14/05/2013 21:57 (GMT+7)
Số lượt xem: 115579
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi. Trong một buổi lễ Khánh tuế, Ni Sư phó Viện chủ do có biết về tôi, nên chỉ định tôi đại diện cho một nhóm Phật tử (trong nhiều nhóm Phật tử) nói lời tác bạch khi hành lễ.


Thật bất ngờ khi biết tôi không có áo tràng, Cô đã mượn cho tôi và đó là lần đầu tiên trong đời tôi được mặc chiếc áo màu lam, thật xúc động, kễ từ đấy như một huyền năng màu lam của chiếc áo tràng luôn là hình ảnh đẹp khắc ghi trong tôi. 

Một lần đứa cháu hỏi tôi “Chú ơi, ở trong Chùa con thấy có mấy cô chú đó mặc áo ngộ quá há, đạo gì vậy chú”. Vâng cháu nó hỏi một cách vô tư bởi cháu chỉ biết rằng người đạo Phật thì mặc chiếc áo tràng màu lam giống như gia đình cháu. Từ đó tôi bắt đầu tìm hiểu với những băn khoăn. Một lần trong khi chờ đảnh lễ Đại lão Hòa thượng tại Long Thành Đồng Nai, tôi có hỏi Thầy phó và Thầy đã nói : đã tu thì hình thức bên ngoài phải đơn giản, càng đơn giản càng tốt (nói về những chiết những chiếc áo) lòng phải an, tâm phải bình, người ta còn làm cho xấu đi, nên mới màu gọi là màu hoại sắc, màu xám lam là những màu xấu , chứ làm cho mình đẹp quá chắc khó tu.

Tôi hiểu, nhưng không biết diễn tả thế nào là màu hoại sắc cho đúng với bản màu, và như thế chắc chắn không thể tìm mua được ngoài thị trường. Để có được màu ấy phải tự nhuộm nhuộm bằng 6 loại thuốc nhuộm mà đức Phật cho phép (phần luật, tập 5) thuốc nhuộm được làm bằng từ vỏ cây đà-bà, vỏ cây bà-trà, kiền-đà-la, tất bát, a-ma-lặc, hoặc dùng gốc cây, hay cỏ thiến để nhuộm. Nếu y đã bị bay màu thì nên nhuộm lại, hoặc nhúng bùn, dù y được nhuộm bằng loại thuốc nhuộm làm từ chất liệu gì trong sáu loại này thì màu sắc của y thường không phải màu sáng. Y phục được xem là một trong bốn vật dụng thiết yếu vì y phục giúp che kín thân thể, giúp cơ thể tránh khỏi sự xâm hại của thời tiết, khí hậu và côn trùng, chứ không phải vì một mục đích nào khác. Nói cách khác, người xuất gia cũng như người tại gia không thể xem y áo làm thước đo cho một giá trị nào đó .

Chiếc áo tràng màu lam từ lâu đời nay, người cư sĩ đạo Phật đã dùng là lễ phục khi lễ Phật, chiếc áo ấy đã gắn liền với người Phật tử Việt Nam, chiếc áo ấy không làm nên phẩm hạnh của người mặc nó, đó chỉ là một minh chứng ta là người Phật tử, nhắc ta phải chuyên tâm tu tập. Chiếc áo ấy cũng có thể chỉ là một hình thức nhưng lạ thay khi mặc vào nó giúp ta dù tâm đang động, lòng đang sân mỗi khi mặc vào chiếc áo màu lam tự khắc mọi việc sẽ trở nên an bình, lòng người thanh thản lạ thường chế ngự những phiền não, tham, sân giận trong cuộc sống đời thường. Khi đã mặc vào chiếc áo lam, cùng hướng về ngôi Tam Bảo thì không còn có sự phân biệt giàu nghèo, người sang, kẻ hèn, phẩm bậc , chức quyền, trình độ, nghề nghiệp trong xã hội.

Người tu tập trước nâng đỡ, dẫn dắt người đi sau để tất cả cùng nhau hướng về Phật pháp, cùng nhau tu tâm dưỡng tánh, chuyển mê khai ngộ, cùng nhau tu tập để cùng nhau khởi phát tâm bồ đề mà Đức Phật đã dạy . 

Thời gian gần đây, một số nơi đã xuất hiện những chiếc áo tràng màu lam dưới dạng cách tân, phối thêm màu, tạo họa tiết, dải băng màu cách điệu choàng qua cổ …, được biết có nơi đã thuê người thiết kế riêng, người khởi xướng thường phát tâm hỗ trợ hoặc tài trợ chiếc áo ấy cho cả đạo tràng và cho cả Thầy của mình, và chất liệu, màu vải cũng là điều được chú trọng, nhằm tạo nên hình thức chung của chiếc áo lễ phục thông thường của người cư sĩ trở thành bộ lễ phục đẹp, ấn tượng và không trùng lắp với nơi khác.

Thật tình thì những chiếc áo ấy khá đẹp, tạo ấn tượng và thu hút sự chú ý .

Thực chất ý tưởng nầy không ngoài ý tốt theo nhận định của người sáng tạo, cho đây cũng là chuyện Phật sự ? để tạo phước báu. Muốn tôn vinh đạo tràng, nhìn qua chiếc áo sẽ biết là đạo tràng nào, thuộc Chùa nào, đệ tử của Thầy nào, chỉ cần nhìn qua chiếc áo, hình thêu trên cổ áo là có thể biết công phu tu tập của mỗi người.

Có cung thì ắt hẳn có cầu, những nơi sản xuất kinh doanh cũng đã nhanh chóng nắm bắt trào lưu ấy và sự cách tân nầy đã không ngừng cải tiến thêm …

Trong dịp xuân vừa rồi, trong một đàn tràng còn thấy có những vị cư sĩ ngoài áo tràng màu lam còn đắp y màu nâu (giống như chư Tăng Ni đắp y vàng khi hành lễ, và ai có đắp y mới được ngồi từng nhóm tu học cùng Chư Tăng) và thật phản cảm hơn bởi những cư sĩ với chiếc áo như Đại lễ phục ấy lại lộ rõ móng tay sơn đủ màu, phấn son tô điểm trên mặt , nữ trang đầy ấp trên hai bàn tay.

Tôi cảm nhận hình như đây cũng là sự cách tân mới và thiển nghĩ không biết các vị ấy có đủ công đức tu tập, đủ hạnh phát nguyện chưa mà dám đắp y dù là màu nâu .

Chiếc áo tràng màu lam mà những cư sĩ như chúng ta vẫn mặc đã gắn liền với lịch sử lâu đời qua các thời kỳ của Phật giáo Việt Nam, đó chỉ là một vật hình tướng bên ngoài mộc mạc, giản đơn nhưng thanh khiết, và mỗi khi mặc vào ta cảm thấy lòng mình thanh thản lạ thường và nhắc ta đang là người Phật tử.

Nếu như ai đó có những ý tưởng lai tạo cách tân nhằm thể hiện, tôn vinh không đúng lối, vô tình tạo nên sự cục bộ, phân biệt, và điều ấy có thể còn tác hại hơn, dẫn đến sự chia rẽ trong nội bộ Phật giáo, ấy là những người tâm trí luôn vọng động, tu không thường, chưa an nhiên tu học. 

Quy y Tam Bảo là bước vào ngôi nhà Phật pháp, là tạo nền móng tòa tháp giác ngộ cho chính mình, muốn tòa tháp vững chắc, cần phải có nền móng kiên cố. muốn đi lên đến đỉnh tháp, thì những bậc thang đầu tiên phải bước cho vững, cho đúng. Nếu chỉ đi mà không trụ vững thì những bước sau càng đi càng loạng choạng, có thể ngã bất cứ lúc nào. 

Đã bước đến cửa Thiền, dù to hay nhỏ, chính là bước vào mái ấm che chở, ấp ủ, nuôi dưỡng đời sống tâm linh, nơi an trú của tâm hồn đó là niềm an vui để xoa dịu những nỗi đau trĩu nặng đè nén tâm hồn, vì vậy phải rũ bỏ hết những ý niệm, câu chuyện, sở thích đời thường trước khi bước vào ngôi nhà Phật pháp.

Đã phát nguyện thọ ngũ giới, để nương nhờ hồng ân Tam Bảo khai tâm, dẫn dắt chúng ta thoát khỏi bến mê, cùng hướng về bờ Giác. Đã là một Phật tử chắc hẳn không ai là không thấm nhuần giáo lý ấy, đã là một cư sĩ chúng ta phải an trú, thân tâm thanh tịnh, dốc tâm tu tập, phải biết chế ngự bản thể để giử giới cho chính mình và cho người đồng tu, đó là những nấc thang cơ bản đầu tiên, là nền móng cho tòa nhà giác ngộ.

Tam Bảo bên ngoài là đối tượng, Tam Bảo tự tâm là bản chất. Nương nhờ Tam bảo bên ngoài, chúng ta phát triển Tam Bảo của tự tâm. Trong ngoài hỗ tương để viên mãn công phu tu hành, là mục tiêu chính yếu của Đạo Phật. Có Tam Bảo bên ngoài, nhưng người Phật tử không cố gắng đánh thức Tam Bảo của tự tâm của chính mình, thì Tam Bảo bên ngoài cũng thành vô nghĩa.

Để có được giác ngộ giải thoát chính là khả năng của Tam Bảo tự tâm. Nếu chỉ biết có Tam Bảo bên ngoài là chấp sự bỏ lý, nhưng nếu tin vào Tam Bảo của tự tâm không cần biết đến Tam Bảo bên ngoài, là chấp lý bỏ sự. Sự thuần thành trong mỗi Phật tử không đồng đều nhau nhưng là người Phật tử chân chánh ta phải biết tránh “cống cao ngã mạn” phải biết “khiêm hạ, khiêm cung” phải viên dung sự lý mới khỏi trở ngại trên bước đường tu chân chính của mình.

Trước đây do công việc, riêng Trung Quốc, Taiwan, hai nơi nầy tôi đã đến nhiều lần, từ nam chí bắc, cũng có dịp đến nhiều Chùa và lễ Phật, tôi chưa bao giờ thấy chiếc áo tràng dành cho Phật tử giống như chiếc áo tràng cách tân, cách điệu mà Phật tử một số nơi đang dùng, nhưng tôi đã có thấy hình ảnh chiếc áo tương tự như thế trên phim ảnh.

Theo được biết tại Taiwan hay Trung Quốc pháp phục dành cho Tăng, Ni và cư sĩ không khác gì so với chúng ta, vẫn gần như một kiểu mẫu, vẫn là ba màu vàng, nâu, xám (tuy nhiên ba màu ấy không đơn thuần mà có sự pha lẫn khó mà diễn tả đúng bằng lời, có thể tạm hình tượng rằng là màu vàng cỏ úa, màu vàng lam, màu nâu đen, màu nâu vàng, màu đen nâu, màu xám môn) .

Trong thường nhật, thường được dùng là chiếc áo cài cút ở giữa phía trước nhưng là cổ tròn đứng, thấp (xứ lạnh) và trên chiếc áo dù màu nào cũng không có điểm trang thêm gì khác.

Tôi nói lên điều nầy hoàn toàn không có ý so sánh, không dám nhận định hay phê phán, bởi góc nhìn của tôi có thể vẫn còn phiến diện, điều tôi nói có thể chưa hoàn toàn đúng nhưng đó là những gì tôi có thấy. 

Mỗi người đều có quyền sáng tạo, thưởng lãm cũng như hãnh diện về những gì mình có và không ai cấm điều đó. Có một câu chuyện thật, mấy năm trước, tại một trường tiểu học thuộc quận 6, một vị mạnh thường quân đã tài trợ tặng toàn bộ số tập trường cần để làm phần thưởng cho học sinh và tặng học sinh nghèo. Trên bìa tập là ảnh của cháu bé đang học ở trường với dòng chữ “cháu… là con của giám đốc…” phía bìa sau là ảnh của giám đốc và Cty.

Nhà trường khi nhận tập về thì bị sốc, phía phụ huynh học sinh thì xem như câu chuyện “những người thích đùa”. Phía người tài trợ thì nghĩ đang giúp cho trường như đang làm từ thiện.

Mặc cho người lớn nghĩ gì với các em có tập là sướng rồi và chỉ quan tâm giấy tập viết có êm không, có bị lem mực hay không. Chiếc áo tràng có lẽ cũng vậy, đối với người Phật tử chân chính nó không phải là vật để chứng minh, thể hiện, quan trọng là ta tu như thế nào,  

Trong đời thường ăn mặc, trang điểm như thế nào là quyền của cá nhân kể cả dù cho thiên hạ lời ra tiếng vào, miễn thấy đẹp là được .Nhưng ở đây, chiếc áo tràng là chuyện đạo giáo và đường nhiên là có pháp quy, không thể tùy tiện thích như thế nào thì làm thế đó.  Cần nhận thức đúng đắn, nghiêm túc về điều nầy. Đồng thời cũng phải hiểu rằng tùy theo từng quốc gia, ảnh hưởng bởi văn hóa, khí hậu …của từng vùng lãnh thổ đó mà Pháp phục có những khác biệt nhau.

Những Chiếc áo đã là pháp phục (bao gồm dành cho chúng xuất gia và chúng tại gia) mà giáo hội Phật giáo VN đã định rõ, việc tự phát cách tân trong thời gian gần đây của một bộ phận Phật tử mặc dù mang ý tốt cục bộ nhưng đã đi ngược lại cái chung, vô tình tạo nên sự phân biệt, chia rẽ, trái với ánh sáng của Như Lai.

Không nên mang cái của người về thành cái của ta vì dù đang tu tập theo Pháp môn nào, Tông phái nào thì cũng là đạo Phật, Phật giáo Việt Nam và đều tôn thờ, hành trì theo giáo pháp Đức giáo chủ Bổn sư Thích ca Mâu ni. 

Hiện đã có những nơi nghiêm khắc nhắc nhở, yêu cầu thay đổi, trước khi vào Chùa nếu mặc chiếc áo tràng không đúng pháp phục của Phật giáo Việt Nam.

Những gì nêu lên đây có thể chưa được thấu đáo, thậm chí có thể bị cho là bảo thủ, thiếu hiểu biết nhưng trong đạo giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, nếu ai làm gì cũng được, tự do cải cách, tự do cải biên, để tạo điểm nhấn, dấu ấn riêng thì thử hỏi một lúc nào đó nền văn hóa Phật giáo có còn được duy trì hay không, sẽ bị biến tướng đến mức nào, trong nội bộ Phật tử có còn đoàn kết thống nhất cùng chung mái nhà đạo pháp Phật .


Âm lịch

Ảnh đẹp