Đáp:
Xin thưa ngay là được, không có gì trở
ngại. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi cũng xin góp thêm chút ý kiến nói
rộng hơn về vấn đề này. Đứng về phương diện hình thức sự tướng lễ nghi
mà nói, thì khi tụng niệm bái sám, phật tử cần phải có thiết lập bàn thờ
Phật và phải tôn thờ Ngài nơi chỗ trang nghiêm thanh tịnh.
Phật hay Bồ tát, tuy là hình tượng, nhưng người phật tử phải luôn kính trọng tôn thờ.
Ta tôn thờ Phật
là vì ta nhớ đến công ơn giáo hóa của Ngài. Vì Ngài là người giác ngộ
hoàn toàn. Tuy Phật đã nhập diệt rất lâu xa, nhưng Ngài còn để lại cho
chúng ta một kho tàng kinh điển vô giá, gồm có ba tạng kinh điển. Nhờ đó
mà chúng ta mới nghiên cứu học hỏi và mới biết được đường lối tu hành
thoát ly sinh tử khổ hải. Như vậy, công ơn của Ngài thật quá lớn lao,
không sao kể xiết. Thế nên người phật tử sau khi quy y, nghĩ đến công ơn
lớn lao đó của Ngài mà ta nên thỉnh tượng Phật về nhà để tôn thờ.
Thờ Ngài với mục đích chính là để chúng ta ra vô thấy hình
tượng của Ngài để chúng ta bắt chước noi theo tấm gương công hạnh cao cả
giác ngộ giải thoát của Ngài. Để từ đó, chúng ta cố gắng thật hành theo
những gì mà Ngài đã chỉ dạy. Chúng ta nên đem những lời dạy đó mà ứng
dụng trong đời sống thực tế hằng ngày. Có thế, thì việc thờ Ngài mới
được lợi ích. Và thờ Phật như thế mới đúng với ý nghĩa thờ Phật.
Ngược lại, nếu ta thờ Phật, Bồ tát để
mong cầu các Ngài ban ơn giáng phước, hay trừ tà giải nạn, gia hộ độ trì
cho mọi người trong gia đình luôn được mạnh khỏe, quanh năm suốt tháng
gia đạo luôn được bình an, không xảy ra tai họa. Thờ Phật hay Bồ tát như
thế thì thật là một sai lầm rất lớn. Thờ với quan niệm như thế, có khác
nào xem Phật hay Bồ tát như là một vị thần linh. Tệ hơn nữa, có người
còn lo cúng kiến như lo lót hối lộ cho các Ngài phù hộ. Nếu không được
như ý, thì các Ngài không linh. Phật hay Bồ tát là những người giác ngộ,
mà ta lại xê dịch biến các Ngài qua vị trí trở thành Thần linh gia hộ.
Thật là quá mê lầm tội lỗi! Thế nên, người phật tử khi thờ Phật hay Bồ
tát, cần phải học hỏi hiểu rõ ý nghĩa của sự tôn thờ này. Nếu không, thì
chúng ta sẽ mang trọng tội với các Ngài.
Tại sao phật tử lại thờ kính ông bà?
Có phải phật tử vì nghĩ đến công ơn sinh thành giáo dưỡng sâu nặng của
cha mẹ ông bà mà phật tử tôn thờ hay không? Cha mẹ ông bà chỉ là người
cho ta cái hình hài thể chất này mà ta còn phải nhớ ơn quý kính tôn thờ
như thế, huống gì đối với đức Phật đã chỉ dạy cho ta có thêm nhiều trí
huệ sáng suốt và vạch bày cho chúng ta một con đường giác ngộ giải thoát
vĩnh viễn không còn sinh tử khổ đau. Như thế, thì thử hỏi ân đức của
Ngài đối với chúng ta lớn lao đến bực nào? Vì thế việc thờ Phật ở trong
gia đình đối với người phật tử tại gia cũng rất là thiết yếu quan
trọng.
Trở lại câu hỏi của phật tử, phật tử
tuy có lòng tin tưởng Phật pháp, nhưng vì gia cảnh chật chội nên không
thể thiết lập riêng bàn thờ để thờ Phật. Mặc dù phật tử không có thờ
Phật, nhưng vẫn có thờ ông bà. Việc thờ cúng tổ tiên ông bà là một điều
rất tốt theo phong tục truyền thống hiếu đạo của người Việt Nam. Việc
thờ phụng ông bà đó là điều rất quý tôi hết lòng tán dương phật tử.
Nếu gia cảnh của phật tử chật chội,
không thể thiết lập một bàn thờ Phật riêng, nhưng khi tụng niệm lễ bái,
thì phật tử cũng có ý muốn là có hình tượng Phật để chiêm ngưỡng lễ bái.
Theo tôi, thì phật tử nên linh động, thay vì đã có bàn thờ ông bà, thì
tại sao Phật tử không thờ Phật ở trên. Phật tử nên tìm cách tạo phương
tiện như thế nào đó cho nó thích hợp. Nghĩa là vừa thờ ông bà mà cũng
vừa thờ Phật.
Như thế, thì được lưỡng lợi cả hai. Vì
ông bà cũng phải tôn kính Phật, nên thờ Phật ở tầng trên, và thờ ông bà
ở tầng dưới, như thế có gì là thất kính mà có lỗi đâu. Và thờ như thế
cũng đâu có chiếm thêm vị trí nào khác mà chật chội. Tại vì hoàn cảnh
mình phải làm như thế. Phật và ông bà không có trách cứ phật tử đâu,
ngược lại, chẳng những không trách cứ mà các vị đó còn thương xót phật
tử nhiều hơn nữa. Vì biết phật tử là người có tấm lòng tốt, chí hiếu,
nhưng vì gia cảnh chật chội phải thờ phụng như thế mà thôi.
Tôi thành thật khuyên phật tử nên làm
như thế. Vì có thờ Phật, khi phật tử tụng niệm bái sám, nhìn thấy hình
tượng tướng hảo của Phật hay Bồ tát, thì nó càng tăng thêm niềm tin và
lòng quy kính của phật tử hướng về Tam Bảo. Và do đó, việc tụng niệm của
phật tử càng có thêm sự tha thiết chí thành. Nhờ đó mà lòng của Phật tử
càng cảm thấy vui tươi an lạc dịu hiền tươi mát hơn. Đây cũng là một
điều rất hệ trọng cho đời sống tâm linh, xin phật tử hãy quan tâm suy
xét lại cho thận trọng kỹ càng.
Đó là nói theo phần sự tướng bên
ngoài, còn luận về lý tánh bên trong, thì phật tử thường xoay về tự tâm
quán chiếu từng giây phút không cho phiền não phát sinh, như thế thì
phật tử đang thờ Phật và thật sự tôn kính ông Phật của phật tử rất mực
rồi. Vì mỗi người đều sẵn có ông Phật. Thờ Phật ngoài để làm sáng tỏ
phật tự tâm của mình.
Thờ Phật như thế, mới đúng là « Sự Lý
viên dung ». Và thờ Phật như thế, mới thật sự đúng với ý nghĩa thờ Phật.
Kính mong Phật tử phải thờ Phật cả hai như thế. Có thờ như thế, thì mới
mong thoát khổ. Còn nếu chỉ biết có ông Phật ở bên ngoài không thôi,
thì thật sự chưa đúng với ý nghĩa thờ Phật vậy.