Kinh Duy Ma Cật Giảng Luận


Minh Tâm Nhà Xuất Bản Thanh Văn - USA 1991
11/08/2011 21:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 213472
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

XIV. PHẨM CHÚC LỤY

Chúc là phú chúc, phó chúc, dặn dò chỉ bảo.
Lụy là gánh vác nặng nhọc
.

Chúc lụy là dặn dò người sau tiếp tục gánh vác công việc nặng nhọc. Ðức Phật đem bộ kinh quý (Pháp Bảo) này trao cho các đệ tử dặn bảo họ giữ gìn cẩn thận, dù cực nhọc cũng phải cố gắng để truyền bá trong các đời sau này.

Ðây là lời kết luận một bộ kinh, Ðức Thế Tôn ân cần dặn bảo các đệ tử phải thay Phật mà lưu truyền kinh này không để thất lạc. Ðây là lời cuối của Ðức Phật nói trong mỗi bộ Kinh, có khi Ngài rời sang chỗ khác, có khi Ngài sắp nhập Niết Bàn, nên lời phú chúc lúc chia tay bao giờ cũng cảm động, lòng Phật thương chúng sinh như mẹ hiền thương con nhỏ, rộng rãi bao la như biển cả. Ngài dặn dò chỉ bảo thật chu đáo thắm thiết ân nghĩa, mong các đệ tử ghi nhớ mà thực hành.

Bồ Tát Di Lặc là người được Ðức Phật Thích Ca thọ ký sẽ tiếp nối Ðức Thích Ca đắc quả vị Phật trong một đời nữa, kế thừa Ðức Thích Ca để giáo hóa chúng sinh cõi Ta Bà. Ðây chính là lời người đi trước căn dặn người đi sau vậy.

Có hai hạng Bồ Tát:
1) Bồ Tát mới học gọi là Bồ Tát sơ pháp tâm, chưa thâm nhập Bồ Tát Ðạo, còn ưa những câu văn hay đẹp.
2) Bồ Tát tu hành đã lâu, không nhiễm trước nơi kinh điển thậm thâm, không sợ sệt, hiểu rõ nghĩa lý rồi thanh tịnh thọ trì đúng như lời kinh mà tu hành.

Không nhiễm trước là không đắm nhiễm chấp trước vào văn tự ngữ ngôn. Ðây là ý Phật muốn dạy các đệ tử hãy nương theo nghĩa lý cao siêu chứ đừng nương theo câu văn lời nói (Y Nghĩa Bất Y Ngữ). Kinh Phật dùng nhiều tỷ dụ ám chỉ nghĩa bóng răn đời, người đọc cần tìm ra nghĩa ẩn mà tin hiểu thực hành. Ví như người ăn mía, chỉ nhai mía uống nước ngọt rồi nhả bã ra, chỉ lấy phần cốt yếu mà bỏ qua phần xác xơ.

Pháp thậm thâm chưa từng nghe: đây là để phá lòng nghi của người đời sau. Những người tu theo Nam Tông (Tiểu Thừa) không công nhận một số kinh Bắc Tông (Ðại Thừa) mà họ cho là ngụy tạo, không phải chính Ðức Thích Ca nói, mà do các đệ tử Phật sau này viết ra. Phái Bắc Tông đả phá quan niệm hẹp hòi này và đề cao công đức người hộ trì giải nói kinh điển sâu xa cao siêu huyền diệu. Nếu ai không chịu gần gũi cung kính cúng dường người thọ trì kinh này, hoặc còn dùng lời nói xấu, thì đúng là người mới học, chỉ tự làm tổn hại mà thôi, không được hưởng công đức do pháp thậm thâm này mang lại để điều phục tâm mình. Ðây là một cách cải chính lời xuyên tạc của Nam Tông, và đề cao cùng bảo vệ kinh điển Bắc Tông.

Ðến đây, Ðức Phật e các người theo Bắc Tông có lòng kiêu mạn khinh chê phái Nam Tông nên Ngài dạy thêm để hòa hợp hai phái:
1) Ðừng khinh chê các Bồ Tát mới học, mà cần phải dạy bảo họ.
2) Dù đã tin hiểu pháp thậm thâm, nhưng đừng chấp tướng phân biệt cao thấp.

Chỉ có một giáo pháp duy nhất là Nhất Thừa Phật Ðạo, nhưng Phật đã phương tiện chia là hai, làm ba đoạn đường nối tiếp và bổ túc cho nhau. Chỉ có một hạng đệ tử Phật, tất cả đều là con Phật, dù là Bắc Tông Ðại Thừa hay Nam Tông Tiểu Thừa, dù là xuất gia hay tại gia. Ðừng đem lòng chấp tướng phân biệt mà quên cái Bản Tánh Nhất Như Bình Ðẳng.

Bồ Tát Di Lặc nhận lời phú chúc của Ðức Thích Ca, quyết định xa lìa các lỗi chấp trước và hứa sẽ giúp người đời sau nhận được giáo lý Ðại Thừa, ghi nhớ thọ trì đọc tụng diễn nói cho người khác, đó là tự giác giác tha.

Các Bồ Tát và bốn vị Thiên Vương đều chắp tay vâng lời Phật dạy, nguyện gìn giữ và truyền bá kinh này, ủng hộ chúng sinh đời sau nghe hiểu, suy ngẫm và tu hành (Văn, Tư, Tu) để được lợi ích an vui.

Ngài A Nan được nghe hiểu, thọ trì rồi nói lại, nhờ vậy bộ kinh này được lưu truyền tới các đời sau. Ðức Phật đặt tên Kinh này là Duy Ma Cật Sở Thuyết, cũng gọi là Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát Pháp Môn.

Trưởng Giả Duy Ma Cật, các Ngài Văn Thù Sư Lợi, Xá Lợi Phất, A Nan... và các hàng Trời người, A tu la, tất cả đại chúng nghe lời Phật nói đều rất vui mừng, cung kính tin nhận vâng lời làm theo.

Ðây là phần lưu thông chấm dứt quyển kinh, mọi hàng thính giả đều hoan hỷ phụng hành.

Âm lịch

Ảnh đẹp