Bức ảnh gây xúc động mạnh cho nhiều người và xuất sắc đoạt được giải nhất chung
cuộc trong cuộc thi ảnh về môi trường năm 2011 do Viện Chartered, London tổ
chức dành cho dân chuyên nghiệp hoặc chưa chuyên nghiệp.
Chính
vì tính thời sự và nhân văn của bức ảnh nên nó đã đánh bại nhiều bức ảnh nặng
ký khác và vượt qua trên 10.000 tác phẩm dự thi để dành ngôi “quán quân”.
Bức ảnh "Vô gia cư" đoạt giải nhất chung cuộc trong cuộc thi ảnh môi trường năm 2011
Bỏ
qua tính nghệ thuật của bức ảnh, chỉ nói về nội dung bức ảnh: hai em bé đầu tóc
bù xù, áo quần dơ dấy ngồi bên đống rác, nước mắt lưng tròng, bạn suy nghĩ đến
điều gì?
Riêng
tôi, nghĩ đến một nỗi sợ đang phủ trùm lên hai tâm hồn bé dại, giữa cái mênh
mông của rác cũng là cái mênh mông của đời, của đói nghèo, bệnh tật, mù chữ. Và
vòng lẩn quẩn ấy sẽ còn đè nặng không biết bao nhiêu kiếp người, thân phận nhỏ
bé nơi cõi đời này. Họ khổ, mà mình không thương sao được, lương tâm mách bảo
điều đó và trái tim co thắt lại, nước mắt chực trào theo giọt nước mắt sắp rơi
ra của hai em bé.
Rồi
tôi liên tưởng đến tuổi thơ của mình, đã từng chạy đi tìm mẹ và ngoại giữa mênh
mông mưa gió trong một ngày mưa tháng 10, tầm tả, vì nỗi sợ giông gió, khi mẹ
và ngoại để tôi ở nhà một mình và đi bắt công dặm lúa. Nỗi sợ của đứa trẻ giữa
mênh mông gió bão, ký ức về sự cô đơn, thiếu thốn, về sự nghèo khó, đơn độc
giữa cuộc đời là ký ức in hằn sâu sắc mà mỗi khi có dịp nó lại trỗi dậy và đồng
cảm.
Đôi
khi mình khổ, mình trải nghiệm nỗi khổ đau nơi cuộc đời này cũng là điều tốt,
điều đó dễ giúp mình bắt mạch cuộc sống, đồng điệu và sẻ chia trước những số
phận con người thăm thẳm, mù tăm như mình đã từng… Để mình không vô cảm! Như
hai câu thi kệ mà tôi tâm đắc: “Không khổ đau lấy chi làm chất liệu/ Không buồn
thương sao biết chuyện con người…”.
Rồi
tôi lại nhớ đến hình ảnh một vị sư trẻ đã từng kể tôi nghe về hành trình xuất
gia ba chìm bảy nổi của mình. Rằng sư từng ở “lộn chỗ”, nơi một ngôi chùa mà
thời đó người ta xây dựng là để quy tập những trẻ em nghèo, côi cút hầu biến
thành “trung tâm từ thiện”. Sư bảo: “Nói ra thì thật đau lòng nhưng không phải
không có điều đó”. Nhận ra nên sư đã rời chốn đó trong một đêm lạnh, cũng là
nỗi cô đơn và vô định như ánh mắt hai đứa trẻ giữa bãi rác này. Tôi hình dung
thế và thấy thương đến lạ lùng trước mơ ước của sư trong đêm đó, lúc mà sư còn
là đứa trẻ, mới học lớp 7, rằng: “Mình đi ngoài đường, lội trong đêm tối mà ước
ao ai đó hỏi mình một tiếng, chìa bàn tay ra giúp mình thì hạnh phúc biết
nhường nào”.
Vị
sư trẻ ngày ấy không được sự giúp đỡ của người khác có lẽ vì đêm khuya, nhưng
sư đã không thối thất tâm Bồ đề, không từ bỏ đường tu, cũng không mất niềm tin
nơi đời nên đến bây giờ sư vẫn mang hình tướng tu sĩ, đầu tròn áo vuông, hành
thiện và hiến tặng cho đạo, cho đời những ý tưởng đẹp, dấn thân, chia sẻ…
Nhưng,
không phải ai cũng làm được điều đó, nhất là với những đứa trẻ vô gia cư, lớn
lên từ những bãi rác, tiếp xúc với rác thật và “rác đời” (với những cái nhìn rẻ
khinh, những sự lạm dụng của những con người có tâm hồn bẩn…). Cuộc sống và sự
khắc nghiệt ấy sẽ đẩy những thân phận vô gia cư đi xa nẻo thiện và biết đâu
trong muôn trùng sóng gió cuộc đời ấy các em sẽ bị đồng hóa thành những con
người mang trái tim đớn hèn trước vật chất, trước những vết nhơ cuộc đời?
Thế
giới 7 tỉ người (vào hôm qua, 31-10), thế giới chật chội, đông đúc và lắm nỗi
âu lo như là đói nghèo, bệnh tật, môi trường bị tàn phá, ô nhiễm… Tất cả những
nỗi ưu tư ấy ta biết gửi về đâu cho tâm hồn bằng an?
Câu hỏi sẽ được trả lời
ngay, rằng hãy quay về tự thân, “nương tự tánh làm lành”, tự tánh - Phật tánh
ấy chính là chiếc phao cứu con người và chúng sanh vượt thoát sanh tử, trở về
ngôi nhà tịnh độ, ngôi nhà vô sinh bất diệt… Và như vậy, sự vô gia cư hình
tướng nơi cõi Ta bà này sẽ chỉ là biểu hiện tạm bợ bởi nó không phải thật
tướng, bởi ai cũng có đường đi, có nẻo về, đường bát chánh, nẻo về của tâm giải
thoát rồi!
Lưu Đình Long