13/09/2011 19:01 (GMT+7)
Số lượt xem: 219600
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Từ bi không có động cơ, đơn giản bởi vì khi con người có thì cho, không phải vì người khác cầu xin, không phải bất kỳ một lý do nào. Từ bi là tự phát, tự nhiên, như việc thở. Lòng tốt là một loại tinh ranh; nó là tính toán, nó là số học.

1

 Bồ tát là một từ vựng đầy chất thơ, vô cùng đẹp đẽ. Một bậc thầy đã Chứng ngộ, và bay lên cõi Thiên đường. Thiên đường rộn tiếng chim ca, đàn sáo du dương, hương thơm ngào ngạt, không gian tràn đầy Phúc lạc, các đức Phật hoan hỷ đứng bên cổng, chờ đón người đã Chứng ngộ. Bậc thầy chứng ngộ cúi chào các Đức Phật, và xin phép không bước vào cổng Thiên đường. Không bước vào cổng Thiên đường, nguyện làm Bồ Tát, nguyện ở lại để giúp đỡ chúng sinh, nguyện là người sau cùng bước vào cổng Thiên đường, khi các chúng sinh đã vào hết. Đẹp và tràn đầy tính Thi ca.

 

Trong các vị Bồ tát, Bồ tát Quán thế âm là biểu hiện của Từ bi. Bồ tát Quán thế âm không có nam nữ, Ngài là biểu trưng cho đức Từ bi, là tình thương yêu bao la không bờ bến. Hình tướng của Ngài là hình tướng của Mẹ hiền, tay trái cầm cái bình, tay phải cầm cành liễu. Bình này gọi là bình Thanh Tịnh, chứa nước Cam lồ. Kinh Phổ Môn có câu: "Nam mô Thanh tịnh bình Thuỳ dương liễu Quán âm Như lai Cam lồ Sái nguyện tâm". Sái nguyện tâm là nguyện rưới nước cam lồ cho mọi người được mát mẻ, cho mọi chúng sinh an bình hạnh phúc. Bình thanh tịnh tượng trưng cho người giới đức thanh cao trong sạch, nước Cam lồ tượng trưng cho lòng Từ bi. Muốn thực hiện được hạnh từ bi điều quan trọng là phải giữ giới. Giữ giới trong sạch, thì có Bình thanh tịnh, để chứa nước Cam lồ. Cam lồ: cam là ngọt, lồ (lộ) là sương, ban đêm sương đọng thành nước vừa thuần khiết, vừa tinh khôi, vừa trong sạch, vừa mát mẻ, vừa ngọt ngào. Thuần khiết, Tinh khôi, Trong sạch, Mát mẻ, Ngọt ngào là thuộc tính của Từ bi. Cành dương liễu tượng trưng cho đức nhẫn. Từ bi mà không nhẫn, làm sao mà trọn vẹn từ bi. Cành dương liễu cũng thật đẹp: mềm mại mà tha thướt; nhưng thật là dẻo dai bền bỉ; yếu mềm mà không gãy. Dùng Cành dương liễu, Bồ tát Quán thế âm tưới nước Cam lồ phủ khắp Nhân gian. Hạnh từ bi cũng là một hành vi đẹp đẽ vô cùng. Không đẹp, không đầy chất thi ca không phải hạnh Từ bi.

 

2

 

Trong một đám cháy nhà, có rất nhiều người nhốn nháo, người kêu ngóc than vãn, người lao vào cứu giúp, đám đông hiếu kỳ tụ tập theo dõi, người vô cảm dửng dưng bước qua,... Có rất nhiều hạng người. Người có lòng tốt, vào trong đám cháy, để tìm kiếm cứu giúp những người gặp nạn. Nhưng họ phải cảnh giác với ngọn lửa, vì lửa đang phát lên rất lớn, có thể làm thiệt mạng. Họ phải cảnh giác, phải nhìn trước ngó sau, phải cân nhắc. Phải cân nhắc để đảm bảo an toàn cho mình và có thể cứu được người. Người Tình cảm họ kêu gào, khóc thương cho những người đang gặp nạn. Họ kể lể về những đức tính tốt, về hoàn cảnh của người gặp nạn. Họ rất thương cảm những người đang gặp nạn. Người đang yêu, lao mình qua ngọn lửa, bất chấp hiểm nguy. Miệng họ không ngớt gọi tên người yêu của mình trong đám cháy. Tâm nguyện của họ phải cứu người yêu, phải cứu người yêu. Người Từ bi, cũng lao mình qua ngọn lửa, bất chấp hiểm nguy. Họ lao vào trong đám cháy vì biết rằng có rất nhiều người đang cần cứu giúp, dù không có ai thân quen. Nhưng họ tỉnh táo. Họ nhanh chóng nắm bắt được tình hình, nhanh chóng lên được phương án, nhanh chóng chiếm thế chủ động, để cứu giúp mọi người.

 

Đó chính là sự khác biệt giữa người Từ bi với người có lòng tốt, với người đang yêu và với người tình cảm.

 

3

 

Lòng tốt là thái độ do bản ngã chèo kéo, nó làm mạnh bản ngã của con người. Trong tác phẩm Không gia đình, của Hector Malot, Rêmi, cậu bé con một gia đình giàu có, bị ông chú ruột ném ra đường, sống trong nghèo khó, cơ cực. Cậu đi theo một đoàn xiếc chó, khỉ; rồi dẫn đầu đoàn ấy đi lưu lạc khắp nước Pháp, sau đó bị tù ở Anh. Rêmi ấy đã lớn lên trong gian khổ. Cậu đã chung đụng với đủ mọi hạng người, sống khắp mọi nơi, những nơi bần cùng của xã hội. Cậu đã lao động mà sống, lúc đầu dưới quyền điều khiển của một ông già từng trải và đạo đức, cụ Vitali, về sau thì tự lập và không những lo cho mình, còn bảo đảm việc biểu diễn và sinh sống cho cả một gánh hát rong. Đã có khi cậu và cả đoàn lang thang suốt mấy ngày không có chút gì trong bụng. Đã có khi cậu bị lụt ngầm chôn trong giếng mỏ mười mấy ngày đêm. Đã có khi cậu mắc oan, bị giải ra trước toà án và bị ở tù. Và cũng có khi cậu được nuôi nấng đàng hoàng, no ấm. Nhưng dù ở đâu, trong cảnh ngộ nào, cậu vẩn noi theo nếp rèn dạy của ông già Vitali giữ phẩm chất làm người, nghĩa là ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, thương người, ham lao động, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, gian giảo, coi trọng nghĩa tình, luôn luôn muốn làm người có ích  Nhưng cuối cùng Tình yêu cuộc sống đã chiến thắng, Rêmi chở về với cuộc sống vốn có của mình, tìm thấy mẹ và em trai, thành công trong sự nghiệp. Người chú ruột thất bại trong âm mưu chiếm đoạt tài sản, thất bại trong cuộc sống, trở nên nghèo khó. Rêmi không trả thù như mọi người suy nghĩ tới, lòng tốt chiến thắng, cậu bé đã giúp đỡ tiền bạc cho người chú xấu xa của mình.

 

Thực sự, ẩn sau lòng tốt đó, có xúc phạm sâu sắc, làm bẽ mặt người chú và chắc chắn Rêmi có cảm thấy sung sướng trong cái bẽ mặt đó. Đó là lí do tại sao lòng tốt không bao giờ có thể được tha thứ. Lòng tốt nhiều khi tiềm ẩn sự giận dỗi, thậm trí tiềm ẩn cả âm mưu trả thù, chỉ vì cảm giác bị hàm ơn. Đó là vì lòng tốt trên bề mặt dường như là từ bi, nhưng ở chiều sâu nó chẳng liên quan gì tới từ bi cả. Nó có động cơ kín đáo.

 

Từ bi không có động cơ, đơn giản bởi vì khi con người có thì cho, không phải vì người khác cầu xin, không phải bất kỳ một lý do nào. Từ bi là tự phát, tự nhiên, như việc thở. Lòng tốt là một loại tinh ranh; nó là tính toán, nó là số học.

 

Đến nhiều chùa của Việt nam, thấy rất nhiều chuông đồng, trống cái, bình lọ cẩn ngọc trai, tượng phật bằng đá quý,... Thường thấy có dòng chữ: "Phật tử Trần Văn... gì, gì đó, cung kính cúng dường." Hoặc thấy, ở trong một Cô nhi viện, một công trình Từ thiện nào đó, gắn kèm với một bảng hiệu, ghi tên tuổi của người làm công đức. Đó là kinh doanh, không Tôn giáo một chút nào. Đó là ích kỷ, nó lấy ngã làm trung tâm, nó mang tính bản ngã. Người ta không phục vụ người khác, người ta không phục vụ cái chung, người ta không yêu cái đối tượng thụ hưởng, người ta sử dụng nó cho bản thân mình. Đó là ích kỷ được làm sáng lên, nhưng nó là ích kỷ.

 

Từ bi là việc nở hoa không tính toán, tuôn chảy tự nhiên. Từ bi không phải là cái gọi là lòng tốt. Nó có phần tinh tuý của lòng tốt trong đó là sự dịu dàng, thông cảm, đồng cảm, không nghiêm khắc, có tính sáng tạo, có tính giúp đỡ, và không mục đích. Nó là từ sự tồn tại, và con người hạnh phúc và cảm ơn sự tồn tại đã chọn mình làm phương tiện. Con người trở nên trong suốt và lòng tốt đi qua bản thể của mình. Nó là lòng tốt thuần khiết không có bản ngã trong nó. Lòng tốt làm mạnh cho bản ngã, còn từ bi là có thể chỉ khi bản ngã đã biến mất hoàn toàn. Từ bi có phần tinh tuý của lòng tốt.

 

4

 

Tình yêu là cho và nhận. Cho và nhận là thuộc tính của tình yêu. Có hai chuyện tình đặc sắc về tình yêu, trong hai tác phẩm nổi tiếng.

 

Tác phẩm Thằng gù nhà thờ Đức bà của Victor Hugo, một câu chuyện tình rất đặc sắc, về tình yêu bất diệt của thằng gù dị dạng với cô gái xinh đẹp Esmeralda. Bối cảnh lịch sử là ngày 06/01/1482, ngày lễ hội của những người điên diễn ra ở Paris. Trong đại sảnh của pháp đình, công chúng đang xem một vở thánh kịch của Pierre Gringoire (một thi sĩ nghèo). Cô gái Bohémiens xinh đẹp Esméralda làm nghề múa rong ngoài phố trên quảng trường trước nhà thờ Đức bà. Hành động múa hát này đã bị cấm đoán bởi phó giám mục nhà thờ, Claude Frollo, được xem là một người đạo hạnh, uyên bác. Nhưng bản thân ông lại là một người rất cô đơn, xanh xao, u uất vì nếp sống tu hành. Hơn hết, ông đã bắt đầu thấy được hiểm họa sa vào địa ngục, khi ông bắt đầu say mê cô gái múa rong. Ông đã cố gắng để thoát khỏi địa ngục ấy, nhưng cuối cùng bị tình yêu lôi kéo. Lễ hội tan, màn đêm buông xuống. Người kéo chuông nhà thờ Đức bà Quasimodo, kẻ dị hình, dị dạng, vừa mù, vừa chột, vừa thọt; theo lệnh của phó giám mục Claude Frollo, mưu toan bắt cóc Esméralda. Đội tuần tra của đại úy Phoebus đã kịp giải cứu cô gái và bắt Quasimodo. Thi sĩ Gringoire lang thang lạc vào vương quốc ăn mày, suýt bị treo cổ, nhưng nhờ Esméralda nhận làm chồng, theo luật lệ cái bang nên thoát chết. Tuy nhiên, cô chỉ nhận trên danh nghĩa để cứu mạng Gringoire. Lòng cô đã hoàn toàn hướng về đại úy Phoebus, người đã cứu cô.

 

Vốn nhân từ, Esméralda bỏ qua vụ bắt cóc và đã đem nước cho Quasimodo uống, trong lúc hắn bị xử phạt trên đài bêu. Tâm hồn hoang dã của Quasimodo, không quen giao tiếp với thế giới con người. Hắn chỉ biết có cha nuôi là phó giám mục Frollo, người đã đem hắn về nuôi khi còn là một quái thai dị dạng bị bỏ trước cửa nhà thờ. Vẻ đẹp và tấm lòng của Esméralda đã làm thức tỉnh trái tim hoen rỉ của hắn. Quasimodo bắt đầu yêu, một tình yêu bất diệt không cần đền đáp.

 

Esméralda yêu Phoebus một cách mù quáng, dù Phoebus thực chất chỉ là một gã ăn chơi đàng điếm, đã có hôn thê là một tiểu thư quý tộc. Esméralda đã nhận lời hẹn hò của y tại một căn nhà trọ ở vùng ngoại ô. Phó giám mục yêu Esméralda điên dại, đã theo dõi rình mò đôi tình nhân. Y đã không kìm chế được nỗi ghen tuông đã đâm Phoebus, rồi bỏ trốn. Esméralda bị kết án vì hai tội: giết người và làm phù thủy. Esméralda bị kết án treo cổ, Quasimodo phá pháp trường để cứu Esméralda, đem cô vào trú ẩn an toàn trong nhà thờ Đức bà. Những người ăn mày đang nóng lòng chờ Esméralda nhưng không thấy cô trở lại đã tấn công vào nhà thờ để cứu cô. Bị Quasimodo đẩy lùi.

 

Phó giám mục Claude Frollo tuyệt vọng đến mức mất cả lý trí và nhân tính. Hắn phát hiện ra Esméralda đang trú ẩn trong nhà thờ nên đã ép buộc và đe dọa cô. Với sự che chở của Quasimodo, Esméralda vẫn sống bình an và vẫn yêu Phoebus. Frollo cho thi sĩ Gringoire đến để lừa cô ra ngoài, một mặt hắn lại báo cho bọn cảnh binh biết để truy bắt. Frollo đã đặt điều kiện buộc Esméralda phải ưng thuận mình, bằng không y sẽ giao cô cho bọn cảnh binh.  Esméralda quyết chịu chết, không ưng thuận, Frollo đã giao cô cho một bà ẩn tu điên dại. Người đã tự chôn mình trong ngôi mộ lộ thiên, khi đứa con gái của bà bị người Bohémien bắt cóc và để lại một đứa trẻ dị dạng. Bà đã đem đứa trẻ dị dạng đó để trước thềm nhà thờ Đức bà, Frollo đã đem đứa trẻ về nuôi, đó là Quasimodo. Vì thế người ẩn tu này rất ghét bọn Bohémien, Frollo nghĩ rằng Esméralda sẽ bị bà hành hạ cho đến chết. Nhưng sau đó, hai mẹ con đã nhận ra nhau nhờ vật kỷ niệm, đôi giày của trẻ con mà Esméralda luôn mang bên người là do mẹ làm cho. Cuối cùng, cảnh binh đã tìm được nơi ẩn nấp của hai mẹ con. Người mẹ hết sức bảo vệ con, nhưng Esméralda vẫn bị bắt đi. Bà mẹ đã chết ngay vì quá tuyệt vọng. Esméralda bị đem đi treo cổ một lần nữa. Quasimodo biết được đầu đuôi câu chuyện và chứng kiến nụ cười thâm độc của phó giám mục khi thấy Esméralda bị đưa ra xử tử, đã xô Frollo ngã từ trên tháp chuông nhà thờ xuống đất. Sau đó, Quasimodo đã ôm xác Esméralda cùng chết chung trong hầm mộ.

 

Tình yêu đơn phương. Quasimodo sãn sàng cho mọi thứ. Hắn đã dâng cả cuộc đời còn lại, cho nàng  Esméralda. Không mảy may nhận bất cứ một điều gì. Bởi vì hắn không thể tưởng tượng được là sẽ nhận được một điều gì đó, trong bất kỳ một hoàn cảnh nào, từ nàng  Esméralda. Một tình yêu chỉ cho chứ không nhận. Nhưng đây là tình yêu dị dạng. Nó có mùi vị của sự trả thù, nó có mùi vị của sự giận dữ. Lấy sự trả thù để trả thù cho Tình yêu. Sự trả thù đã không thể và không bao giờ có thể bảo vệ được Tình yêu. Tình yêu chỉ dâng cho, không một chút mảy may nhận, nhưng đó là Tình yêu di dạng của Quasimodo.

 

Tác phẩm thứ hai về Tình yêu nổi tiếng là Jane Eyre của nữ tác giả người Anh Charlotte Bronte, đã viết cách đây gần hai trăm năm, cho đến nay vẫn luôn làm xúc động hàng triệu, triệu con tim.

 

Jane Eyre, một cô gái, mồ côi bố mẹ, sống nhờ cậu ruột. Cậu chết ở với mợ, bị hắt hủi, ngược đãi; đây là một chuỗi ngày cực nhục đối với cô. Năm Jane lên 10 tuổi, được gửi vào trại mồ côi Lowood. Lowood giáo dục trẻ em theo chủ nghĩa khổ hạnh hành xác để giữ gìn linh hồn. Nỗ lực học tập trong tám năm. Ra trường, cô được nhận được việc dạy trẻ ở lâu đài Thornfield nông thôn nước Anh. Là một cô gái, mạnh mẽ và nội tâm. Người sãn sàng nói ra tất cả ý nghĩ trong đầu, dù là không thuận lòng ông chủ; nhưng không chịu nói ra những rung động của con tim, một con tim tràn đầy yêu thương. Chủ nhân của lâu đài Thornfield là Rochester, một nhà quý tộc goá vợ. Rất giàu có, rất từng trải, có một dĩ vãng tỳ ố, có một mối hận ngàn đời; hiểu biết, đi khắp nơi; ông đã có vài ba mối tình, trên khắp châu Âu. Giữa sự phồn hoa nhạt nhẽo, thói giả tạo và tham tiền. Hai con người lạc lõng đã tìm thấy nhau. Rochester tìm được một người yêu hiền thục và duyên dáng; tìm được nguồn cơn để tảy rửa quá khứ tỳ ố, làm trong sạch tâm hồn. Jane Eyre tìm được người đàn ông mạnh mẽ, không giả tạo để yêu. Họ rất hạnh phúc và chuẩn bị tổ chức một cách đơn giản lễ cưới của mình.

 

Tại lễ cưới điều tồi tệ đã xảy ra. Người ta tố cáo Rochester đã có vợ. Rochester đã cưới vợ, do âm mưu hám tiền của cha và anh trai, một âm mưu đen tối, đó chính là mối hận ngàn đời của ông. Một người vợ thô bỉ, nhạt nhẽo và độc ác. Rồi người đàn bà đó bị điên, vì gia đình họ có truyền thống bị điên từ nhiều đời. Vì lòng tốt, ông đã đưa người đàn bà điên từ Ấn độ về Thornfield và nuôi trong một căn phòng riêng biệt. Đám cưới không thành.

 

Jane Eyre bỏ trốn trong đau khổ. Số phận tình cờ đã để lại cho cô một gia tài to lớn. Hai người sống hai cuộc sống tách biệt, trong khổ đau và nhớ nhung. Rồi sau đó, trong cơn điên của mình, người đàn bà điên đó đã đốt Thornfield, mong để cứu bà ta, Rochester lao vào lửa. Không cứu được, và ông đã thành người tàn phế, cụt tay và mù cả hai mắt. Tình cờ biết được tin này, Eyre đã trở về sống với Rochester.

 

Một tình yêu lãng mạn, đẹp theo phong cách cổ điển, sâu lắng và mãnh liệt. Nàng sãn sàng trao tặng tất cả, nhưng nàng đã không buông sự khắc kỷ của bản thân mình để nhận lại món quà của tình yêu. Sãn sàng cho, cho tất cả, nhưng thật khắc kỷ khi nhận món quà của Tình yêu. Đó chính là vẻ đẹp cổ điển theo kiểu Anh, của câu chuyện. Đó cũng chính là sự khác nhau giữa tình yêu và Từ bi. Bởi vì trong sâu thẳm người sãn sàng cho tất cả, vẫn mong chờ nhận, dù là đã rất cố gắng kiểm soát hành vi nhận của mình, theo những định kiến, theo những lề thói của đạo đức, của xã hội quy định. Đó chính là sự khốn khổ của con người. Từ bi không phải vậy, nó là tự nhiên.

 

Yêu bản thân mình, yêu sâu sắc, yêu vô cùng, thì trong chính tình yêu đó lòng kiêu hãnh của con người, bản ngã của con người, sự so sánh, sự phân chia,... tất cả những cái vô nghĩa đó biến mất. Khi nó biến mất thì Tình yêu bản thân mình sẽ đạt tới mức chuyển sang người khác, chuyển sang đối tượng khác. Khi Tình yêu với bản thể được tràn đầy, con người sẽ có cảm xúc của Phúc lạc, con người sẽ tự nhiên đem cho. Tự nhiên đem cho, đấy chính là bản chất của Tình yêu thuần khiết. Osho nói: "Hãy phục vụ Tình yêu". Hãy chú ý, Ông ấy không nói, hãy phục vụ người yêu; phục vụ người yêu đấy là điều sai lầm. Ý tưởng thuần khiết của Tình yêu phải được tôn thờ. Người yêu là người đàn bà kiều diễm trong con mắt của người đàn ông, thực tế chỉ là một hình tượng của ý tưởng yêu khuần khiết đó. Yêu Dòng sông, yêu đỉnh núi, yêu đoá hoa vàng rực rỡ, yêu làn gió ngập tràn hương lúa,... Yêu nhưng đứa con xinh sắn, yêu bà mẹ già từ tâm, yêu người cha nghiêm nghị nhưng cả đời vì các con của mình,... Tất cả là hình tượng của ý tưởng yêu thuần khiết. Hãy phục vụ Tình yêu thông qua đối tượng yêu.

 

Trong tình yêu có lòng biết ơn, có sự biết ơn sâu sắc. Khi con người yêu, họ luôn kính trọng người yêu của mình, và khi cho là cho toàn bộ; ngược lại cũng nhận rất nhiều. Khi tự nhiên cho, nhưng trong Tình yêu, trong sâu thẳm con người luôn ý thức là cho, trong sâu thẳm con người có mong chờ nhận, dù là lời biết ơn. Đó là mối quan hệ cho và nhận.

 

Khi tự nhiên cho, một cách tự nhiên là sẽ nhận được rất nhiều, nhưng đó không phải là vấn đề, người cho đã không khao khát về việc nhận. Nếu nó không tới, họ cũng không có phàn nàn về nó. Nếu nó tới người đó sẽ đơn giản là ngạc nhiên! Nếu nó tới, nó là không thể nào tin được. Nếu nó không tới, không có vấn đề gì. Khi đã tràn đầy Tình yêu, con người sẽ không bao giờ trao trái tim mình cho bất kì ai như một phần của bất kì sự mặc cả nào. Đơn giản có thì cho, có tràn đầy thì tự nhiên tuôn chảy. Từ bi không phải là Tình yêu. Từ bi là dạng tối thượng của tình yêu.

 

5

 

Tình cảm có nhiều sắc thái, đa tình, đa cảm, đa sầu,... những thứ đó không tồn tại trong Từ bi. Người tình cảm thường là người nhỏ bé, họ không rộng lớn, họ đa cảm ở phương diện này, ngược lại họ vô cảm ở phương diện khác. Osho có một ví dụ rất hay, mẹ của Lev Nikolayevich Tolstoy là một người rất đa cảm. Bà rất thích đi xem nhạc kịch. Đến nhà hát, xem nhạc kịch, hầu như bà khóc suốt. Khóc thương số phận của nhận vật tiểu thư, gia cảnh bị phá sản; khóc thương mối tình không thành của một cặp tình nhân trẻ; khóc thương sự chia tay xa cách của đôi bạn tình,... Bà khóc thương hầu như tất cả những tình tiết mà bà thấy cảm động. Nhưng bà luôn vô cảm với tình cảnh của người đánh xe, phải chờ bà trong đêm khuya và tuyết lạnh, khi bà đang khóc lóc thương cảm cho những cảnh ngộ trên sân khấu.

 

Con người của từ bi thông cảm, nhưng không có xúc động nào. Người đó thông cảm, nhưng không có đa cảm. Người đó sẽ làm bất kì cái gì được cần tới, và người đó không bị xúc động bởi nó. Phải chăng đó chính là vị Phật. Người giàu tình cảm chưa thể có vị Phật trong trái tim.

 

Giàu Tình cảm không phải là Từ bi. Từ bi là thông cảm nhưng không đa cảm.

 

 

6

 

Từ bi là hành động. Không hành động không phải là người Từ bi. Có khủng khoảng, có sự cố, Con người của Từ bi lập tức nhảy vào hành động. Hành động của người đó là ngay lập tức; không vẩn vơ lấy một khoảnh khắc. Hành động tức khắc, một khoảnh khắc nào đó nảy sinh trong tầm nhìn, người Từ bi lập tức thể hiện nó thành hành động.

 

Không có nước mắt, không xúc động, người Từ bi đơn giản đi vào trong hành động. Không lạnh lùng, cũng không nồng nhiệt. Đơn giản ấm áp và mát mẻ. Đó là nghịch lí của người từ bi. Người đó ấm áp bởi vì người đó tràn đầy tình yêu. Bất kì điều gì xảy ra người Từ bi luôn bình thản, và bình thản hành động, bình thản giúp đỡ. Khi bình thản giúp đỡ, thì hành động giúp đỡ đó là chân thành, là dễ được chấp nhận. Cho nên hình ảnh cành Dương liễu trên tay Bồ tát Quán thế âm là vậy. Nó mềm mại, nó dẻo dai, nó mát mẻ, nó chân thành và nó dễ chấp nhận. Từ bi là hành động, nhưng là hành động đơn giản, ấm áp, mát mẻ, chân thành, là hành động được chấp thuận. Được chấp nhận, vì nó xuất phát từ: cùng với Tình yêu còn có sự hiểu biết.

 

Hiểu biết và hành động là hai điều không tách biệt của Từ bi. Chúng là hai khía cạnh của cùng một hiện tượng, không phải là hai điều tách biệt. Một mặt của nó được gọi là hiểu biết, mặt kia của nó được gọi là hành động.

 

 

7

 

Từ bi là thông minh. Đó chính là thuộc tính thứ năm của Từ bi.

 

Theo bậc chứng ngộ Osho, Từ bi là thông minh nhưng không phải là trí năng. Khi thông minh được giải phóng khỏi mọi dạng, khỏi mọi dạng logic; khi thông minh được giải phóng khỏi mọi biện luận; khi thông minh được giải phóng khỏi cái gọi là hợp lí, bởi vì hợp lí là giam hãm; khi thông minh là tự do, nó là từ bi. Con người của từ bi cực kì thông minh, nhưng người đó không phải là người trí thức. Người đó có thể thấy thấu suốt, người đó có tầm nhìn tuyệt đối, người đó có con mắt thực để nhìn, chẳng cái gì bị giấu kín với người đó; nhưng đó không phải là phỏng đoán, nó cũng chẳng phải là tư duy. Không, nó không qua logic, nó không qua suy diễn, nó là qua cái nhìn sáng tỏ.

 

Con người của từ bi không phải là không thông minh, nhưng người đó không mang tính trí năng. Người đó cực kì thông minh, người đó là chính hiện thân của thông minh. Người đó sáng chói thuần khiết. Người đó biết, nhưng người đó không nghĩ. Phỏng có ích gì mà nghĩ khi đã biết? Nghĩ chỉ như một thứ thay thế. Bởi vì không biết, do đó  phải nghĩ. Suy nghĩ là quá trình thay thế, và nó là cái thay thế nghèo nàn, xin hãy nhớ. Khi người từ bi biết, khi người từ bi thấy, người đó đâu cần bận tâm tới nghĩ.

 

Con người của từ bi biết; người trí thức nghĩ. Người trí thức là người nghĩ còn người của từ bi là người không nghĩ, không trí thức. Thông minh người đó có, thông minh vô cùng người đó có, nhưng thông minh của người đó không vận hành qua hình mẫu của trí tuệ. Thông minh của người đó vận hành một cách trực giác.

 

Thông minh và sáng tạo cũng là hai điều không tách biệt của Từ bi.

 

8

 

Đó là năm thuộc tính của Từ bi. (1) Từ bi có phần tinh tuý của lòng tốt. (2) Từ bi là dạng tối thượng của tình yêu. (3) Từ bi là thông cảm nhưng không đa cảm. (4) Hiểu biết và hành động là hai điều không tách biệt của Từ bi. (5) Thông minh và sáng tạo cũng là hai điều không tách biệt của Từ bi.

 

Hay còn gọi là năm chiều của không gian Từ bi. Có thể hiểu được Từ bi, nhưng chưa thể biết được Từ bi.

 

 

Bài viết này lấy cảm xúc từ các bài nói của Osho, và một số các bài viết của các tác giả khác. Xin bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả những Tác giả và Dịch giả của các bài viết, bài nói mà chúng tôi đã sử dụng để làm tư liệu và cảm xúc để viết bài này; xin chân thành hồi hướng công đức nhỏ bé của mình tới Quý vi. Nam mô Bổn sư Thích Ca Màu Ni Phật. Nam mô Chứng minh sư Bồ Tát Ma ha tát.

 

http://www.daophatngaynay.com


Âm lịch

Ảnh đẹp