Kiêng chúc Tết người đang nằm ngủ
|
Chúc Tết trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt.
|
Ngày xưa đất tuy rộng nhưng không phải gia đình nào cũng có nhà
to để phân ra thành phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách. Vì thế không hiếm
trường hợp, khách đến nhà chúc Tết vào sáng mùng một, thấy vẫn có người
nằm ngủ do phải thức khuya vào tối giao thừa. Đã đến nhà người ta thì
phải xởi lởi mà chúc Tết, thế nhưng họ không chúc người đang nằm ngủ đó.
Nếu không, lời chúc tốt đẹp lại bị xem như lời trù ẻo, muốn cho người
ta phải nằm li bì trên giường bệnh.
Vì thế, nếu có lòng, khách phải đợi đến khi người đó ngủ dậy mới nói ra lời chúc với họ.
Kiêng đánh thức người khác trong ngày mùng 1 Tết
Gặp trường hợp đi chúc Tết nhà người
ta, muốn dành lời chúc cho người đang ngủ nhưng không thể đợi lâu, tốt
nhất là vị khách nên chờ dịp khác chứ không được đánh thức anh ta dậy.
Không chỉ khách, ngay cả người nhà cũng không nên đánh thức ai trong
ngày này, mà phải để người ta tự dậy. Nếu không, người nằm ngủ đó sẽ
phải chịu sự thúc giục của người khác trong công việc quanh năm.
Kiêng về nhà ngoại vào ngày mùng 1, 4, 5 Tết
Theo tục lệ xưa, con gái và con rể chỉ
được về nhà ngoại chúc Tết vào mùng 2 hoặc mùng 3, kiêng các ngày mùng
1, mùng 4 và mùng 5. Nguyên nhân là ngày mùng 1 – ngày quan trọng nhất,
họ có nghĩa vụ phải tỏ lòng hiếu đễ với bố mẹ, tổ tiên họ nội. Ngoài ra
còn có quan niệm rằng phải về nhà vợ vào những ngày kể trên thì mới đem
lại vận may cho gia đình bên ngoại.
Kiêng giặt quần áo vào mùng 1, mùng 2
Theo tín ngưỡng dân gian, hai ngày đầu năm là ngày sinh của
thủy thần nên cần kiêng giặt quần áo để không mạo phạm đến thần, dẫn đến
gặp xui xẻo. Thực ra, người xưa chẳng có nhiều quần áo để giặt, và ngày
Tết là dịp nghỉ ngơi, tiết trời lạnh, việc ngừng giặt hai ngày cũng
chẳng mấy ảnh hưởng đến họ.
Kiêng mở tủ vào mùng 1
Dù là loại tủ gì, kể cả tủ quần áo,
cũng không nên mở vào ngày mùng 1 Tết, bởi việc này sẽ làm thất thoát
tiền tài và vận may suốt cả năm. Vì thế, người xưa thường chuẩn bị sẵn
quần áo cần mặc, treo ra ngoài trước giao thừa.
Kiêng cúng quan đương niên trong nhà
Lúc giao thừa, người Việt thường có lễ
cúng tiễn quan quân nhà trời coi việc năm cũ và đón quan quân coi việc
năm mới đi thị sát trần gian. Việc này phải làm ở ngoài sân chứ không
được làm trong nhà, bởi các ngài rất vội, không có thời gian ghé vào. Lễ
dành cho việc cúng này thường gọn nhẹ: con gà luộc (hoặc thịt lợn
luộc), hương, hoa, bình rượu nhỏ… và phải đợi tàn hương mới được đem vào
nhà.
Kiêng ăn đuôi cá
Ở miền Bắc có một số nơi cầu may năm mới bằng việc ăn cá chép –
loài cá vượt vũ môn hóa rồng. Nếu ăn cá chép trong ba ngày đầu năm mới
thì trong năm đó sẽ được hanh thông trong chuyện học hành, thăng tiến.
Tuy nhiên, nhằm tăng sự may mắn, người ta tránh ăn phần đuôi, để luôn có
dư thừa, tích lũy của cải trong năm mới, chứ không chỉ đủ ăn đủ mặc.
Kiêng trượt chân, vấp ngã
Trẻ con, thanh niên thường được người
có tuổi dặn dò phải đi đứng cẩn thận, ngay ngắn trong ngày Tết, tránh
trượt chân, vấp ngã vì như vậy sẽ bị dông cả năm. Trượt chân hay vấp ngã
tượng trưng cho sự xui xẻo, trục trặc trong công việc.
Kiêng ngồi hoặc đứng trước cửa
Việc đứng hay ngồi án ngữ trước cửa
chính trong dịp năm mới không chỉ vô duyên mà còn được coi là hành động
gây phương hại đến vượng khí gia đình. Luồng khí tốt lành của năm mới
trên đường vào nhà sẽ bị chặn lại, hao tán đi, khiến gia đình đó không
được may mắn, thành công, hạnh phúc.
Kiêng vỗ vai, quàng vai người khác
Hành động thân mật, bỗ bã này nếu được
bạn thực hiện trong những ngày đầu năm mới thì rất có thể gây ra sự khó
chịu, thậm chí phản ứng tiêu cực. Nhiều người cho rằng khi bị người
khác vỗ vai, quàng vai vào dịp Tết, họ sẽ bị xui xẻo, gặp chuyện buồn về
tình duyên hay hạnh phúc gia đình.
Thật ra ngay cả trong những ngày bình
thường, nhiều người Việt đương đại cũng tránh tối đa việc bị người khác
vỗ vai hay quàng vai.
Kiêng đi chúc Tết khi đang có thai
Không chỉ những người có tang mới kiêng đi chúc Tết, người Việt
xưa còn tránh làm việc này khi đang có thai. Thật ra ngay cả thời hiện
đại, nhiều phụ nữ cũng kiêng hoặc được dặn phải kiêng đến nhà người khác
trong dịp đầu năm. Bởi theo quan niệm dân gian, bà chửa đem lại xui
xẻo, đó là chưa kể đứa bé trong bụng sau này cũng thành kẻ ăn nói vô
duyên. Mà đâu chỉ riêng ngày Tết, vào những ngày thường, không ít người
hiện nay vẫn từ bỏ việc quan trọng định làm trong ngày nếu “ra ngõ gặp
gái chửa”, hoặc có cố làm thì trong bụng vẫn dự cảm thất bại, dẫn đến
không an lòng và hậu quả là việc không thành.
Kiêng quên khăn tay ở nhà người khác
Người
xưa cho rằng việc để quên khăn tay ở nhà người khác trong ngày Tết cũng
giống như bạn bỏ lại sự xui xẻo, khó khăn cho người ta.
Phan Trần