Chưa tìm thầy dạy đạo pháp. Chưa chọn được chùa để tu tập. Với
tuổi đời 64 liệu tôi có thể được thu nhận xuất gia làm Sa-di không? Nếu tự tu
tập ở nhà thì theo pháp môn nào?
Hiện nay, ngoài 5 giới căn bản của người Phật
tử, tôi vẫn hành trì thêm 10 giới của Sa-di nhưng tâm vẫn chưa định. Tôi đang
thực hành công phu khuya và công phu chiều tại nhà, ngoài ra còn nghe pháp, đọc
kinh sách. Mỗi lần đi hành hương tôi được các Phật tử và các thầy cô xá chào và
gọi bằng “thầy” dù tôi chỉ mặc đồ lam, áo tràng mà Phật tử thường mặc. Như vậy
tôi có mang tội là mạo danh, trá hình người xuất gia không?
(NGUYÊN TRÍ, nguyen.tri1950@yahoo.com)
ĐÁP:
Bạn Nguyên Trí thân mến!
Bạn đã có phước lành tham dự khóa tu
xuất gia gieo duyên làm Sa-di trên đất Phật. Sau khóa tu gieo duyên thì trở lại
sinh hoạt tu tập bình thường theo pháp thức của một Phật tử tại gia. Hiện bạn
phát tâm xuất gia là điều rất tốt nhưng với tuổi đời đã khá cao là một chướng
ngại không nhỏ cho người mới tập sự xuất gia nên bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Thiết nghĩ, bạn tu tập như đã trình bày,
một ngày hai thời công phu, đọc kinh nghe pháp, ngoài 5 giới của người cư sĩ
bạn còn phát tâm giữ 10 giới của Sa-di là quý hóa vô cùng. Nếu bạn có duyên lành
với pháp môn Tịnh độ, phát tâm niệm Phật A Di Đà, cầu vãng sanh Cực lạc lại
càng hay. Cho dù ở chùa thì bạn cũng tu tập như vậy thôi, không khác. Tu tập ở
nhà lúc tuổi về chiều, các vấn đề ăn-mặc-ở-đi lại có thể có con cháu trợ duyên,
nếu có bệnh tật gì cũng có vợ con chăm sóc, không khéo lại thuận duyên hơn tập
sự xuất gia trong tình trạng già cả lụm cụm ở chùa rất nhiều.
Hình tướng không quan trọng, chủ yếu là
cái tâm, mà tâm bạn đang tu như người xuất gia là được rồi. Nếu chưa thuận
duyên như chưa tìm được thầy, chưa chọn được chùa thì bạn cứ ở nhà mà tu. Khi
đi hành hương, người khác hay gọi bạn là “thầy”, thiết nghĩ do bạn có cốt cách
bên ngoài giống quý thầy. Đây là phước báo của mình, không có tội vạ gì cả. Tuy
vậy, nếu có ai gọi nhầm thì bạn nên cải chính rằng bạn chỉ là Phật tử mà thôi.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN GNO
(tuvangiacngo@yahoo.com)