Sài Gòn 07/09/2012

Thư thăm Thầy! (một)

07/09/2012 21:40 (GMT+7)
Số lượt xem: 299606
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chẳng bao lâu nữa con nhập học. Con người cứ thế lớn lên quả là thần kì. Một nửa con cứ muốn mình thôi đừng có lớn thêm nữa. Phải chi cứ trẻ con mãi thì tốt. Nhưng ngẫm lại thì con tin tạo hóa muốn mỗi người cứ càng ngày càng già dặn là có lí do. Biết ngắm nhìn, tận hưởng, suy ngẫm, nhận thức về cuộc sống này.


CHUA BUU MINH.jpg

 Tính cả tuổi mụ thì con đã 19. Nhưng con thích trả lời là con 18 tuổi hơn. Từ đó mà con hiểu đôi phần cái cụm từ “sợ tuổi già” của ngoại con(cười).

 Con nhớ bà ngoại dắt con đi chùa mình từ lúc con nhỏ lắm. Lúc đó chùa là một dãy nhà. Con chỉ nhớ thế thôi thầy ạ. Vì bẵng đi một thời gian con không đi chùa. Con cũng chẳng hiểu vì lí do gì nữa.

 Một thời gian dài sau đó, năm con lên lớp 10. Cậu con đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Cậu là con út và là người cực kì thân thiết với con. Đó có thể coi như là cú sốc với con. Và dĩ nhiên bà ngoại con là người đau lòng nhất. Lần đầu tiên con nhìn thấy thầy là lúc thầy qua nhà ngoại cúng cho cậu con…

 Ngoại bảo con xuống ở với ngoại. Con ở và ăn chay cùng ông bà ngoại 100 ngày. Trong thời gian đó, ông ngoại con thỉnh một cái máy tụng kinh về đặt trên bàn thờ cậu và bật 24/24. Ngày nào con cũng nghe tiếng tụng kinh, gõ mõ. Về khuya, ngồi học bài, tiếng kinh hòa cùng tiếng khóc bà ngoại. Con cũng khóc… Con được giao nhiệm vụ nấu cơm chay cúng cậu hằng ngày. Từ những ngày đó con mới biết ăn chay hay đến vậy, nấu cơm chay cũng là một nghệ thuật thầy ạ(cười). Rồi các bác các cô đến đọc kinh cho cậu. Con cũng đọc. Con không thấy những điều đó còn lạ lẫm nữa. Bởi lẽ những gì làm đi làm lại sẽ trở thành thói quen. Như một quán tính vậy.

 Con cùng ngoại đến chùa cầu siêu cho cậu. Khó lòng chấp nhận việc người ta yêu thương mãi không còn. Ngoài việc khóc và khóc. Ngoại con không còn biết làm hì hơn. Con nắm tay ngoại khóc theo bất lực. Trước khi làm lễ, thầy có ngồi trò chuyện cùng phật tử… thầy nói rằng “sự sống mong manh vô thường lắm”, con ghi nhớ câu nói này mãi đến bây giờ. Vậy nên “hãy cứ sống như thể ngày mai mình sẽ chết” đúng không thầy? Vì cậu con vẫn chưa thực hiện được dù chỉ một phần nguyện vọng của mình. Không ai biết trước ngày mai mình sẽ ra sao. Như thầy nói: vì “sự sống mong manh vô thường”…

 Ôi thầy biết không, lần đó tới chùa con choáng ngợp bởi vì sao chùa đổi khác quá! Rộng lớn hơn, đẹp hơn, qui mô hơn rất rất nhiều so với kí ức con nhớ…

 Con bắt đầu lui tới chùa thường xuyên. Một lần, hai lần, ba lần,…, rồi đến làm công quả. Con dẫn hầu như tất cả những đứa bạn thân đến chùa. Con cần chúng nó đồng cảm với niềm vui của con. Nhưng càng đi chùa con càng loại bỏ được tính ích kỉ. Con cần sự tự nguyện, chân thành hơn. Nếu bạn không đi, con có thể đi cùng một đứa thôi, và còn hoàn toàn có thể đi một mình. Rồi nỗi đau cũng nguôi ngoai. Sống chậm lại cũng là một cách hay. Mở lòng đón nhận một suy nghĩ lạc quan hơn.

 Thời gian học ngoài phố khá nhiều, không có thời gian lui tới chùa mình. Con cũng đã tìm tới những chùa trong khu vực nội thị để lui tới thắp nhang lạy phật. Con còn được một chú tiểu tặng cuốn sách với tựa là “con về còn trọn niềm tin” (nói đúng hơn là thấy tên sách hay nên con xin mà không hề để ý tên tác giả). Lúc đem về nhà, con bất ngờ vì đó là sách của thầy. Con đọc đi đọc lại hai lần. Còn nhiều điều mà con chưa biết quá!

 À có điều con nói ra thầy không trách con nha. Con đi chùa lâu rồi mà không biết, gặp thầy mà chỉ cúi đầu chào thầy chứ không chắp tay. Thầy Ngộ nhắc con mới biết…Nhưng có sai có sửa đúng không thầy?

 Khi sắp phải xa một điều gì đó mới thực sự thấy nuối tiếc, trân trọng. Con thực sự đã trưởng thành hơn rất nhiều. Nhưng lại phải bước tiếp một bước dài cho tương lai. Dù đi đâu, ở nơi nào con vẫn muốn được sống trong sự bảo bọc của ba mẹ, vòng tay của Phật.

 Mấy ngày gần đi, con ghé nhà bạn con ở bên biển hồ trà chơi với nó. Con qua chùa nữa, ngó đâu con cũng thấy đẹp lạ. Đồi chè xanh mướt này, hình ảnh chùa gần gũi thân quên này. Ôi con đi học thôi mà làm như đi xa xứ hay lưu lạc ấy. Tự trách mình sao đến bây giờ mới biết trân trọng những gì vốn dĩ đáng trân trọng. Cứ chạy theo nhịp sống nhanh nhảu, xô bồ kia làm gì.

 Con đang sống dựa dẫm vào ba mẹ, con ý thức được tiền con cho vào thùng công đức là tiền của ba mẹ, không phải của con. Con sẽ kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình, rồi tự tay cho tiền vào thùng công đức. Chỉ bắt đầu bằng việc làm nhỏ ấy thôi, con cũng đã thấy mình sống có ích rồi. Sống không có mục đích, hay không có ích thì con sống chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Và kể cả sau này, con có thành công trên đường đời, con sẽ còn quay lại chùa. Con không bao giờ quên, bởi niềm vui đi chùa, niềm tin con dành cho Phật là thật, là chân thành. Con học được rất nhiều từ niềm vui ấy…

 Những điều con viết trên đây quả thật vừa hời hợt con nít lại có triết lí nông cạn. Chỉ là con nhỏ 19 tuổi chưa từng trải nhiều, có thể sẽ được cho là một bà cụ non. Nhưng con cảm ơn thầy vì thầy đã đọc chút tâm sự của con, cũng như lắng nghe con trải lòng mình.

 Khi thầy hỏi và nhớ tên con, con vui lắm. Con mong sau này có gặp con thì thầy vẫn sẽ không quên. Bởi cảm giác có ai đó nhớ đến tên mình hãnh diện lắm. Nhất lại là thầy-

 Con đã ra Sài Gòn và để ý có rất nhiều chùa, nhất là gần nơi con học. Con lấy làm mừng vì điều đó. Con sẽ lại được đến chùa thường xuyên. Mất đi thói quen ấy, là con mất đi chỗ dựa tinh thần.

 Xa nơi này, điều con tiếc nuối nhất vẫn là không được lui tới chùa Bửu Minh-điểm tựa niềm tin, nơi níu chân về. Gần gũi không đâu bằng…với con…

 Con chúc thầy luôn khỏe mạnh để có thể tiếp tục thực hiện tâm huyết của đời mình.

 

                                                                                              Con Vy

                                                                                           (Thường Ý)


Âm lịch

Ảnh đẹp