Bối cảnh lịch sử và các thời đại trong lịch sử Phật giáo
A. BỐI CẢNH LỊCH SỬ
Tín đồ Phật giáo tin rằng có một con người thật được tôn xưng là đức
Phật, hay Đấng Giác Ngộ, đã nhận ra được trí huệ sáng suốt xa xưa, hay
nói đúng hơn là từ vô thủy, của con người. Và ngài đã làm được điều này ở
Bihar, Ấn Độ, vào khoảng từ năm 600 cho đến 400 trước Công nguyên –
thời gian chính xác không được biết.
Trí huệ giác ngộ mà ngài đạt đến có thể trừ đi ba điều bất thiện, cụ thể là:
1. Tránh dùng bạo lực dưới mọi hình thức, từ việc giết hại con người và
các loài động vật, cho đến việc gây sức ép về mặt tinh thần để buộc
người khác phải suy nghĩ khác đi.
2. Tính vị kỷ, hay nói đúng hơn là sự chấp ngã, nghĩa là cố chấp vào
tính hiện hữu của cá nhân mình như một cá thể riêng biệt, được xem như
là nguyên nhân của tất cả mọi đau đớn, khổ não mà con người phải gánh
chịu, và chỉ có thể chấm dứt khi quá trình tu tập giúp đạt đến một trạng
thái hoàn toàn vô ngã, hay còn được gọi bằng một thuật ngữ Phật giáo là
Niết-bàn.1
3. Sự chết, là một trạng thái mê lầm có thể vượt qua được bởi những ai
đạt đến chỗ không còn sự chết, bước vào ngưỡng cửa vô sanh.
Ngoài việc đưa ra những phương pháp đối trị để loại trừ ba điều bất
thiện nêu trên, bản thân đức Phật không hề dựng nên một học thuyết hay
những giáo điều cứng nhắc. Thay vì vậy, ngài thu phục được sự tin tưởng
hoàn toàn là nhờ vào chính những kết quả đạt được thông qua việc chỉ dạy
các đệ tử đi theo một tiến trình tu tập gồm ba phần chính là: giữ giới
luật, tu tập thiền định và duy trì sự tỉnh giác.
Về điểm thứ nhất, nói về bạo lực - thuật ngữ diễn đạt ý không dùng bạo
lực là ahiṃsā, thường dịch là bất hại, có nghĩa là tránh tất cả mọi hình
thức làm tổn hại đến sự sống của muôn loài.. Chỉ xét riêng về điểm này,
Phật giáo là một trong những phong trào chống lại những thế lực chuyên
chế tàn bạo nổi lên vào khoảng 3000 năm trước Công nguyên, với những dự
án phát triển công nghiệp và hoạt động quân sự đã dẫn đến sự lan tràn,
thường là vô nghĩa, của bạo lực và hủy hoại sự sống.
Ngay từ những thời kỳ phát triển rất sớm, nền văn minh con người vốn đã
đi kèm với những sóng gió của việc tranh giành quyền lực và của cải vật
chất. Từ khoảng năm 600 trước Công nguyên, một trong những đợt sóng gió
này đã tràn qua khắp châu Á, từ Trung Hoa sang các vùng đảo Hy Lạp trên
bờ biển Tiểu Á. Điều này đã thúc đẩy mọi sức mạnh tâm linh của con người
phải đứng lên chống lại hệ thống bạo lực đương quyền.
Ở Ấn Độ, sự phản kháng này nổi lên trong một vùng nông nghiệp lúa nước,
khác với các vùng ở về phía tây vốn sống nhờ vào chăn nuôi và trồng lúa
mì. Trong khoảng 2000 năm qua, Phật giáo vẫn luôn phát triển mạnh mẽ chủ
yếu ở các quốc gia trồng lúa nước và không đáng kể lắm ở những nơi
khác. Thêm vào đó, và điều này lại càng khó giải thích hơn, Phật giáo
chỉ lan truyền ở những quốc gia mà trước đây đã từng sùng bái các linh
vật như rắn hoặc rồng, và chưa bao giờ được truyền vào các nước đã từng
ca ngợi việc giết rồng như một chiến công hiển hách, hoặc quy lỗi cho
loài rắn như nguyên nhân gây bệnh tật, rủi ro cho con người.
Về điểm thứ hai, liên quan đến tự ngã, trong việc đưa ra sự đối trị với
chủ nghĩa cá nhân, Phật giáo chủ yếu nhắm đến tầng lớp thị dân đông đảo.
Phật giáo phát triển ở một vùng trên đất Ấn Độ quanh Benares và Patna,
nơi thời đại đồ sắt đã sản sinh ra những ông vua đầy tham vọng xuất thân
từ quân đội, đã thiết lập các vương quốc mênh mông với nhiều thành phố
rộng lớn và sự phát triển rộng rãi việc giao dịch thương mại, có nền
kinh tế tiền tệ khá phát triển và tổ chức cai trị hợp lý. Những thành
phố mới này đã thay thế các xã hội bộ tộc quy mô nhỏ bằng những khu đô
thị có tầm vóc lớn hơn, với tất cả những tội lỗi phi nhân tính, sự
chuyên môn hóa, và cả những hỗn loạn về mặt xã hội mà tất yếu phải dẫn
đến.
Phần lớn công việc hoằng hóa của đức Phật được thực hiện ở các thành phố
lớn, và điều này giúp lý giải cho tính cách tri thức trong lời dạy của
ngài, cũng như phong cách thành thị trong ngôn ngữ được sử dụng và tính
hợp lý trong các tư tưởng được ngài truyền dạy. Đức Phật luôn nhấn mạnh
rằng ngài là một người chỉ đường, không phải một đấng quyền năng, và
rằng mọi sự gợi ý chỉ dẫn đều cần phải được chứng nghiệm, kể cả những
chỉ dẫn của chính ngài.
Nhờ được tôi luyện trong một môi trường giáo dục phóng khoáng, các Phật
tử luôn đáp lại với những gì chưa được chứng minh bằng cách đặt ra những
nghi vấn không mang tính cách đố kỵ, và nhờ vậy mà họ có thể hòa đồng,
thích hợp với tất cả những tín ngưỡng phổ biến khác, không chỉ riêng tại
Ấn Độ, mà còn là ở khắp những quốc gia mà đạo Phật được truyền đến.
Về điểm thứ ba, liên quan đến cái chết. Có điều gì đó trong vấn đề này
mà chúng ta không hoàn toàn hiểu hết được. Rõ ràng là đức Phật chia sẻ
một quan niệm vốn đã có từ những giai đoạn rất sớm trong lịch sử loài
người, rằng cái chết không phải là một yếu tố bắt buộc phải có trong sự
sống chân thật, mà là dấu hiệu cho thấy chúng ta đã có điều gì đó sai
lầm. Nói sai lầm, là vì xét về bản thể, chúng ta vốn bất diệt và có khả
năng chiến thắng cái chết để đạt đến đời sống vĩnh cửu bằng vào những
pháp môn tu tập. Đức Phật cho rằng cái chết dẫn đến là do một sức mạnh
của tội lỗi, gọi là Mara.1 Thần chết cám dỗ chúng ta rời xa tự thể chân
thật bất diệt, và lôi kéo chúng ta ra khỏi con đường có thể dẫn trở về
trạng thái tự do. Dựa trên nguyên tắc “kẻ yếu hơn phải chết”, chúng ta
bị trói buộc vào ảnh hưởng sự lôi cuốn của tội lỗi do lòng tham và sự
chấp ngã, mà chấp ngã vốn chính là biểu hiện của lòng tham.
Khi rũ bỏ được mọi sự chấp ngã, chúng ta có thể vượt ra khỏi ảnh hưởng
của cái chết, và đạt đến chỗ thoát ra khỏi sự nối tiếp vô tận của những
cái chết, không còn bị chúng cướp đi sự sống miên viễn chân thật.
B. PHÂN ĐOẠN CÁC THỜI KỲ PHẬT GIÁO
Cho đến nay Phật giáo đã tồn tại hơn 2.500 năm, và trong suốt thời kỳ
này, Phật giáo đã trải qua những thay đổi sâu xa và cơ bản. Để thuận
tiện trong việc xem xét, lịch sử Phật giáo có thể được tạm chia thành
bốn thời kỳ.
Thời kỳ thứ nhất là thời kỳ Phật giáo nguyên thủy, phần lớn trùng khớp
với giai đoạn mà sau này được gọi là Tiểu thừa. Thời kỳ thứ hai được
đánh dấu bởi sự phát triển của giáo lý Đại thừa. Thời kỳ thứ ba là sự
phát triển của Mật tông và Thiền tông. Các thời kỳ này kéo dài đến
khoảng thế kỷ 11. Sau đó Phật giáo không còn sự thay đổi nội tại nào
đáng kể nữa mà chỉ tiếp tục duy trì. Và khoảng thời gian 1000 năm gần
đây có thể được xem như là thời kỳ thứ tư.1
Về mặt địa lý, Phật giáo ở thời kỳ đầu giới hạn gần như chỉ trong phạm
vi Ấn Độ. Sang đến thời kỳ thứ hai, Phật giáo bắt đầu cuộc chinh phục
sang Đông Á, và bản thân lại cũng chịu ảnh hưởng đáng kể bởi những tư
tưởng bên ngoài Ấn Độ. Trong suốt thời kỳ thứ ba, có nhiều trung tâm
phát huy một cách sáng tạo các tư tưởng Phật giáo được hình thành bên
ngoài Ấn Độ, đặc biệt là ở Trung Hoa.
Về mặt triết học, thời kỳ đầu tập trung vào những vấn đề tâm lý, thời kỳ
thứ hai là những vấn đề về bản chất của sự hiện hữu, và thời kỳ thứ ba
là về các vấn đề vũ trụ. Thời kỳ đầu chuyên chú đến việc cá nhân cố gắng
tự nhiếp phục tâm ý mình, và sự phân tích tâm lý là phương tiện được
dùng để đạt đến sự chế ngự tâm. Thời kỳ thứ hai chuyển sang bản chất tự
nhiên của thực thể,1 hay được gọi là tự tánh; và sự nhận thức của tâm về
tự tánh của vạn hữu được xem là yếu tố quyết định để đạt đến sự giải
thoát. Thời kỳ thứ ba xem việc điều chỉnh tự thân cho hài hòa với vũ trụ
là đầu mối để đạt đến giác ngộ, và sử dụng những phương thức có tính
cách mầu nhiệm, huyền bí từ thời cổ xưa để làm được điều đó.
Trên phương diện giải thoát, các thời kỳ này khác nhau về quan niệm đào
luyện con người. Trong thời kỳ đầu, lý tưởng mà sự tu tập nhắm đến là
thánh quả A-la-hán,2 nghĩa là bậc đã dứt trừ hết ái nhiễm, mọi dục vọng
đều dứt sạch, và không còn phải tái sinh trong luân hồi. Thời kỳ thứ
hai, mẫu mực được hướng đến là Bồ Tát,3 người phát nguyện cứu độ toàn
thể sinh linh và tin tưởng chắc chắn vào việc tự mình có thể đạt đến sự
giác ngộ hoàn toàn để trở thành một vị Phật. Thời kỳ thứ ba, lý tưởng
được nhắm đến là các vị Tất-đạt,4 người đạt đến sự hòa hợp hoàn toàn với
vũ trụ, không còn bất cứ giới hạn nào, và hoàn toàn tự tại trong sự vận
dụng những năng lực của vũ trụ trong tự thân cũng như đối với ngoại
cảnh.
Những tôn giáo khác có lẽ cũng đều có những thay đổi đáng chú ý như vậy,
nhưng điều đặc biệt của Phật giáo là những thay đổi trong mỗi một giai
đoạn mới đều được hỗ trợ bởi sự hình thành một loại kinh tạng mới, mặc
dù được viết ra nhiều thế kỷ sau khi Phật nhập diệt, nhưng vẫn được xem
là lời Phật dạy. Kinh tạng của thời kỳ đầu, đến thời kỳ thứ hai được bổ
sung thêm rất nhiều kinh điển Đại thừa, và đến thời kỳ thứ ba là một số
lượng khổng lồ các kinh Tan-tra.5 Tất cả những kinh sách xuất hiện về
sau này đều vô danh, theo nghĩa là tác giả của chúng không được biết
đến. Và việc cho rằng tất cả những kinh sách này đều do chính miệng Phật
thuyết sẽ có liên quan đến một quan niệm khá linh hoạt về đức Phật.1
Thực ra, trong một quãng thời gian bất kỳ nào đó, những phát triển mới
không phải hoàn toàn thay thế hết những cái cũ. Những trường phái cũ vẫn
song song tồn tại với những trường phái mới, mặc dù thường phải chịu
ảnh hưởng thay đổi rất đáng kể. Phật giáo nguyên thủy trong thời kỳ thứ
nhất, khi bước sang thời kỳ thứ hai đã hấp thụ rất nhiều giáo lý của Đại
thừa. Và sự tiếp xúc giữa các kinh Tan-tra với kinh điển Đại thừa đã
dẫn đến một sự tổng hợp diễn ra tại các trường đại học Bengal và Orissa
suốt thời đại Pla.2 Tập sách này chỉ tập trung vào những đột biến mang
tính sáng tạo, và điều đó sẽ là định hướng trong suốt quá trình hình
thành tập sách.
Sự phân chia lịch sử Phật giáo thành những giai đoạn 500 năm không chỉ
phù hợp với các sự kiện, mà còn được đề cập đến trong nhiều tác phẩm
Phật học ra đời vào khoảng đầu Công nguyên. Năm giai đoạn, mỗi giai đoạn
là 500 năm, được kể ra như để đánh dấu sự suy yếu liên tục của giáo lý
theo thời gian. Và người ta cho rằng, giống như vạn vật ở đời, tăng đoàn
Phật giáo và giáo lý rồi cũng sẽ phải chịu sự suy tàn. Trong mỗi thời
kỳ, phần tâm linh sẽ sa sút dần. Và sau 2.500 năm, ngọn lửa tâm linh
được dự báo là sẽ đi dần đến chỗ sắp tắt hẳn.3 Cho dù quan sát thực tế
có chứng minh được sự suy thoái theo như dự đoán này hay không, nó vẫn
có một ảnh hưởng mạnh mẽ về mặt tinh thần đối với tín đồ Phật giáo trong
những thời đại tiếp theo sau đó, và chúng ta sẽ vẫn còn nghe nhắc lại
điều này nhiều lần nữa. Câu chuyện về lịch sử Phật giáo quả thật không
chỉ toàn một vẻ huy hoàng, mà còn có cả những bi thương nữa.
Đối với các sử gia hiện đại, Phật giáo là một hiện tượng gây khó khăn về
mọi mặt cho công việc của họ. Và chúng ta chỉ có thể an ủi họ rằng,
Phật giáo không được hình thành để dành cho các sử gia. Họ thiếu hẳn các
thông tin chính xác về lịch sử Phật giáo nguyên thủy tại Ấn Độ. Và
không những ngày tháng, tác giả, nơi chốn phát sinh của hầu hết các văn
bản hiện có đều hầu như hoàn toàn không được biết, mà ngay cả giáo lý
đạo Phật cũng tạo cho các sử gia một ấn tượng như là không thỏa mãn và
rất khó nắm bắt. Các Phật tử thường có khuynh hướng làm cân bằng một
phát ngôn bằng cách đưa ra một phát biểu đối nghịch lại, và chân lý đạt
đến không phải bằng cách chọn lựa giữa hai đối nghịch này, mà là sự kết
hợp cả hai.
Như vậy thì, ngoài việc sử dụng chung các thuật ngữ đặc thù của Phật
giáo, còn có điểm chung nào giữa những giáo lý thuộc các trường phái
khác biệt nhau chăng? Và có những yếu tố chung nào giữa những người học
Phật để có thể cho phép chúng ta gọi chung tất cả là Phật tử?
1. Trong số những yếu tố ổn định hơn cả, sự tổ chức các tự viện là hiển
nhiên và đáng chú ý nhất. Sự kế tục của tính tổ chức này là nền tảng hỗ
trợ cho mọi điều khác.1
2. Tiếp đến chúng ta có một hệ thống những phương pháp thiền định được
truyền nối như là một yếu tố bất biến khác. Chính những phép thiền định
này đã tạo nên khuôn mẫu cho các thế hệ Phật tử nối tiếp nhau, và hầu
như chắc chắn mang lại một hiệu quả khá đồng nhất cho bất cứ ai chịu đặt
mình vào trong vòng ảnh hưởng của chúng.2
3. Thứ ba, tất cả Phật tử đều hướng đến chỉ một mục đích, và hoàn toàn
giống nhau, đó là diệt trừ tận gốc sự chấp ngã, từ bỏ quan niệm về một
bản ngã riêng biệt của cá nhân trong toàn thể. Và những điều được thuyết
giảng, cũng như công phu thực tế hành trì của họ đều hướng đến sự vun
bồi cho các đức tính tâm linh rất dễ dàng nhận ra, như là tính điềm
tĩnh, tính độc lập, hoặc luôn quan tâm và từ ái với kẻ khác. Trong kinh
văn, giáo pháp được so sánh như là một mùi vị, nghĩa là để trực tiếp cảm
nhận. Lời vàng của Phật trong các kinh điển được xác định là mang lại
mùi vị an lạc, giải thoát và Niết-bàn. Lẽ dĩ nhiên đó là những phẩm chất
đặc biệt không dễ gì mô tả được, và chắc chắn sẽ xa lạ với những ai từ
chối việc tự mình thể nghiệm trong thực tế.
4. Trong suốt lịch sử của mình, Phật giáo có sự thống nhất của một hệ
thống tổ chức, trong đó mỗi một phát triển mới đều diễn ra trong sự kế
tục của những gì trước đó. Một con nòng nọc so với con ếch thật vô cùng
khác biệt, vậy mà chúng lại là những giai đoạn khác nhau của cùng một
loài vật, và đã liên tục tiến hóa từ con này đến con kia. Sự chuyển hóa
của Phật giáo chắc hẳn sẽ gây ngạc nhiên cho những ai chỉ nhìn vào kết
quả cuối cùng, bị ngăn cách bởi thời gian, đã khác biệt với nhau như
giữa con nhộng với con bướm. Thật ra, chúng được liên kết với nhau bởi
các giai đoạn chuyển tiếp từ cái cũ đến cái mới mà chỉ có thể nhận ra
được qua sự nghiên cứu tường tận. Trong Phật giáo không có gì thực sự là
mới. Những gì có vẻ như mới, thật ra chỉ là sự điều chỉnh một cách tinh
tế những ý tưởng đã có từ trước kia.
° ° °
Sự phát triển liên tục và truyền thừa thích hợp của giáo pháp luôn hết
sức được chú trọng. Đây không phải là những luận thuyết rối rắm của
những kẻ theo chủ nghĩa cá nhân muốn nỗ lực tạo ra sự độc đáo cho riêng
mình bằng mọi giá. Trái lại, chúng ta có các bậc thầy đã hình thành nên
những bộ phái, trường phái đa dạng khác nhau, và sự truyền thừa qua các
đời tổ sư đã duy trì tính liên tục của Phật giáo trong nhiều thế kỷ.
http://rongmotamhon.net/mainpage/detail.php?ID=416&p_id=1