Bồ đề tâm là gì? Ai cũng biết bồ đề tâm là tâm giác ngộ, sự giác
ngộ sâu sắc, đáp án cuối cùng của nó thấy rõ cội nguồn của khổ đau và tìm
phương pháp diệt khổ. Nếu khi bản thân chưa giác trọn vẹn thì chưa đoạn tận khổ
đau trọn vẹn. Nhưng vấn đề tu học là chúng ta không đợi thành Phật mới chia sẻ
những gì có được cho người khác. Phải nhận thức rằng, tại đây và bây giờ là yếu
tố tự lợi và lợi tha song hành, là con đường dẫn chúng ta sớm thành tựu giác ngộ.
Nói rõ hơn là khi chúng ta giúp người bớt khổ thì chúng ta cũng đã tự giúp mình
trước rồi. Tức là giúp bản thân mình có phát khởi tình thương trước, sau đó mới
có biểu hiện hành động tốt lành đối với người khác. Tình thương và lòng tôn trọng
sự sống xuất hiện trong tâm, chính là hạt giống tốt để phát triển thành tinh thần
của Bồ tát hạnh.
Muốn có tình thương rộng lớn thì phải có khả năng quán chiếu và nhận
thức về lý tưởng giải thoát khổ đau. Bạn không thể xa rời thực tế gian khổ ở đời
mà tìm sự giác ngộ. Vì rằng nếu xa rời nó bạn sẽ không có hoàn cảnh để làm nhiều
việc tốt. Như con cá thiếu nước thì sẽ không sống được, nếu chạy trốn thực tại
thì hạt giống bồ đề giác ngộ không thể phát triển được. Có nghĩa là phải đối diện
với cuộc đời để phát khởi sự đồng cảm và đại bi tâm.
Một người bình thường cũng có tình thương, sự đồng cảm nhưng còn yếu
đuối và mờ nhạt, như chỉ thương nồng nhiệt bản thân và người thân yêu của mình
mà quên đi những người khác. Có nhiều trường hợp xảy ra, vì lợi lộc cá nhân và
gia đình mình mà làm người khác khổ đau. Đôi lúc vì lợi lộc quốc gia xã hội
mình mà gây chiến tranh khổ đau trong nhân loại. Thái độ sống thiển cận như thế
thì không có khả năng chuyển hóa phiền não và đem đến lợi ích thiết thực chung.
Đó là ý niệm về tự ngã xuất hiện và ngự trị nhiều phương diện trong cuộc sống
này. Bức tường bản ngã đó được xây dựng lên bằng vật liệu vô minh và bảo thủ và
muốn xô ngã nó xuống không gì hơn là dùng trí tuệ và sự xả ly sản phẩm của tự kỉ.
Chúng ta thấy cụ thể, thái tử Tất Đạt Đa có đi dạo bốn cửa thành mới quán sát cảnh
sanh, già, bệnh, chết và tự nhận thức rằng ta và mọi người đều sẽ như thế! Đó
là sự đồng cảm đến cao độ, đi đến khả năng xả bỏ tất cả và vượt thành xuất gia,
mở ra một con đường giải thoát tuyệt vời cho chúng sinh.
Khi có tình thương, sự đồng cảm đó mới thấy chắc thật mình và mọi
người không khác, từ rung động trước nỗi đau của người khác và cảm nhận nỗi đau
như chính mình và phát huy tinh thần cao thượng. Các kinh điển Phật giáo, nhắc
lại quá trình hành Bồ tát đạo, chư Phật và Bồ tát đã từng hy sinh thân mạng, đầu
mắt tủy não mà cứu chúng sinh là nghĩa ấy. Điều này nó không xa vời đối với người
có tâm từ bi. Nhiều Thánh tử đạo Phật giáo đã xả thân vì đạo hay những bậc hiền
đức vì sự sống của người khác mà hy sinh thân mạng mình đều là biểu hiện sự
tình thương cao thượng và nguyện lực giúp đời bớt khổ đau.
Như một nguyên lý đạo đức, tinh thần cứu
khổ là sự hy sinh, sự ban bố, sự cho ra, mục đích phát huy tinh thần vô ngã mới
đem lại hạnh phúc cho kẻ khác được. Dây kết nối tinh thần giải thoát khổ đau là
các hành động đạo đức. Kinh Vu lan chép rằng mẹ ngài Mục Kiền Liên, bà Thanh Đề
bị đọa trong địa ngục, Mục Kiền Liên dù là tu chứng lục thông cũng không có
phương cách gì cứu mẹ. Đức Phật dạy ngài Mục Kiền Liên phát tâm rộng lớn cúng
dường phẩm vật lên Đức Phật và Hiền Thánh Tăng, nhờ phước đức đó mà bà Thanh Đề
được sanh về cõi an lành. Đó là do năng lực đạo đức cộng đồng chuyển hóa khổ
đau thành an lạc.
Kinh Địa Tạng cũng được xem là kinh báo hiếu trong nhà Phật, “Phật
môn chi hiếu kinh”, nhấn mạnh phương pháp báo hiếu mà còn thuyết minh tính chất
nhân quả trong hai lĩnh vực thiện ác của chúng sanh. Nhận thức đúng đắn rằng
nguyên nhân mọi khổ đau là do lòng dạ tối tăm và ích kỉ tạo tác. Do đó muốn hóa
giải khổ đau thì phải phát tâm rộng lớn với những hành động cao thượng. Thánh nữ
Bà La Môn phát tâm cúng dường Tam bảo, nhất tâm niệm Đức Phật Giác Hoa Định Tự
Tại, nhờ công đức đó mà cứu mẹ thoát khỏi cảnh địa ngục khổ đau. Thánh nữ đã
phát nguyện: "Tôi nguyện từ nay cho đến tận vị lai kiếp, sẽ vì những chúng sanh mắc
phải tội khổ, những kẻ đang
trầm luân trong sáu đường, mà quảng thiết
phương tiện, lập ra nhiều phương chước, khiến cho họ đều được giải thoát, lìa khổ được vui" (Kinh Địa Tạng,
quyển Thượng, phẩm thứ nhất).
Cũng tương tự như thế, ngài Quang Mục phát tâm
cúng dường chùa tháp, nhất tâm niệm Phật, nhờ công đức đó mà cứu mẹ thoát khỏi
địa ngục. Từ đó Quang Mục nguyện: “Kể từ nay cho đến trăm ngàn muôn ức kiếp về
sau, hễ nơi nào có thế giới còn có các chúng sanh chịu tội khổ nơi địa ngục cùng
tam ác đạo, con nguyện sẽ cứu vớt và làm cho tất cả đều xa lìa các nẻo ác Ðịa ngục,
Ngạ quỷ, Súc sanh... Những kẻ mắc
tội báo như thế thành Phật cả rồi, thì sau đó con mới thành Chánh giác.” (Kinh
Địa Tạng, quyển Thượng, phẩm thứ tư).
Thánh
Nữ Bà La Môn và Quang Mục Bồ tát đều là tiền thân của ngài Địa Tạng hành Bồ tát
đạo. Địa Tạng còn có nghĩa là mảnh đất tâm chứa đủ muôn đức lành, tâm ấy có sẳn
trong mọi người trên đời này. Từ nhân địa mà phát lòng báo hiếu và tình thương
rộng lớn chuyển hóa thành tâm bồ đề. Theo quan điểm đạo Phật, sống không phải
là bắt đầu, chết không phải là chấm dứt tất cả. Nếu chúng ta có lòng hiếu thảo,
có đời sống đạo đức thì vẫn thực hiện trọn vẹn trách nhiệm của người con đối với
các bậc cha mẹ còn sống. Đối với cha mẹ qua đời thì tu tạo phước đức, làm các
điều lành để hồi hướng siêu độ cho cha mẹ được sanh về cảnh an lạc. Đó là
phương pháp báo hiếu rất thiết thực mà Đức Phật dạy cụ thể trong các kinh điển.
Như vậy, cha mẹ và nhiều
người thân yêu trên cuộc đời này là cao quí, là đối tượng của chúng ta yêu
thương, là cầu nối đưa ta đến nguồn nước giác ngộ. Phẩm chất cao quý đó chan
hòa vào trong biển đại bi mênh mông. Như thế, bao người đang khổ đau xung quanh
ta không còn là một sự trở ngại, hay là gánh nặng lớn trong đời sống chúng ta.
Nhờ họ mà chúng ta phát tâm giác ngộ và thành tựu đại bi. Bồ Tát Giới Phạm Võng có nhấn mạnh về ý nghĩa
báo hiếu như sau: “Hiếu thuận đối với cha mẹ, sư trưởng, chư Tăng, đối với
Tam bảo. Sự hiếu thuận phù hợp chánh pháp chí thượng, sự hiếu thuận ấy gọi là
giới, cũng gọi là năng lực chế ngự, đình chỉ mọi sự tội lỗi. Cho nên đạo Phật
còn gọi là đạo hiếu”.
Đức Phật nhấn mạnh rằng
người nào phát tâm niệm Phật nhất định phải tu tam phước, hiếu thuận với cha mẹ
là một trong các điều trong phước lành thứ nhất giúp cho người thành tựu nguyện
lực giải thoát khổ đau. Đức Phật từng dạy: “Nầy Vi Ðề Hi! Người muốn sanh nước Cực Lạc ấy nên tu ba phước:
- Một là hiếu nuôi cha mẹ, kính thờ bậc sư trưởng, có tâm nhơn từ chẳng giết hại
và tu tập mười nghiệp lành.
- Hai là thọ trì Tam quy y, đầy đủ các cấm giới và chẳng phạm oai nghi.
- Ba là phát tâm Bồ đề, sâu tin nhơn quả, đọc tụng kinh điển Ðại thừa và khuyên
dạy sách tấn người tu hành”.
(Kinh Quán Vô Lượng Thọ)
Hiếu như là điều kiện cần thiết của sự thành tựu công đức tu học của
mọi người. Như quy luật bình đẳng của
chân lý, chứ không phải là quan niệm hay một quy ước.
Như
một tấm gương thiết thực trong đời sống đạo đức, các bậc giác ngộ thể hiện hiếu
hạnh như là một trách nhiệm thiêng liêng. Đức Thích Ca khi thành Phật cũng tìm
cách thuyết pháp độ cha mẹ, cử hành tang lễ khi vua cha qua đời. Ngài Xá Lợi Phất
cũng trở về quê hương thuyết pháp độ người mẹ hiền trước khi nhập Niết Bàn. Trong
thực tế xưa nay, các bậc hiền trí trong đời cũng rất xem trọng hiếu hạnh và
phát huy rộng rãi qua nhiều thế hệ. Kinh điển Phật Giáo đều tán thán và dạy
phương thức báo hiếu đối với cha mẹ. Hiếu và bồ đề tâm là giá trị của đạo đức
giải thoát. Hiếu hạnh là nếp sống nhân bản và phù hợp với thánh đạo. Từ đó mà
có ý nghĩa hiếu thảo với cha mẹ là phải hiếu thuận với Tam bảo và pháp giới
chúng sinh.
Do vậy, hiếu và bồ đề tâm như một quá trình phát triển tiềm năng của
tâm thức, từ tình thương cho đến sự cảm nhận chân thật nỗi khổ của tha nhân mà
hình thành phẩm hạnh đại bi tâm. Hình ảnh các bậc giác ngộ và các bậc hiền nhân
báo hiếu cha mẹ trong tinh thần vô ngã vị tha là bài học vô cùng quan trọng cho
chúng ta suy tư và hành đạo. Đạo đức nhân sinh không xa rời tính chất của đạo
giác ngộ, nó liên hệ từ ân nghĩa phụ mẫu cho đến ân nghĩa đối với tất cả chúng
sanh. Hiếu hạnh là nhân tố căn bản của sự phát Bồ đề tâm, phát khởi nguyện lực
Bồ tát đạo, là tinh thần cứu khổ ban vui và thành tựu giác ngộ. Phát huy giá trị
cao thượng của hiếu hạnh rộng rãi, và mọi người đều báo ân cha mẹ đúng theo
Chánh pháp thì chắc chắn có được đời sống an lạc trong hiện tại và tương lai.