LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT BẬC BỒ TÁT
SÁNG RỰC KHẮP BỐN PHƯƠNG &
NHỮNG BƯỚC CHÂN NHẸ NHÀNG TRỞ VỀ SỰ IM LẶNG
Phạm Công Thiện
Nhà xuất bản: Phương Đông TP. Hồ Chí Minh 2010
CHƯƠNG 1
NHỮNG ĐIỀU KIỆN CẦN THIẾT
TRƯỚC KHI ĐỌC TỤNG KINH PHẬT
1. Những điều kiện cần
thiết trước khi đọc tụng kinh Phật
Cần thực hành những nghi thức trì tụng kinh Phật,
như bài tán lư hương, chơn ngôn tịnh pháp giới, chơn ngôn tịnh khẩu
nghiệp, chơn ngôn tịnh ba nghiệp, chơn ngôn phổ cúng dường, bài văn phát
nguyện và bài kệ khai kinh:
“Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,
Bách thiên vạn
kiếp nan tao ngộ,
Ngã kim kiến văn
đắc thọ trì,
Nguyện giải Như
Lai chơn thiệt nghĩa.”
Và cung kính xưng danh niệm Phật cúi lạy Đấng Bổn
Sư ba lần. Theo truyền thống lâu đời của Phật giáo Việt Nam và Phật giáo
Trung Hoa, đây là những điều kiện tâm linh để mở rộng cõi lòng mình, tha
thiết kính ngưỡng quì lạy chư Phật, quì lạy Tam Bảo thường trụ, tri ơn
và phát nguyện lớn cứu khổ tam đồ, phát Bồ Đề Tâm và nguyện hết lòng trì
tụng kiến giải chân thực nghĩa của chân ngữ Như Lai.
Nói theo ngôn ngữ bình thường, trước khi làm bất cứ
việc gì tinh thần chúng ta phải cần sạch sẽ và sáng suốt, cần phải linh
động, uyển chuyển nhịp nhàng, tinh thành mở rộng ra cõi bao la linh
thiêng đang hiện ra ngay trước mắt. Bất cứ việc gì, dầu là việc nhỏ nhặt
tầm thường nhất, đều tạo ra những hậu quả lớn lao bất ngờ, huống chi là
đọc tụng kinh Phật. Phải trải qua biết bao nhiêu trăm ngàn vạn kiếp mà
vẫn khó có thể gặp nghe thấy được kinh Phật trong hiện tại thoáng mất;
chúng ta đã tạo ra được vô lượng phước đức trong tiền kiếp, cho nên kiếp
này mới được dịp tốt để nghe kinh Phật một lần hy hữu trong đời người.
Nguyên động lực nào khiến ta tìm đọc kinh Phật? Mở
rộng kiến thức? Để khoe rằng mình hiểu Phật Giáo? Để thỏa mãn tính hiếu
kỳ? Để có lòng tin vững chắc vào Phật Pháp? Có rất nhiều động lực thúc
đẩy mình, và ít khi mình ý thức được trọn vẹn những động lực tiềm ẩn
trong lòng vào lúc mình bắt đầu đọc tụng kinh Phật. Tất cả nguyên động
lực của thế gian đều sai lầm. Chỉ có một nguyên động lực duy nhất để đọc
tụng kinh Phật một cách đứng đắn là phát dậy Bồ Đề Tâm, dũng mãnh quyết
tâm đọc tụng kinh Phật để tu hành ngay lập tức, vì lợi ích bao la cho
tất cả chúng sanh. Chỉ có sự hoài nghi chính đáng là hoài nghi về chính
bản ngã và bản thân. Khi mình đã hoài nghi tất cả mọi sự mà bỏ quên sự
hoài nghi về chính cái “tôi” và cái “của tôi” ở chính mình thì tất cả sự
hoài nghi đã mất hết nền tảng hiện hữu.
Ngôn ngữ của chư Phật và chư Bồ Tát là ngôn ngữ tự
xóa mất trong từng chữ và từng tiếng để bất ngờ khai mở một thế giới vô
tận và mới lạ, và chỉ khi nào cái bản ngã hạn hẹp của mình bị nghiền nát
thành tro bụi thì may ra lúc ấy mới bừng sáng lên tất cả chân thực nghĩa
vô lượng của Như Lai.
Mình phải đọc tụng kinh Phật với tất cả tinh thần
khẩn trương của một kẻ bị xử tử hình đang quì cúi lạy trong xà lim tối
đen, đang lắng nghe sự im lặng trườn mình qua nỗi chết sắp đến...
Mình cũng có thể đọc tụng kinh Phật như người đã bị
tước đoạt mất hết tất cả trong đời sống, và bỗng nhiên bất thần lại được
tìm thấy một kho tàng trân bảo vô lượng trước mắt mình; niềm vui sướng
vô tận, cơn khoái lạc tràn trề tràn ngập cả thể xác lẫn tinh thần mà
trọn cả đời người chưa bao giờ có được cảm thức phi thường như vậy.