24/12/2012 10:08 (GMT+7)
Số lượt xem: 121479
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phật có 84 ngàn pháp môn tu. Pháp vốn “bình đẳng, vô hữu cao hạ”, “không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm”. Nhưng ở thời mạt pháp, Tịnh Độ tông có thể nói được xem là thù thắng nhất. Mục đích tối thượng đạt giải thoát, tâm phải “như tường vách”, tuyệt tĩnh bình lặng. Các tổ sư xưa và những pháp sư được xem là Bồ-tát tái lai hiện thời hầu hết đều giảng về Tịnh độ.

 Lời của Phật Thích Ca: Thời Chánh pháp người ta thành tựu pháp thiền quán, trong thời Tượng pháp người ta thành tựu pháp thiền định và trong thời Mạt pháp, người ta thành tựu pháp môn Tịnh độ. Và trong kinh Ngài đã nhắc nhở, đến thời Diệt pháp thì chỉ còn lại 6 chữ “Nam-mô A Di Đà Phật”. Người tu bước vào vườn kinh điển Đại thừa nhất thiết không thể bỏ qua câu kinh trong kinh Vô Lượng Thọ: “Oai thần và quang minh của Phật A Di Đà tối thắng đệ nhất, mười phương chư Phật không thể sánh được”. Và Phật Thích Ca còn tôn Phật A Di Đà là “vua trong các vị Phật”. Thế nên đến Bồ-tát Văn Thù cũng cầu sanh về Cực lạc. Trong 13 tổ sư Tịnh Độ tông, có đến 7 vị từng là tổ của các pháp môn khác; đặc biệt ngài Long Thọ được tôn làm tổ của 8 pháp môn mà chặng nước rút cuộc đời cũng hướng về Tây phương. Phật Di Lặc hiện trú tại nội viện Đâu Suất, tương lai đến Ta bà hóa độ chúng sanh cũng giảng dạy không ngoài 4 chữ A Di Đà Phật.

Tây phương Cực lạc quốc có tầng thấp nhất mà người sơ cơ may mắn lên được nhờ “đới nghiệp vãng sanh”, tức mới là học sinh tiểu học của Phật. Nhưng điều tối thắng là ở đấy có vô lượng thời gian để tu tập lên các tầng cao hơn, không bị trôi lăn vào sáu nẻo luân hồi. Có thể so sánh với các nấc thang trong trò chơi “Ai là triệu phú”, khi trả lời đúng năm câu hỏi, hoặc mười, nếu có sai tiếp cũng không rơi xuống (hưởng lợi) ở câu số 6 hoặc câu số 1. Cũng chính vì nghĩ tu niệm Phật cũng chỉ là học sinh tiểu học nên nhiều người cho pháp môn này dễ dãi, không theo.

Dễ hay khó phải hành mới rõ. Yếu chỉ quan trọng bậc nhất lúc niệm Phật là phải nghe rõ từng chữ đã niệm (dẫu là niệm thầm). Trong kinh Thủ lăng nghiêm, Phật cho đánh một tiếng chuông và hỏi ngài A-nan có nghe không. A-nan trả lời có; bấy giờ Phật không cho đánh chuông, lại hỏi A-nan  có nghe không. A-nan  bảo không nghe. Phật giảng: không phải không nghe, mà là nghe cái không nghe. Tham khảo thêm Trường Trung Đạo của Bồ-tát Long Thọ: “Nếu Thực thể không có thì Phi thể lấy gì mà được gọi là Phi thể chứ?”. Lúc ta niệm Phật không ra tiếng nhưng chú tâm sẽ nghe được; nghe rõ ràng, câu niệm Phật ấy mới được tính điểm. Ban đầu thử thực hành niệm (nghe được) ba lần nối nhau mà không ý niệm tốt xấu xen lộn, rồi thực hành lên năm lên mười niệm một lần. Tiến tới ngồi thiền nối nhau câu niệm Phật không vọng tâm, đến lúc không còn biết đến niệm nữa mà chỉ nghe “A Di Đà Phật” nối nhau vô tận… Niệm Phật ai cũng có thể công phu suốt ngày đêm: đi đứng nằm ngồi, hễ không phải dùng trí não thì câu niệm Phật tự động bật lên. Làm được vậy xem như bước trên miền Tịnh độ. Quyết chí niệm đến nhất tâm bất loạn, đạt Tam muội thì Tây phương Cực lạc thế giới hiện bày. Trần gian có xảy ra đại nạn cũng không mảy may tác động đến mình. Sanh tử do ta chứ không phải do trời.

16a.jpg

Chết là một chuyến đi dài. Sợ chết bởi ta quá nhiều ham muốn dính mắc không thể dứt mà lại không có “lộ phí” giắt lưng - ấy là đức và 6 chữ Phật hiệu nằm lòng. Gom đủ hành trang rồi, chết được chuyển lên cõi trang nghiêm vạn lần; ở đó có thể nhìn thấy người thân, nhìn thấy chúng sanh thiếu may mắn hơn và trong khả năng có thể, giúp đỡ được họ. Còn không chúng ta với họ là một, cùng lấm bết trong Ta bà, cõi âm hay lạc nhau trong tam ác đạo thì có gặp nhau trong một nhà cũng chẳng thể nhận ra; lại sân hận giết chóc nhau, tiếp tục ân oán trong nhiều nhiều kiếp nữa và mong chi gặp Phật. Cái sự thiếu nhân duyên này (vì không gieo thiện căn), có người đứng bên hố địa ngục, được Bồ-tát nhắc hãy niệm Phật giải bớt nghiệp họ cũng thà gieo vào chảo dầu sôi khổng lồ ấy. Với thời gian ngắn ngủi ngụ tại trần ai, đời người như bọt biển, “như mộng huyễn bào ảnh”, trong mắt của chư Phật, Bồ-tát ta thực đang bén lửa. Không nhanh nhanh chuyên trì niệm Phật sẽ hóa linh hồn. Phật thuyết trong kinh Phạm võng: “Linh hồn đi đầu thai từ loài này qua loài kia xuyên qua tất cả những hình dạng từ đá sỏi, thảo mộc, cầm thú, và những người tính tình khác nhau”. “Có tất cả bao nhiêu chúng sanh, nào sinh trứng, nào sinh thai, nào sinh nơi ẩm ướt, nào hóa sinh, nào có hình sắc, nào không hình sắc, nào có tưởng, nào không có tưởng, nào chẳng phải có tưởng, nào chẳng phải không có tưởng…” (Kinh Kim cương Bát-nhã). Hiếu thắng sẽ nghiêng về A tu la, si muội nghiêng về súc sanh, tham tài vật ăn uống thì nghiêng về ngạ quỷ… Kinh ví như cái cây, lúc cây [người] bị chặt [chết] ắt đổ về phía đã nghiêng sẵn ấy. Trải qua hàng ức kiếp, lội qua vô số loài không ngoại trừ địa ngục mới thấy hào quang phóng chiếu cuối đường hầm.

Tôi và nhiều người đã đốt hết chín mươi phần trăm thời gian vô ngần quý giá để tạo nên những lâu đài cát. Công sức biển trời của con dã tràng ấy trong một giây bị sóng nghiệp lực xóa sạch. Chính lòng sân hận loài người cộng lại tạo nên sóng thần cùng bao thiên tai ác chướng. Khoa học đã đo được mức độ biểu cảm nhạy bén của nước. Nếu ta hòa ái với nước, bức ảnh chụp nước kết tinh đẹp như hoa tuyết; nếu sân hận và sử dụng nước phí phạm khinh khi, kết tinh chụp được xấu như một quả chín thối. Cơ thể người nước chiếm từ 50-70%, là “nói” lên điều gì? Tác phẩm Vạn vật của vũ trụ hồng trần của giáo sư Eddington đưa ra một kết luận: “Nếu chúng ta loại bỏ hết các khoảng trống không trong thân thể con người và góp lại những điện tử của con người làm thành một khối, thì xác thân của chúng ta chỉ còn nhỏ bằng hạt bụi, phải dùng kính phóng đại mới vừa đủ thấy mà thôi”. Ngạc nhiên chưa. Ấy mới chỉ góp phần nhỏ minh tường lý Bát-nhã bất khả tư nghì.

Hiểu Bát-nhã, hiểu bản thể của nước, con người sẽ trân trọng bản thân mình hơn, yêu thương mình và yêu thương mọi người hơn. Chúng ta không bắt cái thân giả tạm này luôn bị tra tấn bởi bia rượu quá liều, không phải lơ ngơ trong các chất gây nghiện như bia rượu ma túy cần sa. Yêu bản thân không phải tỉa tót, chăm chút từng milimet da thịt, không phải tô son điểm phấn và không được phép ai vấy bẩn lên mình. Biết yêu bản thân là giữ tâm trong sạch, “không làm các việc ác, siêng làm những việc lành”, ngày đêm tưởng nhớ Phật, lạy Phật, niệm Phật, ngày đêm nguyện nếu mất thân này sẽ được sanh về Tây phương Cực lạc. Thể tướng từ đó mà đẹp ra, thân vô bệnh, phúc vào nhà; lấy tướng ấy phúc ấy tiếp tục hành thiện trong lặng lẽ và nên xóa dấu, tức biết vun đức thành núi đạt phước báo vô lượng. Phước ấy cộng với sự buông bỏ cùng triệt, chuyên trì niệm Phật, cửa Không đã mở đón họ ngay tại ngũ trược ác thế này.

Cõi nhân gian như một giấc mộng lớn. Nhưng chúng ta từ mê lại tạo thêm nhiều cảnh mê nữa để hoan lạc chìm đắm. Tôn vinh xướng họa phần con, nhấn chìm phần người. Nên tồn tại có đời người mà tích nghiệp cho muôn đời không ra khỏi mê lộ của tâm. Tìm lại chân như chính là biết yêu người khác và mở rộng đến cả loài vật. Một đạo sư Ấn Độ trong tác phẩm rất ngắn nhưng quan trọng nhất của mình cũng đã triệt ngộ chơn tánh khuyên nhủ người đời: “Nếu người đó thật sự có điều xấu mà con nghĩ, thì con đang làm cho nó mạnh hơn và nuôi dưỡng tính xấu đó; và như vậy con đang làm cho bạn con trở nên xấu xa thay vì tốt lành hơn”. Liễu nghĩa ấy, người tu sẽ luôn nghĩ tốt về tha nhân để họ được tốt hơn. Đó cũng chính là nước trong ta lên tiếng đòi “quyền làm người”. Nước biết được đáp án là công trình tiến bộ vĩ đại; tác giả là Tiến sĩ Masaru Emoto, nhận xét: “Tâm của bạn tốt, vạn vật tự nhiên cũng sẽ tốt; tâm của bạn không tốt, vạn vật tự nhiên cũng sẽ không tốt”. Được vậy, chính tâm phàm có cơ duyên khế hợp với tâm Phật: “Ngoài ta ra, tất cả đều là Phật”.

Nếu ai đó lấy một triết gia, một nhà văn lẫy lừng hay một siêu sao làm thần tượng, bất chấp đạo lý loay xoay cố vươn cho bằng họ để “đứng trên mọi người” thì âu chỉ là sự tụt hậu vĩnh viễn. Tất cả vũ trụ nằm trong tâm. Phải hướng vào nội giới. Câu khắc trên ngưỡng cửa Thánh điện Delphes: “Ngươi hãy biết ngươi rồi ngươi sẽ biết vũ trụ và các vị Thượng đế”. Nếu không khám phá nội giới thì cũng bằng ta đang lấy ngao lường biển, “nhún dây tư tưởng vào cõi vô tận”. Không thấu lý Bát-nhã Ba-la-mật, không muốn hành đạo mà chỉ chuyên sâu soi Phật pháp bằng trí, dễ nhìn nhận thái tử Tất Đạt Đa, vua Trần Nhân Tông là những hiện tượng chán bỏ trần gian; thiền sẽ làm mất cảm xúc và theo đó Phật giáo phiêu du trong một cõi quá xa biệt hồng trần.

Có gì lạ khi một đứa trẻ không học lại thông thạo các thứ tiếng Anh, Đức, Pháp, hay là một thiên tài âm nhạc. Có gì lạ khi nhân loại tìm thấy những thành phố chìm dưới đại dương. Một cơn đại hồng thủy có thể sẽ bóp méo trái đất, chỗ cao lún xuống chỗ trũng trồi lên. Cộng nghiệp của nhân loại càng gia hạn, “lãi” càng cao, con người càng khó có cơ hội “trả nợ”. Không xa nữa rồi chúng ta sẽ chết! Lúc đó “ta” sẽ nhìn lại xác thân của chính ta từng ngày một thối rữa, con mắt nở ra lồi ra rồi nổ bụp; lúc đó, “ta” mới thực sự sáng nhãn căn giữa cái cảnh giới đang đứng trở nên mù mịt tăm tối lạ lùng. Tịnh tâm niệm Phật khắc khắc ngày nối đêm không lui sụt, tức ta đang bắt sóng với nước Phật; càng chuyên tâm tinh tấn sóng ấy càng mạnh, càng không nhiễu loạn. 6 chữ kim cương “Nam-mô A Di Đà Phật” hành ngay lúc đã thấy này mà không gác lại đến hôm mai sẽ cứu vớt bất cứ ai sanh về Tịnh độ nếu tin sâu luân hồi nhân quả thường hằng bất biến.  

Nhụy Nguyên

http://giacngo.vn/thuvien/thongtinthuvien/2012/12/24/3A4052/

Âm lịch

Ảnh đẹp