15/07/2011 14:44 (GMT+7)
Số lượt xem: 432820
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Tâm Chú Hành Pháp

Tôn giả Tứ Minh Tri Lễ [1], biên tập nghi quỹ.
Luật sư Hoa Sơn Độc Thể [2], sửa văn chỉnh lời.
Sa môn Gia Hòa Tịch Xiêm [3], thêm tranh khắc bản.
Việt dịch: Quảng Minh.


Nam mô đại bi Quan Thế Âm bồ tát. (3 lần)

Nhất thiết cung kính: Một lòng kính lạy Tam bảo thường trú khắp cả mười phương. (1 lạy)

(Đốt hương, rải hoa, vị chủ lễ xướng:)

Tất cả đại chúng, xin mời quỳ xuống, nghiêm cầm hương hoa, như pháp cúng dường.

Nguyện mây hương mầu này
Khắp cùng mười phương cõi

Vô biên quốc độ Phật
Vô lượng hương trang nghiêm

Đầy đủ đạo bồ tát

Thành tựu hương Như lai.

(Quán tưởng:)

Con dâng hương hoa khắp mười phương

Làm đài ánh sáng rất vi diệu

Các âm nhạc, hương báu cõi trời

Các món ăn, y báu cõi trời

Không thể nghĩ bàn pháp trần mầu

Mỗi một trần thành tất cả trần

Mỗi một trần thành tất cả pháp

Chuyển hóa vô ngại, trang nghiêm nhau

Khắp cả mười phương trước Tam bảo

Đều có thân con hiến cúng dường

Mỗi cúng phẩm khắp cả pháp giới

Thế tôn và con không ngại nhau

Cùng tận vị lai làm việc Phật

Khắp xông pháp giới các chúng sanh

Được xông đều phát tâm bồ đề

Cùng vào vô sanh, chứng trí Phật.

(Cúng dường xong, tất cả cung kính, vị chủ lễ xướng:)

Kính lạy đời quá khứ Như lai Chánh Pháp Minh, chính là đời hiện tại bồ tát Quán Thế Âm, đấng thành công đức diệu, đầy đủ lòng đại bi, nơi trong một thân tâm hiện ra ngàn tay mắt, soi thấy khắp pháp giới, hộ trì các chúng sanh, phát tâm đạo rộng lớn, dạy trì chú Viên mãn, mãi rời xa đường ác, được sanh trước chư Phật. Những tội nặng vô gián, cùng bịnh ác quấy thân, khó nỗi cứu vớt được cũng đều khiến tiêu trừ. Các tam muội, biện tài, những mong cầu hiện tại đều cho được toại nguyện. Quyết định không nghi ngờ thì mau được ba thừa, sớm lên quả vị Phật. Sức oai thần công đức, khen ngợi sao cho cùng, cho nên con một lòng, quy mạng và đảnh lễ. (1 lạy)

Một lòng kính lạy đức Phật bổn sư là Thích Ca Mâu Ni Thế tôn. (1 lạy)

(Quán tưởng:)

Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng

Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn

Lưới đế châu ví đạo tràng

Thích Ca Như lai hào quang sáng ngời

Trước Thế tôn thân con ảnh hiện

Cúi đầu xin thệ nguyện quy y.

Một lòng kính lạy đức Phật ở thế giới Cực lạc phương Tây là A Di Đà Thế tôn. (1 lạy)

(Quán tưởng:)

Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng

Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn

Lưới đế châu ví đạo tràng

A Di Đà Phật hào quang sáng ngời

Trước Thế tôn thân con ảnh hiện

Cúi đầu xin thệ nguyện quy y.

Một lòng kính lạy đức phật ở đời quá khứ trong vô lượng ức kiếp là Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ Thế tôn. (1 lạy)

Một lòng kính lạy chín mươi chín ức hằng sa chư Phật Thế tôn ở đời quá khứ. (1 lạy)

Một lòng kính lạy đức phật ở đời quá khứ trong vô lượng kiếp là Chánh Pháp Minh Thế tôn. (1 lạy)

Một lòng kính lạy tất cả chư Phật Thế tôn khắp cả mười phương. (1 lạy)

Một lòng kính lạy một ngàn đức Phật ở Hiền kiếp, ba đời tất cả chư Phật Thế tôn. (1 lạy)

Một lòng kính lạy chương cú thần diệu tên là Quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà la ni. (xưng lễ 3 lần)

(Quán tưởng:)

Chân không pháp tánh như hư không

Pháp bảo thường trú khó nghĩ bàn

Thân con ảnh hiện trước pháp bảo

Một lòng như pháp quy mạng lễ.

Một lòng kính lạy vị thuyết ra các đà la ni là đại bồ tát Quán Thế Âm và mười phương ba đời tất cả tôn Pháp. (1 lạy)

Một lòng kính lạy đại bồ tát Quán Thế Âm, bậc tự tại, đại từ đại bi, ngàn tay ngàn mắt. (xưng lễ 3 lần)

(Quán tưởng:)

Bồ tát, chúng sanh tánh thường rỗng lặng

Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn

Lưới đế châu ví đạo tràng

Bồ tát đại bi hào quang sáng ngời

Trước bồ tát thân con ảnh hiện

Cúi đầu xin thệ nguyện quy y.

Một lòng kính lạy đại bồ tát Đại Thế Chí. (1 lạy)

Một lòng kính lạy đại bồ tát Tổng Trì Vương. (1 lạy)

Một lòng kính lạy đại bồ tát Nhật Quang, đại bồ tát Nguyệt Quang. (1 lạy)

Một lòng kính lạy đại bồ tát Bảo Vương, đại bồ tát Dược Vương, đại bồ tát Dược Thượng. (1 lạy)

Một lòng kính lạy đại bồ tát Hoa Nghiêm, đại bồ tát Đại Trang Nghiêm, đại bồ tát Bảo Tạng. (1 lạy)

Một lòng kính lạy đại bồ tát Đức Tạng, đại bồ tát Kim Cang Tạng, đại bồ tát Hư Không Tạng. (1 lạy) [4]

(Lễ xong, đứng lên chắp tay tụng:)

Kinh nói: Nếu có vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, hay đồng nam, đồng nữ nào, muốn tụng trì chú này, trước tiên phải phát tâm từ bi đối với chúng sanh và sau đây y theo tôi mà phát nguyện:

Kính lạy đại bi Quán Thế Âm, nguyện con mau biết tất cả pháp.

Kính lạy đại bi Quán Thế Âm, nguyện con sớm được con mắt trí tuệ.

Kính lạy đại bi Quán Thế Âm, nguyện con mau độ tất cả chúng sanh.

Kính lạy đại bi Quán Thế Âm, nguyện con sớm được phương tiện tốt.

Kính lạy đại bi Quán Thế Âm, nguyện con mau ngồi thuyền bát nhã.

Kính lạy đại bi Quán Thế Âm, nguyện con sớm vượt biển cả khổ đau.

Kính lạy đại bi Quán Thế Âm, nguyện con mau được các pháp giới định.

Kính lạy đại bi Quán Thế Âm, nguyện con sớm lên núi cao niết bàn.

Kính lạy đại bi Quán Thế Âm, nguyện con mau về ngôi nhà vô vi.

Kính lạy đại bi Quán Thế Âm, nguyện con sớm đồng thân thể pháp tánh.

Nguyện con đến núi đao thì núi đao tự gãy đỗ.

Nguyện con đến vạc sôi thì vạc sôi tự khô cạn.

Nguyện con đến địa ngục thì địa ngục tự hủy diệt.

Nguyện con đến ngạ quỷ thì ngạ quỷ tự no đủ.

Nguyện con đến tu la thì tu la tự hiền lành.

Nguyện con đến súc sanh thì súc sanh tự khôn ngoan. [5]

(Hành giả quán tưởng thân mình đang đối trước chư Phật và bồ tát, xưng niệm hồng danh, tha thiết thành tâm như đang bị thiêu đốt, đắm chìm mà cầu xin cứu giúp)

Nam mô Quán Thế Âm bồ tát. (21 lần đến 49 lần, 1 lạy)

Nam mô A Di Đà Phật. (21 lần đến 49 lần, 1 lạy)

(Tụng tiếp:)

Bồ tát Quán Thế Âm thưa với đức Phật: Bạch đức Thế tôn, nếu các chúng sanh tụng trì thần chú đại bi mà đọa ba đường ác thì con thề không thành chánh giác. Người tụng trì thần chú đại bi nếu không sanh về quốc độ của chư Phật thì con thề không thành chánh giác. Người tụng trì thần chú đại bi nếu nơi tâm không đắc vô lượng tam muội biện tài thì con thề không thành chánh giác. Người tụng trì thần chú đại bi tâm, sống trong đời hiện tại, có những mong cầu mà không có kết quả toại nguyện thì thần chú này không được gọi là đà la ni đại bi tâm

Bồ tát Quán Thế Âm nói lời ấy rồi, liền ở trước chúng hội, chắp tay đứng thẳng, đối với các chúng sanh khởi tâm đại bi, nở mặt mỉm cười, liền nói chương cú thần diệu tên là Quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà la ni:

1. Nam mô hát ra đát na đá ra dạ da.

(Đây là bản thân của bồ tát Quán Thế Âm, phải khởi đại bi, dụng tâm đọc tụng, đừng cao giọng, tâm ý nóng vội)

2. Nam mô a rị da.

(Đây là bản thân của bồ tát Như Ý Luân, đến đây phải gìn giữ tâm ý)

3. Bà lô yết đế thước bát ra da.

(Đây là bản thân của bồ tát Trì Bát Quán Thế Âm. Nếu muốn lấy xương cốt xá lợi, thì tụng chú này, quán tưởng bồ tát đang cầm bát)

4. Bồ đề tát đỏa bà da.

(Đây là bồ tát Bất Không Quyến Sách, nắm giữ đại binh)

5. Ma ha tát đỏa bà da.

(Đây là chủng tử của bồ tát, tức bản thân của người tụng chú)

6. Ma ha ca lô ni ca da.

(Đây là bản thân của bồ tát Mã Minh, tay cầm chày Kim Cang)

7. Án.

(Chữ án này là các quỷ thần chắp tay lắng nghe tụng chú)

8. Tát bàn ra phạt duệ.

(Đây là bản thân của bốn đại thiên vương, hàng phục ma quân)

9. Số đát na đát tả.

(Đây là danh tự của bộ lạc quỷ thần thuộc bốn đại thiên vương)

10. Nam mô tất cát lật đỏa y mông a rị da.

(Đây là bản thân của bồ tát Long Thọ, cần phải dụng tâm mà tụng câu này, chớ có qua loa mà đánh mất tâm tánh bồ tát)

11.Bà lô cát đế thất phật ra lăng đà bà.

(Đây là viên mãn báo thân Lô Xá Na Phật)

12. Nam mô na ra cẩn trì.

(Đây là bản thân của thanh tịnh pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật, cần phải dụng tâm)

13. Hê rị ma ha bàn đa sa mế.

(Đây là thần vương Dương Đầu, cùng với các quyến thuộc của thiên ma)

14. Tát bà a tha đậu du bằng.

(Đây là bồ tát Cam Lộ, cũng là bộ lạc của bồ tát Quán Thế Âm dùng làm quyến thuộc)

15. A thệ dựng.

(Đây là thiên vương dạ xoa Phi Đằng, đi tuần khắp bốn phương để xem xét những điều thị phi)

16. Tát bà tát đá (na ma bà tát đa [6] ) na ma bà dà.

(Đây là thần vương Bà Gia Đế, thân hình cao lớn, da đen, lấy da báo làm quần, tay cầm cây đao sắt)

17. Ma phạt đặc đậu.

(Đây là bản thân của bồ tát Quân Trà Lợi, cầm bánh xe sắt và sợi dây, có ba con mắt)

18. Đát điệt tha.

(Đây là lời nói sắc bén)

19. Án, a bà lô hê.

(Đây là bản thân của bồ tát Quán Thế Âm, chắp tay ngang ngực)

20. Lô ca đế.

(Đây là bản thân của thiên vương Đại Phạn, bộ lạc của thần tiên)

21. Ca ra đế.

(Đây là đế thần có thân dài lớn, màu đen)

22. Di hê rị.

(Đây là thiên thần Ma Hê Thủ La ở cõi trời Tam thập tam thiên thống lãnh thiên binh, thân màu xanh)

23. Ma ha bồ đề tát đỏa.

(Đây là chân tâm, cũng có nghĩa là tâm không tạp loạn, nên gọi là tát đỏa)

24. Tát bà tát bà.

(Đây là bồ tát Hương Tích nắm giữ quỷ binh của năm phương để làm tùy tùng, việc đó không thể nghĩ bàn)

25. Ma ra ma ra.

(Đây là bồ tát dùng lời nói trị phạt cũng tức là cứu giúp chúng sanh)

26. Ma hê ma hê rị đà dựng.

(Giống như câu trên)

27. Câu lô câu lô yết mông.

(Đây là bồ tát Không Thân nắm giữ tướng quân Thiên Đại thống lãnh hai mươi muôn ức thiên binh)

28. Độ lô độ lô phạt xà da đế.

(Đây là bồ tát Nghiêm Tuấn nắm giữ Khổng Tước Vương cùng binh chúng thô bạo)

29. Ma ha phạt xà da đế.

(Giống như câu trên)

30. Đà ra đà ra.

(Đây là bồ tát Quán Thế Âm, thị hiện cái thân đại trượng phu)

31. Địa rị ni.

(Đây là Sư Tử Vương, chứng nghiệm và che chở người đọc tụng)

32. Thất phật ra da.

(Đây là bồ tát Tích Lịch, hàng phục các loài ma và quyến thuộc của chúng)

33. Giá ra giá ra.

(Đây là bản thân của bồ tát Tồi Toái, tay cầm bánh xe vàng)

34. Mạ mạ.

(Họ tên …. thọ trì)

Phạt ma ra.

(Đây là bản thân của Đại Hàng Ma Kim Cang, tay cầm bánh xe vàng)

35. Mục đế lệ.

(Đây là chư Phật chắp tay nghe tụng chân ngôn)

36. Y hê y hê.

(Đây là thiên vương Ma Hê Thủ La)

37. Thất na thất na.

(Giống như câu trên)

38. A ra sâm phật ra xá lợi.

(Đây là bồ tát Quán Thế Âm, tay cầm cái bàng bài, cây nỏ, cây cung và mũi tên)

39. Phạt sa phạt sâm.

(Giống như câu trên)

40. Phật ra xá da.

(Đây là bản thân của đức Phật A Di Đà, bổn sư của bồ tát Quán Thế Âm)

41. Hô lô hô lô ma ra.

(Đây là tám bộ quỷ thần vương)

42. Hô lô hô lô hê rị.

(Giống như câu trên)

43. Sa ra sa ra.

(Thời kỳ dữ dội đầy cả năm thứ vẩn đục)

44. Tất rị tất rị.

(Đây là bồ tát Quán Thế Âm làm lợi ích tất cả chúng sanh, việc đó không thể nghĩ bàn)

45. Tô rô tô rô.

(Đây là tiếng lá cây rơi rụng ở cõi nước của chư Phật)

46. Bồ đề dạ bồ đề dạ.

(Đây là bồ tát Quán Thế Âm kết duyên với chúng sanh)

47. Bồ đà dạ bồ đà dạ.

(Đây là bản thân của tôn giả A Nan)

48. Di đế rị dạ.

(Đây là bồ tát Đại Xa, tay cầm cây đao vàng)

49. Na ra cẩn trì.

(Đây là bồ tát Long Thọ, tay cầm cây đao vàng)

50. Địa rị sắc ni na.

(Đây là bồ tát Bảo Tràng, tay cầm cây chĩa ba sắt)

51. Ba dạ ma na.

(Đây là bồ tát Bảo Kim Quang Tràng, tay cầm cây xử bạt chiết la)

52. Sa bà ha.

53. Tất đà dạ.

(Đây là thông đạt tất cả pháp môn)

54. Sa bà ha.

55. Ma ha tất đà dạ.

(Đây là bồ tát Phóng Quang, tay cầm phan đỏ)

56. Sa bà ha.

57. Tất đà du nghệ.

(Đây là chư thiên, bồ tát thảy đều vân tập, tay cầm cây đao vàng)

58. Thất bàn ra dạ.

(Đây là an tức hương)

59. Sa bà ha.

60. Na ra cẩn trì.

(Đây là bản thân của bồ tát Sơn Hải Huệ, tay cầm cây kiếm vàng)

61. Sa bà ha.

62. Ma ra na ra.

(Đây là bồ tát Bảo Ấn Vương, tay cầm cây búa vàng)

63. Sa bà ha.

64. Tất ra tăng a mục khư da.

(Đây là bản thân của bồ tát Dược Vương, chữa trị các bệnh)

65. Sa bà ha.

66. Sa bà ma ha a tất đà dạ.

(Đây là bản thân của bồ tát Dược Thượng, chữa trị các bệnh)

67. Sa bà ha.

68. Giả cát ra a tất đà dạ.

69. Sa bà ha.

70. Ba đà ma yết tất đà dạ.

71. Sa bà ha.

72. Na ra cẩn trì bàn già ra dạ.

73. Sa bà ha.

74. Ma bà lị thắng yết ra dạ.

75. Sa bà ha.

76. Nam mô hát ra đát na đá ra dạ da.

77. Nam mô a rị da.

78. Bà lô cát đế.

79. Thước bàn ra dạ.

80. Sa bà ha.

81. Án tất điện đô.

82. Mạn đá ra.

83. Bạt đà da.

84. Sa bà ha. [7]

Bồ tát Quán Thế Âm nói chú này xong thì đại địa chấn động đủ cả sáu cách, chư thiên mưa xuống hoa báu đầy dẫy, mười phương chư Phật thảy đều hoan hỷ. Thiên ma, ngoại đạo sợ hãi, lông tóc dựng đứng. Tất cả chúng hội đều được quả chứng, có vị đắc quả tu đà hoàn, có vị đắc quả tư đà hàm, có vị đắc quả a na hàm, có vị đắc quả a la hán, có vị chứng đắc địa thứ nhất, địa thứ hai, địa thứ ba, địa thứ tư, địa thứ năm, cho đến địa thứ mười. Vô lượng chúng sanh phát tâm bồ đề. (1 lạy)

(Niệm thầm:)

Đệ tử … cùng pháp giới chúng sanh, vô thỉ thường tạo tội chướng sâu nặng từ ba nghiệp và sáu căn, là do không gặp được chư Phật nên không biết lối ra, chỉ thuận theo sanh tử nên không biết lý mầu. Nay con biết được thì cũng đã cùng chúng sanh tạo ra không biết bao nhiêu tội chướng sâu nặng rồi. Con đối trước mười phương chư Phật, trước đại bồ tát Quán Thế Âm, khắp vì chúng sanh mà quy mạng sám hối, nguyện xin gia hộ khiến cho tội chướng được tiêu diệt cả.

(Quỳ xuống, xướng:)

Đệ tử chúng con khắp vì bốn ơn ba cõi và pháp giới chúng sanh, nguyện đoạn trừ cả ba thứ chướng ngại [8], nên quy mạng sám hối.

(Xướng xong, năm vóc sát đất, nhất tâm tưởng niệm:)

Đệ tử … cùng pháp giới chúng sanh, vô thỉ đến giờ, do ái và kiến [9] mà trong chấp nhân ngã, ngoài vì bạn xấu, nên không tùy hỷ ai cả, dầu là một điều thiện bằng tơ tóc, chỉ biết bùng dậy tội lỗi bằng cả ba nghiệp. Việc tuy không rộng mà ác ý bủa khắp. Ngày đêm liên tục, không có gián đoạn. Che giấu lỗi lầm, không muốn ai hay. Không sợ đường dữ, không hổ không thẹn. Bài bác cho rằng không có nhân quả. Vì vậy ngày nay, tin tưởng sâu xa nguyên lý nhân quả, phát sanh hổ thẹn hệ trọng, sợ hãi to lớn mà bộc bạch sám hối. Đoạn tâm liên tục mà phát tâm bồ đề. Đoạn ác tu thiện, siêng năng thúc giục cả thân miệng ý. Đổi bỏ tánh xấu nặng nề ngày xưa mà tùy hỷ với người phàm cũng như bậc thánh, dầu một điều thiện bằng tơ tóc mà thôi. Nghĩ nhớ chư Phật mười phương có phước tuệ to lớn, có thể cứu vớt con, đem con ra khỏi biển hai chết [10] mà đặt lên trên bờ ba đức [11]. Từ vô thỉ đến nay, con không biết các pháp bản tính vắng lặng, nên đã gây nhiều điều ác, nay biết được các pháp vắng lặng mà cầu bồ đề, muốn độ chúng sanh mà làm nhiều việc thiện, dứt hết điều ác, nguyện xin đức Quán Thế Âm từ bi nhiếp thọ.

(Tưởng niệm xong, quỳ xướng:)

Chí tâm sám hối: Đệ tử ... cùng pháp giới chúng sanh, hiện tiền một tâm, vẫn đủ ngàn pháp, đều có sức thần, cùng với trí sáng, trên đồng tâm chư Phật, dưới bằng tánh muôn loài. Do bởi u mê che ánh sáng kia, nên đối cảnh hôn mê, khởi lòng chấp nhiễm, nơi pháp tánh bình đẳng mà lại nhân ngã bỉ thử. Lại do ái kiến làm gốc, thân miệng làm duyên, trong nẻo luân hồi, gây nên đủ tội: mười ác, năm nghịch, khinh chê người khác, hủy báng chánh pháp, phá trai, phạm giới, phá tháp, hủy chùa, lấy cắp tài vật của tăng bốn phương, làm bẩn phạn hạnh thanh tịnh, xâm tổn tài vật, ẩm thực của thường trụ, thì dẫu cho có ngàn Phật xuất thế cũng khó sám hối. Những tội như thế, không lường không ngằn, khi bỏ báo thân, phải đọa ba đường ác, chịu vô lượng khổ sở. Lại trong đời này, phiền não thiêu đốt, tật bịnh vây quanh, duyên ngoài bức bách, chướng ngăn đạo pháp, khó nỗi tiến tu. May gặp thần chú Viên mãn đại bi, có thể mau trừ những tội như thế, cho nên nay con, hết lòng trì tụng. Con nguyện nương về bồ tát Quán Thế Âm, các đấng đạo sư trong mười phương, phát tâm bồ đề, tu hạnh chân ngôn, cùng với chúng sanh, tỏ bày các tội, cầu xin sám hối, nguyện đều tiêu trừ.

Nguyện đức đại bi Quán Thế Âm đại bồ tát nắm giữ con bằng ngàn tay, soi thấy con bằng ngàn mắt, làm cho con bặt hết duyên chướng trong ngoài, trở về vắng lặng, hạnh nguyện của con và người cùng được viên thành, mở ra bản tánh thấy biết, dẹp trừ ngoại ma, ba nghiệp siêng cần, tu nhân tịnh độ.

Xin nguyện cho con, khi bỏ thân này, không vào đường khác, quyết được sanh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà, đích thân cúng dường đức đại bi Quán Thế Âm, đủ các tổng trì, rộng độ quần sanh, đều thoát khổ luân, đều thành Phật đạo.

(Đứng lên, xướng:)

Đệ tử sám hối phát nguyện rồi, xin quy mạng đảnh lễ Tam Bảo. (1 lạy)

Nam mô Thập phương Phật.

Nam mô Thập phương Pháp.

Nam mô Thập phương Tăng.

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam mô A Di Đà Phật.

Nam mô Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ Phật.

Nam mô Quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đại đà la ni.

Nam mô Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm bồ tát.

Nam mô Đại Thế Chí bồ tát.

Nam mô Tổng Trì Vương bồ tát.

Tự quy y Phật

Xin nguyện chúng sanh

Thể theo đạo cả

Phát lòng vô thượng.

Tự quy y Pháp

Xin nguyện chúng sanh

Thấu rõ kinh tạng

Trí tuệ như biển.

Tự quy y Tăng

Xin nguyện chúng sanh

Quản lý đại chúng

Hết thảy không ngại.

Kính chào thánh chúng.

********

Tâm này vốn phi tâm, huyễn xuất ngàn tay mắt, cõi cõi dụng toàn chương, trần trần thể ứng hiện, quán hết thế gian âm, nhĩ căn thảy soi thấy. Cúi đầu đại bi đà la ni, tầm thanh cứu khổ không nghĩ bàn. Một tơ tóc còn không tha vật, lấp đầy hư không đó là anh. Ôi ! Khắp chuyển hàm linh lên bờ giác, ngàn sai muôn khác cùng dung hợp.

Lại nữa, từ nơi văn tự chẳng lập, cả khi danh tướng chưa sanh, thử nói cứu cánh gọi cái gì, chẳng phải suy lường tuyệt nói suy. Chân như là như thế, tự tại là ở đây. Lấy ra trong đó cái then máy, chẳng ngại việc tốt cả nhà hay.

Tịch Xiêm tôi thưở nhỏ có được đại bi tâm chú và xuất tượng, kính tụng đã lâu. Đến đầu năm Khang Hy, Ất mão, hợp khắc sám pháp. Nay là mùa đông Kỷ Mão, tôi tham duyệt mấy bản, gộp làm hành pháp, biên tập một lần nữa. Với những vị cùng chung chí nguyện, Tịch Xiêm tôi đến lễ bái, chào hỏi. Bạch miêu [12] tận cùng điều thiện, tự họa còn nơi giao phó, Đường ngôn chẳng phải, Phạn ngữ không sai, trú huyễn tùy hỷ chắp tay ngang trán, xưng niệm Quán Âm trì chú đại bi.

Chùa Tây thiên ở Mục sơn, sa môn Minh Bổn lễ bái, cảm ghi cuối quyển bài kệ:

Đại trí Quán Thế Âm

Đấng đủ đại bi tâm

Khéo thuyết đà la ni

Đại bi cứu tất cả

Con nay phát nguyện rộng

Trì tụng đà la ni

Vô ngại đại bi tâm

Ánh sáng từ đảnh xuất

Khắp soi con, cõi này

Và cả mười phương giới

Dưới cứu dáy phong luân

Trên đến trời hữu đảnh

Di lâu cùng thiết vi

Nước biển lớn, sông ngòi

Trong đây các chúng sanh

Được chiếu đều lợi ích

Rời khổ được giải thoát

Đều phát tâm bồ đề

Hết một báo thân này

Cùng sanh nước Cực lạc

Nguyện đại bi tâm này

Ánh sáng chiếu mười phương

Bao nhiêu hư không giới

Vi trần các cõi Phật

Quốc độ các Như lai

Đều sanh hoan hỷ lớn

Sức phương tiện, nguyện, trí

Thương xót gia hộ con

Ở nơi vô kiến đảnh

Khắp phóng đại bi quang

Từ cõi vi trần kia

Đều đến quán đảnh con

Diệt trừ tất cả tội

Thành tựu tất cả nguyện

Khiến con sớm đầy đủ

Vô ngại đại bi tâm

Như chư Phật Thế tôn

Rộng độ cho tất cả

Đức bổn sư Thích Ca

Thuyết kinh đại bi này

Con đối với kinh này

Quyết định tin, không nghi

Nguyện con ở vị lai

Thành tựu nhất thiết trí

Đem tâm đại bi này

Rộng lớn làm việc Phật

Cúng dường hằng sa Phật

Độ thoát các chúng sanh

Như bồ tát Quán Âm

Hay cứu khổ thế gian.

Cùng với bài kệ này, tỳ kheo Tự Như, ngày thường tụng chú, rộng phát nguyện văn để sáng sạch đạo pháp, mở lớn bi thệ bằng việc trì chương cú này, tụng theo thời khóa quên năm tháng. Mùa xuân năm Canh tuất, được quyển kinh này, phù hợp bổn nguyện và tâm ý phó chúc lưu thông của đại sĩ Quán Âm. Một hôm nâng kinh, thỉnh họa kệ trên, nhân đó mà thầy viết rằng:

Đại sĩ không thân hiện thân, ngàn tay ngàn mắt, không lời hiện lời, âm thanh chương cú. Nếu có thể ở bên ngoài hình tướng, ngôn ngữ mà tin nhận vâng làm thì chỉ có đức Quán Thế Âm.

Tôi cũng từ nơi đó mà tâm đắc.

Kiến An Tự Như.

Chú âm vang thấu khắp mọi nơi, như đại luân phong giữ đại địa. Nếu Phật, bồ tát cùng thiên tiên, nơi họng lưỡi nhả ra lửa sáng, diệt trừ nhiều kiếp nhân nghiệp chướng, cởi mở chúng sanh thanh tịnh trí, viên mãn vô ngại giải thoát môn. Sáng sạch đạo pháp, gốc ấy là chưa khởi một niệm. Sáng sạch đạo pháp, là có được chú bổn này, nên ghi rằng:

Chùa Tịnh Từ, đảo Đông Tự, tỳ kheo Đức Hải.

Cúi đầu Quán Âm đại bi tâm

Hiện ngàn tay mắt không nghĩ bàn

Tuyên thuyết bí mật đà la ni

Cứu độ chúng sanh chấn đại địa

Trời ngường bi ngưỡng, quỷ thần khâm

Ngoại đạo ma quân sanh sợ hãi

Thí như mặt trời đi hư không

Phóng ánh sáng lớn khắp rực rỡ

Đập nát tất cả núi chướng ngại

Mở ra tất cả trí kim cương

Khiến trừ chúng sanh tâm nhiệt não

Ăn được vị cam lộ mát mẻ

Sáng sạch đạo pháp ngày thọ trì

Bày ra vô lượng thệ đại bi

Hoàn toàn quyết định tín, không nghi

Thành tựu tuệ thanh tịnh chư Phật.

Trụ trì chùa Kính Sơn, tỳ kheo Hy Lăng nói bài kệ ca ngợi rằng:

Đức Chánh Pháp Minh, bậc Quán Tự Tại đã thuyết thần chú, gọi là đại bi cứu giúp chúng sanh rời biển khổ, kéo dài cõi phúc (diên hựu) mà vẫn chưa vào mùa thu.

Chùa Tịnh Nhân, thượng nhân Nguyên Minh được mời tán thán, viết rằng:

Dũng đông can phù, tỳ kheo Phổ Dung

Không tiếng, không chữ, một bài chú

Gọi là Vô ngại đại bi tâm

Mở bày các phương người mắt sáng

Chớ đem lá vàng làm hoàng kim.

Chùa Diên Hựu, đầu mùa hạ năm Canh thân, viện Liên Hoa, sa môn Nghị Nhuận viết ở sám thất nơi Giang thành:

Một niệm đại bi tâm

Mười giới đều viên mãn

Vốn không tất cả tướng

Làm tất cả biện tài

Huyễn ứng không suy lường

Mạnh làm ngàn tay mắt

Khắp ngăn tất cả ác

Tổng trì tất cả thiện

Nước dơ trăng tự mất

Nước trong trăng tự hiện

Hiểu đặc tánh pháp giới

Xúc cảnh liền linh nghiệm

Minh sư đủ mắt này

Trời tối phát ánh sáng

Sâu chắc thể đại bi

Có được rời các kiến

Nơi ngày sáng trời trong

Có dòng chảy xoay vần

Cúi đầu đấng đại bi

Thường hưng phương tiện lớn.

Thiên trúc, quan chín phẩm, Đường Viên Chiếu kính lạy viết:

Kính lạy đầy đủ đại bi tâm

Lợi sanh thân hiện ngàn tay mắt

Một thân lại hiện sát trần thân

Diệu trí thần thông rộng phô diễn

Cứu giúp khắp cả về vô vi

Ban đầu tăng ấy huân muôn thiện

Mặt trời chiếu sáng mùa tươi tốt

Trái đất xuân về vật sinh sôi

Thể hội chân như, giữ pháp sáng

Mật ngữ, kỳ hình chẳng phân biện

Ở trong một câu hiểu tự trì

Chánh Pháp Minh Vương trong tối rõ.

Minh đạo nhân ghi.

Sau khi cung kính thư họa hình tượng của đà la ni đại bi tâm. Pháp sư Sơ Tấn lúc đó 20 tuổi, đã tụng trì đại bi tâm đà la ni.

Đại sư Văn Cốc ghi: Trần lao tội nghiệp, trí ngu không khỏi, giàu nghèo cùng chịu. Con trong ngày đêm, tụng đủ năm biến, các thiện đua nhóm, muôn ác tranh diệt. Không thể nói, không thể nói. Đến nay 50 tuổi, mỗi ngày thì thầm mà một niệm không động.

Tới ngày khó khăn của mẹ [13], pháp sư Thương Tuyết nói: Mang đây thúc giục thấy nghe, quỳ xuống mở ra ngắm thưởng, sao chép bạch miêu, giấy mực như mới. Bỗn dưng đại địa chấn động, trời mưa hoa báu, buồn vui góp mặt.

Nhân đó pháp sư Sơ Tấn cúi đầu ghi:

Đấng đại bi Quán Âm

Xưa nay không thân

Hiện ra ngàn tay ngàn mắt

Xưa nay không chữ

Nói ra chương cú thần diệu

Lại có đời nào người nào

Huyễn xuất bốn mươi chín thân tướng hảo [14] .

Quốc sư Tỉ Trung Phong ở trong bảy thân đời quá khứ đều để lại kệ liên hệ ở câu cuối: Quả là tràng ánh sáng, ấn là tạng thần thông. Pháp sư Yểm Quyển một hôm cười nói: Thỉnh cầu bên ngoài hình tướng ngữ ngôn.

Tấn tôi ẩn tu quen rồi, thường thọ trì kinh Phật, lại mười năm qua, trắng đen tìm nhau, sự tùy hỷ như mây, do hiểu ra nên nói: Ngài Kiến An Tự Như ca ngợi “sáng sạch đạo pháp bằng khóa tụng quên năm tháng”, đó là thích hợp cái ý phó chúc lưu thông của đại sĩ Quán Thế Âm.

Nhân đây khắc in, lưu thông tám phương; ngước lên cám ơn lão nhân Thương Tuyết, mang tặng chí tình. Bấy giờ ngài 62 tuổi. Tấn tôi xin kết bạn.

Quảng Minh (dịch)

03.03.2011 (29.01.Tân Mão)


CHÚ THÍCH

[1] Tôn giả Tứ Minh (960-1028): Cao tăng Trung quốc, thuộc tông Thiên Thai, sống vào đời Tống, tức pháp sư Tri Lễ. Vì sư trụ trì ở núi Tứ Minh, hoằng dương giáo nghĩa Thiên Thai, là nhân vật trung tâm của phái Gia Sơn thuộc tông Thiên Thai nên người đời gọi sư là Tứ Minh Tri Lễ hoặc tôn xưng là Tứ Minh tôn giả. Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm chú hành pháp nằm trong Tục tạng kinh, số 1480. Nghi quỹ sám pháp này được tôn giả soạn tập, căn cứ vào Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh (ĐTK 1060), do ngài Già Phạm Đạt Ma dịch và phần chú đại bi thì lấy từ Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Đại Bi Tâm Đà La Ni (ĐTK 1064), do ngài Bất Không dịch, nhưng thêm 5 âm Na ma bà tát đa (那摩婆萨多) ở câu 16.

[2] Luật sư Độc Thể (1601-1679): Ngài là vị tổ thứ hai của phái Thiên Hoa luật tông cuối đời Minh, người Điền nam, họ Hứa, tự là Thiệu Như, sau đổi là Kiến Nguyệt. Thuở nhỏ giỏi hội họa, nhất là vẽ tượng Quán Âm đại Sĩ. Năm 14 tuổi cha mẹ qua đời, bác nuôi dưỡng ăn học. Chợt một hôm nhận ra cảnh vô thường trong cuộc sống, ngài bỏ nhà đi làm đạo sĩ Lão giáo, rồi sau đó đến học kinh Hoa Nghiêm với vị lão tăng tên là Xích Nham ở Kiến Xuyên. Đọc phẩm Thế chúa diệu nghiêm, ngài bổng tĩnh ngộ bèn xuất gia với Lượng Như pháp sư, ở núi Hồng Bảo. Thọ giới cụ túc với Tam Muội Tịch Quang luật sư và trở thành bậc thượng toạ, thay thế thầy giảng kinh Phạm Võng. Đọc qua luật Tứ Phần, chỗ nào bế tắc thì hướng về Phật cầu nghĩa, tịnh tọa một lát thì thông suốt. Ngài 8 lần chủ tọa đạo tràng, hơn 70 lần khai giới đàn. Lúc sắp nhập tịch, Tịch Quang phó chúc tử y và các bộ giới bản, ngài được nối pháp Tịch Quang. Từ đó về sau ngài cứ y luật mà tổ chức giới đàn kiết hạ an cư hết sức nghiêm túc và gây được giá trị cảm xúc lợi lạc lớn. Ngài là tác giả bộ Tỳ ni nhật dụng thiết yếu.

[3] Sa môn Gia Hòa Tịch Xiêm: Cao tăng đời nhà Thanh. Năm Khang Hy thứ 60 (1795), ngài Tịch Xiêm đứng ra coi khắc bản in Đại bi sám pháp. Đến năm Gia Khánh thứ 24 (1819), ngài duyệt lại bản in, biên tập lại một lần nữa. Hiện tại bản Đại bi sám pháp được ghi trong Tục tạng kinh là bản của ngài Tịch Xiêm biên tập. Bản Đại bi sám pháp do Phật giáo Hương Cảng phát hành thì đã có thêm một ít phần, và hòa thượng Thích Thiền Tâm có lẽ dựa vào bản này mà lược soạn Đại bi sám pháp.

[4] Bản Đại bi sám pháp của Phật giáo Hương Cảng phát hành có thêm:

Một lòng kính lạy đại bồ tát Di Lặc, đại bồ tát Phổ Hiền, đại bồ tát Văn Thù Sư Lợi. (1 lạy)

Một lòng kính lạy mười phương ba đời tất cả bồ tát. (1 lạy)

Một lòng kính lạy tôn giả Ma ha Ca Diếp, vô lượng vô số đại thanh văn tăng. (1 lạy)

Một lòng kính lạy vị xiển dương Thiên Thai giáo quán tông là tôn giả Tứ Minh, đại sư Pháp Trí. (1 lạy)

Một lòng đại vì Thiện Tra Phạm Ma, thiên tử Cù Bà Già, bốn vương hộ thế, tám bộ trời rồng, thiên nữ Đồng Mục, thần hư không, thần sông biển, thần nguồn suối, thần sông hồ, thần cỏ thuốc, thần cây rừng, thần nhà cửa, thần nước, thần lửa, thần gió, thần đất, thần núi, thần đá, thần cung điện đều thủ hộ người trì chú, tất cả trời rồng, quỷ thần và các quyến thuộc, xin thay thế mà đảnh lễ Tam Bảo. (1 lạy)

[5] Nghi thức trì tụng chú đại bi giản lược, trước nhất là xướng “đại bi khải thỉnh”, như sau:

Kính bạch vầng trăng Quán Tự Tại

Quảng đại viên mãn thân tử kim

Ngàn tay thường hiện nơi thế gian

Ngàn mắt ánh sáng thường soi chiếu

Một ngàn hai trăm chân ngôn ấn

Làm đầy chúng sanh những nguyện cầu

Mặt lặng yên, ba mắt trang nghiêm

Đảnh đội Di Đà, cầm bảo khí

Khen nói chân ngôn, pháp vi diệu

Thọ trì sẽ chứng bồ đề Phật

Biện tài vô ngại hóa trời người

Trong chúng bồ tát làm thượng thủ

Tạm nghe trừ diệt trần sa nghiệp

Tụng niệm thêm lớn nhân thành Phật

Đại bi nguyện lực không thể nghĩ

Cho nên nay con niệm, tán thán.

Sau đó, phát nguyện theo đại sĩ Quán Thế Âm ở trên, niệm hồng danh Quán Thế Âm bồ tát và A Di Đà Phật, tụng chú đại bi, cuối cùng là hồi hướng công đức.

[6] Năm âm này, rõ ràng là được thêm vào, vì toàn bộ chú đại bi ở đây là trích từ chú đại bi của kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Đại Bi Tâm Đà La Ni (ĐTK số 1064), không có 5 âm này. Phần kinh văn thì trích trong Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh (ĐTK số 1060).

[7] Tụng 5 biến, như kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni ghi: “Nếu chúng sanh nào, trong một ngày đêm tụng năm biến chú, sẽ diệt trừ được tội nặng trong ngàn muôn ức kiếp sanh tử.”

[8] Phiền não, vọng nghiệp, khổ báo (hoặc, nghiệp, khổ).

[9] Ái là lầm sự, như tham lam, sân hận … Kiến là lầm lý, như ngã kiến, tà kiến …

[10] Biển hai chết: sanh tử phân đoạn và sanh tử biến dịch.

[11] Ba đức: pháp thân đức, bát nhã đức và giải thoát đức.

[12] Bạch miêu: trường phái hội họa Trung Quốc dùng bút vẽ cặp đôi để khắc họa chân dung thành nhiều đường nét chứ không lấy màu làm chỗ dựa. Đầu tiên là vẽ phác bằng những nét đơn giản, rõ ràng, sau đó thêm vào những nét chải chuốt, tô điểm làm cho tác phẩm sống động.

[13] Mẫu nan nhật: ngày khó khăn của mẹ, tức ngày sinh nhật của mình, là ngày mà người mẹ phải trải qua thập tử nhất sanh.

[14] Đại Bi xuất tướng đồ là bộ tranh vẽ hiện tướng của Đức Quán Thế Âm trong từng mỗi câu chú. Tổng cộng có 88 bức đồ họa, trong đó có 84 bức minh họa tướng thị hiện của Đức Quán Thế Âm (tương ứng với 84 câu chú Đại bi), 4 bức còn lại là hiện thân Bồ tát trong hình thể Kim Cang, Viên mãn tướng và Thiên thủ Quan âm. Tuy nhiên, nếu xét theo thời gian, thì từ thời nhà Nguyên đến nay lưu hành không phải chỉ có một loại 88 bức họa. Kinh Đại bi tâm đà la ni, bản in thời nhà Minh, có 50 tôn tượng; thời nhà Thanh, vua Khang Hy, Đại bi sám pháp được biên tập lại và bổ sung hình tượng khi in ấn, có 52 đồ tượng; thời nhà Thanh, pháp sư Sơ Tấn ghi “huyễn xuất tứ thập cửu tướng hảo thân”; Chiết Giang, núi Phổ Đà, tàng trữ cổ bản Đại bi xuất tướng lại có 88 tôn tượng. Ngoài ra còn có bản Minh nhân thiên thủ thiên nhãn đại từ tâm đà la ni kinh, tàng trữ ở cung vua (hiện nay được sao chụp, in ấn và phát hành) dung hợp tất cả khác biệt của các bản kia. Duyên khởi của đại bi xuất tướng đồ là từ ngài Bất Không, người dịch bản kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Đại Bi Tâm Đà La Ni (ĐTK số 1064). Trong kinh ấy, ngài Bất Không có ghi chú (không hoàn toàn) từng câu của chú đại bi, trong đó nêu ra 48 tôn tượng. Từ đó có ra các bản Đại bi xuất tướng, ít nhất là 52 tôn tượng và nhiều nhất là 88 tôn tượng. Đại bi sám pháp, phần chú đại bi thì dựa vào bản của ngài Bất Không dịch, nhưng có thêm 5 âm Na ma bà tát đa ở câu 16.

Nguồn: TVHQ


Âm lịch

Ảnh đẹp