TỔNG KẾT
Ðức Phật ra đời chỉ vì nguyện lớn hóa độ chúng sinh đưa vào
trí huệ lớn lao vô thượng, đồng với Phật không khác. Muốn vậy Ðức Thế Tôn chỉ
dẫn cho chúng sinh biết con đường chân chánh mà đi theo, thẳng tới mục đích.
Chư Phật ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên là mở bày và chỉ rõ cho chúng sinh
tỏ ngộ và chứng nhập Phật Tri Kiến hay Chân Lý (Khai, Thị, Ngộ, Nhập), khi hoàn
mãn thì đại sự nhân duyên ra đời của Phật mới xong. Phật dùng nhiều phương tiện
tùy căn cơ giáo hóa khiến cho mọi loài chúng sinh đều được lợi ích.
Kinh Duy Ma Cật thuộc thời Phương Ðẳng, là nhịp cầu nối tiếp
giữa tư tưởng các bộ phái Nam Tông bước sang Ðại Thừa Bắc Tông, đưa người tu
hạnh Thanh Văn sang con đường lớn của Bồ Tát và Phật. Kinh này thuộc quyền
giáo, dùng các thí dụ để đưa ra Chân Lý tuyệt vời mà danh từ ngôn ngữ không
diễn tả nỗi, Kinh này nói cho hàng Bồ Tát và các đệ tử đã phát tâm Bồ Ðề nghe,
tả rõ cảnh giới cao siêu mà tri thức phàm phu khó tin khó hiểu.
Mười bốn phẩm của Kinh Duy Ma Cật được ví như mười bốn bông
hoa tươi thắm nhiều mầu nhiều hương thơm khác nhau, mỗi phẩm luận giải một vấn
đề đặc biệt. Nhưng nếu để rời rạc thì e khó nắm được ý chính của Kinh muốn nhấn
mạnh đến việc gì nên chúng tôi thêm phần tổng kết để tóm lược và kết hợp các tư
tưởng lại thành nội dung chủ yếu của bộ Kinh này, ví như dùng một sợi dây để
kết mười bốn bông hoa thành một tràng hoa để trang nghiêm đạo tràng.
Sau đây là tóm tắt cương yếu từng phẩm:
Phẩm I.- Sự thấy biết của chúng sinh nông cạn sai lầm, không
đúng đắn. Cõi Ta Bà vẫn thanh tịnh mà chúng sinh không thấy đó thôi; cứ tưởng
là xấu ác. Tất cả do Tâm tạo, vậy cần phải đổi lại cái thấy xét lại quan niệm.
Phẩm II.- Ðề cao phương tiện đưa đến cứu cánh. Ông Duy Ma
Cật dùng phương tiện thị hiện làm Trưởng Giả ở Thành Ty Xá Li để độ chúng sinh,
thị hiện thân có bệnh để độ hàng Thanh Văn.
Phẩm III.- Các Thanh Văn công nhận sự thua kém của mình đối
với ông Duy Ma Cật.
Phẩm IV.- Các Bồ Tát tu theo Duy Thức hoặc mới phát tâm đều
không bì kịp trí huệ của ông Duy Ma Cật.
Từ phẩm I đến phẩm IV là phần Khai Phật Tri Kiến, mở bày
Chân Lý, giới thiệu ông Duy Ma Cật có trí huệ siêu việt hơn các hàng đại đệ tử
Thanh Văn và các hàng Bồ Tát mới phát tâm.
Phẩm V.- Rất quan trọng. Hai loại Trí gặp nhau, Căn Bản Trí
hoặc Vô Sư Trí của ông Duy Ma Cật đối thoại với Hậu Ðắc Trí hoặc Hữu Sư Trí của
Ngài Văn Thù Sư Lợi. Căn Bản Trí thù thắng hơn Hậu Ðắc Trí.
Phẩm VI.- Hàng Thanh Văn phải quy y với Tu Di Ðăng Vương Như
Lai nghĩa là phát huy trí huệ, thắp sáng ngọn đèn huệ sẵn có trong tâm thì mới
hiểu được giáo lý Ðại Thừa, vì đó là pháp không thể nghĩ bàn, bỏ tướng để nhập
Tánh.
Phẩm VII.- Phá chấp ngã chấp pháp, không trụ vào đâu.
Phẩm VIII.- Bề ngoài là nghịch tướng, bề trong là Phật Ðạo,
nhưng không còn phân biệt, tất cả là một.
Từ phẩm V đến phẩm VIII là phần Thị Phật Tri Kiến, chỉ thẳng
trí huệ vô phân biệt, vô chấp.
Phẩm IX.- Các Bồ Tát đều đã hiểu và thực hành lý Bất Nhị,
mỗi vị dùng một đường lối tu hành khác nhau nhưng tựu trung đều nhập vào Pháp
Môn Không Hai. Ngài văn Thù vốn đã thâm nhập và hiểu lý Bất Nhị lìa danh từ
ngôn ngữ, nhưng vẩn còn nói ra là xa lìa. Ðến ông Duy Ma Cật im lặng mới thật
là nhập Pháp Môn Không Hai.
Phẩm IX này là phần Ngộ Phật Tri Kiến, các Bồ Tát trình bày sự tỏ ngộ của mình,
duy có ông Duy Ma Cật im lặng vì nói không được sự tỏ ngộ của mình, bặt văn tự
ngữ ngôn tâm duyên.
Phẩm X.- Ðừng dùng sự hiểu biết nông cạn của Thanh Văn mà
phán đoán hành động của Bồ Tát; Thể Tánh bao dung tất cả rnọi tướng trạng,
chẳng còn phân biệt lớn nhỏ nhiều ít.
Phẩm XI.- Thần lực tự tại của Bồ Tát, hàng Thanh Văn không
thể lấy ý mà tính được, không phải suy nghĩ mà lường được. Ðừng chấp tướng. Cần
phải tu Không, Vô Tướng, Vô Tác.
Phẩm XII.- Trở về Bản Thể Bất Ðộng, từ đó phát sinh các sắc
tướng, đó là Chân Không phát sinh Diệu Hữu.
Phẩm XIII.- Pháp cúng dường hơn tài cúng dường, đề cao sự quan
trọng của tinh thần hơn vật chất.
Phẩm XIV.- Ðừng khinh người mới học mới tu. Ðừng chấp tướng
phân biệt.
Từ phẩm X đến phẩm XIV là phần Nhập Phật Tri Kiến. Sau khi
nói về Lý, Bản Thể tuyệt đối bất khả tư nghị, Ðức Phật trở về Sự, chỉ dạy đường
lối tu hành thực tiễn để vào Pháp Môn Không Hai.
Chủ yếu của Bộ Kinh Duy Ma Cật là đề cao Lý Bất Nhị, vào
Pháp Môn Không Hai. Trong thời kỳ Phương Ðẳng chuẩn bị tư tưởng sắp bước sang
Ðại Thừa, một số các đệ tử Phật tu hạnh Thanh Văn, thỏa mãn với những thành quả
đạt được như A La Hán, A Na Hàm, Tư Ðà Hàm, Tu Ðà Hoàn nhờ thực hành pháp Bốn
Diệu Ðế, được ra khỏi sinh tử luân hồi. Các vị đó thấy có pháp môn tu, có quả
vị chứng, tự giác tự lợi, cho là đủ rồi, không mong cầu tiến tu cao hơn nữa. Vả
lại, các vị Thanh Văn thấy tu Bồ Tát Ðạo rất khó khăn cực nhọc, chúng sinh vô
biên, khổ đau vô tận, phiền não vô cùng, cõi Ta Bà xấu ác nhơ uế, tâm địa chúng
sinh cang cường khó dạy khó bảo, Ðịa Ngục khổ vô gián, Niết Bàn là cõi an vui,
nên các Ngài không kham khó nhọc lăn mình vào cõi trần để cứu độ chúng sinh, mà
chỉ muốn trầm không thú tịch, một mình an hưởng Hữu Dư Y Niết Bàn, không có
lòng mong cầu quả vị Phật.
Ðức Thế Tôn thường thống trách các vị Thanh Văn, gọi họ là
mầm thối giống nát, tro tàn lửa tắt, chẳng còn giúp ích gì cho ai, chỉ chuyên
tự độ mà quên độ tha, chỉ chấp tướng trạng mà quên Pháp Tánh Bản Thể chung cùng
của vạn vật. Tất cả chúng sinh đều khới sinh từ một nguồn gốc chung có liên hệ
mật thiết với nhau, ràng buộc chặt chẻ với nhau không thể chia cắt, bứt dây
động rừng. Ðức Phật muốn đưa các vị Thanh Văn lên hàng Bồ Tát, muốn cho họ nếm
mùi vị thơm ngon của Ðại Thừa, nên nói ra một số kinh điền thuộc loại Phương
Ðẳng, dẫn từ tư tưởng Tiểu Thừa sang Ðại Thừa, trong đó có Kinh Duy Ma Cật này.
Mặt khác, trước đây các Phật Tử tại gia cam phận thấp hèn,
chỉ được hướng dẫn quy y cúng dường Tam Bảo, cầu phước báo Trời người, không
dám mong được giác ngộ và giải thoát. Nay nhờ Kinh này chỉ cho con đường hành
Bồ Tát Ðạo, đường tu này chung cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Giới xuất
gia có đường tu giải thoát là lẽ dĩ nhiên, cắt bỏ luyến ái, lìa nhà nhập chúng,
trên cầu Phật Ðạo, dưới độ chúng sinh. Giới tại gia từ trước đến nay không dám
mơ tưởng mình cũng có đường, nay được Phật khai thị cho con đường giải thoát, mở
sáng đôi mắt đui mù, thấy con đường chạy song song với đường của giới xuất gia,
thật ra chỉ có một con đường mà thôi, một con đường duy nhất đưa đến Phật quả,
đó là Nhất Thừa Phật Ðạo, ai tu nấy chứng, ai đi nấy đến, không phân biệt xuất
gia hay tại gia.
Trong bộ kinh này, Ðức Phật đề cao Lý Bất Nhị, vào Pháp Môn
Không Hai. Tại sao chẳng gọi là một mà lại gọi là Không Hai? Vì nếu nói một là
ngầm có hai, nói Không Hai rõ ràng hơn, không ám chỉ một con số nào khác. Muốn
vào Pháp Môn Không Hai thì cần phải bỏ Tướng nhập Tánh, bỏ phân biệt đối đãi mà
thâm nhập huyền nghĩa của Kinh, ly ngôn ngữ, rời tâm duyên để chứng nhập Chân
Như. Vào Pháp Môn Không Hai thì ly ngôn tuyệt tướng, chỉ còn một sự cảm thông
trong im lặng tuyệt vời. Ðây là chỗ ông Duy Ma Cật không nói, Ngài Ca Diếp mỉm
cười. Vẫn biết lời nói hay chữ viết không diễn tả được Chân Lý tuyệt đối nhưng
nếu không dùng lời nói hay chữ viết thì làm cách nào chỉ bày cho người khác
hiểu, làm sao dạy dỗ khiến người khác tuân theo mà tu hành, cùng hưởng Ðạo Vị.
Do đó Ðức Phật phải phương tiện hạ thấp giáo lý của Ngài, dùng nhiều thí dụ để
dắt dẫn các đệ tử, rồi sau này chư Phật Tử phải tự lực tự giác rời bỏ phương
tiện để thể nhập cứu cánh Chân Như, y như qua sông thì phải bỏ bè lại.
Kinh chưa phải Chân Lý, nhưng Kinh đưa đến Chân Lý, ví như
ngón tay chỉ mặt trăng, thấy mặt trăng rồi thì không cần ngón tay, chứng nhập
Chân Lý rồi thì lìa kinh, im lặng.
Ðạo Phật chú trọng thực hành, không phải lý thuyết suông.
Học kinh xong rồi thì phải mang những điều hay lẽ phải trong kinh ra áp dụng
vào cuộc đời, hướng dẫn chúng sinh tu sửa thân tâm, tự giác giác tha, cùng
thành Phật Ðạo. Tôn chỉ của Kinh này là AI TU CŨNG ÐƯỢC, Ở ÐÂU TU CŨNG ÐƯỢC,
chỉ cần chuyển Tâm là cảnh chuyển theo, cảnh nào tu cũng được, thuận cảnh hoặc nghịch
cảnh đều tu được, chỉ cần tu tâm, vì TÂM TỊNH QUỐC ÐỘ TỊNH. Phật Pháp không cố
định mà uyển chuyển thay đổi, tùy duyên áp dụng vào các trường hợp khác nhau,
nhưng mục đích thì bất biến, đó là phát huy trí huệ sẵn có, quay về Tâm thanh
tịnh sáng suốt để nắm tay tất cả chúng sinh, cùng tiến bước tới chỗ giác ngộ và
giải thoát.