X. PHẨM PHẬT HƯƠNG TÍCH
Bấy giờ, Ngài Xá Lợi Phất, đại diện cho hàng Thanh Văn đệ tử
hãy còn phân biệt thời gian, thấy gần đến giờ ngọ là nghĩ đến việc ăn trưa. Các
tu sĩ Nam Tông giữ giới luật ăn ngày một bữa trước giờ ngọ, nếu lỡ quá ngọ chưa
ăn thì phải nhịn luôn. Còn các tu sĩ Bắc Tông thì uyển chuyển hơn, quá ngọ ăn
cũng được, hoặc ăn ngày hai hoặc ba bữa cũng được, không phải là tham ăn, chỉ
do thói quen và để giữ sức khỏe mà thôi.
Ông Duy Ma Cật muốn làm lợi ích giúp cho hàng Thanh Văn được
biết mùi vị giải thoát bèn nhập chánh định, dùng sức thần thông hiện bày cho
đại chúng thấy rõ cảnh giới phương trên có nước Phật tên là Chúng Hương, Ðức
Phật hiệu là Hương Tích, nước ấy không có Thanh Văn và Bích Chi Phật, chỉ có Bồ
Tát thanh tịnh được Phật nói pháp cho nghe. Tất cả nhà lầu, vườn hoa, ruộng
đất, cơm nước đều do chất hương thơm tạo thành. Ông Duy Ma Cật hóa phép ra một
vị Bồ Tát và sai bay lên nước Chúng Hương xin cơm thơm về cho mọi người ăn.
Nếu cứ theo nghĩa đen, chữ đâu nghĩa đó, thì ở phương trên
có nước Chúng Hương, có Phật Hương Tích, có các Bồ Tát, có cơm thơm, không có
hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật. Theo nghĩa bóng thì các Thanh Văn cần chuyển
tâm niệm hẹp hòi cầu pháp nhỏ biến thành Tâm Bồ Ðề, bỏ vật chất thế gian để
được của báu xuất thế gian, bỏ giường ghế để được ngồi tòa sư tử, bỏ cơm gạo
thường để được ăn cơm thơm Chúng Hương, bỏ lòng cầu Niết Bàn cho riêng mình để
phát tâm Bồ Ðề cầu Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, hành Bồ Tát Ðạo lợi ích
chúng sinh.
Nước Chúng Hương thanh tịnh thơm tho nhẹ nhàng vì được tạo
thành bằng các hương thơm, trái với cõi Ta Bà nặng nề nhơ uế vì do vật chất làm
ra. Cõi Ta Bà có Thanh Văn và Bích Chi Phật còn ham pháp nhỏ tu theo Tiểu Thừa,
được ít cho là đủ, còn nước Chúng Hương chỉ có hàng Bồ Tát thanh tịnh được Phật
dạy bảo, ý kinh muốn đưa ra sự so sánh hai cõi để chuyển tâm hàng Nhị Thừa
hướng về Nhất Thừa Phật Đạo.
Chỗ khéo léo của Kinh này là không muốn làm hàng Thanh Văn
hổ thẹn vì lỡ ham pháp Tiểu Thừa, nên Bồ Tát Văn Thù nói đỡ: "Chớ nên
khinh người chưa học". Nếu làm quý vị Thanh Văn xấu hổ quá thì họ sẽ bỏ đi
rất uổng nên Bồ Tát Văn Thù phải nói khéo để gỡ danh dự cho họ, rồi phương tiện
hướng dẫn vào Phật Ðạo. Trong Kinh Pháp Hoa, khi Phật thuyết giáo lý Ðại Thừa,
quy ba thừa về một thừa, có năm ngàn Tỳ Kheo bỏ đi. Nhưng ở đây, Ngài Văn Thù
cố giúp hàng Thanh Văn chuyển tâm theo Ðại Thừa. Cũng một ý đó, Ðức Phật Hương
Tích căn dặn các Bồ Tát nước Chúng Hương phải tạm giấu thân hương thơm tho tốt
đẹp, chớ để chúng sinh cõi Ta Bà sinh tâm mê đắm và tự hổ thẹn. Vì sao? Ðức
Phật muốn hóa độ những người ưa pháp nhỏ nên hiện ra cõi Ta Bà ô trược hầm hố
xấu xa, chứ mười phương cõi nước đều như hư không, vô phân biệt. Ðức Phật biết
rành tâm lý, không muốn hàng Thanh Văn buồn thẹn mà mong họ thấy cõi Phật Chúng
Hương đẹp đẽ mà khởi lòng tu theo Ðại Thừa.
Phật Hương Tích lấy cái bát ở nước Chúng Hương đựng đầy cơm
thơm trao cho Hóa Bồ Tát, vị này cùng chín trăm vạn Bồ Tát ở nước Chúng Hương
biến hình, trong khoảnh khắc về đến nhà ông Duy Ma Cật. Ông này hóa hiện ra
chín trăm vạn tòa sư tử để mời các Bồ Tát ngồi. Vị Hóa Bồ Tát đem bát cơm thơm
dâng lên ông Duy Ma Cật, mùi thơm xông khắp thành Tỳ Xá Li và cả cõi tam thiên
đại thiên thế giới.
Chín trăm vạn Bồ Tát ngồi trên tòa sư tử trong nhà ông Duy
Ma Cật mà không thấy chật hẹp vì đây là nói về Bản Thể dung thông vô ngại, vượt
qua mọi hình tướng vật chất nên không có rộng chật gì cả, mười phương thế giới
nằm trong hạt cải mà vẫn hiện đủ núi non sông biển. Vì không có vật chất nên
không chướng ngại. Thí dụ: chụp hình mặt trăng vào trong tấm ảnh nhỏ xíu mà
phong cảnh mặt trăng hiện ra đầy đủ. Chúng ta nghĩ tới quê hương thì hình ảnh
núi đồi sông ngòi nhà cửa hiện ra trong tâm thức, những hình ảnh đó đều dung
thông vô ngại.
Trưởng Giả Chủ là người đứng đầu các vị trưởng giả làm chủ
tể cai trị nhân dân trong thành. Nguyệt Cái là tên ông ta, mà cũng có ý nghĩa
là cái lọng (bảo cái) hình tròn như mặt trăng dùng để che mưa nắng bụi bậm
không làm khó chịu bậc tôn quý. Trưởng Giả Chủ Nguyệt Cái đem theo tám vạn bốn
ngàn người đến đảnh lề các Bồ Tát và đại đệ tử, là có ý tượng trưng cho việc
các chúng sinh đã phát tâm quy y Tam Bảo, tuân thủ giáo lý Ðại Thừa. giáo lý
này tròn trặn đầy đủ, hoàn toàn viên mãn, có công năng che chở chúng sinh khỏi
bị nhiễm ô, ví như cây lọng báu che các vị Vua quan quyền quý.
Bấy giờ ông Duy Ma Cật bảo Ngài Xá Lợi Phất và các đại đệ tử
Thanh Văn lấy cơm thơm mà ăn, dùng cơm vị cam lồ của Như Lai do đại bi huân
tập, đừng đem ý có hạn lượng mà ăn thì không tiêu được. Có các Thanh Văn khác
nghĩ rằng cơm này ít lắm mà đại chúng ngưởi nào cũng phải ăn. Làm sao cho đủ?
Ðây là các vị Thanh Văn còn chấp tướng, phân biệt cơm ít người nhiều, còn ông
Duy Ma Cật đứng về Thể Tánh mà bảo: đừng đem ý có hạn lượng mà ăn thời không
tiêu được. Vị Hóa Bồ Tát cũng nói: Chớ đem trí hẹp đức nhỏ của Thanh Văn mà so
lường phước huệ vô lượng của Như Lai.
Rõ ràng là đoạn này muốn đưa người đang tu theo giáo lý Tiểu
Thừa bước sang Ðại Thừa, muốn hướng dẫn hàng Thanh Văn vào Bồ Tát Ðạo. Ðừng có
ý hạn lượng phân biệt thì cơm mới tiêu, thì mới kham được pháp lớn, thì mới bỏ
tướng trạng mà nhập Bản Thể Chân Như vô cùng vô tận. Các Bồ Tát, Thanh Văn,
Trời, ngườì ăn no đủ mà cơm vẫn còn, thân thể nhẹ nhàng vui vẻ, các lỗ chân
lông thoảng ra mùi hương thơm.
Có một bát cơm mà tất cả chúng hội mấy trăm vạn người ăn no
đủ mà vẫn còn, người ăn lại cảm thấy thân thể nhẹ nhàng vui vẻ, các lỗ chân
lông thoảng ra mùi hương thơm thì thật là huyền diệu nhiệm mầu, nhất định không
phải là loại cơm gạo vật chất để nuôi thân, mà là cơm gạo tinh thần để nuôi
tâm, trưởng dưỡng phát huy Tâm Bồ Ðề. Vì không phải vật chất nên không có hạn
lương, vì thuốc tâm linh nên ảnh hưởng lan rộng cao xa, mùi vị của Đạo thấm vào
tâm hồn khiến mọi người cảm thấy nhẹ nhàng thanh thoát, lâng lâng thoát tục,
mình được hưởng Pháp vị rồi lại muốn đem Pháp vị cho người khác, nên các lỗ
chân lông thường ra mùi hương thơm, các loài chúng sinh khác cũng được ngửi mùi
hương đó. Người xưa có hai câu thơ để diễn tả Ðạo vị:
Quế hương bất viễn thư hương viễn,
Thế vị vô như Ðạo vị trường.
nghĩa là mùi hương của quế không thoảng xa bằng mùi thơm của
sách vở, vị ngon ngọt của đời không kéo dài lâu xa bằng mùi vị của Ðạo Ðức.
Cơm thơm của Phật Hương Tích ban cho chúng hội trong nhà ông
Duy Ma Cật chính là Pháp Thực, là Thiền Duyệt Thực là món ăn tinh thần để nuôi
dưỡng phần tâm linh, chúng ta nghe một bài pháp say sưa quên đói, ngồi thiền
cảm thấy no đủ sung sướng, mà Pháp và Thiền thì rộng rãi vô cùng, bao nhiêu
người nghe, người tu cũng đầy đủ, không thiếu. Pháp, Thiền, Ðạo, sách vở kinh
điển... đều là những món ăn tinh thần cần thiết giúp người tu mở mang trí huệ,
tự giác giác tha. Mình được ăn rồi, nếm rồi, nghe rồi thì phải mời người khác
cùng hưởng Pháp vị như mình.
Ðoạn kinh sau đây so sánh lối nói pháp ở hai cõi Chúng Hương
và Ta Bà. Cõi Chúng Hương ở trên cõi Ta Bà cách xa 42 số cát sông Hằng cõi
Phật, nhẹ nhàng siêu việt hơn cõi Ta Bà nhiều, cho nên Ðức Phật Hương Tích
không cần dùng ngôn ngữ văn tự để nói, mà chỉ dùng các mùi hương thơm khiến các
Trời người vâng giữ luật hạnh (giữ gìn giới luật, không làm việc ác, chỉ làm
hạnh lành). Các Bồ Tát cõi đó chỉ việc ngồi dưới cây hương, ngửi mùi hương thơm
mầu nhiệm là được Tam Muội Nhất Thiết Ðức Tạng, nghĩa là được chánh định đầy đủ
tất cả mọi công đức. Ý kinh muốn nói chúng sinh cõi Chúng Hương nghiệp nhẹ nên
chi cần ngửi mùi hương là phát tâm tu hành. Tâm Phật và chúng sinh dễ dàng cảm
thông.
Còn chúng sinh ở cõi Ta Bà thì nghiệp nặng, cang cường khó
giáo hóa, cứng đầu cứng cổ, nên Ðức Phật Thích Ca phải phương tiện dùng lời nói
cứng rắn mạnh mẽ để điều phục họ. Ðây là các phương pháp giáo hóa khác nhau mà
chư Phật áp dụng tùy từng cõi. Chúng sinh dễ dạy thì dùng phương pháp nhẹ nhàng
dịu ngọt, chúng sinh khó dạy thì dùng phương pháp oai dũng nặng nề như trách
mắng đe dọa, nhưng tất cả mọi phương pháp đều cùng một mục đích là chỉ đường
dẫn lối chúng sinh về nẻo giác. Ở cõi Ta Bà uế trược, Ðức Phật cho thấy có ba
cõi sáu đường, có luật nhân quả luân hồi chi phối, để chúng sinh sợ hãi nhàm
chán, rồi Ngài dạy quy y giữ giới, làm lành lánh đữ, điều phục thân miệng ý, so
sánh phân biệt tội phước, hữu lậu với vô lậu, thế gian với Niết Bàn... Tuy biết
rằng phân biệt như vậy là không đúng với Chân Lý Bình Ðẳng Nhất Như, nhưng Ðức
Thế Tôn ẩn cái sức tự tại vô lượng của Ngài mà dùng phương tiện tùy theo sở
thích của người nghèo hèn để độ thoát chúng sinh: Phật biết chúng sinh ưa gì
thì cho nấy, lúc đầu chúng ưa pháp nhỏ, được Hữu Dư Y Niết Bàn đã cho là đủ,
nay đã đến thời cơ đem pháp lớn dạy người tu hành tiến tới chỗ giác ngộ rốt
ráo. Kinh Pháp Hoa đưa ra thí dụ Hóa Thành là cùng một ý nghĩa như vậy.
Vì chúng sinh cõi Ta Bà phước mỏng nghiệp dầy, khó bảo khó
dạy, nên các Bồ Tát phải dùng sức phương tiện chịu khổ sở nhẫn nhục, dùng lòng
đại bi vô lượng thị hiện sinh vào cõi này, ẩn giấu thân tướng to lớn cao đẹp và
hiện ra thân hình bé nhỏ xấu xa, thật là mộl sự hy sinh rất lớn lao mà chỉ các
Ðại Bồ Tát mới làm được. Tuy nhiên, các Bồ Tát ở cõi này làm lợi ích cho chúng
sinh trong một đời còn hơn trăm ngàn kiếp tu hành ở các cõi khác, vì sao? Vì
chúng sinh cõi Ta Bà có nhiều thói hư tật xấu để Bồ Tát dạy dỗ, chúng sinh các
cõi khác không có tật xấu thì Bồ Tát lấy ai mà cứu độ? Ðúng vậy, có người nghèo
đói thì mình mới có cơ hội bố thí, có người giận dữ thì mình mới có cơ hội tu
nhẫn nhục, có người loạn động thì mình mới có cơ hội dạy họ tu thiền định, có
kẻ ngu si thì mình mới có cơ hội khuyên họ tu trí huệ, có người ưa pháp Tiểu
Thừa thì mình mới có dịp đem giáo lý Ðại Thừa ra thuyết giảng... còn ở các cõi
Tịnh Ðộ khác, dân chúng đều thanh tịnh tinh tấn tu hành thì các Bồ Tát không có
duyên lành giáo hóa, thiếu mục tiêu làm việc lợi tha.
Bồ Tát cần nương chúng sinh để được sinh về cõi Tịnh Ðộ, cần
hóa độ chúng sinh để hoàn mãn nguyện lớn tiến lên quả vị Phật. Muốn vậy, các Bồ
Tát cần thành tựu tám pháp lành:
1) Làm lành mà không mong báo đáp (vô cầu).
2) Gánh chịu khổ não cho chúng sinh (từ bi).
3) Ban công đức cho chúng sinh (hỷ, xả, lợi tha).
4) Dưới khiêm nhường chúng sinh, trên cung kính Bồ Tát (trên kính, dưới nhường,
hạ mình đối đãi bình đẳng, không ngăn ngại).
5) Cầu học những điều chưa biết (tiến tu, không nghi ngờ).
6) Không chống trái với hàng Thanh Văn (không khinh chê người tu kém, dùng
phương tiện dắt dẫn họ tiến thêm).
7) Không ganh ghét tật đố, không khoe mình chê người (điều phục tâm).
8) Trách mình, tha thứ cho người (hướng nội tự tu, hướng ngoại lợi tha), nhất
tâm cầu công đức (hướng về giác ngộ giải thoát, không mong phước đức thế gian).
Ðây là tám phương pháp mà các Bồ Tát và tất cả những ai tu
hạnh Bồ Tát Ðại Thừa cần phải thực hành, tựu trung vẫn là phá ngã chấp và pháp
chấp, phát triển từ bi hỷ xả, lợi tha, không khinh chê kẻ có tội hay người tu
còn kém, thượng cầu Phật Ðạo, hạ hóa chúng sinh, điều phục tâm mình, chỉ tự
trách mà còn tha thứ cho người, chỉ nhìn lỗi mình không thấy lỗi người, có được
chút công đức gì thì chia xẻ cho tất cả chúng sinh đồng thành Phật Ðạo.
Sau khi được nghe ông Duy Ma Cật và Ngài Văn Thù nói pháp
mầu, trong đại chúng có trăm ngàn Trời người phát tâm vô thượng chánh đẳng
chánh giác, những hạng Trời người này trước chỉ tu phước hoặc mong cầu Niết Bàn
của Tiểu Thừa, nay tỉnh ngộ phát tâm tu theo Ðại Thừa.
Mười ngàn Bồ Tát chứng được Vô Sinh Pháp Nhẫn: Các Bồ Tát
mới phát tâm được nghe Chánh Pháp cao siêu nhiệm mầu, trí huệ sáng soi, diệt
trừ được vi tế vô minh, chứng quả vô sinh bất thối chuyển, thẳng tới quả vị
Phật.
Mật ý của phẩm này là đề cao sức oai thần của các vị
Ðại Bồ Tát mà từ trước các hàng Thanh Văn, Trời người chưa thấy chưa biết, sự
hiểu biết của họ còn nông cạn, như những người mù sờ voi, chỉ biết một phần sự
thật mà thôi. Ông Duy Ma Cật xin cơm thơm ở nước Chúng Hương bên trên đem về
cho hàng Thanh Văn, Trời người ăn, có ý nghĩa là đem Chân Lý cao siêu huyền
diệu tột cùng ra chỉ dạy để dắl dẫn người tu tiểu Thừa hoặc tu phước, nay
chuyển sang Ðại Thừa, hướng về giác ngộ và giải thoát cho tất cả chúng sinh.
Nhờ cơm mà chúng sinh no, nhờ pháp Ðại Thừa mà chúng sinh được giải thoát.