Kinh Duy Ma Cật Giảng Luận


Minh Tâm Nhà Xuất Bản Thanh Văn - USA 1991
11/08/2011 21:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 213469
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

IV. PHẨM BỒ TÁT

Lúc bấy giờ Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật, Bồ Tát Di Lặc từ chối vì lúc trước Ngài nói hạnh bất thối chuyển cho các vị Vua Trời ở cõi Trời Ðâu Suất thì ông Duy Ma Cật đến hỏi về việc Ngài Di Lặc được thọ ký Bồ Ðề, ông Duy Ma Cật đứng về Pháp Tánh mà hỏi, Ngài Di Lặc sở trường tu Duy Thức là Pháp Tướng nên không trả lời được.

Bồ Tát, nói cho đủ là Bồ Ðề Tát Ðỏa: phiên âm chữ Phạn Bodhisatra, dịch nghĩa là Giác Hữu Tình là loài hữu tình đã giác ngộ lại hay làm cho chúng sinh cũng được giác ngộ.

Bồ Tát có 10 cấp bậc, từ Sơ Ðịa đến Thập Ðịa, cao thấp do công phu tu chứng, gồm có ba giai đoạn:
1) Bồ Tát sơ phát tâm là những người mới phát tâm tu hành theo Ðại Thừa, lấy việc lợi tha, vì người quên mình, làm phương châm.
2) Bồ Tát đã phát tâm lâu rồi, đã thâm nhập giáo lý Ðại Thừa, tu chứng các cấp Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, cho đến Thập Ðịa.
3) Bồ Tát Ðẳng Giác và Diệu Giác, dứt trừ Trần Sa Hoặc và Vô Minh Hoặc là tới chỗ giác ngộ hoàn toàn thành Phật. Khi chỉ còn một đời nữa là sẽ thành Phật thì được gọi là Nhất Sinh Bổ Xứ, ví như Bồ Tát Di Lặc.

Bồ Tát còn có thể được chia làm hai loại:

1) Siêu phàm Bồ Tát là những vị Bồ Tát đã chứng quả vị cao trong Thập Ðịa, thường thị hiện ở cõi đời để dạy dỗ và hóa độ chúng sinh, dưới nhiều hình tướng, nhưng người đời chẳng ai biết đó là Bồ Tát.

2) Phàm phu Bồ Tát là những người như chúng ta, hãy còn là phàm phu nhưng phát tâm giữ giới Bồ Tát, 10 giới trọng và 48 giới khinh, tu hạnh lợi tha Ðại Thừa, diệt lòng kiêu mạn ngã chấp. Các Phật Tử xuất gia và tại gia đều có thể xin thọ giới Bồ Tát, nhưng điều cần yếu là phải dám hy sinh những gì mình có để cứu giúp chúng sinh: tiền của, thuốc men, y phục, thời giờ, kinh sách giáo lý, có khi cả một phần thân thể hay tính mạng nữa. Hy sinh tiền bạc, thời giờ, vật dụng để làm lợi ích chúng sinh thì dễ, nhưng nếu cần thì phải chia xẻ máu, thận. mắt, da, tủy... cho người khác, hoặc thí thân cho cọp đói, hoặc giết một người để cứu nhiều người riêng mình chịu tội báo,... đó là những việc khó làm, nhưng Bồ Tát vẫn hoan hỷ thực hành, quên mình vì người.

Hơn nữa, giữ giới Bồ Tát là bắt buộc phải ăn chay trường, vì không lẽ gì Bồ Tát còn ăn thịt chúng sinh. Ðiều căn bản của đạo Bồ Tát là tự lợi lợi tha, tự giác giác tha, luôn luôn quên mình vì chúng sinh, hy sinh cá nhân mình để làm lợi ích cho chúng sinh, có làm được như vậy thì mới là giữ giới Bồ Tát một cách chân cnánh. Ðừng bao giờ coi việc thọ giới Bồ Tát như một huy chương đeo vào để được người khác khen ngợi, đừng thọ giới Bồ Tát nếu chưa ăn chay trường. Trừ trường hợp các vị đại Bồ Tát thị hiện nghịch cảnh để hóa độ nghịch duyên thì không kể.

Di Lặc, phiên âm chữ Phạn Maitreya, họ Từ thị, tên là A Dật Ða (Ajita), là vị đại Bồ Tát được Ðức Thích Ca thọ ký đời sau sẽ thành Phật ở Hội Long Hoa, hiện đang tu ở cõi Trời Đâu Suất nội viện, Ngài chuyên giảng môn Duy Thức Học, phân tích tâm thức ra Tâm Vương và Tâm Sở. Ðức Di Lặc thường thị hiện ở cõi trần để hóa độ chúng sinh, nhưng không ai hay biết, chỉ khi nào ngài thị tich để lại bài kệ thì người ta mới biết đó là Bồ Tát Di Lặc. Một hình bóng quen thuộc nhất với chúng ta là Ngài đã thị hiện làm một vị sư mập mạp, nét mặt hoan hỷ, hay đeo một cái túi vải lớn trong đựng nhiều kẹo bánh đồ chơi phân phát cho trẻ em rồi dạy chúng niệm Phật, do đó được gọl là Bố Ðãi Hòa Thượng. Còn đối với người lớn thì Ngài dạy môn Duy Thức, trước khi nhập diệt, Ngài để lại bài kệ cho biết Ngài là Bồ Tát Di Lặc hiện thân. Người ta thường đúc tượng Ngài Di Lặc mập mạp bụng phệ, cười hoan hỷ mặc cho sáu đứa trẻ bám quanh, một đứa chọc mắt, một đứa chọc tai, một đứa chọc mũi, một đứa chọc miệng, một đứa chọc ngực, một đứa chọc bụng, tượng trưng cho sáu thức: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Nếu mình để cho sáu thức đó dẫn dụ làm điều sái quấy thì sáu đứa trẻ tượng trưng cho Lục Tặc, sáu tên giặc. Nếu biết đối trị sáu thức, kèm chặt không cho loạn động vọng niệm, chuyển Thức thành Trí, thì sáu đứa trẻ tượng trưng cho Lục Thức Tâm Vương chuyển thành Thành Sở Tác Trí và Diệu Quán Sát Trí. Thâm ý của bức tượng là Ngài Di Lặc đã chứng được Duy Thức Tánh, điều phục sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), không để sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) chi phối quyến rũ, hàng phục lục lặc, tu hành Lục Ðộ, diệt hết đau khổ vô minh, được an vui tự tại, tâm hoan hỷ.

Hạnh bất thối chuyển là tâm tu hành tinh tấn chẳng còn lui sụt chuyển rời nữa, cứ ròng rặc mà tiến tới chỗ giải thóat.
Ðoạn này, Cư Sĩ Duy Ma Cật đứng về Pháp Tánh mà luận nên không phân biệt thời gian có quá khứ, hiện lại, vị lai. Ðứng về tướng, tương đối mà nói thì thời gian vô thường, quá khứ đã qua, hiện tại không dừng, vị lai chưa đến, nếu Ngài Di Lặc còn một đời sẽ thành Phật thì là đời nào? Ðứng về Tánh, tuyệt đối mà luận thì thời gian là vĩnh cửu, là Như. Thời gian được người đời chia ra làm giây, phút, giờ, ngày, tháng, năm, thế kỷ... là do ước lệ tùy khái niệm tương đối mà đặt ra. Tháng bẩy ở Bắc Bán Cầu là mùa hè, nhưng ở Nam Bán Cầu là mùa lạnh. Ðối với người đang sung sướng thì lúc nào cũng là mùa xuân tươi vui, còn đối với người khổ đau thì ngày nào cũng là mùa đông ảm đạm buồn bã. Vậy chẳng có gì là đồng nhất cả. Người tu hành quy tất cả về Tâm nên không phân biệt thời gian và không gian, thấy tất cả tập trung vào một điểm gọi là Ðương Xứ, vạn niên nhất niệm, đặt cả thế giới trong hạt cải (Kinh Hoa Nghiêm).

Ðoạn kinh sau so sánh Ngài Di Lặc với chúng sinh. Ðứng về tướng thì Ngài Di Lặc và chúng sinh khác nhau xa, Ngài Di Lặc là vị Ðại Bồ Tát sắp thành Phật, chúng sinh là phàm phu còn sinh tử luân hồi nhiều đời nhiều kiếp, nhưng đứng về Tánh thì hai bên cùng có Phật Tánh bình đẳng như nhau, là một. Ðứng về tướng thì thấy có chúng sinh để độ, có pháp môn tu, có quả vị chứng, có phát tâm bồ đề vô thượng chánh đẳng chánh giác, có phân biệt pháp lành pháp dữ, có thời gian và không gian, có tâm bất thối chuyển đối với sự thối chí nản lòng của chúng sinh, có phiền não phải đoạn, có chướng ngại phải vượt qua. Nhưng đứng về Tánh thì Ngài Di Lặc và chúng sinh đều có Trí Huệ sẵn có sáng suốt Như nhau, Di Lặc được gì thì chúng sinh được nấy, Di Lặc được diệt độ thì chúng sinh cũng diệt độ. Tánh đó rốt ráo vắng lặng, chính là Niết Bàn, vậy Ngài Di Lặc không cần phải dạy hạnh Bất Thối Chuyển nữa, vì không có thối lui, không có phân biệt, không cần phát tâm, chẳng có gì là được cả. Chúng sinh đều có đủ Ðức Tánh Như Lai, chỉ vì mê vọng điên đảo mà tưởng là không có. Chúng sinh phân biệt bồ đề là giác đối với vô minh là mê, nhưng đứng về Tánh thì vượt qua mọi quan niệm giác mê, biết tất cả là giả, là không thật có thì chẳng còn tham đắm thủ xả, khi biết có viên ngọc báu trong túi áo thì không mong cầu, không tham đắc gì nữa.

Nếu dùng vô sinh mà được thọ ký, vô sinh là cái bất sinh bất diệt mà ai cũng có, đó là khả năng thành Phật, thì Di Lặc được thọ ký, chúng sinh cũng được thọ ký, nếu Di Lặc được quả vô thượng chánh đẳng chánh giác, tất cả chúng sinh cũng đều được, vì tất cả chúng sinh chính là tướng bồ đề. Quan niệm về bồ đề của phàm phu thường là sai lầm: người tại gia thì cúng vái cầu xin, còn người xuất gia thì chắp nhặt các hình lướng, không biết tùy duyên phương tiện uyển chuyển thực hành các pháp môn, mỗi người có một quan niệm về bồ đề, mong được bồ đề, đó là còn chấp tướng, làm sao thấy bồ đề? Cư Sĩ Duy Ma Cật lột bỏ mọi quan niệm đó, phá tướng nhập Tánh, ly các duyên, lìa vọng tưởng, thuận Chân Như, trụ Pháp Tánh, đồng hư không... Bồ Ðề chính là Bản Tâm thanh tịnh, xuất gia tại gia ai cũng sẵn có, ai cũng có khả năng đạt tới Bồ Ðề. Vậy chúng ta đừng cầu xin gì cả vì cầu được thì kiêu căng, không được thì oán hận, cứ theo luật nhân duyên mà vui với những gì mình đang có, đó là Vô Sở Cầu Hạnh.

Tóm lại, Ngài Di Lặc đứng về Duy Thức mà phân biệt có tốt xấu lành ác, phát tâm và thối chuyển, có tu có chứng, Ngài tượng trưng cho Sai Biệt Trí, còn Cư Sĩ Duy Ma Cật đứng về Pháp Tánh, Bản Thể thì không còn phân biệt gì nữa, mà thấy tất cả Không Hai (Bất Nhị), tượng trưng cho Căn Bản Trí.

Xin đừng lầm tưởng Bồ Tát Di Lặc chỉ thâm hiểu và thực hành Duy Thức mà chưa có Trí Huệ, đoạn kinh ở đây chỉ muốn nói Thức chưa siêu việt bằng Trí, vì Thức còn phân biệt. Trí thì biết trực tiếp ngay không cần phân biệt, chứ thật ra thì Bồ Tát Di Lặc chỉ còn một đời sẽ thành Phật, chắc chắn Ngài đã đầy đủ trí huệ sáng suốt lắm rồi. Ðoạn kinh này chỉ đưa ra hai đường lối tu hành, một theo tông phái Pháp Tướng, một theo tông phái Pháp Tánh.

Sau khi Bồ Tát Di Lặc từ chối không đi thăm bệnh, Ðức Phật bảo Ðồng Tử Quang Nghiêm đến thăm ông Duy Ma Cật, Ðồng Tử cũng từ chối, không kham lãnh nhiệm vụ vì nhớ lại ngày trước, Ðồng Tử gặp ông Duy Ma Cật, hai người luận bàn ý nghĩa của Ðạo Tràng, Ðồng Tử cảm thấy còn thấp kém thua sút nên nay không dám đi thăm bệnh.

Ðồng Tử có nghĩa đen là trẻ thơ, còn có nghĩa là người tu hành từ khi còn ít tuổi, không phạm dâm dục, giữ hạnh thanh tịnh trọn đời, nhờ đó đến khi nhiều tuổi vẫn được gọi là Ðồng Tử, không nhiễm ô. Về nghĩa bóng, Ðồng Tử ở đây là người đang tu Bồ Tát Ðạo nhưng chưa giác ngộ hòan toàn, ví như trẻ thơ chưa thành người lớn, chưa trưởng thành. Cũng có nghĩa là người tu hành chân chánh, gột rửa hết các trần cấu phiền não, tâm hồn thanh tịnh sáng trong như trẻ thơ; trong Ðạo Học có câu: Ðồng Ðồng Vãng Lai, nghĩa là cùng trẻ thơ qua lại với nhau. Chữ Ðồng thứ nhất có nghĩa là cùng, chữ Ðồng thứ hai (chữ Hán viết khác nhau) là đồng tử, trẻ thơ.

Ở đây Ðồng Tử Quang Nghiêm là một vị Bồ Tát tu hành chứng quả, dùng ánh sáng của trí huệ và công đức để trang nghiêm, nên có tên là Quang Nghiêm. Người đời thường dùng đồ trang sức vàng ngọc, dầu thơm, quần áo... để làm đẹp cho thân hình, thêm phần trang nghiêm oai vệ khiến người chung quanh phải nể sợ hoặc khen ngợi. Ðồng Tử Quang Nghiêm dùng trí huệ sáng suốt và công đức tu hành để trang nghiêm Pháp Thân, khiến mọi lòai chúng sinh đều kính phục. Các tranh tượng Phật và Bồ Tát thường được vẽ có hào quang quanh đầu hoặc bao trùm toàn thân, tượng trưng cho trí huệ sáng suốt thanh tịnh đối với vô minh tối tăm nhiễm ô.

Ðạo Tràng là nơi Ðức Thế Tôn thành Ðạo (Bồ Ðề Ðạo Tràng), là nơi Phật và các đệ tử cư ngụ (Trúc Lâm, Xá Vệ, Tỳ Xá Ly...),nơi truyền dạy phổ biến Phật Pháp như các chùa, các Phật Học Đường đó là những nghĩa đen. Nhưng ở đây, Cư Sĩ Duy Ma Cật đứng về Tánh mà luận theo nghĩa bóng thì tất cả pháp đều là đạo tràng, bất cứ pháp môn hạnh tu gì làm lợi ích cho chúng sinh, đưa đến chỗ giác ngộ đều là đạo tràng, vì khế hợp với Chân Tâm, Phật Tánh. Nếu đã biết tất cả các pháp đều là đạo tràng, tất cả các pháp đều là Phật Pháp, thì đạo tràng ở khắp mọi nơi, chỗ nào cũng tu được, ở nhà ở chợ cũng tu, không cứ phải vào chùa mới tu. Tại gia cũng tu được, việc tu sửa không phải chỉ dành riêng cho giới xuất gia. Tu là sửa, tu tâm dưỡng tánh, tu sửa tâm mình, trưởng dưỡng tánh mình, thì nhà mình, gia đình mình là Ðạo Tràng, mà cao siêu hơn hết, phải nói Tâm mình chính là Ðạo Tràng vậy.

Tất cả các Bồ Tát dùng tâm ngay thẳng chân chánh (trực tâm) mà thực hành sáu pháp Ba La Mật (Lục Ðộ), bốn Tâm Vô Lượng (Từ, Bi. Hỷ, Xả)... để hóa độ chúng sinh, mọi việc làm của các Ngài dù thuận dù nghịch cũng đều lành tốt, đều là phương tiện dẫn dắt chúng sinh tới cứu cánh, ví như các Ngài vừa từ Ðạo Tràng mà đến, vừa được nghe lời Phật dạy nay đem nói lại cho chúng sinh nghe, hoặc nói cao hơn, các Ngài đem Ðạo Tràng tới cho chúng sinh, đem chúng sinh thâm nhập Ðạo Tràng.

Khi biết rõ tất cả các pháp đều là Ðạo Tràng, đều là Phật Pháp thì không còn phân biệt pháp lành pháp dữ, khéo sử dụng phương tiện, khéo dùng thì pháp nào cũng tốt cả. Thí dụ: phiền não là đạo tràng; mới nghe thì hơi chướng tai, các pháp lành là đạo tràng thì đúng, còn phiền não khổ đau thì làm sao là đạo tràng được. Khi mình đã trải qua cơn phiền não đau khổ thì mình nếm biết mùi vị nó ra sao, biết rõ sự thật đúng với luật nhân quả vô thường vô ngã nghiệp báo, thì tâm không oán than trách móc khổ não nữa, không còn sợ sệt; biết rõ nguồn gốc của phiền não là chính do tâm mình thì sẽ cảm thấy nhẹ nhàng cởi mở, nghịch cảnh giúp mình tiến tu, mình đau khổ phiền não rồi thì dễ thông cảm người khác, thấy người khác phiền não thì mình thương, mình giúp, vậy phiền não chính là đạo tràng, không sai. Người tu chuyển phiền não thành bồ đề là vậy.

Biết các pháp là đạo tràng, nhưng Pháp vốn là Không, pháp lành còn phải bỏ huống là pháp dữ, vậy xin đừng chấp pháp, đừng chấp có pháp tu, có pháp lành hóa độ chúng sinh, có mình cứu độ, có chúng sinh được độ, có quả vị được chứng, phá hết ngã chấp và pháp chấp, đó là mình đang ở trong Ðạo Tràng. Ðồng Tử Quang Nghiêm thị hiện còn chấp tướng trạng bề ngoài, còn chăm tu các pháp lành để độ chúng sinh, còn thấy có hình tướng người xuất gia tu ở đạo tràng, nay bị Cư Sĩ Duy Ma Cật đứng vè Tánh mà nói, nhất cử nhất động đều là từ nơi đạo tràng mà ra, ở nơi Phật Pháp vậy, Ðồng Tử không tranh luận nổi nên chẳng dám đến thăm bệnh.

Mục đích đoạn này là phá cái chấp phải vào chùa mới tu, phải xuất gia mới là đi tu, mà ý muốn nói ở đâu cũng tu được, tu Tâm quan trọng hơn tu hình thức ngoài, Tâm chính là Ðạo Tràng vậy.

Phật bảo Bồ Tát Trì Thế đi thăm bệnh, vị Bồ Tát này cũng từ chối vì nhớ lạl lúc trước, Thiên Ma Ba Tuần đem một muôn hai ngàn thiên nữ dâng cho Ngài, Bồ Tát không dám nhận, bỗng thấy trưởng giả Duy Ma Cật đến bảo đem dâng cho ông, rồi ông nói pháp cho họ được pháp vui và pháp môn Vô Tận Ðăng, dù ở cung ma cũng hóa độ được các ma khác. Bồ Tát Trì Thế thấy ông Duy Ma Cật có thần lực tự tại như thế nên không kham lãnh đến thăm bệnh.

Trì là nắm giữ, Thế là đời. Trì Thế là nắm giữ, giữ gìn Phật Pháp để đem hóa độ chúng sinh trong đời, giữ gìn Phật Pháp bền lâu ở đời.

Ba Tuần là một vị Ma Vương có nhiều thần thông, có ác ý, làm các việc ác cám dỗ người tu hành phạm giới, tiêu tan giới thân huệ mạng. Thiên Ma Ba Tuần cũng phá Thái Tử Tất Đạt Đa rất nhiều, trước khi Ngài thành Phật.

Có bốn loại ma:
1) Tử ma: người chết, phần tinh thần thường gọi là linh hồn chưa đi tái sinh, còn quanh quẩn đợi chờ, có thể hiện hình cho thấy.
2) Ngũ ấm ma: năm phần sắc, thọ, tưởng, hành, thức bị trục trặc mất quân hình, khiến người ta cảm thấy khó chịu, bứt rứt, sợ hãi.
3) Phiền não ma: trong tâm khởi lên các phiền não buồn rầu.
4) Thiên ma: loại ma này có nhiều phước nên được ở các cõi Trời, hưởng ngủ dục lạc lấy làm vui sướng, thường hay gây chướng ngại cám dỗ phá những người đã tu hành cao.

Ngũ dục lạc là năm thứ ham muốn khoái lạc vui vẻ, đó là tài, sắc danh, thực, thùy: tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ nghỉ.

Trong đoạn kinh này, Thiên Ma Ba Tuần dùng sắp đẹp, đàn nhạc ca múa của các Thiên Nữ để cám dỗ Bồ Tát Trì Thế, vị này biếl sắc dục là nhơ uế và nguy hiểm, là vật phi pháp có thể làm hại người tu hành tiêu tan giới đức nên không nhận. Vả lạl, Bồ Tát Trì Thế lại còn nhận lầm Ba Tuần là Trời Ðế Thích, khuyên ông này có phước chớ buông lung mà phải tu pháp bền chắc. Các vị Trời vẫn chưa ra khỏi vòng luân hồi, còn chịu luật vô thường chi phối, cần tu hành theo chánh đạo sẽ được thân bất hoại, mạng vô cùng, của vô tận, đó là ba pháp bền chắc. Bồ Tát Trì Thế chưa có mắt trí huệ nên không phân biệt Thiên Ma với Vua Trời, còn Cư Sĩ Duy Ma Cật thấu suốt sự giả trang mập mờ này, bảo Thiên Ma đem dâng Thiên Nữ cho ông, ông sẽ nhận mà không sợ. Bồ Tát Trì Thế không biết là ma, và cũng chưa đủ bản lãnh đối trị ngũ dục lạc, nên tránh xa là hơn, không dính dáng, không phải việc của Ngài.

Còn trưởng giả Duy Ma Cật biết rõ là ma, ông không còn đắm nhiễm ngũ dục lạc nên chẳng sợ bị cám dỗ, ông nhận các Thiên Nữ để giáo hóa họ, khiến họ phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, họ phát ý đạo, có pháp vui, không ham ngũ dục lạc nữa. Ðó chính là ý nghĩa của câu kinh: dâm phòng tửu điếm vô phi thanh tịnh đạo tràng, nghĩa là phòng dâm quán rượu chẳng khác đạo tràng thanh tịnh, Bồ Tát vào đó mà không đắm nhiễm, vào đó để tùy duyên hóa độ những người đang chìm đắm trong đó cả kẻ bán lẫn người mua.

Pháp vui của Bồ Tát là việc tu hành thanh tịnh sáng suốt, làm lành lánh dữ, quên mình giúp đở người khác (vô ngã lợi tha), lòng không chấp trước chướng ngại. Khi Ma Ba Tuần xin lại các Thiên Nữ, ông Duy Ma Cật liền trả lại ngay, vì tâm đã hỷ xả, không còn chấp thủ gì. Các Thiên Nữ sau khi được ông Duy Ma Cật giáo hóa đã thức tỉnh, không muốn trở về cung ma nữa, vì đã ra khỏi chỗ nhơ uế thì không muốn trở vào. Ngài Duy Ma Cật liền dạy bọn họ pháp môn Vô Tận Đăng, dù ở cung ma, đạo tâm cũng chẳng bị tiêu mất mà còn hóa độ cho các Thiên Nữ khác, thì đó là báo ơn Phật, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Vô Tận Ðăng là ngọn đèn sáng không bao giờ tắt hết, đèn này là trí huệ sáng suốt của người tu hành. Có trí huệ dù bất cứ làm gì cũng lành tốt, không làm ác được nữa, dù ở hoàn cảnh nào cũng không bị nhiễm ô. Người Việt Nam có Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tảng tu hành tới chỗ vô phân biệt, ăn chay ăn mặn cũng vậy vì tâm không động, luôn nhắm hóa độ chúng sinh. Nhưng người nào chưa tu tới chỗ tâm thanh tịnh thì đừng bắt chước Ngài, mình ăn mặn còn thấy ngon rồi ngụy biện là vô phân biệt thì tội nặng lắm đấy. Tuệ Trung Thượng Sĩ làm thầy dạy Ðạo cho Vua Trần Nhân Tôn, vị Vua anh hùng này sau khi thắng quân Mông Cổ, đã lên núi Yên Tử xuất gia, lập phái Thiền Trúc Lâm và được tôn xưng là Ðệ Nhất Tổ.

Ðoạn kinh này nhấn mạnh vào điểm Bồ Tát sẵn sàng đi vào mọi nơi, sống trong mọi hoàn cảnh sướng hoặc khổ, nhận cả kẻ oán người thân, mà tâm vẫn tự tại, chỉ nhằm mục đích cứu giúp chúng sinh.

Một đệ tử hỏi Ngài Triệu Châu, một thiền sư cao Tăng đời nhà Ðường:
- Có thể nào một Thánh Tăng như Sư Phụ sa vào địa ngục không?
- Thầy sẽ là người đầu tiên đi vào đó.
- Một người phước huệ trang nghiêm như Thầy sao vào địa ngục được?
- Nếu Thầy chẳng vào thì ai giáo hóa cứu vớt con đây?

Các Bồ Tát đã có trí huệ Ba La Mật thì không còn bị sa ngã trước mọi cám dỗ, tâm không dao động trong mọi cảnh thuận hoặc nghịch, nên các Ngài không sợ hãi, không bị ngăn ngại. Phàm phu chưa có đủ bản lãnh thì nên tránh xa nơi xấu xa tội lỗi thì hơn. Người tu hạnh Bồ Tát tuy chưa được như Cư Sĩ Duy Ma Cật nhưng nên cố gắng bắt chước Ngài vài ba phần, gặp phiền não mà không bỏ được thì cứ lãnh, rồi tùy duyên mà hóa giải, sử dụng, biến thành bồ đề, an lạc. Ði ra đường thấy người đẹp thì cứ nhìn không sao, giữ tâm không ham ái dục, quán sát người đó như mẹ, như chị thì hết ham muốn, được thảnh thơi. Khi biết là ma, là phiền não cám dỗ thử thách thì hết si mê tham dục, hết ái nhiễm, mà chuyển ma thành Phật, chuyển ma cung thành Tịnh Ðộ, đây là một tư tưởng rất tích cực, không xa lánh cuộc đời phiền não khổ đau mà nhẩy thẳng vào đời để giúp đời, ở đâu Bồ Tát cũng tu được. Các Thiên Nữ đã được Cư Sĩ Duy Ma Cật dạy bảo tu hành, được hiểu biết sáng suốt, liền theo ma Ba Tuần trở về Thiên Cung để hóa độ các Thiên Nữ, ma nữ khác, đó là tự giác giác tha, tự lợi lợi tha.

Ở đời chúng sinh có tài thì cũng có tật, khi chung đụng với ngườì khác, chúng ta ráng học cái tài của họ và chịu đựng cái tật, rồi rút kinh nghiệm chuyển hóa lần lần thì cái dở cũng thành hay. Dùng người như dùng gỗ, gỗ lớn thì làm cột kèo, gỗ nhỏ thì làm bàn ghế, gỗ vụn thì làm củi đun, nếu bỏ đi thì uổng. Ðừng nói suông mà phải làm, mình làm trước rồi người khác sẽ bắt chước làm theo, tu Bồ Tát Ðạo là phải lợi tha, quên mình giúp người, mình có hết tham sân si thì mới dạy người khác trừ tham sân si được đó là thân giáo, đem thân mình, lối sống của mình ra dạy người khác.

Sau khi Bồ Tát Trì Thế từ chối, Ðức Phật bảo Trưởng Giả Tử Thiện Ðức đi thăm bệnh, ông này cũng từ chối vì trước kia, ông lập hội đại thí, cúng dường người tu hành và bố thí cho nhửng kẻ nghèo đói, thì Cư Sĩ Duy Ma Cật đến bảo ông rằng tài thí không bằng pháp thí, người bố thí dùng tâm bình đẳng thí cho người ăn xin hèn hạ xem cũng như tướng phước điền của Như Lai, ông Thiện Ðức thấy mình thua sức biện tài trí huệ của Cư Sĩ Duy Ma Cật nên không kham lãnh đến thăm bệnh.

Trong Phẩm Bồ Tát này, ba vị đầu (Bồ Tát Di Lặc, Ðồng Tử Quang Nghiêm, Bồ Tát Trì Thế) là Bồ Tát xuất gia, còn vị thứ tư Trưởng Giả Tử Thiện Ðức là Bồ Tát tại gia, nên có nhiều tiền bạc của cải lập hội đại thí.

Thiện Ðức là người làm nhiều việc lành tốt, vun trồng nhiều phước báo công đức. Trưởng Giả Tử Thiện Ðức cúng dường các vị tu hành chân chánh cũng như ngoại đạo, bố thí cho những kẻ nghèo cùng khốn khổ, nhưng Cư Sĩ Duy Ma Cật đến bảo rằng tài thí chưa rốt ráo, pháp thí quý gía hơn.

Tài thí là đem của cải vật chất (tiền bạc, quần áo, đồ ăn, thuốc men, nhà cửa ruộng vườn, châu báu vàng ngọc...) ra cúng dường người tu hành và cứu giúp người nghèo khó, dĩ nhlên là có đem lại phước báo, người thực hành tài thí sẽ đươc hưởng quả báo lành trong đời nay và nhiều đời khác.

Pháp thí là đem những pháp môn tu hành chân chánh chỉ dạy cho người ta thực hành tu sửa thân tâm, hướng về giác ngộ và giải thoát. Thuyết giảng giáo lý, dạy lễ bái niệm Phật tu Thiền, biếu tặng kinh sách đều là pháp thí, an ủi người đau khổ, khuyên giải kẻ ác độc mê mờ, cảnh tỉnh người tham dục nóng giận.... cũng là pháp thí.

Tài thí đem an vui cho thân, pháp thí đem an vui cho tâm, mà tâm quan trọng hơn thân nhiều. Trong Kinh Pháp Hoa có câu: Ðem của báu đầy ba lần ngàn đại thiên thế giới ra bố thí cúng dường cũng không bằng Pháp cúng dường, đem một câu kinh, một bài kệ, một bài chữ ra dạy chúng sinh. Của báu dù nhiều đến đâu cũng là vô thường, tiêu mãi cũng hết, nên gọi là giả huyễn, không thật có, không bền lâu, có khi còn đem lại phiền não trái ngược. Pháp thí đem lại an vui Niết Bàn, hạnh phúc chân thật, lợi mình lợi người, lâu dài đời này đời sau. Pháp thí gồm có bốn Tâm Vô Lượng (Từ, Bi, Hỷ, Xả), sáu pháp Ba La Mật (Lục Ðộ), Không, Vô Tướng, Vô Tác...

Ðược Cư Sĩ Duy Ma Cật hướng dẫn, ông Thiện Ðức được tâm thanh tịnh liền đảnh lễ và cởi chuỗi ngọc đáng giá trăm ngàn lạng vàng đem dâng cúng cư sĩ, vị này không chịu lấy, ông Thiện Ðức năn nỉ xin Ngài cứ nhận tùy ý Ngài cho. Cư sĩ Duy Ma Cật chia chuỗi ngọc làm hai phần, một phần đem cho người ăn xin hèn hạ nhất trong hội, một phần đem dâng Ðức Nan Thắng Như Lai. Câu truyện này giống trong Kinh Pháp Hoa. Bồ Tát Vô Tận Ý dâng chuỗi ngọc lên Bồ Tát Quán Thế Âm, vị Ðại Bồ Tát này chia làm hai phần, một phần cúng dường Ðức Phật Thích Ca, một phần cúng dường tháp Phật Ða Bảo.

Nan Thắng là khó thắng. Chúng sinh phàm phu thường có ý thức hay phân biệt cao thấp, sang hèn, quý tiện... nay bảo phải tu vô phân biệt thì thật là khó; điều gì khó làm mà làm được thì mới là quý, khó hiểu mà hiểu được thì mới là hay, là giỏi. Ý thức hay phân biệt, xúi giục chúng ta phân chia giai cấp, quý trọng người sang, khinh rẻ người nghèo, chúng ta thường nghe theo ý thức đó, để cho ý thức chi phối hành động, ý thức đã thắng, điều khiển chúng ta. Nay nếu chúng ta biết chuyển ý thức thành trí huệ sáng suốt vô phân biệt thì chúng ta đã thắng lại nó, tuy khó mà làm được mới quý, khó thắng mà thắng được mới tài, danh từ Nan Thắng có nghĩa ẩn như vậy. Ðức Thế Tôn dạy: Chiến thắng trăm ngàn quân địch không khó bằng điều phục tâm mình. Cúng dường Phật hoặc bố thí cho kẻ ăn xin mà không khởi tâm phân biệt, chỉ một lòng đại bi bình đẳng, không ham quả báo, đó gọi là đầy đủ Pháp Thí vậy. Thật là cao quý siêu việt, không còn chấp trước mọi hình tướng ngã pháp, vô cầu, vô đắc, pháp thí quý hơn tài thí ở chỗ đó, nhưng thật là khó làm. Trong kinh sách cũng có câu: bố thí cho chúng sinh tức là cúng dường mười phương chư Phật, vì tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh, đều là Phật sẽ thành, Pháp Thí vô phân biệt là vậy.

Nói dễ làm khó, người tu hành phải làm những gì mình nói, tránh bệnh nói suông, nếu nói nhiều nói cao mà chẳng làm được gì thì chỉ để người ta chê cười, tổn hại cho cả kẻ nói lẫn người chê không lợi gì cho việc truyền bá giáo pháp. Muốn thực hành pháp thí trước hết mình phải có trí huệ sáng suốt, hiểu biết thâm sâu rồi đem cái sự sáng suốt đó ra bố thí cho người khác, nghĩa là làm cho người khác cũng hiểu biết sáng suốt như mình; khi người ta đã sáng suốt thì không còn tham mê ngũ dục lạc nữa mà họ sẽ tu theo Chánh Pháp, tiến tới giác ngộ. Nếu người ta mong gì, xin gì, mình cho nấy mà không khiến họ mở mang trí huệ thì chỉ làm tăng thêm lòng tham dục của họ, lòng tham không đáy biết bao nhiêu cho vừa, đó không phải là bố thí đúng pháp. Muốn có trí huệ thì cần phải xả bỏ các chấp trước, không phân biệt thân sơ, nhiều ít, trước sau, tâm tự tại an định như mặt trời chiếu sáng không phân biệt núi sông vườn ruộng, như mưa tưới nước đều khắp, không phân biệt loại cây lớn nhỏ, cỏ dại hay cỏ thuốc. Khi ta có trí huệ rồi thì làm việc gì cũng lành tốt cả.

Ðiều quan trọng là khi bố thí phải có tâm hoan hỷ, không chấp trước mong cầu, không đợi lời cám ơn, không chờ đền đáp lại. Cư Sĩ Duy Ma Cật cho người ăn xin và cúng dường Phật với tâm hoan hỷ bình đẳng như nhau chẳng khác, đó là thực hành Pháp Thí vậy. Nếu ngay trong đời nay, chúng ta bố thí, làm việc xã hội cứu tế người nghèo, hoặc cư xử hòa thuận trong gia đình theo phép Lục Hòa, hoặc cúng dường chư vị Tăng Ni, giảng nói Phật Pháp, ấn tống kinh sách... với tâm hoan hỷ bình đẳng như nhau, không mong đền đáp, không cầu chứng đắc, không chấp thân sơ, thấy việc tốt là làm, làm xong là quên... đó chính là thực hành Pháp Thí, công đức vô lậu không cầu mà vẫn có.

Chuỗi ngọc trên Ðức Phật Nan Thắng biến thành bốn trụ đài quý báu, bốn mặt đều trang nghiêm rực rỡ không ngăn che nhau: Nhờ bố thí không chấp tướng mà thực hành được bốn Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả), bố thí đứng đầu sáu pháp Ba La MậI (Lục Ðộ), vì không chấp trước nên được Tam Luân Không Tịch, bố thí là căn bản nền móng cho việc thực hành Bồ Tát Ðạo, như Bốn Sự Thật Chân Chánh (Tứ Ðế) là căn bản nền móng của giáo lý nhà Phật, cho nên chuỗi ngọc biến thành bốn trụ đài quý báu, chống đỡ tòa lâu đài Chánh Pháp. Ðứng về tướng thì đời là khổ, nhiều thứ khổ, mà nguyên nhân của sự khổ là tham sân si vô minh chấp trước, muốn hết khổ được Niết Bàn an lạc thì cần tu 37 phẩm trợ đạo, quan trọng hơn hết là Bát Chánh Ðạo. Ðứng về Tánh thì chẳng có khổ có vui, không có pháp môn tu không có quả vị chứng, không chấp, không cầu, không ta không người, không có gì ngăn ngại nên kinh nói là bốn mặt đều trang nghiêm rực rỡ không ngăn che nhau, được thông suốt, đó là lý Tất Cả Là Một.

Trong Phẩm Bồ Tát này có bốn vị Bồ Tát đại diện cho bốn loại người tu theo hạnh Bồ Tát khác nhau:
1) Bồ Tát Di Lặc, chuyên tu Duy Thức quán, dùng Thức để phân biệt, chưa đủ trí huệ sáng suốt hoàn toàn, chưa đạt được Chân Trí.
2) Ðồng Tử Quang Nghiêm, còn thấy có pháp để tu, có chúng sinh cần độ, có chùa để xuất gia, có quả vị để chứng có công đức để trang nghiêm, chưa bỏ được chấp tướng bề ngoài để quay vào bên trong, tu Tâm mới là quan trọng hơn hết. Ngài còn chấp tướng nên chưa xứng Tánh làm Phật sự.
3) Bồ Tát Trì Thế đã nắm giữ được Phật Pháp để độ chúng sinh trong đời, nhưng chưa đủ trí huệ để hóa độ nghịch cảnh, không dám dấn thân vào những nơi xấu ác, chưa điều phục được tâm mình.
4) Trưởng Giả Tử Thiện Ðức làm hạnh bố thí chưa rốt ráo, có tài thí nhưng thiếu pháp thí, bố thí mà thiếu trí huệ thì chưa tới chỗ vô phân biệt được, chưa được hoàn toàn bình đằng.

Xin quý vị đọc đến chỗ này đừng khởi tâm chê bốn vị Bồ Tát là chưa tu cao, các Ngài thị hiện thiếu sót, giả vờ còn có các nhược điểm, nhân đó Bồ Tát Cư Sĩ Duy Ma Cật (đại điện cho Ðức Thế Tôn) có cơ duyên đem Chánh Pháp ra nói, nghĩa đen là nói cho bốn vị Bồ Tát và những nhân vật hiện diện nghe, nghĩa bóng là dạy bảo tất cả chúng sinh tu hành chân chánh, đừng chấp tướng bề ngoài, quay vào trong Tâm mà tu, tu ở đâu cũng được, ở chùa ở chợ ở nhà đều là đạo tràng, chỉ cần làm sao chuyển được tâm mình từ nhơ thành sạch, từ tối thành sáng, thế là đủ, tâm tịnh quốc độ tịnh. Nói tâm chuyển rồi thì ngoại cảnh chuyển theo, như vậy chỉ cần chuyển tâm, không mong chuyển cảnh, hãy cải hóa mình trước, rồi giúp cải hóa người khác sau. Các Bồ Tát thị hiện làm các việc hoặc tốt hoặc xấu, hoặc thuận hoặc nghịch, để làm gương hóa độ chúng sinh, vì chúng sinh chứ không vì các Ngài, các Bồ Tát đã chuyển xong tâm rồi, nay giúp chúng sinh chuyển tâm của họ mà thôi.


Âm lịch

Ảnh đẹp