Tất cả mọi người hiện hữu trong cuộc đời
này đều từ trong lòng mẹ mà sinh ra và có một tuổi thơ gắn bó với một
miền quê nhất định. Dù cho tuổi thơ của chúng ta có thế nào đi nữa, có
bất hạnh đến đâu thì ít ra trong mỗi chúng ta đều có một vài kỷ niệm
đẹp, những dấu ấn khó phai mờ về quê hương của mình. Tình
mẹ thương con thật là vô bờ bến. Cha mẹ nào cũng thương yêu con, lo cho
con từ khi con mới tượng hình trong bụng mẹ cho đến ngày cha mẹ nhắm
mắt, trút hơi thở cuối cùng. Trong kinh Báo ân cha mẹ đức Phật có dạy rằng: “mẹ già hơn trăm tuổi còn thương con tám mươi, ân ái có đoạn chăng chỉ hơi thở cuối cùng.”
Nói về công ơn và tình thương của cha mẹ đối với con thì không có ngôn
từ nào có thể diễn tả cho hết được. Mẹ là hiện thân của tình thương yêu
bao la và cao cả. Mẹ thương con không hề có tính toán, không hề có điều
kiện. Mẹ luôn gần gủi và thân thiện với con, âu yếm chăm sóc và dạy bảo
con. Dù con có lớn đến mấy đi nữa thì trong mắt mẹ con vẫn là con thơ
của mẹ, vẫn luôn cần sự quan tâm chăm sóc của mẹ, vì thế mẹ luôn lo lắng
cho con, bảo bọc con và theo dõi từng bước đi của con. Chính vì vậy mà
khi con đi xa lâu ngày mới về thăm nhà, khi gặp mẹ thì nhất định mẹ sẽ
ôm chặt con vào lòng, xoa đầu con và dịu dàng hôm lên trán con, dù cho
con đã lớn khôn. Tình cảm của mẹ dành cho con thật là gần gủi và thiêng
liêng vô cùng. Chính vì thế mà trong kho tàng ca dao của Việt Nam đã ví:
“Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật, như đường mía lau”
Tình
thương của mẹ thật là dịu ngọt, và thân thương. Người mẹ có thể vì con
mà sẵn sàng cam chịu mọi khó khăn, tủi nhục, sẵn sàng gánh chịu mọi đau
thương. Mẹ sẵn lòng hy sinh tất cả cho sự hạnh phúc, bình an của con. Mẹ
không những đem đến cho con hình hài, cho con sự sống mà con là người
giáo viên đầu đời của con, dạy con nên người. Tình thương của mẹ chính
là một nguồn dưỡng chất quan trọng để tưới tẩm và nuôi lớn hạt giống
thương yêu trong lòng con. Đối với những người mẹ nghèo khó, những người
mẹ sống ở miền quê chân chất, hiền lương, sự hy sinh của họ đối với con
cái càng lớn lao hơn. Họ phải lao động vất vả để kiếm từng miếng cơm
manh áo, dành dụm từng đồng, từng cắc để nuôi con, lo cho tương lai và
hạnh phúc của con. Lúc con còn nhỏ thì mẹ phải cho con bú mớm, ẩm bồng
con. Nếu con có lỡ đại tiện hay tiểu tiện lên áo quần, lên thân thể mẹ,
mẹ cũng vẫn vui lòng chịu đựng, miễn sao con được dễ chịu là lòng mẹ ấm
áp rồi. Khi con ốm đau thì mẹ cũng héo mòn theo con, mẹ lo từng miếng
ăn, giấc ngủ cho con. Và đặc biệt đối với những người mẹ phải một mình
đảm đương cả vai trò làm cha và làm mẹ, họ phải đảm đương tất cả mọi vấn
đề trong cuộc sống gia đình thì thật là tội nghiệp cho họ. Vì những
người mẹ ấy khổ hơn, vất vả hơn rất nhiều so với những người mẹ bình
thường khác. Vì thế con cái của những người mẹ ấy nên hiểu và cảm thông
cho mẹ mình nhiều hơn, quan tâm chăm sóc mẹ nhiều hơn để bù đắp lại sự
cô đơn, hiu quạnh của mẹ.
Mẹ
lúc nào cũng thương yêu con, mong muốn điều tốt đẹp cho con. Tuy nhiên,
sự thể hiện tình thương yêu thì mỗi người một khác và cũng tùy theo
hoàn cảnh và tính huống của con mà người mẹ có cách thể hiện tình thương
khác nhau. Có lúc thì mẹ dịu dàng khuyên bảo con, nâng niu và chăm sóc
cho con thật chu đáo, nhưng cũng có đôi khi mẹ phải dùng đến những lời
nói nặng, thậm chí là phải mượn đòn roi để dạy bảo con. Những lúc như
thế bạn đừng vội nghĩ rằng mẹ không thương yêu bạn, rồi sinh lòng oán
trách. Thật ra thì mẹ bạn rất thương yêu bạn, vì không muốn bạn hư hỏng
nên mẹ mới nặng lời với bạn, mới đánh bạn. Những khi phải nói nặng lời
với con, phải đánh con, người mẹ đâu có sung sướng gì. Đánh con một roi
là tim mẹ nhói đau quặn thắt, nói nặng với con một câu nhưng mà nước mắt
của mẹ rơi hoài trong đêm vắng. Lòng mẹ hiền đau lắm khi phải la mắng
con, đau khổ vì con không được ngoan hiền. Tuy nhiên, cũng có đôi khi
người con bị đánh oan, bị la oan. Điều này khó tránh khỏi. Nếu bị rơi
vào tình huống đó thì bạn phải biết thông cảm cho mẹ, lựa lời nhẹ nhàng
mà tỏ bày cho mẹ hiểu. Vì sự khác biệt thế hệ, vì sự giới hạn về tri
thức nên mới khiến cho người mẹ không thấy hết được sự tình, dẫn đến la
mắng oan. Nhưng cũng bởi vì mẹ quan tâm đến con, thương yêu con nên mới
như thế. Nếu người mẹ không thương yêu con, bỏ mặc con muốn làm gì thì
làm, muốn ra sao thì ra, thì mẹ đâu có la mắng con làm gì cho hao hơi,
tốn sức.
Tình
thương của mẹ và bóng dáng mẹ hiền thường gắn liền với những kỷ niệm
của tuổi nơi chúng ta được sinh ra và lớn lên. Nhớ những buổi đầu tiên
cắp sách đến trường mầm non, mẹ dắt tay con đến trường, con nũng nịu
không muốn rời xa mẹ, mẹ phải âu yếm dỗ dành thì con mới chịu vào lớp
học. Rồi những lúc mẹ đi chợ, con đi ra tận đầu xóm, đầu ngõ để đợi mẹ
về, để được mẹ cho quà, để được mẹ âu yếm vỗ về. Và những lúc con ốm
đau, đôi khi người con chỉ đau chút chút thôi, nhưng cũng làm nũng để
được mẹ quan tâm, được cưng chiều. Nếu chưa nhận được sự quan tâm của mẹ
thì con càng làm nũng hơn nữa, càng giả đò như bị bệnh năng, không chịu
ăn uống gì, cho đến khi nghe được một lời quan tâm, ngọt ngào và âu yếm
của mẹ mới thôi. Những lời quan tâm, âu yếm của mẹ như đường như mật,
như là một liều lương dược quý hiếm rót vào lòng con, làm cho con cảm
thấy nhẹ cả người, cảm thấy ấm áp, dịu ngọt vô cùng. Người mẹ quả thật
đã vất vả, khổ sở vì con không ít. Những lúc con đi xa thì mẹ thấp thỏm
lo âu, con chưa về kịp thì mẹ đứng ngồi không yên; mẹ tựa cửa trông con,
dõi mắt nhìn về phương trời xa nơi con mình đang sinh sống, mong ngóng
tin con.
Tình mẹ dạt dào như suối nguồn bất tận, xin mượn lời của thi sĩ Thanh Nguyên trong bài thơ Ngày xưa có mẹ để diễn tả về ân tình của mẹ đối với con:
“Khi con biết đòi ăn
Mẹ là người mớm cho con muỗng cháo
Khi con biết đòi ngủ bằng tiết tấu
Mẹ là người thức hát ru con
Bầu trời trong mắt con ngày một xanh hơn
Là khi tóc mẹ ngày thêm sợi bạc
Mẹ đã thành hiển nhiên như trời đất
Như cuộc đời - không thể thiếu trong con
Nếu có đi một vòng quả đất tròn
Người mong con mỏi mòn
Chắc không ai ngoài mẹ
Cái vòng tay mở ra từ tấm bé
Cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên”
Tình mẹ bao là và bình dị như thế ấy cho nên “ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”.
Còn có mẹ, còn nhận được tình thương yêu và sự quan tâm chăm sóc của mẹ
là một niềm hạnh phúc nhất trên đời. Xin mọi người đừng bỏ quên niềm
hạnh phúc vô cùng lớn lao này. Người xưa cũng đã từng dạy rằng:
“Còn cha còn mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn đứt dây
Đờn đứt day còn may nối lại
Cha mẹ mất rồi con phải mồ côi”
Cha
mẹ là bảo vật quý báu nhất đối với con, một khi bảo vật ấy đã mất đi
thì không thể nào tìm lại được. Vì thế người con phải biết trân quí,
phải biết thương kính cha mẹ, hiếu thảo với cha mẹ, đem hết lòng chí
thành mà phụng dưỡng cha mẹ. Để mai này nếu hai đấng sinh thành có từ
gia cõi thế mà ra đi thì người con không phải nặng lòng ăn năn, hối
tiếc. Báo hiếu cha mẹ không có nghĩa là chỉ có đem tiền của về cho cha
mẹ là đủ. Điều cha mẹ cần nhất ở con cái đó là lòng hiếu thuận, sự
thương kính của con đối với cha mẹ. Nếu cha mẹ lâm vào cảnh nghèo thiếu
thì cha mẹ cũng cần đến tiền của để sinh sống đấy, nhưng nếu người con
đem tiền của về cho cha mẹ mà nói năng bất nhã đối với cha mẹ, xem cha
mẹ như là gánh nặng thì cha mẹ còn đau khổ hơn nhiều khi con cái tuy
không cho cha mẹ tiền của nhưng lại hiếu thuận, thương kính cha mẹ.
Cả
hai đấng sinh thành đều góp phần trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con
cái. Công lao của cha thì cao tựa thái sơn, ân tình của mẹ thì mênh mông
như biển cả. Tuy nhiên theo truyền thống của người Á Đông thì mẹ thường
gần gũi với con hơn. Người con có thể tâm sự, sẽ chia với mẹ bất cứ
điều gì. Dù cho con thế nào đi nữa thì lòng mẹ vẫn luôn bao dung, vẫn
thương yêu, bảo bộc con. Mẹ luôn có mặt bên cạnh con, nhất là lúc tuổi
con còn thơ ấu. Vì thế mà hình ảnh của mẹ trong tâm trí của mỗi người
thường gắn liền với những hình ảnh thân thuộc của quê hương, những con
đường, những lối xóm, những hàng tre, bến nước, những nơi mà tuổi thơ
của chúng ta đã một thời lưu dấu. Không phải ngẫu nhiên mà trong bài thơ
Quê Hương, bài học đầu cho con của Đỗ Trung Quân, tác giả đã mở đầu bằng những vần thơ rất mộc mạc rằng:
“Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Mà ai đi xa cũng nhớ nhiều”
Và
cũng trong bài thơ ấy, thi sĩ đã không quên hình ảnh người mẹ hiền,
người mẹ đã tảo tần hôm sớm lo cho chồng cho con, người mẹ đã vì con mà
suốt một đời lận đận:
“Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che”
Quê
hương là nơi quê cha đất tổ của chúng ta, là nơi gắn liền với tuổi thơ
của chúng ta, gắn liền với những trò chơi trẻ con hồn nhiên và vui tươi,
và cả những kỷ niệm vui buồn thời thơ dại. Chính tại nơi quê hương ấy
mà chúng ta đã được nuôi dưỡng, được lớn khôn. Cũng chính tai nơi quê
hương ấy, biết bao thế hệ ông cha của chúng ta đã sinh sống, đã tiếp nối
nhau để duy trì nguồn sống, đã tiếp nối nhau giữ gìn và phát huy những
tinh hoa văn hóa, truyền thống tốt đẹp, những phong tục, tập quán mang
đậm tính nhân văn, thấm đượm nghĩa tình của gia đình, của lối xóm của
người xưa để lại. Và hơn tất cả, nơi quê hương ấy chúng ta còn có hai
đấng sinh thành đang ngày đêm mõi mòn ngóng chờ tin con, lo lắng cho sự
an nguy của con và còn có mộ phần của tổ tiên chúng ta, những phần mộ ấy
sẽ bị quạnh hiu, sẽ hương tàn nhang lạnh nếu như chúng ta, phận làm con
làm cháu, bỏ mặc, không đoái hoài, không thương tưởng đến.
Dù
cho quê hương chúng ta có đói nghèo, có thế nào đi nữa thì đấy cũng là
nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi đã sinh thành ra ta, là nơi gắn liền với
bao kỷ niệm của tuổi thơ. Quê hương gắn liền với hình ảnh người mẹ hiền
thân thương và người cha già cần mẫn. Vì thế không ai đi xa mà lại không
nhớ về quê hương. Những ai đã từng xa quê sẽ thấu hiểu thế nào là nỗi
nhớ quê da diết. Quê hương luôn chiếm một vị trí quan trọng trong trái
tim của mỗi người con đất Việt. Một sự thật đáng buồn là trong xã hội
ngày nay có một số người thuộc tầng lớp trên của xã hội lại không dám đề
cập đến quê hương, gốc gác của mình, che dấu thân phận của mình, không
dám nhận cha mẹ ruột của mình trước mặt những người đồng nghiệp và bạn
bè trong công việc, chỉ vì một lý do là cha mẹ quê mùa, quê hương nghèo
khó. Không hiểu tại sao lại có những con người như thế, tại sao lại có
những người có học thức, có trình độ mà lại thiếu nhân tính, mất lương
tri đến vậy. Đáng lý ra họ nên tự hào về cha mẹ, về quê hương của họ và
tự hào cho chính bản thân họ vì từ trong nghèo khó mà cha mẹ họ đã chắt
chịu, đã tận tuy để cho họ được ăn học, được thành danh, được nở mặt với
đời, từ trong hoàn cảnh thiếu thốn, lạc hậu của quê hương mà họ đã vươn
lên và có thể sánh vai cùng với mọi người trong xã hội. Nếu trong xã
hội có nhiều những con người mất hết lương tri, bất hiếu với cha mẹ như
thế thì chỉ khiến cho xã hội ngày càng suy thoái đạo đức và nhân nghĩa
mà thôi. Chúng ta đừng vì lý do này hay lý do khác để rồi ruồng bỏ quê
hương, phản lại nơi quê cha đất tổ của mình. Quê hương không chỉ là một
thực thể vật lý mà còn là một thực thể tinh thần, là suối nguồn của tình
thương yêu, của lòng nhân nghĩa, là mãnh đất của bao kỷ niệm tuổi thơ,
là tổ ấm để cho con tìm về. Đây cũng chính là lý do mà nhà thơ Đỗ Trung
Quân đã đúc kết lại trong bài thơ Quê Hương, bài học đầu cho con rằng:
“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”
Mỗi
người chỉ có một người mẹ ruột mà thôi, mỗi người chỉ có một quê hương,
một nơi chôn nhau cắt rốn mà thôi. Vì thế chúng ta phải biết trân quý,
biết giữ gìn, đừng làm cho mẹ buồn và cũng đừng ruồng bỏ quê hương. Tình
mẹ và quê hương thiêng liêng và ấm áp như thế cho nên đã khơi nguồn
sáng tạo cho không biết bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật có giá trị bất hủ.
Có rất nhiều vần thơ, nhiều bản nhạc viết về mẹ, về quê hương rất là
hay. Có rất nhiều bức tranh, bức ảnh, rồi những bức tượng về mẹ, về quê
hương cũng vô cùng giá trị. Những tác phẩm ấy có sức ảnh hưởng lớn đến
khán thính giả. Chúng đánh động tâm thức của mọi người và khơi dậy tính
nhân văn, nhân ái, đặc biệt là lòng hiếu thảo và tình yêu quê hương nơi
mỗi người. Hy vọng là ngày càng có nhiều tác phẩm nghệ thuật về tình mẹ
và quê hương hơn nữa để cho xã hội không còn những người mẹ phải đau
lòng vì con bất hiếu, không còn cảnh những người phải che dấu thân phận,
chối bỏ quê hương nữa.
Quảng Trí