Làng Vô Ưu bé nhỏ nép mình bên dòng sông uốn lượn, quanh năm nước
chảy reo vui. Dân nơi đây phần lớn sinh sống bằng nghề nông và trồng hoa. Sáng
sáng, những người đàn ông trai tráng ra đồng cày cấy, những người phụ nữ chăm
chỉ nhổ cỏ bắt sâu cho hoa, trẻ nhỏ tụ tập về đình làng học hành. Cuộc sống
thanh bình mỗi ngày trôi qua như bốn mùa xuân hạ thu đông, chưa ai nghe tiếng
cãi vã phát ra từ ngôi làng ấy.
Xứ Phật - Ảnh minh họa
Ngày nọ, có một lữ khách vượt núi
cao ghé đến thăm làng. Mái tóc chàng bồng bềnh trong gió, giọng nói trong như
tiếng chuông ngân, chân đi dép cỏ, tay nải khoác vai. Những đứa trẻ lạ lẫm nhìn
người khách lạ. Người lữ khách cười, xòe tay, những viên kẹo đủ màu xinh xinh.
Mỗi đứa trẻ nhón lấy một viên. Kẹo ngọt tan đầu lưỡi, mùi bạc hà thơm thơm.
Chúng nhắm mắt lại sung sướng tận hưởng hương vị ngon lành.
Già làng mời người khách lạ nghỉ
lại nơi mái đình. Dân làng nồng hậu mời khách bánh ngô, khoai sắn. Dòng sông
nhỏ hiền hòa ôm ấp người lữ khách, gột rửa bụi đường. Thanh niên thì tranh thủ
hỏi khách bên kia đỉnh núi là gì, họ tò mò muốn biết, ngoài kia là thế giới thế
nào. Lữ khách cười, nụ cười phiêu bạt, đưa sáo lên môi. Khúc nhạc réo rắt, khúc
nhạc xốn xang, khúc nhạc tha thiết chứa đựng bao tâm tư vui buồn trộn lẫn. Khúc
nhạc làm những cô gái nép mình bên hiên nhà ngẩn ngơ; người già vuốt chòm râu
trầm ngâm, trẻ nhỏ dừng cuộc chơi, trâu bò nghểnh tai ngừng gặm cỏ, những người
trên đồng ruộng ngừng tay cấy cày.
Chợt lữ khách buông sáo, ngồi tựa
cột đình, dưới bóng cội Bồ-đề mát rượi, xa xa là cây Vô ưu vững chãi - niềm
kiêu hãnh của làng.
An, cậu bé dạn dĩ nhất trong đám
trẻ con rón rén nhón chân lại gần người khách lạ. Từng bước, từng bước chẳng hề
vang lên tiếng động. Cậu bé khẽ chạm nhẹ vào cây sáo. Cậu thầm nghĩ: “Thứ âm
thanh mê hoặc phát ra từ đây, nó chứa đựng điều gì nhỉ?”. Cậu nhíu mày, gương
mặt nhỏ đầy bướng bỉnh.
- Cháu muốn thổi thử không, chú
bé?
Người lữ khách chợt mở mắt, nhìn
An, khẽ xoa mái đầu nhỏ.
An nhìn người khách lạ, rồi nhìn
cây sáo đầy tò mò, gật đầu. Cậu cầm lấy cây sáo, bắt chước người lữ khách,
phồng má lấy hơi, nhưng âm thanh chỉ là những tiếng đứt quãng và thô.
- Chú là phù thủy?
- Sao cháu nghĩ thế? Người khách
nhoẻn cười.
- Vì… chú tạo nên âm thanh mà
người khác không làm được.
- Âm thanh là do từ đây - người
khách lạ chỉ vào cây sáo.
- Nhưng cháu thổi thì không giống
chú - cậu bé phụng phịu.
- Cháu tên gì?
- Dạ, cháu là An.
Người lữ khách đặt cây sáo vào tay
An, ân cần chỉ dẫn cậu bé, âm thanh ngân lên không thánh thót nhưng đã thành
tiếng, chú bé nhoẻn cười.
- Khúc chú thổi là… - An rụt rè
hỏi.
- Một ngày nào đó cháu sẽ tự thổi
được - người lữ khách trầm ngâm nhìn về nơi xa xa.
Màn đêm dần buông, ánh trăng lóng
lánh trải vàng trên mặt sông, người lữ khách ngồi bên bãi, những đứa trẻ nhỏ
vây quanh.
- Chú ơi, phía bên kia là gì vậy?
An chỉ tay về hướng ngọn núi đen thẫm.
- Là một thế giới khác.
- Ở đó có giống nơi này?
- Không nơi nào giống nơi nào. Ở
đó có những điều rất khác, có mùa hạ oi nồng nóng bức, mùa đông giá lạnh tuyết
băng…
- …
- Nhưng nơi đây là nơi tuyệt vời
nhất mà chú từng đến, những cánh đồng lúa vàng, những thảm cỏ phủ hoa, mùi
hương trong trẻo và biết bao là tiếng cười.
Một thiếu nữ buột miệng hỏi:
- Khúc sáo ban chiều anh thổi tên
là gì vậy?
Lữ khách ngước mặt lên, ánh mắt
thăm thẳm:
- Là 7 bước sen nở... là một câu
chuyện dài, một đời người.
- Kể chúng tôi nghe đi - một thanh
niên đề nghị.
Thế là trẻ nhỏ vòng trong, đến
những người lớn tuổi, những thiếu nữ và thanh niên trai tráng vòng ngoài, ai
cũng háo hức lắng nghe. Lữ khách đưa sáo lên môi. Tiếng sáo réo rắt về miền xa,
xưa thật xưa, nơi vườn Lâm Tỳ Ni, hoàng hậu Ma-da ngắt đóa Vô ưu và đản sanh
thái tử. 7 bước chân đầu đời, 7 bước nở hoa sen đi vào huyền thoại. Tiếng sáo
đưa mọi người vào một không gian ngập tràn cỏ hoa ngát hương, tươi vui hoan hỷ,
âm thanh vi diệu ngân vang. Trên môi dân làng Vô Ưu ai cũng nở nụ cười tươi
bừng sáng, cả cội Bồ-đề cũng ngừng rì rào, bất động lắng nghe.
- Người là ai? An hồ hởi hỏi,
Người là ai mà mọi người đón chào sung sướng như thế?
- Người là bậc Thầy của Nhân và
Thiên. Là thái tử của thành Ca Tỳ La Vệ. Và cháu biết không?
An chăm chú lắng nghe.
- Cháu thấy cây Vô ưu giữa làng
không? Loài hoa ấy đi vào huyền thoại khi mẫu hậu của Người vin cành ngắt cũng
là lúc Người chào đời.
- Thật chứ ạ?
An vội chạy đi, đến cây Vô ưu, khẽ
chụm bàn tay bé xíu, gió thoảng qua, một đóa hoa lìa cành, cậu sung sướng hứng
lấy rồi chạy trở lại.
- Là đóa hoa năm đó phải không
chú? Cháu thấy rồi - An chăm chú nhìn sâu vào bông hoa - cháu thấy rồi, gương
mặt thái tử ngời sáng, vầng tráng cao đĩnh ngộ.
Lữ khách tiếp tục thổi. Khúc nhạc
đang hân hoan chợt lặng buồn da diết, những người già bật khóc, âm hưởng chiến
tranh, đói khát, bệnh tật và cả cái chết dường như bao trùm khắp làng.
- Thôi, cậu dừng lại đi, cậu làm
những đứa nhỏ buồn đau mất - Một già làng cất giọng khàn đục run run.
- Tại sao không thổi khúc tươi
vui? - Một thanh niên ưu sầu hỏi.
- Vì thế giới các anh muốn biết,
phía bên kia, chẳng mãi mãi là niềm vui. Biết bao là tranh giành, ốm đau, tuổi
già, cũng như sự mất mát.
- Nhưng chú nói Người là bậc Thầy
của Nhân và Thiên? - An vặn vẹo.
- Ừ, Người đản sanh để mang lại
niềm an vui cho mọi người, hướng mọi người theo đường sáng, không tranh đua,
không ganh ghét đố kỵ.
Lữ khách mỉm cười, tiếp tục đưa
sáo lên môi. Đây, hình ảnh chú voi hung hãn chợt quỳ dưới chân Người.
Angulimala tàn bạo giết người,
chặt lấy ngón tay và đeo lên cổ như một vòng hoa, được Đức Phật cảm hóa trở
thành một Tỳ-kheo….
Tiếng sáo cao vút, đưa mọi người
vượt tầng trời Đao Lợi, nhân thiên cùng lắng nghe Phật thuyết pháp. Và tiếng
sáo chợt trầm ngâm tiễn Người nhập Vô dư Niết-bàn.
Dân làng Vô Ưu lặng thinh, cỏ hoa
lặng thinh, mắt mọi người hoen đỏ, tim bồi hồi xúc động, dường như mọi người
vừa trải qua biết bao cảm xúc, hân hoan, mừng vui, đau buồn, thương tiếc…
- Này chàng trai, anh là ai? - Già
làng hỏi.
- Dạ, con chỉ là một lữ khách bình
thường, rong chơi khắp nơi.
- Cậu tên gì?
- Dạ, con là Thiện Ngộ.
- Thiện Ngộ! Một cuộc sống đúng
như tên gọi. Dường như cả cuộc đời ta, những gì ta thấy, chiêm nghiệm gói gọn
trong hành trình của cậu. Và cũng vì vậy ta về nơi này, dựng làng Vô Ưu mong
cho những đứa trẻ chào đời luôn sống trong yên vui.
Lữ khách mỉm cười. Hai ánh mắt
thẳm sâu một già một trẻ nhìn nhau thấu hiểu dịu dàng.
Sáng hôm sau, khi làng Vô Ưu thức
giấc, An chạy vội đến đình làng với nắm xôi trên tay:
- Chú gì ơi..
Nhưng người khách lạ đã rời đi.
Cậu chạy khắp làng, ra bờ sông tìm
kiếm. Bên mé sông, 7 chiếc đèn hình cánh sen được làm khéo léo xếp dọc bãi cỏ
xanh. Cậu thẫn thờ ngồi xuống, nhìn ra xa xa, chợt cậu chạy vù đi và quay lại
với 7 cây nến trên tay. Đêm đó 7 chiếc đèn được hạ thủy, những chiếc đèn trôi
trên sông bình yên, ánh sáng lấp lánh hiện lên lời nhắn người lữ khách để lại:
“Đừng mong cầu hạnh phúc bên kia đỉnh núi. Đây thật sự là xứ Phật. Hãy nắm giữ
giây phút hiện tại mà các bạn đã cùng nỗ lực xây dựng”.
Dân làng Vô Ưu nắm tay nhau cùng
ngắm nhìn và mỉm cười.
Thoảng đâu trong gió tiếng sáo
ngân vang.
An thì thầm: “Nếu đây là xứ Phật, chú nhớ quay lại
nhé.”