25/06/2013 09:50 (GMT+7)
Số lượt xem: 79534
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Vẻ đẹp hoang sơ miền đất Gia Lai Biển hồ Tơ Nưng Con đường dẫn xuống hồ đẹp như tranh, hai bên là những rặng thông xanh ngắt. Cuối con đường, leo lên các bậc tam cấp bằng đá, du khách sẽ đặt chân vào ngôi nhà lồng rất thơ mộng được xây trên một đồi cao ăn ra lòng hồ. 




Biển hồ Tơ Nưng - Gia Lai

Biển hồ Tơ Nưng

Nước hồ quanh năm đầy ắp, xanh trong có thể nhìn rõ từng đàn cá bơi lội dưới nước. Hồ có độ sâu từ 20 đến 40m. Ðây là vựa cá, hàng năm cung cấp cho Pleiku hàng trăm tấn cá. Những chiếc thuyền độc mộc lướt trên mặt hồ thật êm ả. Phong cảnh xung quanh hồ thật ngoạn mục, từ những cây cối và các loài hoa khoe sắc ven hồ, ong bướm dập dìu tiếng hót của các loài chim lảnh lót mỗi buổi sớm mai. Kế đó là những cánh rừng bạt ngàn, những ngọn đồi uốn lượn trập trùng… Những chiếc thuyền độc mộc lướt trên mặt nước. Giữa mùa nắng nóng oi nồng mà ở đây rất dễ chịu: không khí trong lành và mát rượi. Đứng trước hồ nước mênh mông không khỏi nhớ đến câu thơ “Ngọn gió nóng qua sông thành ngọn gió mát”. Quả thực, biển hồ đã hấp thụ những cơn gió nóng nực để đem đến cho vùng đất cao nguyên bao la những cơn gió mát lành. Đây không chỉ là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, nước cho cây trồng và vật nuôi cho một vùng rộng lớn mà còn cung cấp cho dân trong vùng hàng trăm tấn cá, tôm…mỗi năm. Nguồn lợi tự nhiên mà biển hồ mang lại vô cùng to lớn và quan trọng, nhất là đối với vùng cao nguyên ở độ cao gần ngàn mét so với mặt biển và hiếm nước. biển hồ với nhiều góc độ nổi lên như một viên ngọc bích giữa mênh mông đất đỏ Tây Nguyên. Biển hồ gần quốc lộ 14 và quốc lộ 19 nên rất thuận tiện cho khách đến tham quan. Đứng bên hồ, du khách có thể phóng tầm mắt để nhìn bao quát cả một vùng: đây là những quả đồi đất đỏ badan, những đồi chè, những đồi cà phê trĩu quả. Kia là thành phố Pleiku – phố núi cao, phố núi đầy sương. Xa xa là những cánh rừng bạt ngàn, những ngọn đồi uốn lượn trập trùng. Du khách còn gặp ở đây những ngôi nhà rông cao vút. Trong vòng bán kính 6km về hướng nam là núi Hàm Rồng. Hàm Rồng là dương, dương từ khí núi, hiên ngang như tấm bình phong chắn gió. Ngược lại, biển hồ cũng là miệng một núi lửa nhưng khác là âm sâu xuống lòng đất. Các nhà khảo cổ học đã thám sát, thăm dò và khai mở trang sử từ lòng đất này cho chúng ta biểt về văn hóa biển hồ – nền văn hóa đặc sắc thời tiền sử. Biển hồ Tơ Nưng được ví như hạt ngọc của Pleiku, của cả Tây Nguyên và là một điểm du lịch quan trọng của tỉnh. 

Hồ Ayun Hạ.

Hạ Hồ Ayun Hạ là hồ nước nhân tạo, hình thành khi dòng sông Ayun được chặn lại vào đầu năm 1994, để khởi công xây dựng công trình thuỷ lợi Ayun Hạ, đập chính và cửa cấp nước của hồ nằm trên địa bàn xã Chư A Thai – huyện Ayun Pa, cách Tp. Pleiku 70km về phía tây. Vùng ngập chính của hồ thuộc địa phận xã H Bông huyện Chư Sê. Đến nay công trình đã hoàn thành, làm sống lại 13.500ha đất canh tác, phần nhiều từ 1 vụ biến thành 2 vụ lúa, có dịp đi thăm suốt dọc kênh đầy nằm giữa những cánh đồng bát ngát lúa 2 vụ ken đầy xanh tốt mà ở đó nhiều đời nay đồng bào các dân tộc chỉ trồng cấy 1 vụ nhờ mùa mưa hàng năm, mới thấy được công trình có ý nghĩa to lớn như thế nào đối với người dân nơi đây, công trình thuỷ lợi Ayun Hạ hoàn thành đã đem lại hiệu quả cao, ổn định đời sống no đủ cho đồng bào các dân tộc, hạn chế nhiều sự chặt cây, phá rừng. Hồ Ayun Hạ ngoài tác dụng cung cấp nước tưới cho 13.500ha lúa nước, còn là hồ cung cấp nguồn thuỷ năng lớn ở khu vực, nhà máy thuỷ điện Ayun Hạ đã được xây dựng và đã chính thức hòa điện vào lưới điện quốc gia (đầu năm 2001), với 2 tổ máy đi vào hoạt động có công suất 3.000kwh. 

Núi Chơ Hơ Rông.

Rông Núi Chơ Hơ Rông nằm ở thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, cách Tp. Pleiku khoảng 10km về phía đông nam. Đặc điểm: Ngọn núi khá cao, có thể tới 1.600m, và có nguồn gốc từ ngọn núi lửa đã tắt từ lâu. Do đó, núi tuy cao nhưng dáng mềm mại, thoai thoải vì thế có người đã ví trái núi như “Bộ ngực kiều diễm của một cô gái trẻ”. Quanh chân núi, đất đai phì nhiêu, cây trồng xen với cây rừng rậm rạp. Các nhà khảo cổ và dân tộc học gần đây đã khai quật được nhiều di chỉ khảo cổ của các thời kỳ đồ đá, đồ gốm…Đường lên núi tuy dốc thấp, nhưng quanh co, uốn khúc. Đất mềm để lộ các tảng đá lớn. Đôi chỗ vách đá lộ ra một khe suối nhỏ, nước chảy lặng lẽ hay một con thác dốc, nước len lỏi qua các hố sâu. Cây cỏ trên đường đi thật đa dạng. Các mảng cây lá rộng thường xanh, mọc xen với các loài cây rụng lá theo mùa, làm cho cảnh trí luôn thay đổi trên mỗi bước đi. Núi Chơ Hơ Rông đang là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan. 

Thác Lệ Kim.

Đến đây, du khách sẽ có dịp được tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ và tìm hiểu thêm về vùng đất mang đậm hương vị Tây Nguyên. Để đến thác Lệ Kim, từ Tp. Pleiku, xuôi theo tỉnh lộ 664 khoảng 20km, du khách sẽ đến thị trấn Ia Kha – trung tâm huyện Ia Grai, đi tiếp khoảng 15km nữa, du khách sẽ đến thác Lệ Kim. Từ xa, du khách đã nghe thấy âm thanh ào ào của dòng nước từ trên cao đổ xuống. Khi đến nơi, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp nơi đây pha lẫn trong sự kiến tạo ra thác Lệ Kim: Dòng suối Ia Pech bắt nguồn từ trên núi, chảy trên nền địa hình khi bằng phẳng, khi gập ghềnh và dội xuống một hồ nước khá rộng rồi chảy ra sông Pô Kô, bởi thế, người dân nơi đây đã đặt tên cho điểm du lịch này là thác Lệ Kim. Đứng ở khu vực gần chân thác Lệ Kim, du khách sẽ cảm nhận được những luồng hơi nước mát lạnh tỏa ra từ dòng thác và dưới mặt hồ; bên cạnh đó, du khách còn được ngắm nhìn tốc độ của dòng chảy: Với độ cao cột nước khoảng 30m và độ dàn trải của dòng chảy không rộng, Thác Lệ Kim đổ ào ạt, xối xả giống như một dải lụa trắng xuống hồ tung bọt trắng xóa, những hạt nước nhỏ li ti quện vào nhau tạo thành một làn sương mỏng phủ kín vùng mặt hồ dưới chân Thác. Đến với Thác Lệ Kim, du khách sẽ có dịp tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ và tìm hiểu thêm về vùng đất mang đậm hương vị Tây Nguyên này. 

Thác Phú Cường.

Cường Từ lâu, thác Phú Cường đã được nhiều người biết đến bởi vẻ đẹp tự nhiên, vốn có. Thác có độ cao khoảng 45m, dòng nước bắt nguồn từ trên núi rồi đổ xuống suối La Peet tung bọt trắng xóa và chảy ra sông Ayun – nơi có công trình thủy lợi Ayun Hạ với hồ chứa nước có diện tích rộng khoảng 3.700ha. Nếu du khách xuôi theo dòng suối La Peet, du khách có thể ra tới sông Ayun; tại đây, du khách sẽ có dịp được dạo quanh hồ bằng thuyền để ngắm nhìn phong cảnh núi rừng Gia Lai, câu cá và giao lưu với người dân tộc Ba Na, Gia Rai sống quanh hồ. Với một thảm thực vật phong phú, đa dạng và một không gian rộng lớn; khi đến với thác Phú Cường, du khách sẽ được hòa mình vào bầu không khí trong lành, mát mẻ; được ngắm nhìn dòng nước chảy len lỏi qua các kẽ đá; xen lẫn trong âm thanh của tiếng nước chảy, du khách nghe đâu đó tiếng một số loài chim đang gọi bạn tìm nhau và có lẽ chúng cũng đang vẫy chào du khách đến với vùng đất này. 

Thác Xung Khoeng.

Khoeng Thác Xung Khoeng thuộc địa phận xã Ia Me, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Đặc điểm: Thác Xung Khoeng là nơi nghỉ ngơi thú vị, ở đây du khách vừa được ngắm vẻ hùng tráng của thiên nhiên, vừa hít thở không khí trong lành khiến cho tâm hồn thư thái, tĩnh lặng. Mặt thác lớn, trải rộng và tương đối bằng phẳng. Hai bên bờ, cây cối mọc um tùm. Phía sau thác là nền trời xanh thẳm cao lồng lộng. Nước đổ xuống uốn cong theo triền đá mềm mại, đập vào các tảng đá nổi lên trên mặt nước tung bọt trắng xoá. Nước chảy len lỏi trong các khe đá, trên thảm cỏ xanh làm thành một vùng hồ nước trong vắt, sát với các vách đá xung quanh. Ngồi trên các tảng đá rêu phong phủ kín, ngửng nhìn lên cao, da trời xanh ngắt lồng lộng, gió thổi mát rượi, không gian tràn đầy hơi nước mơn man làn da, mắt nhìn dòng chảy và tai nghe tiếng trầm hùng đều đặn của nước xô vào vách đá. Âm thanh tưởng như không bao giờ dứt, như tiếng chuông, tiếng cồng, tiếng trống ở các bản làng đang vào ngày hội. 

Biên tập bởi HiVietnam.net – Hoàng Vy (Theo Vietnamtourism) 

-----------------------


Âm lịch

Ảnh đẹp