Con về còn trọn niềm tin (Tập một)


Tác giả: Thích Giác Tâm
14/07/2013 17:37 (GMT+7)
Số lượt xem: 113271
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng



Tác phẩm:  "CON VỀ CÒN TRỌN NIỀM TIN". Tác giả: Thích Giác Tâm - Nhà xuất bản Phương Đông - TP.Hồ Chí Minh, xuất bản tháng 01 năm 2012. Ấn bản giấy 368 trang, cả bìa. Khổ 13x20.5cm

Bản điện tử chia thành hai tập. Tập 1 - 30 truyện. Tập 2 - 34 truyện.


Tập 1


Ba!


Các con thương yêu
 
Những lần kể chuyện cho phật tử nghe , hoặc qua những trang viết của mình Thầy ít nhắc đến Ba của Thầy hơn Mẹ , vì Thầy thương Mẹ nhiều hơn Ba . Người mà có tâm hồn cao cả , có chí hướng thiện , sống đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người …Viết hoặc kể về họ rất dễ dàng.


Còn nếu không có những đức tính nêu trên lại thêm rượu chè say sưa , đánh đập vợ con ,bỏ phế gia đình , chúng ta viết hoặc kể về họ như thế nào đây ?  Ba Thầy sinh năm Tân Hợi ( 1911 ) nếu còn sống đến giờ thì ông cụ được 92 tuổi , nhưng cụ đã mất từ năm 1972 ,thọ 62 tuổi . Không còn gia phả để lại và tộc họ cũng chẳng còn ai để hỏi , nên Thầy cũng chẳng biết gì nhiều về giòng họ phía nội của mình . Ba với Mẹ Thầy như lửa với nước  không hạp nhau một điều gì , gần nhau là kình cãi , đôi khi đánh lộn
nữa . Hai người có hai nhà và ở riêng , thỉnh thoảng Ba mới về thăm vợ con một lần , những lần đó tối lại hai cha con ngủ chung . Trí nhớ Ba tốt , Ba kể rất nhiều chuyện cho Thầy nghe : Tây Du Ký, Phong Thần , Tam Quốc Chí, ba anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa , Tổng Đốc Nguyễn Thân làm tay sai cho Pháp , và cái chết báo ứng của ông Tú Huệ …đôi khi có kể qua lý lịch của giòng tộc mình , đến bây giờ Thầy chỉ còn nhớ man mán .       Ba kể :” Ông Nội con là một nhà nho , sinh được 9 người con  nhưng chỉ nuôi được có 3 người . Cô Ba sinh ra mẹ cháu Nga ( người cháu này nay đã có 8 người con , hiện ở tại Cư Xá Thanh Đa- Sài Gòn ) . Bác Năm sinh ra cháu Chánh ( người cháu này hiện nay đã 70 mươi tuổi , ở Hà Tam , An khê , Gia Lai ) . Cô Mười sinh ra cháu Chiến ( người cháu này vừa mới mất tháng 11 năm 2001 , thọ 60 mươi tuổi ) .  Trong gia đình Ba thứ Chín, riêng Ba chỉ sinh được con và em con , giòng tộc mình hữu sinh mà vô dưỡng nên con cháu rất ít “ .        Còn về Ba Thầy , Thầy biết cũng rất ít . Thầy không biết Ông Cụ có bằng cấp gì không ( từ đây Thầy gọi Ba Thầy là Cụ  cho gọn ) nhưng Cụ nói được tiếng Pháp , viết và đọc được chữ Hán chữ Quốc Ngữ . Nghề nghiệp thì có nghề hớt tóc , sống bằng nghề này cho tới khi mất .  
     
anh_-_son_dau.jpg
 
Ông cụ  tính rất hài hước , sống  bằng nghề hớt tóc  nên trước nhà ,  chái thêm mái hiên sáu tấm tole , đặt một chiếc ghế quay tròn được và treo một tấm kính cỡ lớn cho khách soi mặt . Cụ hớt tóc rất đẹp nhưng rất ít khách nên thường xách cần đi câu cá giải buồn . Có lần Cụ nói vui : “ Ba đi câu  là câu thời câu vận chớ không phải là để có cá . Ba câu kiểu  của Khương Tử Nha đời nhà Chu bên Trung Quốc , lưỡi câu không móc mồi , chừng nào cá cắn câu thì ông sẽ gặp thời , lúc đó ông sẽ ra phò vua giúp nước . Ông Cụ nói vui vậy chứ thực ra Cụ  có nhiều kinh nghiệm câu cá nên câu được nhiều cá lắm ! Nấu nướng thì khỏi chê , những con cá rô, cá trê ,cá luối được Cụ gia vị đúng kiểu rồi nướng vàng hươm dằm nước mắm ớt tỏi , làm thức nhắm cho chai rượu của Cụ ,và sau đó thì gia đình sẽ xáo tung lên , làng xóm sẽ nhức óc vì tật nói dai của cụ .        Những hôm ngồi từ sáng đến chiều không có khách đến hớt tóc , Cụ nói với Thầy : “ Ba hớt tóc là chỉ để vui thôi , có tiền không tiền cũng được , vậy mà cả ngày không có ai đến hớt tóc hết , kể cũng hơi buồn . Ngày mai con ra đứng trước nhà thấy ai tóc dài quá cỡ thì kéo vô quán ba hớt cho “ hớt công quả thôi ,miễn sao có người vô ra quán vừa hớt vừa nói chuyện  cho vui” .       Một người lãng tử bất đắc chí ,thích nhậu như  Cụ , không hiểu nhân duyên nào đưa đẩy Cụ tiếp cận  với Phật Pháp . Cụ có Pháp Danh hẳn hoi . Vị thầy truyền giới là Thầy Thiện Đức ,Thầy Bổn Sư đặt tên đạo cho Cụ là Trung Tán . Ông Cụ thế danh là Nguyễn Trợ , Pháp Danh là Trung Tán . Ghép lại là Trợ Tán (Trợ Tán có nghĩa giúp cho đám tang ) . Người xưa khi đặt tên  rất cẩn trọng , không hiểu sao Thầy Thiện Đức lại đặt tên đạo cho Cụ như thế . Có phải do tên quá trệ hay không mà cuộc đời Ông Cụ không ra gì hết , cứ nói sinh  không gặp thời rồi không làm gì hết .       Đời Cụ không có hạnh phúc , không thành đạt trên con đường công danh sự nghiệp . Vợ chồng chỉ là chắp vá khi tuổi đã cao , quá rượu chè nên gia đình luôn lủng củng , không mấy khi Ba Mẹ Thầy ngồi ăn cơm cùng mâm với nhau . Gia đình luôn có cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược . Con cái thì thương mẹ binh Mẹ nhiều hơn Ba, thành thử Cụ rất cô đơn . Có phải vì quá cô đơn muộn phiền mà Cụ tìm đến rượu để giải sầu ? Có phải vì suốt kiếp làm người Cụ không hề có hạnh phúc thương yêu nên Cụ mong ước đời hai đứa con mình được hạnh phúc , đừng giống như mình . Có lẽ chính từ  ước vọng đó mà Cụ đặt tên cho anh em Thầy là Hạnh Phước ( từ Hán Việt Phước và Phúc cùng nghĩa . Gọi Phước Lộc Thọ hoặc Phúc Lộc Thọ đều được ) . Thầy tên Phước còn mẹ sư chú Thường Chiếu tên Hạnh . Sư Chú Thường Chiếu có tên khai sinh là Nguyễn Khải Ngộ , lúc mới sinh ra do Thầy đặt .Thầy mong ước cháu mình khai mở sự hiểu biết , tỏ ngộ tự tâm, và hơn hết là đi theo dấu chân Phật , chân Thầy . Sư Chú Thường Chiếu tức là Sư anh các con đi xuất gia theo Thầy từ nhỏ đến giờ .       Thầy rất kỳ vọng , còn tương lai thành tựu được tới đâu còn tuỳ thuộc ở sự nỗ lực tu tập tự thân .        Chỉ trong vòng 15 năm nay Thầy mới biết thương Ba,còn thời gian trước đó Thầy không hề biết thương . Nhờ Phật soi sáng , cái thấy cái biết của Thầy khác ngày trước . Tìm hiểu rõ nguyên nhân lầm lỗi ,vụng về , tật chứng , sai quấy của người rồi thông cảm cho qua . Bản chất con người là thiện , nhưng do di truyền , do tập khí , do hoàn cảnh kinh tế khó khăn đưa đẩy , do sống trong cộng đồng  người tốt ít mà người xấu nhiều , do môi trường giáo dục không tốt , do sống trong gia đình không có hạnh phúc vân vân và vân vân . Chính những nguyên nhân nêu trên khiến cho con người trở thành xấu ác , không dễ thương .       Nhờ tuệ giác của Phật khai mở  nên Thầy mới biết thương Ba ,thấy Ba đáng thương chớ không đáng trách . Bởi vậy mỗi năm tới ngày 25 tháng 08 âm lịch –ngày kỵ giỗ Cụ –Thầy cúng giỗ rất chu đáo . Bà con Phật tử xa gần đều đến dự kỵ và cầu siêu cho Ông Cụ . Sau khoá lễ cầu siêu Thầy hay kể lại cuộc đời của Ông Cụ ,cho bà con phật tử nghe , để qua đó mà rút tỉa cho mình một bài học .       Từ lâu Thầy muốn kể cho các con nghe về cuộc đời của Ông , nhưng chưa có dịp nào để kể . Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu ,Phật Lịch 2546 Thầy kể tóm tắt lại cuộc đời của Ông cho các con rõ , rằng chân dung của Ông Nội trong gia đình tâm linh của mình như  thế đấy . Thương một đời bất hạnh của Ông tới ngày giỗ Ông ,các con nhớ tụng cầu siêu cho Ông một biến Kinh  A Di Đà . 

Chùa Bửu Minh ,Gia Lai ngày 22/05/năm Nhâm Ngọ.(2002)

Thầy của các con                                                                         

Thích Giác Tâm                         


Âm lịch

Ảnh đẹp