“Ta là cái gì?” “Ta ở đâu?” “Ta từ đâu đến?” “Ta đi về đâu?”
Tất cả chỉ là một vấn đề duy nhất, mà cách hỏi khác nhau. Hiểu được
một, sẽ giải quyết tất cả còn lại. “Ta là cái gì?” là một nghi vấn dò
vào tự tánh (svabhāva) của thực tại, căn cơ của mọi sự vật chủ quan và
khách quan. Khi nắm vững cái này chúng ta biết rõ mìmh đang ở đâu; nói
thế có nghĩa là, chúng ta biết rõ mối quan hệ nào giữa ta với cảnh huống
của ta, trải rộng trong không gian, và tiếp nối trong thời gian. Một
khi đã xác định rõ điều đó, vấn đề sau khi chết sẽ không còn quấy nhiễu
ta nữa, bởi vì sống và chết là những hạng từ tương liên, và chỉ có thể
hiểu khi chúng được nhìn như thế. Sự thật, tất cả những nghi vấn từ này,
“cái gì?” “ở đâu?” “từ đâu?” chỉ có ý nghĩa khi nào chúng được áp dụng
vào đời sống tương đối của chúng ta trên mặt đất. Nhưng vào lúc chúng ta
rời bỏ đời sống này, bị chi phối bởi thời gian, không gian và luật nhân
quả, chúng ta sẽ rời bỏ luôn những nghi vấn từ đó, coi như chúng không
xác đáng chút nào cả. Bởi vì, một cái nhìn soi thấy bản tánh thực tại,
nó vén mở đời sống trong một khía cạnh hoàn toàn khác biệt, nơi đó không
cần có những thắc mắc như thế về thế giới của tương đối này. Bởi lẽ đó,
ba vấn đề của Tùng Duyệt có thể nói, một cách thiết yếu đơn sơ và giản
lược thành câu hỏi “Tự tánh của bạn ở đâu?” Nghĩa là, đâu là trụ xứ –
chỗ trú của bạn? – trụ xứ, nơi mà từ đó tất cả hoạt động của bạn dấy
lên. Và trụ xứ đó là trú xứ của Bồ-tát, đề tài mà tôi muốn trình bày ở
đây, chính yếu là theo các đoạn văn trong Gaṇḍvyūha.
Trên
phương diện tâm lý, trả lời cho nghi vấn “ở đâu?” cho thấy thái độ tâm
lý căn bản của ta đối thế giới khách quan một cách tổng quát, và trong
Thiền nghi vấn này thường khóac hình thức “Bạn ở đâu đến?” Qua câu hỏi
đó Thiền sư muốn thấy tăng đồ của mình tìm ra nơi trú ẩn tâm linh của họ
tại đâu. Toàn bộ sự tu dưỡng của Thiền tông, có thể nói, cốt ở sự định
vị này, cũng gọi là tìm tòi hay đào xới. Do đó, giác ngộ chẳng gì khác
hơn là đụng tới cái lớp đáy bằng đá tự tánh của chính mình, nếu quả là
có tự tánh đó. Cái hình thức mà Thiền tông đặt cho nghi vấn “ở đâu?”, là
như vầy: “Bạn từ đâu đến?” Đây hoàn toàn là một câu hỏi khách sáo,
nhưng với ai biết, người đó biết câu hỏi ấy đáng sợ đến mức nào. Câu hỏi
ấy cũng có thể là “Bạn đi đến đâu?” “Từ đâu?” Những ai có thể trả lời
đích đáng, những vị đó quả là đã tỏ ngộ.
Trần Tôn
Túc[4], cũng gọi là Mục Châu, là nơi Sư thường cư ngụ; Sư thường hỏi
tăng đồ của mình, “Ông ở đâu tới?” hay “Hạ vừa qua, ông an cư ở đâu?”
Một thầy tăng nói: “Chừng nào Hòa thượng có chỗ thường trú, con mới nói
từ đâu đến.” Sư châm biếm: “Chồn cáo không thuộc giòng họ sư tử; một
ngọn đèn không chiếu sáng như mặt trời hay mặt trăng.”[5]
Khi
câu hỏi như vậy được hỏi một thầy tăng mới đến chùa, ông này trợn mắt
nhìn Sư không nói một tiếng. Sư bảo: “Ôi, cái gã chạy theo sau ngựa!”[6]
Lần
thứ ba, được đáp: “Bẩm hòa thượng, con từ Giang tây đến.” Sư nói: “Ông
đã đi mòn hết bao nhiêu đôi dép [mà lại trả lời ngu ngốc thế] ?”
Lần thứ tư, Sư bảo: “Ông nói dối”[7] khi y nói là từ Ngưỡng Sơn đến. Ngưỡng Sơn là một Thiền sư danh tiếng đương thời.
Linh thọ Như Mẫn[8], có một thầy tăng hỏi, “Sinh quán[9] của Hòa thượng ở đâu?”
Sư đáp, “Mặt trời mọc phía Đông, mặt trăng lặn phía Tây”.
Đại tùy Pháp Chân hỏi một thầy tăng, “Ông đi đâu?” Thầy tăng đáp: “Đi lễ đức Phổ Hiền (Samantabhadra).”
Sư đưa cây phất tử lên, nói: “Văn-thù (Mañjuśrī), và Phổ Hiền (Samantabhadra) đều ở trong đây hết.”
Thầy tăng làm dấu viên tướng, vẽ một vòng tròn giữa không trung, ném ra phía sau, rồi kính cẩn làm lễ Sư.
Sư gọi: “Thị giả, mang một tách trà cho ông tăng này.”
Lúc khác, cũng câu hỏi đó, một thầy tăng đáp: “Đi về am ở núi Tây.”
Sư hỏi: “Nếu tôi đứng bên này núi Đông mà gọi, ông có đến được không?”
Tăng đáp: “Sao có thể được?”
Sư bảo ông rằng ông chưa ở yên nơi am được (vì chưa là một bậc thầy thực thụ).
Khi Linh Huấn, ở Phúc châu,[10] sắp từ giã tôn sư Quy Tông[11]. Tông hỏi: “Ông đi đâu?”
Huấn: “Con trở về Lĩnh trung.”
Tông:
“Con ở đây với thầy đã lâu năm; khi nào sửa soạn khăn gôi để đi, hãy
lên đây giây lát với thầy. Thầy sẽ giảng Phật pháp cho con.”
Huấn
sửa soạn khăn gói xong, lên chỗ Sư. Sư bảo: “Lại gần đây.” Huấn bước
tới, trong khi đó, Tông nói: “Giờ đang mùa lạnh, khéo giữ mình trong lúc
đi đường.”
Câu trả lời của Lâm Tế[12] cho Hoàng
Bá, tôn sư của ngài, là một trong những câu trả lời danh tiếng nhất đối
với câu hỏi: “Bạn đi đâu?” Ngài đáp: “Nếu không đến Hà Nam thì cũng đến
Hà Bắc”.
Đương nhiên là câu hỏi “ở đâu?” có khi
được diễn tả bằng mối liên quan đến chỗ ngụ của Thiền sư. Trong trường
hợp này, người hỏi thường là một thầy tăng muốn biết đâu là những cảnh
sắc (cảnh) của tăng viện, nơi Thiền sư đang ngụ. Hán ngữ, cảnh 境, ngoài
nghĩa “phong cảnh”, “trường sở”, “địa vực”, “giới hạn”, hay “lãnh vực”,
thường được dùng tương đương với chữ “gocara” hay “viśaya” trong tiếng
Phạn. Viṣaya là “lãnh thổ trường”, “lãnh vực”, “khu vực”, “phạm vi”,
“trú xứ”. Còn gocara là “đồng cỏ chăn thú”, “môi trường hành động”, “nơi
cư ngụ”, “trú xứ”. Khi mang một ý nghĩa chủ quan, như ở trong văn học
Phật giáo, nó là một thái độ tâm linh hay tâm thần đặc sắc chung nơi con
người khi có bất cứ kích thích nào xảy ra. Nhưng nói một cách nghiêm
xác, các Phật tử Thiền tông không xem “gocara” hay “cảnh” chỉ là một
thái độ hay là một xu hướng của tâm; mà coi nó như là một thành phần cốt
yếu hơn thiết lập căn cơ đích thực cho thể tánh của mình, nghĩa là, một
môi trường mà ở đó, người ta, trong ý nghĩa sâu xa nhất, sống và vận
động và có lý do hiện hữu của mình. Môi trường đó, chính yếu, được xác
định bởi chiều sâu và độ sáng của những trực giác tâm linh của y. “Cảnh
tăng viện của bạn ra sao?” do đó có nghĩa là “Sở ngộ của bạn về chân lý
cứu cánh của Phật pháp là gì?” Trong khi những câu hỏi như ‘Từ đâu?”, ‘Ở
đâu?” hay “Về đâu?” được đặt ra cho một thầy tăng tầm sư phỏng đạo, thì
những câu hỏi nhắc đến chỗ ngụ, chỗ ở, địa hình hay phong cảnh, được
đặt ra cho một bậc thầy không thấy cần vân du tìm chốn nghỉ ngơi cuối
cùng nữa. Do đó, cả hai loại câu hỏi này, trên thực tế đều như nhau.
Thương
khê Liên[13] được hỏi về phong cảnh Thương khê, đáp: “Con nước trước
mặt chảy về Đông.”[14] Tương đàm Minh, đáp: “Núi liền Đại nhạc, nước
tiếp Tiêu tương”[15]
Thái Khâm ở Kim lăng[16], khi ngụ tại Song lâm, trả lời như vầy: “Không vẽ nổi.”
Thanh
Tích[17] chùa Vân cư, có vẻ không muốn trả lời cụ thể về phong cảnh của
tăng viện mình,[18] nên hỏi ngược lại: “Ông nói cảnh, có nghĩa là
gì?”[19] Rồi thầy tăng hỏi lại: “Ai là người ở tại đây?”[20] Sư có vẻ
không muốn trò chuyện, mà chỉ vỏn vẹn nhận xét, “Tôi vừa nói với ông cái
gì?”[21]
Tất cả những lối nói trên, đều nhắc đến
trụ xứ của Bồ-tát đạo. Đường lối phô diễn của Thiền sư là chỗ đặc sắc
của Thiền tông. Đối với các độc giả phổ thông, có lẽ khó liên kết những
đối thoại trên đây với những mô tả sau này về trụ xứ của Bồ-tát, trích
từ Gaṇḍavyūha. Để giúp quý vị đó hiểu, trước hết tôi xin trích một vài
đoạn từ các kinh Đại thừa khác, cũng rất quen thuộc với chúng ta.
2
Trong
nhiều kinh điển Đại thừa, người ta thường nhắc đến ý nghĩa “phát khởi
tâm vô trụ”.[22] Thời danh nhất trong số đó, là câu nói trong kinh Kim
Cang, mà truyền thuyết nói rằng đã làm cho Lục tổ Huệ Năng bừng tâm tỉnh
ngộ; và kể từ đó, được các Thiền sư dùng để trình bày học thuyết của
họ. Nguyên văn chữ Hán của câu đó là: Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm
應無所住而生其心 mà nguyên văn tiếng Phạn là na kvacit pratiṣṭhitam cittam
utpādayitavyam.[23] Dịch thoát: “Hãy để cho tâm của ngươi khởi lên mà
không cố định nó bất cứ ở đâu”. Citta, thường được dịch là tâm 心. [24]
Hán ngữ tâm có nghĩa rất rộng, không chỉ có nghĩa là là tâm tưởng hay
tâm trí, mà còn là “tâm yếu”; nó là một trong những chữ đắc dụng nhất và
hàm súc nhất trong triết học Trung Hoa cũng như trong quán lệ thường
nhật của Trung Hoa. Trong trường hợp này, “dựng tâm mình dậy mà không cố
định nó bất cứ đâu” có nghĩa là “hoàn toàn tự chủ”. Một khi chúng ta
còn tựa vào vật, ta không thể có tự do hoàn toàn, và thế rồi ý niệm về
một bản ngã linh hồn hay một Thượng đế sáng tạo thường xuất hện và nắm
chặt lấy chúng ta. Bởi lý do đó, chúng ta không thể hành động mà không
buộc mình vào một cái gì – một trạng thái phụ thuộc và nô lệ. Đối với
câu hỏi, “Bạn ở đâu?” chúng ta phải nói, “Tôi bị buộc vào một đầu cực”,
và đối với câu hỏi, “Phong cảnh tăng viện của ngài ra sao?” thì nói,
“Tôi lẩn quẩn giữa vòng tròn, mà đường kính là cả chiều dài của sợi dây
buộc vào đầu cực.” Chừng nào sợi dây này chưa bị cắt đứt, chúng ta chưa
thể hành sự tự do. Chiều dài của sợi dây có thể đo và vòng tròn đó có
thể tính ra giới hạn. Chúng ta là những con rối nhảy múa trên một sợi
dây do kẻ khác nắm. Nhưng một vòng tròn, với chu vi không biết bao đâu
là giới hạn, vì không có tâm điểm và không có đường dây, phải nói quả là
một vòng tròn hết sức rộng lớn, vì đây là chỗ Thiền sư chọn làm chỗ trú
ngụ của mình. Vòng tròn đó, cái môi trường rộng không giới hạn và do đó
không có tâm điểm cố định bất kỳ đâu, như thế là nơi chốn thích hợp cho
Bồ-tát lấy làm trụ xứ.
Trong Bát-nhã Bát thiên
tụng (Aṣṭasāhasrikā-Prajñāpāramitā)[25], chúng ta đọc: “Tâm của Như Lai
không trụ bất kỳ đâu, không trụ trên các pháp (giới) hữu vi, không trụ
trên các pháp (giới) vô vi, và do đó không hề rời khỏi sở trụ.”3 Nói
“tâm vô trụ”, trên khía cạnh tâm lý, có nghĩa rằng thức khởi lên từ một
nguồn mạch vô thức, bởi vì, theo đạo Phật, không có một thực thể tâm lý
hay siêu hình nào được coi như là bản ngã linh hồn và thường được xem là
làm căn cơ cho một cá thể để rồi trở thành điểm trụ cố định cho tất cả
các hoạt động tâm lý của nó. Nhưng vì điểm trụ cố định này phải được
loại bỏ để đạt tới cảnh Phật, nên các kinh Đại thừa, nhất là bộ Bát-nhã,
chú trọng toàn bộ giáo nghĩa trên lý Tánh Không. Bởi vì, chỉ bằng vào
lẽ đó người ta mới có thể rứt mình ra khỏi điểm trụ cố định và vĩnh viễn
thoát ngoài những xiềng xích của luân hồi.
Đạo
Phật, vốn là một lối luyện tập tâm linh thực tiễn, bất cứ điều gì được
phát biểu đều là những phát biểu trực tiếp từ chứng nghiệm, không cho
phép có sự can thiệp của lối giải duy trí hay siêu hình nào ở đây. Nhưng
có lẽ khá kỳ quái và ngược đời, khi ta nói rằng phải dựng dậy cái tâm
mà không có điểm trụ cố định nào ở đằng sau bó, y như một đám mây phiêu
bạt giữa trời, không có đinh hay móc gì cả để buộc nó vào. Nhưng một khi
ta nắm được ý nghĩa đó, thì ý niệm vô trụ hoàn toàn lộ rõ ngay. Trên
đại thể, tốt hơn cứ để nguyên những diễn tả cố hữu, độc giả tự cảm
nghiệm lấy. Phiên chuyển thành thuật ngữ hiện đại rất thường được ưa
chuộng, nhưng khả tính lý hội dễ đạt được như thế thường là kết quả của
quá trình trừu tượng hóa hay suy lý. Sở đắc đó dĩ nhiên có nghĩa là làm
mất đi sự hình tượng hóa cụ thể; chỗ mất có lẽ khá trầm trọng hơn chỗ
được.
Trong kinh Duy Ma Cật (Vimalakīrti) cũng
vậy, chúng ta có những đoạn như: “Bồ-đề không trụ, do đó không sở
đắc.”[26] Hay “Y theo cội nguồn không trụ mà hết thảy các pháp được
thành lập.”[27] Và trong kinh Thủ-lăng-nghiêm (Śūraṅgama): “Những vị
Bồ-tát như thế lấy tất cả cõi Phật làm trụ xứ, nhưng không dính mắc vào
trụ xứ này, vì trú xứ ấy vốn không thể đắc, không thể thấy.”[28] Những
diễn tả theo loại này được tìm thấy bất cứ đâu trong kinh điển Đại thừa.
Lại
nữa, các kinh Bát-nhã Ba-la-mật, vốn có khuynh hướng nói bằng những phủ
định, có một đoạn như sau: “Pháp mà Như Lai tuyên thuyết vốn bất khả
đắc, không chướng ngại như hư không, không dấu vết (pada); pháp đó vượt
ngoài tất cả những hình thức đối nghịch, pháp không đối đãi, pháp vượt
ngoài sinh tử, pháp không đường để đi đến. Pháp đó chỉ chứng được với
những ai theo Như Lai vì là tùy thuận với Chân Như (tathātā). Bởi vì,
Chân Như vốn không sinh, vượt ngoài đến và đi, thường trú (sthititā),
không biến dịch, không phân biệt (nirvikalpā), tuyệt đối độc nhất, không
có dấu vết của tâm hành, v.v...” [29] Vì rằng Pháp (dharma) của Như Lai
không thể định nghĩa bằng khẳng định, nên các kinh Bát-nhã Ba-la-mật
đưa ra một tràng phủ định. Chỉ có một cách khẳng định duy nhất, là nói,
tathatā: như như, như thế là như thế. Ai hiểu, chỉ nói thế là đủ nghĩa;
còn theo quan điểm luận lý nó có thể không có ý nghĩa gì, có thể cho là
rỗng tuếch. Đấy là điều không thể tránh; vì những gì thuộc trực giác đều
vậy cả, và hết thảy chân lý thuộc về ý thức tôn giáo, dù thoạt trông có
vẻ hợp lý trí, kỳ cùng vẫn nằm trong lớp thuật ngữ đó. “Tôi là gì?”
“Tôi ở đâu?” hay “Tôi bị buộc vào đâu?”, đó là những câu hỏi do trí óc
dựng lên, nhưng sự giải quyết không hoàn toàn hợp lý. Nếu không phải là
một tràng phủ định, nó thuần là bí nhiệm, bất chấp đường lối lãnh hội
thông thường. Trong khía cạnh này, kiểu nói của Thiền là sáng giá nhất.
Ta hãy ghi nhận sau đây để kết luận phần giới thiệu mô tả của Gaṇḍavyūha
về trụ xứ của Bồ-tát.
Tam Thánh,[30] đệ tử của
Lâm Tế, lần nọ, sai Tú Thượng toạ[31] đền Trường sa Cảnh Sầm, truyền
nhân của Nam Tuyền, dạy hỏi Cảnh Sầm rằng: “Khi Tiên sư Nam Tuyền chết,
ngài đi về đâu?”
Cảnh Sầm đáp: “Lúc Thạch Đầu (700-790) còn làm sa-di, thân hành hầu hạ[32] Lục Tổ.”[33]
Đây
chỉ là nhắc lại một sự kiện lịch sử. Thạch Đầu còn là một chú bé khi
Lục Tổ Huệ Năng còn sống; và khi Huệ Năng mất, chỉ mới mười ba. Về sau,
học Thiền với Hành Tư, rồi trở thành một trong những Đại sư của đương
thời. Nhưng, chỉ nhắc lại một sự kiện lịch sử như thế, về một biến cố có
lẽ đã trăm năm qua, có liên hệ gì đến Nam Tuyền quá cố chăng? Trong một
ý hướng nào đó, câu hỏi hình như nói đến một vấn đề rất nghiêm trọng,
đâu có thể coi nhẹ như thế, hay nếu bạn muốn, bí nhiệm như thế. Bạn có
thể phản đối, có liên hệ nào giữa việc thầy tôi qua đời và việc tên hầu
cận của tôi đang được sai đi mua văn phòng phẩm gì đó, chẳng hạn?
Tú,
vị tăng được Tam Thánh sai hỏi, đâu có được sai đi dễ dàng thế; dĩ
nhiên, ông muốn lấy được thứ gì mà Cảnh Sầm có. Thế rồi, phát bắn thứ
hai: “Tôi không hỏi chuyện Thạch Đầu làm sa di mả hỏi Nam Tuyền đi về
đâu sau khi chết?”
Cảnh Sầm đáp: “Để cho y suy nghĩ đã.”
Tú nói: “Hòa thượng như một gốc thông già đứng trong trời đông lạnh, nhưng chả có đọt măng nào từ tảng đá chui lên cả.” [34]
Cảnh Sầm im lặng.
Tú nói: “Xin cảm ơn lời đáp của Hòa thượng.”
Sư vẫn im lặng.
Tú
thuật lại cho Tam Thánh. Tam Thánh bao: “Nếu thiệt vậy, Cảnh Sầm nhất
định qua mặt Lâm Tế hơn bảy bước. Mà này, đợi để ta thân hành nghiệm
xem”.
Ngày hôm sau, Tam Thánh lên viếng Cảnh Sầm
và nói: “Có nghe kể hôm qua Hòa thượng có một lời đáp về Nam Tuyền sau
khi chết, đáng cho là không tiền khóang hậu, kim cổ ít nghe.”
Rồi sư cũng im lặng nữa.
Ở đây có thể dẫn một bài dân ca Nhật Bản:
來るか,來るか.
濱に 出て見れば.
濱は松風,
音ばかり。
Chàng đến ư? Chàng đến ư?
Bên bờ sông tôi đi gặp chàng chừ.
Nhưng bên bờ sông chỉ có ngọn gió đưa
Reo vang giữa đám thông già.[35]
Bài thơ dưới đây trích từ Đường thi tuyển cũng rọi một tia sáng lên chỗ ngộ Thiền của Cảnh Sầm:
松下問童子,
言師採藥去。
只在此山中,
雲深不知處。
Tùng hạ vấn đồng tử
Ngôn sư thái dược khứ
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất kiến xứ[36]
Gốc thông hỏi chú tiểu đồng;
Rằng thưa sư phụ lên rừng hái cây.
Rừng xa một khoảng mây dày;
Trông theo ai biết dấu hài về đâu?
Khi
mà tri thức không đủ sức đưa ra một bản kê phân tích xác thực về chân
lý, chúng lại cậy nhờ đến tưởng tượng, nó đi sâu hơn, vào cơ cấu của
thực tại. Thực tại, cố nhiên không chịu tự phơi bày trước tri thức, vì
nó là một cái không hề cùng tận.Tính bất khả tri nơi đây không nên gán
vào lãnh vực luận lý, mà nên đặt vào nơi nào có thể tạo nên huyễn tượng.
Trên phương diện trí năng thì khá mông lung đấy, nhưng tự căn bản, cảnh
vực của những cái bất khả tư nghị này quả là thoả mãn. Tri thức phấn
đấu để thâm nhập khu trù mật của sương mù huyền bí, hay để định xem cơn
gió phiêu hốt từ đâu đến, nhưng bí ẩn vẫn chưa hề được vén mở.
Sau
khi nghiệm xét nguyên lý sinh hoạt điều hành những hoạt động của Bồ-tát
theo nhận định của các Thiền sư cũng như theo quan điểm của các nhà
soạn tập kinh điển Bát-nhã, v.v..., chúng ta hãy thử xem nó được mô tả
ra sao trong Gaṇḍavyūha. Thiền sư không dùng những tiếng trừu tượng như:
nguyên lý của sự sống, hay nguyên tắc sinh hoạt; lúc nào sư cũng lấy
những biến cố thường nhật, và những sự vật cụ thể ở chung quanh, mà
tăng đồ của sư cũng rất quen biết. Khi sư hỏi họ, từ đâu đến hay đi đâu;
tức khắc, bằng trả lời, sư có thể bảo cho biết đâu là trụ xứ của họ,
nghĩa là, cái gì đẩy ngay họ đến một tập hợp xác định của những hành vi.
Có thể coi phương pháp luyện tập này là quá khó đối với những tâm trí
phổ thông, khó nắm những gì thực sự ở đằng sau nó.
Những
người chưa hề quen với lối diễn tả các điều kiện tâm linh của mình
theo cách đó, sẽ không dễ gì nắm vững giáo nghĩa vô trụ này. Bắt tâm trí
họ hành sự mà không cần có cái gì ở đằng sau, không cần buộc vào một
tâm điểm, cái đó có vẻ chỉ như một sáo ngữ. Khi chúng ta bảo rằng trụ xứ
của Bồ-tát đích thực là không trụ xứ, rằng Bồ-tát cố định ở chỗ không
cố định, rằng ngài lang thang hay lơ lửng như một cụm mây trời không cần
có hậu cứ, nói thế có vẻ như không nói gì hết. Nhưng đó là đường lối mà
các nhà Đại thừa Phật giáo đã tự luyện tập trong đời sống hành đạo của
họ; không thể áp dụng những quy luật chuẩn mực của pháp thức suy luận
vào đó.
Có lẽ đến đây chúng ta đã sẵn sàng để thấy
những gì có thể lượm lặt từ Gaṇḍavyūha về đề tài này: “Đâu là trụ xứ
của Bồ-tát?” Đó là điều mà chúng ta có ý định khám phá ngat từ đầu, nhất
là trong sự tương phản với mà Thiền xử lý cùng thể tài ấy. Trong
Gaṇḍavyūha vấn đề “Ở đâu?” dựng ra trước mắt ta dưới hình thức một cái
tháp gọi là “Tì-lô-giá-na Trang nghiêm tạng Đại lâu các” (Vairocana
vyūha-alankāra garbha), ngô tháp được trang nghiêm bằng những bảo vật
ngời sáng. Thiện Tài (Sudhana), nhà chiêm bái trẻ tuổi, đứng trước tháp
và mô tả theo như mình đang nhìn thấy, đồng thời biết rằng đó là chỗ trú
của Bồ-tát Di-lặc (Bodhisattva Maitreya). Mô tả không theo lối khách
quan; nó căn cứ trên những tư lự của khát vọng trẻ trung đối với Bồ-tát
đạo, những tư lự được rút ra từ tất cả kinh nghiệm quá khứ của mình và
tất cả những pháp môn đã học được suốt trong cuộc chiêm bái dài của
mình. Khi Tháp Vairocana được mô tả như là trú xứ (vihāra) của Di-lặc
(Maitreya), những đặc tính được kể ở đây không chỉ áp dụng cho riêng
ngài Di-lặc, mà cho hết thảy Bồ-tát quá khứ, hiện tại và vị lai, luôn cả
các Thiền sư đã thực sự chứng đạt giác ngộ tâm linh. Nói tóm, Tháp
(Tháp) đó là trụ xứ của tất cả các bậc Đạo sư đã từng theo gót Phật. Tất
cả những gì được nói ở đây không phải là ý riêng của Thiện Tài về cái
chỗ mà Bồ-tát phải có để làm chỗ trụ của tâm linh, mà thực tình nó là lý
tưởng của Đại thừa.
3
“Đại tháp[37] này là trụ
xứ của những ai đã hiểu ý nghĩa Không, Vô tướng và Vô nguyện; của những
ai đã hiểu rằng hết thảy các pháp đều là vô phân biệt, rằng Pháp giới
vốn là vô sai biệt, rằng chúng sinh giới vốn là bất khả đắc, rằng hết
thảy pháp vốn là vô sinh.
“Đây là trụ xứ của những
ai không ràng buộc vào một thế gian nào, coi tất cả thế giới đáng ở như
là không nhà để ở; những ai không ham thích thân cận, nương tựa, phụng
hiến, những ai đã trừ khử hết những tâm niệm tham dục xấu xa.
“Đây
là trụ xứ, nơi thường thích ở đối với những ai biết rằng hết thảy các
pháp đều không tự tánh; những ai không phân biệt pháp theo bất cứ loại
tướng nào; những ai đã lìa hết thảy những tâm tưởng ý thức; những ai
không bị dính mắc cũng không rời bỏ hết thảy tâm tưởng.
“Đây
là trụ xứ thường được ưa thích đối với những ai thâm nhập Bát-nhã
Ba-la-mật đa; những ai khéo dùng phương tiện trụ nơi Pháp giới mở rộng
mọi chiều kích;[38] những ai đã dập tắt hết thảy ngọn lửa phiền não;
những ai đã dùng tăng thượng huệ đoạn trừ hết thảy kiến, ái và mạn;
những ai đã sống một cuộc đời vui thú xuất từ các Thiền định (dhyāna),
Giải thoát, Tam-muội (samādhi), Chánh thọ (samaptti), Thần thông và Minh
huệ; những ai khơi mở hết thảy cảnh giới tam-muội của Bồ-tát; những ai
đang bước theo con đường của hết thảy chư Phật.
“Đây
là trụ xứ, nơi thường được ưa thích đối với những ai đem một kiếp để
vào trong hết thảy kiếp và hết thảy kiếp vào trong một kiếp; những ai
đem một quốc độ (kṣetra) để vào trong hết thảy quốc độ và hết thảy quốc
độ vào trong một quốc độ, mà không làm hư hại bản tướng của nó; những ai
đem một pháp vào trong hết thảy pháp và hết thảy pháp vào trong một
pháp, mà mỗi pháp không bị hư hoại bản tướng; những ai đem một chúng
sinh (sattva) vào trong hết thảy chúng sinh và hết thảy chúng sinh vào
trong một chúng sinh, mà không làm hư hoại bản tướng; những ai hiểu rằng
không có sự phân hai giữa Phật và hết thảy Phật, giữa hết thảy Phật và
một Phật; những ai đem hết thảy các pháp vào trong một niệm sát na;
những ai du hành hết thảy khắp quốc độ bằng móng khởi một niệm; những ai
hiện thân khắp nơi nào có hiện hữu chúng sinh; những ai thường tâm niệm
làm lợi ích và vui vẻ khắp cả thế gian; những ai hoàn toàn tự thủ hộ,
tự tác chủ.
“Đây là trụ xứ của tất cả các ai, dù
đã tự mình giải thoát, mà vẫn hiện thân vào thế gian này để giáo hóa hết
thảy chúng sinh; những ai không còn bị ràng buộc vào một quốc độ nào,
nhưng vì để cúng dường hết thảy các Như Lai, nên du hành khắp hết thảy
quốc độ; những ai, không động bản vị, mà du hành khắp nơi để trang
nghiêm làm đẹp cho hết thảy cõi Phật; những ai, dù thân cận hết thảy chư
Phật, không dính mắc tâm vào một vị Phật; những ai, dù y chỉ hết thảy
thiện tri thức, mà không dính tâm vào một thiện tri thức nào; những ai,
dù sống giữa loài ma quỷ, mà không đắm trước cảnh giới dục lạc; những
ai, dù thâm nhập hết thảy các loại tâm tưởng, mà tâm không bị ràng buộc
vào đó; những ai, dù tùy loại hiện thân trong thế gian, nhưng tâm không
phân biệt tự tha; những ai, dù hiện thân không phân biệt tự tha; những
ai, dù hiện thân trong các thế giới (lokadhātu), mà không rời Pháp giới
(dharmadhātu); những ai, dù nguyện sống trọn tất cả thời gian vị lai, mà
không có ý tưởng dài vắn; những ai tự hiện thân khắp hết thảy thế gian
mà không động một mảy lông tự bản xứ của mình.
“Đây
là trụ xứ của tất cả những ai diễn giảng Pháp (dharma) khó bắt gặp;
những ai vui hưởng pháp khó hiểu, sâu xa, không hai, không tướng, không
đối đãi, vô sở đắc; những ai trụ trong đại từ và đại bi; những ai không
bị đắm chìm trong cảnh giới của hết thảy Thanh văn (Śrāvaka) và
Bích-chi-Phật (Pratyekabuddha); những ai đã siêu quá cảnh giới của hết
thảy ma quỷ; những ai không bị nhiễm ô bởi pháp thế gian nào; những ai
đã đi đến chỗ đến của hết thảy Bồ-tát, chỗ chứa nhóm hết thảy các
Ba-la-mật, chỗ hết thảy các đức Như Lai đang an trụ.
“Đây
là trụ xứ của tất cả những ai lìa bỏ hết thảy các tướng và siêu quá quả
vị của hết thảy Thanh văn; những ai an hưởng hết thảy pháp vô sinh,
nhưng cũng không dừng lại nơi pháp vô sinh; những ai tuy quán bất tịnh
mà không chứng pháp lìa tham dục, dù không hề bị dính mắc vào tham dục;
tuy từ bi mà không chứng pháp lìa sân hận, dù không dính pháp sân hận;
tuy quán duyên khởi mà không chứng pháp lìa si hoặc, dù không dính mắc
pháp si hoặc; những ai tuy tu bốn thiền mà không thọ sinh vào cõi lạc
thọ của các thiền; tuy hành bốn vô lượng vì để giáo hóa chúng sinh mà
không sinh vào sắc giới; những ai tụ tập bốn vô sắc định vì để bảo bọc
hết thảy chúng sinh bằng tâm đại bi, mà không sinh vào vô sắc giới;
những ai siêng tu chỉ quán (śamatha-vipaśya), vì là để giáo hóa chúng
sinh, mà không chứng minh huệ và giải thoát; tuy thực hành xả li mà
không xả li việc giáo hóa chúng sinh; những ai tuy quán Không mà không
khởi cái thấy Không; tuy hành Vô tướng mà thường giáo hóa chúng sinh còn
dính mắc tướng; tuy hành Vô nguyện mà không xả hạnh nguyện Bồ-đề; những
ai, tuy đã tự tại trong hết thảy nghiệp và phiền não, vì giáo hóa chúng
sinh mà thị hiện tùy thuận các nghiệp và phiền não; tuy không sinh tử,
vì giáo hóa chúng sinh mà thị hiện chịu sinh tử; tuy đã lìa hết thảy các
nẻo thọ sinh, vì giáo hóa chúng sinh mà thị hiện thác sinh vào các nẻo
thọ sinh; những ai tuy thực hành từ tâm mà đối với chúng sinh mà không
hề ái luyến; tuy thực hành bi tâm mà đối với các chúng sinh không hề
chấp thủ; tuy thực hành hỉ tâm mà quán chúng sinh khổ não tâm hằng
thương xót; tuy hành xả tâm mà không bỏ việc làm lợi ích kẻ khác; những
ai tuy hành chín thứ đệ định mà không nhàm chán việc thọ sinh ở Dục
giới; tuy biết hết thảy các pháp không sinh, không diệt, mà không hiện
chứng ngộ nơi thực tế (bhũtakoṭi); tuy vào ba giải thoát môn, mà không
chấp thủ giải thoát của Thanh văn; tuy quán bBốn Thánh đế mà không trụ
nơi thánh quả Tiểu thừa; tuy quán lý duyên khởi sâu xa mà không trụ nơi
cứu cánh tịch diệt; tuy tu Thánh đạo tám chi mà không mong vĩnh viễn
diệt trừ các uẩn; tuy siêu xuất bốn loài Ma[39] mà không phân biệt các
Ma; tuy không dính mắc sáu xứ (āyatna) mà không cần vĩnh viễn diệt trừ
sáu xứ; tuy an trụ Chân Như, mà không lọt vào thật tế; tuy thuyết hết
thảy Thừa mà không bỏ Đại thừa. Đây quả là trụ xứ của những ai đầy đủ
các đức tính như thế.”
4
Rồi Thiện Tài Đồng tử đọc lên các bài kệ sau đây:
Đây trú xứ Từ Thị tôn quý (Maitreya),
Đại bi, tịnh trí, lợi quần sinh,
Con trưởng Đại Hùng Quán đỉnh vị (abhiṣekha),[40]
Nhập trong cảnh giới chư Như Lai.
Đây trụ xứ của hàng Vô đẳng,
Là con của Phật, danh vang dội,
Đã vào cảnh giới huệ, giải thoát,
Du hành Pháp giới, không tham nhiễm.
Đây trụ xứ của hàng tự tại,
Đầy đủ thí, giới, nhẫn, định, huệ,
Phương tiện, thệ nguyện, lực, thần thông,
Đủ các Ba-la-mật Đại thừa.
Đây trụ xứ bậc trí vô ngại,
Với tâm rộng lớn như hư không;
Biết khắp hết thảy pháp ba đời,
Biết tường tận thọ sinh, các hữu.
Đây trụ xứ của hàng đại trí,
Khéo hiểu rõ hết thảy các pháp
Vô tánh, vô sinh, vô sở y;
Tự tại như chim bay giữa trời.
Đây trụ xứ của bậc tịch tĩnh
Biết rõ ba độc không thật tánh
Phân biệt nhân duyên, hư vọng khởi;
Cũng không nhàm chán mong xuất li.
Đây trụ xứ bậc phương tiện trí
Biết ba Giải thoát, tám Thánh đạo,
Các Uẩn, Xứ, Giới và Duyên khởi,
Mà vẫn không rơi vào tịch diệt.
Đây trụ xứ của bậc tịch diệt,
Bằng trí vô ngại quán sát khắp
Mười phương quốc độ và chúng sinh
Biết là vô tánh, không phân biệt
Đây trụ xứ của bậc vô y,
Đi khắp Pháp giới không trở ngại,
Mà không thấy có bản tánh đi;
Như gió giữa trời không lối đi.
Đây trụ xứ của đấng yêu thương,
Thấy khắp quần sinh trong ác đạo
Chịu các khổ sở không nương tựa,
Phóng ánh sáng đại từ trừ diệt.
Đây trụ xứ của bậc Đạo sư
Thấy các chúng sinh lạc nẻo chính,
Như người mù tối dẫm lối hiểm,
Dẫn họ vào thành trì giải thoát.
Đây trụ xứ của bậc dũng kiện,
Thấy chúng sinh lọt lưới ma quỷ,
Sinh, già, bịnh, chết hằng bức bách;
Khiến họ giải thoát các uẩn khổ.
Đây trụ xứ bậc đại y vương,
Thấy chúng sinh vướng bịnh mê hoặc;
Nên mở lòng đại bi rộng lớn
Đem thuốc trí tuệ mà trừ diệt.
Đây trụ xứ của đại thuyền sư,
Thấy chúng sinh chìm đắm biển hữu,
Trôi nổi lo sợ, chịu các khổ,
Nên đem Pháp thuyền đến cứu vớt.
Đây trụ xứ bậc khéo chài lưới,
Thấy chúng sinh chìm biển mê hoặc,
Nên vào trong đó mà vớt ra,
Khiến cầu Bồ-đề, thoát ái dục.
Đây trụ xứ bậc Kim sý vương (Garuḍa),
Hằng với con mắt đại bi nguyện,
Xem khắp hết thảy các chúng sinh
Mà vớt ra khỏi các biển hữu.
Đây trụ xứ bậc chiếu thế gian,
Như mặt trời, trăng giữa hư không;
Ánh sáng bi trí cũng như vậy,
Rọi sáng khắp Pháp giới chúng sanh.
Đây trụ xứ của bậc cứu thế,
Vì giáo hóa dù một chúng sinh,
Trải suốt vị lai vô lượng kiếp;
Vì cả thế gian cũng như thế.
Đây trụ xứ bậc kiên cố ý (vajcra);
Giáo hóa chúng sinh một quốc độ,
Suốt kiếp vị lai không ngừng nghỉ;
Khắp cả mười phương cũng như thế.
Đây trụ xứ bậc trí như biển,
Trải suốt vị lai không mệt mỏi,
Nghe hết pháp Phật trong mười phương;
Mỗi hội, ghi nhớ, rồi diễn thuyết.
Đây trụ xứ của các bậc tu hành,
Rảo khắp hết thảy biển thế giới,
Vào khắp hết thảy biển đạo tràng,
Cúng dường hết thảy biển Như Lai.
Đây trụ xứ của bậc công đức,
Tu hành hết thảy biển diệu hạnh,
Phát khởi vô biên biển đại nguyện;
Như thế trải suốt biển thời gian.
Đây trụ xứ bậc vô ngại nhãn,
Thấy suốt khắp cả vô lượng cõi
Trên đầu sợi lông, và thấy khắp
Bất khả thuyết Phật, chúng sinh kiếp.
Đây trụ xứ bậc đủ các đức (pāramitā),
Một niệm gói hết vô lượng kiếp,
Quốc độ, chư Phật và chúng sinh;
Trí tuệ vô ngại nên biết rõ.
Đây trụ xứ của bậc vô ngại,
Nghiền mười phương quốc độ thành bụi,
Nhiều như giọt nước trong biển cả;
Bồ-tát phát nguyện nhiều như vậy.
Đây trụ xứ của chân Phật tử,
Thành tựu môn tổng trì (dhārani), tam-muội (samādhi),
Đại nguyện (praāna), các thiền (dhyāna), và giải thoát (vimokṣa),
Mỗi mỗi đều trụ vô biên kiếp.
Trú xứ vô lượng các Phật tử
Vì lợi thế gian mà thiết lập
Luận nghị, biện tài, và giáo thuyết,
Cùng các kỹ thuật, công xảo xứ.
Đây là trụ xứ của bậc vô ngại,
Thành tựu thần thông, phương tiện trí,
Tu pháp môn Như huyễn nhiệm màu,
Hiện thân khắp mười phương lục đạo.
Đây là trụ xứ bậc thần lực,
Bồ-tát từ khi mới phát tâm,
Tu hành đầy đủ hết thảy hạnh,
Hóa thân vô lượng khắp hư không.
Đây là trụ xứ bậc khó lường.
Thành tựu Bồ-đề trong một niệm,
Hnàh vô biên nghiệp bằng trí tuệ;
Thế trí nghĩ đến tất phát cuồng.
Đây trụ xứ của bậc ly cấu,
Trí tuệ vô ngại, bất tư nghì,
Biết rõ các pháp không sở y.
Du hành tự tại khắp pháp giới.
Đây trụ xứ của bậc vô tỉ,
Du hàn tự tại như hư không,
Vào các quốc độ,không ràng buộc,
Dùng trí vô nhị soi tỏ hết.
Đây trụ xứ của bậc bi mẫn,
Thấy khắp quần sinh chịu các khổ,
Phát tâm trí tuệ đại nhân từ,
Nguyện thường lợi ích các thế gian.
Đây trụ xứ của các con Phật,
Thị hiện như mặt trời, mặt trăng
Trước khắp chúng sinh; trừ bóng tối,
Thoát lưới sinh tử bằng Thiền, Giải thoát.
Đây trụ xứ con Phật,
Theo gót chân chư Phật,
Hiện thân khắp quốc độ
Trải qua vô biên kiếp,
Đây trụ xứ con Phật,
Tùy căn cơ chúng sinh,
Hóa thân như mây trời,
Thị hiện khắp khắp mười phương.
Đây trụ xứ Đại sỹ,
Đã vào cảnh giới Phật,
An trụ và du hành
Vô số kiếp không mỏi.
Đây trụ xứ của bậc,
Biết rõ tướng tam-muội,
Vô lượng vô phân biệt;
Thâm nhập, hiện Phật cảnh.
Đây trụ xứ của bậc,
Bằng trí tuệ quảng đại,
Trong một niệm biết rõ
Vô lượng kiếp, Phật danh.
Đây trụ xứ của bậc
Một niệm suốt số kiếp;
Tùy tâm tưởng thế gian,
Không ức tưởng phân biệt.
Phật tử trụ ở đây
Tu tập các tam-muội
Trong mỗi mỗi tâm niệm
Biết rõ pháp ba đời.
Phật tử trụ ở đây
Kiết già, thân không động,
Hiện khắp hết thảy cõi
Trong hết thảy các nẻo.
Đây trú xứ Ngưu vương,
Uống biển pháp chư Phật,
Vào sâu biển trí tuệ,
Đầy đủ biển công đức.
Phật tử trụ ở đây
Biết con số các cõi
Các đời và chúng sinh
Và số danh hiệu chư Phật.
Phật tử trụ ở đây
Trong một niệm tất biết
Quốc độ thành hay hoại
Trong hết thảy ba đời.
Phật tử trụ ở đây
Tu tập Bồ-tát đạo
Noi gương hạnh nguyện Phật
Và tùy căn tánh chúng sinh.
Trong mỗi một hạt bụi
Thấy đại dương quốc độ
Chúng sinh, kiếp, như bụi
Lẫn lộn mà không ngại nhau.
Một hạt bụi như thế
Tất cả thảy bụi cũng thế
Tất cả đều chứa đủ
Thảy đều không ngại nhau.
Phật tử trụ ở đây
Quán khắp hết thảy pháp
Chúng sinh, cõi, thời gian
Không sinh, không tự tánh.
Quán sát lý bình đẳng
Nơi chúng sinh, nơi pháp,
Như lai, quốc độ và nguyện
Và thời gian, thảy bình đẳng.
Phật tử trụ ở đây
Giáo hóa các quần sinh
Cúng dường các Như Lai
Tư duy các pháp tánh.
Vô lượng nghìn vạn kiếp
Tu tập, nguyện, trí, hành;
Bao la không kể xiết
Khen ngợi cũng không cùng.
Các bậc dũng mãnh vĩ đại đó,
Đã thành tựu vô số hành,
An trụ nơi tháp này;
Con chắp tay kính lễ.
Con nay cung kính lễ
Đức Di-lặc tôn quí
Là con trưởng chư Phật,
Thành tựu vộ ngại hành,
Trí vô lậu, vô tướng;
Mong ngài đoái tưởng con.
5
Bấy
giờ[41] Thiện Tài thỉnh cầu Bồ-tát Di-lặc mở Tháp và cho phép mình bước
vào. Bồ-tát đến trước tháp và búng ngón tay, và kìa! cửa mở ra. Thiện
tài hết sức hoan hỉ bước vào, rồi thì cửa tự động khép lại cũng nhiệm
màu như khi mở ra!
Bấy giờ, một quang cảnh hiện ra trước mắt, lạ thay!
Tháp
rộng rãi bao la như hư không. Mặt đất được dát bằng vô số đá quý đủ
loại, và ngay giữa tháp có vô số cung điện, vo số cửa lớn, vô số của sổ,
vô số thềm cấp, vô số lan can, vô số đường đi, tất cả đều được làm bằng
bảy báu. Lại có vô số phướn, lọng, dây giăng, lưới, đủ loại màn buông,
cũng làm bằng vô số các thứ châu báu. Vô số chuông nhỏ reo vang trong
gió, rải vô số các thứ hoa trời, treo vô số giải tràng hoa, đặt khắp nơi
vô số lư hương, mưa vô số lá vàng ròng, treo vô số mắt gương báu, đốt
vô số ngọn đèn, giăng vô số áo đẹp, làm vô số bảo trướng, đặt vô số bảo
tòa bên trên phủ vô số lụa quý.
Lại cũng có vô số
hình tượng, làm bằng vàng ròng diêm-phù-đàn (jambūnada) hay bằng các
châu ngọc – tượng ngọc nữ, tượng Bồ-tát, v.v...
Vô
số loài chim đẹp đang hát du dương, vô số hoa sen nhiều màu nở rộ, vô
số cây báu được trồng thành hàng đều đặn, vô số ngọc ma-ni phóng các tia
sáng chói lọi – và như thế, khắp cùng cả Tháp có vô lượng a tăng kỳ các
thứ đá quý được dùng để trang hoàng.
Và phía
trong Tháp rộng lớn, huy hoàng tráng lệ này, cũng có hàng trăm nghìn vô
số tháp, mỗi tháp đó cũng huy hoàng tráng lệ như Tháp chính, và cũng
rộng lớn như hư không. Và hết thảy vô số tháp này, không đứng riêng rẽ
với nhau; mỗi cái y nguyên bản vị tồn tại của nó trong sự hòa điệu toàn
diện với tất cả tháp khác; ở đây, không có gì cản trở tháp này hỗn nhập
tháp nọ, riêng và chung; có một trạng thái hỗn giao toàn diện, nhưng
hoàn toàn có trật tự. Thiện Tài Đồng tử thấy mình trong hết thảy các
tháp, cũng như trong mỗi một tháp, trong cái một bao hàm tất cả và tất
cả bao hàm một.
Khi thấy mình ở trong cảnh kỳ diệu
này, với tâm trí bay lượn từ cái màu nhiệm này đến cái màu nhiệm nọ,
niềm vui của Thiện Tài không biết đâu là bờ đến. Rời hết thảy các tưởng,
trừ hết thày các chướng, diệt hết thảy các hoặc; vì bấy giờ đang ở giữa
môn vô ngại giải thoát không giới hạn.
Được gia
trì bời uy lực của Bồ-tát Di-lặc, Thiện Tài tự thấy mình có trong hết
thảy các tháp, đồng thấy đủ các cảnh giới tự tại bất khả tư nghị, về
cuộc đời của Bồ-tát Di-lặc. Tức thì thấy Bồ-tát Di-lặc vừa mới phát tâm
cầu chứng vô thượng Bồ-đề; thấy ngài có danh hiệu như vầy, chủng tộc như
vầy, thiện hữu như vầy, gieo trồng thiện căn như vầy, tuổi thọ như vầy,
trang nghiêm cõi Phật như vầy, phát những nguyện như vầy, tham dự chúng
hội Phật và Bồ-tát như vầy, trải qua bao nhiêu kiếp thân cận cúng dường
cung thỉnh Phật như vầy. Như thế tất cả những việc trong đời của Bồ-tát
Di-lặc, Thiện Tài thấy hết.
Lại thấy, Bồ-tát
Di-lặc vừa chứng từ tâm tam-muội (maitra samādhi) như thế nào, mà từ đó
về sau được gọi là Từ Thị (Maitreya). Lại thấy Di-lặc tu các diệu hành,
thành các ba-la-mật, đắc các nhẫn (kṣānti), chứng các trụ địa, thành tựu
các cõi Phật, hộ trì chánh giáo các Như Lai. Lại thấy, Di-lặc chứng ngộ
pháp vô sinh, và được Như Lai thọ ký cho vô thượng Bồ-đề, lúc nào và ở
đâu.
Thiện Tài lại thấy, trong mỗi tháp, Bồ-tát
được một vị Thế giới chủ khuyến thỉnh dìu dắt hết thảy chúng sinh tu
hành mười thiện đạo; được một vị Hộ thế khuyến thỉnh làm lợi ích cho hết
thảy chúng sinh; được Đế Thích (Sakra-Indra) khuyến thỉnh mà điều phục
những bản năng khát dục của chúng sinh; được Phạm thiên khuyến thỉnh mà
tán dương vô lượng phước báo của thiền định; được trời Dạ-ma (Yāma)
khuyến thỉnh mà tán dương vô lượng phước báo của Thiền định; được trời
Dạ ma (Yàma) khuyến thỉnh mà tán dương vô lượng phước báo của hạnh
nhiếp tâm; được trời Đâu-suất (Tuṣita) khuyến thỉnh mà tán dương các
công đức của Bồ-tát sẽ thành Phật trong một đời nữa; được trời Hóa lạc
(Nirmita) khuyến thỉnh mà hiện các biến hóa thân cho thiên chúng thấy;
được trời Tha hóa Tự tại (Vaśavartin) khuyến thỉnh mà diễn thuyết Phật
pháp cho những tùy tùng.
Thiện Tài thấy, hoặc
Bồ-tát hiện làm Ma vương mà thuyết hết thảy các pháp đều vô thường; hoặc
vì Phạm vương mà thuyết thiền định, vô lượng hỉ và lạc; hoặc vì A-tu-la
(Asura) mà lặn vào biển Đại trí để biết rằng hết thảy các vốn như
huyễn, giảng cho A-tu-la vương và quân đội A-tu-la hãy đoạn trừ hết thảy
kiêu mạn, cuồng ngạo và say sưa. Hoặc thấy Bồ-tát phóng đại quang minh
vào cõi chết để cứu vớt chúng sinh khỏi các khổ não của địa ngục; hoặc
thấy Bồ-tát trong thế giới ngạ quỷ bố thí các thứ ẩm thực để cứu giúp sự
đói khát của chúng ngạ quỷ; hoặc thấy Bồ-tát trong cõi súc sinh đặt đủ
các phương tiện để điều phục chúng; hoặc thấy Bồ-tát giảng pháp cho các
chúng hội chư thiên trong các cõi trời Hộ thế, trời Đâu-suất, trời
Dạ-ma, trời Hóa lạc, trời Tha hóa Tự tại và trời Đại Phạm, giảng cho các
chúng hội Long vương (Nāga), Dạ-xoa (Yakṣa), La sát (Rakṣa),
Càn-thát-bà (Gandharva), A-tu-la (Asura), Ca-lâu-đa (Garuḍa), Khẩn-na-la
(Kinnara), Ma-hầu-la-già (Mahoraga), loài người (manuṣya) và phi người
(amanuṣya). Hoặc thấy Bồ-tát giảng pháp cho các chúng hội Thanh văn
(Śrāvaka), Bích-chi-phật (Pratyekabuddha), Bồ-tát (Bodhisattva), từ mới
phát âm cho đến địa vị cứu cánh. Hoặc thấy tán dương các công đức của
các Bồ-tát từ Sơ địa cho đến Thập địa, viên mãn hết thảy ba-la-mật,
chứng nhập hết thảy các nhẫn, thành tựu hết thảy đại tam-muội, thâm nhập
giải thoát, tán dương cảnh giới thần thông do thiền định và tam-muội,
tán dương hạnh của Bồ-tát, đại thệ nguyện của Bồ-tát. Lại thấy Bồ-tát
Di-lặc, cùng các vị Bồ-tát đồng hành khác, tán dương các công xảo của
thế gian, và hết thảy các phương thuật có thể đem lại lợi ích cho chúng
sinh. Lại thấy Bồ-tát Di-lặc, cùng với các Bồ-tát sẽ thành Phật trong
một đời nữa, tán dương Quán đỉnh (Abhiṣekha) của hết thảy chư Phật. Lại
thấy Bồ-tát Di-lặc tinh tấn không hề mỏi mệt, tu tập các thiền định và
bốn vô lượng tâm, các biến xứ (kṛtsnāyatana), và các giải thoát, hoặc
nhập tam-muội mà thị hiện các năng lực thần biến.
Thiện
Tài lại thấy Bồ-tát Di-lặc cùng với các Bồ-tát khác nhập vào tam-muội
và từ mỗi lỗ chân lông hiện ra vô số hóa thân như mây: mây thiên chúng,
mây long vương, mây Dạ-xoa, mây Càn-thát-bà, mây A-tu-la, mây Ca-lâu-la,
mây Khẩn-na-la, mây La-hầu-la-già, mây Đế Thích, mây Phạm vương, mây Hộ
thế, mây Chuyển luân thánh vương, mây Tiểu vương, mây Vương tử, mây Đại
thần, mây Quan thuộc, mây Trưởng giả, mây Cư sĩ, mây Thanh văn, mây
Bích-chi-phật, mây Bồ-tát, mây Như Lai, mây hết thảy chúng sinh.
Bấy
giờ Thiện tài nghe hết thảy các pháp môn của Phật phát ra du dương từ
mỗi lỗ chân lông của hết thảy các Bồ-tát như tán thuyết công đức của
Bồ-đề tâm, tán thuyết bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền
định, trí tuệ, bốn nhiếp sự, bốn vô lượng tâm, các tam-muội (samādhi),
tam-ma-bát-để (samapatti), các thần thông, các minh huệ (vidyā), các
tổng trí (dhāraṇi), biện tài (pratibhāna), các đế (satya), các trí, chỉ
(śamatha), quán (vipaśya), giải thoát, các duyên, các y (pratiśaraṇa),
các tự thuyết (udāna), các niệm xứ, các tinh cần (upasthāna), các thần
túc, các căn, lực, bảy giác chi, Thánh đạo tám chi, Thanh văn thừa,
Bích-chi-phật thừa. Bồ-tát thừa, các nhẫn, các hành, các nguyện.
Thiện
Tài lại thấy các Như Lai có đại chúng vây quanh; hoặc thấy các nơi Phật
giáng sinh, thấy giòng họ, thân hình, tuổi thọ, số kiếp, quốc độ, danh
hiệu, các pháp hội, các phương tiện lợi sinh, các giai đoạn kế thừa,
v.v..., với tất cả sai khác nơi các Như Lai.
Thiện
Tài lại thấy một tòa tháp đặc biệt cao rộng và trang nghiêm huy hoàng
nhất, tráng lệ vô song, ở giữa hết thảy những tòa tháp được nhìn thấy
bên trong tháp Tì-lô-giá-na. Trong tòa tháp vô tỷ này, Thiện Tài thấy cả
ba nghìn đại thiên thế giới trong chớp mắt, gồm cả trăm ức cõi trời
Đâu-suất (Tuṣita). Và trong mỗi thế giới đó, lại thấy, Bồ-tát Di-lặc
giáng thần đản sinh, Đế Thích (Śakra), Phạm vương (Brahma) và các thiên
thần đang kính lễ Bồ-tát, ngài đi bảy bước, quay nhìn mười phương, cất
tiếng rống sư tử, rồi hiện làm đồng tử trong triều đình, rời cung điện,
nơi du hí, rồi bỏ đi cầu Nhất thiết trí, rồi tu khổ hạnh, nhận sữa, rồi
bước tới Đạo tràng, chinh phục Ma quân, thành tựu vô thượng chánh giác
dưới cội Bồ-đề, Phạm vương khuyến thỉnh chuyển pháp luân, Phật đến các
cõi trời giảng pháp; và kiếp số, tuổi thọ,chúng hội trang nghiêm, quốc
độ thanh tịnh, tu các hành và nguyện, giáo hóa thành thục chúng sinh,
phân bố xá-lợi, sự tồn tại Chánh pháp, thảy đều khác nhau nơi mỗi Phật,
đều được thấy hết.
Lúc bấy giờ Thiện Tài thấy mình
cũng ở nơi các đức Phật đang thi hành vô số Phật sự trong vô số chúng
hội. Liền ghi nhớ sâu xa những cảnh tượng này, vĩnh viễn không quên.
Rồi
thì, ThiệnTài nghe hết thảy những chuông, những linh, những lưới ngọc,
hết thảy các nhạc cụ trong hết thảy các tòa tháp diễn thuyết vô số giáo
pháp trong một tiết tấu hòa nhã không thể nghĩ bàn. Mỗi âm thanh phát ra
là một bài thuyết pháp; hoặc thuyết Bồ-tát phát tâm mong cầu giác ngộ;
hoặc thuyết tu hành các Ba-la-mật; hoặc thuyết các nguyện; hoặc thuýêt
các Bồ-tát địa; hoặc thuyết cung thỉnh và cúng dường các Như lai; hoặc
thuyết sự trang nghiêm các cõi Phật; hoặc thuyết những pháp thoại sai
biệt của chư Phật – tất cả những giáo thuyết đó được nghe tuyên dương
đầy đủ bằng tiếng nhạc trời.
Thiện Tài lại nghe có
âm thanh nói, chỗ nào có Bồ-tát nào đang giảng thuyết pháp nào, thiện
trí thức nào đã khuyến khích phát Bồ-đề tâm, trong kiếp nào quốc độ nào
tại chúng hội nào nghe Phật nào giảng pháp.
Thiện
Tàai lại nghe có âm thanh nói, các Bồ-tát này vì các công đức này, nên
phát tâm như thế, phát nguyện như thế, gieo trồng thiện căn rộng lớn như
thế, và, sau khi trải qua một số kiếp như thế tu các Bồ-tát hành, thành
Chánh giác với những danh hiệu như thế, tuổi thọ như thế, cụ túc trang
nghiêm các quốc độ như thế, các Thanh văn như thế, các Bồ-tát như thế,
và sau khi niết-bàn, Chánh pháp vẫn tiếp tục lưu truyền vì sự ích lợi và
hạnh phúc của hết thảy chúng sinh.
Thiện Tài lại
nghe có âm thanh nói, những Bồ-tát này, tại chỗ này, tu hành sáu
ba-la-mật; những Bồ-tát kia, lìa bỏ ngai vàng và hết thảy tài bảo trân
quý, cho đến tay chân, đầu mặt, trọn cả thân thể, xả bỏ không oán hận,
vì Chánh pháp; lại có những Bồ-tát khác, ở những nơi khác, để hộ trì
Chánh pháp của hết thảy các Như lai không cho đoạn diệt, nên trở thành
những đại pháp sư, tinh tấn truyền bá, dựng các tháp Phật, các điện
Phật, tạo các tượng Phật, và cũng mang lại cho dân chúng những gì khiến
họ được hoan hỷ.
Thiện Tài lại nghe âm thanh khác
nói, các Như lai ấy thị hiện những chỗ ấy và trong những kiếp ấy, sau
khi thành Chánh giác, đang trụ thế tại những xứ ấy, và giáo hóa vô số
chúng sinh ấy.
Khi nghe những âm thanh hòa nhã dịu
ngọt này, không thể nghĩ bàn nổi, Thiện Tài Đồng tử hoan hỷ phấn chấn
vô cùng, liền chứng đắc vô số các tổng trì (dhāraṇi), các biện tài, các
hành và nguyện, các ba-la-mật, các thần thông, các trí tuệ, các kiến
văn, các giải thoát và các tam-muội.
Thiện Tài lại
thấy trong hết thảy các mặt gương có vô số những ảnh và tượng đủ loại.
Hoặc thấy có những chúng hội đạo tràng của chư Phật, của Bồ-tát, của
Thanh văn, của Bích-chi-phật; hoặc thấy có những quốc độ uế trược, những
quốc độ thanh tịnh, những thề giới không Phật, những thế giới rộng lớn
trung bình và nhỏ hẹp, những thế giới, như màng lưới của trời Indra,
những thế giới gồ ghề, những thế bằng phẳng, những thế giới có địa ngục,
ngạ quỷ, các loài súc sinh, những thế giới mà các loài trời và loài
người ở.
Và trong các thế giới này có vô số Bồ-tát
đang đi hay ngồi, đang làm các công việc, đang mở rộng lòng từ bố thí,
đang viết các luận làm lợi ích chúng sinh, đang thọ trì các luận với sư
trưởng, đang hộ trì các luận cho những thế hệ tương lai, đang sao chép,
đang tụng đọc, đang hỏi han, đang giải đáp, đang sám hối mỗi ngày ba
thời, và đang hồi hướng phước báo cho giác ngộ, hoặc đang lễ bái vì hết
thảy chúng sinh.
Lại thấy hết thảy các
cột phóng ra đủ loại ánh sáng ngọc ma ni: xanh, vàng, đỏ, trắng, màu pha
lê, màu thủy tinh, màu mống cầu, màu vàng ròng, hay các thứ màu quang
minh.
Lại thấy các tượng của các đồng nữ, bằng thứ
vàng diêm-phù-đàn (jambūnada), và những tượng khác, bằng các loại ngọc
quý. Hoặc có tượng cầm trong tay những đám mây hoa, hoặc những mây xiêm
áo, cờ phướn, dù lọng; hoặc mang đủ các loại hương, những lưới ngọc ma
ni; hoặc đeo những vòng vàng, chuỗi ngọc; hoặc đeo các loại trang sức
nơi cánh tay; hoặc trang sức bằng các mão ngọc; tất cả đều cúi mình
chiêm ngưỡng Như lai không nháy mắt.
Thiện Tài lại
thấy nước thơm có tám thứ công đức chảy ra từ các chuỗi ngọc, những tia
sáng dài tỏa ra từ những xâu chuỗi bằng lưu li; lại thấy những phướn,
những lưới, những cờ xí, những tàn lọng, tất cả đều được làm bằng đủ
loại châu báu, trông đẹp mắt vô cùng.
Thiện Tài
thấy những ao hồ trồng đủ các loại hoa sen như ưu-bát-la (utpala; sen
xanh), câu-vật-đầu (kumuda: bông súng trắng), phân-đà-lị (puṇḍarīka: sen
trắng), bát-đầu-ma (padma: sen hồng, đỏ), mỗi thứ nở vô lượng hoa vô
cùng tráng lệ; và ở giữa mỗi đoá hoa thảy đều thị hiện đủ loại sắc tượng
thật là đẹp, tất cả trong dáng cúc cung, và chấp tay kính cẩn: nào là
đàn ông, đàn bà, đồng nam, đồng nữ, Đế Thích, Phạm vương, Hộ thế
(Lokapãla), thiên thần (Deva), rồng, Dạ xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la,
Ca-lâu- đà, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Thanh văn, Bích-chi-phật và
Bồ-tát.
Thiện Tài thấy các Như Lai, ngồi kiết già, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm của bậc đại trượng phu.
Thiện
Tài thấy mặt đất hoàn toàn được dát lưu li, trong từng mỗi bước thực
hiện đủ các sắc tượng lạ lùng như: các cõi Phật, các Bồ-tát, các Như Lai
và các tòa tháp trang nghiêm.
Thiện Tài thấy
những cây bằng ngọc, cành, lá, hoa và quả thảy đều thị hiện sắc tượng
bán thân một cách kỳ diệu của các Phật, các Bồ-tát, các Thiên thần, các
Rồng, các Dạ-xoa, Hộ thế, Chuyển luân thánh vương (Cakravartin), tiểu
vương, vương tử, đại thần, quan trưởng và bốn chúng Phật tử. Trong số đó
hoặc có sắc tượng mang các tràng hoa trong tay, hoặc mang các tràng anh
lạc, hoặc các loại trang sức khác. Hết thảy đều đang ở trong dáng cúc
cung, chắp tay, chiêm ngưỡng chư Phật không nháy mắt. Hoặc tán thán chư
Phật, hoặc thâm nhập thiền định. Thân thể của chúng tỏa ra đủ các loại
hào quang trong nhiều màu sắc, kim nhũ, bạc, san hô, đâu-sa-la (tūṣara),
đế thanh (Indra xanh), ngọc tì-lô-giá-na (vairocana), chiêm-bặc,
(campaka), v.v...
Thiện Tài thấy trong các tượng
bán nguyệt trong các tháp có vô số mặt trời, mặt trăng, tinh tú, đủ loại
tinh hà, sáng tỏ cả mười phương.
Thiện Tài thấy
hết thảy các tháp mà chung quanh mọi phía có những tường trang nghiêm đủ
loại châu báu trong từng mỗi bước, và trong mỗi châu báu này thấy hiện
lên Bồ-tát Di-lặc như từng tu các hạnh Bồ-tát trong quá khứ. Hoặc ngài
đang bố thí đầu, mắt, tay chân, môi, răng, lưỡi, xương, tủy, v.v... Hoặc
lại thấy ngài đang bố thí hết thảy sở hữu như: vợ, thê thiếp, đồng bộc
nam, nữ, quốc thành, cung điện, làng xóm, xứ sở, và cả đến ngai vàng,
cho những ai cần đến chúng. Ngài giải thoát những ai giam giữ trong tù
ngục, ngài cởi thả những ai bị trói buộc, ngài chữa trị những bệnh tật,
dắt dẫn những ai lạc lối đến con đường chánh. Khi làm một thuyền trưởng,
ngài giúp mọi người vượt qua biển; khi làm phu xe ngài đưa mọi người
qua những hiểm nạn; khi làm một đại hiền triết ngài giảng đủ các luận;
khi làm một hoàng đế ngài tu hành thập thiện và khuyên dạy mọi người
cũng làm theo; khi làm một y sĩ, ngài cứu chữa đủ các chứng bịnh. Đối
với cha mẹ, làm một người con hiếu; đối với bằng hữu, làm một người bạn
trung tín. Hoặc thành một vị Thanh văn, một Bích-chi-phật, một Bồ-tát,
một Như Lai, thì giáo giới, giáo hóa, điều phục hết thảy chúng sinh.
Hoặc làm một vị Pháp sư để phụng sự cho chính nghĩa của Phật pháp bằng
phụng hành, thọ trì, đọc tụng, tư duy theo con đường ngay chính, hoặc
bằng cách xây tháp (caitya) thờ Phật, đặt các tượng Phật, tự mình cung
kính và khuyên kẻ khác cũng cung kính, cúng dường hương hoa, những sự tu
hành lễ bái như thế tiếp nối không dứt.
Lại thấy
Bồ-tát Di-lặc đang ngồi trên tòa sư tử vì hết thảy chúng sinh mà giảng
pháp, dạy họ tu mười thiện nghiệp, quy y Tam bảo, hộ trì ngũ giới và bát
quan trai giới (poṣadha). Lại nữa, ngài giáo hóa mọi người sống đời
phạm hạnh, nghe pháp, thọ trì, đọc tụng và tư duy pháp một cách như lý.
Bồ-tát lại thị hiện đang tu sáu ba-la-mật và các công hạnh khác trải qua
vô lượng vô số kiếp; lại thấy hết thảy những thiện tri thức mà Di-lặc
đã từng phụng sự trong quá khứ, thảy đều đầy đủ các công đức nghiêm
trang. Lại thấy Bồ-tát Di-lặc được hết thảy các thiện tri thức thân cận
hộ trì.
Rồi thì các vị thiện tri thức này nói:
“Này Thiện Tài, hoan nghinh Thiện Tài! Ông hãy xem hết thảy sự bất khả
tư nghị đó của Bồ-tát, chớ sinh tâm mệt mọi!”
6
Sau
đó, kinh tiếp tục giải thích bởi đâu mà Thiện Tài, đồng tử được Bồ-tát
Di-lặc cho phép chứng kiến tất cả những mầu nhiệm này.
Sở
dĩ Thiện Tài đồng tử được thấy tất cả những sự này, và cô số những thần
thông biến hóa bất khả tư nghị khác, là vì đã được năng lực ghi nhớ chớ
không hề quên, là vì đã được con mắt thanh tịnh nhìn suốt khắp mười
phương, vì đã được trí vô ngại, vì đã được trí Bồ-tát, gia trì lực và tự
tại lực của Bồ-tát, vì đã được trí quảng đại của Bồ-tát đã vào Sơ địa.
Cũng
y như một người nằm mộng, thấy đủ các sự việc như: thành, ấp, tụ, lạc,
cung điện, vườn núi, ao, hồ, y phục, ẩm thực, và hết thảy nhu yếu phẩm
của đời sống. Y lại thấy nào cha, mẹ, anh, em, thân quyến, biển lớn, núi
Tu-di, cung điện của chư thiên, cõi Diêm-phù-đề (Jambudvīpa) v.v...Y
lại thấy thân thể mình trải rộng ra hằng mấy trăm do-tuần (yojyana)[42]
và phòng xá, đồ trang sức hay những thứ khác thảy đều vừa vặn tương
xứng. Mặc dù kinh nghiệm của y có thể kéo dài chỉ một ngày hay một đêm, y
vẫn tưởng nó đã là một thời kỳ dài vô kể, và y đã là người thụ hưởng
mọi thứ dục lạc trong khoảng thời gian đó. Nhưng khi tỉnh giấc y biết
rằng tất cả hiện ra cho mình đều trong một giấc mộng dù y vẫn nhớ lại
hết mọi việc.
Cũng vậy, Thiện Tài đã chứng kiến
hết thảy sự thần biến (vikurvta) này vì là nhờ những năng lực gia trì
của Bồ-tát Di-lặc, vì biết rằng ba cõi thế gian như mộng, vì đã chấm dứt
kiến giải chật hẹp của hàng chúng sinh, vì đã thành tựu trí giải rộng
lớn vô ngại, vì đã an trụ trong trí tuệ vô tỉ và cảnh giới tối thắng của
Bồ-tát, vì có phương tiện trí bất khả tư nghị có thể tùy thuận theo các
kiến giải của hết thảy chúng sinh.
Như một người
sắp chết, y thấy tất cả những gì sẽ xảy ra cho y sau khi chết đều phù
hợp với đời sống sinh tiền của y. Nếu trước kia y là một kẻ làm ác, y sẽ
cảm thấy địa ngục, hay cảnh giới ngạ quỷ, hay cảnh giới súc sinh, chịu
đủ mọi hình thức khổ não. Y có thể thấy quỷ sứ cầm khí giới khiếp đảm
hành hạ những kẻ nào rơi vào tay chúng. Y có thể nghe những tiếng kêu
than hay khóc thét khổ sở. Y có thể thấy một dòng thác than đỏ, chảo
dầu, núi dao, rừng chông, cây lá bằng kiếm – tất cả cốt để bức bách
thống khổ tội nhân. Trong khi đó, kẻ hành thiện có thể thấy những cung
điện, những thiên thần, những thiên nữ, những y phục diễm lệ, những vườn
tược, những tháp gác huy hoàng v.v...Mặc dù họ chưa chết hẳn, vì bởi
nghiệp của mình, họ có thể thấy những huyễn cảnh như thế trước mắt. Cũng
vậy, Thiện Tài đã có thể thấy những cảnh thần biến đó, là nhờ nghiệp
lực Bồ-tát bất khả tư nghị.
Lại nữa, như người bị
quỷ nhập, có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào. Thiện Tài đã có thể thấy
những sự thần biến đó và có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào là vì được
gia trì bởi trí tụê của Bồ-tát Di-lặc.
Lại nữa,
như có người, do ma lực của rồng, tưởng mình là rồng. Nên bước vào cung
điện của chúng, và, qua một thời gian vắn ở đây, nghĩ rằng đã trải qua
một năm chung đụng với chúng. Thiện Tài, vì đã an trụ trong trí tuệ của
Bồ-tát và cùng do sức gia trì của Bồ-tát Di-lặc, đã có thể thấy những
biến cố của hàng mấy vạn kiếp chỉ trong một chớp mắt.
Lại
nữa, như cung điện Phạm vương có tên Trang nghiêm tạng (Vyūhagarbha)
vượt hơn hết thảy thế gian này; trong đó bao hàm cả đại thiên thế giới
nhưng mọi vật không tạp loạn; tất cả mọi vật trong tòa tháp Tì-lô Trang
nghiêm mà Thiện Tài đã thấy, cũng vậy, được sắp đặt rất có ngăn nắp mà
hết thảy những sự khác nhau hoàn toàn không lẫn lộn với nhau.
Lại
nữa, như một Tì khưu nhập biến xứ định (kṛtsnãyatana-samāpatti), dù đi
đứng hay nằm ngồi, tùy theo ánh sáng của thiền định mà mình nhập vào,
thấy các cảnh giới hiện tiền, Thiện Tài cũng thấy rõ ràng hết thảy những
cảnh thần biến trong tòa lâu các này.
Lại nữa,
như một người đang thấy thành của Càn-thát-bà (Gandhvara) giữa hư không,
đầy đủ tất cả các loại trang nghiêm mà không gián tạp, không ngăn lại
lẫn nhau.
Lại nữa, như chỗ ở của dạ-xoa và thế
giới của loài người đồng tại một chỗ, nhưng cách biệt nhau tùy theo
nghiệp lực mà thấy mỗi bên.
Lại nữa như biển cả, nơi đó người ta có thể thấy phản chiếu mọi vật trong đại thiên thế giới.
Lại
nữa, như nhà huyễn thuật, vì hiểu biết nghệ thuật này, có thể biến hiện
đủ loại vật mà khiến chúng cùng làm một việc như nhau.
Cũng
vậy, Thiện Tài, vì năng lực bất khả tư nghị của trí như huyễn đã có thể
thấy hết thảy những thần thông biến hóa trong tòa tháp này.
7
Lúc bấy giờ, Bồ-tát Di-lặc thâu nhiếp thần lực, bước vào tháp, búng ngón tay rồi bảo Thiện Tài đồng tử như vậy:
“Này
thiện nam tử, hãy đứng dậy! Pháp tánh vốn như thế, do sự tích tụ và tập
hợp của các nhân duyên nên hiện ra tướng như thế, tự tánh vốn như thế,
không tự thành tựu, như mộng, như huyễn, như ảnh tượng.”
Ngay
khi ấy, Thiện Tài vừa nghe tiếng búng ngón tay liền xuất khỏi tam-muội.
Di-lặc tiếp tục: “Ông có thấy không, những thần thông biến hóa của
Bồ-tát, những lưu xuất năng lực của Bồ-tát, sự quảng bá những nguyện và
trí của Bồ-tát, niềm hoan hỉ tịnh lạc của Bồ-tát, những công hạnh của
Bồ-tát, vô số trang nghiêm cõi Phật, những thệ nguyện vô thượng của các
Như Lai, giải thoát bất khả tư nghị của Bồ-tát, ông có thấy và theo dõi
thông suốt những điều đó chăng?”
Thiện Tài nói
“Bạch Thánh giả, dạ có, ấy là do thần lực gia hộ của thiện tri thức.
Bạch Thánh giả, vậy môn giải thoát này gọi là gì?”
Di-lặc:
“Môn giải thoát này gọi là Trang nghiêm tạng (vyūhagarbha) trong đó
chứa đựng, ghi nhớ, không hề quên trí tuệ về hết thảy ba nghìn thế
giới[43]. Thiện nam tử, trong môn giải thoát này lại có bất khả thuyết
bất khả thuyết môn giải thoát nữa, chỉ có Bồ-tát nhất sinh[44] mới có
thể chứng đắc ”.
Thiện Tài: “Bạch Thánh giả, những sự trang nghiêm này rồi đi về đâu?”
Di-lặc: “Đi về chỗ đến”.
Thiện Tài: “Từ đâu đến?”
Di-lặc:
“Từ thần lực trí tuệ của Bồ-tát mà đến; nương thần lực trí tuệ của
Bồ-tát mà trụ. Không có chỗ đi, cũng không có chỗ trụ, không có tích
tập, không có tăng gia, không có thường trụ, không có sở trước, không có
sở y trên mặt đất hay giữa hư không.
“Này thiện
nam tử, như Long vương làm mưa lũ: mưa không từ thân tuôn ra, không từ
tâm tuôn ra, không có sự tích tập nào trong nó, nhưng mưa tuôn ra từ
niệm lực của Long vương – và mưa tuôn khắp cả thế gian. Cảnh giới như
vậy không thể nghĩ bàn.
“Này thiện nam tử, những
sự trang nghiêm mà ông đã thấy cũng vậy. Không từ bên trong mà có, không
từ bên ngoài mà có, nhưng nó có trước mắt ông, có từ oai thần của
Bồ-tát, vì thiện căn mà ông đã thành tựu.
“Này
thiện nam tử, như nhà huyễn thuật làm trò huyễn hóa, chúng không từ đâu
đến, không đi về đâu, nhưng hiển hiện trước mắt mọi người bởi vì ma lực
của chú thuật.
“Cũng vậy, này thiện nam tử, những
sự trang nghiêm mà ông đã thấy, chúng không từ đâu đến, không đi về đâu,
không tụ tập nơi đâu; chúng hiển hiện là do Bồ-tát muốn tập học trí như
huyễn bất khả tư nghị, và do đại oai lực của những nguyện và trí của
Bồ-tát”.
Thiện Tài: “Bạch Thánh giả, Ngài từ đâu đến?”
Di-lặc:
“Bồ-tát không đến không đi, như thế mà đến. Bồ-tát không bước không
dừng, như thế mà đến; không sống không chết, không ở lại không bỏ đi,
không rời không dậy, không cầu không thủ, không nghiệp không báo; không
sinh không diệt, không thường không đoạn, như thế mà đến.
“Này
nữa, thiện nam tử, Bồ-tát đến như vậy: đến từ chỗ đại bi, vì mong điều
phục hết thảy chúng sinh; từ chỗ đại từ mà đến vì muốn cứu hộ hết thảy
chúng sinh thoát khỏi khổ não; đến từ chỗ tịnh giới, vì muốn thọ sinh
vào những nơi tùy thích; đến từ chỗ đại nguyện viên mãn, vì năng lực của
những thệ nguyện xưa kia; đến từ chỗ thần thông, vì muốn hiện thân theo
sở thích chúng sinh; đến từ chỗ không dao động, vì không hề lãng xa gót
Phật; đến từ chỗ không thủ xả vì đi hay đến không nhọc thân và tâm; đến
từ chỗ trí tuệ phương tiện vì để tùy thuận hết thảy chúng sinh; đến từ
chỗ thị hiện biến hóa, vì tất cả hóa hiện đều như ảnh, như tượng.
“Như
thế đó, này thiện nam tử, nhưng ông hỏi ta từ đâu đến. Này thiện nam
tử, ta đến từ sinh quan xứ Ma-la-đề (Maladi)[45]. Đến đó để giảng pháp
cho thanh niên tên Cù-ba-la (Gopālaka)[46] và hết thảy mọi người nơi
sinh quán của ta tùy theo căn cơ của họ. Và cũng để đưa cha mẹ, thân
quyến, bà-la-môn, và mọi người vào con đường của Đại thừa...”
8
Đến
đây, chúng ta hãy xác định đâu là trụ xứ rốt ráo của Bồ-tát Di-lặc
(Maitreya-Bodhisattva) –tượng trưng cho tất cả quyến thuộc của các
Bồ-tát – và cũng xác định luôn trụ xứ đó là gì. Chúng ta ghi nhận những
điểm sau đây:
Bởi vì óc tưởng tượng của người
Ấn-độ quả thực phong phú hơn và sáng tạo hơn của người Trung Hoa, nên sự
mô tả về tháp Tì-lô-giá-na trang nghiêm tạng
(Vairocana-alaṅkāra-vyūha-garbha) – trụ xứ của quả vị Bồ-tát – sự mô tả
ấy thoạt nhìn qua có thể thấy nó hoàn toàn khác hẳn với cung cách tự
biểu hiện của Thiền sư Trung Hoa, một cung cách đơn giản và trực tiếp.
Khi Thiền sư được hỏi về chỗ ở (trụ xứ) của mình, ông không phí lời diễn
tả, không chút dài dòng, như chúng ta đã thấy. Đây là cái đặc sắc nhất
của Thiền, trong khi Gaṇḍavyūha đi xa hơn thiền; vì rằng Gaṇḍavyūha
không thoả mãn với cung cách chỉ trỏ vào ngôi tháp mà thôi, hay chỉ bước
vào trong đó bằng một cái búng tay, hay xiển dương bằng một bài thơ bài
cú Nhật:
これは これは
とばかり花の
吉野山
Ồ ! Đây Yoshino!
Nói gì thêm nhỉ?
Hoa anh đào điểm tô ngọn núi!
Mọi
hình thái tưởng tượng đều được vận dụng để gợi lên óc tưởng tượng của
độc giả cho thấy bản chất chân thật của ngôi tháp. Tuy nhiên, chúng ta
có thể nói, tính cách đa ngôn này giúp độc giả làm quen với cảnh tượng
kỳ diệu đó hữu hiệu hơn cung cách của Thiền sư, bởi chúng ta thấy rằng:
1. Ngôi tháp của Bồ-tát Di-lặc chính là Pháp giới (dharmadhātu);
2.
Pháp giới đó, về một mặt, khác với Thế gian giới (lokadhātu) vốn là thế
giới của tương đối và cá biệt này, nhưng mặt khác Pháp giới cũng là Thế
gian giới;
3. Pháp giới không phải là một cái chân không được lấp
đầy bằng những cái trừu tượng rỗng tuếch, mà là cái dày đặc của những
thực tại cá biệt cụ thể, như chúng ta thấy trong cách sử dụng những từ
vyūha và alaṅkāra;
4. Dù rằng Pháp giới tràn ngập thiên hình vạn trạng, nhưng rất có trật tự;
5.
Trật tự đó được mô tả: asya kūṭāgāravyūhā anyonyā saṃbhinnā anyonyā
maitrībhūtā anyonyā saṅkīrṇāḥ pratibhāsayogena‘bhāsam
agamannekasminnārambaṇe yathā caikasminnārabaṇe tathā
‘śeṣa-sarvārambaṇeṣu; [47]
6. Vì vậy, trong Pháp giới, hết thảy mọi
sự vật cá biệt giao thiệp nhau, nhưng mỗi sự vật vẫn duy trì trọn vẹn
cá biệt tính trong tự thân.
7. Mọi vật không những giao thiệp nhau
toàn triệt, theo đó, trong một vật phản chiếu tất cả những vật khác, mà
ngay trong mỗi vật đó cũng đều có phản chiếu một nhân vật gọi là Thiện
Tài (Sudhana).
8. Và vì vậy, Pháp giới thường được đặc trưng là vô
ngại (anāvarṇa), nghĩa là tất cả cùng hỗ tương dung nhiếp mặc dù chúng
vẫn phân lập và đối ngại lẫn nhau.
9. Pháp giới là một thế giới phóng
quang, trong đó mỗi vật thể trang nghiêm (alaṅkāra) không những ngời
sáng trong ánh sáng nhiều màu của nó, vả lại nó cũng không từ chối tiếp
thâu hay phản chiếu ánh sáng của những vật thể khác trong nguyên dạng
của chúng.
10. Tất cả những hiện tượng kỳ diệu này, và đấy chính là
pháp giới, trỗi dậy nhờ năng lực gia trì của Bồ-tát, mà Gaṇḍavyūha biểu
tượng bằng “cái búng tay”.
11. Năng lực gia trì đó (adhiṣṭhāna), dù
không được xác định một cách hiển nhiên, được cấu tạo bằng Nguyện
(paraṇidhāna) và Trí (jñāna) của Bồ-tát.
12. Khi Pháp giới này, nơi
xuất hiện cảnh tượng huy hoàng và không thể nghĩ, được diễn tả trên
phương diện tâm lý, Gaṇḍavyūha nói: abhiṣyanditakāyacittaḥ,
sarvasaṃjñāgatavidhūtamānasaḥ sarvāvaraṇa-vivarjitacittaḥ
sarvamohavigataḥ [48]. Và chính trong tâm trạng này mà Thiện Tài có thể
nhớ lại tất cả những gì đã thấy và đã nghe, có thể chiêm ngưỡng thế
giới bằng một cái nhìn không bị chướng ngại trong bất cứ chiều hướng vận
hành nào của nó, và có thể chuyển dịch trong Pháp giới bằng thân thể
của mình, không có gì ngăn cản những vận động hoàn toàn tự do của nó.
Hãy
so sánh sự kiện này với lối dạy Đạo Nguyên (Dōgen) và thầy là Như Tịnh.
Đạo Nguyên là người khai sáng Tào động tông Nhật Bản, khi còn học Thiền
ở Trung Hoa, thường được tôn sư bảo cho rằng: “Thân tâm tan rã; tan rã
thân tâm.” Đạo nguyên lặp lại ý tưởng này trong các bài thuyết pháp của
mình: “Tan rã! Tan rã! Hết thảy các ngươi phải một lần kinh nghiệm qua
tình trạng này; nó như dồn trái cây vào một cái giỏ thủng đáy, hay rót
nước vào một cái bát thủng lỗ; dù các ngươi có dồn hay rót bao nhiêu,
cũng chẳng thể đầy được. Khi nhận ra thế, chúng ta có thể nói, cái đáy
thùng bị bể rồi. Bao lâu còn có một dấu vết tâm thức khiến các ngươi nói
rằng: ‘Tôi lãnh hội như thế này hay tôi nhận thức như thế kia’, thì các
ngươi vẫn còn đùa với những cái bất thực.”
9
Người
ta có thể ngờ rằng, khi ngôi Tháp được mô tả bằng những kiểu cách như
thế, nó là một sự sáng tạo có tính cách biểu tượng phát xuất từ những
khái niệm triết lý trừu tượng. Quả thực, cảnh tượng mầu nhiệm lạ lùng ấy
đã từng là chủ đích của suy luận siêu hình nơi một số trí thức Trung
Hoa có thiên tư dĩnh ngộ, và từ họ đã nảy ra cái mà ngày nay chúng ta
gọi là Hoa nghiêm tông. Nhưng tôi quá đỗi hoài nghi, chẳng biết lối hệ
thống hóa có tính cách triết lý đó có ích lợi gì cho việc lãnh hội trung
thực Gaṇḍavyūha hay không; nghĩa là, người ta có đạt đến ý nghĩa sâu
nhất và thực nhất của Tháp Tì-lô-giá-na (Vairocana) bằng cách phân tích
như thế hay không, và có làm cho nó khá dễ lãnh hội hơn bằng trí năng
hay không. Tôi không cốt ý nói rằng những tâm hồn lớn của Trung Hoa ấy
làm một việc hoàn toàn không cần thiết đối với bước tiến của nền văn hóa
nhân loại. Mà tôi muốn nói rằng, kết quả hệ thống hóa của họ về
Gaṇḍavyūha đã là một sự thúc đẩy giá trị tâm linh đằng sau bức màn lý
trí, và từ đó tôi muốn nói rằng độc giả phổ thông bấy giờ cần phải khám
phá thông điệp nguyên thủy của nó trong tinh thần duy niệm của sự phân
tích suy luận của chính nó. Nếu quả thực đấy đã là trường hợp quán xuyến
lịch sử Gaṇḍavyūha, nó sẽ là một tình cảnh bất hạnh nhất. Tuy nhiên, để
thấy hàng trí thức thượng đẳng của Trung Hoa đã nổ lực tiếp nhận những
sự lạ của tháp Tì-lô-giá-na như thế nào, tôi xin phép nhắc đến cái gọi
là thuyết bốn Pháp giới do Trừng Quán đề ra, và xét luôn đến lý thuyết
tương tức của Pháp Tạng.
Quan niệm về bốn Pháp
giới không hoàn toàn khởi sáng với Trừng Quán,[49] người được coi là
sống trên trăm tuổi (738-839). Quan niệm này gần như được báo trước khá
rõ rệt bởi các tiền bối của ông, như Pháp Tạng (643-721), Trí Nghiễm
(602-668), và Đỗ Thuận (557-640), nhưng chính do sự thiết định cuối cùng
của Trừng Quán mà triết lý của Gaṇḍavyūha được đồng nhất với thuyết bốn
Pháp giới. Theo đây, có bốn cách nhìn Pháp giới (dharmadhātu): 1) Pháp
giới như một thế giới của những vật thể cá biệt, trong đó chữ giới
(dhātu) có nghĩa là “cái cách biệt”; 2) Pháp giới như là sự hiển hiện
của nhất tâm (ekacitta) hay một bản thể cơ bản (ekadhātu); 3) Pháp giới
như là một thế giới trong đó tất cả những hiện hữu riêng biệt của nó
(vastu) có thể đồng nhất được với một tâm làm nền tảng; 4) Pháp giới như
là một thế giới trong đó mỗi một vật thể riêng biệt của nó đồng nhất
với mọi vật thể riêng biệt khác, mà tất cả những giới hạn phân cách giữa
chúng thảy đều bị xóa bỏ.
Trong bốn cách nhìn về
Pháp giới, cách cuối là đặc sắc nhất của giáo thuyết Gaṇḍavyūha khác hẳn
với các tông phái Phật giáo khác. Theo Pháp Tạng, trong chuỗi số vô hạn
sau đây:
a1, a2, a3, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10, ...
mỗi
hạng từ có thể được coi là có tương quan với những hạng từ khác bằng
hai cách, trên phương diện tồn tại và trên phương diện tác dụng hay trên
phương diện tĩnh và động. Trên quan điểm tồn tại, mối tương quan đó
được gọi là tương tức, nghĩa là, đồng nhất, vậy:
a1 = a2, a3, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10, ...
a2 = a1, a3, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10, ...
a3 = a1, a2, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10, ...
vân
vân. Mối tương quan của mỗi hạng từ đối với toàn thể chuỗi số sao cho
a1 là a1 do bởi chuỗi số, rồi chuỗi số mà có ý nghĩa cũng do bởi a1. Mối
tương quan có thể đảo ngược, và người ta có thể nói rằng:
a2, a3, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10, ... = a1
a1, a3, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10, ... = a2
a1, a2, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10, ... = a3
vân
vân. Chừng nào chuỗi số vô hạn vẫn không thể thoả mãn nếu không có
những hạng từ cá biệt của nó, và ngược lại, những hạng từ này cũng vậy
không biểu lộ tự thể nếu không có toàn thể chuỗi số để chúng hiện diện
trong đó; trong trường hợp như thế, Pháp Tạng nói, thuyết tương tức trên
khía cạnh tồn tại và tĩnh phải được coi là có giá trị.
Chuỗi số cũng có thể coi là quan hệ trên khía cạnh tác dụng hay động. Trong chuỗi số:
a1,
a2, a3, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10...mỗi hạng từ đều có tác dụng riêng
khiến cho chuỗi số có thể có, khi hạng từ ấy đóng góp cho thể cách tổng
quát của chuỗi số. Chỉ cần nhặt một hạng từ nào đó bị loại khỏi chuỗi
số, thì chuỗi số sẽ mất hết ý nghĩa. Nghĩa là, chuỗi số sẽ không còn có
tác dụng như là một chuỗi số vô hạn nữa. Bởi lẽ đó, nên mới có tình
trạng tương nhập toàn diện xuyên suốt chuỗi số. Khi a1, được tách ra
biệt lập với chuỗi số, nó không có nghĩa gì cả, do đó, không tồn tại,
bởi vì a1 là a1 nằm trong chuỗi số. Như thế, a1 vừa là a1, vừa là a2,
a3, a4, a5...Khi a1 = a1, thì ai là “hữu tận”; khi a2, a3, a4, a5... =
a1, a1 là “vô tận”. Nói theo thuật ngữ của Gaṇḍavyūha: ksaya và aksaya.
Cũng theo cách đó, mỗi hạng từ = a2, a3, a4, a5... vừa là hữu tận và vừa là vô tận. Vậy chúng ta có công thức dưới đây:
a1 = a1
a1 = a2, a3, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10, ...
a2 = a2;
a2 = a1, a3, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10, ..
a3 = a3;
a3 = a1, a2, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10, ...
..............................................................
..............................................................
Còn
một cách nhìn khác nhắm vào toàn bộ chuỗi số của a1, a3, a4, a5, a6,
a7, a8, a9, a10, ..., theo đó mỗi hạng từ được coi như bao dung trong nó
toàn thể chuỗi số, và, như ở trường hợp đầu, nó không phải là đơn vị
độc lập và tách biệt khi nhập vào hệ thống. Rồi, ta thử nhặt ra mỗi một
hạng từ xem, toàn bộ chuỗi số cũng theo nó luôn. Khi một ảnh tượng được
phản chiếu trong gương, tất có tình trạng đồng nhất giữa gương và ảnh,
bởi vì ngoài gương không có sự phản chiếu, và ngoài sự phản chiếu cũng
không có gương. Ta chỉ biết được nó là gương khi nào có những ảnh tượng
nào đó xuất hiện và ảnh tượng cũng phải tự phản chiếu trên mặt gương.
Cái này mà không có cái kia, thì cả hai cũng không hiện hữu luôn. Từ
quan điểm này, những quan hệ giữa mỗi hạng từ của chuỗi số với chính
chuỗi số có thể được đặt thành công thức có ba dạng như sau:
a1 = a1:
a1 = a1, a2, a3, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10, ...
a1, a2, a3, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10... = a1
a2 = a2;
a2 = a1, a2, a3, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10...;
a1, a2, a3, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10... = a2.
a3 = a3;
a3 = a1, a2, a3, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10...;
a1, a2, a3, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10... = a3
a4 = a4;
a4 = a1, a2, a3, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10...
a1, a2, a3, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10... = a4.
vân
vân, diễn tiến vô cùng. Trong trường hợp này, sự phân biệt giữa tương
tức tồn tại và tương nhập tác dụng có thể không rõ rệt như trong trường
hợp đầu theo đó mỗi đơn vị được coi như là cá thể biệt lập. Nếu trường
hợp ở đây mà phải dùng đến bất cứ một lối phân biệt nào như thế, thì đấy
chỉ bởi tính cách chính xác của khái niệm. Hỗ tương giao thiệp, hay
tương nhập, hàm ngụ tác dụng của mỗi đơn vị trên những đơn vị khác vừa
cá biệt vừa như là toàn thể, trong đó hỗ tương đồng nhất, hay tương tức,
là một khái niệm tĩnh. Dù sao kết quả thực tiễn của những nhận định đều
như nhau; nghĩa là, vạn hữu trong trật tự chỉnh đốn trang nghiêm toàn
thể vũ trụ thảy đều ở trong một tình trạng hỗn hợp toàn diện sao cho
người ta có thể nhận ra được.
Khi chúng ta nói đến
tương tức, tương nhập, hay không chướng ngại, như là khái niệm triết lý
căn bản của Hoa nghiêm (Avataṃsaka), cố nhiên chúng ta đừng quên rằng
khái niệm đó không hoàn toàn không biết đến thực tại của những hiện hữu
cá biệt. Bởi vì, cái không chướng ngại chỉ có thể xảy ra khi có những
hiện hữu cá biệt; bởi vì sự giao thiệp phải được coi như đặc tính riêng
cho thế giới của những cá biệt; bởi vì khi mà không có những cái cá
biệt, không có những hiện hữu cá biệt, thì tương tức, đồng nhất tính, là
một khái niệm rỗng tuếch. Pháp giới (Dharmadhàtu) phải là một cảnh giới
Trang nghiêm Vi diệu (Vyùhà và Alankàra). Chúng ta đừng quên rằng trong
khi.
a1 = a1, a2, a3, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10...
và
a1, a2, a3, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10... = a1; thì cũng tuyệt đối đúng rằng
a1 = a1;
và rằng
a1 = a1,
bởi vì
a1 = a1, a2, a3, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10...
và
a1, a2, a3, a4, a5, a6, a7, a8, a9, a10= a1.
Vì
rằng sự tương nhập hay không chướng ngại không phải là tính đồng đồng
hay là một trạng thái tồn tại không có sai biệt, cho nên sự phát khởi
của Bồ-đề tâm (bodhicitta) có thể diễn ra nơi mỗi loài hữu tình, và rồi
sự phát khởi này lại tạo nên một sự đáp ứng trong quốc độ (kṣetra) của
hết thảy chư Phật. Phật giáo đồ Chân tông khi diễn tả ý tưởng này thì
nói rằng mỗi khi có một người mới phát tâm theo giáo lý Tịnh độ tông thì
có một đoá sen mới nở nụ trong ao của cõi Phật Di-đà.
Thuyết
hỗ tương giao thiệp hay tương tức cũng có thể được diễn tả theo thuật
ngữ của tính tương đối nhân quả. Nhưng trong trường hợp này, từ ngữ đó
phải được hiểu theo một ý nghĩa khá cao và khá sâu hơn, bởi vì thế giới
Hoa nghiêm không phải là một thế giới của những hình sắc và giả tượng bị
chi phối bởi những định luật như nhân quả cơ giới, hay nhân quả sinh
vật định hướng (teleological biological causation), hay tính hỗ tương
tĩnh chỉ. Pháp giới (dharmadhātu), thế giới Hoa nghiêm là thế giới tự
vén mở cho trực giác tâm linh của chúng ta một cái nhìn chỉ xảy ra khi
siêu việt thiên chấp có (asti) và không (nāsti). Do đó, Pháp giới
(dharmadhātu) chỉ có thể chứng một khi tất cả những vết tích của nhân
duyên (hetupratyaya) bị quét ra khỏi thị giác của chúng ta. Sự tương
nhập như vậy là được trực nhận không qua trung gian của một khái niệm
nào cả, mà ta có thể nói, không phải như là kết quả của trí năng suy
luận.
Cũng trong ý nghĩa đó, thế giới được cấu tạo
bởi những khái niệm trong vòng nhân quả này được các nhà Phật học Đại
thừa tuyên bố là Không (śūnya), là Bất sinh (anutpāda), và Vô tự tánh
(asvabhāva). Tuyên bố đó không phải là một lối suy luận của luận lý, mà
là một trực giác của thiên phú Đại thừa. Khi nó được giải thích như là
tương đối tính hay như là có quan hệ với ý niệm về tương quan nhân quả,
tinh thần của câu nói ấy hoàn toàn bị mất hẳn, và Phật giáo Đại thừa trở
thành một hệ thống triết học; thế mà, đấy lại là nỗ lực nơi một số các
học giả Phật giáo Âu châu. Cái Tánh Không của vạn hữu đó
(sarvadharmasyaśunyatā), dường như bao trùm cả thế giới thiên sai vạn
biệt, là cái khiến cho Hoa nghiêm trực giác về sự tương nhập và vô ngại
trở thành khả dĩ. Tánh Không là một tri giác Đại thừa về bản thân của
Thực tại. Khi nó được tái cấu trúc trên phương diện khái niệm, ý nghĩa
của tri giác đó hoàn toàn bị tống khứ. Ai cố tình tái cấu trúc kiểu đó,
người ấy đang phản đối tinh thần của Đại thừa. Vì vậy, tôi đề nghị
nghiên tầm thẳng vào các kinh, chứ không khảo cứu các luận giải triết lý
về Phật giáo Đại thừa – nghĩa là, nếu người đọc quả thực muốn nắm vững,
hay muốn chia sẻ kinh nghiệm tinh thần của Đại thừa.
Dù
rằng Pháp Tạng, một trong những tâm hồn có chất triết học tế nhị nhất
của Trung Hoa, đã phân tích bằng suy lý những cảnh vật trong tháp Tì-lô
(Vairocana) trình diện trước con mắt tâm linh của Thiện Tài (Sudhana),
nhà hành hương trẻ tuổi, bản thân của sự kiện chẳng ăn nhập gì với sự
phân tích ấy. Phân tích ấy có thể thoả mãn tri thức, nhưng tri thức
không phải là tất cả của chúng ta. Chúng ta, với Pháp Tạng và Thiện Tài,
phải một lần ở ngay trong Tháp và phải là một chứng nhân đứng trước tất
cả những phẩm vật Trang nghiêm (Vyūhālaṅkāra) tự ngời sáng và soi bóng
lẫn nhau một cách vô ngại. Trong những chất liệu của tôn giáo, đời sống
và kinh nghiệm đáng kể hơn là phân tích. Vì vậy, ngôi Tháp, cùng với tất
cả phẩm vật trang nghiêm[50] của nó phải phát xuất từ chính đời sống
riêng biệt của ta.
10
Hy vọng rằng, trong một
giới hạn nào đó, chúng ta phác hoạ được bản chất nội tại và sự kết cấu
của Tháp Vairocana, trong lãnh vữc kinh nghiệm cũng như từ quan điểm
minh giải mang tính tri thức. Sau “cái gì” là đến cái “từ đâu” và “về
đâu”. Nếu không có những thứ đó, con đường thăm dò đời sống của chúng ta
chưa phải là một con đường toàn vẹn. Bởi vậy, Thiện Tài, theo thói
thường, sau khi thấy tất cả những kỳ diệu của ngôi Tháp, mới hỏi nó từ
đâu đến và rồi đi về đâu. Bồ-tát Di-lặc trả lời rằng nó đến từ Trí
(jñāna) và năng lực gia trì (adhiṣṭhāna) của Bồ-tát. Trí này là gì? Năng
lực gia trì này là gì?
Jñāna là một từ ngữ khó
dịch, vì tiếng Anh knowldge (nhận thức) hay intellection (tri thức)
không gói trọn ý nghĩa của nó. Nó là một sự thể khá căn bản. Nó là sự
thôi thúc bẩm sinh muốn phân biêt của con người; là khuynh hướng định
sẵn của con người nhắm tới chủ nghĩa nhị nguyên, từ đó phân tích thành
chủ và khách, cái thấy và cái bị thấy; chính nó mà có thế giới của thiên
sai vạn biệt. Bởi vậy, khi nói rằng tất cả những phẩm vật trang nghiêm
(vyūha) đến từ giữa lòng của Trí (jñāna), nói thế chỉ có nghĩa rằng, thế
giới tự triển khai từ chính sự kết cấu của tâm ta, rằng nó là nội dung
của ý thức chúng ta, rằng nó xuất hiện ở đó cùng lúc với sự móng khởi
của tâm phân biệt, rằng nó đến và đi cũng bất khả tư nghị như sự đi và
đến của ý thức chúng ta. Thế thì, chớ có hỏi thế giới này từ đâu đến, và
sẽ đi về đâu. Câu hỏi đó tự nó phát xuất từ chính cội nguồn của tất cả
những cái bất khả tư nghị và bất khả đắc, và hỏi về nó tức là đánh hỏng
mất cứu cánh của nó. Câu trả lời chỉ có thể có khi nào chúng ta đứng ra
ngoài những điều kiện hiện thể của mình. Nghĩa là, câu hỏi ấy chỉ được
tả lời chừng nào không được hỏi tới. Cũng như lửa mà tự hỏi: “Ta là gì?”
“Ta tử đâu đến?” “Ta đi về đâu?” “Tại sao ta cháy?” Chừng nào lửa là
lửa và vẫn cứ cháy, thì những câu hỏi đó không sao trả lời được, bởi vì
là cháy, và phải cháy, chứ không phải để tư lự về mình; bởi vì, lúc nó
tư lự, nó không còn là lửa; bởi vì nó cần tự biết ra nó thì nó thôi còn
là chính nó. Lửa không thể siêu việt những điều kiện của chính nó, và nó
mà đặt những câu hỏi về nó, ấy là nó đang vượt qua những điều kiện của
nó, như thế là tự chối bỏ mình. Câu trả lời mà có, chỉ khi nào nó mâu
thuẫn với chính nó. Vẫn còn đứng, tất không thể nhảy. Mâu thuẫn đó nằm
ngay trong căn để của tất cả những câu hỏi mang tính suy lý đối với
nguồn gốc và số phận của cuộc đời. Vì vậy, Di-lặc nói: na kvacid gato,
nanu gato, na rāśibhūto, na saṃcayabhūto, na kīṭastho, na bhāvastho, na
deśastho, na pradeśasthaḥ[51]. Người ta có thể nghĩ, những phủ định này
không đưa đến đâu, và đương nhiên là thế, bởi vì giải đáp đích thực nằm ở
nơi mà câu hỏi chưa hề bị hỏi tới.
Kế đến, chúng
ta sẽ đề cập adiṣṭhāna[52]. Nó có nghĩa là gì? Hán văn thường dịch là
thần lực 神力, uy lực 威力 hay gia trì lực 加持力. Nó là “quyền lực”, “ý lực”,
“tâm lực” ở nơi một nhân cách lớn, người hay trời. Khi còn ở trên bình
diện của Trí (jñāna) thế giới không có vẻ thực chút nào, bởi vì hiện hữu
như huyễn (māya) của nó, mà trí (jñāna) soi thấy, quá đậm màu sương
khói. Nhưng khi tiến đến phương diện adhiṣhāna của Bồ-tát đạo, chúng ta
cảm thấy dường như mình đang nắm chắc một vật cứng và vững. Đây là chỗ
mà đời sống thực sự bắt đầu có ý nghĩa. Sống không còn là khẳng định mù
quáng của một thứ thúc bách ban sơ, vì adhiṣṭhāna là một biệt danh của
paraṇidhāna (nguyện), hay nó chính là sức mạnh tâm linh tuôn ra từ
nguyện cùng với trí tạo thành tinh thể của Bồ-tát đạo. Sức gia trì không
chỉ là sức mạnh muốn tự khẳng định phản đối những cái không phải nó.
Đằng sau nó luôn luôn có môt vị Phật hay một Bồ-tát, có con mắt tâm linh
soi thấy bản chất của vạn hữu và đồng thời có chí nguyện hộ trì nó. Chí
nguyện hộ trì chính là tình thương yêu và lòng hoài bão cứu vớt thế
gian khỏi những mê hoặc và triền phược. Paraṇidhāna là chí nguyện đó, là
tình yêu đó, và hoài bão đó, được gọi là vô tận tạng (akṣaya).
Trí
và Nguyện là những yếu tố thiết định Bồ-tát đạo, hay Phật đạo thì cũng
vậy. Nhờ Trí, chúng ta như leo đến đỉnh trời Tam thập tam thiên; rồi khi
ngồi trầm mặc mà quán sát hạ giới và những hành vi của nó, thấy chúng
tựa hồ những đám mây chguyển động dưới chân mình; chúng là những khối
quay cuồng của vọng động, nhưng không đụng chạm đến kẻ đang ngồi ở bên
trên. Thế giới của Trí thì trong sáng và vĩnh viễn an lành. Nhưng Bồ-tát
không trụ mãi trong cảnh trầm mặc thiên thu trên cái thế gian vì có
những sai biệt nên có những đấu tranh và đau khổ; bởi vì tim của ngài
nhức nhối khi nhìn cảnh tượng này. Bấy giờ ngài quyết định bước xuống
giữa những giông tố của cuộc đời. Bản nguyện (paraṇidhāna) đã lập, uy
lực (adhiṣṭhāna) của ngài được gia cho những ai hướng về ngài, và mọi
phương tiện (upāya) được tạo ra để dựng đứng dậy những ai cắm đầu vào
trong mông muội và bị đắm chìm trong cảnh khống chế cùng cực.
Paraṇidhāna như một khía cạnh của Adhiṣṭhāna như thế là cái thang dẫn
xuống hay sợi dây nối liền giữa Bồ-tát (bodhisattva) và chúng sinh
(sarvasattva). Từ đó sinh ra Hóa thân (Nirmānakāya), một thuật ngữ mà
trong nhiều kinh điển Đại thừa cũng gọi là Vikurvita hay Vyūhavikurvita,
trang nghiêm thần biến.
11
Bồ-tát, khi soi
thấy một cách sâu xa và sáng tỏ rằng tự tánh của vạn hữu là không tự
tánh, mà phải chịu hòa mình trong những tạp loạn không cùng của thế giới
sai biệt; đó là một sự bí nhiệm của những bí nhiệm, nhưng ở đây mở ra
cánh cửa bất tư nghị giải thoát (acintya-vimokṣa) cho kẻ hiện thân của
Trí (jñāna) và Nguyện (paraṇidhāna). Và theo cách đó, chúng ta phải hiểu
sự mâu thuẫn giữa sự kiện Di-lặc không hề đi đến đâu mà lại thác sinh
tại thành Maladi.
Sự mâu thuẫn này chắc chắn gây
kinh ngạc cho người đọc vì hoàn toàn không giải thích được, dù những mâu
thuẫn thường mang bản chất này; nhưng trong trường hợp ngài Di-lặc, mâu
thuẫn đến quá sớm, và đến một cách sửng sốt. Trong một thóang chốc,
ngài nói, ngài không có trụ xứ, và trước khi chúng ta thực sự đứng bật
dậy từ lời tuyên bố sửng sốt đó, chúng ta được biết rằng sinh địa của
ngài (jamnabhūmī) là Maladi và sứ mệnh của ngài là giáo hóa Phật đạo cho
Gopālaka, con trai của một nhà phú hộ. Đấy há không phải là một cuộc đi
xuống, khá ngạc nhiên, từ cung trời Đâu-suất (Tuṣita) làm công vụ trần
gian? Vâng, sự thường là thế. Nhưng khi chúng ta nhận ra cái kết cấu nên
Bồ-tát đạo, thì sẽ không nghĩ thế nữa. Bởi vì, ngài thác sinh ở Maladi
mà tựa hồ không sinh vào đâu, tựa hồ không đến từ đâu. Ngài có sinh,
nhưng nguyên là không sinh; ngài đang ở trước chúng ta, nhưng đã không
đến từ chỗ nào cả. Ngài đang cùng Thiện Tài ở trong Tháp Vairocana như
Gaṇḍavyūha nói cho chúng ta biết, nhưng ngài chưa từng rời khỏi trụ xứ
của mình nơi cung trời Đâu-suất. Vậy, một Thiền sư nói, “Chúng hội
Bồ-tát đang nghe Phật giảng pháp trên đỉnh Linh thứu chưa từng giải tán;
chúng hội vẫn còn đó, Pháp âm vẫn vang dội trên đỉnh Linh sơn đó.”[53]
Sự kiện đó – chừng như là một cuộc “giáng hạ đột nhiên” – quả thực là
một trật tự an bài sẵn trong đời sống hành đạo của Bồ-tát
(Bodhisattvacaryā).
Rồi ra, đâu là sinh địa đích thực của ngài?[54]
1. Nơi nào có tâm Bồ-đề được phát khởi, nơi đó là sanh xứ của Bồ-tát, vì sinh vào gia tộc Bồ-tát.
2. Nơi nào có thâm tâm,[55] nơi đó là sanh xứ của Bồ-tát, vì sinh vào gia tộc thiện trí thức.
3. Nơi nào có sự an trụ các trụ địa (bhūmi), nơi đó là sanh xứ của Bồ-tát, vì đó là nơi sinh trưởng hết thảy các ba-la-mật.
4. Nơi nào có phát đại nguyện, nơi đó là sanh xứ của Bồ-tát, vì nó là nơi sinh các diệu hành.
5. Nơi nào có đại từ, nơi đó là sanh xứ của Bồ-tát, vì đó là nơi phát triển bốn nhiếp sự.
6. Nơi nào có như lý quán sát, nơi đó là sanh xứ của Bồ-tát, vì là nơi sinh khởi trí tuệ siêu việt.
7. Nơi nào Đại thừa hưng thịnh, nơi đó là sanh xứ của Bồ-tát, vì là nơi hết thảy các phương tiện thiện xảo được vận dụng.
8. Nơi nào có giáo hóa chúng sinh, nơi đó là sanh xứ của Bồ-tát, vì là nơi hết thảy chư Phật giáng sinh.[56]
9.
Nơi nào có phương tiện của trí tuệ[57], nơi đó là sanh xứ của Bồ-tát,
vì là nơi nhận thức rằng hết thảy các pháp đều không sinh.[58]
10.
Nơi nào có tu tập hết thảy các Pháp,[59] nơi đó là sanh xứ của Bồ-tát,
vì là nơi mà hết thảy chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai giáng
sinh.
Rồi nữa, ai là cha mẹ và thân quyến của ngài? Những phận sự của ngài là gì?
“Bát-nhã
(Prajñā) là mẹ, Phương tiện (Upāya) là cha; thí (dāna) là nhũ mẫu; giới
(śīla) là dưỡng mẫu;[60] nhẫn (kṣānti) là đồ trang sức; tinh tấn
(vīrya) là người dưỡng dục; thiền định (dhyāna) là người tắm rửa; thiện
hữu, là giáo thọ sư; các Bồ-đề phần, là bạn đồng hành;[61] các Bồ-tát,
là anh em; Bồ-đề tâm (bodhicitta) là nhà cửa; như thuyết tu hành, là
thói nhà; các trụ địa (bhūmi) là chỗ ở; các pháp nhẫn, là gia tộc[62];
các nguyện là gia giáo;[63] thực hành công hạnh là gia nghiệp; khiến kẻ
khác chấp nhận Đại thừa là gia vụ; được thọ ký trong một đời nữa, định
phận ngài như Hoàng thái tử nối nghiệp trong vương quốc Chánh pháp[64];
và thành tựu trí tuệ viên mãn của Như Lai là nền tảng của gia quyến
thanh tịnh của ngài.[65]
Với thái độ tinh thần vững chắc nào để Bồ-tát bước vào đời sống của chúng ta?
“Bồ-tát
không chán ghét thứ gì trong bất cứ thế giới nào mà ngài bước vào, vì
biết rằng hết thảy các pháp như ảnh tượng.[66] Ngài không đam nhiễm
trong bất cứ con đường nào mà ngài bước đi,[67] vì biết rằng tất cả là
sự hóa hiện. Ngài không thấy mỏi mệt trong bất cứ nỗ lực nào điều phục
chúng sinh, vì biết rằng tất cả là vô ngã. Ngài nhiếp hóa chúng sinh mà
không hề mỏi mệt, vì từ bi là tính thề của ngài. Ngài không sợ phải trải
qua nhiều kiếp, vì thấy rõ ràng (adhimukta) sinh tử như là chiêm bao.
Ngài không hề mệt mỏi vì liên tục thị hiện sinh tử, vì biết rằng tất cả
uẩn như huyễn. Ngài không phá hoại bất cứ con đường hiện hữu nào[68] vì
biết rằng hết thảy các giới (dhātu) và xứ (āyatana) đồng là Pháp giới
(dharmadhātu). Ngài không có quan điêm điên đảo về các con đường[69] vì
biết rằng hết thảy tư tưởng đều như quáng nắng. Ngài không bị ô nhiễm dù
khi ở trong cảnh giới của bọn ma, vì biết rằng hết thảy các thân đều
chỉ là những giả tượng. Ngài không hề bị lôi cuốn bởi những tham dục, vì
đã hoàn toàn chế ngự tất cả những gì được khải thị.[70] Ngài đi bất cứ
đâu một cách vô cùng tự tại, vì đã hoàn toàn kiểm soát những giả
tưởng”[71].
12
Để kết luận thiên luận này, về
trụ xứ của Bồ-tát, nơi phát nguyên của đời sống hành trì của ngài, tôi
xin dẫn thêm một vài điển hình về các cách nói của Thiền đối thể tài
này, và thử xem tâm hồn Trung Hoa khác với tâm hồn Ấn Độ ra sao.
Thiền sư Thừa thiên Huệ Liên[72], pháp tự của Vân cái Trí Bản,[73] khoảng cuối thế kỷ 12, nhân có thầy tăng hỏi:
“Cảnh Thừa thiên ra sao?”
Sư đưa cây phất tử lên.
Tăng:
“Người trong cảnh đó là ai?”
Sư cầm phất tử gõ vào thiền sàng.
Tăng:
“Người và cảnh thì đã nhờ được sư chỉ thị cho rồi; còn cái đạo lý cứu cánh của Thiền, xin chỉ cho biết.”
Sư để cây phất tử ra sau thiền sàng.
Trị bình Khánh thiền sư[74], nhân có thầy tăng hỏi:
“Cảnh Trị bình ra sao?”
Sư đáp:
石室夜深霜月白。
草衣歲久敗蒲寒。
Thạch thất dạ thâm sương nguyệt bạch
Thảo y tuế cửu bại bồ hàn
Hang khuya trăng bạc màu sương
Năm chầy áo cỏ rách bương lạnh người.
Tăng:
“Người trong cảnh là ai nhỉ?”
Sư đáp:
携筇尋遠水
洗鉢趁朝齋。
Huề trúc tầm viễn thủy
Tẩy bát sấn triêu trai
Xách gậy dọc theo khe vắng
Rửa bát vào xóm mời cơm
Tăng:
“Người và cảnh thì đã nhờ được Sư chỉ thị; còn cái đạo lý cứu cánh của Thiền, thì vâng lãnh như thế nào?”[75]
Sư đáp:
“Ngựa gỗ hí gió, trâu bùn qua biển.[76]”
Động sơn Thủ Sơ[77] tham kiến Vân Môn.
Môn hỏi:
“Từ đầu đến?”
“Từ Tra độ.”
“Hạ ở đâu?”
“Báo từ, Hồ nam.”
“Rời chỗ đó bao lâu rồi?”
“Hôm 25 tháng 8.”
“Tha cho ông ba chục hèo.”
Nhà
sư đáng thương của chúng ta nhất định rất bối rối, sư cứ thẳng mà trả
lời, nên nghĩ chả có gì đáng bị “ba chục hèo”, bởi một cớ nào đó mà thầy
rộng lượng tha cho. Hẳn sư đã trải qua một đêm thao thức. Sáng hôm sau
trở dậy, lại đến, hỏi thầy:
“Hôm qua đội ơn Hòa thượng tha cho ba chục hèo, nhưng không biết con có lỗi tại đâu mà bị phạt như thế?”
“Đồ túi cơm! Chẳng phải như vậy mà ông lang thang qua Giang tây và Hồ nam sao?”
Câu nói có vẻ nhạo báng đó làm cho tâm địa của Thủ Sơ bừng lên, bấy giờ mới bày tỏ kết cục như sau:
“Từ
đây về sau, tôi sẽ đứng đầu ngã tư, không chứa một hạt thóc, không
trồng một cọng rau, tiếp đãi từng người lui tới từ mười phương, móc giùm
họ chiếc nón bụi bặm, cởi hộ họ chiếc áo hôi hám. Thế là họ sẽ thong
dong không bị vướng mắc khi đi lại, thông suốt khi ngắm nhìn. Chẳng là
khóai chí sao?”
Vân Môn lại cũng còn chế nhạo nữa; và theo tôi, lần này với một giọng hài hước khác:
“Đồ bị gạo! Cái thân chỉ to bằng quả dừa, mà sao cái miệng lại lớn đến thế?”
--------------------------------------------------------------------------------
[1] 兜率從悅 (1044-1091). Tục Truyền đăng lục, quyển 22; T51n2077, tr. 616a19.
[2] Nguyên Hán: 撥草瞻風只圖見性。bát thảo chiêm phong chỉ đồ kiến tánh: vạch cỏ, đón gió, chỉ cốt thấy tánh. – ng.d.
[3] Nguyên Hán: 眼光落地時 nhãn quang lạc địa thời: khi ánh mắt đã rơi xuống đất. – ng.d.
[4] 陳尊宿, đồng thời với Lâm Tế; Truyền đăng lục quyển 12, T51n2076, tr. 291a20.
[5] 狐非師子類。燈非日月明。– ng.d.
[6] Nguyên Hán: 驢前馬後漢 lô tiền mã hậu hán: gã (đi) trước con lừa, (đi) sau con ngựa, ý chỉ gã để cho người ta sai vặt. – ng.d.
[7] Nghĩa đen: “Ông không giữ ngũ giới”.
[8]
Linh thọ Như Mãn靈樹如敏và Đại tùy Pháp Chân大隋法真 đều là đồ đệ của Phúc châu
Đại An 福州大安, tịch năm 843. Truyền đăng lục, quyển 11.
[9] Nguyên Hán: 生緣 sanh duyên.
[10]福州芙蓉山靈訓禪師 Phúc châu, Phù dung sơn, Linh Huấn Thiền sư. Truyền đăng lục, quyển 10. – ng.d.
[11]歸宗 Có lẽ sinh hoạt trong khoảng cuối thế kỷ 8 và đầu thế kỷ 9.
[12] Truyền đăng lục, quyển 12.
[13] Thương khê Liên 滄谿璘 và Tương đàm Minh 湘潭明đều là môn đệ của Vân môn Văn Yển 雲門山文偃; Truyền đăng lục, quyển 23.
[14] 面前水正東流。
[15] 山連大嶽水接瀟湘。
[16]金陵泰欽; Đồ đệ của Pháp Nhãn (tịch 958), Truyền đăng lục, quyển 25.
[17]雲居清錫; Cũng đồ đệ của Pháp Nhãn, Truyền đăng lục, quyển 25.
[18] Cảnh tăng viện Quảng bình, núi Long tu龍須山廣平院, nơi Sư đang ngụ. – ng.d.
[19] Nguyên Hán: 識取廣平。”Hãy biết lấy Quảng bình.”
[20] 如何是境中人。
[21] Nguyên Hán: 驗取。”Hãy nghiệm lấy.” – ng.d.
[22]
Đại Bát-nhã (Huyền Trang), quyển 574, T7n220, tr. 966c23; Tiểu phâm
Bát-nhã (La-thập), quyển 1, T8n227, tr. 540b20; Hoa nghiêm kinh
(Phật-đà), quyển 15, T9n278, tr. 495a; Hoa nghiêm kinh (Thật-xoa), quyển
24, T10n279, tr. 220c. – ng.d.
[23] Max Muller, p.29.
[24] Phổ thông, tiếng Anh thường dịch là thought (tâm tưởng hay tư tưởng), mind (tâm ý hay tâm trí). – ng.d.
[25]
Mitra, p.27. Hán dịch: Đại Bát-nhã (Huyền Trang), quyển 538-565,
T7n220; Tiểu phâm Bát-nhã (La-thập), 10 quyển, T8n227. – ng.d.
3
apratiṣṭhitamānaso hi tathāgato’rhan samyaksambuddhaḥ. sa naiva samskṛte
dhātau sthito nāpy asaṃskṛte dhātau sthito na ca tato vyutthitaḥ/ Cf.
Tiểu phẩm Bát-nhã (La-thập), quyển 1, T8n227, tr. 540b20:
如來無所住,無住心名為如來。如來不住有為性,亦不住無為性。Đại Bát-nhã (Huyền Trang), quyển 539,
T7n220, tr. 770b: 心無所住故名如來應正等覺。謂不住有為界。亦不住無為界。亦非不住。 – ng.d.
[26]菩提無住處。是故無有得者。(觀眾生品第七).
[27]從無住本立一切法。(觀眾生品第七).
[28]如此菩薩一切佛國皆是住處。而不著住處
不得住處。不見住處。(首楞嚴三昧經[01]卷上)
[29]
Tómlược, Aṣṭasāhasrikā-prajñāpāramitā, Ch. XXVI, về Tathatā. Đối chiếu
các bản dịch Hán: Đại Bát-nhã (Huyền Trang), quyển 548 (phẩm Chânh Như),
tr.0823a21:爾時具壽善現便白佛言。世尊。佛所說法微妙甚深。於一切法皆能隨順無所障礙。佛所說法無障礙相。與虛空等都無足跡。佛所說法無待對
相無第二故。佛所說法無與等相無敵對故。佛所說法都無足跡無生滅故。佛所說法都無生滅。一切生滅不可得故。佛所說法都無蹊徑。一切蹊徑不可得故。佛所說法
都無戲論。分別言說不可得故。Tiểu phẩm Bát-nhã (La-thập), quyển 6 (phẩm Đại Như) : tr.
562b14:
爾時須菩提白佛言:「世尊!是法隨順一切法。何以故?世尊!是法無障礙處,無障礙相,如虛空。世尊!是法無生,一切法不可得故。世尊!是法無處,一切處不
可得故。– ng.d.
[30]鎮州三聖慧然臨濟義玄禪師法嗣, Truyền đăng lục, quyển 10, 12.
[31]秀上座.
[32] Nguyên Hán: 參見六祖tham kiến Lục Tổ.
[33] Truyền đăng lục 10, câu trả lời của chính Cảnh Sầm được ghi là: 東家作驢西家作馬。“Nhà đông làm lừa, như tây làm ngựa.”
[34] 和尚雖有千尺寒松。且無抽條石筍。
[35] Dẫn theo bản dịch tiếng Nhật.
[36] Thơ của Giả Đảo賈島(779-843): “Tầm ẩn giả bất ngộ尋隱者不遇.” – ng.d.
[37]
Những trích dẫn này căn cứ chính trên thủ bản lá thốt nốt lưu trữ tại
Royal Asiatic Soceity, London, folio 217b và seq., tương đương với MMG.,
p.1264ff. – Tham chiếu các bản Hán dịch: Hoa nghiêm (Phật-đà), quyển
58; (Thật-xoa), quyển 77. – ng.d.
[38] Các bản Hán: 普門法界 Phổ môn Pháp giới. – ng.d.
[39] Bốn loài Ma (māra): ma các uẩn (skandha), ma phiền não (kleśa), ma con trời (devaputra) và ma chết (mṛtyu).
[40]
Quán đỉnh địa 灌頂地, nghĩa đen: địa vị đăng quang của Bồ tát. Đế vương
ccổ Ấn đọ, hki đăng quang hay lập thái tử, dùng nước bốn biển rưới lên
đầu. Trong Phất giáo Đại thừa, chỉ cho hang Bồ tát sắp thành Phật. Cũng
gọi là Pháp vân cứu cánh địa, địa vị cuối cùng của Bồ tát cao như mây
trời của Chánh pháp. – ng.d.
[41] Hoa nghiêm (Phật-đà), quyển 56, tr. 780b9 tt; (Thật-xoa), quyển 79, tr. 434c28 tt. – ng.d.
[42]
do-tuần (yojana): quãng đường mà một con bò kéo xe liên tục không cởi
ách để nghỉ; khoảng 4-5 dặm Anh; hoăc 2 1/2 dặm Anh. – ng.d.
[43] Hoa nghiêm (Phật-đà): 入三世智正念思惟
莊
嚴藏法門 Nhập tam thế trí chánh niệm tư duy trang nghiêm pháp môn;
(Thật-xoa): 入三世一切境界不忘念智莊嚴藏 Nhập tam thế nhất thết cảnh giới bất vong
niệm rí trang nghiêm tạng – ng.d.
[44]一生菩薩 nhất sanh Bồ tát; Skt.:
ekajāti-pratibahddha, Hán dịch đủ là nhất sanh sở hệ 一生所繫 hay nhất sanh
bổ xứ 一生補處: bậc Bồ-tát chỉ còn một lần tái sinh nữa là thành Phật. –
ng.d.
[45] Hoa nghiêm (Thật-xoa): Ma-la-đề quốc 摩羅提國; (Phật-đà):
Ma-li quốc 摩離國. Trừng Quán, Hoa nghiêm kinh sớ, quyển 60: “Ma-la-đề, âm
đủ là Ma-la-da-đề-số 摩羅耶提數. Ma-la-da, dịch là man thí 鬘施, tên một hòn
núi; đề số, có nghĩa là giữa 中. Vì hòn núi này ở giữa quốc cảnh.” The
giải thích này, nguyên Phạn có thể là Mālāyādeśa, hay Mālyadeśa. – ng.d.
[46] 瞿波羅.
[47]
Thủ bản của Royal Asiatic, folio 270a . Dịch thoát: (Mọi vật được phối
trí làm cho không có sự hỗ tương gián cách của chúng, vì tất cả đều hỗn
hợp, nhưng mỗi vật không vì vậy mà mất cá biệt tính, bởi hình ảnh của vị
kính ngưỡng đức Di Lặc được phản chiếu trong mỗi vật đó, và không chỉ
phản chiếu trong một phương hướng riêng biệt mà trong mọi hướng của tòa
Tháp, tạo thành sự tương giao phản chiếu toàn diện giữa các ảnh tượng).
(MMG.,p.1376). Cf. Han dịch, Hoa nghiêm (Phật-đà), quyển 59, Tn278, tr.
780b24; (Thật-xoa), quyển 79, T10n279, tr. 435a22. – ng.d.
[48] Thủ
bản R.A.S. folio 270a; MMG.,p 1376 (Thiện Tài đồng tử tưởng chừng như
thân và tâm của mình hoàn toàn tiêu giải; thấy rằng hết thảy mọi tâm
niệm rời khỏi tâm thức của mình, tâm không chút vướng mắc, và tất cả
những ngây ngất tan biến hết).
[49] Trừng Quán澄觀, Hoa nghiêm pháp giới huyền kính華嚴法界玄鏡, T1883. – ng.d.
[50]
Vyūha, như đã giải thích, có nghĩa là “những phối trí” hay “phân phối
trật tự”, và trong văn học Phật giáo nó thường được dùng trong nghĩa
“trang nghiêm”. Nhưng ở đây nó tương đương với nghĩa “tính đa thù của
tồn tại” hay vạn hữu. Tòa Tháp với những Vyūha của nó, vì vậy, là vũ trụ
trải rộng trước mắt chúng ta đó với tất cả những vật thể cá biệt của
nó; và Dharmadhātu = Lokadhātu, Lokadhātu = Dharmadhātu.
[51] MMG.
p.1413. “Tháp này không từ đâu đến, không đi về đâu; không phải tụ,
không phải tập, không tĩnh chỉ, không biến hành, không phương vị, không ở
trong phương vị.” – Tham chiếu Hán, Hoa nghiêm (Phật-đà), quyển 60,
T9n278, tr. 782b20: 大聖。此諸奇特妙莊嚴
法從何所來。答言。菩薩神力之所出生。而
亦不在神力之中。不來不去無積聚處。Hoa nghiêm (Thật-xoa), quyển 80, T10n279, tr 438a1: 善財問言。此莊嚴事。何
處去耶。彌勒答言。於來處去。曰從何處來。曰
從菩薩智慧神力中來。依菩薩智慧神力而
住。無有去處。亦無住處。非集非常。遠離一
切。 – ng.d.
[52] adiṣṭhāna: điểm lập cước, điểm/ chỗ đứng; chủ quyền, quyền lực; quyết tâm (Wogihara). – ng.d.
[53]
靈山一會儼然未散 Linh sơn nhất hội nghiễm nhiên vị tán. Tương truyền, Thiên thai
Trí Khải天台智顗, người sáng tông Thiên thai, đọc kinh Pháp hoa, phẩm Dược
vương, đến câu是真精進是名真法供養如來。thị chân tinh tấn, thị chân pháp cúng dường
Như lai, chợt thấy Pháp hội trên Linh sơn nghiễm nhiên vẫn còn, chưa
giải tán. Xem, Phật Tổ thống kỷ, T49n2035, tr. 274a10, truyện Trí Khải.
Xem thêm, Đại Huệ phổ thuyết, quyển 18; Vô môn quan, T48n2005, tr.
295c16. – ng.d.
[54] R.A.S., MS., folio 276. et.seq. Cf.MMG., p.1415,
et.sseq. Tham chiếu, Hán dịch, Hoa nghiêm (Phật-đà), quyển 60, tr.
T9n278, tr.782c17; Hoa nghiêm (Thật-xoa), quyển 79, tr. T1n279,
tr.438b5.
[55] Bản 60: trực tâm. – ng.d.
[56] Bản 80: 生佛家故sanh Phật gia cố (St. buddhakula); bản 60: 生
菩提家故 sanh Bồ-đề gia cố (St. bodhikula). – ng.d.
[57] 智慧方便 trí tuệ phương tiện.
[58] 無生法忍 vô sanh pháp nhẫn.
[59] Bản 80: 修行一切法 tu hành nhất thiết pháp; bản 60: 隨順諸法 tùy thuận chư pháp. – ng.d.
[60] Bản 60: thí là sữa; giới là nhũ mẫu. – ng.d.
[61]
Nhảy sót trong bản tiếng Anh; cf. bản 60: 一切善根為親族 hết thảy thiện căn là
gia tộc; bản 80: 切善法為眷屬 hết thảy thiện pháp là quyến thuộc. – ng.d.
[62] bản 80: 家族 gia tộc; bản 60: 豪
尊 dòng dõi tôn quý. – ng.d.
[63] Anh: family motto; bản 80: 滿
足諸行為順家法 đầy đủ các hành là thuận gia pháp; bản 60: 出生大願為巨富 xuất inh đại nguyện là cự phú. – ng.d
[64] bản 80: 法水
灌頂一生所繫菩薩為王太子. Bản 60: 甘露灌頂一生菩
薩為王太子 Bồ tát chỉ còn một đời nữa là thành Phật, như Hoàng thái tử đã làm lễ quán đảnh. – ng.d.
[65] C.f.MM.p.1417.
[66] Bản 60: 如電光 như ánh chớp. – ng.d.
[67] Bản 80: 諸有趣 chư hữu thú, các cõi hữu (St. bhavagati).
[68] Hán, bản 80: 於諸境界無所壞滅 không phá hủy bất cứ cái gì trong mọi cảh giới. –ng.d.
[69]
Hán, bản 60: 於一切行不生倒惑 không điên đảo mê hoặc trong tất cả các hành
(saṃskāra= hữu vi); bản 80: 入於諸趣不生倒惑 vào trong các cõi hữu (gati) mà
không phát sinh mê hoăc điên đảo. – ng.d.
[70] Hán, bản 60: 得淨法身離煩惱業 đã đắc tịnh pháp thân, không còn nghiệp phiền não; bản 80: 知法
身故一切煩惱不能欺誑 vì đã biết rõ pháp thân, không còn bị hết thảy phiền não lôi cuốn. – ng.d.
[71] C.f.MM., pp. 1419-20. Tham chiếu Hán, bản 60, T9n278, tr. 783a13; bản 80, T10n279, tr. 438b29 .
[72]南嶽承天惠連禪師 Nam nhạc Thừa thiên Huệ Liên thiền sư, Tục truyền đăng, quyển 25, tr. 641c22.
[73]雲蓋本禪師
[74]南嶽草衣巖治平慶禪師 Nam nhạc Thảo y nham, Trị bình, Khánh Thiền sư, Tục truyền đăng, quyển 25, tr. 642b05.
[75]向上宗乘事若何 tông chỉ hướng thượng, thì thừa sự như thế nào? – ng.d.
[76]木馬嘶風泥牛渡海 mộc mã tê phong, nê ngưu độ hải.
[77] 洞山守初 Truyền đăng, quyển 23, tr. 389b13.
Source: PhatViet.Com