10/06/2012 15:45 (GMT+7)
Số lượt xem: 171283
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Con là một Phật tử và rất thích ăn chay. Con chẳng biết sao từ nhỏ đến giờ con đã thích ăn chay nhưng ba mẹ con lại không cho con ăn. Dù gia đình con theo Phật Giáo nhưng lại thường xuyên sát sanh hại vật. Mỗi lần như thế con thường hay khóc thương và không muốn ăn nhưng ba mẹ lại ép con ăn.





  Càng lớn con lại sợ ăn thịt nhưng mẹ con không cho con ăn đậu hủ và đồ chay vì bảo rằng sẽ không đủ chất dinh dưỡng. Vì thế mẹ con hầu như giới hạn món chay trong nhà cho con. Đọc thêm và hiểu về Phật pháp con càng thương cha mẹ mình nghiệp sát nhiều quá và cố gắng niệm Phật, làm việc thiện hồi hướng cho cha mẹ cũng như mong cho cha mẹ con sớm được giác ngộ hoặc không thì cho con được ăn chay. Xin sư cho con biết con nên làm gì để bố mẹ có thể cho con được ăn chay không ngăn cản con ạ?



ĐÁP:

Trước nhất xin nói về quan điểm ăn chay của Phật giáo: Vấn đề ăn chay đối với Phật tử Việt Nam và thế giới ngày nay không còn xa lạ trong việc phát tâm hoặc ăn chay (ngôn ngữ chính là trai, lâu ngày đọc trại thành chay) kỳ, ăn chay trường. Như chúng ta đều biết xưa nay trong giới tu Phật thường truyền đạt cho nhau: "những người Phật giáo Đại Thừa ăn chay và những người Phật giáo Nguyên Thủy ăn thịt", điều nhận định này hoàn toàn không đúng hẳn. Thông thường Phật Giáo Nguyên Thủy không có những cấm đoán về ăn thịt cá mặc dầu vẫn có những vị sư và cư sĩ Phật tử ở Tích Lan ăn chay thuần túy và có những người khác không ăn thịt nhưng ăn cá. Tại Việt Nam có nhiều vị sư danh tiếng thuộc truyền thống Nguyên Thủy, như Hòa Thượng Thích Minh Châu suốt đời dùng chay.

Những tu sĩ Phật Giáo Đại Thừa Trung Hoa và Việt Nam đều ăn chay thuần túy và nhiều cư sĩ Phật tử cũng cố gắng theo gương họ mặc dầu cũng có một số không ăn chay.

Dầu là Đại Thừa Phật Giáo, một số tu sĩ Nhật Bản và Tây Tạng cũng không ăn chay. Có dư luận cho là dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng, do sức ép của nhà vua, một số tu sĩ đã phải hoàn tục và sinh sống như dân thường, có gia đình và không còn ăn chay nữa, mặc dầu vẫn trụ trì chùa.
Còn Tây Tạng thì do điều kiện thiên nhiên ác nghiệt quanh năm sống trên đỉnh núi đá cao, ít đất đai trồng trọt, lại cần nhiều nhiệt lượng, nên thói quen ăn thịt không từ bỏ được.

Quan điểm ăn chay của Phật giáo Nguyên Thủy: Phật giáo Nguyên Thủy quan niệm rằng ăn cách nào cũng được, tùy duyên mà ăn cho có đủ sức khỏe để hành trì giáo pháp, ăn chay mà thân thể yếu đuối xanh xao, tinh thần bạc nhược thì rất tai hại, đường tu đạo đã không được tiến hóa mà còn trở ngại cho sự tu hành. Họ cho rằng sự ăn chay không có mặt trong thời kỳ bắt đầu của Phật Giáo và chính Đức Phật cũng không phải là người ăn chay, ăn chay là một nét đặc thù của Phật Giáo Đại Thừa Trung Hoa, bắt đầu từ triều đại nhà Minh, tức thời Hòa Thượng Vân Thê Châu Hoằng (1565-1615) và dĩ nhiên truyền mạnh qua Phật giáo Bắc Tông Việt Nam. Trước đó Phật Giáo Trung Hoa cũng không đặt vấn đề ăn chay mặn (ăn mạng chúng sanh) là việc quan trọng cho sự tu hành.

Phật giáo Nguyên Thủy cho rằng chính Phật không đặt thành vấn đề ăn chay mặn, sự giải thoát không phải do nơi ăn, mà là do nơi thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý, ăn chay mà thân khẩu không lành, ý chứa gươm đao, giới luật không giữ thì đâu gọi là chay. Đức Phật cùng các đệ tử của Ngài đều ăn theo truyền thống khất thực, "ăn để mà sống và hành đạo", chứ không phải "sống để mà ăn để thụ hưởng". Nói thế, nhưng thời Đức Phật sinh tiền ngài vẫn ăn chay.

Tuy nhiên đây chỉ là những nguồn dư luận do một số người ngoại quốc tham quan du lịch, có tìm hiểu về đời sống tu sĩ của các quốc gia trên.

Ở bài thuyết pháp tại Việt Nam, Sư có trả lời về vấn đề ăn chay, có truyền thống tại đất nước Trung Hoa cổ đại, trên vùng đất thuộc nhà Lương như sau: "Việc ăn chay của tăng sĩ Trung Quốc, được hoàn toàn tuân thủ là từ lúc vua Lương Võ Đế lên nắm quyền cai trị và có chiếu chỉ truyền lệnh Tăng sĩ Phật giáo phải ăn chay trường. Lương Võ Đế là vị vua vô cùng kính trọng và mến mộ đạo Phật, ở thời kỳ đầu, khi Phật giáo mới truyền bá vào Trung Hoa, nền tảng chưa vững chãi, trước sau lại bị nạn Ngụy Vũ, Châu Vũ, nếu không có Lương Võ Đế thì Phật giáo khó mà tồn tại được. Niên hiệu Thiên giám thứ ba, nhà vua cùng hàng vạn người tập trung tại điện Trùng Vân tuyên bố từ bỏ Đạo giáo, chỉ tuân hành pháp của đạo Phật, và ông cũng là người chính thức đề xướng triệt để việc ăn chay đối với hàng Tăng sĩ đương thời.

Vào thời đức Phật, việc ăn chay chưa được thực hành trong Tăng đoàn; và đức Phật cho phép người xuất gia được dùng ba loại thịt gọi là tam tịnh nhục, đó là thịt của con thú mà người thọ dụng không nhìn thấy con thú đó bị giết, thịt con thú mà người thọ dụng không nghe tiếng kêu gào của nó, và thịt của con thú mà người thọ dụng không nghi là giết thịt cho mình ăn. Nhưng tại sao đức Phật lại cho phép ăn tam tịnh nhục mà không khuyến khích ăn chay? Điều này tùy thuộc vào những điều kiện xã hội thời bấy giờ. Và khi mà thực phẩm hàng ngày của các Tỳ-kheo tùy thuộc vào việc khất thực thì họ khó có thể lựa chọn lối ăn chay trong khi dân chúng đều ăn mặn.

Nhưng dù đức Phật cho phép ăn tam tịnh nhục, thì Ngài vẫn luôn đề cao lòng từ bi và khuyên ngăn việc giết hại chúng hữu tình. Trong kinh có thuật rằng, một ngày nọ, đức Phật đến thuyết pháp cho một làng chuyên nghề săn bắn thú. Ngài khuyên dân chúng ở đó nên bắt chước theo những làng khác, trồng trọt rau trái, lúa gạo để làm thực phẩm sinh sống, chứ đừng quá say sưa vui thú trong việc săn bắn. Ngài cũng từng khuyên vua Tần-bà-sa-la không nên giết hại thú vật để tế thần. Như vậy, chúng ta hãy suy ngẫm, mặc dù Phật có chế pháp tam tịnh nhục nhưng Ngài không khích lệ đệ tử ăn thịt gia súc. Ngài không bắt buộc Tăng chúng phải ăn chay vì thực phẩm khất thực có được là do dân chúng tự nguyện cúng dường, cho nên dân chúng có lòng thành cúng dường phẩm vật gì thì dùng thứ ấy. Nhưng dù đức Phật cho phép dùng tam tịnh nhục, thì có mười loại thịt sau các Tỳ-kheo không được dùng, đó là thịt người, thịt voi, ngựa, chó, rắn, sư tử, cọp, báo, gấu và linh cẩu. Sở dĩ đức Phật cấm ăn những loại thịt này là vì những lý do sau: thịt người thì không thể ăn vì quá dã man; thịt voi và thịt ngựa không được ăn vì trong thời kỳ đó, hai con vật này được coi là thú vật của nhà vua; thịt chó thường coi chó là con vật ghê tởm; thịt rắn, sư tử, cọp, báo, gấu và linh cẩu không được ăn vì rằng ai ăn thịt những loài thú rừng nguy hiểm này sẽ toát ra một mùi đặc biệt có thể khiến cho các con vật đồng loại tấn công người đó để trả thù...

Bạn ạ! Khuyên một người ăn chay không dễ đâu Bạn, huống gì khuyên nhiều người ăn chay, ăn chay trường hoặc Cha Mẹ biểu đồng tình với Bạn để ăn chay. Sư ghi lại nơi đây những ngày ăn chay theo quy định, có mức độ dành cho người phát tâm ăn chay, tập ăn chay, giúp cho mọi người có thể chấp nhận được trong việc tìm đến ăn chay. Theo quy tắc thiền lâm quy chế, có quy định việc ăn chay trường, ăn chay kỳ cho người Phật tử, mỗi tháng người Phật tử có thể phát tâm ăn chay kỳ, theo thời gian như sau: ăn chay vào ngày rằm, mùng một (2 ngày) - ăn chay vào ngày 14,rằm, 30,mùng một (4 ngày) - ăn chay vào ngày mùng 8,14,rằm, 18, 30,mùng một (6 ngày, tháng thiếu thì ăn chay 29, mùng 01) - ăn chay vào ngày 8,14,rằm, 18, 23,24,28,29, 30,mùng một (10 ngày, tháng thiếu thì ăn vào ngày 27,28,29, mùng 01) – nhẫn đến phát tâm ăn chay trường, công đức vô lượng.

Mặc khác, xin cung cấp thông tin về nguyên nhân ăn chay theo ý tưởng khoa học của Bác sĩ Vũ Hướng Văn; theo Bác sĩ thì các trường phái ăn chay đều có những quan điểm chung tuy mức độ có khác nhau chút ít, nhưng đều thống nhất là: con người không phải là loài ăn thịt, mà là ăn ngũ cốc và rau quả, bởi vậy đã ăn chay là không ăn thịt. Các nhà nghiên cứu đã nêu ra nhiều bằng chứng nhằm chứng minh rằng con người là sinh vật ăn ngũ cốc:

So sánh nanh vuốt thấy con thú ăn thịt có móng vuốt sắc như dao là để vồ, cấu xé con mồi. Sự chuyển động độc nhất lên xuống của quai hàm, sự bén nhọn sắc cạnh của những chiếc răng nanh dài và thiếu răng để nghiền. Ruột rất ngắn (chỉ bằng 3 lần chiều dài cơ thể), dạ dày lại tiết nhiều acid (gấp 10 lần so với các loài thú không ăn thịt), vì việc tiêu hóa thịt đòi hỏi không ứ đọng thức ăn lâu trong ruột, không gây lên men thối sản sinh nhiều chất độc.

Con người là sinh vật ăn ngũ cốc, rau quả, có cấu tạo của bộ tiêu hóa khác với sinh vật ăn thịt. Răng người là để nghiền hạt, ruột rất dài (gấp 6 lần chiều dài cơ thể) thức ăn đi qua mất từ 18-24 giờ. Trên thực tế, loài người thời nguyên thủy là những người ăn trai (chay) tuyệt đối, khi chưa tìm ra lửa để nấu nướng, thì phải ăn sống, thức ăn tiêu hóa chậm hơn càng cần phải có thời gian ở trong ruột lâu để được lên men lactic. Cho đến mãi sau này khi biết sử dụng lửa họ mới biết cách ăn thịt. Nếu ăn ngũ cốc và rau quả thì chỉ có sự lên men lactic, hầu như phân không có mùi thối và không chứa chất độc. Khi thức ăn thực vật chứa nhiều glucid dễ lên men thì sự lên men xảy ra sớm và tự nó ngăn cản được việc thối rữa vốn thường xảy ra chậm hơn. Vi khuẩn lên men lactic hoạt động trong môi trường acid, còn vi khuẩn lên men thối rữa không phát triển được trong môi trường này. Sự thối rữa lên men sản sinh nhiều chất vi sinh độc hại sẽ tàn phá cơ thể con người.

Nghiên cứu các nguyên nhân trên, người Phật tử nên biết, việc ăn chay cũng xuất phát từ nhơn duyên thân sinh lý và nhằm bảo vệ thân sinh lý, đồng thời cũng phát huy căn lành và sự hiểu biết của Phật tử, nhất là ở Việt Nam có người ăn chay thì mạnh khỏe, ăn mặn thì bệnh, có người sanh ra và lớn lên ăn chay, có người ăn chay không được. Nhìn chung đa số xuất phát từ sự khởi tâm thanh tịnh của mọi người mà ăn chay.

Trên đây là những luận giải về ăn chay, xin nhắn với những người con Phật nên phát tâm ăn chay, ăn kỳ hay ăn trường cũng đều được chấp nhận. Bạn ăn chay, thương cha mẹ, muốn báo hiếu giúp cha mẹ tu Phật, tập lần ăn chay, tránh bớt sát sanh đến không còn sát sanh nữa, tạo thành môi trường trong sạch trước mắt trong thân thể mọi người là điều quý báu. Chắc chắn bố mẹ sẽ không ngăn cản Bạn ăn chay. Chúc Bạn thành công.

   

Nguon: http://phatgiaovnn.com/upload1/modules.php?name=News&op=viewst&sid=8998


Âm lịch

Ảnh đẹp