11/10/2011 21:15 (GMT+7)
Số lượt xem: 86026
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bùi Giáng là một thiên tài không định nghĩa được; ông phiêu bồng trong một thế giới thơ với thể điệu ngôn ngữ vừa hồn nhiên vừa kỳ lạ dị thường rất độc đáo.



 Những chuyển tải trong thơ ông không giống bất cứ một nhà thơ nào trên thi đàn Việt Nam. Ông cũng có một phong cách làm thơ dị biệt, có thể làm thơ bất cứ ở đâu và trên bất cứ loại giấy mực nào, không cần cầu danh cầu lợi.

Trong cái cõi phù du của Bùi thi sĩ thì 13 năm cũng có thể chỉ là một sát na chớp nhoáng, nhưng trong cõi đời này thì đó quả là một khoảng một thời gian khá dài từ ngày ông mất. Nó đủ dài để người ta quên đi một điều gì đó. Tuy nhiên, đối với những người yêu thơ Bùi Giáng, những gì thuộc về ông thì đã hằn trong tâm trí.

Trong thơ ông chan chứa nỗi niềm tha thiết yêu thương cõi người ta với một tình yêu phụng hiến và khai mở đường về cố quận; về cõi miền tâm tình thanh thoát mà ông gọi là cõi miền nguyên xuân:

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

Người viết bài này được vinh dự đôi lần tiếp xúc và sống với nhà thơ mà thiên hạ gọi là điên. Xin ghi lại đây những vần thơ được ông đọc tặng và ngẫu hứng viết tặng. Vẫn hằn trong tôi hình ảnh một thi sĩ với thể điệu tót vời trong đời sống cũng như trong tác phẩm, mở ra cho hậu thế một cõi thơ kỳ lạ miên trường:

Trong sâu thẳm của mỗi tâm hồn chúng ta chắc cũng có một lần nào đó đã được hạnh ngộ với những vần thơ đầy huyền ảo nhưng rất bình dị của Tiên sinh. Và tôi vẫn xem sự vui đùa nhảy múa ca hát hồn nhiên của ông như một sự phụng hiến cao cả với đời sống này:

Ông điên vui vẻ thập thành

Các con tỉnh táo mà đành buồn thiu

Và nghiệm ra từ đó một điều chi, đã có một thời gian tôi về với núi rừng để nằm nghe lại lời thơ của Tiên sinh năm nào vẫn còn vang mãi:

Mang về Đà Nẵng đọc chơi

Bùi Giáng bê bối chốn nơi nở niềm

...

Mang đi khắp chốn khắp nơi

Hồng một giọt máu tơi bời tủy xương

Thi sĩ Bùi Giáng. Ảnh: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
Ngoài kia mặt trời đang lên, chiếu áng sáng rực vàng trên đỉnh núi. Tôi nhớ mình đang ngồi trong một căn lều giữa núi rừng hoang vu, tràn đầy những âm thanh kỳ bí và huyền nhiệm của thiên nhiên; con kiến đang bò, con bướm đang bay, chuồn chuồn đang lượn, trên muôn màu sắc rực rỡ của hoa ngàn. Tôi chợt thấy ra sống và chết là hình ảnh thu nhỏ của một hôn phối, bắt nguồn từ một tình yêu bất tuyệt. Và từ đó, sự sống và chết của con người và vạn vật muôn đời đã có mối giao thoa bất tận. Chúng ta sẽ không bao giờ sống trọn vẹn và đích thực nếu chúng ta chưa một lần chết như Bùi tiên sinh đã một lần chết:

Kể từ lạc bước chân ra

Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn

Nhưng trong chúng ta có mấy ai đã chết đi từ lúc vừa sinh ra như trong thơ và cuộc sống của chính Tiên sinh đã thể hiện:

Tôi từng vô tận tâm linh

Về đây uống rượu một mình em ơi

Những ngày tháng ở Sài Gòn, tôi và Miên Long (một đồng hữu xứ Quảng) đã hân hạnh được Tiên sinh nở niềm đón tiếp. Và từ những tao phùng kỳ lạ đó, chúng tôi đã được cùng nghe ra hương vị ngọt ngào của cố quận Quảng Nam yêu dấu:

Xênh xang phố thị Sài Gòn

Điu hiu ba cõi linh hồn gặp nhau

Nguồn mưa đổ xuống giang đầu

Hồi sinh xứ Quảng giữa màu nguyên xuân (Miên Long)

Vâng, một Quảng Nam yêu dấu đã hồi sinh lại trong đôi mắt sáng ngời của Bùi thi sĩ:

Đề huề tương ứng Quảng Nam

Duy Xuyên xứ cũ, hòa đàm tay ba

Long, Quang, Bùi Giáng và và

Ngẫu nhiên tao ngộ ruột rà Kim Cương

Tôi và Miên Long đọc thơ cho Tiên sinh nghe, và được ông mở lòng ra tặng thơ trong những quán cóc ven ngoại ô của Sài Gòn, dưới những gốc cây bên đường, trước sân chùa, trên chiếc võng đu đưa dưới những nhánh vú sữa trước hiên hiên nhà, hay trên chiếc xích lô bồng bềnh trên những con đường đầy khói bụi:

Nguyên Quang xứ Quảng xứ Quảng Đà Thành

Từ vô biên tế tam bành chịu chơi

Quảng Nam Đà Nẵng tuyệt vời

Ngẫu nhiên vô lượng đất trời ra xuân

Những hình bóng và thủ bút này, tôi vẫn còn giữ bên mình như một kỷ niệm thiêng liêng. Lần sau cùng ở Sài Gòn, Tiên sinh đã viết cho tôi:

Em vui vô tận thiên thần

Anh buồn vô lượng bất thần trở cơn

Phải chăng cái cuộc "bất thần trở cơn" ấy chính là dự báo cho một sự ra đi, một sự chia tay vĩnh viễn giữa tôi và Tiên sinh ngày đó. Và tôi đã không còn dịp nào được tương phùng với Tiên sinh nữa. Nhưng những hình ảnh và lời thơ của Người vẫn huyền ảo, lung linh, sáng ngời trong thể điệu bất tuyệt tồn sinh trong tâm hồn tôi.

Để rồi hôm nay, kỷ niệm ngày Người về với cõi vĩnh hằng, những dòng này được viết lên từ một kẻ hậu thế lang thang và sẽ còn mãi lang thang trên dặm đường mà Người đã từng lang thang, từng đùa vui nhảy múa ca hát.

Tiễn người về cõi vĩnh hằng

Thiên thu còn mãi vầng trăng sáng ngời

Người về núi cũ ngàn khơi

Tôi còn ở lại hát lời phù vân (Nguyên Quang)

Những câu thơ xin như nén hương lòng, thắp lên giữa nỗi niềm hoài nhớ Bùi tiên sinh.

Nguon: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-10-10-doi-dong-tuong-nho-thi-si-bui-giang


Âm lịch

Ảnh đẹp