Hoa dã quỳ


Thích Thanh Thắng
13/03/2013 17:29 (GMT+7)
Số lượt xem: 39296
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Dã quỳ (Tithonia diversifolia) thuộc họ cúc (Asteraceae), dạng cây bụi, lâu năm có thể hoá gỗ, lá hình màng chân vịt, hoa hơn chục cánh màu vàng cam, vàng nghệ (ít thấy), với một bầu nhụy vàng nâu trông lấm tấm như những nụ hoa con. Tên gọi dã quỳ nhằm chỉ một loài hoa hoang dã trong tự nhiên, ít được trồng làm cảnh.


Hoa dã quỳ mang bóng dáng của hoa hướng dương, nên người ta còn gọi là hướng dương dại, sơn quỳ (hoa quỳ miền sơn cước), dã quỳ (hoa quỳ nơi hoang dã). Nếu như hoa hướng dương được người Trung Quốc gọi là hướng nhật quỳ (向日葵), thì với dã quỳ, họ gọi là giả hướng nhật quỳ (假向日葵), vì cùng mang tên quỳ (葵), lại vừa thuộc họ cúc (菊). Ngoài các tên gọi khác như thũng bính cúc (腫柄菊), khổ quỳ cúc (苦葵菊), họ còn nhìn vào hình dáng của lá mà gọi là ngũ trảo kim anh (五爪金英), hay thấy cây có thể hoá gỗ nên gọi là thụ cúc (樹菊). Người Nhật thì gọi dã quỳ là Nitobegiku.

Nếu như hoa hướng dương là loài hoa của mùa hè, mùa mưa, thì hoa dã quỳ là loài hoa của mùa đông, mua khô. Nếu như hướng dương luôn xoay hoa theo hướng mặt trời, thì hoa dã quỳ lại rộ vàng như tiếp sức cho ánh nắng có phần yếu ớt trong tiết đông u ám. Dễ hiểu vì sao hoa hướng dương được vua Minh Mạng cho khắc trên Thuần đỉnh, không chỉ với ý nghĩa thắp sáng niềm tin, sự hoàn thiện, mà còn thể hiện tính chất quy hướng, vọng về. Trong khi đó, dã quỳ cứ mộc mạc, dân dã, bình dị, ấm áp cả một vùng sơn cước với sắc vàng tự nhiên của mình, dù ngoảnh về đâu cũng không hề kém phần rực rỡ.

Loài hoa nào có thể đem hương sắc của mình làm cho người đời phải nhắc nhớ, mong tìm về với một tình yêu, một kỷ niệm, thì loài hoa ấy đã trở nên có hồn. Nhưng ai có thể nói lên cảm xúc của mình, rằng tôi yêu thích hoa ở màu, ở hương, ở cánh, ở lá, ở tổng thể hình khối, đặc tính trên một loài hoa, bởi cũng vậy thôi, có vô số những loài hoa trong tự nhiên, mà loài hoa nào cũng đều có nét đẹp riêng. Cái đẹp thường chỉ đẹp với ai…, nên rất khó chỉ ra ta đã yêu hoa dã quỳ từ một biểu thị (mong manh) nào, mà chỉ có thể nói, dã quỳ đã khéo níu chân người, nhắc người đừng bỏ phí bước chân của mình mỗi khi đi qua một dáng hoa trên con đường vắng.

Ta đã tới, đường đi đã mở ra, hoa đơm đã trọn vẹn, gượng ép nói chuyện phải trái, sang hèn, sao bằng nghe âm điệu của bốn mùa thời tiết đang nảy mầm tươi tốt. Cứ thử hỏi một câu: “Phật và Bồ tát có ý nghĩa gì?” sẽ rõ, là đôi mắt từ bi vô bờ, là trí tuệ viên mãn, là vòng tay yêu thương xem hết thảy chúng sinh như con một… Trong khung trời mùa đông, dã quỳ vẫn cười giòn sắc ấm, như nhắn nhủ rằng con đường tình yêu ở dưới gót chân… Chân thành và dung dị, đích đến của tình yêu như rạng rỡ ở sắc hoa, như long lanh dưới ánh mặt trời…

T.T.T

(Viết tặng những người yêu hoa)


Âm lịch

Ảnh đẹp