Thỏ thẻ rừng Mai chim cúng trái,
Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh.
Chu
Mạnh Trinh là khách hành hương tới Hương Sơn để hưởng thú “bầu Trời,
cảnh Bụt”; nhưng thật ra là đang viếng cảnh biển xanh biến thành nương
dâu đang hiện tướng trong tâm thức của chính mình. Chim ríu rít cúng
dường hoa trái. Cá lặng lờ ngừng vẫy nghe kinh là khi Tâm Kinh biến
thành Chân Kinh.
Nguyễn Du cũng đã qua bao nhiêu trải nghiệm
thăng trầm của thế sự, nhưng mãi tới khi về lại với chính mình mới tìm
được Chân Kinh:
Ngã độc Kim Cang thiên biến linh...
Kim Cang vô tự thị Chân Kinh.
(Nghìn lần ta đọc Kim Cang...
Kim Cang thật nghĩa là trang không lời.)
Kinh có Khế kinh, Tâm kinh và Chân kinh.
Khế kinh là những tạng kinh đã thành quy ước chung của kho tàng kinh điển nhà Phật.
Tâm
kinh là những phẩm kinh trở thành trái tim, xương sống của giáo lý nhà
Phật như Bát Nhã Tâm Kinh. Hoặc như kinh A Di Đà, Vô Lượng Thọ là tâm
kinh của Tịnh Độ Tông; Đại Nhật là tâm kinh của Mật Tông...
Chân
kinh là khi kinh không còn ở dạng hình thức ngôn từ, chữ nghĩa nào nữa.
Kinh như chiếc bè đưa người qua sông. Tới bến thì bỏ bè; sống đạo thì
không còn kinh. Kinh là phương tiện để đánh thức và nhắc nhở như tiếng
chuông, tiếng tán. Thuộc kinh để tu hành mong đạt tới chỗ quên kinh khi
kinh không còn là ý, là lời mà kinh đã tan loãng và hòa quyện thành máu
thịt.
Tuy nhiên, thực tế đã chỉ rõ rằng, nếu không phải là thần
đồng Bồ tát hóa thân thì căn bản trước nhất là phải qua ngõ Khế Kinh
trước đã. Nghĩa là phải tiếp cận để hiểu và tu học “kinh thường” như một
cửa ngõ khai tâm, luyện trí. Về sau, tùy theo bề dày của công phu tu
tập mà tiến tới tầm cao của Tâm kinh và Chân kinh.
Nhớ ngày Mồng Một Tết, tôi không đọc kinh mà suy nghĩ vẩn vơ về kinh. Một ý nghĩ chưa thành cho tới bây giờ.
Sống
ở phương xa, ngày đầu Xuân, pha chén trà cúng Phật và Ông Bà, tôi không
cúi đầu – đê đầu tư cố hương – như Lý Bạch ngày xưa mà ngẫng mặt nhìn
bàn thờ phơ phất khói nhang; nhớ quá quê nhà đang ngon giấc nửa đêm bên
kia.
Để tự mình chúc phúc đầu năm, tôi mở cuốn Nghi Thức Tụng Niệm
ra đọc phẩm Cầu An. Chút tỉnh giác mượt mà sớm mai đi đâu mất khi tôi
đối diện với kinh. Những câu kinh Hán Việt làm đầu óc tôi mệt mề và trở
nên lười biếng. Tuy không xa lạ với chữ Hán, nhưng cảm xúc nhớ quê hương
làm tôi thèm nghe giọng nói chân quê của Mẹ. Tiếng Mẹ đối với đàn con
tha hương cũng là “Chân kinh” vượt ra ngoài phạm trù của ngôn ngữ quy
ước.
Thuở ấy, tôi được bà con khen vì còn nhỏ mà đã đọc thuộc lòng
mấy bài kinh “Nam mô, ma ha, tô rô...” khó nhớ, khó hiểu. Miệng tôi đọc
theo bác chủ lễ và toàn ban tụng niệm trơn tru như hát đồng ca một bài
hát tiếng Quan Thoại, nhưng trí óc thì lại mù mịt về ý nghĩa. So với bầy
cá ở khe Yến nghe kinh của Chu Mạnh Trinh – trăm năm trước – thì chúng
tôi – trăm năm sau – cũng chả hơn gì mấy. Rồi năm mươi năm sau, tới thế
hệ con cháu chúng tôi, bầy cá nghe kinh cũng cứ vẫn còn “lửng lơ” như
thế. Các bài kinh tụng đọc phổ thông trong sinh hoạt chùa viện của Phật
giáo Việt Nam trong cũng như ngoài nước càng ngày càng trở nên khó hiểu
đối với thế hệ trẻ vì ngôn từ Hán Việt của kinh văn đọc tụng còn quá
nặng nề và thiếu thống nhất.
Về mặt tích cực, tuy công trình dịch
thuật chưa hoàn mãn, nhưng thế hệ đàn em phải ghi nhận để trân trọng tán
dương công đức của thế hệ đàn anh. Đó là một công trình tổng hợp của
chư tôn thiền đức, quý thiện tri thức, cư sĩ Phật tử, học giả thân hữu
và đại chúng Phật tử đã hiến dâng nhiều tâm sức vào nỗ lực phiên dịch
kinh tạng từ chữ Phạn, chữ Hán sang ngôn ngữ thuần Việt.
Nói đến Đại Tạng Kinh Phật giáo là nói đến một cánh rừng Thiền của chữ nghĩa.
Chỉ mới nói đến mục lục chi tiết để liệt kê tên từng tạng và phẩm kinh không thôi thì tác phẩm dịch thuật công phu Phật Giáo Đại Tạng Kinh - Tường Tế Mục Lục của
thầy Thích Chánh Lạc cũng đã dày ngót 900 trang. (Phú Lâu Na xuất bản
năm 2002). Theo các bản dịch tiếng Anh, nếu phỏng tính trung bình mỗi
trang có khoảng 500 chữ – kiểu chữ Times New Roman và cỡ chữ 12 – thì
Đại Tạng Kinh Pali có khoảng 30.000 trang và Đại Tạng Kinh Trung Hoa có
khoảng 80.000 trang (một số lượng bằng 40 lần Kinh Thánh của đạo Thiên
Chúa; nếu dựa vào tiêu chuẩn New King James Version). Phật giáo Trung
Hoa với trên 2.000 công trình trước tác kinh luận đã nâng số lượng kinh
điển Phật giáo lên 3, 4 lần kể từ khi Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang
Trung Hoa. Con số nầy nói lên một thực tế rằng, nỗ lực cá nhân không
kham nổi mà phải cần tới cả một tập thể hành giả, trí giả, dịch giả
chuyên biệt mới làm nổi công việc dịch thuật và hiệu đính kinh tạng nhà
Phật.
Đạo Phật truyền thừa vào Việt Nam đã hai nghìn năm qua.
Phật giáo Việt Nam không thiếu nhân tài và các bậc danh tăng tôn túc đã
dày công dịch thuật Tam Tạng kinh điển. Nhưng những cuộc xâm lăng liên
tục, truyền đời tàn bạo và âm mưu đồng hóa của Trung Hoa đã càn quét và
vùi dập mọi nỗ lực hoàn thiện một hệ thống chữ viết Quốc âm như chữ Nôm.
Nghiêm trọng nhất là Bắc thuộc lần thứ Năm (1407-1427) với cuộc xâm
lăng của quân Minh, gây binh kết oán suốt 20 năm, mà Nguyễn Trãi đã
tuyên cáo: “Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây họa; bọn gian tà còn bán nước cầu vinh...”
Trong cuộc xâm lăng nầy, quân Minh đã vơ vét mọi kinh sách, tác phẩm
dịch thuật và những công trình trước tác của Phật giáo Việt Nam để chở
về Trung Quốc. Việt Nam tuy có sức sống độc lập cộng với tinh thần chống
ngoại xâm kiên trì, dũng mãnh nên còn giữ được vốn văn hóa và tiếng nói
dân tộc; nhưng vẫn không tránh khỏi thương tích đầy mình. Nền móng chữ
Nôm lung lay và lụi tàn. Hệ thống chữ viết dựa theo mẫu tự La Tinh xuất
hiện muộn màng do nhu cầu của các nhà truyền đạo phương Tây chứ không
phải xuất phát từ tri thức và máu thịt của dân tộc như hệ thống chữ Hán,
chữ Nhật, chữ Đại Hàn. “Bóng đè” của chữ Hán Việt vẫn ngự trị nặng nề
trên hầu hết những lĩnh vực tư tưởng, giáo dục và xã hội Việt Nam. Kinh
điển chữ Hán trở thành phương tiện chiếm lĩnh trong sinh hoạt đạo Phật.
Hệ lụy của Hán Tạng sâu đậm tới nỗi khuynh hướng sính chữ Hán, đọc tụng
kinh chữ Hán, viết sớ điệp bằng chữ Hán, xem chữ Hán như một “linh tự”
trong chùa chiền vẫn còn thâm căn cố đế tới ngày nay. Nhiều nỗ lực dịch
thuật, Việt hóa nghi thức, thực hành tụng đọc kinh kệ bằng tiếng Việt,
chữ Việt gặp nhiều trở ngại. Nguyên nhân chính của sự trở ngại nầy là
vì giới Phật tử xuất gia cũng như tại gia vẫn còn mang mặc cảm chữ nghĩa
“thông Nho, thạo Hán” đầy kiến chấp không còn thích hợp vào sinh hoạt
tu hành ngày nay. Thế nhưng về mặt tâm lý, vô hình chung, hiện trạng
“nói chữ” nầy lại có vẻ như giúp nâng tầm “thức giả” của người tụng kinh
niệm chú chữ Hán trước mắt đại chúng bình dân.
Đại Tạng Kinh Việt Nam
Sự
nghiệt ngã của hoàn cảnh lịch sử đã khiến Việt Nam thành một nước “ăn
sau, chạy dọi” trong công trình phiên dịch một Đại Tạng Kinh Việt Nam.
Chữ
viết và ngôn ngữ tuy cũng chỉ là phương tiện văn hóa, nhưng đấy cũng
chính là niềm tự hào dân tộc mà nước Việt Nam đã bị Trung Quốc giày xéo,
vùi dập, phá tan, lấy đi, tráo lại qua những thời kỳ Bắc thuộc kéo dài
cả ngàn năm. Việt Nam, tránh được mối nhục đồng hóa, mối họa mất nước
nhưng phải trả giá là sự lụi tàn của của chữ Nôm hay một hệ thống chữ
viết thuần túy Quốc Âm tương tự. Và riêng Phật giáo Việt Nam bị “bóng
đè” của kinh tạng chữ Hán nặng nề đến nỗi đã hơn hai nghìn năm qua mà
vẫn chưa có được một Tạng Kinh Việt Nam thuần Việt.
Một vấn đề
thuộc phạm trù văn hóa Phật giáo được đặt ra là một bản dịch hoàn chỉnh
cho Đại Tạng Kinh Việt Nam sẽ dựa trên căn bản Đại Tạng Kinh nào.
Các Đại Tạng Kinh hoàn thiện nhất của Phật giáo hiện nay được bảo lưu theo các hình thức ngôn ngữ:
Tiếng Phạn (Samskrta) là một cổ ngữ của Ấn Độ. Riêng trong ngôn ngữ truyền thống của đạo Phật, hình thức văn tự thường có hai hình thái:
Phật giáo Nguyên thủy dùng kinh tạng Pali (còn được hiểu như là Nam Phạn). Điển hình ở các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt.
Phật giáo Phát triển, còn gọi là Đại Thừa hay Bắc truyền dùng kinh tạng Sanskrit (còn được hiểu như là Bắc Phạn).
Bên
cạnh đó, Hán tạng và Tây Tạng tạng lại được nhánh Phật giáo Đại Thừa,
Bắc truyền có khuynh hướng chọn làm chuẩn mực. Điển hình là ở các nước
Trung Hoa, Tây Tạng, Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn.
Tuy nhiên, với
tinh thần “tùy duyên bất biến” của tinh hoa truyền thừa giáo lý nhà
Phật, hầu như các Đại Tạng Kinh đều không khác nhau về triết lý và tín
lý cơ bản của nhà Phật. Có rất nhiều điểm tương đồng và nhiều thuật ngữ
có thể hoán chuyển cho nhau giữa Pali và Sanskrit. Tuy nhiên, các nhà
nghiên cứu Tam Tạng kinh điển nhà Phật theo khuynh hướng bảo thủ thường
chọn Pali tạng làm chuẩn mực phiên dịch và so sánh.
Với Phật giáo
Việt Nam ngày nay, một Đại Tạng Kinh Việt Nam là niềm mong mõi chung.
Nhiều công trình dịch thuật và hiệu đính đã và đang tiến hành đồng thời
với sự tinh lọc và bổ sung cho nhau. Các công trình dịch thuật và hoàn
thiện một Đại Tạng Kinh bằng tiếng Việt thuần túy đã khởi động và tiến
hành từ mấy chục năm qua bằng nhiều phương tiện và quy mô khác nhau.
Trong
nước, đầu năm 1990 (Canh Ngọ), Hội đồng Phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt
Nam được thành lập. Đây là sự phối hợp trên một quy mô lớn với sự tham
gia của quý tu sĩ, cư sĩ và trí thức có năng lực đáng tin cậy trong lĩnh
vực ngôn ngữ, Phật học. Chỉ trong vòng 1 năm, cuối năm 1991, hai bộ
kinh đầu tiên - Trường A-Hàm dày 1200 trang, Trường Bộ Kinh dày 1360
trang - được phiên dịch, hiệu đính và công bố. Qua năm 1992, hai bộ Kinh
Trung A Hàm (3 tập) và Trung bộ kinh (3 tập) lần lượt được ấn hành để
đặt nền móng cơ bản cho công tác hình thành Đại Tạng Kinh Việt Nam. Và
những năm tiếp theo, những bộ kinh phiên dịch lần lượt được ấn hành và
công bố. Trong vòng 20 năm qua, một “tập đại thành” chung quyết tương
đối hoàn chỉnh của Đại Tạng Việt Nam vẫn đang trên đà hoàn thiện.
Ngoài
nước, năm 2004, kẻ viết bài nầy được mời vào Hội đồng phiên dịch Đại
Tạng Kinh Việt Nam từ Hán tạng. Đây là một dự án sử dụng phần mềm của
những chương trình chuyên dịch tinh tế và hiện đại của vi tính vào công
trình phiên dịch. Tất cả 2372 bộ Kinh trong Hán Tạng được phiên âm và lược dịch bằng máy vi tính trong vòng 28 giờ. Các bộ
kinh ngắn chỉ cần dưới 10 giây đồng hồ. Các bộ kinh lớn như Hoa Nghiêm
(80 quyển) dịch trong 11 phút, bộ Đại Trí Độ Luận 17 phút, và bộ Đại Bát
Nhã (600 quyển) 50 phút.
Năm 2006, các Tăng Ni Việt
Nam du học ở Sri Lanka cũng xây dựng một dự án thực hiện Đại Tạng Kinh
Song Ngữ (Pali - Việt Nam) tổng cộng 58 tập. Đây cũng là một công trình
lâu dài vì Đại Tạng Kinh Pali-Tích Lan hay Pali-Thái Lan cũng phải mất
thời gian phiên dịch trung bình là 30 năm.
Dịch thuật
khác với sáng tác vì công việc chuyển ngữ đòi hỏi phải có trình độ ngoại
ngữ vững vàng, kiến thức chuyên khoa phong phú và sự am hiểu văn hóa và
ngữ cảnh của cả hai ngôn ngữ dịch và được dịch.
Từ trong khái
niệm sâu xa nhất của ngôn từ Hán Việt, kinh Phật được xem như là Thơ
(Thi = Ngôn + Tự). Ngôn ngữ thơ là sự cô đọng tinh túy của ý và lời. Như
một bài thơ ngắn nhất trong những bài thơ là bài tứ tuyệt Phong Kiều Dạ
Bạc của Trương Kế đời Đường. Nó đã trở thành tuyệt phẩm lưu danh thiên
cổ. Bài Bát Nhã Tâm Kinh của Huyền Trang là bài kinh ngắn nhất trong
những bài kinh của Phật giáo. Từ 600 cuốn của bộ Đại Bát Nhã, Huyền
Trang đã rút lại chỉ còn 260 chữ. Nhưng Bát Nhã Tâm Kinh đã trở thành
trái tim tuệ giác của đạo Phật. Thế giới Phật giáo xưa nay chưa có bài
kinh nào ngắn mà hơn được về triết lý uyên áo, ngôn từ thâm diệu và âm
hưởng trác tuyệt bằng bài kinh này. Phần Việt dịch cho kinh Bát Nhã đến
nay đã có trên 15 bản dịch của các bậc danh Tăng và học giả trong cũng
như ngoài nước, nhưng chưa có bản dịch nào được xem là đạt chuẩn mực về
sự chuyển ngữ. Cái gút thắt nổi cộm chung của các công trình dịch Bát
Nhã Tâm Kinh chưa đạt vẫn là khái niệm về từ ngữ thiếu đồng bộ và tương
ứng giữa Hán Việt và Thuần Việt. Ví dụ trong muôn một là từ Hán Việt có 4
chữ khác nghĩa tách bạch, rạch ròi như: “không”, “vô”, “bất”, “phi” thì
tiếng Thuần Việt chỉ có một chữ “không…” tương ứng. Khi chuyển ngữ,
người dịch khó tránh khỏi giới hạn liễu nghĩa của từ ngữ. Trong lúc đó
thì “Không” là một khái niệm cốt tủy của Bát Nhã Tâm Kinh, nên biết bao
dịch giả tài hoa và có thẩm quyển về mặt tư tưởng và chữ nghĩa nhà Phật
như quý thầy Thích Minh Châu, Thích Thiện Hoa, Thích Thanh Từ, Thích
Nhất Hạnh… cũng chưa vượt trội ra ngoài giới hạn của ngôn ngữ!
Bởi
vậy, trong lĩnh vực nhân văn mà đặc biệt là ngôn từ, ngữ văn thì máy
móc chỉ là phương tiện phụ trợ chứ không thể thay thế hẳn được con
người. Khi cái máy vi tính làm công việc chuyển ngữ trong vòng 28 tiếng
đồng hồ thì phải cần tới một đội ngũ của hàng trăm đầu óc chuyên môn,
tinh lọc và hiệu đính trong một thời gian không thể dưới vài ba mươi
năm. Đã hơn 10 năm qua và liên tục tới hiện tại, có từ 50 đến 100 tăng
ni, học giả... đông nhất là ở chùa Châu Lâm và trung tâm Liễu Quán Huế
đang tập trung vào công tác hiệu đính và hoàn thiện Đại Tạng Kinh Việt
Nam sau khi Đại Tạng Kinh Hán Việt được dịch sang Thuần Việt bằng chương
trình chuyển ngữ vi tính..
Ước mong sao các nhóm thực hiện Đại
Tạng Kinh Việt Nam sẽ kết hợp lại với nhau để cùng chung tài, chung sức
thực hiện một Đại Tạng Kinh bằng tiếng Việt thuần túy có tầm cỡ quốc gia
và quốc tế cho những thế hệ mai sau. Có thể nói Đại Tạng Kinh Việt Nam
là một “Giấc Mộng Lớn” cho ước mơ thành hiện thực.
Thiền Môn Nhật Tụng
Trong
khi các bậc tôn đức đang lo chuyện “trời biển” về việc hoàn thiện một
Đại Tạng Kinh Việt Nam thì những bài kinh văn đang được dùng để đọc tụng
hàng ngày trong các chùa viện Phật giáo Việt Nam – trong cũng như ngoài
nước – đang trải qua một thời kỳ tù đọng “xưa bày, nay làm”. Đó là nghi
thức tụng niệm phổ thông đang lâm vào cảnh chìm nổi của ngôn từ, lễ
nhạc, nghi thức, pháp cụ và pháp khí… khiến phương tiện hành lễ thành ra
bất nhất. Thậm chí, có nơi “tùy nghi phương tiện” theo nhu cầu và cảm
hứng riêng. Cụ thể nhất là những câu kinh phiên âm Hán Việt đã trở nên
“tối hù” vì đại chúng và nhất là tuổi trẻ phải đọc tụng hay nghe xướng
âm mà không hiểu nghĩa.
Như phần dẫn nhập ở trên đã trình bày, kẻ
viết những dòng nầy cũng như các bạn đạo cùng thế hệ hay cao niên hơn,
đã trải qua gần hết đời mình làm “cá nghe kinh” với những nghi thức tụng
niệm “Hán-Nôm bất nhất” như thế. Sự nhập nhằng giữa các bài kinh Hán
Việt và Thuần Việt trong quá nhiều cuốn Nghi Thức Tụng Niệm được giới
cầu phước cầu tài cúng dường, thu băng, in ra và phát hành miễn phí ở
các chùa như bươm bướm. Tất cả đều thiếu sự chỉ đạo của Hội đồng Chứng
minh từ phía các bậc tôn túc nên càng làm cho quần chúng Phật tử bị lạc
vào những mớ kinh văn hỗn độn.
Trực tiếp hơn là trong các khóa lễ,
các vị chủ lễ xướng tụng “câu Hán hoán câu Việt” theo cảm tính chọn lựa
cá nhân đã dần dần biến Nghi Thức Tụng Niệm hành lễ hàng ngày của đạo
Phật khi tỏ khi mờ, mỗi nơi một khác. Những bài kinh đáng lẽ mang một ý
nghĩa trong sáng, cao sâu hóa ra trở thành khúc mắc và bí hiểm gần với
hình thức bùa chú, ấn quyết hơn là “nguyện giải Như Lai chơn thiệt
nghĩa”.
Từ bản chất và tác dụng, kinh không phải là để phụng thờ
hay đọc tụng ngân nga nhằm thỏa mãn cảm xúc cầu khấn kiểu “thầy cúng qua
đường” dùng lối đọc tụng kinh chú để bắt ma, trừ tà, ếm quỷ. Kinh là
một phương tiện thiện xảo để chuyển hóa tâm linh. Muốn được vậy, ý kinh
phải rõ ràng, lời kinh phải trong sáng mà hình thái lý tưởng nhất là
bằng chính ngôn ngữ ruột (mẹ đẻ) của người đọc tụng.
Đối với hàng
Phật tử sơ cơ, nhất là đối với thế hệ tuổi trẻ hướng Phật, sự thống nhất
về một nghi thức “Thiền Môn Nhật Tụng” thuần tiếng Việt đầy đủ tính
trong sáng, dễ hiểu, đại chúng đang trở thành một nhu cầu cấp thiết
trong sinh hoạt tu học của Phật giáo Việt Nam. Có thể nói một cách đầy
biểu cảm theo chữ nghĩa của Tản Đà rằng, đó là một “Giấc Mộng Con” của
người Phật tử hiện nay. Phương tiện dồi dào và tiềm năng phong phú của
Phật giáo Việt Nam hiện nay có thừa công lực để biến giấc mộng con đó
thành hiện thực. Hy vọng rằng, đây sẽ là khởi điểm cho bất cứ một ý
hướng chấn hưng – hiện đại hóa, cải cách, ứng dụng… – Phật giáo nào
trong một hoàn cảnh rất “nhạy cảm” toàn cầu hiện nay.
Khi hỏi về
nguyên nhân nào đã đưa tới sự kết hợp hài hòa giữa Thần Đạo và Phật Giáo
để tạo ra tính dân tộc đầy bản lĩnh của người Nhật đã được thể hiện qua
dòng lịch sử đầy tai trời ách nước của xứ nầy làm cho thế giới khâm
phục, thầy Seigen Yamaoka, sư trưởng chứng minh của Hiệp Hội Phật Giáo
Châu Mỹ (Buddhist Churches of America) ở San Francisco trả lời: “Nhật
Bản đoàn kết trước khi hành động nên thường đúng lúc. Nơi khác hành động
trước khi đoàn kết nên thường muộn màng.”
Nhân gian ai lại chẳng
thích đúng lúc; chẳng có ai thích muộn màng. Câu nói giản đơn mà dư âm
thâm sâu như một công án, thật đáng cho người Phật tử Việt Nam hôm nay
và mai sau chấp tay suy gẫm.
Sacramento, đầu mùa Noel 2011
Trần Kiêm Đoàn