19/07/2012 14:37 (GMT+7)
Số lượt xem: 82696
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Dự định phải mua vé tham quan mới được vào lễ chùa Yên Tử vừa được nêu ra, không trên cơ sở nghiên cứu xã hội, trưng cầu ý kiến nào.

Vấn đề đặt ra là khi các khoản thu từ khách thập phương đã rất lớn, tại sao lại phải cố nghĩ thêm một cách để người dân phải bỏ thêm tiền?

Việc bỏ vé tham quan những năm qua đã góp phần khiến khu thắng tích Yên Tử, Uông Bí, Quảng Ninh trở thành điểm đến của đông đảo người dân mọi miền đất nước. Trước kia, số tiền mua vé không quá lớn, nhưng việc không phải trả phí tham quan khi về với đất Phật, về với miền thánh địa để chiêm bái công đức của chư tổ Thiền phái Trúc Lâm, thưởng ngoạn cảnh sắc núi rừng Yên Tử hùng vĩ, đã tạo tâm lý thoải mái, gần gũi đối với thiện tín bốn phương, du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó, các điều kiện khác ngày càng được củng cố như sự thuận lợi của giao thông, hệ thống bến bãi, cơ sở dịch vụ, hệ thống cáp treo phát triển và đường đi bộ được xây dựng… đều giúp cho việc hành hương, tham quan khu thắng tích được thuận tiện, văn minh. Theo con số thống kê năm nay, lượng khách du lịch về dự lễ hội Yên Tử đã tăng đến 2,2 triệu. Yên Tử được ghi nhận là nơi tổ chức lễ hội lớn và tốt.

Không nên thu tiền vé tham quan Yên Tử

Trên xu thế đó, điều rất đáng ngạc nhiên và bất hợp lý là dự định tái thu phí tham quan khu thắng tích Yên Tử. Dự định này nằm trong phương án tăng cường công tác quản lý, khai thác, tôn tạo, bảo tồn khu du lịch – danh thắng Yên Tử của UBND TP Uông Bí, gần đây đã được đưa ra báo cáo, trao đổi. Phương án này xác định những nhiệm vụ quản lý đối với khu thắng tích, đặt ra các yêu cầu phát triển khu thắng tích bằng các biện pháp nghiên cứu, sưu tầm các giá trị di tích, bảo tồn, trùng tu để lưu giữ lâu dài, tôn tạo đảm bảo tính nguyên vẹn, hài hòa và dựa trên cơ sở khoa học. Bên cạnh đó, yêu cầu cũng đặt ra việc lập hồ sơ khoa học các di tích, nhà trưng bày về Thiền phái Trúc Lâm và Phật giáo Việt Nam, bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa lễ hội Yên Tử, các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Trong vấn đề huy động các nguồn đầu tư xã hội hóa, phương án này đặt ra việc tranh thủ nguồn lực đầu tư từ nguồn vé tham quan vãng cảnh của du khách. Đặc biệt nhấn mạnh việc đề xuất: “Cho triển khai thu phí tham quan khu di tích Yên Tử – Rừng Quốc gia Yên Tử để tạo nguồn kinh phí chủ động cho công tác hoạt động, quản lý, bảo tồn và một phần đầu tư trùng tu, tôn tạo Khu di tích danh thắng Yên Tử”.

Theo phân tích từ Ban Quản lý Dự án tôn tạo Yên Tử thì ở Yên Tử có hai hoạt động chính: Hoạt động tâm linh và sử dụng các dịch vụ. Về hoạt động tâm linh thì không thể thu phí được mà chỉ có thể kêu gọi mọi người phát tâm, việc này nhà chùa đã đảm nhận, còn dịch vụ thì người dân trả phí theo nhu cầu sử dụng như trông xe, vệ sinh, ăn uống… Còn kinh phí hoạt động của Ban Quản lý di tích thì cũng đã có ngân sách, có thuế thu được từ Yên Tử, mỗi năm hơn 30 tỉ… Như vậy thì không nên thu tiền trực tiếp từ người hành hương mà nên thu gián tiếp qua các hoạt động dịch vụ.

Nhiều ý kiến cho rằng, không nên thu phí tham quan Yên Tử. Đại bộ phận người dân đến đây còn nghèo, thu nhập thấp, phải chi phí thêm tiền vé, liệu họ có còn điều kiện và sự thoải mái về tâm lý để đến với đất Phật nữa hay không? Mặt khác, muốn quy tụ tâm linh thì phải xuất phát từ sự tự nguyện, nay yêu cầu mua vé thì mới được vào Yên Tử sẽ mang ý nghĩa bắt buộc đối với Phật tử, du khách đến khu danh thắng. Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế, Đảng và Nhà nước đang đề ra nhiều chính sách miễn, giảm thuế, lệ phí, nay tại Yên Tử thu phí chắc chắn sẽ gây bức xúc trong dư luận.

Thực tế, nguồn kinh phí đầu tư hàng năm tại khu thắng tích Yên Tử từ ngân sách Nhà nước, từ các hoạt động dịch vụ, từ tiền công đức của khách thập phương là rất lớn. Khu thắng tích cần được bảo vệ, tôn tạo, các hoạt động quản lý, khai thác, tổ chức lễ hội, sự kiện cần được vận hành trôi chảy, không thể không có kinh phí đầu tư. Nhưng cũng không đến mức phải thu của mỗi người dân đến Yên Tử thêm một khoản phí mua vé tham quan nữa. Bình thường không phải mua vé, nhưng số tiền người dân về đây, chi vào các dịch vụ và công đức tự nguyện, đã rất đáng kể. Cần bỏ ngay dự định thu phí tham quan khi mà việc không thu phí những năm qua được “mặc định”, đã trở thành ấn tượng đẹp với công chúng. Việc tăng giá vé tham quan vịnh Hạ Long một cách vội vã ngay sau khi được công nhận là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới đã gây phản ứng mạnh mẽ. Hy vọng UBND TP Uông Bí không đi lại “vết xe” này. Cần nhìn khu thắng tích như một chốn tâm linh thiêng liêng, thu hút được sự hướng tâm của đông đảo công chúng, chứ không thể coi đó như một “chiếc máy hái ra tiền”!

Khu di tích danh thắng Yên Tử bao gồm một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hòa quyện với cảnh vật thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Đỏ đến núi Yên Tử theo chiều cao dần thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long khoảng hơn 40km, cách thị xã Uông Bí khoảng 14km.

Từ thời Lê, Nguyễn thì Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo Việt Nam và được vua quan các triều đại quan tâm tôn tạo, sửa chữa nên khu di tích Yên Tử là sự kết tinh, sự hội tụ của nền văn hóa dân tộc với dáng dấp kiến trúc, hoa văn trang trí và các mảng chạm khắc mang đậm dấu ấn của các thời đại.

 Theo Năng lượng mới


Âm lịch

Ảnh đẹp