16/07/2012 19:09 (GMT+7)
Số lượt xem: 384964
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tỳ Kheo Thích Kiến Nguyệt trong buối hội thảo ảnh của Ngọc Lang
Lời dẫn của NVA

Sáng ngày 22- 6- 2012 tại Hội trường Khách sạn La Thành- Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm do Quỹ Hợp Tác & Phát Triển (C&D website: cdfund. org.vn) tổ chức, với sự tham gia của các học giả, nhà văn hoá thuộc Ban tôn giáo Chính phủ, Hội di sản văn hoá Việt Nam, Uỷ Ban UNESSCO Việt Nam, Thượng toạ Thích Kiến Nguyệt trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng Bắc Giang đang xây dựng, UBND tỉnh Bắc Giang, Huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang…
Nhà văn Mai Thục (cố vấn Quỹ Hợp Tác & Phát Triển) đã chuyển cho chúng tôi một vài bài tham luận cơ bản về sự trấn hưng Phật giáo thời Trần, Thiền Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, mà chùa Vĩnh Nghiêm là chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm.

Paris,22.06.2012
NEWVIETART.COM




 
 

 


I.- SƠ LƯỢC VỀ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Hơn 22 thế kỷ, từ thời Hùng Vương đến nay, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc thịnh suy theo sự thăng trầm của đất nước. Từ thuở bình minh Phật giáo VN tu theo các pháp Thiền Ấn Độ, từ thế kỷ thứ 6 trở đi, tu theo các pháp Thiền Trung Hoa; chư Tổ VN nhiều vị tu hành chứng đắc, đạo cao đức trọng, có vị đã để lại nhục thân như các thiền sư: Từ Đạo Chân, Từ Đạo Minh, Chuyết Công, Như Trí,… chẳng kém gì các Tổ người Trung Hoa. Sau khi ngộ đạo, các Ngài xiển dương các pháp mà mình đã tu, đã chứng, đã ngộ, chưa có vị Tổ sư nào sáng tạo nên đường lối tu hành, mang bản sắc văn hóa dân tộc, đặc thù cho Phật giáo Việt Nam. Mãi đến thế kỷ 13, khi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con rồi lên núi Yên Tử tu hành ngộ đạo, Ngài mới dung hợp ba dòng Thiền của Trung Hoa sáng lập dòng Thiền VN có tên là Thiền Trúc Lâm Yên Tử, mang bản sắc văn hóa đặc thù của Phật giáo Việt Nam. Đến nay tinh thần Phật giáo đời Trần, vẫn còn xứng đáng là ngọn đuốc soi đường cho Phật giáo Việt Nam ở thời đại khoa học kỹ thuật viễn thông toàn cầu, xứng đáng là niềm tự hào của dân tộc sánh vai cùng Phật giáo thế giới. Vì nó đi đúng với tinh thần giáo lý của đạo Phật, không mang màu sắc tín ngưỡng của tôn giáo, “Phật tại tâm” “Tâm lặng mà biết đó là chơn Phật” (lời dạy của Quốc sư Trúc Lâm còn gọi là Đạo Viên nói với vua Trần Thái Tông). Đời nhà Trần đã biết Phật ở tại tâm, tâm lặng mà thường biết đó là tâm Phật. Phật và chư Tổ tu hành ngộ đạo đều nói “tức tâm tức Phật”, vậy mà ngày nay mình là con cháu trong nhà, Tổ mình đã dạy rõ ràng mà chẳng biết, chẳng nghe “vác Phật đi cầu Phật bên ngoài” thật đáng thương! Vì bị mê hoặc mà quên mất Phật tại tâm, nên Tổ nhắc “kho báu nhà mình chẳng đoái hoài đi tìm kho báu nhà người” cũng vì vọng ngoại, bị nô dịch tôn giáo gần cả nghìn năm nên chẳng biết, chẳng tỉnh, thật đáng thương và đáng buồn. Đạo Phật là đạo giác ngộ, giải phóng con người thoát khỏi nô lệ thần linh, Phật đã dạy “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Người tu theo đạo Phật là người chuyển hóa cái tâm phàm phu đầy “vọng tưởng đảo điên” suốt ngày bị thất tình lục dục dẫn lôi, buông bỏ mọi vọng niệm đưa tâm về trạng thái an tịnh thường biết rõ ràng. Tâm đó là tâm Phật. Tu mà không chịu buông bỏ vọng niệm, chuyển hóa nội tâm chỉ lo cúng kính cầu xin Phật, Bồ Tát, tu như thế thì đến bao giờ tâm được an lạc, giác ngộ giải thoát. Tổ Trúc Lâm đã nói:

Vậy mới hay! Bụt ở “cong” nhà,
Chẳng phải tìm xa,
Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt
Đến “cốc” mới hay “chỉ” Bụt là ta

( Phú Cư Trần Lạc Đạo – Hội thứ năm)

Phật hoàng Trần Nhân Tông sau khi ngộ đạo Ngài đi khắp nơi trong nước dẹp bỏ những “dâm từ”, và dạy dân tu Thập Thiện. Thiền phái Trúc Lâm tuy chủ trương tu Thiền, nhưng các Ngài vẫn giảng dạy Kinh, Luật, Luận cho Tăng Ni Phật tử. Chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc giang xưa kia là Trung tâm hành đạo của Thiền phái Trúc Lâm, là trường Đại học Phật giáo đầu tiên của nước Đại Việt, là nơi Tam Tổ Trúc Lâm đều về đây giảng dạy cho hơn 1500 Tăng Ni. Hiện nay lưu giữ 3050 mộc bản in kinh. Những mộc bản này vừa qua tại kỳ họp thứ 5, Ủy Ban Ký Ức Thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã công nhận mộc bản chùa Vĩnh Nghiêmdi sản ký ức thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2012.

Theo các tài liệu còn sót lại cho biết, đời Trần phát hành kinh sách Phật giáo rất nhiều, đặc biệt có bản bằng chữ Nôm. Nhưng rất tiếc tất cả kinh sách đó và sử liệu về Phật giáo VN đã bị nhà Minh khi sang cai trị nước ta (TK.XV), gom góp, vét sạch đem về Kim Lăng, áp dụng chính sách hà khắc, hủy diệt văn hóa, để đồng hóa dân tộc ta.

Qua sử liệu chúng ta được biết: Phật giáo đời Trần đã đem lại sự thái bình, sự an cư lạc nghiệp cho nhân dân, sự cường thịnh cho đất nước, tinh thần tự lực, tự cường và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Rất tiếc các nhà Nho thời bấy giờ chỉ biết cái học Tống Nho là độc tôn, không thấy được giá trị của đạo Phật và nền văn hóa truyền thống độc lập, tự lực, tự cường, của dân tộc, đã đưa đất nước trở lại nô dịch nền văn hóa Trung Quốc, không nghĩ đến “văn hóa còn đất nước còn, văn hóa mất thì mất nước”. Đến nay, còn nhiều người vẫn chưa tỉnh, chưa nhận ra cái họa nô dịch văn hóa và chính sách thâm độc hủy diệt văn hóa của ngoại bang để đồng hóa dân tộc ta, nên hướng ngoại, không ý thức được việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là bảo vệ nền độc lập quốc gia, và không nhận thức được chính sách xâm lăng của ngoại bang bằng con đường đồng hóa văn hóa, tôn giáo và lễ nghi…, nên vẫn thờ ơ trước sự nô dịch văn hóa, lễ nghi qua các thời khóa công phu trong chùa. Chúng tôi mong rằng đọc đoạn sử liệu đã ghi trong Đại Việt Sử ký Toàn Thư sau đây những ai yêu quê hương và dân tộc sẽ đề cao cảnh giác về âm mưu thâm độc để thôn tính VN của ngoại bang qua con đường văn hóa, tôn giáo, từ đó có ý thức và hành động về việc bảo tồn bản sắc văn hóa Phật giáo VN.

Đại Việt Sử ký Toàn thư cho biết “Từ thế kỷ thứ 13, Trung Hoa không mấy bằng lòng khi thấy Đại Việt phát triển một nền văn hóa độc lập. Năm 1261, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt đã sai Lễ bộ lang trung là Mạnh Giáp và viên ngoại lang là Lý Văn Tuấn mang thư sang nước ta dụ triều đình Đại Việt nên theo văn hóa Trung Quốc, đừng thay đổi phong tục lễ nhạc và phẩm phục” Các Nho sinh được tuyển chọn vào phụng sự quốc gia thường có khuynh hướng Bắc hóa, muốn thay đổi pháp độ cho giống Trung Quốc. Phép thi cử, phép đặt làm quan lại, Tết nhất, v..v dưới ảnh hưởng của các Nho thần, dần dần bị ảnh hưởng của Trung Quốc. Vua Minh Tông không chịu nghe lời của bọn Phạm Sư Mạnh và Lê Bá Quát mà thay đổi pháp độ. Sau khi thấy pháp độ đã bị Bắc hóa, vua Nghệ Tông rất muốn trở lại truyền thống và pháp độ của các vị vua đầu. Vua nói “Triều trước dựng nước, tự có pháp độ, không theo chế độ nhà Tống, là vì Nam Bắc đều làm chủ nước mình, không cần bắt chước theo nhau. Vào khoảng năm Đại Trị (niên hiệu của vua Dụ Tông), kẻ học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý sâu xa của sự lập pháp, đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo phong tục của phương Bắc cả, như về y phục, nhạc chương, không kể hết.” Và vua ra lệnh đổi pháp độ lại giống như đời vua Minh Tông. (Đại Học Sử Ký Toàn Thư, quyển 2, trang 233, NXBVHTT-2003)

Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim- trang 213, NXB Văn Hóa thông Tin – năm 2001, đã ghi: “Đến tháng 8 năm Giáp Ngọ (1414), bọn Trượng Phụ và Mộc Thạnh về Tàu, đem theo những đàn bà con gái về rất nhiều. Bọn Hoàng Phúc ở lại sửa sang các việc trong nước để khiến cho người An Nam đồng hóa với người Tàu. Lập ra đền miếu, bắt người mình cúng tế theo tục bên Tàu, rồi từ cách ăn mặc cho chí sự học hành, việc gì cũng bắt theo như người Tàu cả. Còn cái gì là di tích của nước mình như là sách vở thì thu nhặt đem về Tàu hết sạch. Lại đặt ra thuế lệ, bổ thêm sưu dịch để lấy tiền của, làm cho dân ta thời bấy giờ phải nhiều điều khổ nhục.” Qua đoạn sử liệu trên, một lần nữa chúng ta thấy chính sách hủy diệt văn hóa để đồng hóa dân ta của người Trung Quốc vô cùng thâm độc. Ngày nay tuy VN thoát khỏi sự đồng hóa, nhưng nhìn lại kho tàng văn hóa của tổ tiên, chúng ta “muốn phát khóc”, và hậu quả, tàn dư của chính sách đầu độc văn hóa này đã làm ngu dân bằng những tục lệ mê tín dị đoan mà họ đã gieo rắc trong dân ta như: tục đốt vàng mã, đốt hình nhân thế mạng, xin xăm bói quẻ, coi ngày giờ, cúng sao giải hạn,.. Các việc làm này kinh sách nhà Phật không có ghi. Cũng vì những việc làm mê tín này mà lớp trẻ, những người trí thức đã không đến với đạo Phật. Trách nhiệm này thuộc về ai? Chúng ta phải làm sao?

II.- NGƯỜI CHỦ TRƯƠNG KHÔI PHỤC TINH THẦN PHẬT GIÁO ĐỜI TRẦN-

Hòa thượng Thiền sư (HT.TS) Thích Thanh Từ, sau khi lên núi Lớn ở Vũng Tàu cất “Pháp Lạc Thất” tu Thiền, ngộ đạo (1969), thấy được giá trị của Phật giáo đời Trần, nên Ngài chủ trương “Khôi phục Phật giáo đời Trần”. Trong bài “Tại sao tôi chủ trương khôi phục Phật giáo đời Trần”? Ngài viết “Chúng tôi tự đặt cho mình trọng trách phải gánh vác việc này. Vì vậy qua nhiều năm ưu tư tôi khẳng định lấy Phật giáo đời Trần làm cái mốc để xây dựng Phật giáo Việt Nam. Đã quyết định tất phải có lý do.” (sách Ba Vấn đề trọng đại trong đời tu của tôi, trang 53, NXB Tôn giáo- 2009).

Tiếp theo là phần trình bày 5 lý do để Hòa thượng chủ trương khôi phục Phật giáo đời Trần:

1- “Nâng cao giá trị của Phật giáo Việt Nam”.

2- “Không chỉ riêng người xuất gia mà cư sĩ cũng ngộ đạo”.

3- Chủ trương Thiền Trúc Lâm Yên Tử . Câu “phản quan tự kỷ, bổn phận sự bất tùng tha đắc” nhìn xuyên suốt từ đời tu của đức Phật qua giáo lý, đến các pháp Thiền.

4- “Tinh thần bao dung Thiền đời Trần (bao dung nội điển, Tam giáo đồng nguyên)

5- “Phật giáo đời Trần thực tế tích cực”

Thiền phái Trúc Lâm sau một thời gian dài chìm ẩn, ngót một trăm năm không có người tu, không có một người biết đến, kể từ khi HT.TS Thích Thanh Từ thắp sáng lại ngọn đèn Thiền, thổi một luồng gió mới cho PGVN, chính pháp Trúc Lâm được khôi phục từ đấy, đến nay trong và ngoài nước đã có hơn 47 Thiền viện, hằng nghìn Tăng Ni tu theo Thiền phái Trúc Lâm. Qua kinh sách, băng đĩa do Ngài viết, giảng dịch, cho Tăng Ni và Phật tử Thiền phái Trúc Lâm học về Phật giáo đời Trần, đã tạo được ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều tầng lớp nhân dân. Từ đó Tăng Ni, các giáo sư tiến sĩ, các nhà văn hóa, các nhà nghiên cứu, các nhà trí thức, nhà báo biết đến, để tâm nghiên cứu, rồi tâm quyết, sau đó tổ chức nhiều cuộc hội thảo về Trần Nhân Tông về Thiền phái Trúc Lâm để tìm hiểu sâu rộng về đường lối, chủ trương, tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông, để tôn vinh tinh thần PG đời Trần. Ngày nay đã có hàng vạn Phật tử trong và ngoài nước đang tu theo, nhiều học giả đang nghiên cứu về Thiền phái Trúc Lâm, nhiều sinh viên viết luận tốt nghiệp về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

III.- KHÔI PHỤC TINH THẦN PHẬT GIÁO ĐỜI TRẦN LÀ KHÔI PHỤC NHỮNG GÌ?

Nói đến tinh thần Phật giáo đời Trần là nói đến tinh hoa của PGVN, nói đến tinh thần tự lực, tự cường, gắn kết với ý thức bảo vệ nền độc lập Quốc gia, bảo vệ và phát huy truyền thống đạo đức mang bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam, và nói đến tinh thần khế lý, khế cơ, tùy duyên hóa độ chúng sinh. Phật giáo đời Trần đã gắn đạo vào đời (Phật pháp bất ly thế gian giác) và đồng hành cùng dân tộc, cùng thời đại để hoằng dương Phật pháp. Nếu Phật giáo VN mê tín, dị đoan, lạc hậu thì làm sao độ được ông vua, ông Trạng nguyên, nhiều sĩ phu, nhiều tầng lớp xã hội từ bà hoàng cho đến thứ dân đi tu. Ngày nay các nhà trí thức, chính trị gia, các sinh viên, để tâm nghiên cứu và các cháu thanh thiếu niên tìm đến để học Thiền. Phật giáo đời Trần có đầy đủ các yếu tố trên, nên các Thiền viện ngày càng phát triển và được quần chúng nhân dân tìm đến tu học.

IV.- LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN TINH THẦN PHẬT GIÁO ĐỜI TRẦN ?

Phật giáo đời Trần tuy Thiền tông là chủ đạo, nhưng bên cạnh vẫn còn có Tịnh độ tông và Mật tông. Trong thời gian đất nước bị chiến tranh, lòng dân ly tán, chư Tổ khéo vận dụng pháp môn Tịnh độ để an dân là khế thời, khế cơ. Vì làm sao an tâm ngồi Thiền khi người thân đang cầm súng ngoài mặt trận, hay trong nhà tù. Khi nghe tiếng súng trận nổ giòn đâu đó thì thắp hương lễ Phật, cầu trời, cầu Cửu huyền Thất Tổ hãy gia hộ cho chồng, con, anh em đang ngoài chiến trận. Đang đêm nghe tiếng bom, đạn pháo kích nổ gần nhà, trong thôn xóm thì lập tức chui vào hầm trú vừa run sợ, vừa niệm Phật, niệm Bồ tát Quan Thế Âm liên tục để cầu xin các Ngài gia hộ cho tai qua nạn khỏi. Trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh khốc liệt khắp mọi miền như vậy, pháp môn Tinh độ là thù thắng, hợp với tinh thần khế lý, khế cơ của đạo Phật. Nay nước nhà độc lập cần có trí tuệ để phát huy tinh thần tự lực, tự cường để xây dựng đất nước, bảo vệ nền độc lập, nên chủ trương khôi phục tinh thần Phật giáo đời Trần là đúng đắn và cần thiết. Trong bối cảnh PGVN hiện nay, khôi phục tinh thần PG đời Trần là khôi phục cả 3 tông phái: Thiền tông- Tịnh độ và Mật tông, chứ không phải chỉ khôi phục Thiền phái Trúc Lâm.

Hiện nay Thiền tông thì đã có HT.TS Thích Thanh Từ và các đệ tử của Ngài khôi phục, còn Tịnh Độ, và Mật tông đang chờ chư Tôn đức nào đủ duyên chủ trương khôi phục.

Muốn khôi phục và phát triển thì phải có cơ sở, ít nhất mỗi tỉnh, thành phố phải có một chùa, một tự viện, hay một Thiền viện để hành đạo. Hiện nay các chùa, các tự viện, các niệm Phật đường ở các nơi đa phần tu theo Tịnh độ tông, một số ít tu theo Mật tông, nên Tịnh độ tông khôi phục thì sẽ thuận duyên hơn Thiền tông vì đã có sẵn cơ sở, chỉ cần xoay cái nhìn hướng tâm nguyện cầu tha lực bên ngoài (theo sự Tịnh độ) trở về quan niệm “Tự Tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ” (theo lý Tịnh độ) là khôi phục và xiển dương tinh thần Tịnh độ đời Trần, Sơ Tổ Trúc Lâm đã dẫn đường chỉ lối rõ ràng rồi, chỉ cần khéo vận dụng, xiển dương là sẽ thành công như Thiền phái Trúc Lâm.

1-Tịnh độ tông đời nhà Trần chủ trương như thế nào?

HT.TS Thích Thanh Từ cho biết “Đời Trần tuy lấy Thiền Tông làm chủ đạo truyền bá, song cũng có Tịnh Độ đồng thời hoạt động. Tịnh độ có sự Tịnh Độ và lý tịnh độ. Về sự Tịnh độ thì phải tin có cõi Cực lạc ở Tây phương, Đức Phật A Di Đà là giáo chủ cõi này. Nếu người chí thành niệm Phật và tha thiết cầu sanh về cõi Cực Lạc khi lâm chung được Phật Di Đà đón về Cực Lạc (đây là Tịnh độ của Trung Quốc, xuất hiện vào giữa thế kỷ thứ 4 do Tổ sư Huệ Viễn truyền bá). Về lý Tịnh độ là “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ”hay “tâm tịnh độ tịnh”Tức là tâm mình thanh tịnh là tịnh độ, tánh mình sáng suốt là Phật Di Đà.

Tổ Trúc Lâm nói:

“Tịnh độ là lòng trong sạch,
Chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương
Di Đà là tánh sáng soi,
Mựa phải nhọc tìm về Cực lạc.


(Phú Cư Trần Lạc Đạo – Hội thứ hai)

Thiền tông nhận lý Tịnh độ, không thừa nhận sự Tịnh độ. Thiền sư Vô Ngôn Thông nghe Tổ Bá Trượng nói: “tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu”liền ngộ đạo. Đất tâm nếu không, là tâm tịnh độ tịnh. Tuệ nhật tự chiếu, là tự tánh Di Đà. Vì A Di Đà dịch nghĩa là Vô lượng quang, nhà Thiền gọi là Tuệ nhật tự chiếu. Đứng về lý Tịnh độ cùng thiền tông cứu cánh không hai.

Vẫn biết Phật pháp là tùy duyên, tùy căn cơ chúng sinh (tùy bệnh cho thuốc) và tất cả các pháp đều bình đẳng pháp, không có pháp nào cao, pháp nào thấp. Những ai có duyên với pháp môn nào thì tu học theo pháp môn đó, nếu đời trước mình tu Tịnh độ thì đời này mình thấy hợp với pháp tu Tịnh độ. Nay mình vẫn tu Tịnh Độ nhưng với tinh thần PG đời Trần để khế hợp với thời đại khoa học, với tuổi trẻ hôm nay, qua đó giữ gìn sắc văn hóa dân tộc, tôn vinh PGVN sánh ngang tầm thế giới, vừa hợp với lời Phật dạy “ngoại tâm cầu Phật danh vi ngoại đạo”, một hướng đi mới đưa đất nước thoát khỏi chính sách nô dịch văn hóa, tôn giáo của ngoại bang đã có từ ngàn xưa.

Tinh thần Tịnh độ đời Trần, người tu nỗ lực tinh tấn chuyển hóa nội tâm, từ cái tâm “phàm phu” đầy vọng tưởng đảo điên, phiền não,… buông xả đưa nó trở về trạng thái an tịnh, thì ngay nơi tâm đó là cõi Tịnh độ, là Tây phương Cực lạc, là Niết bàn. Khi tâm thanh tịnh, sáng suốt, thường biết rõ ràng, thì tâm đó đồng tâm Phật, ngay đó mình là Phật rồi thì tìm Phật A Di Đà để làm gì? Về Tây phương gặp Phật A Di Đà mà không chịu chuyển hóa nội tâm thì cũng khổ, cũng không thành Phật được, chi bằng ngay đây buông xả, tinh tấn chuyển hóa thì hết khổ, không phải nhọc nhằn tìm về Tây phương. Vì mãi lo tìm cầu bên ngoài, lo tu cho bản thân thoát khỏi cõi đời này, mà thờ ơ với cuộc sống gia đình và xã hội hiện tại, thì làm sao báo đáp tứ trọng ân… Đạo Phật là đạo giải phóng con người thoát khỏi nô lệ thần linh, cho dù vị thần linh đó là Trời, Phật hay thánh thần. Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn, Ngài thấy không một vị thần linh nào có quyền năng ban phước hay giáng họa cho ai cả nên Ngài đã nói “Ta không ban phước giáng họa cho ai cả, chính các ngươi lãnh lấy cái quả do mình gieo nhân” và Phật đã dạy “ai tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Để tìm về chân hạnh phúc và sự giác ngộ giải thoát Ngài đã dạy“các ngươi hãy tự đốt đuốc lên mà đi, đốt lên với chính pháp”. Do vậy Phật tử nương lời Phật dạy mà tu, sẽ không rơi vào mê tín.

Phật tử cúng dường Tam bảo hay bố thí cho kẻ nghèo là làm điều thiện, gieo nhân lành nên được quả lành. Chính phước lành đó có năng lực chuyển hóa nghiệp, cứu chúng ta thoát khỏi tai ương, nghiệp chướng chớ nào phải do Trời ban, Phật độ hay vị thần linh nào cứu giúp. Các Phật tử vì không hiểu lẽ thật này nên dễ bị người lừa gạt, bày lễ cúng để lấy tiền. Chúng ta tự độ, tự ban phước cho mình, bằng việc làm thánh thiện. Đa phần Phật tử đi chùa hiểu sai ý nghĩa của sự cúng dường, nên đến chùa chỉ lo lễ lạy, cúng để cầu xin, nên rơi vào mê tín, không hiểu lễ Phật là để tỏ lòng tôn kính, tạ ơn người đã khai sáng con đường giác ngộ, giải thoát, cứu khổ cho chúng sinh. Khi lễ Phật với tâm như vậy là chính tín, lễ Phật với cầu xin là chưa giác ngộ về Phật pháp.

Đạo Phật là đạo của trí tuệ “Duy tuệ thị nghiệp”. Phật dạy “ở đâu có trí tuệ là ở đó có hạnh phúc, ở đâu không có trí tuệ là ở đó có đau khổ. Đau khổ chỉ đến với người ngu chứ không đến với người trí”. Chư Tôn đức lãnh đạo Giáo Hội PGVN, đa phần tu theo Tịnh độ, nếu các Ngài có chủ trương kế hoạch khôi phục tinh thần Tịnh độ đời Trần là duyên lành lớn cho đất nước, cho PGVN. ĐưaTịnh độ VN ở thế kỷ 21 trở về tinh thần Tịnh độ đời Trần là một cuộc cách mạng Phật giáo vĩ đại, sẽ được lịch sử PGVN tôn vinh, đã thổi một luồng sinh khí bản sắc Văn hóa PG dân tộc, khế hợp với chính pháp, với thời đại khoa học kỹ thuật. Từ đó góp phần xây dựng nền đức lý cho toàn dân, đem lại an ninh trật tự cho xã hội.

2-Mật Tông Trên Tinh Thần Phật giáo đời Trần.

Trước khi tìm hiểu Mật tông thời Trần, chúng ta nên tìm hiểu sơ lược về Mật tông ở Tây Tạng, để soi rọi lại Mật tông VN. Ở Tây Tạng có 5 Mật tông chính đó là:

1/ Nyingmapa (phái Ninh Mã, phái Hồng Giáo): được khai sáng do Ngài Padmasambhava (Đại sĩ Liên Hoa Sanh) là người đem Mật tông từ Ấn độ vào Tây tạng vào thế kỷ thứ 7 sau TL.

2/ Kadampa (Ca Đương): Do Ngài Atisa vào giữa thế kỷ thứ 9 sau TL, Ngài dịch rất nhiều kinh Mật tông từ chữ Phạn sang chữ Tây tạng.

3/ Kagyudpa (Cát Cứ hay phái Bạch giáo): Do Marpa Chokyi Lodoe Khai sáng vào đầu thế kỷ thứ 10 sau TL, đệ tử nối pháp là Milarepa.

4/ Sakyapa (Phái Tát Ca hay phái Đa Sắc): được khai sáng do Ngài Khon Konchok Gyelpo vào đầu thế kỷ 11 sau TL

5/ Gelupa: do Ngài Je Tsongkhapa khai sáng vào đầu thế kỷ 15 sau TL cho đến nay vẫn còn truyền thừa.

Trong 5 tông phái trên chỉ có tông phái Gelupa là các vị xuất gia, 3 tông phái còn lại Nyingmapa, Kagyupa, Sakyapa thì đa số là các vị cư sĩ nên xem thường giới luật và thường có vợ con. Phái Nyingmapa chủ trương chỉ chuyên trì mật chú, dùng Mật thừa Vô thượng Du Già làm pháp cứu cánh, thì tự nhiên sẽ hiện trí huệ thanh tịnh, khế hợp “lý không” mà giải thoát. Phái Sakyapa thường dùng phương thức truyền thừa cho vợ con nên gần thế tục. Tại Tây Tạng ngoài phái Kadampa chỉ chuyên sự giáo hóa, còn các phái khác thường cấu kết với “hào tộc”, giao thiệp với chính trị, phát sinh sự lạm dụng thế lực. Phái Sakyapa đã từng nắm chính quyền của Tây Tạng. Sự quan hệ giữa chính trị và phái Sakyapa rất thâm sâu. Phái này lấy vợ con làm người kế thừa tự. (Tham khảo Thuvienhoasen.org)

Mỗi tông phái đều có phương pháp tu hành khác nhau theo các kinh Mật tông khác nhau nhưng tất cả các tông phái đều cùng thực hành 4 bậc Mật tông đó là:

1/ Lễ Bái Mật Tông, 2/ Nghi Lễ Mật Tông, 3/ Thiền Quán Mật Tông, 4/ Tối Thượng Mật Tông.

Hành giả tu theo Mật tông trước hết phải biết rõ về Lễ bái và Nghi thức của Mật tông, -tức là phải biết đầy đủ các pháp lạy Sám hối, trì tụng, phương pháp tu Quán Tưởng Đức Phật Bổn Tôn, biết rõ các Chân ngôn, các Thủ Ấn, phương pháp tạo hình Mạn Đà La, các nghi thức làm lễ Quán Đảnh, lễ Cúng dường và các nghi thức khác của Mật tông. Ở Việt Nam nói đến Mật tông là nói đến Lễ bái và Nghi thức Mật tông, nếu không biết chắt lọc trên tinh thần giáo lý nhà Phật, bản sắc dân tộc dễ đưa đến mê tín.

Giáo lý Mật tông có hai phần Hiển giáo và Mật giáo:

- Hiển giáo bao gồm các Kinh, Luật, Luận của Tiểu thừa và Đại thừa.

- Mật giáo là giáo lý chỉ có trong các kinh Mật Tông. Đại tạng Tây Tạng chứ không có trong Đại Tạng chữ Hán, vì các vị phiên dịch kinh tạng từ chữ Phạn sang chữ Hán khi xưa không có tu hành theo Mật tông và ngài Huyền Trang mang về cũng rất ít so với bộ kinh Mật tông hiện có bằng tiếng Tây Tạng. Mật giáo bao gồm các kinh nói về các phương pháp tu của Mật tông như: pp Thiền quán Tưởng Đức Bổn Tôn, pp Chuyển Hóa Thân Thành Thân Bổn Tôn, pp tạo đồ hình Mạn Đà La, pp tự Thọ Quán Đảnh, pp Chuyển Di Thần Thức, pp Cung Thỉnh Chư Bổn Tôn, pp Câu Triệu và Hàng Phục Thiên Long Quỉ Thần,…có những vị đạt đến khả năng: bay lên hư không, thiền tọa ở nhiệt độ dưới 0 độ, cứu người chết sống lại, tái sinh,…

Mật tông được làm hai nhánh Tả phái và hữu phái. Riêng Mật tông tả phái phát triển nhiều quan điểm, trong đó đáng lưu ý là phái này súng bái các Sakti, nữ thần về tính dục ( theo Edward Conze).

Sau đây là đoạn văn nói về Mật tông thời Lý Trần ghi trong Việt Nam Phật giáo Sử Luận của tác giả Nguyễn Lang,( quyển II, trang 54, NXB Cty Văn hóa Tổng Hợp Q.11, tháng 4/94). “Ta cũng biết rằng Mật giáo nếu không khéo duy trì có thể biến dạng trở thành phù thủy, mê tín, dị đoan. Cuối đời nhà Lý đạo Phật đã hầu bị biến dạng của Mật giáo làm cho lu mờ sắc thái. May thay các vị lãnh đạo nhà Trần đã thanh lọc được Phật giáo và lấy ra hết những hình thái mê tín dị đoan. Phật học của Trần Thái Tông, Tuệ Trung, Đại Đăng,và Thánh Tông rất thuần túy Thiền học, không bị mờ ám bởi những hình thức biến dạng của Mật giáo. Đến đời Pháp Loa và Huyền Quang dưới ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa và tây Tạng, Mật giáo lại được khôi phục. Cùng với thời đại nhiễu nhương. Mật giáo mau chóng được biến chất và phủ lên trên sinh hoạt của bình dân một lớp màn mê tín và dị đoan. Sự phê phán Phật giáo của các Nho gia một phần được căn cứ trên những hình thái sinh hoạt rườm rà ấy của các Phật tử.

Qua đoạn văn trên đã cho chúng ta biết đầu đời Nhà Lý và nhà Trần thời cực thịnh của Thiền tông VN thì Mật tông gần như mất dấu, đến thời đất nước bị nhiễu nhương suy yếu thời Mật tông xuất hiện sử dụng bùa chú, âm binh để giáo hóa, tiếp độ chúng sinh, nên dễ rơi vào thần quyền mê tín, quên đi cứu kính giải thoát của đạo Phật.

Trong Mật tông, việc tu tập không thể tự tiến hành theo sách vở mà phải có một đạo sư đã giác ngộ gọi là “guru” để chỉ dẫn học hành ( “guru” là người thấu triệt toàn bộ một việc gì). Xét Mật tông Việt Nam không có đại tạng kinh Tây Tạng, không có vị “guru” hướng dẫn, nên dễ bị biến dạng thành mê tín với lễ nghi, bùa chú…

Trên tinh thần Phật giáo đời Trần. nếu Mật tông dùng “tam mật tương ưng” để được nhất tâm và thân tâm an tịnh, nhờ đó tuệ giác phát sinh, đưa đến giác ngộ giải thoát đúng chính pháp không rơi vào mê tín. Nhưng nếu không nghiên cứu kỹ, chắc lọc tinh hoa của Mật tông Tây tạng, trên tinh thần giáo lý đạo Phật, với lý nhân quả, đơn giản nghi lễ phẩm vật cúng dường theo tinh thần Phật giáo VN (chỉ dùng hương đăng hoa quả), thay cho phần đốt lương thực, dầu, bơ…, vì chư vị thiện thần đâu có đòi lễ vật và cõi vô hình hưởng lễ vật từ tâm tưởng của chúng ta, nên chúng ta mới dùng thần chú biến thực biến thủy để cung ứng đầy đủ cho các vị. Hãy suy nghĩ thận trọng, nếu không khéo thì chúng ta vừa dạy Phật tử thoát khỏi tục lệ đốt giấy tiền vàng mã, nay lại rơi vào mê tín đốt lúa gạo, đổ, ngô, dầu bơ bánh trái… Trên tinh thần nhân quả của đạo Phật, Phật đâu có dạy đốt lương thực để cầu phước báo. Đem lúa gạo, lương thực cứu đói người nghèo khổ khiến họ thoát khổ, đó mới là tạo phước điền. Lương thực là thực phẩm nuôi sống con người, không cứu đói mà đem đi đốt là có tội hay có phước? Nếu chùa nào mỗi lần cúng cũng đốt lương thực, cũng chôn lương thực, vô tình mang tội hủy hoại lương thực, làm khan hiếm lương thực, khiến quần chúng nhân dân tín đò thêm nghèo khổ. Vì mê tín nên các bộ tộc ngày xưa thường hay giết trâu bò, đôi khi tế sống con người để cầu thần linh phù hộ, việc làm này các Phật tử ai cũng biết là mê tín không phù hợp với giáo lý nhà Phật, nên ngày nay không còn các tục lệ đó các vị thần linh cũng hoan hỉ. Nếu các Ngài không hoan hỉ thọ nhận thì có đáng cho chúng ta tôn thờ, dâng cúng không? Các bài giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma không thấy có mê tín, đúng chính pháp nên Ngài được mọi người tôn trọng.

Mục đích của trì chú hay tụng kinh niệm Phật là để tam nghiệp được thanh tịnh, là phương pháp tu để “tịnh hóa thân tâm”. Nếu trì chú, niệm Phật, tụng kinh với tâm cầu phước báo, cầu thần linh gia hộ,…với “nhân” như vậy thì làm sao được “quả” giải thoát. Đạo Phật là đạo dạy tu trên nhân quả, các pháp tu của Phật đều hướng đến “tịnh hóa thân tâm” vì “tâm an thì trí sáng”, nhờ đó tuệ giác phát sinh, đưa đến giác ngộ giải thoát. Qua phần lịch sử ở trên chúng ta thấy các vua nhà Trần rất sáng suốt khi bác bỏ đề nghị của các nhà Nho muốn bắt chước Tống Nho thay đổi lễ nghi, pháp phục. Mỗi nước có lễ nhạc riêng, phép riêng, người ta biết bảo vệ phát huy cái của người ta, sao mình không biết khéo vận dụng sáng tạo đưa nghi lễ của mình vào nghi thức. Vừa qua chúng tôi thấy trong các buổi lễ cúng của Mật tông, cũng thổi tù và, thổi khèn,…âm giai tiết tấu giống hệt Tây tạng, như thế có nô dịch văn hóa không? Có bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không? Nếu Mật tông Việt Nam có những nét đặc thù của văn hóa VN, thì sẽ hòa nhập vào cộng đồng PGVN, sẽ được mọi người trân trọng, nếu chỉ biết bắt chước lễ nghi của người mà không chắc lọc thì sẽ khó phat triển. Trong vấn đề giao lưu văn hóa chúng ta có quyền tiếp thu văn hóa của người để làm giàu cho kho tàng văn hóa của mình nhưng phải chắc lọc trên tinh thần đạo pháp và dân tộc.

V.- PHẦN KẾT :

Bài này được viết cho buổi Hội thảo về “BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA MỘC BẢN CHÙA VĨNH NGHIÊM –BẮC GIANG, ngày 22/6/2012, vì có một số báo, đài xin đăng, nên chúng tôi có chỉnh sửa và bổ sung thêm phần Mật Tông Tây tạng. Trên đây là ý nghĩ cá nhân muốn đóng góp với Ban Tổ chức Hội thảo, những người có tâm huyết muốn khôi phục lại “tinh thần Phật giáo đời Trần”. Vẫn biết Phật pháp vô biên, chúng sinh có 84.000 phiền não, thì Phật có 84.000 pháp môn để trị tâm bệnh cho chúng sinh. Phật pháp thì hòa đồng không có ranh giới phân chia Phật giáo nước này với nước khác, hay tông phái này tông phái kia… Tất cả đều cùng chung một vị là giải thoát. Tuy nhiên khi du nhập vào nước nào với tinh thần khế lý, khế cơ, Phật giáo hòa nhập vào phong tục tập quán của nước đó để hoằng truyền Phật pháp, giáo hóa chúng sinh. Từ đó tạo thành đặc thù bản sắc văn hóa PG riêng của mỗi nước, nên có PG Tây Tạng, PG Trung Hoa, PG Nhật Bản, PG Thái Lan, còn PGVN như thế nào? Chẳng lẽ không có… do vậy bài viết này dựa vào sử liệu và hành trình của chư vị Tổ sư Việt Nam mà mạo muội nhận xét, nêu ý kiến và đề nghị. Nếu ai thấy khế hợp, thì tự mình cất bước đăng trình. Nếu thấy không đồng quan điểm thì bài viết này chỉ có có giá trị là một bông hoa nhỏ trong vườn hoa muôn sắc của PGVN. Theo thiển ý của cá nhân vườn hoa PGVN thì phải có hương có sắc PGVN, đó là tinh hoa Phật giáo đời Trần. Do vì vụng về, yếu kém, tư duy còn thiển cận, cũng vì nhiệt tình với Tổ quốc Viêt Nam, nếu có điều gì xúc phạm kính xin chư Tôn đức niệm tình tha thứ.

Nam Mô Hoan Hỉ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát!


MINH ĐẠO


Âm lịch

Ảnh đẹp