Vâng, duyên may đưa tôi đến Tây Nguyên, Tây Nguyên với sức vẫy gọi
huyền bí, Tây Nguyên với các địa danh lạ lẫm, với rừng đại ngàn, với
phong tục tập quán hấp dẫn của đồng bào dân tộc, với đất đỏ ba-dan phì
nhiêu, với voi rừng, nhà rông, cồng chiêng, rượu cần, cà phê, với đường
Trường Sơn huyền thoại… cho dầu chúng tôi chỉ được hai ngày rong ruổi
trên đường để đi đến Đà Lạt.
Từ Quốc lộ 1, rẽ vào Quốc lộ 14, chúng tôi bắt đầu vào miền núi mênh
mông. Khác với Quốc lộ 1 rộng rãi và tấp nập xe cộ, qua nhiều thành phố
và thị trấn sầm uất, Quốc lộ 14 hẹp, vắng vẻ, hai bên đường nhà cửa đơn
sơ, thôn xóm đìu hiu. Nhưng khi đến gần Khâm Đức thì con đường rộng
mở, phố xá phong quang. Nắng xuân thật nhẹ, gió mát hơi se lạnh, chúng
tôi cảm thấy khoan khoái, tận hưởng niềm vui cảnh lạ đường xa. Phía
trên cao, rừng núi hùng vĩ chập chùng, bên kia đường là trạm viễn thông
cao vút, bên cạnh quán ăn là quán cà phê khá khang trang.
Sau một hồi ngắm cảnh, chúng tôi vào quán. Nơi đây có vẻ tương đối
lịch sự, và chúng tôi không mong gì hơn là một bữa ăn bình thường với
bụng dạ an toàn tại thị trấn miền núi này, nhưng không ngờ. Một bữa ăn
ngon để đời, với đặc sản tại chỗ. Cần kể thêm một đặc sản nữa, đó là mộc
mạc Quảng Nam: thức ăn trong tô, trong đĩa đầy ắp, thực chất; và tôi
nghĩ cái mộc mạc này vẫn đáng quý vì càng ngày thị trường càng bày vẽ
hình thức hào nhoáng để che đậy nội dung nghèo nàn, kém cả phẩm chất lẫn
hương vị.
Trên Quốc lộ 14 qua các thành phố Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột, xe
cộ lưu thông trên đường không nhiều, có nơi rất thưa thớt, thỉnh
thoảng xuất hiện xe làm đường, đặc biệt là xe công nông, hình như chở
công nhân lâm trường hoặc những người làm trang trại. May mắn lắm mới
thấy rừng nguyên sinh ở những vùng cheo leo khúc khuỷu, thật là xanh
tươi dịu mắt, còn thì đại thể núi non hai bên đường không giữ được nét
tự nhiên, thuần nhất mà bị phân chia từng mảng: nơi thì còn cây cao, nơi
thì vỡ hoang dang dở, nơi thì đã canh tác. Cứ tưởng rừng đại ngàn hùng
vĩ, trùng điệp, nào ngờ loang lổ thế này, có lẽ rừng đại ngàn lùi xa
hay chăng? Trước đây tôi nghe nói về hiện tượng du canh du cư, bây giờ
du canh du cư xảy ra ở đâu đâu, chứ ở rừng núi hai bên Quốc lộ này
đã có tên người, tên công ty sở hữu hoặc thuê đất dài hạn, có trang
trại, có hợp đồng, chuyên canh, làm ăn với phương tiện cơ giới hiện
đại. Đất ở Tây Nguyên thật là đất vàng, bao la đất vàng, từ đó mọc lên
nào là cà phê, nào là cao su, nơi thì thành rừng cây cao, đã khai thác
lâu năm, nơi thì cây đang độ thanh xuân, nơi thì bạt ngàn sắn, rồi thì
tiêu, điều,… Ấn tượng nhất là cây cà phê, có lẽ thời gian gần đây cà phê
lên giá nên đâu đâu cũng thấy cà phê, mùa này cà phê lúp xúp ra hoa
trắng muốt, trên đồi, trong vườn nhà, hay dọc hai bên đường.
Quốc lộ 14 là con đường gay go nhất đối với người lái xe, nhất là
những đường đèo rất quanh co, gấp khúc, cheo leo, đèo cao, dốc sâu,
thăm thẳm… đã thế, con đường lại bị hư hỏng nặng và đang trong quá trình
tu bổ. Phải chăng vì thế mà chúng tôi là du khách hiếm hoi rong ruổi
trên đường này? Một lần như thế cũng “đã” lắm rồi, “đã” nhất khi qua
đèo Lò Xo, quanh co như lò xo, bụng dạ của người trên xe cũng bị ép như
lò xo.
Phải vất vả như thế thì chúng tôi mới thăm được các thành phố Tây
Nguyên, dầu phần lớn chỉ thấy quang cảnh hai bên đường. Thành phố Kon
Tum không lớn nhưng xinh xắn. Thành phố Pleiku, thành phố hôm nay tôi
mới đi qua mà từ lâu trong đầu vẫn mang mang câu hát: “Em Pleiku má đỏ
môi hồng”1; lần này tôi không có thời giờ sống ở thành phố cao nguyên
này vài hôm để nhận ra “má đỏ môi hồng”, nhưng chẳng sao, cứ để nét dễ
thương đó theo suốt cả cuộc đời mình; tuy nhiên cái dễ thương nhỏ bé
“đi dăm phút đã về chốn cũ”1 thì đã xa rồi. Pleiku ngày nay phố xá tỏa
rộng, vươn cao, đầy khí thế. Đập vào mắt chúng tôi là thương hiệu Hoàng
Anh – Gia Lai nổi bật, với sân vận động, với nhà máy chế biến gỗ, với
Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai
– Arsenal JMG, với khách sạn 4 sao Hoàng Anh – Gia Lai, với nhà máy
đá granite. Không có thành phố nào mà tên tuổi và sự nghiệp của đại gia
sáng chói, lẫy lừng như ở thành phố Pleiku, và tên tuổi này được cả
nước biết tiếng qua các hoạt động khai thác gỗ, khách sạn, và nhất là
ông bầu của đội bóng Hoàng Anh – Gia Lai.
Pleiku và Buôn Ma Thuột, hai thành phố gần nhau mà cả hai đều phồn
thịnh. Đối với chúng tôi, Pleiku đem lại ngạc nhiên thì Buôn Ma Thuột
cũng là một khám phá thú vị. Có lẽ Buôn Ma Thuột cũ hơn Pleiku, phát
triển sớm hơn, có chút rêu phong của thời gian. Buôn Ma Thuột được định
hướng là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, là thủ phủ cà phê. Ra khỏi
thành phố Buôn Ma Thuột, và vẫn trong tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi được
ngắm hồ Lắk thơ mộng, uốn lượn qua những đồi núi trùng điệp rừng thông
và thăm Biệt điện Bảo Đại. Biệt điện trên đồi cao, với kiến trúc thanh
lịch, còn được giữ gìn như một di tích và thắng cảnh. Trời về chiều,
biệt điện vắng vẻ, quán cà phê buồn không khách, cây sứ già trụi lá trầm
mặc… Chứng tích còn đây, mà xa vắng một thời Hoàng triều cương thổ.
Giã từ Quốc lộ 14, chúng tôi theo Quốc lộ 27 để về Đà Lạt. Tôi đã
từng đến Đà Lạt nhiều lần; đặc biệt là lần đầu tiên, thời sinh viên, tôi
đã đi tàu hỏa từ Tháp Chàm lên Đà Lạt, một lần đi để lại ấn tượng sâu
sắc: đầu tàu chạy bằng hơi nước, và vì phải vượt qua những dốc cao,
nên đường ray từ Sông Pha lên Đà Lạt phải dùng đường ray răng cưa, và
bánh xe toa tàu là bánh răng cưa. Đoàn tàu hì hục, phì phò lên núi,
tiếng rít ma sát giữa bánh xe và đường ray đinh tai, nhưng bù lại khách
đi tàu ngắm cảnh vật xanh tươi, đồi núi chập chùng thật tuyệt đẹp.
Chiến tranh đã khai tử tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, và sau này,
hòa bình lập lại, tuyến này vẫn không được phục hồi, dầu có nhu cầu kinh
tế và nhất là du lịch.
Những tuyến đường bộ đến Đà Lạt đều rất ấn tượng: đường từ
TP. HCM đi qua thị xã Bảo Lộc, nhìn xuống thung lũng xanh xanh bát ngát
những đồi chè, rồi từ Bảo Lộc lên Đà Lạt thật là ngoạn mục; đường từ
Diên Khánh (Khánh Hòa) lên Đà Lạt, mới mở sau này, thu ngắn khoảng cách
giữa hai trung tâm du lịch Nha Trang và Đà Lạt, uốn lượn qua những con
đèo, những cánh rừng nguyên sinh, những rặng thông hùng vĩ.
Con đường từ Buôn Ma Thuột về Đà Lạt không đẹp như tôi mơ tưởng, chỉ
gây ấn tượng là cây cà phê, miên man là cà phê, nhưng bao nhiêu vất vả
đi đường bị xóa tan khi xe sắp lên đèo Prenn để về chốn cũ thân yêu Đà
Lạt. Thành phố này khác hẳn các thành phố khác, không phải để đi qua mà
để sống, để thở, để thả lỏng tâm trí, dầu chỉ trong vài ba ngày.
Trong thời gian hiếm hoi đó, chúng tôi không trở lại thăm những
thắng cảnh nổi tiếng của Đà Lạt mà chỉ muốn rong ruổi đến những miền
xa. Bỏ qua hồ Tuyền Lâm, Suối Vàng, chúng tôi đi sâu vào rừng, len lỏi
vào đường mòn xem một đại gia làm du lịch sinh thái, cất những lều
tranh, nhà lá, lại “cắc cớ” làm chòi chót vót trên cây thông già, tất cả
để phục vụ “thượng đế” chán đời bên trời Âu Mỹ; xem dự án của hai vợ
chồng nhà khoa học trẻ Việt Nam từ Pháp trở về, thử nghiệm trồng cây
cải dầu, tiến đến mở nhà máy sản xuất dầu cải tại Đà Lạt. Chúng tôi đến
thị trấn Lạc Dương, vốn trước đây hẻo lánh, giờ đường nhựa đã băng qua
đồi núi để đi đến khu du lịch sinh thái Lang Biang, mà hoạt động thể
thao chính là leo núi Lang Biang (cao 2.167m so với mặt biển), rồi từ
đường chính đó, mở ra những con đường mà hai bên, nào nhà kính trồng
hoa, nào vườn rau, nào lán trại, con người cứ bắt đất đai sinh sôi của
cải, đêm cũng như ngày, ánh điện bổ sung cho mặt trời.
Tây Nguyên đọng lại trong tôi hình ảnh của đất đai màu mỡ, của con
người với phương tiện cơ giới hăm hở khai thác núi đồi, “dám” hy sinh
những rừng nguyên sinh, những rặng thông xưa nay là vốn liếng vật chất
và tình cảm của những cư dân lâu năm tại đây, Tây Nguyên với phố thị
phát triển và sức sống dồi dào. Dầu sao, đó chỉ là cảm nghĩ có thể là
hời hợt, chỉ có những thứ mà chúng tôi thấm là nắng và gió Tây Nguyên
vào đầu xuân. Gió mát khi hửng nắng, gió se lạnh khi nắng biến đi. Nắng
nhẹ, vàng ươm, hòa tan vào không khí, vào cây cỏ núi đồi, vào lòng
người.
Trong chuyến đi ngắn ngủi này, mà phần lớn thời gian là dành cho đi
đường, chúng tôi ít có cơ hội tiếp xúc với những người địa phương, những
người dân tộc. Chỉ có vài người: cô chủ quán dáng nhỏ xinh, bồng con
thơ từ Đà Nẵng về Khâm Đức làm ăn; hai vợ chồng đứa cháu tài hoa ở thành
phố Buôn Ma Thuột, nguyên là giáo viên, tự nguyện thôi dạy, rồi ăn nên
làm ra nhờ mở studio ảnh và cà phê vườn; anh chị Việt kiều Pháp nho nhã
và phong trần, vì mê Đà Lạt và Lâm Đồng mà quyết chí làm dự án dầu cải,
gắn bó đời mình với rừng núi nơi đây; ông chủ mở nhà hàng ăn ở Đà Lạt từ
trước năm 1975, người Huế, vẫn giữ cốt cách thanh lịch với các món ăn
Việt Nam, khách phần lớn là khách Tây, sau này có thêm khách Hàn Quốc,
Nhật Bản, ông chủ thỉnh thoảng sử dụng vốn tiếng Pháp để giao thiệp với
khách.
Tôi chỉ kịp nhìn đại lộ mang tên Anh hùng Núp tại Buôn Ma Thuột cũng
như những con đường mang tên những người anh hùng dân tộc thiểu số.
Cách mạng đã đổi đời đồng bào miền núi Tây Nguyên. Những cấp ủy Đảng,
những cơ quan công quyền, những đoàn thể không thể thiếu những người dân
tộc từ chức vụ bình thường đến cấp cao nhất tại địa phương. Nhưng chắc
chắn số đông cần phải được cải thiện đời sống, vật chất lẫn tinh
thần, trong khi vẫn gìn giữ bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Nhìn bên ngoài
cảnh phồn thịnh của các thành phố Tây Nguyên, nhìn phố xá thênh thang,
đường phố rộng rãi, xe cộ hào nhoáng, nào có khác gì các thành phố
miền xuôi? Qua chuyến đi ngắn ngủi này, tất nhiên tôi chưa tìm được
giải đáp: Đâu là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên? Tìm đâu một
không gian như thế thể hiện một cách tự nhiên trên một địa bàn dân cư?
Không lẽ lấy một sản phẩm du lịch để minh chứng điều này? Tôi cứ ngờ ngợ
rằng đời sống các thành phố, thị trấn, thôn bản rồi sẽ lần lần Kinh
hóa, nếu còn được cái gì đó thì đó là sản phẩm du lịch.
Đổi thay đó có vẻ song hành với đổi thay sau đây mà chiều cuối tuần,
đi trên đường, rất dễ nhận thấy. Trong hành trình nắng gió của chúng
tôi, thỉnh thoảng đi qua những nhà gỗ nối tiếp nhau, tuềnh toàng,
không có chút chăm sóc, giấy rác trước mặt nhà và bên vệ đường bay lên
khi xe đi qua. Những con người trong những ngôi nhà đó, trong một
chiều chủ nhật, chậm rãi đi trên đường, đi từng người hay theo nhóm
nhỏ, im lặng, thành kính… Giáo đường mở rộng cửa, mở rộng vòng tay đón
mời họ. Liệu tiếng chuông chùa có nhắc nhở họ nhớ đến rừng núi và cồng
chiêng?
Chú thích:
1. Lời bài hát Còn chút gì để nhớ, thơ Vũ Hữu Định, nhạc Phạm Duy. ■
CAO HUY HÓA Ảnh: Minh Quốc