Ngày ấy, trong thành Vương Xá, ở núi Kỳ Xà Quật, bậc Đạo sư
đã dạy: “Này Xá Lợi Phất! Các đức Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sanh
khai tri kiến Phật để đặng thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ
tri kiến Phật cho chúng sanh mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh
tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh chứng
vào đạo tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời”.
Rồi một lần, đấng Toàn Giác lại tuyên bố: “Đức Như Lai ra đời vì
lợi lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng lân mẫn với thế
gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của chư thiên và loài người…”. Câu Kinh
xưa vẫn còn văng vẳng bên tai mỗi người con Phật, vẹn tròn như suối ngọt
miên man…
Cơn gió thoảng đưa hương Vô ưu tràn ngập vườn Lâm-tỳ-ni. Con nai
gặm nhẹ ngọn cỏ non rồi ngước đầu nhìn về phía núi. Ánh trăng soi mình
lấp lánh dưới dải sông Hằng phẳng lặng. Thế giới thanh bình xoa dịu
những niềm đau. Đêm hôm đó, thành Ca-tỳ-la-vệ mở hội hân hoan đón chào
ngày Đản sanh của Thái tử Tất đạt đa. Khắp các cõi nhạc trời trỗi dậy,
mặt đất rung động vui mừng Bồ tát hiện thân.
“Bảy đóa sen vàng nâng gót tịnh
Ba ngàn thế giới đón Như Lai”.
Bảy bước chân truyền thống, không cần một lời giải thích, đã mở đầu
cho tiếng nói diệu vợi của con người lịch sử, con người suốt quãng đời
âm thầm lặng lẽ để làm nên những điều vĩ đại; con người suốt đời đi chân
đất, mình mặc áo hoại sắc, tay trì bát khất thực trên những nẻo đường
cát bụi xứ Ấn để biến mỗi bước đi thành mỗi bài thuyết Pháp, mỗi hơi thở
thành mỗi lời kinh Vô lượng nghĩa cho muôn loài thấy ánh sáng đi lên.
Bảy bước chân truyền thống, mở đầu cho những tháng ngày trăn trở về khổ
đau giữa cung vàng điện ngọc, thao thức về vô thường bên vợ đẹp con thơ,
vị thái tử ngày nào đã lên đường tìm kiếm và rồi liễu tri được nguyên
nhân của khổ, trạng thái khổ diệt và con đường đưa đến khổ diệt, chứng
đắc quả vị tối thượng, phước trí trang nghiêm, từ bi viên mãn.
“Dưới gốc Vô ưu, muôn ngàn thiên nhạc
Đón chào ngày Thánh giả đến trần gian
Và điệu nhạc thêm một lần nữa trỗi
Cội bồ đề lý Duyên khởi vỡ tan”.
Con nai ngừng ăn, nghiêng tai nghe ngóng. Tiên nhân A-tư-đà chống
gậy về thành mà nước mắt chan hòa vì tuổi tác, biết mình không đủ duyên
để được nghe những lời cao quý của bậc Thiên Nhơn Sư sau này. Nước mắt
không phải khi nào cũng khổ đau. Vẫn còn đó những giọt nước mắt thiêng
liêng như Ma ni minh ngọc.
Hai ngàn sáu trăm ba mươi hai năm sau, thời gian đã xa xôi lắm rồi
mà dư âm bậc vĩ nhân vẫn còn vang vọng như mới buổi nào đây, thật gần
gũi và thân thương biết chừng nào, bởi những gì thiêng liêng, cao quý
thì chẳng bao giờ bị xóa nhòa vào quên lãng.
Huế năm nay đón Phật đản qua những cơn mưa phùn đến đi. Thưa thớt
thôi, những gánh lồng đèn ngang qua cầu Trường Tiền với nhiều kiểu dáng
rực rỡ khác nhau. Người dân Cố Đô nô nức chờ đợi, kể gì bạn ở đâu, thuộc
thành phần nào, tôn giáo nào, chắc cũng có chút mênh mông trong lòng về
cờ đèn nhộn nhịp bên tà áo nâu, áo lam chao ôi rất Huế. Sẽ chẳng một ai
tìm thấy sự ồn ào lâu bền ở chốn Thần Kinh, và cũng đừng thắc mắc, tại
sao, Phật đản sanh lớn thế mà vẫn thấy có cái gì lặng lẽ quá trời ơi. Ai
thốt lên thế là phải sống ở Huế thêm nữa, phải ăn cơm chùa Huế thêm
nữa, phải hít thở không khí Huế thêm nữa. Huế có bao giờ ồn ào bền bỉ
đâu? Lễ hội nào ở đây cũng nhẹ nhàng cả, còn nói gì lễ hội Thiền môn?
Thầm lặng, nhắn nhủ, êm ả như sông Hương, có xôn xao chăng cũng chỉ vài
trận lụt rồi trở về hài hòa cái màu xanh thơ. Sự thầm lặng, nhắn nhủ, êm
ả đó mà bị đục khoét cấu xé thì hai câu thơ “Huế ơi, quê mẹ của ta ơi.
Nhớ tự ngày xưa thuở thiếu thời” sẽ bị hiểu theo một nghĩa mà lúc đó tác
giả đang nhìn về quá khứ Huế rồi xót xa ghê gớm lắm!
Du khách đi tìm Huế là tìm những cơn mưa phùn lan man như ông già
say rượu hề hà chập chờn trong bóng gió; tìm mấy quán cà phê mà hôm nào
đây đi ngang qua bất chợt được nghe đoạn nhạc Trịnh, “Áo xưa dù nhàu,
cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau”; tìm những cánh diều quê bay cao
dưới ánh mắt sung sướng của mấy em nhỏ lem nhem nghèo; tìm cái ngày mà
thấp thoáng mấy ngôi nhà đèn cờ trang nghiêm, để “à” lên một tiếng, gật
gật đầu định tỉnh, nhớ ra, mùa Phật đản về rồi. Rằm tháng tư đi vào lòng
người nhờ có trăng, trăng tròn (hẳn nhiên rằm nào cũng có trăng, trăng
cũng tròn), lại nhớ đó là ngày bậc Vĩ nhân tâm linh xuất hiện, đức Thích
Ca Mâu Ni, nhớ rằng ngày đó không được làm điều tội lỗi, phải thực hành
việc thiện, tự nhắc mình sống tốt với mọi người, mà cả đời chẳng ăn
chay rồi, chừ phải cố gắng, không thì cắn rứt lương tâm qua mấy mùa ai
chịu nổi. Như thế, có khác gì ngày mồng một đầu năm truyền thống dân tộc
ta đâu!
Rằm tháng tư, với người chưa thiện duyên gặp giáo pháp, thấy lạ
lùng lắm. Có bằng chứng đàng hoàng. Một đoàn tham quan ở Nghệ An, đến
nhìn cảnh chùa Huế, tấm tắc khen đẹp và yên tĩnh. Đi ngang chỗ thiết trí
vườn Lâm-tỳ-ni, một du khách mau miệng: “Ối trời ơi, con của đồng chí
nào đây mà đẹp trai quá trời luôn? Bà con tới coi này”. Thế đó. Hết nói
nổi. Thì đẹp “quá trời” là đúng rồi, Thiên Nhơn sư mà! Rằm tháng tư, với
Phật tử, cũng lạ chứ. Cả năm đi chùa, lạy Phật, lạy Bồ-tát, nhìn lên,
Ngài đứng mỉm cười hay trang nghiêm tỉnh tọa trong hình tượng một vị lớn
tuổi. Còn giờ này đây, chắp tay, quỳ trước một cậu bé, bằng tuổi cháu
mình, con mình, em mình, hay bạn mình, mà lòng tôn kính không hề tổn
giảm, cũng lạ chứ, mới biết niềm tin mình thuần thục đến cỡ nào. Lại
thấy mắc cỡ, đồng nghĩa với xấu hổ, ý thức rằng, ngày xưa Ngài cũng lớn
lên từ từ, tại sao giờ Ngài thành đạo lâu xa rồi, mình còn quờ quạng què
quặt mãi thế ni, đó cũng là một điều đau xót lắm, chẳng lẽ chừ không lo
cố gắng cho rồi, lui tới nghiệt ngã mãi ư? Sau câu hỏi, khoảng trời
mênh mông sẽ mở ra trong tâm thức cho ta đi nhanh vào nẻo nhiệm mầu.
Cứ thế, đạo Phật dần đi vào, thấm đẫm, hằn in, sống mãi trong lòng
dân tộc. Quán sát nhiều sự kiện, mới hiểu lời Hòa Thượng Thích Chơn
Thiện từng khẳng định: “Lý tưởng của đạo Phật rất rõ ràng là vì con
người, vì hạnh phúc của con người, rất chân thật, không có gì mơ hồ và
huyền bí cả. Nếu nói là thiêng liêng thì chính cuộc đời thực của những
con người đang sống thực mới là thiêng liêng. Cuộc sống tự thân nó là
rất thực và rất thiêng liêng. Chân lý có mặt ngay trong cuộc sống, có
những người chưa tìm thấy chân lý là vì chưa tìm thấy chứ không phải là
vì không có. Như vậy, Phật giáo với cuộc đời là một. Phật giáo không thể
đứng ngoài cộng đồng dân tộc được. Phật giáo phải là dân tộc, phải đứng
trong cộng đồng dân tộc… Con người sống vì hạnh phúc của mình, phải đấu
tranh vì hạnh phúc. Nói đấu tranh tưởng là ghê gớm lắm. Thực ra nó cũng
còn là sự phấn đấu, con người luôn luôn phải phấn đấu để đạt được những
tầng bậc cao hơn, đó cũng là lẽ sống của con người. Cái quan trọng nhất
chính là thời điểm, đấu tranh cũng phải đúng lúc, ngừng lại cũng phải
đúng lúc, nhanh cũng phải đúng lúc, chậm cũng phải đúng lúc, lên cao hay
xuống thấp cũng phải đúng lúc chứ không phải từ bỏ như giáo lý nhà Phật
từng dạy: cái gì đúng mà không có lợi (cho mình, cho người và cho cả
hai) thì không làm; cái gì đúng và có lợi (cho mình, cho người và cho cả
hai) thì nhất thiết phải làm…” (Trích báo Người Đại biểu của nhân dân).
Đạo Phật trong mắt người thì trang nghiêm, còn xứ Huế trong cảm
quan lại thơ mộng. Trang nghiêm đi bên thơ mộng, cứ e rằng lạc nhịp mất
thôi, cứ sợ rằng trong hai chỉ được phép chọn một, ai dè như thế lại
truyền được nhịp cho nhau, cả hai cùng tồn tại, hài hòa, cửu trụ. Môi
trường cuộc sống và tinh thần đạo Phật như đang nhắc nhở chúng ta, dù đi
trong thơ mộng, tâm cũng phải trang nghiêm, cũng phải lấy mục đích đoạn
tận tham ái và chấp thủ làm đầu, như thế thì khi đó, khác nào trăng
thoát mây, có cảm giác sẽ sáng hơn buổi trời trong trăng tỏ. Phật đản
cũng chính là thời điểm để mỗi người con Phật thể hiện cho cuộc đời thấy
rằng đạo Phật không phải yếm thế, đạo Phật là của nhân dân, của từng
hơi thở nhân dân “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”.
Gần đây lắm, vẫn còn tiếng Cha lành tha thiết truyền trao “Hãy lên
đường, này các Tỷ-kheo, hãy lên đường mỗi người mỗi ngã, hãy lên đường
vì hạnh phúc cho nhân loại”. Những bước chân Cổ nhân lên đường. Những
lời khuyến khích tuổi trẻ lên đường, khiến lòng ai nghe dâng dâng niềm
xúc động trong niệm niệm Từ bi. Bắt gặp bài thơ của Tạ Nghi Lễ, niềm
rung nỗi cảm lại vang vang, thấy Bậc Đạo sư dõi mắt trong theo những đứa
con tha phương đang tìm về cố quận, có người về rồi; có nhóm đang đi;
có đứa rớt rụng lại đằng sau rồi hun hút miền sương khói, tại nửa đường
lại không chịu tin cha nên quay trở về tức tưởi một đời sông tăm tối.
Đấng Cha lành vẫn lặng yên quan sát, làm sao bỏ rơi con một của mình
được. Mà sao con vẫn bỏ rơi cha?
“Rồi các con một ngày sẽ lớn
Sẽ bay xa đến tận cùng trời
Có bao giờ nhớ lại các con ơi
Mái trường xưa một thời con đã sống
Nơi đã đưa con lên tầm cao ước vọng
Vị ngọt đầu đời bóng mát ca dao
Thuở học về cái nắng xôn xao
Lòng thơm nguyên như mùi mực mới
Dẫu biết rằng những tháng ngày sắp tới
Thầy trò mình sẽ có lúc chia xa
Sao lòng Thầy canh cánh nỗi thiết tha
Muốn gởi các con thêm đôi điều nhắn nhủ
Một lời khuyên biết thế nào cho đủ
Các con mang theo trong mỗi bước hành trình
Các con lúc nào cũng nhớ đừng quên
Sống cho xứng với lương tâm, phẩm giá
Rồi các con mỗi người đi mỗi ngả
Chim tung trời bay bổng cánh thanh niên
Ở nơi đâu: rừng sâu, biên giới khắp ba miền
Ở nơi đây có Thầy luôn thương nhớ”.
Chúng ta cùng nguyện thắp sáng tuệ đăng để ngọn lửa thiêng tiếp tục
truyền tay nhau qua nhiều thế hệ, từ ngọn lửa ấy, thoảng ra hương đạo
giải thoát, nhắc nhở cho mỗi đệ tử Phật nhớ mãi: “Đức Phật ra đời vì một
đại sự nhân duyên _ Đem lại hạnh phúc cho số đông, an lạc cho số đông,
với lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho
chư thiên và loài người”.
Con nai ngừng gặm cỏ nghiêng tai nghe ngóng, rồi đưa mắt nhìn Tiên
nhân A-tư-đà chống gậy rời núi, biết rằng đức Phật đã ra đời. Nó hiểu,
rồi một ngày, Hương đạo sẽ lan tỏa đến đây, đôi mắt nó lại hướng nhìn
ánh mặt trời vừa ló dạng. Từ nay, chúng sanh không còn quờ quạng trong
ngõ cụt, thế giới không hoàn toàn chỉ một màu tối tăm. Người mù sắp được
sáng mắt, kẻ nghèo sắp gặp vàng ngọc. Dòng suối mát sẽ được khơi thông
để hòa vào biển cả. Lặng im, nhân gian nghe đâu đây vang vọng “Hạnh phúc
thay đức Phật ra đời!”.
Coi lại dòng cảm xúc, chợt ngọng nghịu cười như con trẻ, thấy có
chỗ trang nghiêm, có dòng thơ mộng, Phật giáo và Huế, trang nghiêm và
thơ mộng, bèn thôi, cứ tìm cho mình câu giải thích, duy nhất, rằng, Phật
Đản Lòng Huế, thì phải trang nghiêm và thơ mộng, khó khác.