XI. PHẨM HẠNH BỒ TÁT
Khi đó, Ðức Phật đang nói pháp ở
vườn cây Am La, vườn ấy bỗng nhiên rộng rãi trang nghiêm, tất cả đại chúng
trong pháp hội đều trở thành sắc vàng. Lời kinh muốn diễn tả tâm thức của đại
chúng đã rộng mở sẵn sàng đón nhận tư tưởng Ðại Thừa. Người Ấn Ðộ có mầu da nâu
hoặc đen, nay chuyển sang da mầu vàng là mầu đẹp đẽ tôn quý, vườn cây trở nên
rộng rãi trang nghiêm, ám chỉ sự hoán chuyển nội tâm biến hiện ra bên ngoài,
trong tốt thì ngoài cũng đẹp, tinh thần sáng suốt thì tướng trạng vật chất bề
ngoài cũng oai nghiêm, Chánh Báo và Y Báo đều tốt đẹp.
Ông A Nan thấy điềm lành này liền
hỏi và được Phật giải thích đây là ông Duy Ma Cật, Ngài Văn Thù cùng đại chúng
phát tâm muốn đến đảnh lễ cúng dường Ðức Thế Tôn. Câu kinh này muốn nói là sau
khi được ông Duy Ma Cật khai ngộ giáo lý Ðại Thừa, tất cả đại chúng đều phát
tâm hướng về chỗ giác ngộ hoàn toàn, giải thoát hoàn toàn, chứ không ham phước
báo cõi Trời, cõi người, không mong những địa vị tu chứng cục bộ từng phần của
hàng Nhị Thừa nữa. Họ đã được nghe Chánh Pháp rồi, nay mong được đảnh lễ cúng
dường Phật, họ đã được chỉ con đường giác ngộ, nay mong tiến bước đạt tới Chân
Lý.
Ông Duy Ma Cật dùng sức thần
thông đem tất cả đại chúng và các tòa sư tử để trên tay hữu đi đến chỗ Phật,
tất cả cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi đứng qua một bên. Theo phong tục tập quán
Ấn Ðộ thời bấy giờ, để tỏ lòng tôn kính Phật hoặc một vị giáo chủ, các đệ tử
cúi đầu đảnh lễ, trán hai tay hai chân phải chạm đất (ngũ thể đầu địa), đi
quanh bên hữu bảy vòng, rồi chắp tay đứng sang một bên. Sau đó hai bên mới bắt
đầu thưa hỏi và trả lời. Ở đây, Ðức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất là vị đại đệ tử
có trí huệ bậc nhất trong hàng Thanh Văn, có thấy thần lực của Bồ Tát Ðại Sĩ
Duy Ma Cật chăng? Ngài Xá Lợi Phất tán thán oai lực tự tại đó không thể nghĩ
bàn được. Rồi đến ông A Nan, vị đệ tử nổi tiếng là đa văn đệ nhất trong hàng
Thanh Văn, ngửi thấy mùi hương thơm từ xưa chưa từng có, không biết là mùi
hương gì? Ngài Xá Lợi Phất nói lỗ chân lông của chúng tôi cũng có mùi hương
thơm đó, do được ăn cơm thơm do ông Duy Ma Cật xin ở cõi Chúng Hương về, nên có
mùi thơm như vậy. Mùi thơm này kéo dài cho đến khi cơm đó tiêu, nghĩa là khi
hàng Thanh Văn phát tâm tu theo Ðại Thừa, được vào chánh vị, giải thoát, được
vô sinh nhẫn, chỉ còn một đời là được thành Phật. Cơm thơm này chính là giáo lý
Nhất Thừa Phật Ðạo, có công năng đưa hàng Thanh Văn tới quả vị Phật, ví như
thuốc tốt trừ được các chứng nan y gây bệnh nơi thân, diệt trừ các phiền não
gây khổ trong tâm, xé màn vô minh đưa chúng sinh ra khỏi luân hồi sinh tử.
Ðây là pháp môn phương tiện tu
hành đặc biệt của chúng sinh cõi Chúng Hương chỉ ăn cơm thơm, ngửi mùi hương
ngồi dưới cây hương mà được tam muội đầy đủ công đức của Bồ Tát. Còn ở cõi Ta
Bà cùng các cõi khác thì chư Phật dùng mọi phương tiện tùy căn cơ, tùy hoàn
cảnh địa phương mà làm Phật sự, dẫn dắt chúng sinh đi trên đường chân chánh tu
hành. Có cõi lấy ánh sáng của Phật hoặc thân Phật mà làm Phật sự, có cõi lấy Bồ
Tát, lấy cây bồ đề, lấy cơm ăn, lấy mộng huyễn, lấy tiếng nói văn tự, có cõi
dùng thanh tịnh vắng lặng... mà làm Phật sự. Tóm lại, tất cả mọi oai nghi đi đứng
ngồi nằm, các việc thi vi nhỏ nhặt của chư Phật đều là Phật sự cả. Ðây là ý
nghĩa câu: Tất cả các việc đều là việc Phật, tất cả các pháp đều là Phật Pháp.
Mỗi việc, mỗi pháp, dù thuận dù nghịch, nếu khéo dùng đúng thời, đúng căn cơ
đều có tác dụng ích lợi để giáo hóa chúng sinh.
Cũng có khi Phật dùng các ma
chướng phiền não để làm Phật sự, đây là phương pháp dùng nghịch cảnh để thử
thách người tu hành có nhẫn nhục kiên gan bền chí không? Bồ Tát cần phát tâm
thanh tịnh vô phân biệt mà làm Phật sự, dù thấy cõi Phật nghiêm tịnh cũng không
mừng, không ham muốn kiêu mạn; dù thấy cõi Phật bất tịnh cũng không lo không
ngại không chán, lúc nào cũng ngợi khen công đức chư Phật chưa từng có, bình
đẳng, chỉ vì giáo hóa chúng sinh tâm tính khác biệt mà phương tiện hiện ra các
cõi Phật không đồng.
Ba danh từ Tam Miệu Tam Phật Ðà,
Ða Ðà A Dà Ðộ và Phật Ðà là để tôn xưng những vị đã hoàn toàn giác ngộ và giải
thoát, nghĩa là đắc quả Phật. Tam Miệu Tam Phật Ðà nói cho đủ là A Nậu Ða La
Tam Miệu Tam Phật Ðà, phiên âm chữ Phạn Anudhara Samma Sam Buddha, dịch nghĩa
là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vô Thượng là không ai cao hơn, Chánh Ðẳng
là có địa vị chân chánh nhất, để phân biệt với hàng Duyên Giác mới giác ngộ
đẳng phần, từng phần (phần giác), Chánh Giác là giác ngộ, hiểu biết sáng suốt
chân chánh, để phân biệt với hàng Thanh Văn hãy còn hiểu biết lệch lạc (thiên
giác). Ngoài ra còn hai nghĩa nữa là Chánh Biến Giác và Chánh Biến Tri: hiểu
biết chân chánh cùng khắp các pháp, mọi sự mọi vật.
Ða Ðà A Dà Ðộ, phiên âm chữ Phạn Tathagata,
dịch nghĩa là Như Lai, Như Như Bất Ðộng, Lai Thành Chánh Giác, là người giữ
được tâm không động, không từ đâu đến, không đi đâu, đã được giác ngộ chân
chánh. Như Lai là một trong mười đanh hiệu để tôn xưng Ðức Phật.
Phật Ðà, phiên âm chữ Phạn Buddha,
dịch nghĩa là Giác Giả, là người đã hoàn toàn giác ngộ, hiểu biết Chân Lý tuyệt
đối. Chúng ta thường đọc là Phật hay Bụt.
Ðức Thích Ca tán thán công đức
trí huệ của mười phương chư Phật vô ngại không thể nghĩ bàn. Thấy oai đức của
chư Phật lớn lao như vậy, thấy giáo lý Ðại Thừa cao siêu nhiệm mầu nên ông A
Nan đem lòng sợ hãi, hổ thẹn, bị nhiếp phục, kbông dám tự nhận là đa văn nữa.
Ða văn là nghe nhiều, nhớ kỹ, học rộng, ông A Nan tuy đa văn nhưng chưa phát
tâm tu hành rốt ráo nên chưa chứng quả A La Hán, trong khi đó nhiều đệ tử khác
của Phật, tuy tài học kém ông A Nan nhưng nhờ quyết tâm tu tập công phu nên đã
chứng quả A La Hán.
Ðoạn này nói riêng về ông A Nan
nhưng ám chỉ những hàng Thanh Văn chỉ ham học rộng nghe nhiều mà không chịu tu
hành các pháp môn thù thắng. Ông A Nan hối hận tự thú lỗi mình, hứa từ nay xin
chừa không dám nhận là đa văn, không chấp vào việc chỉ học mà không tu. Ðức
Phật an ủi: "Chớ khởi tâm thối lui nản chí. Ta nói ông đa văn hơn hết
trong hàng Thanh Văn, chứ không phải đối với hàng Bồ Tát. Chư Bồ Tát có trí huệ
biện tài, công phu thiền định rộng sâu không thể nghĩ bàn, hàng Thanh Văn không
sao bằng được. Hãy để riêng việc Bồ Tát ra, ông Cư Sĩ Duy Ma Cật đây hiện bày
sức thần thông trong một lúc mà tất cả hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật trải trăm
ngàn kiếp tận lực biến hóa đều không làm được."
Đức Phật đề cao hàng Bồ Tát là để
khuyến khích hàng Thanh Văn bỏ chí hèn kém, được chút ít cho là đủ, nay phải
phát tâm tu hành thêm nữa, tiến tới quả vị Bồ Tát và Phật. Lúc đó các Bồ Tát ở
cõi Chúng Hương tự hối đã khinh thị cõi Ta Bà xấu xa thấp kém, nay biết là do
Phật phương tiện làm ra vậy để hợp với căn cơ chúng sinh, nay cúi xin Phật dạy
cho một pháp để đem về cõi Chúng Hương tu hành, nghĩ nhớ đến Phật Thích Ca, ví
như hiện thời chúng ta đi du lịch nơi xa, mua quà kỷ niệm đem về để nhớ đến nơi
vừa đi thăm. Ðức Thích Ca liền dạy pháp môn Tận, Vô Tận Giải Thoát.
Tận là pháp hữu vi, Vô Tận là
pháp vô vi. Không tận hữu vi, không trụ vô vi thì được giải thoát.
Các pháp hữu vi là các việc làm
sắc tướng, còn có ý mong cầu, thấy có việc làm, có pháp môn tu, có quả vị
chứng. Các pháp vô vi là các việc làm thanh tịnh, không còn chấp sắc tướng, làm
mà không thấy làm, vô cầu, vô chứng, vô đắc. Thông thường thì người tu hành lìa
bỏ các pháp hữu vi và tu theo các pháp vô vi. Nhưng ở đây, các Bồ Tát không tận
hữu vi, là có ý dạy người tu hành đừng khởi tâm phân biệt, cứ an nhiên làm tất
cả mọi việc lành tốt để cầu nhất thiết trí, hành các pháp môn để cứu giúp chúng
sinh. Ðó là đứng về phần tướng, không bỏ qua một việc tốt nào mà không làm. Còn
không trụ vô vi là tuy tu ba môn Không, Vô Tướng, Vô Tác mà không lạc vào chỗ
chấp không; tuy chứng vô sinh mà vẫn không chấp có tu có chứng. Tuy biết mọi sự
mọi vật vô thường mà vẫn làm các việc lành, tuy biết cuộc đời là khổ mà vẫn
không ghét sinh tử, tuy biết chúng sinh vô ngã mà vẫn dạy dỗ dắt dìu... Ðây là
người đã kiến tánh, nhưng vẫn không lìa tướng, vẫn tu vẫn hành, lìa hai bên
chấp có chấp không, giữ vững lý trung đạo. Ðứng về tướng, chẳng chấp có nhưng không
bỏ một việc phước nhỏ; đứng về tánh, chẳng chấp không mà vẫn làm các hạnh lành,
tu mọi pháp thiện. Ðức Phật thường răn dạy các đệ tử đừng khinh chê phước nhỏ
mà không làm, một bữa nọ, trên đường đi thuyết pháp, Phật dừng chân xỏ kim giùm
một bà lão kém mắt, nói vài lời mộc mạc khuyên bảo mấy em nhỏ chăn trâu; cộng
nhiều phước nhỏ thành phước lớn, nếu chê phước nhỏ không làm, lấy đâu phước
lớn, nhưng làm mọi việc lành mà không chấp, không mong cầu thì mới là tốt. Tuy
quán Không, biết mọi sự mọi vật là giả huyễn, nhưng không vì vậy mà chẳng chịu
làm gì, thấy việc lành là làm, thấy ai cần là giúp, đó là lòng Ðại Bi của chư
Bồ Tát. Làm được mọi việc lợi ích chúng sinh mà lòng không chấp trước, không
mong cầu, đó gọi là Bồ Tát không tận hữu vi, không trụ vô vi. Ðó gọi là pháp
môn Tận, Vô Tận Giải Thoát.
Các Bồ Tát nước Chúng Hương nghe
Phật nói pháp này rồi hết sức vui mừng, đem các hoa báu đủ mầu rải khắp tam
thiên đạì thiên thế giới cúng dường Phật, kinh Pháp này cùng các Bồ Tát, lễ
Phật tán thán rồi bỗng nhiên biến trở về cõi Chúng Hương. Các vị Bồ Tát này
được Ðức Phật Thích Ca khai ngộ cho, bỏ lòng kiêu mạn, hết tâm khinh chê lớn
nhỏ sạch uế, rải hoa cúng dường Tam Bảo Phật Pháp Tăng tỏ lòng quy y kính
ngưỡng, trở về cõi Chúng Hương, nghĩa là trở về quê cũ, trở về Bản Tâm thanh
tịnh vô phân biệt.
Ðoạn kinh này chỉ dạy người tu
đừng quá thiên về Lý mà bỏ Sự, đừng quá nghiêng về Tánh mà quên Tướng, vẫn làm
các Sự Tướng mà không rời Lý Tánh, thì công phu tu hành mới gọi là viên dung,
sớm thành Phật Ðạo. Nhưng sau khi đã thành tựu mọi công đức, dứt trừ vi tế vô
minh, Bồ Tát sắp bước vào cửa Phật, đưa mắt nhìn xuống cõi trần thấy chúng sinh
còn đang ngụp lặn trong bể khổ trầm luân mong được cứu vớt, Ngài ung dung tự
tại quay gót trở lại trần gian với nụ cười đầy từ bi hỷ xả, phát nguyện lớn độ
hết chúng sinh rồi Ngài mới thành Phật. Vô ngã lợi tha, quên mình vì người, đó
là Hạnh Bồ Tát. Do đó phẩm này được đặt tên là Hạnh Bồ Tát.