Tứ Niệm Xứ
Tứ Chánh Cần
Tứ Như Ý
Túc
Ngũ Căn
Ngũ Lực
Thất Bồ Đề
Phần
Bát Chánh Đạo
Đối với
pháp môn Tịnh Độ, 37 phẩm trợ
đạo lại được xem là
phương tiện trợ duyên tác động
thêm năng lực cho người niệm
Phật. Vì tu niệm Phật phải có đủ
ba tư lương là Tín, Nguyện, Hạnh
và để có được tín
tâm vững chắc làm nền tảng
cho Nguyện và Hạnh hẳn phải thông
hiểu phần nào thành phần 37 phẩm
trợ đạo làm căn bản trên
đường tu niệm.
Sau đây xin đi
vào từng thành phần một, trong
cái hiểu đại cương của người
niệm Phật.
1) Niệm
Phật với Tứ Niệm Xứ
Tứ Niệm Xứ
được đức Phật dạy
là pháp môn quan trọng, giúp hành
giả quán xét được tính
chất của kiếp sống con người
về thân và tâm.
Nghĩa của Tứ
Niệm Xứ là bốn điều ghi
nhớ, quan sát hay còn gọi là
bốn lãnh vực cần ghi nhận.
Bốn điều
ấy là:
Quán thân bất
tịnh
Quán tâm vô
thường
Quán pháp vô
ngã
Quán thọ thị
khổ
a) Quán
thân bất tịnh để đừng
quên niệm Phật
Trong kinh Vô Lượng
Thọ đức Phật có giảng cho
các hàng đệ tử nghe về
y báo và chánh báo ở cõi
Cực Lạc. Nói về chánh báo
là hình tướng thân thể
của các bậc thượng nhơn, tất
cả đều được hóa sanh
từ ao sen thất bảo, đầy đủ
cả ba mươi hai tướng tốt,
thân tâm thường nhu nhuyễn thanh
tịnh. Lại theo lời nguyện của tỳ
kheo Pháp Tạng tức tiền thân
của Phật A Di Đà trong quá khứ:"
Ví con được thành Phật, các
Bồ Tát trong cõi nước con nếu
chẳng được thân kim cương
Na La Diên, thời con không thành bậc
chánh giác (26)." Nay thì Ngài đã
thành Phật tính hơn đã mười
kiếp theo trong kinh A Di Đà. Vậy điều
nguyện của Ngài đều đã
thành tựu và tất cả là
sự thật.
Sắc thân kim cương,
trang nghiêm thanh tịnh như thế hẳn
phải khác rất nhiều so với
thân thể con người ở cõi
Ta Bà được kết tinh bằng
tinh huyết của cha mẹ tạo thành. Như
thế suy ra được thân thanh tịnh
vậy là do phước báo, phát
sanh từ sự tu hành, thanh lọc ba
nghiệp thân khẩu ý.
Chúng ta mang xác
thân máu mủ này là cũng do
phước báo, nghiệp báo mà
ra. Nghiệp báo có thiện có ác,
nghiệp thiện là sự may mắn ta vẫn
còn mang được thân người,
vì trong lục đạo (thiên, nhơn, a
tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc
sanh) thân người khó được,
mà nay ta đã được. Nghiệp
ác là ta đã vụng tu trong muôn
kiếp, để phải trôi nổi mãi
cho đến nay mới thức tỉnh
nhận ra thân người là khổ
là ô uế.
Vậy để tìm
phương pháp xa lìa thân bất tịnh
này, ta hãy nghĩ về thân kim cương,
thanh tịnh của các vị thượng
thiện nhơn ở cõi Cực Lạc.
Nghĩ mong được như thế chỉ
có cách là phải sanh về nước
đó, và con đường về
Cực Lạc đã được
đức Phật Thích Ca chỉ bày;
lại có đấng từ phụ A Di
Đà đang đưa tay đón nhận,
chúng ta chỉ việc cất bước
đi thôi.
Trì danh niệm Phật,
thật tướng niệm Phật, quán
tưởng niệm Phật...là phương
tiện vận chuyển cho chúng ta sanh về
đất Phật.
Đối với
pháp quán thân bất tịnh ai cũng
thấy hiểu, rõ ràng thân người
chứa đựng cả một túi
đồ dơ ghê tởm. Chính sự
nhận ra việc thân bất tịnh này
mà nên nhàm chán cầu cho được
thân thể bằng chất kim cương trong
sáng. Để được như vậy
phải nhiếp tâm niệm Phật, quán
chiếu về thân thể. Quán chiếu
để thấy rằng thời kỳ
hư hoại, bệnh chết của thân đang
dần dần phát triển trong thân thể,
và nay mai đây một điều chắc
chắn thân ta sẽ bệnh, sẽ chết,
sẽ sình ươn, hôi thối, ghê
tởm không ai dám nhìn.
Quán sát nhận
hiểu được như vậy, câu
niệm phật của ta mới phát được
định lực. Mỗi khi thân di động,
đi, đứng, nằm, ngồi ta đều
rõ biết. Rồi lấy câu niệm
Phật để giữ gìn mỗi động
tác, khiến cho thân đi trong câu niệm
Phật, đứng trong câu niệm Phật,
nằm trong câu niệm Phật, ngồi trong
câu niệm Phật. Niệm một câu Phật
ta nhận ra rằng thân này là bất
tịnh. Niệm hai câu Phật ta hiểu được
rằng thân này là một đảy
đựng đồ dơ, và càng
niệm nhiều câu Phật, ta càng thấy
rõ cái thân sống này toàn
là thứ ô trược không
có gì đáng ưa muốn.
Khi thấy lẽ thật
đó rồi, ta càng chí tâm niệm
Phật mạnh hơn nữa để cầu
mong đạt được thân kim cương
bất hoại.
Lòng chí thành
tha thiết đó tạo cho việc định
tâm, nhiếp niệm thêm vững vàng.
Bây giờ ta chỉ còn một niệm
ở vào câu Phật cho đến
bất loạn. Nhờ vậy thân tâm
ta sẽ đi vào câu niệm Phật một
cách nhẹ nhàng nhất tâm.
b) Quán
tâm vô thường để tinh tấn
niệm Phật
Chúng ta từ
vô thỉ kiếp đến nay vì ôm
chấp cái giả dối, hư vọng của
muôn sự muôn vật. Xem tâm này
là thật có, là bất diệt...Vì
sự ngoan cố bám chặt cho tâm là
thật là trường tồn, trường
cửu. Từ đây sinh ra bảo thủ,
chấp chặt sở kiến của mình,
rồi phân biệt mọi người đều
có tâm riêng biệt không thể hoán
chuyển được. Do đó tạo
ra muôn nghiệp. Nghiệp quá khứ
chưa trả hết, nghiệp hiện tại lại
chất chồng rồi tiếp tục làm
nhân cho nghiệp tương lai. Cứ thế
mà trôi lăn không sao thoát ra được
vòng kiềm tỏa của sinh tử.
Để phá vỡ
sự mê lầm vọng chấp về
tâm là thật có, Phật dạy về
phép quán tâm vô thường.
Hiểu tâm vô thuờng để
thấy rằng tâm con người ta luôn
luôn chuyển dời, biến đổi
tạo ra không biết bao tư tưởng
sai biệt. Nay nghĩ này mai nghĩ khác.
Khi gặp cảnh đẹp việc vui tâm sanh
mừng ham thích. Gặp cảnh xấu việc
buồn tâm buồn giận, sầu lo. Trong
một ngày tâm khơi động không
biết bao nhiêu lần cứ lăng xăng,
rộn ràng như khỉ gặp rừng cây,
như ngựa sẩy cương trên đồng
trống. Kìm hãm được sự
giao động, nhộn nhịp của tâm là
việc rất khó. Cũng vậy mà trong
kinh Mạ Ý dạy rằng:" Làm trăm
ngôi chùa Phật không bằng làm
sống một người. Làm sống
người trong mười phương
thiên hạ không bằng gìn giữ
tâm ý một ngày (27)."
Nay muốn dừng
lại cái tâm lăng xăng, vô thường
ấy ta phải tìm về cái chân
tâm, thực tại. Dùng câu niệm
Phật để nhiếp phục những
giao động của vọng tâm, gột sạch
những vọng tưởng điên
đảo mà từ lâu nay đã
dung dưởng trong tâm, tự cho cái
ta này là thật có, lại nghĩ
rằng mọi người đều có
một số mạng an bày...
Khi chí tâm niệm
Phật, ta sẽ ngừng lại nhịp đập
của vọng tâm, cùng theo đó những
ác tâm trong ta sẽ mờ dần
cho đến khi mất hẳn. Bấy giờ
trong tâm ta chỉ còn câu niệm Phật.
Vậy thì dùng câu niệm Phật chẳng
những gạt bỏ được việc
điên đảo vọng tưởng
của tâm mà còn huân tập vào
tâm thức chủng tử Phật.
Như thế quán
tâm vô thường để tự
dứt trừ tri chướng chấp
vào bản ngã là trường
tồn, và rồi sẽ quay về với
bản tâm chân thật bằng sự
nhiếp niệm vào hồng danh Phật. Cuối
cùng hòa nhập vào tự tánh
chơn thường không sanh không diệt
như đi vào tâm Phật.
c) Quán
pháp vô ngã để nhiếp tâm
niệm Phật
Pháp được
hiểu là mọi sự mọi vật, những
gì có hình tướng, tên gọi
hay cả những việc không nhìn thấy
được, rờ mó được
mà chỉ nhận thức bằng tư
duy, tất cả cũng đều gọi là
pháp.
Con người chúng
ta sở dĩ có vui buồn, thương
ghét, yêu, giận... là do sự nhận
thức sai lầm về các pháp.
Nhìn nhận pháp thật có là nguyên
nhân tạo ra phiền não, bởi phải
sống chết với sự mất còn
của chúng.
Thử nhìn xem
cõi Tà Bà này mọi vật đều
ở trong vòng tương đối,
giả tạm, vô thường. Tất
cả đều nương nhau để hình
thành, tồn tại nhưng rồi cũng
phải tan vở để tiếp tục
tồn tại bằng dạng thức khác
cứ như vậy mãi đến vô
cùng. Tìm đâu thấy sự vật,
sự việc nào là thật có,
khi chúng phải trải qua bốn thời
kỳ Thành, Trụ, Hoại, Không (sanh ra,
có được, tồn tại thời
gian nào đó, thời kỳ hư
hại, tan rã mất đi) .
Ngày xưa khi Ngài
Xá Lợi Phất còn là ngoại
đạo, chỉ nghe qua câu nói của
Tỳ Kheo A Thị Thuyết lập lại từ
lời dạy của đức Phật
"Các pháp do nhân duyên sinh, và
cũng lại do nhân duyên diệt" mà
giác ngộ tức thời. Phải
chăng câu nói ấy quá đầy
đủ để không còn gì biện
minh cho cái giả dối của các pháp.
Luận Trí Độ
cũng đã nói "Các pháp từ
nhân duyên sinh, không có bản tánh,
không có tự tánh nên rốt
ráo là không. Đã rốt ráo
là không, thì các căn bản từ
xưa đến nay là không, đó
chẳng phải Phật làm, cũng chẳng
phải người khác làm (28)."
Vậy thì xưa nay
vì không hiểu các pháp, hay nói
rõ là mọi sự, mọi vật là
giả cho nên chúng ta phải đau khổ
khi bị lệ thuộc với chúng quá
nhiều. Nói một cách sâu hơn
nữa, ngay chính giáo pháp chúng
ta học đây cũng không là tuyệt
đối. Vì Phật đã dạy hãy
xem như chiếc bè đưa qua sông,
hãy xem như ngón tay chỉ mặt trăng.
Chỉ khi qua đặng sông mới là
thật, cũng như nhìn mặt trăng mới
là tự tánh.
Nhận được
cái giả của pháp rồi, chúng
ta sẽ không còn kẹt nhiều vào
sự đối đãi, và khi thực
hành một việc nào, ta vẫn xem đó
là phương tiện để đạt
đến cứu cánh thanh tịnh.
Với công phu
niệm Phật dựa vào tướng
pháp vô ngã, ta sẽ dễ định
tâm, không còn phải lo lắng quan tâm
đến những vọng động, lăng
tăng nhảy múa trong tâm tưởng
xen vào câu niệm Phật hay những
ngoại cảnh âm thanh khuấy động,
rộn ràng lấn át đi tiếng niệm
Phật. Từ đó công phu niệm
Phật dễ dẫn đến nhiếp tâm
hơn.
d) Quán
thọ thị khổ để tha thiết niệm
Phật hơn
Chân lý của
khổ đến từ nguyên nhân
thọ mạng này. Hễ có thân là
có khổ, vì khổ do sự thọ
nhận của thân. Dù là một niềm
vui một điều hạnh phúc, một việc
dễ chịu cũng vẫn là khổ.
Bởi vì sự vui, hạnh phúc,
dễ chịu kia không thể kéo dài
lâu được. Nên khi mất đi
sẽ để lại đau khổ. Nói
đúng ra ngay trong lúc vui đã ngấm
ngầm có mặt sự khổ trong đó.
Trong kinh Tương Ưng
Bộ III, Phẩm Gánh Nặng Phật dạy
"Này các Tỳ kheo, thế nào là
gánh nặng? Năm thủ uẩn là câu
trả lời. Thế nào là năm?
Sắc thụ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng
thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức
thủ uẩn. Này các Tỷ kheo, đây
gọi là gánh nặng (29)."
Việc thọ nhận
lớn nhất là mang thân này,
mà đức Phật đã dạy
là một gánh nặng. Chính gánh
nặng này đã làm xao động
tâm tư gây ra bao xung đột trong tâm
thức.
Vậy quán thọ
thị khổ cho chúng ta hiểu rằng, sự
khổ đến từ sự thọ lãnh,
thọ nhận. Việc thọ nhận thân ngũ
ấm đã đành là khổ
rồi, chúng ta còn lãnh thọ biết
bao sự việc chung quanh, chẳng hạn của
cải, địa vị, công danh...những
lãnh thọ này làm cho gánh nặng
của ta vốn đã nặng lại càng
thêm nặng.
Người thực
hành pháp niệm Phật, dùng câu
niệm Phật làm hành trang, mà không
phải mang theo những gánh nặng của
trần cảnh Ta Bà. Lại quán tưởng
đến cảnh giới Cực Lạc
trang nghiêm, nơi ấy không có sự
lãnh thọ, thọ nhận những gánh
nặng ô trược ở cõi Ta
Bà nơi ta đang ở. Quán tưởng
và niệm Phật luôn luôn để
gánh nặng trong ta, ngoài ta được
nhẹ nhàng thanh tịnh. Thực hành
được như vậy sẽ thấy
an vui trong câu niệm Phật như lời
Phật dạy tiếp theo: Phẩm Gánh Nặng
"Này các Tỳ Kheo thế nào là
đặt gánh nặng xuống? Đây
là sự ly tham, đoạn diệt ái
ấy một cách hoàn toàn, sự
từ bỏ, sự xả ly, sự giải
thoát, sự không chấp thủ. Này
các Tỳ Kheo, đây gọi là đặt
gánh nặng xuống (30)."
Do đó quán
thọ thị khổ để thức tỉnh
diệt đi sự tham muốn, là làm
vơi đi gánh nặng của kiếp người
như Phật đã dạy. Và ở
đây câu niệm Phật lại là
hành trang thay thế tất cả để
hướng về một thế giới
thanh tịnh trang nghiêm hơn.
2) Niệm
Phật với Tứ Chánh Cần
Tứ Chánh Cần
là bốn phương pháp siêng năng
bỏ ác, làm lành đúng theo
chánh pháp. Bốn pháp ấy là:
-Siêng năng ngăn
chặn điều xấu ác chưa phát
sanh
-Siêng năng dứt
trừ điều xấu ác đã
phát sanh
-Siêng năng làm
phát sanh những điều tốt chưa
phát sanh
-Siêng năng tiếp
tục làm phát sanh các điều
lành đã phát sanh
a) Niệm
Phật ngăn chặn điều xấu ác
chưa phát sanh
Tâm ý con người
hằng ngày trong đời sống thường
hay bị vọng động, vì luôn phải
đối diện mọi lo toan, mưu cầu cho
cái sống. Từ cái lo lắng này,
chúng ta đã ít nhiều chứng
kiến hay kinh nghiệm bản thân qua những
phiền não trong đời. Tác ý
phiền não đó, len lỏi vào
trong tâm tư, tư tưởng tạo thành
một hòm chứa đầy toan tính,
lo liệu. Tuy nhiên cũng có ý niệm
tốt lẫn lộn trong ý niệm xấu.
Dữ kiện rối ren đó chỉ
chờ thời cơ hay được
phép, tức thời sẽ bộc
phát. Do vậy càng chứa nhiều
toan tính trong đầu, sự bộc phát
càng có dịp nhảy xô ra. Nhưng
chứa đựng nhiều tư tưởng,
ý nghĩ đẹp lành thì tốt,
ngược lại nguy hiểm vô cùng.
Chúng ta hay nghĩ
rằng, đây chỉ là một ý
niệm xấu thoáng dấy lên đầu,
có chi mà lo sợ! Điều này
không đơn giản như vậy. Vì
nếu để ý niệm kia nằm mãi
trong đầu thì một lúc nào đó
chắc chắn sẽ bộc phát và
biến thành hành động.
Nhìn xem trong cuộc
sống, chẳng có gì xảy ra mà
tự nhiên cả. Mọi việc đều
có thời có lúc, có nguyên
nhân. Chẳng hạn nhà văn sĩ muốn
viết một tác phẩm, trước
hết nhà văn phải bắt đầu
có manh nha, nhen nhúm trong đầu những
hình ảnh mình cố đặt ra. Rồi
cố nuôi giữ mãi cho đến
khi chín muồi để bày tỏ lên
trang giấy .
Như thế ở
điều đầu tiên trong bốn phép
Chánh Cần chúng ta phải cố gắng
làm sao ngăn chặn những ý niệm
xấu ác vừa mới tượng
hình trong đầu hay điều sai lầm
tội lỗi nào mà trước đây
ta chưa bao giờ phạm, lại cố gắng
diệt trừ ngay khi nó vừa chớm
nở.
Với người
thực hành pháp niệm Phật, thì
danh hiệu Phật là phương tiện ngăn
chặn ý tưởng bất thiện. Cố
làm sao câu niệm Phật tuôn chảy
mãi như nước trong nguồn không
đứt đoạn, như vậy mảng
đá xấu ác sẽ bị xoáy
mòn, không có cơ hội tồn tại.
Ta cũng nên hiểu
quan niệm ác theo căn bản đạo
Phật không chỉ là hành động
đánh đập giết chóc...mà
ác chính ngay ở ba độc Tham, Sân,
Si. Từ ba độc này tạo ra nghiệp
tội.
Một lời nói,
một sự im lặng cũng có thể
là thiện và cũng có thể là
ác. Nói lời đâm thọc,
chỉ trích khiến người phải
đau khổ dẫn đến quyên sinh.
Im lặng không phản ứng, thông cảm,
chia xẻ như trách cứ, trút hết
nỗi thống khổ lên đầu người
cũng đưa đến sự bứt
tử, chết oan...Do đây việc ác
cũng có thể xảy ra từ một
hành động xem rất thường
như vừa kể. Thế nên dùng
câu Phật hiệu để chế ngự
ba độc, thanh lọc tư tưởng diệt
đi xấu ác đang ngấm ngầm
nẩy sinh trong ta.
b) Niệm
Phật dứt trừ điều xấu
ác đã phát sanh
Đã là người
ai cũng có lỗi, và ít nhiều
hơn một lần gây ra phiền hà,
đau khổ cho người hay chính mình.
Nhưng con người quý nhất ở
việc biết sám hối, biết hổ
thẹn để chuộc lại lỗi lầm.
Có sám hối, biết hổ thẹn,
chúng ta mới dễ chịu, nhẹ nhàng
thân tâm khi đã tự nhận tội
lỗi của mình. Kinh Tâm Địa Quán
nói "Nếu như pháp mà sám hối
thì tất cả phiền não thảy
đều tiêu trừ. Cũng như
lửa kiếp làm hoại thế gian, thiêu
đốt núi Tu-Di luôn biển cả.
Sám hối có thể thiêu đốt
rừng phiền não. Sám hối có
thể vãng sanh về cõi thánh. Sám
hối có thể được vui tứ
thiền. Sám hối là mưa bảo châu
ma-ni. Sám hối có thể sống lâu
như kim-cang. Sám hối có thể vào
được cung điện thường
lạc. Sám hối có thể ra khỏi
ngục tam giới. Sám hối có thể
làm hoa Bồ Đề nở. Sám
hối có thể được gương
tròn lớn của Phật. Sám hối
có thể đến chổ bảo thành
(31)."
Riêng nói về
người không biết sám hối,
ăn năn sẽ phải đau khổ mãi
vì không ai thông cảm, thương hại.
Cũng như chính bản thân sẽ bị
dày vò, dằn vặt đến cả
cuộc đời.
Hổ thẹn cũng
vậy, biết hổ thẹn chúng ta không
dám tái phạm những lỗi lầm
đã tạo ra. Kinh Di Giáo, Phật dạy
"Người có hổ thẹn thì có
thiện pháp, nếu người không
biết hổ thẹn cùng với những
loài cầm thú không khác chút
nào vậy (32)."
Như thế việc
ta hiểu rằng, khi đã lở tạo
ra những sai lầm thì ta phải tự
cố gắng sám hối, hứa lấy
sẽ không tái phạm nữa. Và
một khi tư tưởng có móng lên
việc xấu ác ta liền biết ngay đây
là việc sai ta đã phạm rồi,
nay không dám tạo tác nữa. Thêm
một điều giúp ta ngăn chặn và
dứt trừ được việc
xấu ác là nên suy tìm nguyên
nhân, đưa ra hậu quả sẽ xảy
ra nếu ta hành động. Vậy trong lúc
suy niệm, phán xét chắc chắn có
thể kịp thời phá được
ý tưởng xấu kia.
Cũng như pháp
đầu của Tứ Chánh Cần,
dùng danh hiệu Phật để ngăn chặn,
tiêu diệt ý tưởng sai lầm,
đang chóm nở trong đầu, thì
ở pháp thứ hai này ta vẫn
duy trì danh hiệu Phật để gội rửa
và sám hối những ác nghiệp
đã lỡ gây ra trong quá khứ
và hiện tại.
c) Niệm
Phật để làm phát sanh những
điều tốt chưa phát sanh
Trong hai pháp đầu,
chúng ta cố gắng ngăn ngừa
và dứt trừ, ngược lại
ở pháp này và pháp cuối,
ta lại gắng làm phát sanh, tạo cho
việc này sẽ tiếp tục vậy mãi.
Điều gắng làm phát sanh hẳn
phải là điều thiện, pháp lành.
Như ta biết tư
tưởng có xấu, có tốt
chúng được huân tập mãi
trong đầu. Vậy nếu được
thanh lọc, chọn lựa để tích
trữ, ứng dụng thì đây
là việc đáng làm khi chọn điều
hay ý đẹp. Có cố gắng sáng
tạo những hình ảnh đẹp, hình
ảnh lành hợp với Phật pháp;
nuôi dưỡng ý niệm thiện lành
như thế, thì cơ hội phát sinh thể
hiện ra bên ngoài sẽ dễ dàng
đối với chúng ta.
Người mà
có được ba nghiệp thân, khẩu,
ý thanh tịnh hẳn là người
luôn nuôi dưỡng và sáng
tạo những thiện niệm trong tâm tư.
Do đó có thể hiểu rằng làm
phát sinh thiện niệm là tự làm
cho ba nghiệp mình được an lành
trước nhất. Tiếp theo từ
sự an lạc đó, ý niệm thiện
lại càng tăng thêm.
Với việc niệm
Phật lúc này, là động cơ
giúp ta phát triển điều lành
một cách tích cực hơn. Bởi
vì khi niệm Phật có nghĩa là
niệm ý tưởng lành. Một câu
Phật khởi lên một điều lành
được hun đúc. Nhiều câu
Phật phát sanh, nhiều niệm lành sanh
khởi, và cứ như vậy điều
lành sẽ được thể hiện
qua tâm niệm Phật giống như tâm
nghĩ thế nào thì hành động
như thế đó.
d) Niệm
Phật để luôn tiếp tục làm
phát sanh những điều lành đã
phát sanh
Có lẽ không
có ai tự hào rằng tôi đã
làm quá nhiều việc tốt lành,
và đời tôi không có
chi là xấu ác. Nếu người
nào được như vậy bằng
sự thật thì người đó
phải là Thánh nhân. Nhưng thật
ra các vị Thánh nhân cũng vẫn
thấy việc làm lành hướng
thượng cũa các Ngài vẫn
chưa đủ. Như vậy so với chúng
ta những phàm nhân, chậm lụt đâu
lẽ nào dám ngưng việc làm lành
hướng thượng, hay tự cho
mình đã làm đủ rồi!
Nhìn ngược về quá khứ,
chúng ta đã từng nghe nói các
vị Thánh nhân, đức trọng
luôn luôn tinh tấn siêng năng cho đến
cuối cuộc đời. Trong Luật Sa Di
có nhắc Ngài Hiếp tôn giả
cả một đời không đặt
lưng dính chiếu. Ở Ấn Độ
có Thánh Gandhi hy sinh trọn đời
làm việc của ông cho lý tuởng
hòa bình, bất bạo động. Ngọn
đuốc tràn đầy từ bi,
trí tuệ của Hoà Thượng Thích
Quảng Đức phải chăng đã
đến từ sự đại tinh
tấn, hằng nuôi dưỡng dòng
thiện niệm, và còn biết bao vị
cao tăng ẩn danh cho đến khi lặng lẽ
viên tịch ở một nơi nào
đó mà không ai hay biết.
Do vậy ở pháp
cuối trong bốn pháp Chánh Cần này,
Phật dạy chúng ta phải cố gắng
phát triển mãi những ý niệm
thiện, và chính nhờ sự gia
công luôn luôn này, những ác
niệm không có chỗ đứng
trong đầu của ta; cũng như việc
làm lành mới được
viên mãn. Và người thực
hành công phu niệm Phật sẽ làm
luân lưu mãi dòng nước thiện
niệm bằng danh hiệu Phật chảy mãi
đến cuối cuộc đời trong
niềm an lạc hạnh phúc.
3) Niệm
Phật với Tứ Như Ý Túc
Tứ Như Ý
Túc còn gọi là bốn pháp thần
túc, là pháp thiền định làm
phương tiện, đạt được
như ý muốn cũng như bốn phép
thần thông vậy. Bốn pháp ấy
là:
-Dục Như Ý Túc
-Tinh Tấn Như Ý
Túc
-Nhất Tâm Như
Ý Túc
-Quán Như Ý
Túc
a) Niệm
Phật với Dục Như Ý Túc
Phàm làm người
ai cũng có khao khát, mong muốn mọi
điều cho cá nhân. Nhưng sự
mong muốn, khát vọng này mang lại ý
nghĩa thế nào cho bản thân cuộc
sống liên quan đến gia đình,
xã hội mới là điều quan
trọng.
Dục Như Ý Túc
là mong muốn, khao khát, ước
ao một điều gì cho thành tựu.
Đương nhiên điều mong muốn
này đối với người
Phật tử phải là điều mong
muốn chân thật, thanh cao, chớ không
phải là sự mong muốn xuôi theo
đòi hỏi của dục vọng.
Người để
vọng tình ham muốn làm chủ thân
tâm, thì dù việc gì cũng dám
làm, không còn nghĩ đến nhân
quả, nghiệp báo chi cả. Đây không
chỉ nói người không có
đạo mà cả luôn người
có đạo cũng vậy, cho đến
tu sĩ không khác. Hễ ham muốn sai
quấy dẫn đến kết quả xa đọa.
Hậu quả có khi lại không đợi
đến kiếp sau, đời tới
mà ngay lúc hiện tại phải chịu
nhiều đau khổ từ sự ham muốn
sai lạc mà ra.
Với sự
ham muốn thanh cao, tươi sáng hạng người
nào cũng được kết quả
an vui tươi đẹp. Có khi kết quả
lành ấy đến ngay, mặc dù điều
mong muốn kia vẫn còn nằm trong tư
tưởng. Ví dụ ta chỉ vừa
khởi tâm mong muốn giúp người,
thì tâm hồn ta ngay lúc ấy đã
có niềm hỷ lạc rồi.
Người thực
hành pháp môn niệm Phật trong sự
mong muốn này lại càng tha thiết
hơn. Ví như người thường
mong muốn việc gì đã khắc ghi
vào tâm khảm, rồi giữ mãi
sự khát khao này trọn cuộc đời,
thì người niệm Phật cũng
y như vậy. Có thế công phu niệm
Phật mới thành tựu như ý.
b) Tinh
tấn Như Ý Túc trong pháp niệm
Phật
Một khi đã
mong muốn ước ao điều gì,
chúng ta phải luôn luôn cố tâm
đeo đuổi cho bằng được.
Người niệm Phật áp dụng vào
pháp Tinh Tấn Như Ý Túc, không
khác gì thiền định. Phải cố
gắng khắc phục nội tâm, ngoại
giới nhiếp tâm vào danh hiệu
Phật không để gián đoạn.
Nếu pháp thiền
định theo dõi được thân
tâm trong mọi động tác đi, đứng,
nằm, ngồi với chánh niệm; thì
người niệm Phật cũng sống
thở với danh hiệu Phật trong từng
động tác.
Sự công phu vào
những giờ giấc thiền, niệm
nhất định chưa thể gọi trọn
vẹn là sự Tinh Tấn Như Ý
Túc. Tinh Tấn Như Ý Túc là
phải luôn luôn đeo đuổi, như
con đeo mẹ, như mèo rình chuột.
Kinh Di Giáo Phật dạy " Ví như giọt
nước chảy luôn có thể soi
thủng phiến đá. Nếu như tâm
của hành giả thường thường
biếng nhác bỏ bê chẳng khác
nào kéo lửa chưa nóng mà
ngưng, tuy muốn được lửa,
lửa cũng khó được (33)"
c) Nhất
tâm như ý túc trong pháp niệm
Phật
Dù làm bất
cứ công việc gì, muốn được
thành tựu như ý thì phải
chú tâm. Việc hành trì Phật pháp
lại càng nhất tâm hơn nữa.
Huống chi tâm là nguyên nhân, nguồn
gốc sanh ra các pháp. Kinh Tâm Địa
Quán, Phật dạy "...Ba cõi lấy tâm
làm chủ. Người hay quán sát
tâm mình thì được Niết
Bàn rốt ráo. Kẻ không hay quán
sát tâm mình thì sẽ chìm đắm
trong biển khổ...(34)" Vậy quán sát,
nhiếp tâm vào chánh định là
thực hành được Nhất
Tâm Như Ý Túc. Người niệm
Phật cũng thế, nắm giữ danh
hiệu Phật ngày đêm không xao lãng,
không phân tâm với ngoại cảnh
duyên trần. Hành trì như thế
đến khi nhất tâm, sẽ không
còn thấy tâm mình khác tâm
Phật như kinh Quán Phật có dạy "Nếu
hay chí tâm giữ niệm, nội tại
đoan chánh quán sắc thân Phật,
cùng với Phật không khác, tuy
ở trong phiền não cũng không
bị điều ác che lấp, ở
đời vị lai mưa pháp vũ
lớn (35)."
d) Quán
Như Ý Túc trong pháp niệm Phật
Đến đây
pháp còn lại của Tứ Như
Ý Túc là Quán, nghĩa là
chiêm nghiệm, tư duy quán sát các
pháp. Nhờ trải qua ba pháp đầu:
mong muốn, siêng năng, nhất tâm không
loạn, cho nên việc quán sau có phần
lưu thông. Nếu không có được
ba pháp đầu thì không làm
sao quán được. Điều này
có nghĩa ta cần có trí tuệ
từ việc định tâm chuyên
nhất, tinh tấn mà ra.
Quán sát các
pháp sinh diệt để đạt đến
thật lý vô thường của vạn
pháp. Từ đây sẽ giúp
cho hành giả thấu rõ vững chắc
nơi pháp mình đang tu.
4) Niệm
Phật với Ngũ căn, Ngũ lực
Ngũ căn là
năm căn, năm phần căn bản, cội
rễ phát sinh ra thiện pháp. Năm phần
đó là:
Tín căn
Tinh tấn căn
Niệm căn
Định căn
Huệ căn
a) Niệm
Phật cần có Tín căn
Trong năm căn, Tín
căn được đặt trước
tiên, điều này cho thấy tin là
bước đầu tiên hành trì
mọi pháp. Trong kinh Phạm-Võng có nói
"Tất cả các hạnh lấy tin làm
đầu. Tin là cội gốc của các
công đức (36)". Cũng không kể
là pháp sâu cạn, cao thấp nếu
không có lòng tin việc tu hành sẽ
không thành đạt. Kinh Tiểu Địa
Quán dạy "Vào biển Phật Pháp,
lòng tin là gốc...(37)". Nhưng lòng
tin ở đây phải đến từ
lý trí sáng suốt, hiểu biết
minh mẫn, hẳn không phải là tin càng,
tin bướng một cách mù quáng,
vô minh. Kinh Niết Bàn dạy "Tin mà
không hiểu vô minh thêm nhiều. Hiểu
mà không tin, tà kiến thêm lớn
(38)."
Ở pháp Tín
căn đây, nhắc người Phật
tử trước khi vào biển Phật
phải có niềm tin căn bản. Niềm
tin căn bản này là tin ba ngôi Tam
Bảo, là Phật, Pháp, Tăng.
-Tin Phật: Là đấng
vẹn toàn về đức tánh
Hùng lực, Từ bi, Trí tuệ.
Ngài không phải là vị thần
linh, ban ơn, giáng họa hay bậc Thánh
thần để ta thờ cúng van xin,
mà chỉ đơn giản tin rằng Phật
chỉ là một con người thanh tịnh,
giác ngộ hoàn mỹ. Tin như vậy
để thấy rằng chúng ta cũng
có tánh giác như Phật, nhưng chỉ
khác Phật ở chỗ chúng ta chưa
được hoàn mỹ mà thôi.
-Tin Pháp: Trí huệ
của Phật là siêu việt thì giáo
pháp, lời dạy của Phật phải
là chân lý. Hơn nữa giáo
pháp Ngài dạy không phải của
riêng Ngài, giáo pháp ấy bàng
bạc trong không gian vô tận và thời
gian vô thỉ vô chung. Đức Phật
chỉ là người giác ngộ từ
giáo pháp ấy rồi dạy lại chúng
ta. Do vậy giáo pháp đó là
chân lý không phải thần kỳ,
huyền hoặc.
-Tin Tăng: Những
đại đệ tử của Phật thật
tu thật chứng nhiều vô số. Các
Ngài đã thay Phật đem ánh sáng
giác ngộ trải rộng đến muôn
người muôn vật. Và cũng
chính nhờ vậy mà giáo pháp
muôn thuở ấy mới tồn
tại mãi đến ngày nay.
Lược qua ba đức
tin căn bản, người Phật tử
sẽ vững vàng bước đi
vào đạo mà không sợ vấp
ngã.
Đối với
pháp niệm Phật ở Tín căn,
người niệm Phật phải xem đây
là điều kiện tiên quyết. Bởi
niệm Phật có nhất tâm hay không
là do ở niềm tin xác đáng.
Nay ta đã tin Phật Thích Ca, thì phải
tin Phật A Di Đà, vì lời Phật
dạy không bao giờ sai dối; và
đã tin Phật A Di Đà thì lời
nguyện tiếp dẫn của Ngài (Phật
A Di Đà) hẳn phải là sự
thật. Người niệm Phật tin được
như thế, dẫn đến sự trì
niệm thâm sâu hơn.
b) Tính
căn trong pháp niệm Phật
Việc học, việc
làm ở thế gian có được
thành công, là do siêng năng cần
cù, nhẫn nại không nản chí,
thì việc học Phật là việc cao thượng
tinh tế khó hành, không thể thiếu
tánh đức siêng năng được.
Khi đã có
được lòng tin vững chắc
về ba ngôi Tam Bảo, người Phật
tử phải tiếp theo dùng nghị lực
tinh tấn của mình mà thực hành
theo giáo pháp; nếu không niềm tin
ấy chẳng mang một ý nghĩa gì.
Vậy tính căn là sự siêng
năng không ngừng nghỉ trên con
đường đạo. Trong kinh Bồ
Tát Bổn Hạnh, Phật dạy rõ ràng
về lợi ích của tinh tấn. "...Người
tại gia mà biết tinh tấn thì ăn
mặc đầy đủ, sự nghiệp
rộng lớn, xa gần được
người tán thưởng khen ngợi.
Người xuất gia mà biết tinh
tấn, thì thành tựu được
ba mươi bảy phẩm trợ đạo,
dứt được trôi lăn sinh
tử, được đến bến
bờ Niết Bàn an vui (39)."
Niệm Phật đối
với tính căn lại càng được
đặt nặng hơn hết. Bởi vì
rốt ráo việc niệm Phật là mong
sao được nhất tâm trong câu
niệm Phật, mà muốn được
vậy phải luôn luôn tinh tấn niệm
niệm tương tục; có nghĩa làm
cho câu niệm kết nối nhau như dòng
nước chảy không đứt
đoạn. Và trong câu niệm đó
chẳng những không mống khởi
điều xấu ác, mà điều
thiện lành cũng không có mặt.
Niệm được như thế mới
là tấn tu trong niệm Phật. Do vậy ta
thấy rằng dù người Phật
tử tại gia hay xuất gia đều phải
tinh tấn hành đạo. Không gia công
tinh tấn, thì mọi pháp môn tuyệt
diệu, cao siêu nào đi nữa cũng
là hư vọng. Ngược lại quyết
tâm bền chí, tinh tấn pháp môn
nào khó đến đâu cũng
dễ thành công. Do đó tinh tấn
là tối quan trọng là tối căn
bản của người Phật tử.
c) Niệm
căn trong niệm Phật
Cuộc sống rối
ren, hỗn độn hằng ngày ảnh
hưởng rất nhiều vào tâm
niệm con người. Từ đây
là nguyên nhân sanh ra những thao thức,
bất an chập chờn trong tâm thức.
Ở xã hội văn minh không ai lại
không ít nhiều bị lôi cuốn
vào cuộc sống rối ren này.
Muốn dừng
lại tâm niệm lăng xăng để
hướng về tâm niệm đơn
thuần, chúng ta chỉ có cách chuyển
tạp niệm thành nhất niệm.
Niệm căn là
niệm tưởng căn bản quy về
thiện niệm, là sự ghi nhớ
thuần chất quy về thiện pháp. Sự
ghi nhớ này về một đối
tượng thanh cao trong sáng đẩy lùi
tạp niệm xấu xa. Hình ảnh đức
Phật, giáo lý giải thoát là
mục tiêu để tăng trưởng
niệm căn được thành tựu.
Hành trì niệm
Phật là hợp nhất với pháp
niệm căn thanh tịnh, vì niệm Phật
là ghi nhớ pháp lành, là
trau dồi ý tưởng đạt đến
trạng thái trong sáng ở tâm hồn.
Ghi nhớ niệm
Phật còn được chư Phật
hộ niệm, giao cảm như lúc nào cũng
gần gũi với Phật. Trong kinh Niết
Bàn Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát:
"Nếu có kẻ thiện nam người
thiện nữ thường hay chí tâm
chuyên niệm Phật, hoặc ở núi
rừng, hoặc ở thôn xóm, hoặc
ngày hoặc đêm, hoặc ngồi hoặc
nằm, các đức Phật Thế
Tôn thường thấy người
này như trước mặt (40)".
d) Định
căn trong niệm Phật
Khi niệm căn được
thuần thục, khắc ghi vào tâm các
pháp lành ý thiện. Tâm thức
của chúng ta bây giờ sẽ ngừng
lại những lăng xăng, loạn động
chỉ còn lại sự chuyên nhất
vào pháp thanh tịnh. Giữ được
trạng thái an lạc nhất như này
gọi là định căn. Công năng
của định căn đào luyện
con người có được tính
tập trung, khả năng chịu đựng,
sự nhận định sáng suốt.
Kinh Di Giáo Phật dạy "...Nếu người
nhiếp tâm thì tâm ở trong định,
nên có thể biết được
pháp tướng sanh diệt trong thế
gian. Thế nên các ông phải thường
tinh tấn tu các thiền định, nếu
được định rồi thì
tâm không còn tán động. Ví
như người giữ nước,
khéo giữ đê điều. Cũng
thế hành giả vì nước trí
huệ, khéo tu thiền định khiến
cho không bị chảy mất.(41)."
Người niệm
Phật chuyên tâm vào hồng danh Phật
cũng sẽ được chánh định
không khác gì thiền quán. Bởi
vì lìa tán loạn an trú vào
một chỗ đạt đết thanh tịnh
là được chánh định,
mà niệm Phật là niệm Pháp lành,
pháp thiện để đạt được
định tâm cho nên không khác
vậy.
e) Niệm Phật với
tuệ căn
Từ ghi nhớ
các pháp lành (niệm căn) đến
được an tịnh (định căn),
tới đây tư tưởng sẽ
bừng sáng, trong lành không còn
ô nhiễm, do đó dẫn đến
tuệ căn.
Tuệ căn là
căn tánh trí tuệ tinh khiết, sáng
suốt trong đó không có sự
phân biệt mê lầm vọng động.
Vì thế với tuệ căn sáng
suốt ta có thể thực hành quán
sát nhận chân ra mọi việc thật hư,
liên quan tới việc giải thoát
sinh tử như kinh Trường A Hàm
có dạy "Dùng trí huệ quán sát
việc sống chết...(42)" Lại kinh Di Giáo
đức Phật đã nhấn mạnh
việc hệ trọng của người có
trí huệ và không trí huệ "Tỳ
kheo các ông! Nếu người có
trí huệ thì không có tham trước,
thường tự tinh sát (suy xét)
không để sanh ra tội lỗi. Thế
là ở trong pháp của ta có thể
được sự giải thoát. Nếu
chẳng vậy, đã chẳng phải là
bậc đạo nhân, lại cũng chẳng
phải là kẻ bạch y (cư sĩ), không
biết gọi là gì! Người có
trí huệ chân thật, ấy là chiếc
thuyền tốt có thể vượt
qua biển già, bịnh chết; cũng là
ngọn đèn sáng chiếu phá cảnh
tối tăm, mờ ám; là món
thuốc hay trị tất cả các chứng
bệnh, là lưỡi búa bén
chặt đứt cây nghiệp phiền
não...(43)"
Do vậy trí tuệ
phải là quan trọng đối với
người tu Phật. Người niệm
Phật cũng cần có trí tuệ sáng
suốt. Phải niệm Phật trong niềm tin
vững chắc, phải xác nhận việc
sinh tử là gốc luân hồi, và
quan trọng hơn phải biết pháp tu niệm
Phật viên dung cả lý và sự.
Về lý: nên hiểu rằng tâm Phật
và tâm ta không khác nhưng vì
ta luôn sống trong động, nên chơn
tâm không phát lồ được.
Và khi đã thanh tịnh nhất tâm
thì việc niệm Phật chỉ là việc
khơi dậy Phật tánh mà thôi. Cũng
như cõi Cực Lạc Tây Phương
có cách xa cõi Ta Bà bao nhiêu cũng
chỉ trong một niệm của ta. Do vậy trang
nghiêm tâm niệm cũng là trang nghiêm
cõi Tịnh Độ.
Về sự: Nếu
cõi Ta Bà ta sống đây là
thật, là huyễn thì cõi Cực
Lạc cũng không khác, và việc
sinh về Cực Lạc lại không khác
gì việc con người bị luân
hồi trở lại cõi Ta Bà này.
Cũng thế, trở lại cõi Ta Bà
do tâm niệm, thì được sanh
về Cực Lạc cũng do tâm niệm
mà ra. Cho nên cõi Cực Lạc cách
đây mười vạn ức Phật
độ vẫn là một cõi thực
có.
5) Niệm
Phật với ngũ lực
Ngũ lực là
năm năng lực hùng mạnh có
thể tạo dựng nên thiện pháp
và phá trừ ác pháp. Năm
sức mạnh này phát sinh ra là
do sự vun bồi của năm căn (tín
căn, tấn căn, niệm căn, định
căn, tuệ căn), hay nói rõ hơn
năm lực là sức mạnh của
năm căn. Năm lực đó là:
Tín lực, Tấn lực, Niệm lực,
Định lực và Tuệ lực.
Muốn thành tựu
năm căn không thể thiếu năm
lực. Trong kinh Ấm Trì Nhập (thuộc
Đại Tạng Kinh) có nói về ngũ
lực như sau: "...Có năng lực
làm lợi lạc đạo ngày một
thêm, ân đức gội nhuần
đến khắp mọi loài chúng sanh
ngày một rộng lớn. Lực nghĩa
là dám làm như vào chỗ ma
binh không hề hấn một mảy lông
của Bồ Tát. Đạo lực hàng
phục được ma vương, nên
dám làm không sợ sệt...(44)"
Qua đó hiểu
rằng ngũ lực là phương tiện
hùng mạnh giúp ta thành tựu trên
đường đạo. Với người
niệm Phật, Ngũ lực là con thuyền
vững chắc đạp sóng, lướt
gió vượt tới bờ bên
kia. Như thế phần nội dung, tính chất
của ngũ lực chính là thần
lực, sức mạnh của ngũ căn.
Do đây có thể tóm tắc như
sau:
a) Niệm
Phật với tín lực
Nhờ vào năng
lực hùng mạnh, niềm tin xác đáng,
người niệm Phật sẽ kiên cố,
vững chãi trong việc thực hành.
Cũng như phá tan đi những nghi
hoặc, phiền não làm lui sục đạo
tâm.
b) Niệm
Phật với tấn lực
Sức hành trì
tinh tấn không thối chuyển, người
niệm Phật vượt qua mọi sự
giải đãi, hôn trầm, dã dượi
và dần dà đạt tới chỗ
nhất tâm.
c) Niệm
Phật với niệm lực
Năng lực khắc
ghi vào tâm trí những thiện niệm
có công năng phá trừ ác
niệm. Người niệm Phật vững
bền mãi với danh hiệu Phật trong
tâm tưởng, do đó sẽ dẫn
đến nhất niệm không rối loạn.
d) Niệm
Phật với định lực
Sức tập trung
tăng trưởng phá trừ được
vọng tưởng, loạn động. Người
niệm Phật không còn bị một chướng
ngại nào kéo lôi, do vậy danh hiệu
Phật được nhiếp niệm dễ
dàng vào tâm ý.
e) Niệm
Phật với huệ lực
Nguồn năng lực
trí huệ sáng suốt, đạp phá
hết vô minh tà vọng. Người
niệm Phật dễ dàng đi sâu vào
câu niệm Phật một cách rốt ráo.
6) Niệm
phật với Thất Giác Chi
Thất Giác Chi cũng
gọi là Thất Bồ Đề Phần,
Thất Giác Ý, Thất Giác Phần
nghĩa của pháp này là bảy
phần tánh giác đưa người
đạt đến quả Bồ Đề.
Bảy phần ấy như sau:
Trạch pháp giác
chi
Tinh tấn giác chi
Hỷ giác chi
Khinh an giác chi
Niệm giác chi
Định giác
chi
Xả giác chi
Trong bảy phần này,
phần Niệm, Tinh tấn, Định, mang ý
nghĩa tương tự giống các pháp
Niệm, Tinh tấn, Định trong Tứ
Như Ý Túc, Ngũ căn, Ngũ lực.
Do đó chỉ lược lại ý
mà thôi.
a) Niệm
Phật với trạch pháp
Như việc chọn
lựa nghề nghiệp mưu sinh giải quyết
nhu cầu căn bản cần có của
đời sống, thì ở đây
Trạch pháp cũng thế. Trạch pháp
là sự lựa chọn một phương
pháp tu hành đúng với lẽ
đạo, chân lý. Nếu ai đó
thất bại về việc chọn lựa
sai lầm công việc, thì người
làm đạo cũng sẽ mất hết
công đức tu hành khi không có
trí huệ phân biệt giữa chánh
tà, chân vọng. Người đời
chọn sai việc làm có thể thất
bại trong một ngày, một năm, tùy
theo công việc; gia sản có thể hao kiệt
dẫn đến nghèo đói v.v..Nhưng
người hành đạo nếu không
trí huệ, tu hành lẫn lộn với
chánh tà, không rõ chân lý
thì hậu quả sẽ gấp muôn lần
nghèo đói. Vì một kiếp tu sai
dẫn đến muôn kiếp đọa.
Người hành
trì pháp niệm Phật đối với
sự phân biệt chân vọng cần
nên hiểu rõ. Tự tin chắc rằng
pháp niệm Phật là do đức
Phật nói ra, không phải từ một
vị tổ, vị sư nào biết được
để bày nói. Phân biệt lựa
chọn bằng trí huệ sáng suốt
như vậy, việc hành đạo mới
không gặp trở ngại và con đường
đạo sẽ được rút ngắn.
b) Niệm
Phật tinh tấn
Một khi việc làm
đã được hoạch định,
phần còn lại chỉ cần cố gắng
siêng năng đeo đuổi với
công việc cho đến thành công.
Người học đạo khi đã
chọn lựa dò xét kỹ càng
pháp tu; điều tiếp đến là
phải tinh tấn công phu không gián
đoạn, được như thế dù
pháp môn có khó cũng hóa
ra dễ. Ở kinh Di Giáo lời cuối
cùng của Phật cũng chỉ là nhắc
đi nhắc lại việc tinh tấn là
tối hậu, là quyết định sanh
tử cho người hành đạo.
"Này các Tỳ kheo, ngày thì chuyên
cần tu tập các pháp lành chớ
để thời giờ luống mất.
Đầu đêm cuối đêm cũng
chớ nên bỏ phế. Nửa đêm
lấy sự tụng kinh làm ngủ nghỉ.
Chớ vì nhân duyên ngủ nghỉ
để một đời luống qua khiến
không được gì. Phải nhớ
đến lửa vô thường
thiêu đốt thế gian, sớm cầu
tự độ, chớ khiến cho ngủ
nghỉ, các giặc phiền não thường
rình rập giết người, nhất
là oan gia. Các thầy có thể an ổn
ngủ nghỉ, không tự cảnh tỉnh
vậy ư? Rắn độc phiền não
đang còn ngủ trong lòng các ông.
Thí như rắn đến ngủ trong nhà
ông, phải dùng lưỡi câu
trì giới để sớm cầu
trừ sạch đi. Rắn ngủ ra rồi
mới có thể yên ngủ. Như
thế là người không còn
có gì hổ thẹn nữa vậy (45)."
Người niệm
Phật không nói ra cũng đủ hiểu
tinh tấn là hàng đầu. Vì
không tinh tấn thì không thể niệm
Phật nhất tâm được.
c) Niệm
Phật hoan hỷ
Ai cũng thấy rằng
đời sống con người vui
ít khổ nhiều. Vui chỉ móng lên
tồn tại đôi chút rồi bao nhiêu
còn lại là niềm đau buồn lo
khổ. Tuy nhiên niềm hoan hỷ, lạc vui
trong đời cũng không phải là
việc khó tìm. Niềm vui có thể
có mặt khắp nơi và lúc nào
cũng tùy do ta mà hiện hữu.
Nếu người biết sáng tạo
thì hỷ lạc vẫn tràn ngập ở
tâm hồn.
Niềm vui hỷ lạc
lại có thể sanh ra điều thiện
và điều bất thiện. Vui với
hành động yêu thương mang đến
sự an lành cho người, hay chia sẻ
nỗi vui với người khác
thì gọi là vui thanh cao, thánh thiện.
Ngược lại là bất thiện, nếu
vui trên sự đau khổ của người,
hay vui trong thỏa thê dục vọng. Vậy phần
hỷ trong Thất Giác Chi này là hoan
hỷ với niềm vui thiện; niềm
vui hướng tới sự thành
tựu giải thoát. Với người
niệm Phật, niềm hoan hỷ cần phải
thực hành. Bởi danh hiệu Phật
phải được phát xuất ra từ
tâm hoan hỷ không chứa chấp phiền
não; cũng như tâm đã hoan hỷ
thì tâm niệm lúc đó mới
là thật niệm.
d) Khinh
an trong niệm Phật
Thân tâm đã
hoan hỷ cho nên sanh ra nhẹ nhàng an ổn
đây gọi là khinh an. Đối lại
khinh an là sự trì trệ, phiền trược
nặng nề của phiền não. Người
muốn giải thoát hệ lụy này phải
làm sao thanh lọc thân tâm được
thanh tịnh, trong sáng.
Qua ba phần giác
chi nói trên chúng ta thấy tuần
tự từ việc chọn lựa pháp
môn chánh đáng rồi tinh tấn
hành trì; sau đó hoan hỷ trong niềm
an lạc của đạo, từ đây
là nguyên nhân dẫn đến khinh
an (nhẹ nhàng an ổn). Vậy thì nhận
định và thực hành đúng
với chánh pháp thì niệm khinh
an sẽ tự có mặt trong ta mà không
phải cần tìm kiếm nơi đâu.
Thời Phật còn tại thế các
tu sĩ ngoại đạo hay ngạc nhiên với
tăng chúng của Phật, do đâu mà
tâm hồn các Ngài luôn nhẹ nhàng,
thanh thoát trong khi ngày chỉ ăn một
buổi đêm ngủ ở gốc cây.
Đức Phật trả lời, là
do các vị ấy hành đúng với
giáo pháp giải thoát; không nối
tiếc quá khứ, không trầm tư,
ngưỡng vọng đến tương
lai. Vì quá khứ đã qua, tương
lai chưa đến. Sống như thế hành
như thế cho nên các Ngài được
khinh an.
Niệm Phật muốn
nhất tâm, thì cũng phải tạo
cho thân tâm được nhẹ nhàng,
an ổn. Có an ổn thư thái danh hiệu
Phật mới rõ ràng rốt ráo.
e) Niệm
giác chi trong niệm Phật
Phần Niệm trong Thất
Giác Chi cũng cùng một nghĩa niệm
của các pháp trước. Nghĩa
là ghi nhớ, khắc ghi vào tâm
tưởng các pháp lành, điều
thiện. Nhớ nghĩ như vậy mãi
sẽ ngăn chặn được tâm
buông lung, xằng bậy. Vì buông lung
làm tiêu mất thiện pháp, kinh Niết
Bàn, Phật dạy "...Buông lung có mười
ba điều tội lỗi: Một là vui
thích nghiệp bất thiện ở đời.
Hai là vui thích nói lời vô
ích. Ba là vui thích ngủ nghỉ lâu.
Bốn là vui thích nói việc thế
gian. Năm là vui thích thân gần bạn
ác. Sáu là thường giải
đãi biếng nhác. Bảy là thường
bị người khinh chê. Tám là
tuy có nghe nhưng rồi quên mất. Chín
là ưa thích ở chỗ bưng biền
biên địa. Mười là không
thể điều phục các căn. Mười
một là không đủ ăn. Mười
hai là không ưa thích chỗ tịch
tĩnh. Mười ba là chỗ thấy
không chơn chánh. Nếu người
buông lung, tuy có được gần
Phật và đệ tử của Phật,
nhưng cũng đã như xa rồi vậy
(46)."
f) Định
Giác Chi trong niệm Phật
Phần Định
ở đây cũng không khác
các Định ở những pháp
trước, là cố tập trung điều
phục tâm ý vào pháp mình đang
tu. Nuôi dưỡng, gìn giữ chuyên
nhất về một nơi như vậy, thì
tuệ giác phát sinh thành tựu các
thiện pháp. Người niệm Phật
cũng chuyên nhất về danh hiệu Phật
mà đạt tới định tâm
hay gọi là nhất tâm bất loạn.
g) Xả
Giác Chi trong niệm Phật
Thế giới
ô trược, con người đau
khổ phần lớn là do tâm tham
đắm, chấp trước của chúng
sanh. Vì tham đắm nên tạo ra muôn
vàn nghiệp duyên, quây quần rối
rít, tử tử, sinh sinh. Người
học đạo giải thoát trước
tiên phải phá trừ tâm tham đắm,
chấp nê. Sự tham luyến, chấp
chặt vào bất cứ pháp nào,
hình thức chi vẫn mang đến đau
khổ, ngay cả đến sự chấp
vào pháp tu học giải thoát cũng
thế. Bởi vì đời là
vô thường, mọi pháp đều
huyễn hóa. Còn tha thiết, say đắm
vào quả vị thì còn dính mắc
vào pháp chấp, ngăn trở việc
giải thoát tuyệt đối. Ở
pháp xả này có nghĩa là lìa
bỏ mọi vướng bận trì kéo,
dính mắc làm thối chuyển đạo
tâm. Tuy thế việc hành xả này
không có nghĩa là từ bỏ
hết, quên hết để rồi biến
thành một người ngây dại
sống bất định ở đời.
Việc hành xả ở đây vẫn
là tinh tấn hăng say vui vẻ tạo thiện,
phá ác. Nhưng rồi sẽ không
chấp vào việc làm lành phá
ác đó, cũng như biết đời
là huyễn nên không tiếc cái
thân huyễn mà hành đạo.
Người niệm
Phật cũng thế, xem việc trì danh công
phu niệm Phật là phương tiện, là
huyễn hóa. Và chính vào sự
hiểu biết đó cho nên niệm Phật
càng nhiếp tâm mà không chi lo sợ
phải bị kẹt vào pháp chấp.
7) Niệm
Phật trong Bát Chánh Đạo
Bát Chánh Đạo
hay còn gọi là Bát Thánh Đạo,
là pháp tu nhằm cải tạo thăng
hoa đời sống con người
đến hoàn mỹ tuyệt đối.
Có thể nói cuộc sống được
thánh thiện không thể thiếu Bát
Thánh Đạo. Người Phật tử
học Phật hầu như ai ai cũng nghe nói
về pháp tu này. Một pháp tu không
gò bó câu nệ, mê tín được
xem như căn bản nhất trong đạo
Phật.
Bát Chánh Đạo
gồm tám con đường như sau:
Chánh kiến
Chánh tư duy
Chánh ngữ
Chánh nghiệp
Chánh mạng
Chánh tinh tấn
Chánh niệm
Chánh định
a) Niệm
Phật với chánh kiến
Bao việc sai lầm
ngang trái xảy ra trong đời sống
là do sự thấy biết không thật
đúng của con người. Nhìn
nhận một vấn đề sai dẫn đến
kết quả đen tối, ngược lại
là kết quả tươi đẹp khi
hiểu biết phán xét đúng sự
thật.
Chánh kiến nghĩa
là sự thấy, biết, hiểu một
cách đúng, hợp với chân
lý, lẽ phải, mà không đưa
đến ngộ nhận cho người hay
chính mình. Nhưng cuộc sống lại
đôi khi nằm trong mâu thuẫn, thành
kiến thì làm sao ta có thể tự
cho mình là chánh kiến! Ở đây
điều quan trọng là phải nhìn
sâu hơn trong cái nhìn hiểu biết
về chánh kiến, có nghĩa phải
dung hòa bằng nhiều phương tiện
để tự tìm ra lối thoát.
Trong đời
sống mưu sinh, con người phải tìm
mọi cách để tự gán mình
vào khuôn mẫu xã hội, hầu
gia nhập vào công lệ thế gian. Từ
đó khó có thể tạo cho mình
một ý thức độc lập để
có sự hiểu biết về cái
nhìn khách quan.
Cái nhìn khách
quan ở đây không chỉ đứng
bên ngoài sự việc mà quán
xét. Trái lại phải nhập cuộc để
gạn lọc, học hỏi rồi tìm ra phương
pháp hóa giải vấn đề. Cũng
như thế người có chánh
kiến không khư khư cố chấp sự
hiểu biết của mình mà từ
chối tất cả, hay tệ hại hơn cho
người khác là sai; vì vấn
đề sai đúng còn tùy vào
nhiều khía cạnh, như hoàn cảnh,
môi trường, thời gian.v.v..Thế
nên vấn đề tiên quyết là
uyển chuyển bằng nhiều phương
tiện chuyển hóa, hoán cải để
tự nhận ra điều thiện, điều
bất thiện. Trong kinh Trung Bộ I, phẩm Chánh
Tri Kiến, có nói "Khi Thánh đệ
tử tuệ tri (hiểu biết sáng suốt)
được bất thiện và tuệ
tri được căn bản của bất
thiện, tuệ tri được thiện và
tuệ tri được căn bản của
thiện, này chư Hiền khi ấy vị
Thánh đệ tử có chánh tri
kiến, có tri kiến chánh trực,
có lòng tin pháp tuyệt đối
và thành tựu diệu pháp này
(47)." Với người niệm Phật
pháp chánh kiến phải cần sáng
tỏ. Nhận thấy rằng pháp niệm
Phật là một diệu pháp hợp
xứng với tâm cảnh con người
thời nay mà đức Phật đã
tuyên dạy. Bằng niềm tin hiểu biết
đúng như thế sẽ là nghị
lực bất thối, trước mọi
hoàn cảnh tình huống để không
sợ phải lạc vào tà kiến.
b) Niệm
Phật với chánh tư duy
Con người được
xem như một sinh vật cao quý, thông minh
nhất trên địa cầu. Loài người
có thể hầu như làm được
tất cả. Biết bao chứng tích
lịch sử từ ngàn xưa còn
xót lại đã chứng minh được
điều này. Cho dù chứng tích
đó có thánh thiện hay gian tà
cũng nói lên được sức
hiểu biết của con người. Nếu
so sánh với loài vật khác,
sự khác biệt với nhau rất
xa. Trí hiểu biết của loài vật
hạn hẹp, nhỏ nhoi chỉ thể hiện trong
phản ứng sinh tồn, ngoài ra xem như
không có gì cả so với con người
thật sâu xa siêu việt. Giả như con
người không có hiểu biết
tư duy thì y như loài vật không hơn
không kém.
Tư duy là suy xét,
suy tư, suy niệm. Chánh tư duy là điều
suy tư nghiệm xét hợp với
chân lý lẽ phải. Việc suy tư,
xét nghiệm đúng đắn giúp
người ta hoàn thành trách vụ
công việc tốt trong xã hội. Người
học đạo giải thoát có chánh
tư duy mới thấy rõ được
bản chất, bản thể của các pháp
là vô ngã, vạn vật là vô
thường và vô minh là đầu
mối của sinh tử.
Niệm Phật với
chánh tư duy là niệm trong tư duy chánh
pháp. Nhận ra Phật hiệu là tự
tánh, là Phật tâm, là phương
tiện rốt ráo nhất đưa người
về nguồn tâm như thật.
c) Niệm
Phật với chánh ngữ
Trong luật Sa Di có
nói "Luận việc xử thế ở
đời, lưởi búa nằm
ngay trong miệng, sở dĩ chém mình
là do lời nói ác của chính
mình". Tục ngữ, ca dao cũng nói
"Thần khẩu buộc xác phàm." , "Lời
nói không mất tiền mua, lựa lời
mà nói cho vừa lòng nhau." Tất
cả ý nghĩa khuyên ta hãy nên
thận trọng lời nói để khỏi
phải chịu tai họa. Cố gắng nói
sao cho êm đẹp, cho hòa vui hết thảy.
Tuy nhiên phải hiểu, lời nói
đây phải thành thật, chân tình,
không rụt rè nịn hót, a dua cho được
yên thân, thoát nạn.
Đương đầu
trong cuộc sống mới thấy khẩu
nghiệp là quan trọng. Chẳng hạn cũng
một lời nói mà ở vào
hai người có địa vị khác
nhau, thì hậu quả của nó hoàn
toàn sai khác. Người càng có
chức vị cao lời nói càng
dè dặt. Thế nên thường
thấy các vị lãnh đạo, chính
khách đều phát ngôn rất chuẩn
mực.
Lời nói có
giá trị như mạch sống của con
người. Người học Phật
phải biết lời nói là một
trong ba nghiệp quan trọng nhất của người
Phật tử, đó là Thân nghiệp,
Khẩu nghiệp và Ý nghiệp. Thực
hành Bát Chánh Đạo mà xem
thường phần chánh ngữ thì
không đạt được mục đích
chân thiện hoàn toàn.
Chánh ngữ
là lời nói đúng với
sự thật, chân lý, trái ngược
với lời nói vọng, nói
ác, nói lưỡng thiệt (nói
hai đầu), nói phù phiếm. Chánh
ngữ luôn luôn mang tính chất
xây dựng, hài hòa, hợp nhất
với hành động. Công đức
của lời nói thật được
nêu ra trong Luận Trí Độ như sau:
"Lời nói chân thật được
lợi ích không kém bố thí,
trì giới, học vấn, đa văn.
Chỉ cần tu lời nói chân thật,
cũng được vô lượng
phước đức vậy (48)." Ngược
lại là hậu quả phải gánh chịu,
cũng trong Luận Trí Độ: "Nói
dối có mười tội: Một là
hơi miệng hôi thúi. Hai là thiện
thần xa lánh, phi nhân tự tiện
xâm nhập. Ba là tuy có lời nói
chân thật, người nghe không tin
chịu. Bốn là người trí
nghị bàn, thường không được
tham dự. Năm là thường bị
người bài báng, tiếng xấu
đồn khắp thiên hạ. Sáu là
người không kính trọng, tuy có
việc dạy bảo, nhưng người không
chịu thừa nhận tin dùng. Bảy là
thường nhiều lo buồn. Tám là
gieo trồng nghiệp nhân duyên hủy báng.
Chín là thân hoại mạng chung đọa
vào địa ngục. Mười là
sanh ra làm người thường
bị bài báng (49)."
Niệm Phật với
chánh ngữ lại càng tương
hợp. Mỗi câu niệm Phật là
mỗi lời chánh ngữ, điều
tịnh khẩu nghiệp, xa trừ ác ngữ,
thanh tịnh nôi tâm. Kinh Bảo Tích dạy
rằng "...xưng niệm nam mô Phật, khẩu
nghiệp sạch không. Khẩu nghiệp như
thế gọi là cầm cây đuốc
lớn chiếu sáng phá tan phiền
não (50)."
d) Niệm
Phật với chánh nghiệp
Giá trị hạnh
phúc đích thực của con người
là sống, hành động phù hợp
theo tinh thần đạo đức bỏ
ác làm lành, cải thiện đời
sống an vui từ trong gia đình ra ngoài
xã hội. Nếu vì lý do gì hành
động ngược lại tinh thần tâm
linh đạo đức, con người
sẽ phải gánh chịu kết quả
khổ đau từ việc làm của
chính mình. Kinh Niết Bàn dạy "Quả
báo thiện ác như bóng theo hình.
Nhân quả ba đời tuần hoàn
không mất...(51)"
Chánh nghiệp là
hành động thiện, hành vi lành
hợp với chánh pháp mang lợi
ích, điều hòa đến ba nghiệp
Thân, Khẩu, Ý.
Niệm Phật với
chánh nghiệp là tạo hành động
lành, kiểm soát ba nghiệp, thanh tịnh
thân tâm, dứt mọi điều
xấu ác. Khi sống thân tâm nhẹ
nhàng lúc mãn phần sanh về Cực
Lạc. Kinh Pháp Cú "...Người hành
ác sanh vào khổ cảnh, người
phẩm hạnh tốt sanh vào nhàn cảnh.
Bậc không ô nhiễm nhập diệt vào
Niết Bàn (52)."
e) Niệm
Phật với chánh mạng
Trong xã hội mọi
người mang lấy mọi công việc.
Tùy vào sự hiểu biết cá
nhân cũng như hoàn cảnh môi trường
mà việc làm có cao thấp nặng
nhẹ. Người ta phải cố làm
sao giải quyết việc sinh nhai ấm no, lợi
lạc. Từ việc nuôi thân này
đôi khi con người vô tình
tạo ra những việc làm không hay,
bất thiện gây thương tổn đến
người khác, và mất đi
tính chất hài hòa thiên nhiên
với vạn vật. Người Phật
tử nguyện sống đời từ
bi trí tuệ nên tự chọn công
việc nào không tổn hại cho người
cho mình và ngay cả đến loài
vật. Chánh mạng là sự sinh hoạt
với nghề nghiệp lành mạnh, thật
thà lương thiện phù hợp với
pháp lành lẽ thật. Trong Tăng Chi
Kinh III đức Phật đã dạy
cho cư sĩ Phật tử bốn pháp
về lối sống của một người
muốn tìm hạnh phúc an lạc trong sinh
hoạt đời sống.
"1. Sống đầy
đủ tháo vác, tức làm
thật giỏi, thật thiện xảo nghề
nghiệp của mình.
2. Biết giữ
gìn tài sản do nghề nghiệp lương
thiện làm ra, không để mất mát
lãng phí.
3. Được
nuôi dưỡng và sống có
đạo đức
4. Không đam mê
cờ bạc, không giao du với bạn
ác ...(53)"
Người niệm
Phật với niệm vãng sanh cầu thành
Phật, nên phát lòng từ thể
hiện qua việc làm nghề nghiệp, do đây
mà thuận hòa với chánh mạng.
f) Niệm
Phật với chánh tinh tấn
Với người
siêng năng cần cù học hỏi làm
việc, đâu đâu thời nào
họ cũng hoàn chỉnh, thành công
tốt đẹp. Cũng vậy người
học Phật có đạt được
đạo là do tính tấn tu hành.
Do tinh tấn là then chốt nên các
pháp trước như Tứ Chánh
Cần, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất
Giác Chi đã nhắc nhở. Chánh
Tinh Tấn trong Bát Chánh Đạo cũng
cùng ý nghĩa như vậy. Nghĩa là
phải gia công, siêng năng hành động
đúng với chánh pháp, lẽ
thật có lợi ích đến mọi
người mọi vật. Trong gia đình,
xã hội nếu biết thực hành
Chánh Tinh Tấn thì kết quả tươi
đẹp, an bình, giàu mạnh sẽ thấm
đượm trải tràn lên hoàn
cảnh đó. Trong đạo giáo giữ
gìn mãi hạnh Chánh Tinh Tấn thì
đạo pháp trường tồn quả
tu chứng đắc.
Người con Phật
phải cần tinh tấn mãi trọn đời.
Trong kinh Hoa Nghiêm có dạy "Bồ Tát
chuyên cần tinh tấn tối thắng, nên
không bị những tham dục, giận tức,
ngu si, kiêu mạn, não hại, đố
kỵ, bỏn sẻn, hiềm hận, dua nịnh,
không biết hổ thẹn làm não
loạn. Bồ Tát thường phải
nghĩ như vầy, ta không muốn làm
chúng sinh não phiền, nên ta tinh tấn.
Vì rõ biết chúng sinh phân biệt
nên tinh tấn.Vì biết tất cả
chúng sanh chết đây sống kia nên
tinh tấn. Vì biết chư Phật thật
pháp nên tinh tấn. Vì biết bình
đẳng pháp mà tinh tấn...(54)"
Pháp Chánh Tinh
Tấn đã quan trọng cho đường
tu vậy, thì người niệm Phật
cần chuyên nhất gia công hơn. Niệm
niệm bất thối, niệm niệm quy nhất
về tâm, dừng nghỉ tất cả
vọng tâm ô nhiễm, gội sạch phiền
não, tâm niệm bây giờ chính
là niệm Phật chánh tinh tấn vậy.
g) Niệm
Phật với chánh niệm
Trong đời
sống hằng ngày con người đã
phải đương đầu, đối
diện biết bao vấn đề. Từ
vấn đề đơn giản đến
phức tạp, từ việc vui đến
việc buồn. Tất cả ít nhiều
đã khuấy động tâm hồn,
khiến cho tâm trí con người dễ
bị cuốn lôi sai xử. Người
nào với trí sáng suốt lọc
lừa; nhận ra điều nào đáng
ghi đáng bỏ thì hậu quả ảnh
hưởng của sự khuấy động
sẽ giảm đi. Ghi nhớ điều
tốt việc lành làm tâm hồn
tươi mát, sinh ra hành động hợp
với lẽ đạo làm người.
Ngược lại không loại bỏ những
tạp niệm xấu, con người dễ
đánh mất cá tánh nhân từ
đạo đức.
Chánh Niệm là
điều ghi nhớ chân chánh hợp
với sự thật chân lý, đây
cũng tương tự nghĩa niệm ở
các pháp trước.
Chánh Niệm lại
có hai phần: Chánh Ức Niệm và
Chánh Quán Niệm.
-Chánh Ức
Niệm là ghi nhớ những gì
sai suất, tội lỗi đã qua để
gắng công sám hối chừa bỏ.
Ghi nhớ những gì ơn ích,
ân nghĩa đễ gắng công đền
báo, như tứ trọng ân (ân
cha mẹ, tổ quốc, chúng sanh, tam bảo).
Phần Chánh Ức Niệm này không
khác pháp Tứ Chánh Cần là
ngăn chặn điều ác chưa sinh, dứt
trừ điều ác đã sanh,
làm phát triển điều lành
chưa sanh, tiếp tục phát triển những
điều lành đã sanh.
-Chánh Quán Niệm
là quán sát cuộc đời
theo đúng sự thật, chân lý
để ghi nhớ răn nhắc chính
mình trên đường tu học, cũng
như giúp mọi người thấy được
lẽ thật này. Chánh Quán Niệm
có tính cách sâu xa rộng rãi
cả đến nhân loại.
Thực hành niệm
Phật với Chánh Niệm là rốt
ráo diệt trừ tâm niệm xấu,
thanh lọc tư tưởng sai quấy, để
thay thế vun bồi vào tâm bằng ý
niệm lành qua danh hiệu Phật.
h) Niệm
Phật với Chánh Định
Sau khi đã thông
hiểu và bước qua bảy con đường,
tới đây là con đường
cuối, rốt ráo để hoàn thành
mỹ mãn thánh thiện thân tâm.
Chánh Định là con đường
quan trọng nhất của hành giả phải
trải qua. Tuy thế chánh định có
được là hoàn toàn nhờ
thông suốt, thực hành các con
đường trước.
Nghĩa của Chánh
Định lại là nghĩa của các
định ở các pháp đã
đề cập. Là tập trung định
lực nhất tâm vào chánh pháp.
Ngược với Chánh Định
là đi sai đường, lạc lối
vào tà định, dẫn đến
đọa lạc trong ba đường ác
Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh.
Thực hành pháp
niệm Phật đến thuần nhuyễn.
Người niệm Phật sẽ có được
Chánh Định không khác gì pháp
tu thiền vậy.
***
Qua nội dung 37 phẩm
trợ đạo được hiểu
một cách sơ lược cho người
niệm Phật. Chúng ta thấy rằng niệm
Phật sẽ không trở ngại gì
khi phải tìm hiểu hay dung hòa các
pháp tu khác. Tuy nhiên cũng còn
tùy vào khả năng căn cơ hiểu
biết của mỗi người theo mỗi
cách tu niệm để lãnh hội. Và
điều quan trọng là hành giả
phải thật có dụng công tha thiết
trong niềm tin chánh tín và chí nguyện
chân thành thì dù có hiểu
bằng cách nào hành giả sẽ
được toại nguyện như ý.
Nam Mô Bổn Sư
Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà
Phật
Chú thích:
(1) Trích trong "Đức
Phật và Phật Pháp" Phạm Kim Khánh
dịch, trang 256, Đại Nam xuất bản 1987.
(2) Kinh Hoa Nghiêm, trích
dẫn lại trong PPYN (Phật Pháp Yếu Nghĩa)
của Hòa Thượng Thích Đức
Niệm, tr 52, PHVQT (Phật-Học-Viện Quốc
Tế) xuất bản 1988.
(3),(4) Trích trong "Phật
Pháp Con Đường Giải Thoát"
của Jagdish Kasyapa, Tùng Chi Phóng tác,
tr 57, 52, PHVQT xuất bản 1984.
(5) Kinh Phạm Võng,
Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
dịch, tr 14, PHVQT xuất
bản 1985.
(6) Kinh Pháp Cú,
Phạm Kim Khánh dịch, trang 186, xuất bản
tại Sài Gòn 1971.
(7) Trích trong "Buddhism
in The Eyes of Intellectuals" (Phật Giáo Dưới
Mắt Các Nhà Trí Thức) by Ve.
Dr. K. Sri Dhammananda, Thầy Thích Tâm Quang dịch,
tr 55, copyright @ Thích Tâm Quang 1994.
(8) (9) (10)Trích trong
"Phật Học Tinh Yếu" thiên thứ hai
của Hòa Thượng Thích Thiền
Tâm, trang 247, 189, 190 PHVQT xuất bản 1986.
(11) Kinh Na Tiên Tỳ
Kheo, trích dẫn lại trong PPYN, của H.T Thích
Đức Niệm trang 194.
(12) Các Tông Phái
Đạo Phật, của Đoàn Trung Còn,
trang 92, 93, 94, sách ấn tống in tại Kim
Ấn Quán (Hoa Kỳ).
(13) Đường
Về Cực Lạc của H.T Thích Trí
Tịnh, tr kết.
(14) Kinh Pháp Cú,
Phạm Kim Khánh dịch, tr 114.
(15) Kinh Thập Nhị
Phật Danh, trích dẫn lại trong PPYN,của
H.T Thích Đức Niệm, tr 192.
(16) Đức Phật
và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh
dịch, tr 448.
(17) Kinh Quán Vô
Lượng Thọ, (18) Kinh Tiểu Địa
Quán, trích dẫn lại trong PPYN, của
H.T Thích Đức Niệm, tr 191,48.
(19) Phật Giáo Dưới
Mắt Các Nhà Trí Thức,Thầy
Thích Tâm Quang dịch, tr 51.
(20) Kinh Vô Lượng
Thọ, H.T Thích Chân Thường
dịch, sách ấn
tống PL 2532, tr 66.
(21) Kinh Thủ Lăng
Nghiêm, (22) Kinh Quán Phật Tam Muội, trích
dẫn lại trong PPYN, của H.T Thích Đức
Niệm, tr 160, 193.
(23) Kinh Vô Lượng
Thọ, H.T Thích Chân Thường
dịch, tr 225.
(24) Kinh Hoa Nghiêm- phẩm
Phổ Hiền Hạnh Nguyện thứ 40 H.T
Thích Trí Tịnh dịch, PHVQT xuất bản.
(25) Trích trong "Pháp
Môn Giải Thoát", chùa Đức
Viên (Hoa Kỳ) ấn hành 1993, tr 36.
(26) Kinh Vô Lượng
Thọ, H.T Thích Chân Thường
dịch, tr 69.
(27) Kinh Mạ Ý,(28)
Luận Đại Trí Độ trích dẫn
lại trong PPYN của H.T Thích Đức
Niệm, tr 168, 36.
(29) (30) Kinh Tương
Ưng Bộ III, phẩm Gánh Nặng, H.T Thích
Minh Châu dịch, tr 53, 52.
(31) Kinh Tâm Địa
Quán, trích dẫn lại trong PPYN, của
H.T Thích Đức Niệm tr 154
(32) Kinh Di Giáo, H.T
Thích Hoàn Quan dịch, trung tâm PG Hayward
ấn hành 1994, tr 22.
(33) Kinh Di Giáo, H.T
Thích Hoàn Quan dịch, tr 37.
(34) Kinh Tâm Địa
Quán,(35) Kinh Quán Phật, (36) Kinh Phạm Võng,
(37) Kinh Tiểu Địa Quán, (38) Kinh Niết
Bàn, (39) Kinh Bồ Tát Bổn Hạnh, (40)
Kinh Niết Bàn, trích dẫn lại trong
PPYN, của HT Thích Đức Niệm, tr
160, 192, 52, 48, 48, 82, 191.
(41) Kinh Di Giáo, H.T
Thích Hoàn Quan dịch, tr 40
(42) Kinh Trường
A Hàm, trích dẫn lại trong PPYN, của
H.T Thích Đức Niệm, tr 98
(43) Kinh Di Giáo, H.T
Thích Hoàn Quan dịch, tr 42
(44) Kinh Ấm Trì
Nhập, T.T Thích Bảo Lạc dịch, tr 17.
(45) Kinh Di Giáo,(46)
Kinh Niết Bàn, trích dẫn lại trong
PPYN, của H.T Thích Đức Niệm, tr
80, 81
(47) Kinh Trung Bộ I phẩm
Chánh Tri Kiến, H.T Thích Minh Châu dịch,
tr 112.
(48),(49) Luận Trí
Độ,(50) Kinh Bảo Tích, (51) Kinh Niết
Bàn, trích dẫn lại trong PPYN, của
H.T Thích Đức Niệm, tr 209, 210,192, 139.
(52) Kinh Pháp Cú,
Phạm Kim Khánh dịch, tr 126.
(53) Tăng Chi Kinh III,
trích trong "Chánh Pháp và Hạnh Phúc"
của H.T Thích Minh Châu ấn hành 1996,
tr 213.
(54) Kinh Hoa Nghiêm, trích
dẫn lại trong PPYN, của H.T Thích Đức
Niệm tr 78.
Nguyện đem công
đức này
Hướng
về khắp tất cả
Đệ tử
và chúng sanh
Đều trọn
thành Phật đạo