“Lên chùa thấy Phật muốn tu
Về nhà thấy mẹ công phu chưa đền”.
Xem
ra bước vào cửa thiền là bước vào cửa hiếu, cửa hiếu cũng là cửa tỉnh
thức, cửa chơn không diệu hữu. Nơi đó mỗi người luôn cất lên tiếng nói
yêu thương và hiểu biết. Thế nên, đã là người đệ tử Phật thì suy cho
cùng, bạn phải phát tâm thực thi sống theo hạnh của Phật. Mà hạnh Phật
được thiết lập khởi đầu bằng tâm hiếu hạnh như Đức Phật từng dạy: “Tâm
hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.
Ảnh minh họa
Huống
chi, trong kinh Tương ưng, Phật còn bảo:“Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng
sinh từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị, là bà con quyến thuộc trong
các nẻo đường sinh tử”. Chính từ Phật ngôn này mà con người hướng tâm
đến giải thoát khổ đau cho nhau. Bởi vì trên cõi đời ai cũng được sinh
ra và lớn lên, trưởng thành cho đến việc xuất gia, tu hành thành đạo đều
bắt đầu từ tâm hiếu hạnh. Và như vậy, từ cõi đời trần tục, mọi người có
thể chuyển hóa thực thi tâm hiếu hạnh để chuyển hóa thành cõi Thiền
thanh tịnh.
Lễ hội Vu lan - rằm tháng Bảy
hàng năm là dịp con người có cơ hội và điều kiện làm hóa hiện tâm hiếu
hạnh. Bất kể là ai, dù ở vị trí nào, sinh sống ở đâu cũng có thể làm cho
dòng suối yêu thương được tuôn chảy trong dòng sống vốn luôn nhiệm mầu.
Nó có thể kết nối yêu thương từ trong quá khứ, tiếp diễn trong hiện tại
và định hướng cho tương lai để thiết lập một đời sống an lạc, hạnh phúc
mang tính vững bền cho tất cả ai hiện hữu trên cõi đời này.
Chính
lẽ đó, mà Đức Phật đã xuất gia, tu hành, tự thân chứng ngộ, thuyết pháp
độ sinh không chỉ để báo hiếu cho cha mẹ của Ngài mà còn muốn khuyến
cáo mọi người hãy vì ân sinh thành của cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp mà
chuyển hóa thân tâm, tu hành là báo hiếu một cách trọn vẹn, ý nghĩa cao
quý nhất. Nếu không làm như thế thì mỗi cá nhân hiện hữu ở cõi đời không
bao giờ báo hiếu được cha mẹ.
Ta chẳng ngạc
nhiên gì, Bản kinh Tăng nhất A hàm ghi lại lời dạy của Phật về công ơn
sâu dày của cha mẹ thật cao hơn trời, sâu hơn biển cả, đồng thời khuyên
con người phải biết tri ân và báo ân với cha mẹ: “Này các thầy Tỳ kheo,
nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa nghìn dặm, cung
phụng đầy đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn đệm và thuốc thang, thậm chí cho
cha mẹ có tiểu tiện trên vai mình đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu. Các
thầy phải hiểu rằng ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục
đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế mà biết ân khó trả. Này các
thầy Tỳ kheo, có hai việc làm cho phàm phu được công đức lớn, được quả
báo lớn, đó là phụng sự cha và phụng sự mẹ”.
Trong
cõi đời đầy biến động vô thường, khi mà con người còn phải đối diện
biết bao nhiêu vấn đề từ cơm áo gạo tiền, cho đến các vấn đề phức tạp
khác, vấn đề phụng sự mẹ cha lại càng được quan tâm hơn bao giờ hết.
Thực tế minh chứng như thế, con người mỗi khi giáp mặt khổ đau thì mới
có cơ hội biết kết nối yêu thương để mong cầu sống trong sự bình an nội
tại. Vì suy cho cùng, báo hiếu cho cha mẹ chính là báo hiếu cho mọi
người, cho quốc gia, cho đồng bào, cho quê hương xứ sở. Lý Duyên khởi
xưa kia Phật chứng ngộ đã minh thuyết cho sự thật này như là một chân
lý, bởi vì không ai có thể sống một mình mà tồn tại và phát triển, con
người cần nương tựa vào nhau, trong ý niệm ai cũng từng làm cha, làm mẹ,
làm anh, làm chị trong dòng sống tương tục.
Cho
nên, bạn đừng bao giờ có ý nghĩ chỉ khi mình trở thành người giàu có
mới có điều kiện phụng sự cha mẹ của mình. Cửa Thiền là cửa Không, ngay
cả khi bạn không có gì vẫn có thể báo đáp ân đức cha mẹ, vấn đề là bạn
có chuyển hóa tâm thức hay không trong giai trình đi về miền đất an lạc.
Xưa kia, Phật từng lễ lạy đống xương khô bên đường mà cũng chuyển hóa
đại bi tâm biết bao nhiêu con người trở về suối nguồn thực thi hiếu
hạnh. Các vị thiền sư, sống một đời sống không gia đình, không tài sản,
thế mà các ngài vẫn báo hiếu cho cha mẹ một cách thiết thực và hữu hiệu
mang các giá trị rất nhân văn nhưng trên hết là đem lại giá trị giải
thoát tự thân cho cha mẹ của các ngài.
Chắc
bạn còn nhớ câu chuyên ngài Lục tổ Huệ Năng (638 - 713) trong kinh Pháp
Bảo đàn ghi nhận. Ngài vốn xuất thân là một người nghèo khổ, khi còn ấu
thơ đã sớm mồ côi cha, lớn lên chỉ còn mẹ già. Do đó, hàng ngày, Tổ phải
lên núi đốn củi rồi gánh ra chợ bán, đổi lấy gạo đem về nuôi mẹ. Một
hôm, nghe người ta tụng kinh Kim cương, đến câu “ưng vô sở trụ nhi sinh
kỳ tâm” mà Tổ bừng tỉnh.
Vì
vậy, Tổ nghĩ rằng, chỉ về xin phép mẹ xuất gia tại núi Hoàng Mai, thọ
giáo với Ngũ tổ Hoằng Nhẫn mới may ra có cơ duyên báo hiếu cho mẹ cha
rốt ráo được. Nhưng Tổ chợt nghĩ, mình còn mẹ già thì ai phụng dưỡng
đây, nên lòng còn chần chừ, chưa nỡ xuất gia hành đạo. Bỗng dưng, có
người hiểu được tâm nguyện của Tổ, liền trợ giúp 10 lượng bạc và hứa
thay mặt Tổ trông nom phụng dưỡng mẹ già cho đến mãn phần. Nhờ thế, Tổ
an tâm tu học, về sau chứng đạo trở thành bậc Long tượng của rừng Thiền,
không chỉ độ cho mẹ cha của mình mà còn chuyển hóa tâm thức biết bao
nhiêu người khác trong cuộc đời sinh tử trầm luân này.
Từ
câu chuyện này, có thể hiểu rằng, khi bạn khởi tâm hiếu hạnh đến với mẹ
cha thì bạn sẽ thọ nhận sự an lành đến với chính mình, có khi nó còn
quyết định được một đời sống tốt đẹp hơn cho cả người thân của bạn sau
này. Chỉ cần một nén hương lòng với tâm thành kính hướng nghĩ về mẹ cha
là bạn cũng có khả năng thực thi được một công đức lớn, một lợi ích lớn
trong cõi đời này.
Đó là công đức hiếu hạnh
mà Tổ sư Thiền Trung Hoa thành tựu. Còn ở Việt Nam, xưa kia cũng có ngài
Liễu Quán nhờ công hạnh báo hiếu mà chứng đạt sở nguyện của mình. Ngài
Liễu Quán mồ côi mẹ lúc còn 6 tuổi, thân phụ liền gởi ngài vào chùa Hội
Tôn, cho thọ giáo với Hòa thượng Tế Viên. Sau 7 năm sống tu hành ở cửa
Thiền thì Hòa thượng bổn sư viên tịch. Sư đành lòng khăn gói, băng rừng
lội suối ra Thuận Hóa (Huế) để thọ học với ngài Giác Phong thiền sư chùa
Báo Quốc. Năm sau, nghe tin cha già lâm bệnh, không có người săn sóc,
sư liền trở về nhà, hàng ngày lên rừng đốn củi, dành dụm tiền nong để
đổi gạo nuôi cha già, nguyện cầu cho cha yên lành, thể hiện chí nguyện
hiếu tâm là hiếu Phật.
Rõ ràng, phụng dưỡng
mẹ cha hiện tiền chính là phụng thờ Phật sống ở đời. Cho nên, sư quyết
tâm hầu hạ thân phụ cho đến khi qua đời mới trở về sơn lâm. Chính nhân
duyên này, đã trợ duyên cho thành tựu công đức hiếu hạnh, tức là thành
tựu hạnh nguyện tu tập giải thoát. Về sau, sư Liễu Quán trở thành Tổ sư
của một dòng Thiền, có ảnh hưởng rất lớn trong giới Thiền và cả trong
giới hoàng tộc trong việc phò vua giúp nước, và phát triển đạo Thiền.
Ngoài
ra, còn nhiều gương hiếu hạnh nữa trong cửa Thiền ở nước ta. Thiền sư
Huyền Quang đời Trần là một minh chứng cụ thể. Khi chưa xuất gia, sư là
một vị trạng nguyên xuất chúng, làm quan, nhưng lại chán ngấy chốn quan
trường đầy nhiễu nhương, phức tạp của bụi trần. Lòng sư luôn tự hỏi,
cuộc đời sao mà lắm sự chua cay nghiệt ngã, sao có người xem phú quý
vinh hoa như mục đích tối thượng mà tranh chấp không hướng nghĩ đến tình
thân cha mẹ, anh em, bà con ruột thịt, dẫn đến khổ đau hệ lụy mãi
hoài…
Một hôm, sư Huyền Quang theo vua đến
chùa Vĩnh Nghiêm tham dự pháp hội, thấy Quốc sư Pháp Loa đang diễn
thuyết hoằng hóa độ sinh mà nhớ lại chuyện xưa, bèn than rằng: “Làm quan
lên bồng đảo, đắc đạo đến Phổ Đà; trên cõi nhân gian là Tiên, cảnh giới
Tây phương là Phật. Phú quý vinh hoa nào khác chi lá vàng mùa thu, mây
trắng mùa hạ, đâu nên lưu luyến mãi hoài”. Thế rồi, sư dâng biểu xin vua
từ quan, xuất gia hành đạo.
Cho đến khi,
bỗng nghe tiếng chim khách kêu vang trên cành ở trước sân, sư chạnh lòng
nhớ nghĩ đến cha mẹ hiện đang già yếu, nhất là công ơn sinh thành cao
như núi, sâu như biển khơi, liền sửa soạn hành trang về cố hương hầu
thăm cha mẹ. Đến nơi, sư nhìn thấy cha mẹ còn khỏe mạnh và biết thêm cha
mẹ của mình rất tín tâm với Tam bảo nên lòng rất hoan hỷ.
Nhân
đó, ngôi chùa có tên là Đại Bi được hình thành từ nơi mảnh đất gần nhà
của song thân, trong ý nghĩa tiếng kinh cầu vang lên “Đại từ Đại bi Quán
Thế Âm Bồ tát cứu độ cha mẹ hướng về Phật đạo”. Từ đó, không chỉ có cha
mẹ của sư được diễm phúc hàng ngày được tụng kinh, niệm Phật, làm các
việc công đức cho bá tánh mà dân làng còn được nghe thuyết giảng của các
sư, thực hành Chánh pháp, sống có ích cho đời, làm hưng thịnh Phật
pháp.
Rõ ràng, nơi nào có tâm hiếu được hóa
hiện, nơi đó được đâm chồi kết trái của tình người tình đạo trong cuộc
hành trình hướng về miền giải thoát khổ đau. Nơi đó chính là mảnh đất để
cho giới đức, tâm đức, trí đức hóa hiện, mục đích là nhằm kết nối giai
điệu yêu thương giữa người còn kẻ mất. Nó cũng góp phần bảo lưu mọi giá
trị cao quý nhất trong dòng chảy văn hóa tình người được xuất phát từ
trong văn hóa ứng xử giữa con người với con người; giữa con người với
cộng đồng xã hội; giữa con người với thiên nhiên môi trường sống.
Thế
nên, bổn phận của mỗi cá nhân phải thực thi hiếu hạnh với mẹ cha, với
mọi người như là một đạo lý sống giữa đời mà kinh Thi ca la việt ghi,
bao gồm 5 điều:
1. Cung kính và vâng lời cha mẹ.
2. Phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu.
3. Giữ gìn thanh danh và truyền thống gia đình.
4. Bảo quản tài sản do cha mẹ để lại.
5. Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời.
Ngoài ra, Đức Phật còn đề cập bốn trách nhiệm để hướng dẫn cha mẹ sống đúng theo Chánh pháp:
1. Nếu cha mẹ không có niềm tin, khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng Tam bảo.
2. Nếu cha mẹ xan tham, khuyên cha mẹ phát tâm bố thí.
3. Nếu cha mẹ làm ác thì khuyên cha mẹ hướng tâm làm việc thiện.
4. Nếu cha mẹ theo tà kiến thì khuyên cha mẹ theo chánh kiến.
Và
như thế, bạn đang hướng vọng về ngày hội Vu lan, ngày hội của văn hóa
hiếu hạnh, chứa chan tình, đầy hương vị của giải thoát. Nếu xưa kia Mục
Kiền Liên từng vì cha mẹ đọa lạc tam đồ, rồi cất lên tiếng kinh cầu nhờ
oai lực của chư Tăng chú nguyện để giải thoát cho mẹ cha thì ngay từ bây
giờ cõi Thiền lại mời gọi mọi người hãy khởi tâm thực thi hiếu hạnh tùy
theo hoàn cảnh, điều kiện của mình mà báo hiếu cho hai đấng sinh thành
dưỡng dục.
Có một điều đơn giản hết sức,
nhưng giá trị yêu thương thì vô cùng tận, bạn cũng như tôi hãy để thì
giờ ngắm kỹ dung nhan của mẹ cha thật lâu, rồi cất lên tiếng nói con yêu
cha mẹ thật nhiều, nhất là nhiệt tâm tinh cần làm các thiện lành. Tại
đây, mẹ cha hạnh phúc biết chừng nào!
Còn
như nếu ai mất mẹ hoặc cha thì xin hãy thắp nén hương lòng tưởng niệm
về họ mà nguyện cầu Phật từ bi tiếp độ về miền đất an lành. Làm được như
thế, Vu lan trở thành ngày đánh dấu sự trở về cội nguồn sống đúng Chính
pháp mà đức Phật từng chỉ dạy cho mỗi người chúng ta hiện hữu ở cõi đời
này. Cõi hiếu hóa thành cõi Phật ở đời.
Thích Phước Đạt (Nguyệt san Giác Ngộ số Vu lan 185)