Các bản luận giải cho rằng, “tâm không chỗ trụ” đó là nói người thực hành bố thí
không vướng mắc vào ba điều: (1) không thấy người bố thí là thật có, (2) không
thấy người nhận bố thí là thật có, và (3) không thấy vật mang ra bố thí là thật
có. Ba điều vướng mắc ấy gọi là tam luân tướng (三輪相). Người thực hành bố thí được không
vướng mắc như nói trên gọi là tam luân thanh tịnh (三輪清淨).
Hầu hết chúng ta khi được nghe lời dạy trên, hẳn sẽ cho rằng đó chỉ là dành cho
những bậc cao tăng thạc đức, hay ít ra cũng là những người có tâm địa hết sức
cao quý, thánh thiện, chứ không phải dành cho những người phàm tục còn nhiều si
mê, tham ái như chúng ta.
Thật ra không phải thế! Với tâm đại từ bi, đức Phật khi thuyết dạy Kinh điển
phần lớn đều hướng đến những kẻ phàm tục si mê như chúng ta, không phải vì những
bậc đã đạt ngộ hay thành tựu thánh quả. Những lời ngài dạy như
trên quả thật là chân lý để giúp tất cả chúng ta thành tựu trong việc thực hành
hạnh nguyện bố thí, chỉ vì ta không nhận hiểu đúng nên không thấy được đó chính
là những huấn thị quý báu cho chính bản thân mình.
Trừ phi bạn cảm nhận được ý nghĩa
thực sự của đời sống và hoàn toàn hài lòng với hạnh phúc hiện có, bằng không thì
mọi giá trị khác nhau trong cuộc sống suy cho cùng cũng chỉ có thể mang đến cho
bạn những thỏa mãn nhất thời, những niềm vui giả tạm mà thôi. Thật ra, đối với
hầu hết chúng ta khi đang ngụp lặn trong một cuộc sống bon
chen
thì hạnh phúc đáng mơ ước nhất cũng chỉ là sự ráp nối của những niềm vui ngắn
ngủi.
Thoát ra khỏi sự vướng mắc vào “tam
luân tướng” không phải là một triết lý cao siêu trừu tượng, mà chính là một cách
hành xử khôn ngoan và thiết thực. Như một phần trên
đã nói, nhận thức về một bản ngã tồn tại độc lập và tách biệt với thế giới là
một nhận thức hoàn toàn sai lầm. Từ căn bản sai lầm đó nên khi thực hành
bất kỳ pháp môn nào ta cũng đều không phát huy được hết những hiệu quả tích cực
của pháp môn đó, kể cả việc thực hành bố thí. Khi ta chia sẻ, giúp đỡ người khác
trên căn bản nhận thức sai lầm về bản ngã, ta dễ dàng khởi tâm kiêu mạn vì thấy
mình là “người cho”, có vị thế cao hơn “người nhận”. Tâm kiêu mạn này cũng có
thể khởi sinh ở dạng vi
tế, khó nhận biết hơn khi ta có cảm giác tự hào, tự mãn về việc tốt mình vừa làm. Sự tự hào với một việc làm tốt đẹp vốn không có gì sai trái, nhưng
vấn đề ở đây chính là nhận thức phân biệt sai lầm của chúng ta khi thấy rằng
thật có một bản ngã độc lập tồn tại tách biệt với mọi đối tượng. Chính nhận thức sai lầm này sẽ trói buộc, giới hạn việc làm của ta,
cũng như thôi thúc ta phản ứng không tốt khi có ai đó hành xử không đúng như ta
mong đợi. Vì thế, khi thực hành bố thí thì trước hết ta phải quán chiếu sâu xa
lý vô ngã, và do đó không còn thấy người bố thí là thật có. Sự thanh tịnh thứ nhất - không thấy thật có người bố thí - giúp ta
đối trị với tâm kiêu mạn vốn rất dễ dàng khởi sinh khi ta thực hành việc bố thí
cho người khác.
Từ nhận thức phân biệt sai lầm về sự thật có của bản ngã nên ta cũng đồng thời
thừa nhận sự tồn tại chắc thật của mọi đối tượng bên ngoài bản ngã đó, mà không
nhận biết rằng tất cả chỉ là sự hợp thành tạm bợ của các nhân duyên, nên bản
chất rốt ráo của chúng đều là không thật có. Khi thực hành bố
thí với nhận thức rằng người đang nhận sự bố thí của ta là một đối tượng thật có,
ta chắc chắn sẽ khởi tâm nhận thức về đối tượng đó với sự phân biệt trong tương
quan so sánh với các đối tượng khác mà ta đã biết. Chính từ sự phân biệt
nhận thức này, chúng ta sẽ khởi lên những tình cảm thuộc phạm trù ái luyến, bám
víu vào đối tượng của sự bố thí, và do đó mà tâm vị tha ban đầu của chúng ta sẽ
bị giới hạn. Thay vì trải rộng và hướng đến tất cả chúng sanh,
những tình cảm thuộc phạm trù ái luyến bao giờ cũng hướng vào những đối tượng mà
ta đã khởi sinh tình cảm. Ngược lại, khi quán chiếu sâu xa lý vô ngã để
thấy rõ bản chất của thực tại và nhận ra rằng đối tượng nhận bố thí đó không hề
thật có, ta sẽ duy trì và nuôi dưỡng được tâm từ bi hướng đến tất cả chúng sanh,
trải rộng tình thương đến muôn loài mà không bị chi phối bởi sự luyến ái, bám
víu vào đối tượng.
Sự thanh tịnh thứ hai - không thấy thật có người nhận bố thí - giúp ta đối trị
với tâm phân biệt luyến ái hay sự bám víu - vốn rất dễ dàng khởi sinh trong việc
thực hành bố thí.
Từ nhận thức phân biệt sai lầm về bản ngã, chúng ta cũng rơi
vào nhận thức sai lầm về sự chắc thật của những gì ta mang ra bố thí, trong khi
chúng thật ra chỉ là sự giả hợp của các nhân duyên và luôn mang tính chất biến
chuyển vô thường, không bền chắc. Do nhận thức sai lầm về vật mang ra bố
thí nên chúng ta dễ dàng khởi tâm tham tiếc, bởi thấy rằng khi bố thí cho người
khác là ta đang “mất đi” những thứ ấy. Nếu có sự quán chiếu
sâu xa lý vô ngã và thấu hiểu được tánh Không của vạn pháp, ta sẽ thấy rằng
những gì mang ra bố thí đó xét cho cùng đều không thật có, chỉ là sự giả hợp tạm
thời của các nhân duyên. Nhận thức này sẽ triệt tiêu
mọi tâm niệm tham tiếc vốn rất dễ dàng khởi sinh khi ta thực hành bố thí.
Đó là sự thanh tịnh thứ ba: không thấy rằng vật mang ra bố thí là thật có.
Khi thực hành bố thí với “tam luân thanh tịnh”, không thấy người bố thí là thật
có, không thấy người nhận bố thí là thật có, cũng không thấy vật mang ra bố thí
là thật có, chúng ta sẽ mở rộng tâm thức vượt qua mọi giới hạn thông thường,
nuôi dưỡng tâm Bồ-đề rộng lớn vô biên hướng về tất cả chúng sanh mà khởi tâm từ
bi bình đẳng không phân biệt. Đó chính là ý nghĩa sâu xa và cũng là lợi ích lớn lao nhất của sự thực hành bố thí. Xét theo ý nghĩa này, vấn
đề không còn là sự bố thí nhiều hay ít, bố thí cho những ai hay bố thí những món
gì, mà điều quan trọng nhất ở đây là chúng ta đã nhận hiểu đúng thật về thực tại,
qua đó khởi tâm từ bi vô lượng hướng đến tất cả chúng sanh, vì muốn chấm dứt khổ
đau cho chúng sanh mà phát khởi tâm Bồ-đề, quyết tự mình tu tập đạt đến quả vị
Phật.
Việc phát khởi và nuôi dưỡng tâm Bồ-đề là thành tựu lớn lao
nhất mà chúng ta có thể có được từ sự tu tập thực hành bố thí. Trong Kinh điển
thường đề cập đến những kết quả của sự bố thí như là sẽ được giàu có sung túc,
không bao giờ phải chịu cảnh nghèo khổ, thiếu thốn, và mọi sự mong cầu về vật
chất đều sẽ dễ dàng được thỏa mãn. Tất nhiên, những điều này
là hoàn toàn chính xác, và được hiểu như là kết quả sự vận hành của nguyên lý
nhân quả. Cũng giống như khi chúng ta trồng xuống một
cây cam và chăm sóc đúng mức trong những điều kiện thích hợp, điều ta có thể chờ
đợi là những quả cam trong tương lai. Tuy nhiên, đó là nói về sự bố thí
thông thường của chúng ta với sự tồn tại song hành của tam luân tướng, hay nói
theo Kinh Kim Cang thì đó là “trụ tướng bố thí”. Vì thế,
kết quả đạt được chỉ giới hạn trong phạm vi giá trị vật chất của những gì ta
mang ra bố thí. Nói một cách dễ hiểu hơn, cách “trụ
tướng bố thí” này cũng tương tự như việc ta mang tiền đến gửi vào ngân hàng.
Kết quả mà ta sẽ nhận lại trong tương lai tùy thuộc vào số tiền ta gửi, cộng
thêm một ít tiền lãi, tùy thuộc vào quy định của ngân hàng...
Bố thí như vậy là không đạt được tam luân thanh tịnh, hoàn toàn khác xa sự bố
thí với “tâm không trụ tướng” như lời Phật dạy trong Kinh Kim Cang. Và cũng theo
lời Phật dạy, chỉ khi nào ta có thể bố thí với tâm không trụ tướng thì mới có
được “phước đức chẳng thể suy lường”, nghĩa là vượt ngoài mọi sự cân đong đo đếm
hay nhận thức của thế gian.
Rất có thể sẽ có người hoài nghi về ý nghĩa “chẳng thể suy lường” ở đây, vì nó
mô tả kết quả nhận được từ việc bố thí một cách lớn lao quá, to tát quá, thậm
chí có vẻ như khó tin quá! Tuy nhiên, vấn đề khác biệt như đã nói rõ, chính là
do ở sự “trụ tướng” hay “không trụ tướng”, hoặc nói theo như ý nghĩa trong các
bản luận giải thì đó là sự bám chấp vào “tam luân tướng” hay được thực hành với
“tam luân thanh tịnh”. Khi phân tích kỹ hơn về sự khác biệt,
chúng ta sẽ đi đến chỗ nhận biết được sự mô tả như trên là hoàn toàn hợp lý và
chính xác.
Những ý nghĩa đã tìm hiểu về “tam luân thanh tịnh” giúp ta nhận ra được rằng,
việc bố thí với “tâm không trụ tướng” hoàn toàn không có nghĩa là trong lòng ta
hờ hững với mọi đối tượng hay vô tri giác như gỗ đá. Ngược lại, nền tảng căn bản
của sự “không trụ tướng” chính là vì đã nhận biết được thật tướng, bản thể của
vạn pháp, nên không còn vướng mắc vào cái giả tướng, cái vẻ ngoài của thực tại.
Và như đã nói ở một phần trước, hệ quả của nhận thức chân thật này chính là sự
nhận biết sâu sắc mọi khổ đau của tất cả chúng sanh, từ đó khởi sinh tâm đại từ
bi, mong muốn có đủ năng lực để cứu giúp tất cả. Đây là khởi
điểm của sự phát tâm Bồ-đề, thệ nguyện tu thành Phật đạo vì lợi lạc cho tất cả
chúng sanh.
Tâm Bồ-đề là một viên ngọc như ý của người tu tập, giúp chúng
ta thành tựu được những điều mà không một phương tiện bất kỳ nào khác có thể
thay thế được.
Thật vậy, sự quán chiếu sâu xa có thể cho ta thấy rõ rằng mỗi một ý nghĩ, hành
vi hay lời nói của chúng ta trong đời sống thế tục này, bất kể là thiện hay ác,
đều là những nguyên nhân tạo nghiệp, dẫn đến sự tiếp tục trôi lăn vô định của
mỗi chúng ta trong vòng luân hồi sinh tử, bởi luân hồi là đích đến cho cả ác
nghiệp lẫn thiện nghiệp, và cho dù có tạo vô số thiện nghiệp để sinh lên các cõi
trời đầy phúc lạc, thì thực tế là chúng ta cũng không thoát được ra khỏi vòng
sinh tử tương tục.
Như một người kinh doanh thành đạt, có trong tay những tài sản to lớn, những khoản tiền kếch sù, nhưng với
thời gian, tất cả rồi cũng sẽ tiêu tán hết. Nếu không tiếp tục thành đạt, không tiếp tục làm ra nhiều tiền, thì
đến một lúc nào đó người ấy cũng không thể tránh khỏi việc trở nên nghèo khó.
Tình cảnh của tất cả chúng ta hiện nay trong luân hồi là như
thế. Việc tu tập các thiện nghiệp tuy là tốt đẹp, nhưng chỉ giúp ta có
được những hạnh phúc tạm bợ, những niềm vui nhất thời.
Một khi những thiện nghiệp đó không còn nữa, nếu ta không duy trì được sự liên
tục tạo ra các thiện nghiệp mới, thì nguy cơ tái sinh vào những cảnh giới thấp
kém, nhiều khổ đau là không thể tránh khỏi. Do đó, tất cả những gì chúng
ta đang làm đều thuộc về phạm trù của các pháp thế gian.
Khi ta phát khởi tâm Bồ-đề thì mọi thứ sẽ lập tức thay đổi.
Mỗi một ý nghĩ, lời nói hay việc làm của ta, dù nhỏ nhặt đến đâu, khi ấy đều sẽ
được chuyển hóa thành một tác nhân hướng đến sự giác ngộ viên mãn, tức là hoàn
toàn thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Vì thế, theo cách nhìn của đạo Phật thì những gì ta đang làm với sự
nuôi dưỡng tâm Bồ-đề là đã thuộc về phạm trù của các pháp xuất thế.
Con đường của các pháp thế gian là một đường cong khép kín không có lối ra. Trên
con đường đó, chúng ta dẫu có trải qua những thăng trầm, sướng khổ, nhưng tất cả
đều bị giới hạn trong sinh tử luân hồi, và bản thân mỗi sự việc cũng có sự giới
hạn tùy theo tính chất và cường độ của chúng.
Đi theo con đường đó, chúng ta sẽ vĩnh viễn không bao giờ không tìm được
lối thoát thực sự.
Con đường của các pháp xuất thế là đường thẳng cắt ngang qua vòng tròn luân hồi
sinh tử để dứt khoát vượt ra khỏi phạm vi bao trùm của
nó. Trên con đường đó, ta không thể nhất thời rũ sạch mọi khổ đau, phiền não,
nhưng ta chấp nhận tất cả những điều đó với tâm thái của một người hiểu biết,
nhận chân được bản chất thật sự của mọi vấn đề, và vì thế không còn phải bận tâm
vì những gì giả tạm, không thật có. Hơn thế nữa, con đường xuất thế còn là một
con đường diệu vợi và chúng ta phải luôn duy trì tư thế sẵn sàng vượt lên với sự
dũng mãnh, kiên trì của một cuộc hành trình vượt thoát, chứ không phải sự dễ
duôi, lười nhác của một chuyến rong chơi. Tuy vậy, khi kiên trì đi
theo con đường xuất thế thì chắc chắn chúng ta sẽ có ngày thoát ra khỏi
luân hồi sinh tử.
Và tâm Bồ-đề chính là chiếc chìa khóa vạn năng đưa ta vào con đường xuất thế, là
viên ngọc như ý giúp ta chuyển hóa mọi hành vi, ý niệm của mình từ phạm trù của các pháp thế gian sang
phạm trù của các pháp xuất thế. Khi đã phát khởi và nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, chúng
ta thay đổi hoàn toàn nhận thức về đời sống, nhìn nhận một cách đúng thật bản
chất của mọi sự vật và không còn vướng mắc, chạy theo những giá trị hư ảo do tâm thức vô minh tạo ra từ bao
đời. Chính vì thế, con đường tu tập kể từ sau khi ta phát tâm Bồ-đề tuy vẫn còn
không ít những trở lực và khó khăn, nhưng có thể xem như đã đi vào một định
hướng chắc chắn sẽ đưa ta đến đích. Nói cách khác, với việc duy trì và phát triển tâm Bồ-đề, chúng ta
đang đặt từng bước chân “chậm mà chắc” hướng đến sự giải thoát viên mãn.
Như đã nói, chính sự tu tập thực hành bố thí với “tâm không
trụ tướng” đã mang đến cho chúng ta thành tựu là phát khởi và nuôi dưỡng tâm
Bồ-đề, phát nguyện tu tập đạt đến quả Phật vì lợi ích cho tất cả chúng sanh.
Đây chính là lý do giải thích việc đức Phật đã đề cập đến việc bố thí với tâm
không trụ tướng ngay trong phần mở đầu của Kinh Kim Cang khi trả lời câu hỏi của
ngài Tu-bồ-đề về việc phải “trụ tâm như thế nào, hàng phục tâm như thế nào” khi
đã phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề. Phần giảng giải này của đức Phật chỉ rõ
rằng, chính pháp tu “bố thí không trụ tướng” là một trong những khởi đầu căn bản
và quan trọng nhất trên con đường tu tập hướng đến sự giải thoát viên mãn.
Và như thế, chúng ta đã có thể thấy việc pháp tu này được mô tả là mang lại
“phước đức chẳng thể suy lường” cũng là điều hoàn toàn hợp lý, bởi phước đức khi
ấy không còn giới hạn trong phạm trù của các pháp thế gian, mà đã trở thành
những nhân tố xuất thế, những nhân tố dẫn đến sự giác ngộ viên mãn.
Và những giá trị như thế quả thật là vượt ngoài mọi sự suy lường, nhận thức của
thế gian.
Từ sự so sánh về mặt nhận thức như trên, chúng ta mới thấy được khác biệt lớn
lao giữa sự thực hành bố thí “trụ tướng” và “không trụ tướng”.
Chính sự khác biệt này cũng mang lại nhiều hệ quả khác biệt trong suốt quá trình
chúng ta thực hành bố thí.
Khi chúng ta bố thí với tâm thức bám víu vào bản ngã và đối tượng, sự bố thí đó
cũng giống như người làm ruộng gieo giống và mong chờ ngày thu
hoạch. Kết quả có được tuy là sẽ đến, nhưng luôn phụ thuộc vào
nhiều nhân duyên khác cũng như tất yếu phải cần đến yếu tố thời gian để hạt
giống phát triển và tạo thành kết quả. Trong suốt quá trình này, cho và
nhận là hai yếu tố được phân biệt theo hai ý nghĩa. Thứ nhất, khi ta “cho” với tâm thức chấp
ngã, ta luôn thấy có người “nhận” là đối tượng được ta ban cho.
Thứ hai, cũng với tâm thức chấp ngã đó, ta “cho” đi một cái gì và đồng thời cũng
mong đợi sẽ “nhận” lại một cái gì sau đó. Trong trường
hợp này, tuy sự bố thí của ta là một việc làm tốt đẹp nhưng kết quả của nó đã bị
giới hạn rất nhiều, cũng như không hề nhắm đến mục đích cao nhất là sự giải
thoát khổ đau, cho bản thân ta cũng như cho tất cả chúng sanh.
“Cho” và “nhận” như thế không thể giúp ta phát huy được hết những hiệu quả tốt
đẹp nhất của pháp tu bố thí.
Ngược lại, khi chúng ta bố thí với một nhận thức chân thật về bản ngã và đối
tượng, nhận rõ ý nghĩa vô ngã và tánh Không của vạn pháp, tâm thức ta sẽ hoàn
toàn không bị vướng mắc vào người cho, người nhận cũng như vật được mang ra cho,
đó chính là bố thí với “tâm không trụ tướng”. Hành vi
bố thí như thế là sự hiển lộ tự nhiên của tâm Bồ-đề, được thôi thúc bởi ý hướng
mang đến sự lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Vì thế, khi “cho”
theo cách ấy ta không hề có sự mong đợi sẽ “nhận” lại bất kỳ một kết quả
nào đó trong tương lai. Thế nhưng, tự thân hành vi đó
đã là một nhân tố để nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, nuôi dưỡng lòng vị tha trong ta. Như
vậy, kết quả của hành vi
bố thí không chỉ là một cái gì sẽ đến trong tương lai, mà tự nó đã có mặt đồng
thời với hành vi ấy. Trong trường hợp này, “cho” và “nhận” không còn là 2 yếu tố
tách biệt với nhau theo bất kỳ ý nghĩa nào. Thứ nhất,
vì nhận thức rõ lý vô ngã nên ta không thấy có “người cho” khác với đối tượng
“được cho”, hay nói khác đi là không hề có sự phân biệt giữa “cho” và “nhận”. Thứ hai, từ nhận thức đó nên ta không khởi tâm mong chờ bất kỳ một
kết quả nào đó trong tương lai, nghĩa là ta không “cho” với ý niệm để được
“nhận” lại gì cả. Nói đúng hơn, ngay trong hành vi “cho” theo đúng ý
nghĩa này đã có sự hiện hữu đồng thời của “nhận”, bởi chính nó đã tức thời mang
lại cho ta giá trị nuôi dưỡng tâm Bồ-đề là một giá trị hết sức lớn lao thuộc
phạm trù xuất thế. Có thể nói, khi thực hành bố thí với “tâm không trụ tướng”
như thế thì “cho” và “nhận” không còn là 2 yếu tố, 2 phạm trù tách biệt nữa, mà
“cho” cũng chính là “nhận”. Và chỉ khi cho là nhận thì việc thực hành bố thí mới
thực sự mang lại cho ta những thành tựu lớn lao
nhất trên con đường tu tập.
Tuy nhiên, những quán chiếu sâu sắc như trên cũng sẽ không có ý nghĩa gì nhiều
nếu như chúng ta không thực sự vận dụng được chúng một cách thiết thực vào ngay
trong mỗi ý nghĩ, hành vi hay lời nói hằng ngày của mình. Chúng ta không thể mỗi
ngày thắp hương lễ Phật rồi ngồi xuống quán chiếu vô ngã, quán chiếu tánh Không
rồi nhận biết cho là nhận, nhưng ngay trong hành vi hay lời nói mỗi ngày lại
hoàn toàn không có sự chuyển hóa, thay đổi nào theo với những kết quả quán chiếu
đó. Tất nhiên, sự nỗ lực quán chiếu thường xuyên theo thời khóa mỗi ngày là rất cần thiết và chính là điều
kiện tất yếu để ta có thể phá vỡ những nhận thức sai lầm từ trước đến nay. Nhưng
sự vận dụng những kết quả quán chiếu đó vào thực tế đời sống cũng quan trọng
không kém, thậm chí còn có thể nói là quan trọng hơn nữa, nếu xét
theo ý nghĩa chính nó mới mang lại những lợi lạc thiết thực cho đời sống
thực tiễn của chúng ta. Vì thế, ngay trong mỗi hành vi chia sẻ nhỏ nhặt thường
ngày, chúng ta phải có sự thực hành sâu sắc để luôn thấy được cho là nhận, thấy
được những gì ta mang ra chia sẻ cùng người khác cũng chính là đang vun bồi lợi
lạc, an vui cho tất cả chúng sanh, trong đó có chính bản thân ta.
Thật ra, nhận thức “cho là nhận” không phải là một khái niệm trừu tượng do ta cố
áp đặt những kết quả của sự thực hành quán chiếu vào thực tiễn, mà đó chính là
một cách nhìn đúng thật, chân xác, loại bỏ được mọi định kiến theo thói quen vốn
có từ lâu đời. Khi nhận thức mỗi sự việc một cách hoàn toàn
khách quan và từ bỏ mọi định kiến, chắc chắn ta sẽ nhận ra được sự đúng thật của
quan điểm này.
Ta có thể nhận biết cho là nhận khi chia sẻ với ai đó một giá trị bất kỳ xuất
phát từ ý nguyện muốn mang lại lợi lạc cho người ấy. Tài vật chia sẻ có thể
nhiều hoặc ít, lớn hoặc nhỏ tùy theo
hoàn cảnh thực tiễn khi ấy, nhưng giá trị thật của sự chia sẻ đó không hoàn toàn
phụ thuộc vào vật chất, mà phụ thuộc nhiều hơn vào sự đồng cảm giữa người cho và
người nhận. Người nhận có được lợi lạc từ sự chia sẻ đúng
nghĩa của người cho, và người cho cũng đồng thời có được sự hoan hỷ khi cảm nhận
được niềm vui từ người nhận.
Ta cũng có thể nhận biết cho là nhận khi quan sát sự việc trong một toàn thể các
giá trị liên quan. Khi ta chân thành chia sẻ cùng ai đó một giá trị, ta cũng
đồng thời nhận lại một hay nhiều các giá trị khác. Một số vị Geshe Tây Tạng cho
biết rằng các vị đã nhận hiểu được rất nhiều điều sâu xa trong Giáo pháp nhờ vào
chính quá trình nghiên cứu giảng dạy cho học tăng, chứ không phải chỉ nhờ vào
giai đoạn theo học trong các Phật học viện. Theo đó, chính trong khi các vị hoan
hỷ thực hành pháp thí bằng cách chia sẻ Giáo pháp đã học với mọi người, thì bản
thân các vị cũng đồng thời nhờ đó mà nhận hiểu được những ý nghĩa mới, những giá
trị sâu xa hơn.
Điều này cũng xảy ra tương tự trong rất nhiều trường hợp giao
tiếp thông thường. Một khi chúng ta có sự chân thành chia sẻ, điều chắc
chắn là ta sẽ nhận được thiện cảm từ những người quanh ta, và đó cũng chính là
một giá trị căn bản rất quý giá trong quan hệ xã hội, từ đó có thể mang lại cho
ta nhiều giá trị khác.
Nói cách khác, khi nhìn nhận mọi sự việc một cách khách quan và có xét đến những
giá trị khác nhau đóng góp vào giá trị chung của cuộc
sống, chúng ta sẽ nhận ra tính chất hoán đổi và tương quan mật thiết giữa các
giá trị. Điều đó dẫn đến hệ quả tất yếu là sự chia sẻ một số giá trị nhất định
cũng đồng thời sẽ là điều kiện giúp chúng ta nhận được một hay nhiều các giá trị
khác. Trong mối quan hệ “cho là nhận” theo cách này,
điều kỳ diệu là giá trị chung của cuộc sống chúng ta sẽ ngày càng được hoàn
thiện hơn nữa, nhất là về mặt tinh thần.
Và nói đến giá trị chung nhất của đời sống, chúng ta
không thể quên rằng mọi nỗ lực của tất cả chúng ta theo những chiều hướng,
phương thức khác nhau đều không đi ngoài việc tìm kiếm một cuộc sống hạnh phúc,
an vui. Với những nỗ lực đúng hướng, mục tiêu tìm kiếm hạnh phúc của ta sẽ trở
nên khả thi và điều đó được chứng tỏ qua sự cải thiện đời sống tinh thần, giúp
ta ngày càng có được nhiều niềm vui sống, nhiều an vui và hạnh phúc hơn trước. Ngược lại, những nỗ lực
theo
hướng sai lầm luôn đẩy ta vào một cuộc sống ngày càng rối rắm, bất an và nhiều
phiền toái. Đôi khi ta có thể thành công trong việc tích lũy ngày càng nhiều các
giá trị vật chất hay tri thức, nhưng sự sa sút của nhiều giá trị khác lại khiến
cho bức tranh toàn cảnh về cuộc sống của chúng ta trở nên ngày càng u ám, đen
tối hơn. Chính trong những trường hợp này, việc suy ngẫm về
khả năng chuyển hóa đời sống bằng cách thực hành bố thí sẽ là một giải pháp vô
cùng hữu hiệu. Thực hành bố thí luôn là một phương thức thiết thực giúp
ta sử dụng những giá trị hiện có của mình một cách hữu hiệu để cân đối hài hòa
với mọi giá trị khác và nhờ đó có thể đạt được một cuộc sống an vui, hạnh phúc
hơn.
Sự chia sẻ chân thành luôn mang lại cho chúng ta những niềm vui nhẹ nhàng nhưng
sâu sắc, khiến ta có được một cảm nhận rất rõ ràng về ý nghĩa cuộc sống.
Những điều này ta không thể nào trực tiếp đổi lấy bằng các giá trị vật chất,
nhưng thông qua sự thực hành pháp bố thí, những giá trị vật chất mà ta đưa ra
chia sẻ đã mang lại cho ta niềm vui và hạnh phúc. Điều
này thể hiện rõ cho ta thấy ý nghĩa cho là nhận.
Ta cũng có thể suy ngẫm quán chiếu để thấy được tính chất không thường tồn và
giới hạn của mọi giá trị trong đời sống. Mỗi một giá trị mà ta đang có, cho dù
là vật chất, tri thức, kinh nghiệm sống hay bất kỳ giá trị nào khác, chỉ có thể
phát huy tác dụng của chúng trong một thời gian nhất định, trong những hoàn cảnh
nhất định. Chúng không hề có giá trị tuyệt đối, cũng không thể
trực tiếp hoán đổi cho nhau. Khi bạn đang đau yếu chẳng
hạn, sức khỏe trở nên quan trọng đối với bạn, trong khi tác dụng của mọi giá trị
vật chất trở nên vô cùng hạn chế, vì bạn không thể dùng chúng để trực tiếp đổi
lấy sức khỏe. Cho dù bạn là người giàu có đến đâu đi chăng nữa, tiền bạc cũng
không chắc chắn giúp bạn dứt được bệnh tật. Trong hoàn
cảnh đó, bạn có thể mua thật nhiều thuốc men tốt, mời thật nhiều bác sĩ giỏi,
nhưng dù sao bạn cũng không thể trả giá để mua được sức khỏe.
Sự thật đúng là như vậy.
Mặt khác, khi bạn gặp nhiều bất ổn hoặc khổ đau vì những vấn
đề tình cảm thì dường như sức khỏe lại không được bạn quan tâm nhiều lắm. Vì thế, cho dù mọi giá trị đều có tác dụng hỗ tương cho nhau, nhưng
tầm quan trọng của mỗi giá trị lại chỉ giới hạn trong những điều kiện nhất định
khi bạn cần đến. Và cho dù mỗi một giá trị đều có công năng đóng góp vào
giá trị chung của cuộc sống, nhưng không có bất kỳ một
giá trị nào trong số đó có thể xem là giá trị của đời sống. Đơn giản là vì chúng
chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định, có những tác động nhất định trong
cuộc sống của bạn, nhưng điều chắc chắn là chúng sẽ luôn thay đổi và dễ dàng mất
đi vào một lúc nào đó, tùy thuộc vào những điều kiện nhân duyên thích hợp.
Trừ phi bạn cảm nhận được ý nghĩa thực sự của đời sống và hoàn toàn hài lòng với
hạnh phúc hiện có, bằng không thì mọi giá trị khác nhau trong cuộc sống suy cho
cùng cũng chỉ có thể mang đến cho bạn những thỏa mãn nhất thời, những niềm vui
giả tạm mà thôi. Thật ra, đối với hầu hết chúng ta khi đang ngụp lặn trong một
cuộc sống bon chen thì hạnh phúc đáng mơ ước nhất cũng chỉ là sự ráp nối
của những niềm vui ngắn ngủi. Vì thế, chúng thực sự mong manh
và bất ổn. Nhưng trong thực tế thì ngay cả cái khuôn mẫu hạnh phúc mong
manh và bất ổn ấy cũng rất hiếm khi có được, mà điều thường gặp hơn bao giờ cũng
là những mảng đan xen giữa hạnh phúc và khổ đau theo
cách mà bản thân chúng ta hoàn toàn không làm chủ được.
Trích
từ sách: Cho là nhận, Nguyên
Minh