29/04/2013 10:33 (GMT+7)
Số lượt xem: 275030
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Duy thức học Phật giáo nói rằng vũ trụ chỉ là tâm thức, điều đó có nghĩa vũ trụ vạn vật chỉ là thông tin. Bởi vì thức là thông tin, biết cái ký hiệu, cái ý nghĩa của sự thật nhưng không phải biết cái thật vì sự thật hay chân lý là bất nhị, bất khả tri.



Ở đây chúng tôi không bàn về ý nghĩa của thời gian trong quan niệm thông thường, trong lịch sử và văn học, mà bàn về ý nghĩa bản chất của thời gian vật lý và tâm linh, nó có những tính chất khác hẳn thời gian thông thường.

Thời gian trong quan niệm của Newton là một đại lượng bất biến, trôi xuôi một chiều từ quá khứ tới hiện tại và tương lai. Chiếu theo thời gian này thì chúng ta không thể gặp Đức Phật Thích Ca vì chúng ta đang sống trong thế kỷ 21 còn Thích Ca (623-543 trước CN) sống trong thế kỷ thứ 7 và 6 trước Tây lịch, không cùng thời đại thì không thể gặp nhau. Không gian và thời gian là sân khấu của hiện tượng, nghĩa là các hiện tượng giống như diễn viên trong một vỡ kịch, diễn ra trên sân khấu, dù không có diễn viên, không có vỡ diễn thì sân khấu vẫn tồn tại, tức là không gian và thời gian vẫn tồn tại.

“Ảo giác dòng thời gian liên quan với khái niệm mũi tên thời gian. Tuy bác bỏ dòng thời gian, nhưng giới vật lý chấp nhận mũi tên thời gian (chỉ hướng từ quá khứ qua hiện tại tới tương lai), cũng như xem việc phân biệt “quá khứ” và “tương lai” là có cơ sở vật lý. Hawking đã luận giải rất sâu sắc vấn đề này trong tác phẩm Lược sử thời gian: Từ vụ nổ lớn tới lỗ đen, xuất bản từ 1988.

Nói chung, các sự biến vũ trụ sắp xếp theo thứ tự một chiều. Như gương rơi xuống sàn sẽ vỡ thành từng mảnh, còn quá trình ngược lại – các mảnh vỡ từ sàn bay lên ghép lại thành gương – chưa từng xẩy ra. Đó là bằng chứng trực tiếp và rõ ràng của nguyên lý hai nhiệt động học, cho rằng độ mất trật tự (entropy) của một hệ cô lập luôn tăng. Gương vỡ mất trật tự hơn, có entropy lớn hơn, nên quá trình “gương vỡ lại lành” không thể xẩy ra. Đối với con người, thời gian tâm lý cũng trôi từ quá khứ tới tương lai như thời gian nhiệt động, vì các quá trình tâm lý có cơ sở vật chất là các quá trình điện hóa trong bộ óc, mà các phản ứng sinh học cũng tuân theo các qui luật nhiệt động học. Nói cách khác, hai mũi tên thời gian nhiệt động và tâm lý trùng nhau. (Hawking còn chứng minh mũi tên vũ trụ giãn nở sau Big Bang cũng chỉ hướng như thế; tuy nhiên ta có thể bỏ qua lập luận này, vì khi vũ trụ co lại (ngược với giãn nở), mũi tên cũng không đổi chiều. Điều đó chứng tỏ việc gắn mũi tên thời gian với sự giãn nở có thể không xác đáng).

Chính vì “gương vỡ không lành” mà có sự bất đối xứng giữa quá khứ và tương lai theo trục thời gian. Mũi tên thời gian hình tượng hóa sự bất đối xứng của thế giới theo thời gian, chứ không phải sự bất đối xứng của dòng thời gian. Mũi tên thời gian chỉ hướng về tương lai. Nhưng điều đó không có nghĩa nó bay về tương lai; giống như kim la bàn luôn chỉ phương bắc, nhưng không chạy về phương bắc. Cả hai mũi tên đều hình tượng hóa sự bất đối xứng, chứ không phải vận động hay sự biến dịch. Như vậy mũi tên thời gian chỉ ra sự bất đối xứng trong thời gian, chứ không phải sự bất đối xứng của dòng thời gian. Và các khái niệm “quá khứ” và “tương lai” trong thời gian cũng giống như khái niệm “phía trên” và “phía dưới” trong không gian. Tương quan giữa chúng tùy thuộc vào hệ qui chiếu, vào bản chất thế giới vật chất xung quanh. Chẳng hạn, với người Việt Nam, cảm nhận “phía trên” có thể ngược 180 độ với cảm nhận của người Mỹ phía bên kia địa cầu.

Nói cách khác, sự bất đối xứng theo thời gian là một thuộc tính của các trạng thái vũ trụ, chứ không phải là thuộc tính của bản thân thời gian. Và trong vũ trụ, chỉ người quan sát có ý thức mới ghi nhận được “dòng thời gian” (khi ta ngủ, tức ở trạng thái dưới ý thức, ý niệm dòng thời gian hoàn toàn biến mất). Đồng hồ cũng không đo dòng thời gian, mà chỉ đo khoảng cách thời gian giữa các sự kiện. Vì thế có thể dòng thời gian là đặc điểm chủ quan trong tâm trí con người, chứ không phải là thuộc tính khách quan của vũ trụ.”

(Đỗ Kiên Cường, Tạp chí Tia Sáng)

Trong đoạn trích trên tác giả nói “Như gương rơi xuống sàn sẽ vỡ thành từng mảnh, còn quá trình ngược lại – các mảnh vỡ từ sàn bay lên ghép lại thành gương – chưa từng xẩy ra.” Đây là một nhận định không hoàn toàn đúng. Gương vỡ lại lành là điều có thể xảy ra và đã từng xảy xa. Như chúng ta đã biết, Trương Bảo Thắng đã xé nát bức tranh của một nhà danh họa và phục nguyên nó trước mắt tác giả, nguyên vẹn như chưa hề bị xé nát. Năm 1984, tại Cung Văn hóa Công nhân thành phố Tương Đàm tỉnh Hồ Nam, Hầu Hi Quý đã dùng cục gạch đập bẹp chiếc đồng hồ đeo tay của phó chủ tịch Công đoàn tỉnh Hồ Nam, Long Quỳ, rồi phục nguyên nó, vẫn chạy đều như cũ. Các việc đó chứng tỏ mũi tên thời gian một chiều chỉ là nhận định chủ quan theo thói quen của con người chứ không hẳn đúng. Thời gian có khả năng trôi xuôi và trôi ngược.

Thời gian trong quan niệm của Einstein thì có khác với Newton, nó mang tính tương đối (Relativity) và không phải bất biến. Nó có thể rút ngắn hay dài ra tùy theo tốc độ di chuyển của người quan sát, môi trường vật chất đậm đặc như lỗ đen cũng làm cho thời gian chậm lại. Ví dụ khi ta ngồi trên phi thuyền bay với tốc độ gần bằng ánh sáng thì thời gian trôi rất chậm. Hay trong vùng không gian chung quanh lỗ đen vũ trụ, thời gian trôi chậm hơn bình thường. Hãy tưởng tượng nếu như có dịp được du hành đến nơi nào đó tập trung một lượng vật chất khổng lồ, ví dụ như siêu lỗ đen Sagittarius A tại trung tâm dải thiên hà của chúng ta, có thể bạn sẽ thấy được sự trôi chậm của thời gian. Tại đây, khối lượng vật chất tương đương… 4 triệu lần khối lượng mặt trời được nén vào một điểm đen duy nhất. Một khối lượng khổng lồ tập trung trong một thể tích rất nhỏ, điều này tạo nên một lực hấp dẫn vô cùng lớn. Ngay cả ánh sáng cũng không thể nào thoát ra khỏi những lỗ đen này (và đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho các lỗ đen được gọi là…lỗ đen). Dạo một vòng quanh điểm đen này (và hãy cố đừng để nó hút vào), bạn sẽ trải nghiệm cảm giác thời gian trôi chậm lại. Cuộc du hành kéo dài 5 năm quanh lỗ đen này, thế mà một thập kỷ đã đi qua dưới Trái đất. Tức thời gian gần lỗ đen đã trôi chậm đi 50% so với trên trái đất.

Đi tới tương lai

Từ nhận định thời gian tương đối, con người suy nghĩ đến việc có thể du hành tới tương lai hay quay về quá khứ hay không? Câu trả lời là các nguyên lý vật lý không cấm, nhưng những rào cản kỹ thuật thì không thể vượt qua trong vũ trụ mà chúng ta đang sống.

Cách duy nhất du hành tới tương lai là dùng hiệu ứng thời gian trôi chậm trên con tàu vũ trụ bay rất nhanh của thuyết tương đối hẹp. Nếu rời Trái đất trên con tàu tăng tốc liên tục với gia tốc trọng trường (để cơ thể chịu một lực gia tốc thuận lợi đúng bằng sức hút Trái đất), thì sau một năm có thể đạt gần tới tốc độ ánh sáng. Tiếp tục gia tốc, ta có thể bay nhanh xấp xỉ ánh sáng. Khi đó chuyến bay tới trung tâm Ngân hà rồi quay về (khoảng cách cỡ 60 ngàn năm ánh sáng) chỉ mất 40 năm, trong khi trên Trái đất, 600 thế kỉ đã trôi qua. Bạn sẽ gặp tương lai nhân loại, với biết bao vật đổi sao dời, nếu loài người vẫn còn tồn tại.

Đi về quá khứ – Nghịch lý thời gian

Năm 1963, nhà toán học người Úc Roy Kerr đã đưa ra giả thuyết về một lỗ đen xoay. Giả thuyết này dựa trên sự tồn tại của những ngôi sao neutron. Chúng là tàn tích từ những vụ sụp đổ của những ngôi sao lớn, có bán kính khoảng 10-20km nhưng khối lượng của chúng có thể tương đương với khối lượng mặt trời. Ông cho rằng, những ngôi sao này sẽ hình thành nên các lỗ đen xoay, và lực ly tâm được tạo ra sẽ ngăn cản các lỗ đen này trở thành những chấm đen tập trung một lượng vật chất khổng lồ. Và do đó, chúng ta có thể xâm nhập vào những lỗ đen này mà không phải e ngại một lực hút khủng khiếp ở trung tâm của chúng.
 Lỗ đen xoay
Nếu như lỗ đen Kerr thực sự tồn tại, các nhà khoa học giả thiết rằng ta có thể đi vào đó, và lối ra, sẽ dẫn đến một nơi được gọi là Lỗ trắng. Hãy tưởng tượng lỗ trắng này cũng giống như một đầu xả của lỗ đen, thay vì hút mọi thứ nhờ vào lực hấp dẫn, chúng sẽ tống mọi thứ đi, và-rất-có-thể-là đến một khoảng không gian-thời gian khác, và thậm chí là một vũ trụ khác. Đó có thể là cảnh tượng địa cầu hồi thời Đức Phật chẳng hạn và chúng ta ngạc nhiên nhìn thấy Thích Ca đang thuyết pháp cho 5 anh em Kiều Trần Như tại Lộc Uyển (Sarnath).

Giả thuyết đi ngược về quá khứ đã bị bác bỏ bởi thuyết nhân quả. Nguyên nhân luôn đến trước kết quả, điều này đã làm cho những bộ óc thiên tài nhất cũng phải bó tay trong việc tìm cách trở về quá khứ.

Cùng bắt đầu với giả thiết bạn có thể quay về quá khứ 200 năm trước. Điều này thật phi lý, làm cách nào mà bạn (hệ quả), lại có mặt ở đây trước khi bạn sinh ra (nguyên nhân)?

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, hãy cùng đề cập đến nghịch lý ông nội, một ví dụ kinh điển về thuyết nhân quả. Bạn là một sát thủ xuyên thời gian, và mục tiêu lần này chính là người ông nội của bạn. Bạn ngồi lên cỗ máy thời gian, quay ngược lại thời điểm 50 năm trước, khi người ông của bạn mới 18 tuổi. Bạn đã xác định được mục tiêu, bạn đưa khẩu súng laser lên và chuẩn bị bóp cò. Điều gì sẽ xảy ra?

Hãy nghĩ cho kỹ. Bạn chưa được sinh ra. Cả bố bạn cũng vậy. Nếu giờ đây bạn bóp cò, người đàn ông này sẽ chẳng bao giờ có thể có một đứa con trai. Và đứa con trai đó sẽ chẳng thể nào sinh ra bạn — kẻ đang đứng đây chĩa súng vào người ông của mình. Bạn bóp cò, và bạn đã tự phủ định sự tồn tại của chính mình.

Một ví dụ nổi tiếng khác được đưa ra bởi Stephen Hawking, nghịch lý giáo sư điên. Một vị giáo sư sau một thời gian miệt mài nghiên cứu đã sáng tạo ra một công thức toán học mới, và đem nó giảng giải cho các sinh viên. Một trong số những sinh viên này tìm đến một cỗ máy thời gian và du hành ngược về thời điểm trước khi vị giáo sư tìm ra công thức, và giảng cho ông nghe về công thức đó. Và vị giáo sư lại đem công thức này giảng lại cho các sinh viên. Vậy ai mới là người nghĩ ra công thức đó?

Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết để giải quyết mâu thuẫn này. Một trong những giả thuyết được nhiều người công nhận là giả thuyết vũ trụ song song. Quá khứ mà bạn đến, nó chỉ tồn tại ở một không gian song song với nơi bạn đang sinh sống. Những hành động can thiệp vào quá khứ sẽ không làm thay đổi hiện tại của bạn. Tay sát thủ máu lạnh vẫn có thể hạ gục người ông của mình mà không cần băn khoăn về sự tồn tại của hắn, đơn giản vì một bản sao của người ông vẫn đang sống ở thế giới của hắn. Và dù tay sinh viên láu cá có quay về quá khứ và giảng giải hàng trăm lần cho vị giáo sư đáng kính kia, vẫn còn một bản sao khác của ông ở thế giới song song có thể tự hào rằng mình mới chính là tác giả của công thức toán học đó.

Trong Phật giáo, thuyết nhân quả bị phủ định trong nan đề “cái trứng có trước hay con gà có trước” chúng ta không thể nào xác định được cái nào có trước, tức không thể xác định đâu là nhân đâu là quả, và điều này dẫn tới nhận thức “vô sanh pháp nhẫn” Kinh Đại Bát Nhã giải thích vô sanh pháp nhẫn như sau :

《大般若经》卷四四九〈转不转品〉云(大正7•264b):‘如是不退转菩萨摩诃 萨,以自相空,观一切法,已入菩萨正性离生,乃至不见妙法可得。不可得故,无所造作。无所造作故,毕竟不生。毕竟不生故,名无生法忍, 由得如是无生法忍故,名不退转菩萨摩诃萨。’此谓菩萨观诸法空,入见道初地,始见一切法毕竟不生之理,名无生法忍

(Đại Bát Nhã Kinh, quyển 449, “Chuyển bất chuyển phẩm” vân (Đại Chánh 7.264b) : “Như thị bất thoái chuyển Bồ Tát Ma Ha Tát, dĩ tự tướng không, quán nhất thiết pháp, dĩ nhập Bồ Tát chánh tánh ly sanh, nãi chí bất kiến diệu pháp khả đắc. Bất khả đắc cố, vô sở tạo tác. Vô sở tạo tác cố, tất cánh bất sanh. Tất cánh bất sanh cố, danh vô sanh pháp nhẫn. Do đắc như thị vô sanh pháp nhẫn cố, danh bất thoái chuyển Bồ Tát Ma Ha Tát. Thử vị Bồ Tát quán chư pháp không, nhập kiến đạo sơ địa, thủy kiến nhất thiết pháp tất cánh bất sanh chi lý, danh vô sanh pháp nhẫn).

Dịch nghĩa : Đại Bát Nhã Kinh, quyển 449, “phẩm Chuyển Bất Chuyển” nói (trích Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, trang 7.264b) : “Bồ Tát Ma Ha Tát (Ma Ha Tát Mahasattva phiên âm đầy đủ là Ma Ha Tát Đỏa 摩诃萨埵 là đại sĩ, người có nguyện lực rộng lớn) bất thoái chuyển như thế, lấy tự tướng không để xem xét tất cả các pháp, đã vào được cảnh giới không còn sanh diệt của Bồ Tát, đến mức không còn thấy có diệu pháp để đắc. Vì không thể có đắc nên không có cái để tạo tác. Vì không có cái tạo tác, nên tất yếu là bất sanh. Vì tất yếu là bất sanh nên gọi là vô sanh pháp nhẫn (trạng thái bản lai không có sanh diệt). Người chứng được vô sanh pháp nhẫn như thế gọi là Đại Bồ Tát bất thoái chuyển (không lui sụt). Đó gọi là Bồ Tát thấy các pháp là không nên vào được sơ địa của con đường giác ngộ, bắt đầu thấy cái lý tất yếu bất sanh của tất cả các pháp, gọi là vô sanh pháp nhẫn.

Kinh điển Phật giáo từng đề cập đến các vũ trụ song song khi nói rằng không phải chỉ có duy nhất một Thích Ca đang thuyết pháp mà có vô lượng vô biên Thích Ca đang đồng thời thuyết  pháp tại vô lượng vô biên thế giới. Điều quan trọng mà kinh điển muốn nói, đó là vũ trụ chỉ là ảo hóa. Đã là ảo thì không có số lượng, cũng tức là vô lượng vô biên. Đã là ảo thì không có bắt đầu không có kết thúc, không có sanh diệt (vô sanh pháp nhẫn), không có thời gian hay thời gian không có thật.

Những vấn đề mà khoa học gặp phải và không thể giải quyết nổi như : khó khăn về kỹ thuật, không thể chế tạo được phi thuyền bay với vận tốc gần bằng ánh sáng, những phi thuyền bay nhanh nhất hiện nay chỉ đạt được 50.000 km/giờ, quá chậm so với 300.000 km/giây của ánh sáng. Tìm được một lỗ đen xoay để qua đó đến được cõi giới quá khứ hay tương lai hoặc một vũ trụ khác chỉ mới có trong truyện viễn tưởng.

Nhưng đối với Phật giáo thì việc du hành về quá khứ hay tới tương lai là việc đã có người thực hiện. Phật giáo nói vũ trụ chỉ là huyển ảo không có thật, nên quá khứ, hiện tại, tương lai cũng chỉ là tưởng tượng. Kinh điển gọi là thế lưu bố tưởng, tức tưởng tượng đã thành nếp, thành thói quen phổ biến được lưu truyền lâu đời. Quá khứ không phải một qua là mất hẳn, tương lai cũng không phải chưa xảy ra, hiện tại cũng không phải là duy nhất. Hiện tượng vật lý, rối lượng tử (quantum entanglement) chứng tỏ là một hạt photon có thể xuất hiện đồng thời tại vô số vị trí khác nhau. Vì không gian không có thật nên khoảng cách giữa hai photon trong thí nghiệm của Nicolas Gisin năm 2008 (18km) là không có thật, hai photon cũng không phải là hai cũng không phải là một (Phật giáo gọi là bất nhị) nghĩa là số lượng không có thật. Những thí nghiệm sau này càng chứng tỏ số lượng không có thật, không phải chỉ có hai photon ở trạng thái vướng víu (entangled) mà hàng trăm ngàn.

Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow vừa tạo ra những trạng thái lượng tử chứa tới 100.000 photon, và tất cả chúng đều bị vướng víu với nhau. Họ tạo những xung ánh sáng trong một trạng thái “chân không nén” và đội nghiên cứu tìm thấy sự vướng víu trở nên mạnh hơn khi số lượng photon có trong xung tăng lên. Như vậy có thể nói trong điều kiện lượng tử, 1= 100.000. Nhưng đó chưa phải là giới hạn, không có giới hạn nào, một có thể bằng vô cực. Điều này càng cho thấy rõ toán học chỉ là tùy tiện, chủ quan, số lượng chỉ là ảo tưởng.

Hầu Hi Quý có khả năng nhìn thấy quá khứ, năm 1989 ông mới gặp lần đầu Lưu Hạo Thanh, trưởng hải quan Củng Bắc thành phố Châu Hải tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, mà biết bà mẹ của ông ta sinh được 7 người con, trong khi chính bản thân ông ta cũng còn chưa biết, tưởng rằng chỉ có 6 người, vì có một bé gái sanh ra không bao lâu thì chết nên những đứa con sau không biết chuyện đó và người mẹ cũng chẳng bao giờ nhắc lại chuyện đó, thế nhưng quá khứ đó vẫn tồn tại và Hầu Hi Quý thấy được.

Nhà thơ Hoàng Đình Kiên 黃廷堅 (1045-1105), tự Lỗ Trực 魯直, biệt hiệu Sơn Cốc đạo nhân 山谷道人,  sống vào đời Tống ở Trung Quốc là một trường hợp tái sinh biết được tiền kiếp của mình và tìm đến được nhà người mẹ kiếp trước của mình. Ông là hậu thân của một cô gái chết còn trẻ tuổi, trước khi chết, cô gái niêm phong một rương tác phẩm văn chương thi phú của mình, cất chìa khóa không cho ai biết, kể cả bà mẹ. 26 năm sau, Hoàng Đình Kiên thi đậu tiến sĩ, nhân ngày sinh nhật của mình, ông làm tiệc thiết đãi mọi người. Trong lúc nghỉ trưa ông nằm mơ thấy đi đến một ngôi nhà trong cùng thành phố, gặp một bà lão, được mời ăn cơm. Khi tỉnh giấc, ông nhớ rõ con đường đi đến ngôi nhà trong mộng, bèn tìm đến, cũng gặp bà lão. Bà lão kể con gái bà đã chết 26 năm, hôm nay là đám giỗ, có để lại một cái rương khóa kỹ, mà không có giao chìa khóa cho bà nên bà không rõ trong đó đựng cái gì. Bỗng Hoàng Đình Kiên nhớ được chỗ cất chìa khóa và tìm thấy nó, mở rương ra thấy có các bài thơ văn, trong đó, thật kỳ lạ, có đúng y bài văn mà nhờ nó ông đậu tiến sĩ. Truyện về Huỳnh Đình Kiên chứng tỏ rằng tiền thân của ông là cô gái, trước lúc lâm chung đã tự tay khóa cái rương và cất chìa khóa mà không đưa cho mẹ, bà mẹ còn nhớ rõ con gái có nói rằng kiếp sau mình sẽ trở lại mở cái rương đó. Thực tế diễn ra đúng như vậy. Như thế tương lai đã được biết trước. Việc Huỳnh Đình Kiên thi đậu Tiến sĩ giống như đã được lập trình.

Dùng thiền định, pháp sư Huệ Trì người đời Đông Tấn tại Trung Quốc đã đi tới tương lai là đời Tống hơn 700 năm sau đó.

Pháp sư Huệ Viễn (334-416) đời Đông Tấn là Sơ Tổ của Tịnh Độ Tông, ông là đồng đạo với Đạo An, nhỏ hơn 20 tuổi. Em trai của ông, Huệ Trì (337…) cũng là một pháp sư rất nổi tiếng. Huệ Trì tính tình đạm bạc điềm tĩnh, có chí hướng cao xa. Lúc 14 tuổi bắt đầu đọc Thi Thư, học một biết mười, giỏi về văn sử, tinh thông Kinh, Luật, Luận của Phật giáo. Đạo An ở Tương Dương đề nghị Huệ Viễn đi về phía đông hoằng pháp. Huệ Trì cùng đi với anh. Đến Lư Sơn, hai anh em ở chung. Huệ Trì thân cao 8 xích , phong thái tuấn tú, thường mang giày cỏ, áo nạp phủ quá đầu gối. Số người theo học Phật pháp tại Lư Sơn có hơn 3000 người, không ai tuấn tú mẫn tiệp hơn Huệ Trì.

               Pháp sư Huệ Trì

Sau Huệ Trì nghe nói ở Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên đất đai màu mỡ, nhân dân giàu có, muốn đến đó truyền pháp và xem phong cảnh núi Nga Mi. Năm Long An thứ ba đời Đông Tấn (công nguyên 399 CN), ông từ biệt Huệ Viễn đi Tứ Xuyên. Huệ Viễn khuyên em ở lại hết lời mà không được, bèn than rằng “Người đời đều thích đoàn tụ, riêng mình em thích phân ly, vì sao vậy ?” Ông đáp : “Nếu là người vướng mắc ở tình cảm, thích đoàn tụ thì không nên xuất gia. Hiện tại chúng ta đã cát ái xả dục mà cầu đạo thì nên kỳ vọng gặp nhau ở Tây phương cực lạc” Thế rồi anh em chia tay. Huệ Trì lên đường đi Tứ Xuyên một mình, từ đó không ai còn biết tung tích của ông. Kể từ lúc ông lên đường đi Tứ Xuyên vào năm 399 CN đến lúc người ta phát hiện ra ông trong bọng cây là năm 1113 CN, tức đã trải qua 714 năm. Câu chuyện như sau :

南宋正受《嘉泰普燈錄》卷二十二記徽宗政和三年(一一一三),嘉州奏古樹因風摧 折,中有一禪定僧,鬚髮被體,指爪遶身。帝令肩輿入京,由西天總持三藏以金 磬出其定,始知為東晉慧遠法師之弟慧持,因遊峨嵋而入定樹穴。帝令繪像,並親製三偈,第一偈云:「七百年來老古錐,定中消息許誰知?爭如隻履西歸去,生死 何勞木作皮。」

Bộ Sách Gia Thái Phổ Đăng Lục do Chính Thọ (Vân Môn tông) viết vào đời Nam Tống, quyển 22 có ghi lại một câu chuyện sau : Năm Chính Hòa thứ ba đời Tống Huy Tông (công nguyên 1113), tại Gia Châu Tứ Xuyên (nay là huyện Lạc Sơn nơi có tượng Phật điêu khắc vào vách núi đá cao nhất thế giới) quan địa phương có biểu tâu lên triều đình : Có cây cổ thụ bị gió thổi gãy, bên trong có một lão tăng đang nhập định, râu tóc che phủ thân thể, móng tay dài bao quanh người. Hoàng đế giáng chỉ dùng cáng khiêng lão tăng đó đưa về kinh đô (thời đó là Biện Kinh, kinh đô của nhà Bắc Tống, nay là thành phố Khai Phong tỉnh Hà Nam). Do vị sư người Tây Thiên (Ấn Độ) là Tổng Trì Tam Tạng dùng chiếc khánh đồng đánh lên để làm cho lão tăng xuất định, mới biết đó là em trai của pháp sư Huệ Viễn ở Lư Sơn, tên là Huệ Trì, nhân đi du lãm núi Nga Mi, ngồi nhập định trong bọng cây.  Hoàng đế ra lệnh cho họa sĩ vẽ hình của lão tăng, và tự mình làm ba bài kệ.

Bộ Gia Thái Phổ Đăng Lục in vào năm Gia Thái thứ hai đời Nam Tống (CN 1202) cách lúc xảy ra sự việc trên (CN1113) chỉ có 89 năm, sự việc còn có thể khảo cứu và đáng tin cậy. Mặt khác 5 Bộ sách (3)  mà Bộ Ngũ Đăng Hội Nguyên gom lại đều là Thiền sử, ghi chép những sự việc có thật, người thật, việc thật.

Bài kệ thứ nhất của Tống Huy Tông :

七百年來老古錐    Thất bách niên lai lão cổ trùy
定中消息許誰知? Định trung tiêu tức hứa thùy tri ?
爭如只履西歸去    Tranh như chích lý Tây quy khứ
生死何勞木作皮    Sinh tử hà vinh mộc tác bì

Dịch nghĩa : Lão tăng sống hơn bảy trăm năm, căn cơ bén nhọn như cái dùi. Lúc nhập định có lẽ không ai biết tin tức gì của ông. Có thể sánh với Bồ Đề Đạt Ma quảy một chiếc giày về Tây Thiên. Sống chết có vinh hoa gì khi lấy gỗ làm da.

Bài kệ thứ hai :

藏山於澤亦藏身   Tàng sơn ư trạch diệc tàng thân
天下無藏道可親   Thiên hạ vô tàng đạo khả thân
寄語莊周休擬議   Ký ngữ Trang Chu hưu nghĩ nghị
樹中不是負趨人   Thụ trung bất thị phụ xu nhân

Dịch nghĩa:  Giấu núi trong đầm cũng giấu thân. Nếu không giấu thiên hạ thì đạo có thể gần gũi . Gởi lời nhắn với Trang Chu hãy thôi suy nghĩ và nghị luận. Trong bọng cây không phải phụ lòng khách qua đường.

Bài kệ thứ ba:

有情身不是無情   Hữu tình thân bất thị vô tình
彼此人人定裏身   Bỉ thử nhân nhân định lý thân
會得菩提本無樹   Hội đắc bồ đề bổn vô thụ
不須辛苦問盧能   Bất tu tân khổ vấn Lư Năng

Dịch nghĩa : Là loài hữu tình thân không phải vô tình. Đây đó người người đều nhập định. Tự mình thể hội bồ đề vốn không có cây. Thì khỏi phải nhọc công hỏi pháp Huệ Năng.

Hoàng đế Tống Huy Tông phải xúc động lắm trước sự kiện này, nên mới làm liền một lúc ba bài kệ để phát biểu ý kiến của mình. Ta có thể diễn lại ý của Huy Tông bằng văn xuôi cho rõ ràng dễ hiểu như sau : “Lão tăng đời xưa nhập định 700 năm, phải là người thượng căn, có lẽ không ai còn biết tin tức gì về ông. Sự việc lạ lùng này có thể sánh với việc Bồ Đề Đạt Ma quảy một chiếc giày đi về Tây Thiên, sau khi người ta đã chôn ông tại Trung Quốc. Sống chết có vinh hoa gì khi cuối cùng cũng vào hòm gỗ. Còn người giác ngộ như Đạt Ma hay Huệ Trì làm chủ sinh tử. Họ có thần thông có thể giấu được quả núi trong đầm như lời Trang Tử nói trong thiên Đại Tông Sư, bộ Nam Hoa Kinh, cũng giấu được thân. Nhưng nếu không giấu thiên hạ thì đạo có thể gần gũi hơn. Ta gởi lời nhắn với Trang Chu rằng ông hãy thôi suy nghĩ và bình luận đi, vì e rằng có những điều ông nghĩ chưa tới và làm chưa được. Con người là loài hữu tình thân thể cũng không phải vô tình, tuy nhiên nếu đây đó khắp mọi nơi, mọi người đều biết đem thân nhập định như Huệ Trì, giác ngộ bồ đề không phải là cây, như trong bài kệ của Huệ Năng, thì không cần phải nhọc công hỏi pháp nơi Lục Tổ, vì bản thân mọi người tự chứng ngộ.”

Huệ Trì nhập định hơn 700 năm, tuổi thọ có thể so sánh với Bành Tổ sống 800 tuổi trong sách xưa. Tuy nhiên đó chưa phải là kỷ lục nhập định lâu nhất của người trên địa cầu. Thiền sử ghi:

在佛陀時代,摩訶迦葉、君屠缽歎、賓頭盧、羅睺羅皆受佛囑託,不入涅槃。《增一阿 含經》卷四十四、《彌勒下生經》卷一云:「大迦葉亦不應般涅槃。」而《付 法藏因緣傳》、《大唐西域記》亦記大迦葉在雞足山入定,發願身至彌勒成佛,令不朽壞,所以他至今仍在定中,是娑婆世界入定最久的記錄保持者。

Trong thời đại của Đức Phật, Ma Ha Ca Diếp, Quân Đồ Bát Thán (Kundopadhaniya), Tân Đầu Lô (Pindola), La Hầu La, đều nhận lãnh lời Phật phó thác, là không nhập Niết Bàn. “Tăng Nhất A Hàm Kinh” quyển 44, “Di Lặc Hạ Sinh Kinh” quyển 1, nói : “Đại Ca Diếp cũng không về cõi Niết Bàn” mà các quyển “Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện”, “Đại Đường Tây Vực Ký” đều ghi Đại Ca Diếp nhập định tại núi Kê Túc (Kukkuṭapādagiri hay còn gọi là Tôn túc sơn Gradhakuta, nay thuộc bang Bihar, Ấn Độ, gần thành Vương Xá –Rājagaha-  của nước Ma Kiệt Đà- Magadha- xưa) phát nguyện giữ thân cho đến khi Di Lặc thành Phật, khiến thân không bị hư hoại, vì vậy cho đến ngày nay, ông vẫn còn nhập định tại núi Kê Túc, là người bảo trì được thân thể lâu kỷ lục trong cõi ta bà thế giới này. 

Maha Ca Diếp hay Đại Ca Diếp (Mahakasyapa) là Sơ Tổ của Thiền Tông Ấn Độ, ông là đại đệ tử của Phật Thích Ca, được Phật đích thân truyền pháp Tổ Sư Thiền qua sự kiện “Niêm hoa vi tiếu”, Phật đưa cánh hoa, Maha Ca Diếp mỉm cười. Thế là đủ, vì là tâm truyền tâm, nên tất cả pháp sâu xa nhất đều được truyền. Đại Ca Diếp tuy là đệ tử của Phật nhưng ông lớn tuổi hơn Đức Phật lịch sử. Sau khi Phật nhập diệt vào năm 543 Trước CN, (năm đó được lấy làm năm đầu của Phật lịch, đến năm nay 2012 dương lịch, thì Phật lịch là 2555), Đại Ca Diếp lo làm lễ trà tỳ cho Phật xong, 3 tháng sau thì lo tổ chức kết tập kinh điển lần thứ nhất, kéo dài trong 7 tháng. Hai mươi năm sau, Đại Ca Diếp truyền tâm ấn cho A-nan, có lẽ là năm 522 TCN, ông đi vào núi Kê Túc, nhập đại định, lúc đó ông 120 tuổi.

Trên đỉnh núi Kê Túc (Kukkutapadagiri) có một tảng đá to ngáng đường, để lên được đỉnh thì phải trèo lên. Thế nhưng, theo lịch sử ghi lại, Ngài Ca Diếp đã dùng thần lực chẻ đôi tảng đá ấy, rồi đi vào bên trong. Hiện nay, chứng tích ấy vẫn còn. Vách đá hai bên của đường chẻ bằng phẳng. Đường vào bên trong nhỏ hẹp dần, nếu ai mập quá thì không thể lách người qua được. Đi đến cuối đường thì rẽ trái, có một cái lỗ nhỏ chui qua để lên phía trên, có một tòa tháp nhỏ, hơi khó đi nhưng rất ấn tượng. Đây không phải là sự sáng tạo của thiên nhiên, mà của một vị Thánh nhân, là bậc thầy của người, đệ tử của Phật nên ta có cảm giác vừa thú vị, vừa kỳ diệu về điều này.
 Vách núi xẻ làm đôi theo truyền thuyết là do thần thông của Ma Ha Ca Diếp
 Miếu do phật tử dựng để thờ Ma Ha Ca Diếp
Núi Kê Túc không phải là một dãy núi mà chỉ là một ngọn núi nằm trơ trọi ở một vùng đất bằng phẳng thuộc bang Bihar, cách Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh-Gaya) khoảng 75 km về hướng Đông Nam. Tầm nhìn xa và rất đẹp. Trên đỉnh núi có một cái tháp đang được xây, theo kiến trúc của Phật giáo Tây Tạng, dưới tháp đó là một cái hang, được cho là nơi đức Ca Diếp ngồi nhập định. Chỗ đó giờ được xây thành một điện thờ nhỏ, trong có tôn tượng đức Ca Diếp, làm nơi hành lễ của các đoàn đến chiêm bái.

Cách đây không lâu, khoảng đầu thế kỷ XX, tiến sĩ triết học Bá Khắc Sâm, người Anh, đã được gặp tôn giả Đại Ca-Diếp tại Kê Túc Sơn, Ấn Độ, mà không biết. Sau đó theo hướng dẫn, đã quy y, trở thành tỳ kheo, đến Rangun, Myanmar thiền định và gặp lại, mới biết đó là Đại Ca Diếp. Như vậy Đại Ca Diếp đã nhập định được hơn 2500 năm và đến nay vẫn còn sống. Ông ẩn thân trong tảng đá lớn nên không ai có thể thấy, chỉ trừ những người có nhân duyên ông muốn cho gặp. Thời gian chẳng có nghĩa lý gì.

Chính vì tương lai không phải là việc chưa xảy ra, nên những bậc kỳ nhân có thần thông hay công năng đặc dị, có thể thấy được tương lai, không phải là dự đoán mà là báo trước tương lai.

Trong lịch sử có không ít trường hợp biết trước tương lai. Năm 435, vị sư người Thiên Trúc là Cầu Na Bạt Đà La (Gunabhadra) đến Quảng Châu lập chùa Pháp Tánh và dự đoán sau này sẽ có một vị Bồ Tát đến đây thọ cụ túc giới. Năm 502, quả có vị sư cũng người Thiên Trúc đến chùa  Pháp Tánh (sau đổi tên là chùa Quang Hiếu) mang theo một cây bồ đề để trồng, thọ cụ túc giới tại đây, đó là sư Trí Dược Tam Tạng, sau đó ông đến Tào Khê lập chùa Bảo Lâm và dự đoán 170 năm sau khi ông viên tịch, sẽ có một vị Đại Bồ Tát đến đây hoằng pháp. Quả thật, đến năm 677 Lục Tổ Huệ Năng đã đến trụ trì chùa này 37 năm, làm cho Thiền tông đại hưng thịnh.

Thời Chu Chiêu Vương cổ đại (995-977 Trước CN), xuất hiện thiên tượng lạ kỳ, có những tia sáng năm màu xoay vần trên sao Thái Vi. Đương thời quan thái sử Tô Do phụng tấu: “Nhất định sẽ có thánh nhân giáng sanh tại phương tây, nên mới xuất hiện điềm cảm ứng tốt lành trên trời như vậy. Một ngàn năm sau, giáo pháp của vị thánh nhân đó sẽ được truyền sang Trung Thổ”. Nghe như thế, Chu Chiêu Vương lập tức hạ lệnh khắc việc này trên đá, để làm bia truyền lâu dài về sau.

Đến thời Hán Minh Đế (28-75), trong niên hiệu Vĩnh Bình, vào một đêm nọ, vua mộng thấy một điềm lạ kỳ. Trong giấc mộng, ông thấy một vị thân vàng, cao hơn một trượng sáu, lưng phóng ánh sáng mặt trời mặt trăng, bay trên không trung, đến trước cung điện. Hôm sau, Hán Minh Đế hội tất cả quần thần để bàn đoán mộng đó, xem coi có ý nghĩa gì. Thái sử Phó Nghị bốc chiêm tinh rồi tấu trình: “Dựa vào bia của Chu Chiêu Vương, giấc mộng đêm hôm qua của Bệ Hạ, nếu tính theo thời gian, thì hiển nhiên có sự liên quan mật thiết. Hiện tại, Thần lại nghe rằng ở Tây Vực có Đức Phật. Bệ Hạ mộng thấy người vàng, thì nhất định đó là Đức Phật vậy”.

Như vậy, trước khi Đức Phật ra đời (năm 623 trước công nguyên) thì ở Trung Quốc, thời Chu Chiêu Vương, trước thời của Phật hơn 300 năm, có người đã đoán biết và dự đoán 1000 năm sau thì giáo pháp của bậc thánh nhân sẽ truyền đến Trung Hoa. Đạo Phật đã đến Trung Quốc vào thời Hán Minh Đế, do nhà vua sai một phái đoàn gồm 18 sứ giả, dẫn đầu là Đậu Cố, sang Tây Vực để tìm kiếm, trên đường đi, họ gặp hai nhà sư Thiên Trúc là Ca Diếp Ma Đằng (Kasyapa-Matanga) và Trúc Pháp Lan (Dharmaraksa), bèn thỉnh về Lạc Dương, xây chùa Bạch Mã (năm 68CN)  cho hai ông trụ trì. Lúc đó là khoảng 1000 năm kể từ lúc Tô Do đưa ra dự đoán. Như vậy dự đoán của Tô Do quả là chính xác.
Khi Thích Ca Mâu Ni mới ra đời, đạo sĩ A Tư Đà (Asita) đã đoán biết hài nhi sau này sẽ xuất gia, tu hành, trở thành bậc Đại Giác Ngộ, tức là thành Phật, sẽ cứu độ cho chúng sinh nhưng ông cũng buồn cho mình là không kịp sống đến lúc Phật thành đạo. Các dự đoán của A Tư Đà đều chính xác.

Như vậy quá khứ, hiện tại, vị lai chỉ là tâm thức chứ không phải sự thật khách quan bên ngoài. Thời gian lâu hay mau chỉ là chủ quan, kể cả thời gian vật lý cũng là chủ quan gắn với một hệ qui chiếu. Một trong các danh hiệu của Phật là Như Lai, biểu thị rằng không có khứ lai, chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu. Các danh hiệu Như Lai, A-Di-Đà đều biểu thị rằng không có không gian, không có thời gian, không có số lượng.

Con người chế tạo phi thuyền không gian định đi đến những hành tinh xa xôi, đó quả thật là vọng tưởng, bởi vì dù có đạt tới vận tốc gần bằng ánh sáng, cũng không thể đến được những hành tinh cách xa hàng tỉ quang niên, chỉ quanh quẩn trong thái dương hệ đã là khó. Cái vọng tưởng là cho rằng vũ trụ là có thật, không gian, thời gian và số lượng là có thật. Trong khi đối với Phật, Bồ Tát, vũ trụ là duy thức, do đó chỉ một niệm là đến, khoảng cách không-thời-gian 13,7 tỉ quang niên chỉ là ảo tưởng. Tất cả thông tin, tất cả năng lượng đều nằm trong A-lại-da thức, khi làm chủ được nó, vận dụng được nó, thì đó là chánh biến tri, vô lượng quang, vô lượng thọ. Chẳng có không gian, chẳng có thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai gì hết, số lượng cũng không. Lịch sử vũ trụ, lịch sử địa cầu, lịch sử loài người đều chỉ là vọng tưởng do vô minh kiến lập. Tam giới cũng đều là không. Thế nhưng Bồ Tát phải dựa trên cái tâm vọng tưởng của chúng sinh để tiếp cận. Bồ Tát phải hóa thân ra nhiều hình tướng đồng loại với chúng sinh để tiếp cận và giáo hóa, giải trừ vô vàn nỗi khổ tưởng tượng (thế lưu bố tưởng), tuy là tưởng tượng nhưng chúng sinh tưởng là thật nên cảm thấy khổ hoặc đôi lúc cảm thấy vui sướng, cũng đều là vọng tưởng.

Duy thức học Phật giáo nói rằng vũ trụ chỉ là tâm thức, điều đó có nghĩa vũ trụ vạn vật chỉ là thông tin. Bởi vì thức là thông tin, biết cái ký hiệu, cái ý nghĩa của sự thật nhưng không phải biết cái thật vì sự thật hay chân lý là bất nhị, bất khả tri. Ví dụ ta biết về thế giới là nắm được một phần nào đó thông tin về thế giới chứ không phải cái thế giới thật. Cái biết của con người là nắm được thông tin. Thông tin chỉ phản ánh một phần nào đó của sự thật, chứ không bao giờ phản ánh được toàn bộ sự thật. Câu chuyện người mù sờ voi trong Kinh Niết Bàn là hiển bày ý nghĩa đó, tức là tất cả chúng ta chỉ là những người mù sờ voi, bất kể ta là ai, nhà khoa học, nhà thông thái hay giáo chủ, lãnh tụ chính trị. Không phải chỉ có thông tin tĩnh như văn bản, ảnh tĩnh, thông tin còn có dạng động như âm thanh, video, các loại chương trình, các tập tin ứng dụng (application) các loại games. Không phải chỉ có thông tin bằng ánh sáng và sóng qua mắt và tai, cảm giác về hương thơm hoặc thúi, vị giác ngọt mặn đắng cay, xúc giác trơn nhám sướng đau v.v…cũng đều là thông tin. Trong đời thường, thông tin còn điều khiển cả thời-không 4 chiều, chẳng hạn thông tin di truyền điều khiển cả quá trình phát triển của một sinh vật từ cái trứng thụ tinh đến trưởng thành, ngay cả năng lượng cũng là thông tin. Các bậc giác ngộ không phải biết sự thật mà hòa nhập với nó, ngộ mình, cái tôi chính là a-lại-da thức, là tam giới, là tâm bất nhị, là tâm như hư không vô sở hữu, trống rỗng, không có gì cả, mà cũng là tất cả. Khoa học hiện nay  chưa điều khiển nổi loại thông tin này, chỉ một số ít người có khả năng ngoại cảm hay công năng đặc dị, làm được chút ít.

Ngày nay nhà khoa học Craig Hogan cũng đưa ra luận chứng vũ trụ là số, tức vũ trụ chỉ là thông tin, đưa ra giả thuyết về tiếng ồn toàn ảnh, và một nhóm các nhà khoa học khác đã phát hiện được tiếng ồn toàn ảnh đó, xác định lập luận của ông là đúng. (xem bài “Vạn pháp duy thức có ý nghĩa gì ?”)

Kết luận: Thời gian chỉ là ảo tưởng, không có thật, vũ trụ vạn vật hay nói chung là các pháp chỉ là ảo, là duy thức, là số, không có sanh diệt, không có bắt đầu, không có kết thúc, tình trạng đó được Phật giáo diễn tả bằng thuật ngữ vô sanh pháp nhẫn.

Phatgiao.org.vn


Âm lịch

Ảnh đẹp