Con về còn trọn niềm tin (Tập một)


Tác giả: Thích Giác Tâm
14/07/2013 17:37 (GMT+7)
Số lượt xem: 113227
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tác phẩm:  "CON VỀ CÒN TRỌN NIỀM TIN". Tác giả: Thích Giác Tâm - Nhà xuất bản Phương Đông - TP.Hồ Chí Minh, xuất bản tháng 01 năm 2012. Ấn bản giấy 368 trang, cả bìa. Khổ 13x20.5cm

Bản điện tử chia thành hai tập. Tập 1 - 30 truyện. Tập 2 - 34 truyện.


Tập 1

Con chó xóm trại mộ





Tiếng chó sủa đã lay động, đưa tôi về với ký ức xa xôi. Hình ảnh ngôi làng nhỏ nghèo, dân hầu hết là ngụ cư ,từ tứ xứ đến. Nhưng rất lương thiện. Những gương mặt bà con thân quen của ngày xưa đó, theo thời gian có phần đã loà xoà trong nỗi nhớ. Riêng tính cách ông Trưởng, thỉnh thoảng cùng với tiếng chó sủa, cứ hiện về rõ nét trong tôi

Ông có dáng đi chắc nịch, mày rậm, mặt vuông. Thường hăm hở vác bao đựng chó ra dòng sông, lạnh lùng dìm xuống. Vác sự chết lên, mỉm cười khoái trá suốt đường về. Bọn trẻ chúng tôi, cả thằng Tý con ông nữa, có hôm nhìn cảnh tượng đó, thấy xót xa tội nghiệp đã rấm rứt khóc. Ông quát: "Chúng mày cứ vớ vẫn".
Tôi kể lại chuyện đó mẹ nghe, mẹ bảo: "Con thề với mẹ là không bao giờ đụng đến thịt chó đi! Theo mẹ chó là một con vật trung thành tình nghĩa nhất. Giết nó mà ăn thịt là tàn nhẫn lắm! Thảng hoặc, thằng Tý có dụ con ăn thử một miếng, con cũng không được ăn nghe chưa".
Tôi đã thề với mẹ, song binh vực cho thằng Tý: ‘Mẹ đừng Lo, thằng tý không thích ba nó giết chó mổ heo đâu! Có lần Tý nói với con: "nó chỉ nghe mùi thịt chó khen khét, đã muốn nôn ra rồi. Nó chỉ khoái ăn lưỡi heo thôi". Mẹ còn ngăn không cho tôi đến nhà ông Trưởng, mẹ nói: " Gia đình đó không phải gia đình tốt, con không nên lui tới nhà họ". Nghe mẹ tôi không đến nhà ông, nhưng vẫn chơi thân với Tý. 

cho_soi.jpg

Ông Trưởng có ba vợ và rất nhiều con. Thằng Tý là con bà thứ ba. Mẹ nó là bà Xuyên. Năm đó ba lăm tuổi, nhỏ hơn ba nó mười tuổi. Mẹ tôi có lần kểlại: Ông trưởng nối nghiệp cha từ hồi còn trẻ, nên ông mổ heo và phân chia thịt ra hết sức tài tình. Có lần ông đã biểu diễn, chia ba chục phần thịt ra, khi cân lại trọng lượng mỗi phần gần bằng nhau. Mẹ tôi là một Phật tử thuần thành, chăm đi lễ bái các chùa . Tối nào mẹ cũng tụng kinh cần an tại nhà, bắt con cái tụng theo. Tý chơi thân với tôi , nên cũng hay đến nhà. Mẹ có biểu nó cùng tụng kinh với tôi , thấy cậu rất phán khởi.
Mỗi lần nhà Tý có mổ heo, là cậu đem đến cho tôi một tí lòng. Và cố nhiên có cả lưỡi heo nữa. Hai chúng tôi trốn ra vườn chuối ngồi ăn. Lòng heo thì tôi chịu lắm, nhưng lưỡi heo thì không hiểu vì sao, tôi thấy ghê ghê. Tỳ vị không tiếp nhận được. Có một lần thử ăn thì nôn thốc nôn tháo. Còn Tý lưỡi heo là món ăn hảo hạng của nó. Bởi vậy tôi ăn không được nó cũng mừng. Thời gian chơi với tý, tôi đoán nó ăn tối thiểu cũng phải đến hai trăm cái lưỡi heo.
Mùa hạ năm đó, tôi đến chùa Viên Giác làm công quả. Mãn hạ tôi xin Thầy đi tu. Thầy chấp thuận, mẹ cũng bằng lòng. Còn ba thì không đồng ý song mẹ nói mãi ba cũng xiêu lòng. Lúc bấy giờ tôi mười lăm tuổi. Tôi đi tu rồi thằng Tý rất buồn. Lên chùa thấy đầu tôi cạo, mặc bộ đồ màu nâu bằng vải thô, nó khóc thúc thít : " Tao thương mày quá! Mày còn nhỏ mà đã nghĩ đến chuyện làm lành lánh dữ. Còn gia đình tao, sao ai cũng ác hết. Suốt ngày tao nhìn thấy máu me, tối lại ngủ cứ giật mình hoài. Có đêm tao còn thấy ông mặt đen dữ tợn cắt phăng lưỡi tao. Từ hôm mày đi tu đến giờ tao không còn ăn lưỡi heo nữa. Không có mày cùng ngồi ăn, tao ăn chẳng thấy ngon chút nào".
Tý vẫn tiếp tục đánh bạn với tôi . Lên xuống chùa thường xuyên. Xưng hô mỗi ngày một khác: Ban đầu thì mày tao, sau đó thì gọi nhau bằng tên và đến khi miệng lưỡi dịu mềm hơn thì gọi tôi bằng chú.
Như một định mệnh sắp xếp chúng tôi gần nhau. Tôi đi tu được hai năm thì Tí cũng xin gia đình đi xuất gia, Nghe Tý ngỏ ý , ông Trưởng cười ha hả : "Tao con đông, mà gia đình này làm nhiều việc thất đức quá! Có một đứa đi tu cũng hay! Mai mốt mày tu thành chánh quả, độ tao với nghen!" Ông nói nữa đùa nữa thật.
                                                   
Thừa hưởng thể chất tráng kiện của cha, nên sư chú Quang Pháp rất khoẻ ( Quang Pháp là pháp danh của Tý ) chỉ tương chao đạm bạc , thế mà lớn nhanh trông thấy. Và nét đặc thù của chú là luôn có những cơn say, của một kẻ nhập cuộc lao vào cuộc chơi, quên cả đất trời, Thầy Tổ. Mà khi làm việc thì làm, bất kể giờ giấc ngày đêm. Hai chú điệu cùng lứa, làm việc cũng không bằng mình chú. Khi được Thầy truyền thụ võ nghệ, thì luyện tập say sưa, dẻo dai, nhớ bài uyển chuyển, nhanh nhẹn như khỉ. Thân hình chú tuyệt đẹp: Ngực nở, bụng thon. Khi cầm côn lên múa thì âm thanh phát ra vù vù như tiếng gió, hệt như môn đệ của phái Thiếu Lâm.
Tâm hồn chú rất phong phú: Yêu thiên nhiên thích âm nhạc, nghi lễ phật giáo, biết làm thơ nữa. Trí nhớ cực kỳ tốt. Ở chùa có câu:
"Đi lính sợ trèo ải, ở sãi sợ lăng nghiêm".
Thần chú Lăng Nghiêm, dài gấp mười lần chú Đại Bi, rất trúc trắc và vô cùng khó nhớ. Thế nhưng chú học có mười ngày là thuộc lòng. Chú chỉ có một mhược điểm là hay nói cà khịa, nói móc. Nhất là đối với nhừng người tu giới đức khiếm khuyết.
Một hôm trong buổi học, Thầy chúng tôi thử thăm dò tâm ý của chúng đệ bằng cách, đưa ra những câu hỏi trong kinh Tứ Thập Nhị Chương.
Thầy hỏi:Theo các con điều nào sau đây, các con thấy khó nhất trên lộ trình học và tu đạo:
- Giàu có học đạo khó?
- Kiến tánh học đạo khó?
- Vượt qua cạm bẫy của nữ sắc học đạo khó?...
Mỗi người trả lời mỗi câu, riêng sư chú Quang Pháp đã thưa với Thầy: "Theo con vượt qua cạm bẫy của nữ sắc là khó nhất". Bài toán trắc nghiệm tâm ý, đã có đáp số. Và Thầy thấu rõ được tâm niệm của từng đệ tử. Kể từ hôm đó Thầy để tâm đến chú nhiều hơn. Ân cần nhắc nhở, vì sợ chú vướng vào nữ sắc. Năm đó chú 20 tuổi.
                                                   
Khi đứa con cất tiếng khóc chào đời, thì niềm hạnh phúc hay khổ đau của cha mẹ, cũng được khai sinh theo. Sự khổ vui đó, phần lớn phụ thuộc vào âm đức của dòng họ trực hệ xa và gần, phước đức dày hay mỏng. Bà Xuyên đã ngất xỉu khi nghe con cất tiếng khóc chào đời. Bà không dám cho con bú, vì miệng nó in hệt như miệng heo. Mũi dài to, trống huếch lên, mắt him híp, chân tay ngắn ngủn, còn tiếng khóc nghe en éc, như tiếng heo bị thọc huyết. Có lúc bà lại nghe tiếng con khóc như tiếng bị sặc nước. Cả làng xôn xao bàn tán. Nghe tin các nhà khoa học sinh môi, các Bác Sĩ ở tỉnh tìm về thăm cháu bé. Đã có nhận xét: "đây là hệ quả của chất độc màu da cam" . Còn ông Trưởng ,ông không nghĩ thế. Ông đã hiểu... Lòng dày vò khổ đau. Tự trách mình: "Chính ông mới là..."
Được một năm, thì hài nhi dị dạng con ông Trưởng chết. Ông vứt bỏ con dao phay, và cái thớt oan nghiệt kia, xuống dòng sông khi xưa. Nơi trước đây ông đã từng dìm, không biết bao nhiêu con chó chết ngộp. Ông đến chùa xin quy y đầu Phật, làm phật tử tại gia. Ngày đó hại cha con ôm nhau mừng khóc.
Từ hôm được biết tin mẹ sinh em như vậy. Sư chú Quang Pháp có về thăm nhà một lần. Nhìn gương mặt sợ hãi, âu lo của mẹ. Biết lòng cha đang day dứt, dày vò. Còn em nữa xếp em vào loại chúng sanh nào trong sáu loài đây: Ngạ quỷ, súc sinh hay người... Lòng chú quặn thắt, rươm rướm nước mắt. Tự nghĩ : "Phải chăng đây là hình phạt mà đấng tối cao đã giáng xuống cho cả gia đình?" Sau lần về thăm nhà , sư chú Quang Pháp mỗi ngày mỗi tư lự đăm chiêu. Và không biết bởi nguyên nhân gì, bỗng dưng ghét bỏ phái nữ cực kỳ, luôn tìm cách xa lánh.
Một hôm tình cờ, tôi đọc được trong vở chép kinh của chú . Có những dòng chữ do chú suy tư chiêm nghiệm ghi lại: "Đạo lực mà non yếu, thì khi tiếp cận với cuộc đời, chỉ còn cách là nhắm mắt bịt tai. Vì thinh sắc dễ sợ quá chừng!" Và còn câu này nữa: " Hình phạt mà trời đất giáng xuống cho gia đình không đủ thức tỉnh ta ư? Đừng hướng tâm vọng ngoại tìm cầu nữa. Vì mây của trời rồi gió sẽ mang đi".
Thì ra thế ! Rung động trước thinh sắc, mà chú sợ hãi xa lánh phái nữ. Chứ trong sâu thẳm tâm hồn không phải vậy. Tôi thầm nghĩ: "Có vấn đề rồi đây". Nhưng mà chú thì tình cảm dành cho Phật nhiều hơn, thành thử nội tâm bị xung đột.
Cuộc đời hạnh phúc biết bao! Nếu như chúng ta nhớ được bài học Phật dạy, đừng xem thường những cái nhỏ: "Chú điệu nhỏ - con rắn độc nhỏ - đóm lửa nhỏ..." Tôi quá tự tin nơi chú. nghĩ rằng đây là chuyện nhỏ, không đáng quan tâm, nên không thưa cho Thầy tôi rõ. Với lại hôm đó lu bu quá! Tôi phải sắp xếp tranh thủ cho kịp, vào dự buổi lễ khai giảng khoá thiền ở tu viện CK - Vũng Tàu.
Ảnh hưởng tư tưởng " Bất lập văn tự" của Thiền Tông một cách máy móc, tôi không thư từ thăm hỏi chú , cả với Thầy tôi nữa. Hai năm sau tôi về thăm, thì sư chú Quang Pháp chỉ còn da bọc xương. Bi quan rên rỉ, mắt thất thần, sợ lạnh, hơi thở ngắn do khí suy. Lọm khọm như ông già. Tôi đoán ra bệnh tình của chú: "Bệnh âm dương không điều hoà". Cơ thể chú lúc bấy giờ đang thời kỳ sung mãn, toàn thịnh. Nên có những nhu yếu bức thiết, mà thuỷ tổ loài người cũng không thể thắng vượt được. Muốn vượt qua điều đó để hoàn thiện nhân cách. Chú đã đè nén xung động, ức chế những vọng tưởng. Nên sinh lý , tâm lý phản ứng đưa đến những tình trạng như vậy: Âm dương không cân bằng thuỷ hoả bất tương giao. Điều này tôi hiểu được khi vào Thiền Viện. Thiền Sư T T có lần đã giảng: "Tinh lực của người tu hành rất dồi dào sung mãn chỉ có thiền quán mới hoá giải quân bình được. Nếu không thường xuyên thực tập thiền định, chỉ dùng ý chí để ức chế, thắng vượt rất dễ sanh bệnh tật nguy hiểm".
Nhìn thân tâm sư chú Quang Pháp suy kiệt như thế, tôi thấy mình có lỗi vô cùng. Hai năm trời không thư từ thăm hỏi nhắc nhở chú. Và rủi một điều nữa là thời gian đó Thầy tôi nhập thất. Tôi kể rõ bệnh tình của chú, cho ba mẹ chú nghe. Nhà còn bốn sào ruộng, ông bà bán nhín hai sào để chữa bệnh cho con.
Một năm sau sức khoẻ chú hồi phục . Thân hình tráng kiện như xưa. Và tôi nhận thấy ngôn ngữ chú bắt đầu có hơi hướng cà khịa, châm chích trở lại.
Bản chất đam mê, nên sau khi  tỉnh giác, ông Trưởng đã lao vào làm việc từ thiện xã hội, một cách say xưa bất kể ngày đêm, Sắp xếp phân chia công việc Đạo một cách tài tình hợp lý. Tựa như ngày xưa ông mổ và chia thịt heo. Tháng năm trôi qua, lòng ông mỗi ngày thêm an tịnh, vì phiền não được vơi dần theo công phu tu tập. Chuyện dao thớt ngày xưa chừng như ông quên hẳn. Nhưng một chiều kia, ông trèo hái bơ trước nhà để dâng cúng. Cành bơ sâu đục bên trong thân, gãy, ông rơi xuống. Tuy thấp nhưng vì té ngồi ông bị chấn thương cột sống. Hai chi dưới bị liệt. Ông chữa chạy không đúng chỗ, vả lại gia sản bấy giờ chẳng còn gì, thành thử chữa trị chiếu lệ. Cuối cùng ông nằm luôn một chổ. Có điều lạ! Tuy nằm một chỗ, ông vẫn không đánh mất niềm tin. Hy vọng vào tương lai ông vẫn mỉm cười được. Ông có nghe đến phương pháp vật lý trị liệu - Yôga, nhờ thân hữu tìm mượn dùm sách nghiên cứu .Và lao vào luyện tập ngày đêm. Thời gian ông bệnh nặng, nhiều lần quý đạo hữu quen thân ngỏ ý, muốn đến nhà ông tụng kinh Thuỷ Sám, để cầu nguyện cho ông tiêu trừ nghiệp chướng. Ông cảm ơn và từ chối nói rằng: "Xin cảm ơn thịnh tình của quý đạo hữu, nhưng tôi tạo nghiệp thì chính tôi phải trả nghiệp. Hơn thế nữa phải vượt qua nghiệp mà tồn tại, vì tu là chuyển nghiệp. Không có sức mạnh nào ngoài tôi có thể cứu rỗi tôi". Ông nói như một hiền triết.                                             
Sư chú Quang Pháp vắng mặt hai hôm rồi, mọi người trong chùa không ai biết lý do. Đột nhiên sáng nay, sư chú Quang Thanh phát hiện ra một mảnh giấy trong phòng sư chú Quang Pháp: "Từ nơi miệng mà con đã tạo ra rất nhiều nghiệp chướng. Con muốn nó phải vĩnh viễn im lặng. Thầy với các huynh đệ đừng tìm con". Chúng tôi hốt hoảng, thấy sự tình hết sức nghiêm trọng, chia nhau đi tìm khắp nẻo, có mượn chó săn theo nữa. Nội nhật thì tìm thấy chú ở một hẻm núi, bất động thiêm thiếp. Máu chảy ra từ miệng thành vũng, đông đặc. Chóp lưỡi bị cắt lìa, kiến bu đen thui. Trước hình ảnh bi thảm này bất chợt tôi nhớ đến những chiếc lưỡi heo mà chú ( lúc còn là thằng Tý) đã ăn năm xưa và giấc mơ của chú đã kể cho tôi nghe hồi đó. Chúng tôi đã đưa chú vào bệnh viện K cấp cứu. Các y bác sĩ hết sức ngạc nhiên nói: "Chúng tôi chưa từng gặp trường hợp nào như thế. Cắt lưỡi máu ra hai ngày mà không chết".
Qua sự cố đó, chúng tôi tìm hiểu và biết được nguyên nhân. Thì ra cách cái ngày sư chú Quang Pháp bỏ vô núi hai hôm, chú đã đấu võ với một sư chú từ Bình Định lên thăm. Cũng do cách nói cà khịa, châm chích cố hữu đó mà xảy ra cớ sự. Hai đồ đệ thiếu lâm không tự kiềm chế, đã tỷ thí. Sư chú Bình Định đã thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Nhưng cũng đã bị chấn thương nặng. Sư chú Quang Pháp vô cùng hối hận, và câu chyện xảy ra như chúng ta vừa theo dõi.
Vết thương ở nơi thân, theo thời gian dễ dàng thành sẹo hơn vết thương ở tâm hồn. Chuyện ngày qua chú vẫn còn dằn vặt mãi. Để chuộc lại lỗi lầm do khẩu nghiệp gây ra  (đúng hơn phải nói là ý nghiệp, vì chính ý là nguyên nhân chính để tạo nghiệp, để rồi luân hồi sinh tử) sư chú Quang Pháp xin Thầy tôi về Bình Định để học Nghi Lễ. Tuy bây giờ giọng nói của chú có phần ngọng nghịu một chút, nhưng chú đã sử dụng cái lưỡi bất toàn của mình, bằng con tim chân thành cảm xúc. Đưa âm thanh khiếm khuyết của mình vào từng bài tán lễ, từng bài thi kệ, có khí vị giải thoát phiêu diêu. Chú cảm nhận ra rằng, âm nhạc Phật Giáo tuy có bi nhưng không luỵ  Cái bi ở đây là chất liệu để nuôi dưỡng lòng thương, lay động thức tỉnh con người, về với cái chân, cái thiện. Vì thế nó cần thiết.
Chú thấy những bài tán của Phật giáo, trước hết là những bài ngợi ca Tam Bảo. Lại có những bài tán mang thông điệp chuyển hoá, đến với hương linh. Đồng thời khai thị cho người tham dự buổi lễ, thấu rõ được bản tâm của mình. Âm thanh trong nhà Phật có những điều thật kỳ diệu, nhiệm mầu, nếu tâm hồn ta chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận. Thứ nữa, nghi lễ truyền thống cũng là công cụ giao lưu giữa tín đồ và giáo hội. Không có nó sinh hoạt tín ngưỡng sẽ buồn tẻ nhiều.
Tôi đã thấy sư chú Quang Pháp, đem đạo Phật vào cuộc đời bằng lời tụng ca và điệu tán, cảm hoá hữu hiệu tín đồ như thế nào, sau biến cố trong hẻm núi ngày ấy. Và rõ hơn vì sao ngày xưa Thầy tôi hay nhắc đến chữ tuỳ duyên - phương tiện.
Cuộc đời tu hành của tôi bình thường phẳng lặng,không gặp sóng gió gì. Nhưng khi hai huynh đệ ngồi bên nhau, tôi thấy mình chỉ là một chiếc bóng mờ nhạt bên chú.


Pleiku, ngày 25 tháng 09 năm 1992.


Âm lịch

Ảnh đẹp