Xuôi dòng Hương Giang


NGUYỄN VĂN LIÊM
30/10/2011 21:35 (GMT+7)
Số lượt xem: 97271
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Xuôi dòng Hương Giang - Phần 1 - Ngã ba Bằng Lãng
 
Sông Hương không chỉ là một vẻ đẹp hoàn mỹ mà tạo hoá đã ban cho Huế mà nó còn là một dòng sông huyền thoại ẩn chứa nhiều điều về mảnh đất Cố Đô xưa.




Từ Ngã Ba Tuần về đến phố cổ Bao Vinh, sông Hương là trục chính của đô thị Huế, là thế phong thủy vững bền cho các vua nhà Nguyễn định đô bởi có thế “tả Thanh Long”, “hữu Bạch Hổ” được tạo nên từ hai cồn đất nổi ở giữa sông là cồn Hến và cồn Dả Viên trấn yểm ở hai đầu đoạn sông chảy qua trước cửa Hoàng thành.
Nếu có dịp đến Huế, bạn hãy xuôi dòng Hương Giang để tận hưởng chút không khí trong lành và yên tĩnh trên dòng sông thơ mộng. Những chiếc thuyền lặng lờ trôi theo dòng nước biếc, nắng trải vàng như mật khiến cho dòng sông lung linh như được dát vàng. Trước mặt bạn, những xóm làng, chùa chiền, đình đền miếu mạo, lăng tẩm, thành quách… trên đôi bờ Sông Hương bất chợt hiện ra. Tất cả những thứ đó như minh chứng cho một thời vàng son đáng nhớ của dòng sông đầy huyền thoại này.
Đó là những gì bạn sẽ cảm nhận được khi đến Huế, còn bây giờ mời bạn hay lên thuyền của tôi, cùng tôi xuôi dòng Hương Giang nhé, bắt đầu từ ngã ba Bằng Lãng ngoạn mục nhé:


 
Ngã ba Bằng Lãng (còn gọi là ngã ba Tuần) là ngã ba sông rất nổi tiếng ở Huế, nơi hợp lưu của dòng tả trạch chảy từ vùng núi trung bình huyện Nam Đông với độ cao tuyệt đối 900m và dòng hữu trạch từ thượng ngàn A Lưới đổ xuống để tạo thành sông Hương. Nơi đây ngày xưa vốn là nơi đóng quân bảo vệ phía tây kinh thành Huế, là nơi lực lượng tuần hà khám xét và thu thuế các thuyền bè chở sản vật từ thượng nguồn sông Hương về kinh thành cho nên gọi là bến đò Tuần ("tuần"có nghĩa là đi canh gác). Từ xa xưa đây đã thành hình tụ hội cư dân về lập ấp, dựng nghiệp là dấu hiệu mở đầu của một sức sống tiềm tàng mà dòng Hương sẵn lòng mang lại cho đôi bờ phố thị của chốn Kinh đô. Từ bến Tuần có đò ngang sang làng Hải Cát (dân gian gọi là sang Trẹm) và lăng Minh Mạng (sang làng La Khê bãi) cho nên còn gọi là đò ba bến (theo một đường tam giác).

“Còn mặt trời thì chớ
Tắt mặt trời dạ thiếp nhớ bâng khuâng
Trời mấy bữa ni mưa mô gió nấy, đò Tuần không đưa (hò)”

Mặt nước trong vắt nơi đây lặng lờ giây lát như còn bịn rịn lời giai duyên, nguyện ước. Tương truyền rằng, xưa vua Minh Mạng ngự thuyền qua, nhìn cảnh trí non, nước, mây trời tuyệt đẹp đã rung động cảm tác :

”Một thước nước in trời
Đò ai chiếc lá khơi
Non cao xem vòi vọi
Dòng biếc thấy vơi vơi...”

Bên cạnh bến đò Tuần, ngày trước nơi đây còn có bến phà Tuần, hàng ngày những con phà cần mẫn đưa khách và ô tô sang sông để lên địa bàn huyện A Luới, là con đường duy nhất nối liền thành phố với A Lưới và cửa ngõ sang Lào.
Với gia đình tôi, bến đò Tuần cũng gắn nhiều kỷ niệm, bởi lẽ cô em gái sau khi ra trường đã về nơi đây dạy học và bén duyên ở đó. Ngày rước dâu, đoàn xe dâu phải ngừng lại bên bến đò Tuần để nhường chỗ cho những chiếc thuyền dâu qua sông. Với mọi người đó là một đám rước dâu thú vị, thế nhưng với bố tôi lúc đó, nhìn cảnh con gái về nhà chồng cách trở đò giang đã ngậm ngùi rơi lệ.
Trận lũ tháng 11 năm 1999, trận lũ chưa từng có ở Huế đã làm nơi đây trở nên điêu đứng, tan hoang. Sau một đêm mưa suốt, sấm sét ầm ĩ trên bầu trời đen kịt, đến khoảng nửa đêm 1/11/1999 thì cả hai dòng nước lũ (tả và hữu trạch) đã nhập thành một biển nước mênh mông, nhấn chìm tất cả. Toàn bộ Làng Bằng Lãng chỉ còn thấy ngọn đồi và tượng Phật Bà Quan Âm. Cả làng đã kịp chạy lên trên ngọn đồi Phật Bà và tầng lầu của trường cấp II, nhưng chỉ chạy được người, còn toàn bộ tài sản đều trôi sạch. Bốn ngày sau khi nước lũ bắt đầu rút, chiếc ca nô của bộ đội biên phòng mang theo mì gói lên, cả làng ùa xuống với những cánh tay đói lả. Một cụ già vừa nhận được gói mì đã xé toạc giấy gói nhai ngấu nghiến. Hình ảnh đó được VTV truyền đi khiến đồng bào cả nước đau thắt ruột.



Những cánh tay đói lả nhận thức ăn cứu trợ ở ngã ba Tuần (Thừa Thiên - Huế) sáng 5-11, khi chiếc canô đầu tiên của bộ đội biên phòng vượt lũ lên được đầu nguồn sông Hương. (Ảnh tư liệu)

Năm ấy tôi đang công tác ở Sài Gòn, mọi thông tin liên lạc về Huế đều bị cắt đứt, cả bốn anh em chúng tôi chỉ biết ngóng chờ từng bản tin thời sự của đài truyền hình. Hàng ngày nhìn thấy quê hương ngập chìm trong nước, nhà cửa ngổn ngang, cảnh tang tóc khắp nơi, không ai cầm được nước mắt. Mấy ngày sau khi nước lũ bắt đầu rút, gia đình tôi vẫn không thể liên lạc với bên kia sông, chỉ biết hàng ngày đứng bên bến đò Tuần mà ngóng sang. Hết một tuần liền cô em gái và cháu ngoại mới tìm cách sang sông về đến thành phố, câu đầu tiên đứa cháu nói là “Ngoại ơi, đói quá!”.



Tượng Phật bà Quan Âm trên đỉnh đồi Tứ Tượng, nơi cao nhất mà mọi người vẫn kéo lên tránh lũ khi nước dâng cao

Sau biến cố lịch sử đó, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định xây cầu phía hạ lưu chợ Tuần, bắc qua sông Hương gần lăng Minh Mạng, ở trên trục đường vành đai thành phố, gọi là đường tránh Huế, ở phía bắc giao với QL1A tại  thị trấn Tứ Hạ và điểm phía nam hòa trở lại với QL1A tại địa bàn thị xã Hương Thủy. Đây là con đường vòng phía ngoài thành phố Huế, nhằm giảm tải các xe qua thành phố Huế, vừa là con đường chạy qua các vùng đất có địa hình cao ở phía tây thành phố, không bị ngập lụt, bảo đảm cho giao thông thông suốt trong những ngày mưa lũ của Huế.  Cây cầu Tuần được hoàn thành vào năm 2003.



Sau khi cây cầu đẫ xây dựng nên, có nhiều ý kiến lại cho rằng nó phá vỡ đi cảnh quang của vùng thượng nguồn sông Hương, cảnh quang của Lăng Minh Mạng vì nó quá gần lăng. Riêng tôi, lại không nghĩ như vậy, liệu những người đó sẽ nói gì khi chứng kiến hàng trăm người dân mắc kẹt giữa cơn lũ, bị chia cắt, đói lả, dù nơi đó chỉ cách thành phố có 10km. Với người dân vùng đất bãi, cây cầu là ước mơ ngàn đời của họ. Ngày khánh thành, tôi được nghe kể lại có nhiều cụ già bắt con cháu phải dẫn mình đến để đặt chân lên được cây cầu mới, “ngắm cho đã rồi có chết cũng sướng”.



Trên cầu Tuần, phía sau xa là đỉnh đồi Tứ Tượng



Từ cầu Tuần nhìn về phía hạ lưu sông Hương


Âm lịch

Ảnh đẹp