Một cuộc sống mới


Tác giả: Cao Huy Hóa
05/06/2012 06:32 (GMT+7)
Số lượt xem: 154800
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngay chung quanh ta, bệnh ung thư cứ rình rập đâu đó, và thỉnh thoảng ta vẫn nghe tin người thân này vừa mới chớm bệnh ung thư, người thân kia sớm lìa trần sau mấy tháng bệnh viện trả về gia đình.


Ngày nay, nền y khoa thế giới đã có những tiến bộ diệu kỳ trong việc phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh, khiến tuổi thọ con người gia tăng đáng kể. Tuy thế, con người vẫn chưa thắng được bệnh ung thư, và căn bệnh quái ác này hầu như ngày càng phổ biến ở mọi nơi trên thế giới.

Nhưng chiều hướng tích cực là con người ngày càng có ý thức hơn trong phòng ngừa bệnh ung thư, cũng như đã có những phương pháp mới đương đầu với sự lây lan của tế bào ung thư, nhằm kéo dài sự sống. Kéo dài bao lâu thì tùy điều kiện từng người và tiến bộ y khoa ở từng nơi. Mới đây, một nhà khoa học đã chung sống với bệnh ung thư suốt gần 20 năm, bằng phương pháp riêng của mình, kết hợp với y khoa hiện đại, và đã ngộ ra một cuộc sống mới, hạnh phúc và đem lại lợi lạc cho đời.

Đó là tiến sĩ y khoa David Servan-Schreiber, người Pháp, một nhà khoa học về não bộ nổi tiếng. Ông là giáo sư về tâm thần học tại đại học y khoa Pittsburg (Mỹ), và giáo sư thỉnh giảng tại đại học Lyon (Pháp). Ông là người đồng sáng lập và sau đó là giám đốc Trung tâm y khoa tổng hợp tại đại học Pittsburg. Ông đã phục vụ tình nguyện tại Iraq năm 1991, là một trong những người sáng lập chi nhánh tại Mỹ của tổ chức Thầy thuốc không biên giới, một tổ chức quốc tế được giải Nobel năm 1999. Sau đó, ông đã làm việc tại Guatemala, Kurdistan, Tajikistan, Ấn Độ và Kosovo. Năm 2002, ông được tặng thưởng về những đóng góp nổi bật về tâm thần học của Hiệp hội tâm thần Pennsylvania (Mỹ).

Đang hăng say nghiên cứu và giảng dạy về ngành chuyên môn của mình, nhất là kỹ thuật soi MBI về não bộ do ông và người bạn Doug, một nhà vật lý học, phát minh, thì một dịp tình cờ, ông phát hiện mình bị ung thư não vào tuổi 30.

Kết nối với người khác, sống đời hoạt động, quan tâm sâu sắc thời khắc hiện tại, không ngừng học tập, sống vị tha.

"Tôi vẫn còn nhớ rõ buổi chiều tháng 10 tại Pittsburg đó, tôi phóng xe mô tô trên đại lộ dọc theo hai hàng cây, lá mùa thu đã trở màu đỏ ối, tôi đang trên đường đi đến trung tâm MRI. Jonathan và Doug đang đợi tôi ở đó để làm thí nghiệm với các sinh viên  tình nguyện. Họ sẽ nhận được một số thù lao nhỏ sau khi nằm vào máy soi và thực hành một số động tác do chúng tôi soạn trước. Sinh viên thứ nhất bắt đầu lúc 8 giờ. Sinh viên thứ hai đáng lẽ phải đến vào lúc 10 giờ nhưng không thấy đến. Jonathan và Doug bảo tôi thay thế. Lẽ dĩ nhiên tôi nhận lời. Tôi nằm vào máy soi. (...) Sau 10 phút nằm trong máy soi để cho hai bạn chụp hình, tôi chờ đợi bắt đầu thể hiện các động tác chiếu trên màn hình, nhưng tôi không thấy gì cả. Doug và Jonathan đang ở trong phòng phía trong và chúng tôi phải liên lạc với nhau qua bộ đàm. Tôi nghe trên ống loa: "David, có vấn đề. Phải chụp hình lại." Không sao, tôi sẽ đợi. Chúng tôi bắt đầu lại. Mười phút trôi qua. Tôi nghe tiếng Jonathan: "Có vấn đề. Chúng tôi sắp vào đây." Khi tôi ra khỏi máy soi, tôi thấy sắc mặt của hai bạn tôi có vẻ hơi lạ. Jonathan để tay lên vai tôi và nói: "Chúng ta không thể tiếp tục thí nghiệm được. Có một cái gì trên não của anh." Tôi bảo tôi muốn xem các hình họ mới chụp. (...) Bên tay phải của vùng tiền não của tôi có một cục bướu to bằng quả trứng gà nhỏ. Ở vị trí này cục bướu đó không phải là một cục bướu vô hại, chỉ cần mổ ra là xong chuyện. Cục bướu này là dấu hiệu của một chứng bệnh rất nguy hiểm..."

Hào quang khoa học vừa đến thì bất hạnh ung thư cũng ập tới. Người bác sĩ tài ba choáng váng. "Làm sao đời tôi lại chấm dứt như thế này nhỉ? Thật khó mà tưởng tượng được. Có một cái vực rất sâu giữa những gì tôi mới khám phá và những gì tôi đã cố gắng xây đắp từ bao lâu nay." David dự cảm là mình chỉ sống khoảng 6 tháng hoặc quá lắm là một năm. Ông trở về nhà, vắt tay lên trán và chiêm nghiệm cuộc đời qua làn khói thuốc. Nhưng cuối cùng, ông ngộ ra một điều bình thường: "Đây là một phần của kinh nghiệm làm người thôi. Rất nhiều người khác đã bị như tôi và tôi đâu có gì đặc biệt. Kiếp làm người là đơn giản như vậy. Trí óc tôi dần dần tìm ra lối thoát cho mình. Đêm đó tôi ngủ được và ngày hôm sau tôi có thể đi làm việc lại và bắt đầu đối diện với cơn bệnh và cuộc đời của tôi."

Thật lạ lùng! Tưởng là tai họa, không dè căn bệnh ung thư lại hé mở cho ông một cuộc đời khác, mà trước đây, ông không hề biết vì mải mê với vinh quang khoa học, đến nổi vợ chồng ông sớm ly dị. "Một vài tuần sau khi biết mình mang bệnh, tôi có cảm tưởng kỳ lạ hình như có một tấm màn mới được vén ra mà lâu nay đã che mắt tôi lại. Một chiều chủ nhật, trong căn phòng nhỏ của chúng tôi, tôi ngồi ngắm Anna[1]. Chăm chú và bình yên, nàng ngồi trên sàn nhà, cạnh bàn nước, đang cố dịch những bài thơ từ tiếng Pháp ra tiếng Anh. Lần đầu tiên tôi nhìn nàng và không còn muốn tự hỏi tôi có nên yêu người khác không. Tôi chỉ thấy vài sợi tóc duyên dáng rủ xuống mặt nàng khi nàng cúi xuống trên trang sách, tôi chỉ thấy những ngón tay mềm mại của nàng đang cầm bút hý hoáy viết. (...) Sự hiện diện của nàng làm tôi vô cùng cảm động. Tôi thấy chỉ cần được phép chứng kiến giây phút đó đã là một đặc ân lớn lao đối với tôi lắm rồi. Tại sao tôi không nhìn thấy nàng như vậy trước đây?"

Ông tiếp tục sống như trước, ăn kiêng cử đường và thịt đỏ, tập thể dục. Bệnh ung thư trở lại vài năm sau đó, ông đã chịu đựng một đợt giải phẩu thứ hai, và hóa trị, xạ trị. Rồi thì ông quyết định dùng năng lực y khoa và khoa học của mình để khám phá và kiểm tra làm thế nào tự cơ thể mình ngăn ngừa ung thư tốt hơn. Ông bộc bạch: "Là một bác sĩ và nhà khoa học, tôi chẳng bảo vệ mình khỏi bị ung thư. Nhưng tôi có thể khảo cứu sâu xa trong tài liệu y khoa và khoa học để tìm ra cách thức sống lâu hơn là một vài năm mà tôi chắc sống được."

"Điều đầu tiên tôi học được là ai ai cũng đều có tế bào ung thư trong người, dù ít dù nhiều. Nhưng ai cũng có những sự bảo vệ tự nhiên để ngăn ngừa những tế bào đó khỏi trở thành bệnh tấn công mình. Những bảo vệ đó bao gồm hệ miễn dịch, những chức năng cơ thể kiểm soát viêm nhiểm, và thực phẩm làm giảm sự gia tăng mạch máu gây nên khối u." "Tôi khám phá một danh sách những thực phẩm chống ung thư, rất dài. Một vài thực phẩm ngăn chận tiến trình tự nhiên trong cơ thể, ví dụ như viêm nhiểm làm mồi cho ung thư phát triển. Một số thực phẩm khác làm chết tế bào ung thư thông qua một quá trình mà các chuyên gia gọi là apostosis. Một số khác làm giải độc cơ thể hay che chở chống lại chiều hướng xấu từ gốc. Nhưng phần lớn thực phẩm đều tấn công bệnh trên nhiều chiến tuyến khác nhau. Chúng tấn công ngày lại ngày, ba lần trong ngày, mà không gây ra biến chứng nào. Để tránh bệnh, điều cốt yếu là nắm lấy lợi thế tự nhiên đó, và nuôi dưỡng nó." "Lối sống của chúng ta là một dạng phân bón cho ung thư. Quá nhiều thịt đỏ, quá nhiều đường, ít rau cải và trái cây: tất cả cần phải được xét lại trong thói quen ăn uống của chúng ta nếu muốn tăng cường sức đề kháng tự nhiên để chống lại ung thư" - David Servan-Schreiber nhấn mạnh.

Trong website cũng như trong sách của mình, David Servan-Schreiber đã liệt kê tỉ mỉ và đầy đủ chế độ ăn uống và dùng thực phẩm ngăn ngừa bệnh ung thư. Cũng đã có nhiều trang web tiếng Việt trích dịch các tài liệu đó, xin tóm tắt một đoạn trong bài: "Phòng chống ung thư theo phương cách tự nhiên" của Trọng Thanh trong website tintuccaonien.com:

"Nên ăn các các thức ăn chống ung thư như rau xanh, đặc biệt là bắp cải, súp lơ, súp lơ xanh, cà rốt, bí đỏ, cà chua, hành, tỏi, nghệ, các loại quả như táo, nho, lê, quả lựu,... nên ăn cá với số lượng vừa phải. Đặc biệt ưu tiên các sản phẩm sạch. Về đồ ngọt, nên dùng đường trái cây, mía, hoặc đường chưa tinh chế, hoặc mật ong, với số lượng vừa phải. Uống nước chè xanh, nước sạch, nếu ở khu vực nước bị nhiễm bẩn thì nên có máy lọc nước. Những thực phẩm cần tránh hoặc hạn chế là : thịt, đặc biệt là thịt có màu đỏ, đường, đồ béo quá, đồ nướng, đồ rán cháy, đồ chế biến sẵn, thịt chế biến sẵn và các sản phẩm từ sữa như pho mát (tuy nhiên có thể ăn sữa chua). Không uống rượu, hút thuốc lá hoặc tránh môi trường có nhiều khói thuốc lá."

Nhưng cuộc chiến của ông chống ung thư không chỉ là chuyện ăn uống, mà là phương pháp điều trị y khoa tổng hợp, bao gồm trị liệu của bệnh viện và các bác sĩ chuyên khoa, cải thiện dinh dưỡng và ổn định tinh thần. Cuộc đời và sự đóng góp của ông càng phong phú hơn, không chỉ trong lãnh vực y khoa, mà còn trong lãnh vực viết văn, nhằm bày tỏ cách sống mới của mình và chia sẻ với mọi người về kinh nghiệm và kiến thức chống ung thư, đem lại ổn định tinh thần cho người bệnh. Quà tặng cho đời là website do ông lập ra: Anticancer - A new way of life (Chống ung thư - Một cách sống mới), và cuốn sách cùng tên với website, được xem là loại best-seller (bán chạy). Ông cũng đã cho xuất bản sách bằng tiếng Pháp: "On peut se dire aurevoir plusieur fois" (Ta có thể nói giả từ nhiều lần). Ông cũng đã phát biểu những vấn đề về ung thư tại nhiều hội nghị khoa học về ung thư trên thế giới.

Thật bất ngờ và cảm động khi ông bày tỏ niềm hạnh phúc dâng tràn, với thời gian gần 20  năm sống cùng căn bệnh: "Thật lạ lùng, ngày nay tôi mạnh khỏe hơn, hạnh phúc hơn trước khi tôi bị bệnh. Tôi cảm thấy bình yên hơn, sáng sủa hơn, giàu nghị lực hơn, và thiết tha với cuộc sống. (...) Những khảo sát gần đây gợi ý rằng những tập quán hàng ngày có lợi cho sức khỏe có thể đảm bảo tiến triển về thể chất sau hai hay bốn tháng... Những gì tôi học được từ chặng đường riêng của tôi, đó là hãy nuôi dưỡng đời sống với những mức độ mà mình có được, qua những bữa ăn, qua đi bộ trong thiên nhiên, qua mục đích tốt lành của công việc, qua dòng yêu thương trong quan hệ, và qua sự che chở của môi trường của chúng ta. Khoa học bảo tôi rằng những điều đó làm chậm tiến trình của bệnh ung thư, và có thể quan trọng hơn, chúng mang lại cho cuộc sống hàng ngày tia sáng mới và ý nghĩa mới."

Nhưng rồi cuộc chiến đấu 20 năm chống ung thư đó cũng phải kết thúc: ông từ trần vào ngày 24/7/2011, hưởng thọ 50 tuổi. Ông đã để lại cho đời những kiến thức và kinh nghiệm chống ung thư quý báu, bên cạnh những đóng góp lớn cho khoa tâm thần học trên thế giới. Cuộc đời mới của ông đầy ý nghĩa nhân văn sau khi phát giác bệnh ung thư đã làm mọi người tin yêu cuộc sống, và làm dịu nổi đau của bệnh nhân ung thư.

Những lời tâm huyết sau đây của ông muốn nhắn nhủ thiết tha đến mọi người, nhằm tạo hạnh phúc cho mình và an lạc cho xã hội đó là: Kết nối với người khác, sống đời hoạt động, quan tâm sâu sắc thời khắc hiện tại, không ngừng học tập, sống vị tha.



[1] Bác sĩ David gặp Anna, một phụ nữ Nga trẻ, lần đầu tiên tại căng-tin của bệnh viện. Khi đó, Anna đang đọc thơ Baudelaire (nhà thơ Pháp thế kỷ 19), một chuyện rất hiếm thấy tại Mỹ (theo "A new way of life")

http://tuanvietnam.net/2012-06-01-mot-cuoc-song-moi


Âm lịch

Ảnh đẹp