải không?
Nhưng khi nó không còn cân bằng, sinh
khí sẽ trở thành tử
khí. Cũng vậy, trái tim của chúng ta, sức ấm của chúng ta, cũng là những nguồn
sinh lực, nếu sức ấm bị thất thoát cũng sẽ gây ra rất nhiều
phiền phức.
Chúng ta cần nước, phải không? Nhưng nếu có quá nhiều nước, chúng ta cũng bị chết. Vì thế, nếu tứ đại cân bằng với nhau ở
trong cơ thể của chúng ta thì chúng ta sẽ có sức khỏe tốt. Nhưng khi một trong
tứ đại này mất cân bằng là toàn thể con người bị ảnh hưởng, bị xáo trộn. Ðó là
sự thật, sự thật về con người của chúng ta.
Rất nhiều người Tây phương đã đọc cuốn Tử Thư Tây Tạng,
trong đó diễn tả rất nhiều cảnh kinh khủng, như có nhiều người đến tay cầm dao
búa, nhiều người xông đến để chém giết chúng ta. Họ rất hung dữ, tàn bạo. Ðó
chính là lòng ham muốn của chúng ta đã sản xuất ra những hình ảnh kinh khủng
này. Tôi tin vào sự kiện này, bởi vì trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta đã
tích tụ biết bao nhiêu là âm lực (negativity,
năng lượng âm,) biết bao nhiêu là điều không đúng sự thật và biết bao
nhiêu lớp mền xấu xa nặng nề từ khi sinh ra đến bây giờ, cộng thêm với những
kiếp trước nữa nữa. Phải chăng cuộc đời của chúng ta chỉ để sản xuất ra
những sai lầm và u mê?
Một lần tôi được nghe kể, có những danh ca đã bán được
rất nhiều đĩa nhạc trên khắp thế giới, nếu chúng ta xếp những đĩa nhạc này
chồng lên nhau, có thể nó sẽ cao gấp hai lần núi Hy Mã Lạp Sơn. Giống như vậy,
những sản phẩm của chúng ta về chiếc mền nặng nề cũng có thể cao gấp ba, gấp
bốn lần dãy Hy Mã Lạp Sơn. Do đó, vì những dấu ấn lầm lẫn mà chúng ta đã có, đã
tích tụ, đã in sâu vào tâm thức của chúng ta từ muôn vàn kiếp nên chúng ta sẽ
thấy, sẽ kinh nghiệm được tất cả những thứ này trong tiến trình của sự chết.
Thí dụ trong thế giới Tây phương, mỗi khi chúng ta nghe
một người mắc bệnh ung thư thì, “Bị ung thư ư --- hãy đi vào nhà
thương!” Chúng ta có thể tưởng tượng được bệnh nhân sẽ như thế nào
trong những
ngày tháng nằm ở nhà thương không? Tôi nghĩ rằng đây chính là địa ngục.
Tôi
không cần phải nghe bất cứ lời diễn tả nào về cảnh địa ngục nữa. Mặc
dầu chúng
ta đã có rất nhiều sách nói về cảnh địa ngục, đối với tôi, đây là quá
đủ để nhìn thấy những đau khổ mà người mắc bệnh ung thư này đang phải
chịu. Một sự đau khổ bất thường. Một sự đau đớn hơn bất cứ một sự đau
đớn nào,
hơn cả một con vật. Quý vị hãy tự cảm lấy, không thể tin nổi. Ðôi khi
chúng ta ý thức được, nhưng rồi chúng ta lại
không ý thức và tiến trình của sự chết lại lặp lại.
Thật là khủng khiếp, đây chính là kinh nghiệm cảnh địa ngục. Những kinh nghiệm này cũng giống y hệt ở thân trung ấm. Một
hình ảnh hung dữ xuất hiện. Chính là tử thần. Nó muốn nuốt tươi chúng ta. Ðây
chính là con ma đói của chúng ta.
Năm 1978 tôi đến San Francisco để thăm một số người bị
bệnh ung thư. Sau khi thăm họ, tôi không ngủ được, những hình ảnh ấy quá đau đớn cho tôi. Giống như xem cảnh địa ngục. Tôi không
thể ngủ được.
Ðiều quan trọng là hãy cố gắng giữ sự trong sạch càng
nhiều càng tốt. Mỗi một ngày nên cố gắng giữ sự trong sạch càng nhiều càng tốt.
Hãy giữ chúng ta luôn luôn ở trong tình trạng trong sạch, đừng tạo thêm ô nhiễm
qua thân khẩu và ý của chúng ta nữa. Như vậy sẽ không có vấn đề gì xẩy ra cả.
Tâm chúng ta cân bằng thì thân thể chúng ta cũng cân bằng, như vậy chúng ta sẽ
tránh được bệnh tật.
Khi sự rối loạn, sự lộn xộn xẩy đến trong lúc thiền, hãy
coi chúng chỉ là những ảo ảnh không có thật. Cũng như thế, trong tiến trình của
sự chết chúng ta coi những hiện tượng xẩy ra đều không có tự tính và không thật
nên chúng ta sẽ bớt sợ hơn, sẽ vững tin hơn. Tất cả đều tùy thuộc vào thái độ
của chúng ta đặt trên những hiện tượng xẩy ra. Nếu quá sợ hãi, chúng ta sẽ mất hết sự kiểm soát, sự tự chủ. Nếu một hiện tượng
hiện ra mà chúng ta có ý chí mạnh để đối diện với chúng thì chúng ta sẽ dễ dàng
kiểm soát được hoàn cảnh.
Thí dụ, một người không thể nào chịu đựng nổi một cơn
bệnh trầm trọng, một sự nhiễm trùng nặng nề hay không thể nào đương đầu với sự
thất bại thảm thiết. Họ không thể nào giữ cho họ được thanh thản, được an tĩnh
trước những cơn khủng khoảng này. Nhưng nếu một người chết một cách tự nhiên,
không vì cơn bệnh trầm trọng, không vì sự trầm uất thì họ sẽ dễ dàng giữ cho họ
được an bình hơn, được sáng suốt trong giờ phút quan trọng này hơn. Chúng ta có
thể nhìn được điều này. Nói rõ hơn, cấp độ tự chủ, cấp độ tỉnh thức, cấp độ sợ
hãi trong tiến trình của sự chết hoàn toàn tùy thuộc vào sự nặng nhẹ của tham, sân và si.
Chúng ta có thể thắc mắc, làm sao lại tham lam trong lúc
chết được. Lòng tham lam đến từ tâm. Ngay cả trong lúc tỉnh, cuộc sống của
chúng ta bị dẫn dắt bởi những tư tưởng tham, chiếm hữu, tranh giành, muốn.
Trong lúc chết, thân xác của chúng ta thì đóng lại nhưng tư tưởng vẫn tiếp tục
đến, vẫn nuối tiếc dĩ vãng, vẫn níu kéo tương lai. Giống như trong
lúc mơ. Tư tưởng tham cũng như vậy. Nó rất mạnh, vì thế ngay trong lúc thân xác
bắt đầu lạnh, ngay trong lúc thân xác không còn cử động, tam độc cũng vẫn làm
việc mãnh liệt ở bên trong.
Hạnh phúc thay những người chết một cách tự nhiên, một
cách nhẹ nhàng mà không bị những chiếc mền nặng nề lôi kéo. Phúc đức
cho họ là
họ còn tỉnh thức, còn tự chủ, còn trong sạch. Do đó, khi tứ đại chìm
đi, để lại
những ảo ảnh dữ tợn, người chết vẫn tỉnh thức để nhận diện chúng là ảo,
là giả, không có thật. Họ không có một ý niệm
gì về một tự tính của thủy đại, của hỏa đại...vân vân... vì thế họ còn
tự chủ. Rồi từ từ, từ từ từng “đại” chìm đi, thẩm thấu đi, rồi chúng sẽ
trở nên
trong sáng hơn, trong sáng hơn và hợp nhất hơn giữa vô tự tính và vô
nhị-nguyên
tính. Rồi chúng sẽ từ từ được dẫn đến trạng thái rỗng lặng như-như, ánh
sáng trong suốt. Trạng thái này sẽ hoàn toàn giúp đỡ chứ không gây một
trở ngại nào. Trạng thái này sẽ giúp người chết hoà nhập trong sự thật,
trong nhất thể.
Vì thế, có điều lợi và cũng có điều bất lợi.
Chúng ta không nên quá lo lắng và sợ hãi chết sẽ khó
khăn, sẽ tái sinh là súc vật, beo, cọp, lừa, khỉ hay vào ba cõi thấp nhất. Tôi
nói rằng chúng ta không nên sợ hãi lo lắng bởi vì chúng ta có lòng từ bi, chúng
ta nên phát triển lòng từ bi. Người nào có lòng từ bi với tất cả chúng sinh tại
lúc chết thì sẽ không bao giờ sợ hãi bất cứ một cõi nào cả. Với tình thương bao
la thì không thể nào vào ba cõi thấp được.
Bây giờ chúng ta lại bắt đầu thiền. Lần trước chúng ta đã
thanh tẩy thân xác, thanh tẩy nghiệp của thân. Bây giờ chúng ta thanh tẩy khẩu,
lời nói, ngôn từ của chúng ta, thanh tẩy nghiệp của miệng lưỡi. Hãy nghĩ chủng
tử đỏ AH tại luân xa cổ họng. Những tia sáng năng lượng có mầu đỏ phát ra từ
chủng tử AH. Quán tưởng chủng tử đỏ AH là những lời nói thanh khiết của chư
Phật và của chư Bồ tát.
Thanh tẩy có nghĩa là thanh tịnh tâm không được kiểm
soát, tâm không tỉnh thức và những lời nói phát ra từ miệng có liên hệ hoạt
động đến những người khác, vật khác, sự kiện khác.... Lời nói tiêu cực, lời nói
xấu sẽ làm người khác đau khổ vì sự không thành thật, vì vu cáo hay vì phỉ
báng. Tâm trong sáng, lời nói thành thật, lời nói được kiểm soát là phương cách
thanh tẩy ngôn ngữ không trong sáng và không được kiểm soát.
Vậy hãy quán tưởng chủng tử đỏ AH. Mầu đỏ AH này giống
như mầu đỏ của mặt trời lúc hoàng hôn. Hãy quán tưởng những tia sáng mầu đỏ AH
tại luân xa ở cổ họng của chúng ta. Toàn thân thể chúng ta được tràn ngập, được
bao bọc bởi những tia sáng năng lượng thanh tịnh này. Trong cùng lúc đó hãy tụng
âm AH nhiều lần, và cũng như lần trước, hãy chỉ là trong trạng thái tỉnh thức của chính tâm mình. Hãy chỉ đang là! Hãy an trú
trong đó mà không khởi lên bất cứ ý tưởng nào, không diễn dịch, không đối
thoại. Hãy chỉ là như vậy, hãy chỉ là chính sự tỉnh thức.
( Lặp lại AH )
Hãy thẩm thấu kinh nghiệm vô nhị-nguyên (bất nhị,) vô tự tính của bản ngã, vô, không, zero, không gian rỗng
lặng như sự thật, như thực thể, trống rỗng, lặng thinh. Nguồn năng lượng vô
biên này đang thấm nhập vào chúng ta.
Một sự thẩm thấu mạnh mẽ. Kinh nghiệm này thực tế hơn
những cảm giác mơ hồ từ những giác quan của chúng ta. Nếu có một tư tưởng không
được kiểm soát đến quấy nhiễu, như ở trong thân trung ấm (bardo), hãy
coi như không phải chỉ xẩy ra cho riêng anh mà nó xẩy ra cho tất cả mọi chúng
sinh, tất cả mọi chúng sinh đều có trạng thái
này. Hãy phát
triển tâm bình đẳng và lòng từ bi, lòng yêu thương đến tất cả muôn loài. Hãy
dành tình yêu thương cho tất cả muôn loài.
Tâm không tỉnh thức, tâm rối loạn cũng là nguồn phát ra năng lực yêu thương. Khi lòng yêu thương
dâng trào, hãy hướng tất cả những năng lực tình yêu này vào tâm thức của chúng
ta.
Vậy, có hai vấn đề: hãy đặt sự tỉnh thức vào tâm của
chính chúng ta hay khi có sự rối loạn, sự bất an xẩy ra, hãy chú ý hướng năng
lực tình yêu vào tâm thức của chính chúng ta. Hãy luân phiên thay đổi hai sự
kiện này.
Kế tiếp, năng lực tình yêu của chúng ta sẽ thị hiện trong
kinh mạch trung ương (shushuma) tại luân xa trái tim
của chúng ta như là một vầng trăng sáng tròn đầy. Hãy quán tưởng tại trái tim,
trên một vầng trăng, có những tia sáng mầu xanh (blue)
của chủng tử HUNG. Ðây là năng lượng trí tuệ bất
nhị của chư Phật
và chư Bồ Tát. Trái tim của chúng ta hoàn toàn trong sạch, an tịnh, được mở ra
bởi những tia sáng của vầng trăng và chủng tử HUNG. Những tia sáng xanh vô tận đang phát
ra từ HUNG. Tất cả những tư tưởng chật hẹp, nông
cạn đều phải tan biến đi. Tâm bấn loạn, tâm không an tịnh đang từ từ chuyển
hóa, đang từ từ tan biến. Tâm chiếm hữu, tâm bám chấp đang từ từ tan biến.
Từ chủng tử HUNG và từ vầng trăng có những tia sáng
đang dần dần lan toả ra khắp thân thể chúng ta. Thân thể tràn ngập sự an lạc.
Tâm nhị nguyên đang được tràn ngập bởi những làn ánh sáng xanh vô tận.
Trong lúc này, hãy tụng âm HUNG khoảng hai, ba phút. Sau hai phút này, hãy cảm nhận những làn sáng xanh,
như tâm thức của chúng ta, đang bao trùm khắp vũ trụ. Sự tỉnh thức của chúng ta
đang bao trùm khắp vũ trụ. Hãy cảm nhận và hãy là, mà không có một chút diễn
dịch hay suy đoán nào.
( Lặp lại HUNG )
Vậy, chúng ta cần có hai kinh nghiệm: trí tuệ và phương
pháp. Kinh nghiệm trí tuệ là sự tỉnh thức của thực tại tâm thức của chúng ta.
Ðây là con đường trí tuệ. Phương pháp là mỗi khi chúng ta rơi vào trạng thái mù
mờ, mất kiểm soát: chính kinh nghiệm bấn loạn này là căn nguyên tạo ra lòng từ
bi và khi sự rối loạn ra đi hãy an trú ngay vào trí tuệ. Nhắc lại hai sự việc
là: khi không có vấn đề, hãy chú ý vào trí tuệ; khi bị rối loạn, hãy dùng
phương pháp, phát triển lòng từ bi. Như thế, chúng ta có hai công việc phải làm
mỗi ngày.
( Trở lại thiền định )
Hãy thường tụng niệm câu mật chú OM AH HUNG. Khi không tiện để tụng dài (ngân dài) câu mật chú này, hãy đọc đơn giản
OM AH HUNG. Ba
âm này cũng đại diện
cho cả câu mật chú. Ðặc biệt khi tụng âm OM, âm này sẽ đánh thức tất cả mọi
hiện tượng, tất cả mọi cõi giới trong vũ trụ; sự tỉnh thức được kích thích, OM sẽ đánh thức tâm thức của chúng ta.
Tôi được nghe nói các nhà khoa học đã có kinh nghiệm về
âm thanh khôi phục, bồi dưỡng bộ óc của chúng ta, mặc dầu họ chưa thấu hiểu âm thanh làm việc như thế nào. Họ đã và đang
phân tích, nghiên cứu sự kiện âm thanh có ảnh hưởng đến việc khôi phục bộ óc.
Họ đã khám phá ra mật chú có tác dụng làm thức dậy sự sinh hoạt của bộ óc, thay
vì để chúng im lìm say ngủ. Khi chúng ta tụng “Ommmmmmmm,” chúng ta cảm nhận được toàn thể hệ thống thần kinh của chúng
ta được kích thích. Vì thế, thiền định có giá trị đánh thức thay vì ngủ mê --- thức dậy trong tri giác bao la của toàn
diện thực tại chứ không phải thức dậy trong u mê, ảo mộng của nhị-nguyên. Mật
chú chạm vào thực thể bao la rộng lớn. Ðó là lý do mật chú thường được sử dụng.
Tôi nghĩ rằng tôi nên chấm dứt sự trình bày của tôi ở
đây. Ðiều vô cùng quan trọng là bằng mọi cách, chúng ta phải thực sự đi vào
trạng thái trong sáng, không phải chỉ dùng trí
thông minh, lý luận mà thôi. Với những kinh nghiệm trong
thiền định, chúng ta có thể thay thế, chúng ta có thể cấy sự tỉnh thức của
chúng ta vào trong tâm thức của chúng ta thay vì để nó bị rối loạn hoặc ù lì.
Ðược như vậy là đủ tốt rồi. Cấy sự tỉnh thức vào trong tâm thức là phương pháp
của Phật giáo, như là thiết lập một hỏa tiễn nguyên tử. Hướng sự tỉnh thức vào
trong tâm thức của chúng ta cũng như thiết lập một giàn hỏa tiễn nguyên tử để
phóng vào không gian bất nhị. Chúng ta hãy tự “thiết lập,” đừng bắt chước theo cách này hay cách kia. Chỉ đặc biệt
chú ý vào sự tỉnh thức hay vào chính tâm thức của chúng ta, hệ thống hỏa tiễn
nguyên tử nội tại sẽ được kích hỏa, hay sẽ được sửa chữa, để phóng vào không
gian bất nhị.
Nói một cách khác, nếu chúng ta thành thật quyết tâm
thiền định theo phương pháp này, tôi bảo đảm với quý vị, nếu cần tôi ký giấy bảo đảm cũng
được, quý vị sẽ có kinh nghiệm về giá trị của vô nhị-nguyên. Ðể giải thích thêm một lần nữa: khi chúng ta chứng
nghiệm được vô nhị-nguyên, được không
tính, thì ngay tại lúc đó, hãy có một sự
tỉnh thức mãnh liệt, một sự chú ý mãnh liệt, và hãy có một sự lãnh hội sâu xa
về không tính.
Ðó là sự thật. Ðó là thực thể. Ðừng
“hỏi và nêu nhiều ý kiến,” đừng thắc mắc “cái này, cái kia,” hãy xây
dựng, hãy phát triển một sự mãnh liệt mạnh bạo ở bên trong. Tôi
không biết phải diễn tả qua ngôn ngữ như thế nào. Nhưng bằng bất cứ một
cách
nào đó ở tận bên trong, sức mạnh nội tâm ở sâu thẳm bên trong sẽ thấu
hiểu được, sẽ lãnh hội được sự tỉnh thức của tâm là một thực tại, là chính thực
thể, sự tỉnh thức chính là thực tại.
Tại sao lại phải đặc biệt chú ý đến việc cần phải có một
sức mạnh lãnh hội này? Thông thường chúng ta nghĩ rằng tất cả những ảo
giác là
sự thật rồi bám víu vào chúng, vồ chụp chúng. Nhưng khi chúng ta kinh
nghiệm
được, chứng nghiệm được vô nhị-nguyên, chúng ta liền hiểu ngay rằng đó
cũng chỉ
là những thói quen của chúng ta, chính những thói quen này làm chúng ta
tin
tưởng vào những ảo giác là sự thật, là vững vàng. Vì thế những kinh
nghiệm nội
tâm là một cái gì đó không có thực, đó chỉ là sự đảo ngược của tư
tưởng. Quý vị đang nghe tôi đấy chứ? Ðó là lý do tại sao cần phải có
sức mạnh, cần
phải mãnh liệt!
Tôi nghĩ rằng quá đủ rồi. Tôi đã không giải thích nhiều
về thân trung ấm (bardo),
vì phải dùng quá nhiều trí thông minh và rất khó giải
thích về làm thế nào để một người có thể tái sinh trở lại; điều này cần
rất nhiều giờ, rất nhiều chi tiết. Tuy nhiên điều quan trọng vẫn là
kinh nghiệm, sự chứng nghiệm. Vì thế, chúng ta mới biết
rằng chúng ta có khả năng đi vào cõi trung gian bằng kinh nghiệm thay
vì bằng
những lời nói “như vậy, như vậy, thân trung ấm, như vậy, như vậy, bardo
như
vậy, như vậy, tái sinh như vậy, như vậy...” Qua kinh nghiệm của quý vị,
quý vị sẽ tự khám phá ra.
Bây giờ, quý vị có thể hỏi ba câu hỏi ngắn. Chắc
chắn là tôi đã chọc tức, đã làm mất lòng một số quý vị ở đây. Vì thế, những điều gì tôi
nói không có lý ở đây, những điều gì tôi đã làm cho quý vị hoang mang, nghi ngờ, xin hãy tự nhiên đặt câu hỏi.
Thính giả: Chúng ta có thể giúp người đang
chết như thế nào?
Lạt ma: Tùy thuộc vào căn bản hiểu biết, tôn giáo, kiến thức...
của người đang chết. Nhưng dù họ có bất cứ kiến thức nào, theo bất cứ tôn giáo
nào, việc quan trọng là chúng ta cần đánh thức họ, kích thích họ tỉnh thức.
Ðiều vô cùng quan trọng là chúng ta không nên chọc tức họ. Khi họ sẵn sàng ra đi,
hãy để họ một mình. Ðừng cố gắng nói gì cả, như “dùng thuốc đi” hay “hãy ký vào
đây”. Một điều vô cùng trở ngại cho người chết là sự khóc lóc, than vãn, như
“Trời ơi, anh sắp chết rồi.”
Thí dụ, tôi là ông bố sắp chết của anh, anh đến bên tôi,
anh khóc: “Bố ơi, nếu bố chết, con sống làm sao đây?” Như vậy tôi bị quấy
rầy quá làm sao tôi có thể tập trung vào tình
trạng của tôi trong lúc này. Do đó, hãy để cho người ta ra đi, được không? Ðừng
gây xúc động quá, đừng gây tức bực quá, đừng quấy rầy quá; hãy để họ được bình an, yên tĩnh. Ðó
là điều vô cùng quan trọng. Càng cho họ niềm tự tin càng tốt. Hãy cố gắng
khuyên họ, như : “Khi anh chết, anh sẽ hạnh phúc lắm, đừng lo lắng gì cả, tất
cả mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Ðây là lúc tốt nhất để ra đi. Chúc anh lên đường bình
an.” Bất cứ một cái gì kích thích lòng ham muốn, lòng bám víu, lòng ganh ghét,
lòng thù hận, lòng luyến tiếc đều không tốt, đều tai hại cho họ. Sự yên tĩnh,
một bầu không khí an lành là tốt đẹp nhất.
Nếu họ là một tín đồ Thiên Chúa giáo, hãy nói với họ,
“Anh hãy yên tâm, Chúa sẽ săn sóc anh, anh là người có diễm phúc, anh
sẽ được
vào thiên đàng hưởng nhan thánh Chúa.” Một hành động tích cực trong lúc
này là
sự cần thiết, bởi vì mặc dù trong lúc này anh ta không là người sùng
đạo lắm
nhưng ở sâu thẳm trong tâm hồn anh ta, anh ta vẫn cần một cái gì để bám
vào,
cần một cơ hội để qui thuận. Vậy, khi chúng ta nói, “Jesus” hay “Chúa,”
vô thức của anh ta sẽ bắt được. Ðây là một việc làm tốt, tôi tin rằng
chúng ta có thể giúp họ như vậy.
Có rất nhiều người Tây phương nói rằng họ chẳng có gì để
làm với tôn giáo tại địa phương họ; nhưng tôi nhận thấy rằng tôn giáo tại địa
phương của họ rất có ảnh hưởng đến các sinh hoạt trong đời sống thường ngày của
họ và ngay cả tinh thần của họ. Trong vô thức họ là người Thiên Chúa giáo, mặc
dầu họ vẫn tự xưng “Tôi không muốn theo đạo Chúa.” Vì thế, khi vào giờ phút
nguy kịch, họ không có gì để bám vào, nếu chúng ta nói, “Chúa” hay “Jesus” thì
có một cái gì đó bắt được họ, chạm đến họ. Dĩ nhiên, nếu họ là Phật tử, chúng
ta có thể nói, “Ðức Phật” hay “Buddha” !
Thính giả: Chúng ta có thể làm cái gì cho
một người đang trên giường chết mà nói, “Tôi sẽ vào địa ngục”?
Lạt ma: Ðúng, đó là sự thật. Thỉnh thoảng họ có thể nhìn
thấy họ đang trên đường đi vào địa ngục, nên họ kêu lên, “Tôi thấy tôi đang đi
vào địa ngục.” Tôi nghĩ, với những người này rất khó giúp họ bằng sự thông minh
của chúng ta; chỉ còn sự hy vọng. Có thể giúp họ bằng những viên thuốc an thần
để cho họ an tĩnh lại thay vì tăng thêm sự lầm lẫn, sự xáo trộn, bởi vì năng
lượng của họ quá nhiều. Chỉ có cách đó mới có thể giúp
họ từ từ. Ngoài ra tôi nghĩ rằng rất khó.
Thính giả: Trong Phật giáo Thiền tông,
chúng ta có những công án để giúp chứng nghiệm vô tự tính. Thí dụ, có công án
như “Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?” Công án đó giúp chúng ta được
những gì trong sự chứng nghiệm không
tính? Tiếng vỗ của một bàn tay --- nó liên hệ đến không tính như thế nào?
Lạt ma: Quý vị có nhớ một lần tôi nói với quý vị, một người
chấp vợ ông ta như là một thực thể tự có và một người đàn bà
chấp bạn trai của bà ta như một thực thể tự có? Thí dụ này cũng giống
như vậy.
Cố gắng đến gần sự thật hơn là cứ bám vào cái này hay cái kia. Quý vị
vẫn nghe
tôi đấy chứ? Thực ra đây là một ý niệm cứng ngắc, một tư tưởng kỳ quái.
Chính
phủ Thụy sĩ tin đồng tiền Thụy sĩ như là một thực hữu, rồi tin tưởng
rằng đồng
tiền Thụy sĩ thực có này sẽ làm cho xã hội Thụy sĩ được hoàn hảo. Nó
cũng
giống như vậy. Tất cả đều là vọng tưởng, tất cả đều là tưởng tượng ---
cái gì chúng ta giữ là thật, là tự hữu --- không chạm vào sự thật được!
Chúng
ta cần phải đụng vào đây (hai bàn tay chạm vào nhau) mới tạo ra âm thanh
(tiếng vỗ tay) được. Như vậy chúng ta cố gắng chạm vào sự thật và hãy
khám phá ra rằng những ý niệm của chúng ta, những ảo tưởng của chúng ta và
những ý niệm sẵn có của chúng ta cũng đang cố gắng đi đến sự thật, đang cố gắng
tạo ra âm thanh --- nhưng nó không tạo ra được âm thanh! Vì
thế, cái không (zero) của ảo tưởng tự-có cũng sẽ biến mất. Ðó là phương pháp để
chứng nghiệm không tính.
Âm OM có liên hệ đến các hiện tượng, âm này tác động toàn thể hệ
thần kinh của chúng ta. Âm OM không thể tự nó mà có được; cũng như
tiếng vỗ tay không tự nó mà có
được. Tiếng vỗ tay tùy thuộc vào bàn tay, tùy thuộc vào không gian, tùy
thuộc
vào năng lượng (sức mạnh của hai tay) và rồi hai tay đụng vào nhau như
thế này. Mỗi một âm thanh là một sự liên hệ tùy thuộc, hoàn toàn tùy thuộc vào,
hoàn toàn là duyên khởi. Rồi như thế này ..(hai tay vỗ vào nhau)...
tạo
ra âm thanh. Âm thanh tự nó không có được, nó không
có tự tính. Trong Phật giáo chúng tôi thường nói về vô nhị-nguyên (bất
nhị), vô
tự tính. Thí dụ, khi quý vị vào trong một hang động, quý vị tạo ra một
âm “Ahhhhhh,” hang động dội lại “Ahhhhhh”. Quý vị có quen với hiện
tượng này không?
Âm thanh là một thí dụ rất dễ hiểu về lý
duyên khởi. Hiểu được lý duyên khởi thì không còn có một ý niệm về cái tôi
thường hằng vững chắc nữa. Nếu chúng ta cứ chấp âm thanh này (vỗ tay) là
tự có (của một bàn tay) thì nó sẽ không còn liên hệ đến những cái khác được.
Hãy cố gắng hiểu cái hợp lý theo khoa học mà Phật giáo giải thích. Nếu
tiếng vỗ tay mà tự có được (từ một bàn tay) thì không cần hai bàn tay
này va chạm vào nhau và những hiện tượng cũng không có liên hệ gì với nhau.
Tôi nghĩ rằng bây giờ chúng ta đã hiểu rõ các hiện tượng
liên hệ phụ thuộc vào nhau như thế nào. Sự tụ họp này, dĩ nhiên, cũng
không tự nó mà
có được. Chúng ta gặp nhau ở đây không phải tự nhiên mà có được. Cám ơn
quý vị nhiều lắm. Xin cám ơn những người đã mời tôi đến đây để diễn
giải những
đề tài này. Họ đã tốn rất nhiều công sức mới tổ chức được như thế.
Nguyện tất
cả những công việc nặng nhọc, những cố gắng phi thường của quý vị mang
lại ơn ích cho muôn loài. Cám ơn quý vị nhiều lắm lắm. Nếu những điều
tôi
trình bày mà quý vị không được hài lòng, mà gây cho quý vị nhiều thắc
mắc, thì tôi vẫn còn trên quả đất này, quý vị cứ viết cho tôi, tôi sẽ
trả lời. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất
cả những gì tôi đã trình bày, vậy cứ viết cho tôi. Tôi không biến mất
ngay bây
giờ đâu. Tôi cũng phải làm sạch sẽ những rác rưởi của chính tôi.
Cám
ơn quý vị rất nhiều.
[Năm tháng sau, Lạt ma qua đời]
___________________________
* Ghi chú của dịch giả bản Việt
ngữ: Mười một tháng
sau, Ngài tái sinh. Xin xem tiểu sử của Lạt maThubten Yeshe ở trang
kế.