12/03/2013 14:16 (GMT+7)
Số lượt xem: 106161
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngôi chùa không chỉ là nơi tôn nghiêm thờ cúng, phục vụ tín ngưỡng tâm linh mang lại lợi ích cho tha nhân.

Những quy định chung của chùa

Khi vào chùa, Phật tử cần phải tìm hiểu những quy định chung của chùa hay còn được gọi là nội quy hoặc thanh quy của Thiền gia. Bắt buộc Phật tử phải nghiêm chỉnh chấp hành những nội dung đã được đề ra.

Mỗi chùa sẽ có những nội quy/thanh quy khác nhau nhưng tựu trung lại sẽ có những quy định chung liên quan đến các vấn đề như sau:
- Đường lối sinh hoạt
- Các ban trong chùa như Tri khách, Tri khố…
- Lịch sinh hoạt
- Quy tắc quản lý rác
- Tăng Ni và Phật tử ở chùa
- Phòng khách
- Phòng tắm, nhà vệ sinh
- Thư viện hay phòng học
- Nhà bếp


Một quy định của chùa dành cho Phật tử khi vào chùa

Ngoài việc nắm vững các nội dung trên, Phật tử cần phải biết các phương hướng làm việc của nhà chùa. Tuy nhiên mỗi chùa sẽ có phương hướng khác nhau, phù hợp với từng pháp môn tu tập của chùa đó.

Song chùa nào cũng quan tâm đến những mặt ứng dụng Phật pháp vào đời sống thực tế, ví dụ như nâng cao tri thức đạo và đời của người xuất gia cũng như người tại gia.

Về cuộc sống thì không chấp nhận lối sống thụ hưởng vật chất. Cần tự mình hài lòng với những chi phí thấp trong cuộc sống. Luôn nâng cao nhận thức và kinh nghiệm sống cho mọi người.

Đặc biệt, mỗi chùa sẽ luôn lấy việc thực tập thiền định, giữ gìn đạo đức, siêng năng lao động, thương người nghèo khổ và tự hài lòng với cuộc sống đang có làm nền tảng cho đời sống. Mặt khác, phải giữ gìn nét đẹp trong 3 nghiệp (thân, khẩu, ý – PV)

Do vậy, mọi người đều phải chấp nhận nếp sống thanh bần, chan hòa với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống đang có, gây tạo một lối sống lành mạnh, chân thật, nhiệt tình vì người.

Oai nghi tế hạnh của người Phật tử

Oai nghi tế hạnh là cung cách hành xử đúng mực, đúng pháp, đồng thời thể hiện lòng cung kính, tôn quí đạo giải thoát.
Bởi thế, mỗi Phật tử đến chùa, như một đứa con tìm về ngôi nhà Đạo Pháp. Mỗi khách thập phương tham quan chùa như một người bạn tìm về với chốn bình yên.

Do đó, đối với những người Phật tử tại, việc giữ gìn oai nghi, tế hạnh là điều cần yếu. Đây chính là phương tiện để soi xét lại chính mình và giúp cho mọi người.

Về cơ bản mọi người phải chân thật, hoà ái và lịch sự đối với mọi người từ trong huynh đệ đạo tràng đến ngoài xã hội. Đặc biệt là tránh tranh cãi phải trái, các ngộ nhận thị phi và phiền phức có thể xảy ra trong quá trình sinh hoạt và tu tập.

Theo lời dạy của Hòa thượng Thích Thanh Từ, tất cả các Phật tử phải tuân thủ giờ giấc sinh hoạt của chùa. Cung kính vâng theo sự hướng dẫn của Quí thầy có trách nhiệm. Khi vào Chánh điện, Thiền đường hoặc Giảng đường, Trai đường phải trang nghiêm xá Phật, xá chư Tổ.
 
Cố gắng giữ nếp đi nhẹ, nói khẽ, khi ra về phải giữ yên lặng, không bàn tán ồn ào. Đối với giày dép phải sắp xếp ngăn nắp, thứ tự; phân rõ hai bên trái – phải để thuận tiện  nhận lại khi ra về.

Đối với những pháp khí trong chùa như Chuông , Mõ, Khánh, Trống, Kẻng…không phận sự thì không được tự tiện đánh, gõ.

Nếu trong giờ sinh hoạt tu học như tụng kinh, toạ thiền, thọ trai, nghe pháp… tốt nhất không để chuông điện thoại. Khi có việc cần thiết sử dụng thì phải ra ngoài, tránh gây ảnh hưởng tới bạn đồng tu.

Khi vào, ra khỏi khuôn viên của chùa thì phải tắt máy và dẫn xe vào nơi qui định theo của nhà chùa. Không đem chuyện của người cùng tập tu với mình, đặc biệt là chuyện của nhà chùa ra để bàn tán, thị phi với người bên ngoài.

NỘI QUY CỦA CHÙA PHƯỚC QUANG (tỉnh Vĩnh Long)

Điều 1: Khi vào chùa, Quý vị đi xe đạp, xe máy hoan hỷ xuống xe tắt máy từ ngoài cổng và gửi xe đúng nơi quy định.

Điều 2: Quý vị khi đến chùa nên thực hiện nếp sống văn minh: trang phục gọn gàng, nói năng nhỏ nhẹ, lịch sự, không nói lời có ý xuyên tạc, đả kích và chia rẽ đoàn kết; không chen lấn xô đẩy; không vứt rác bừa bãi, rác phải bỏ vào thùng rác.

Điều 3: Để thể hiện lòng từ bi, Quý vị không được hái hoa, không bẻ cành cây, không trèo cây, leo núi đá; không bắt cá hay bỏ bất cứ vật gì xuống hồ.

Điều 4:  Không được mang vũ khí, ma túy, chất nổ, chất dễ cháy, rượu bia, súc vật, ... và văn hóa phẩm đồi trị vào chùa.

Điều 5: Quý vị lễ Phật mang theo vật cúng hoan hỷ đến Bàn Soạn Lễ gặp người phục trách hướng dẫn để tiến lễ. Quý vị có lòng hảo tâm cúng dường Tam Bảo xin gửi vào thùng công đức hoặc liên hệ đến bàn Thư Ký.

Điều 6: Cùng nhau bảo vệ tài sản Tam Bảo: không leo, trèo, tô, vẽ, khắc, khảm lên cột, tường, tượng Phật, bàn ghế, trống, chuông mõ và các pháp khí khác.

Điều 7: Quý vị khi lễ Phật: không đội mũ, không hút thuốc lá; không thắp nhiều hương (mỗi bình hương chỉ thắp một nén nhang).

Điều 8: Không đến gần những khu vực để biển báo cấm và phòng riêng nội tự.
Điều 9: Quý vị đến chùa có trẻ nhỏ đi cùng, hoan hỷ giữ trẻ không để chạy nhảy, đùa nghịch, hò hét... đặc biệt không cho trẻ đến gần khu vực nấu ăn.

Điều 10: Quý vị hoan hỷ không để diễn ra bất cứ hoạt động mua bán, bói toán, ăn xin, rải truyền những tờ bướm, tranh ảnh... vụ lợi với mọi hình thức trong khuôn viên chùa mà chưa qua sự xem xét chấp thuận của bổn tự.

Điều 11: Đối với các đoàn khách tham quan du lịch trong nước cũng như nước ngoài xin Trưởng Đoàn hoặc Hướng Dẫn Viên hoan hỷ thuyết minh đúng thông tin về bổn tự, mọi thắc mắc cần liên hệ với phòng Tri Khách.

Điều 12: Một thông điệp chung khẩn thiết gửi đến Quý vị: “Nước đang khan hiếm ở khắp nơi - Mọi người hãy tiết kiệm từng giọt nước”, “Điện là tài sản của quốc gia- Chúng ta hãy sử dụng tiết kiệm điện”
 

(*) Kienthuc.net.vn sẽ giới thiệu lần lượt các oai nghi tế hạnh của người Phật tử cần biết khi đến chùa. Tất cả được thể hiện trong những hành động như xá chào, lạy Phật, đi, đứng, ngồi, nằm, ăn, uống, ngủ nghỉ…

Tịnh Phương


Âm lịch

Ảnh đẹp