XII. PHẨM THẤY PHẬT A SÚC
ASúc là tiếng Phạn, dịch nghĩa là Bất Ðộng. Phật A Súc là Pháp
Thân chẳng sinh diệt, chẳng tới lui, vắng lặng thường còn, chẳng hề động
chuyển, nên gọi là Bất Ðộng.
Ðức Thế Tôn hỏi ông Duy Ma Cật rằng: Muốn thấy Như Lai thì
lấy gì quán sát?
Như Lai, theo nghĩa hẹp là Ðức Phật Thích Ca hoặc chư Phật
mười phương, nghĩa rộng là cái gì như như bất động, không sinh không diệt,
không tới không lui, là Bản Thể, là Thật Tướng, là Pháp Tánh của mọi sự mọi
vật, là nguồn gốc của mọi loài từ đó mà sinh ra, là cái Không sinh ra cái Có,
là Chân Lý cao siêu tuyệt vời huyền diệu vô cùng vô tận.
Trong Kinh Kim Cang có câu: Phàm sở hữu tướng giai thị hư
vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai, nghĩa là những vật gì có
hình tướng đều là giả dối hư huyễn, nếu thấy được cái Phi Tướng tức tướng Không
nằm ẩn trong hình tướng bên ngoài thì thấy được Như Lai, thấy Chân Lý.
Ở đây, ông Duy Ma Cật cũng nói giống như vậy: Muốn thấy Như
Lai phải quán Thật Tướng, lìa phân biệt hư vọng, rời hai bên đối đãi, phá năm
ấm bốn đại, không bờ này bờ kia, chẳng dòng sông phiền não, không sạch không
nhơ, không lớn không nhỏ, chẳng sinh chẳng diệt, chẳng trí chẳng ngu, chẳng thủ
chẳng xả, chẳng dùng lời nói diễn tả được, đó là quán sát chân chánh (chánh
quán), nếu quán khác thì gọi là tà quán.
Ngài Xá Lơi Phất, tùy theo lòng nghi ngờ chưa hiểu biết rốt
ráo của hàng Thanh Văn, hỏi ông Duy Ma Cật ở đâu chết rồi sinh nơi đây? Hàng
Thanh Văn chưa nắm được liễu nghĩa của Như Lai chẳng đến chẳng đi, chẳng sinh
chẳng diệt.. nên vẫn còn chấp có chỗ đi và có nơi đến. Ông Duy Ma Cật bèn dùng
pháp tu chứng quả và người huyễn hóa sinh ra làm thí dụ cho Ngài Xá Lợi Phất dễ
hiểu.
Ðứng về hình tướng thì có sinh có diệt, nhưng đứng về Thể
Tánh thì sinh diệt là pháp giả dối huyễn hóa. Chết là tướng bại hoại của pháp
hư dối để rồi lại tiếp tục sinh hóa, mà sinh cũng là tướng tương tục của pháp
hư dối mà thôi, chẳng có gì thật là sinh, thật là diệt cả. Ví như nước và sóng.
Khi lặng là nước, khi động là sóng, hết động trở lại là nước, trước sau vẫn là
nước, động tịnh là những hiện tượng giả huyễn tạm thời.
Ðến đây Ðức Phật e hàng Thanh Văn lạc vào chỗ chấp không rồi
sinh hoang mang mờ mịt nên Ngài đứng về tướng trạng mà bảo Ngài Xá Lợi Phất:
ông Duy Ma Cật vốn ở nước Diệu Hỷ của Phật Vô Ðộng, chết rồi sinh nơi đây.
Danh từ chết là Ðức Thế Tôn phương tiện dùng cho hàng Thanh
Văn dễ hiểu, chứ thật ra thì ông Duy Ma Cật vì lòng từ bi thương xót chúng sinh
cõi Ta Bà mà thị hiện ở cõi này để hóa độ, ông đã ra khỏi vòng luân hồi sinh
tử, không còn sống chết nữa. Ngài Xá Lợi Phất vẫn còn chấp có hai cõi thanh
tịnh (Diệu Hỷ) và nhiều oán hại (Ta Bà), ông Duy Ma Cật phải lấy thí dụ mặt
trời đem ánh sáng soi chiếu nơi tối tăm. Bồ Tát vì bổn hoài lợi tha nên phải
thị hiện ở nơi nhơ uế nhiều đau khổ để cứu giúp chúng sinh, nhưng không hề
nhiễm trần cấu bất tịnh, ví như hoa sen mọc trong bùn mà chẳng ngại hôi tanh,
chuyển chất liệu uế trược của bùn thành mùi thơm thanh khiết của hoa sen, tung
rải hương thơm khắp nơi.
Nghe lời Ðức Thích Ca nói xong, tất cả đại chúng đều khát
ngưỡng mong được thấy nước Diệu Hỷ, Phật Vô Ðộng và các hàng Bồ Tát, Thanh Văn
của nước đó. Tuân theo lời Ðức Thích Ca dạy và muốn cho đại chúng cõi Ta Bà
thấy được cõi Diệu Hỷ, tượng trưng cho Bản Thể, Chân Lý cao siêu mầu nhiệm, ông
Duy Ma Cật liền nhập tam muội, nghĩa là vào chánh định, hiện sức thần thông mang
nước Diệu Hỷ để vào cõi Ta Bà. Chư vị Bồ Tát
và những người có thần thông ở nước Diệu Hỷ ý thức đươc việc di chuyển này, còn
các người chưa có thần thông thì không hay biết gì cả. Ðó là nghĩa làm sao?
Ví như quả đất tự quay và chạy quanh mặt trời với một tốc độ
rất mau, nhưng chúng ta không ý thức được việc chuyển động đó, vì chúng ta ngu
muội không có trí huệ, chúng ta sống kẹt trong bầu khí quyển bao bọc mịt mùng
nên cứ tưởng là quả đất đứng im; còn đối với các nhà khoa học có trí thông minh
sáng suốt có những dụng cụ tinh vi tối tân, hoặc đối với các bậc Thánh siêu
phàm thì rõ ràng quả đất chuyển động thật mau. Các Ngài đã vượt lên trên sự
hiểu biết tầm thường của thế gian; nhờ trí huệ sáng suốt, các ngài đã thấy được
sự thật, nhưng sự thật đó khó tin khó hiểu, nói ra ít ai chịu nghe. Giống như
dưới thời Vua Tự Ðức, ông Nguyễn Trường Tộ đi sang Âu Châu về tâu Vua những sự
phát minh khoa học như đèn điện, tàu hỏa,... Vua và triều đình không tin, cho
là nói dối. Chúng ta cũng vậy, sự hiểu biết còn nông cạn hẹp hòi, những gì mắt
thấy tai nghe mới tin, còn những gì siêu việt thì khăng khăng cố chấp cho là
huyền hoặc, giống như ếch ngồi đáy giếng đâu biết bầu trời bao la.
Nhân dân nước Diệu Hỷ không có thần thông thì không hay biết
sự việc nhiệm mầu, sự biến chuyển siêu nhiên của nước Diệu Hỷ hòa nhập vào cõi
Ta Bà, toàn thể cõi nước của họ di động mà họ chẳng hay chẳng biết gì cả, chỉ
có các Bồ Tát, Thanh Văn cùng các Trời người có thần thông thì biết rõ. Nước
Diệu Hỷ được đặt vào cõi Ta Bà mà không thêm không bớt, còn cõi Ta Bà cũng
không chật hẹp, vẫn y nguyên như trước. Ðây là luận về Bản Thể, Pháp Tánh nên
không có sự phân biệt rộng chật, không có vật chất cản trở ngăn ngại nhau, chỉ
có Tâm Thể hòa hợp làm một.
Ðại chúng cõi Ta Bà thấy rõ nước Diệu Hỷ trang nghiêm tốt
đẹp nên đều phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, nguyện sinh sang nước đó.
Ðức Thích Ca liền thọ ký cho và bảo muốn vậy phải học cái Ðạo của Ðức Vô Động
Như Lai đã làm, nghĩa là phải giữ tâm như như bất động, vô phân biệt, tùng
tướng nhập Tánh. Danh từ thọ ký có nghĩa là nói trước, báo trước cho người tu
hành chân chánh biết về sau sẽ thành tựu quả vị gì, ở lại nước nào, cõi đó tốt
đẹp ra sao, sau bao nhiêu kiếp sẽ được thành Phật.
Huyền nghĩa của đoạn kinh này là chúng sinh nào muốn trở về
Bản Tâm như như bất động thì phải bỏ qua những tướng trạng bên ngoài mà quay về
thâm nhập Thật Tướng bên trong. Chúng sinh thường chỉ tin tưởng vào những gì
mắt thấy tai nghe và những sự việc vật chất do giác quan tiếp thụ, còn những gì
siêu việt do Tâm cảm nhận thì không tin. Ông Duy Ma Cật dùng thần thông đem
nước Diệu Hỷ để vào cõi Ta Bà khiến cho chúng sinh thấy và phát lòng tin rằng
ngoài cõi Ta Bà còn có nhiều cõi nước khác nhiều cảnh giới tốt đẹp nhiệm mầu,
nhưng đều không ngoài Tâm mà có. Duy Ma Cật được dịch là Tịnh Danh hoặc Tịnh
Tâm. Ông Duy Ma Cật đem nước Diệu Hỷ cho chúng sinh thấy, nghĩa là phải giữ tâm
thanh tịnh, như như bất động, phải tu Ðịnh thì trí huệ phát sinh, thấy được sự
thật huyền diệu an vui (nước Diệu Hỷ của Phật Vô Ðộng). Muốn tới đó thì phải bỏ
lòng chấp trước ích kỷ hẹp hòi tán loạn điên đảo mà quay về với Tâm Bất Ðộng,
chính Tâm này là Bản Thể nguồn gốc sinh ra mọi sự mọi vật, là Chân Không phát
sinh Diệu Hữu.
Sau khi làm xong những việc lợi ích nơi cõi Ta Bà, Ðức Phật
Bất Ðộng và tất cả nhân dân nước Diệu Hỷ trở về chốn cũ, cả đại chúng đều thấy
rõ. Ngài Xá Lơi Phất tán thán thần thông của ông Duy Ma Cật và nguyện tất cả
chúng sinh được thanh tịnh như Phật Vô Ðộng. Ngài và đại chúng thời bấy giờ
được nhiều lợi lành, được gặp và cúng dường ông Duy Ma Cật, Ngài nguyện cho
những chúng sinh đời hiện tại hoặc vị lai được nghe kinh này, tin hiểu thọ trì
đọc tụng giải nói, đúng như pháp mà tu hành, sẽ được kho tàng Pháp bảo và được
chư Phật hộ niệm.
Nghe, tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, giải nói Kinh này là tốt
lắm, nhưng quan trọng hơn hết là phải đúng như pháp mà tu hành. Nếu không tu
hành đúng như pháp thì chỉ là học suông, chỉ có bề ngoài, chỉ có học mà không
tu thì khác gì cái đãy đựng sách, cái tủ sách đầy bụi, không lợi ích cho ai cả.
Ðã học rồi thì phải hành, mà phải hành đúng như pháp, nghĩa là đúng Chân Lý,
đúng luật Phật, hợp thời hợp cơ, tùy hoàn cành, tùy phương tiện, miễn làm sao
lợi người lợi mình, tự giác giác tha, cùng nhau đi trên đường giác ngộ và giải
thoát. Phật dạy gì ta làm nấy, Pháp dạy thế nào ta theo nấy, Tăng sống hòa hợp
thanh tịnh như thế nào ta bắt chước nấy, bất cứ làm việc gì cũng chỉ vì cứu
giúp chúng sinh, không mong cầu, không ích kỷ ngã chấp, không chứng không đắc
đó là đúng như pháp mà tu hành vậy. Cúng dường những người tu hành như vậy tức
là cúng dường chư Phật, vì người đó đã đi đúng con đường Phật, làm đúng việc
Phật, chắc chắn sẽ thành Phật. Tuy còn mang hình tướng chúng sinh nhưng hột
giống Phật trong người đó đã nẩy mầm mạnh mẽ, Phật Tánh đã được lau chùi hết
bụi, ánh sáng giác ngộ đã chiếu sáng, chẳng bao lâu sẽ ngồi dưới cội bồ đề, đại
phá ma quân, thành Ðạo Vô Thượng.
Nếu có người nào biên chép thọ trì kinh này thì chính là
trong nhà người ấy có Như Lai. Kinh là Pháp Bảo, là báu vật đưa chúng sinh từ
mê tới ngộ, từ phàm tới Thánh, tới Phật cho nên trong nhà có kinh này được gọi
là nhà có Như Lai. Kinh Pháp Bảo là nhân mà Như Lai, Phật Bảo là quả. Nhưng
điều cần yếu là thọ trì rồi y theo nghĩa lý trong kinh mà thực hành thì mới có
lợi, chứ chẳng phải chỉ đọc tụng như con vẹt mà không hiểu huyền nghĩa ẩn ý của
kinh, không thực hành đúng đắn lời kinh thì dù trong nhà có thiên kinh vạn
quvển, bìa dầy chữ vàng, cũng chẳng có Như Lai.
Người nghe kinh này mà tùy hỷ thì sẽ được đến bậc Nhất Thiết
Trí. Tùy hỷ là vui theo. Thấy người khác được lợi lạc mà mình không có lòng
ganh ghét đố kỵ, lại vui theo, mừng cho người ấy thì được gọi là tùy hỷ. Sau
khi vui theo rồi, mình cần bắt chước người đó mà tu hành thì rồi cũng phát huy
được cái trí huệ sẵn có của mình, biết được tất cả mọi sự mọi vật một cách đúng
như thật, đúng Chân Lý, trí huê sáng suốt đó gọi là Nhất Thiết Trí.
Cho đến người nào chỉ tin hiểu kinh này cho đến một bài kệ
bốn câu rồi giải nói cho người khác nghe, phải biết người đó được thọ ký quả Vô
Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Kinh sách có câu: Lòng tin là mẹ sinh ra chư
Phật. Phải có lòng tin ba ngôi báu Phật Pháp Tăng để trở về nương tựa (quy y)
và tinh tấn tu hành thì sẽ được thành Phật. Thiếu lòng tin thì không có cơ sở
vững chắc mà xây dựng tòa nhà tinh thần, muốn ở nhà lầu cao đẹp mà không đặt
nền móng cho tốt, cho ngay thẳng thì dễ bị sụp đổ. Nhưng không phải ai nói gì
cũng tin, thấy gì cũng tin, tin càn tin bướng, tin tà ma quỷ quái, mà phải có
lòng tin chân thật gọi là Chánh Tín, tin lẽ phải, tin luật nhân quả, tin lý vô
thường, vô ngã, tin theo gương sáng của Phật, tin theo lời Phật, kinh Phật tức
là Pháp, tin theo đời sống thanh tịnh hòa hợp của chư Tăng, lòng tin là điều
kiện thứ nhất trong ba điều kiện thiết yếu được vãng sinh về cõi Cực Lạc của
Ðức Phật A Di Ðà (Tín, Nguyện, Hạnh).
Sau khi tin rồi thì cần phải học hiểu cho rõ lời Phật, nghĩa
Kinh gồm cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nhất là thâm ý ẩn tàng trong Kinh, chư Tổ
thường đạy đọc kinh cầu lý là thế đó. Tin hiểu rồi thọ trì nghĩa là nắm vững lý
kinh một cách chắc chắn sâu xa bền vững không còn sai lầm, rồi đem giải nói cho
những người khác nghe, nghĩa là tự giác rồi thì phải giác tha, chẳng bao giờ ôm
lòng ích kỷ, mà lúc nào cũng muốn làm lợi ích cho người khác. đó là tâm niệm
của Bồ Tát chỉ nhắm việc lợi tha, nhân lành đó đưa đến quả vị Vô Thượng Chánh
Ðẳng Chánh Giác, là quả vị Phật cao tột. Kinh điển Ðại Thừa rất nhiều, cao siêu
rộng lớn, nhưng chì dùng một bài kệ bốn câu giải nói cho người khác nghe mà
được lợi ich lớn lao như vậy, vì giúp người khác nghe rồi tin hiểu thọ trì,
cũng như đánh thức người đó tỉnh giấc chiêm bao, tỉnh rồi thì không mê nữa,
mình chỉ đánh thức một lần là đủ, chĩ dùng bốn câu kệ là đã tạo duyên lành, mở
đầu cho hột giống Phật trong người đó nẩy mầm, rồi lần lần đơm hoa kết quả. Kẻ
nói người nghe Kinh này đều được thọ ký, chúng sinh đời sau tu hành theo kinh
này cũng được thọ ký, bộ kinh này thật là Pháp Bảo vô giá vậy.