ô tô. Tuổi
trẻ thời nay đi tàu cao tốc, máy bay. Đấy là một
bức tranh khá sống động minh họa cho tốc độ
chuyển biến của quá trình phát triển khoa học kỹ
thuật. Trong đó, tuổi trẻ là lực lượng nhiệt
tình và năng nỗ nhất.
Tuổi trẻ Việt Nam
trong vài thế kỷ trước đã lớn lên cùng nhịp độ
với thiên nhiên, trưởng thành chậm và già đi rất sớm như cụ Nguyễn Công Trứ xếp loại: “Mười lăm trẻ, năm mươi già không kể”! Tuổi trẻ ngày nay, nói chung, đã khôn lớn và trưởng thành rất sớm theo môi trường sinh hóa, tư tưởng, khoa học kỹ thuật và tâm linh của xã hội chuyển biến và tiến bộ ngày càng nhanh. Lớp người trẻ tuổi phát triển
tri thức sớm là một hiện tượng tích cực mà ngày
xưa các cụ nhà ta gọi là “khôn trước tuổi”.
Đã từng có một
thời, nhất là 100 năm dưới sự đô hộ của Pháp,
thế lực cầm quyền thực dân đã xông xáo chủ
trương lấy văn hóa phương Tây để thay thế cho
văn hóa Việt Nam truyền thống. Văn hóa Phật giáo
đồng hành và đồng điệu với văn hóa Dân tộc, nên
Phật giáo Việt Nam cũng đã bị vùi dập không
ngừng bởi chủ trương tha hóa để chinh phục và
chia để trị của chủ trương thực dân đô hộ phương
Tây. Nếp sinh hoạt chùa chiền và tự viện bị biến
tướng thành thế giới hương khói của người già.
Đạo Phật bị xem là sự ru ngủ của lớp tuổi trẻ
sớm chán đời và lười biếng. Sinh hoạt Phật giáo
bị thu nhỏ, ẩn tàng dưới bóng cây đa và mái cổ
rêu phong. Những thiền tăng có khuynh hướng muốn
vươn lên cải tổ và chấn hưng Phật giáo thì bị
thế lực Tây và Ta theo Tây chụp ngay cái mũ
“Giặc Thầy Chùa” để ra tay đàn áp và vùi dập.
Thiền môn vắng bóng tuổi trẻ.
Đạo Phật Việt Nam
lắng sâu vào lòng dân tộc : Có những hoàn cảnh
đạo Phật kết hợp và thay thế cho đời sống tâm
linh dân gian như trong các lễ nghi quan hôn
tang tế ; có những lúc đạo Phật đồng hành và che
chắn cho tinh thần hay cao trào hành động yêu
nước chống ngoại xâm. Suốt trăm năm dưới ách đô
hộ của thực dân Pháp, đạo Phật ẩn nhẫn trong
chốn chùa chiền, tu viện và bị giới hạn trong
một quy chế hoạt động của một hội đoàn quần
chúng đời thường.
Rất khác với
Trung Hoa, nơi mà Phật giáo chỉ tiếp cận với
tầng lớp sĩ phu, trí thức; hay Nhật Bản, nơi mà
Phật giáo nằm trong tay hàng quý tộc và võ sĩ
đạo, đạo Phật Việt Nam đi vào mạch sống của dân
tộc Việt Nam một cách tự nhiên bằng ý niệm tâm
linh rất gần gũi nhưng cũng rất cao xa như “Trời
Đất Phật Thánh”. Làng nào cũng có một ngôi chùa
làng trong bộ “tứ thiêng”: Đình, chùa, miếu, vũ
cùng với chỗ dựa tâm linh “cầu nguyện ơn trên”,
không cần phải rạch ròi phân biệt. Càng về sau,
khi nhu cầu tu dưỡng và tính tổ chức càng cao
thì hình thức tổ chức hội đoàn xuất hiện.
Khởi đầu
thập niên 1930, noi gương Miến Điện, Tích Lan,
Nhật Bản và nhất là Trung Hoa với Thái Hư Đại Sư
làm chủ xướng, một phong trào chấn hưng Phật
giáo đã hình thành ở Việt Nam. Có thể nói tinh
thần cốt lõi trong công cuộc chấn hưng Phật giáo
là đem đạo vào đời. Đó là một quá trình hiện
đại hóa để khởi động và phát huy vai trò tích
cực của đạo Phật, biến tâm linh thuần lý thành
tâm linh ứng dụng. Đặc biệt là khuynh hướng đưa
tuổi trẻ vào đạo Phật.
Từ 1932, những
nhóm thiếu niên, thiếu nữ bắt đầu có mặt dưới
những tên gọi dành cho trẻ con theo người lớn
đến chùa là những ban Đồng Ấu.
Trong
công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam thời kỳ
1930, một nhân vật nổi bật tại Trung Kỳ là bác
sĩ Lê Đình Thám, pháp danh Tâm Minh. Có thể nói
rằng, cư sĩ Tâm Minh đã cùng với các danh tăng,
trí thức Phật giáo, giới cư sĩ và đại chúng Phật
tử có khuynh hướng cấp tiến đương thời đã vực
tuổi trẻ dậy. Vực dậy từ bóng mờ bị che khuất
sau lưng thế giới người lớn. Các em đã được thế
hệ đàn anh thương quý đón mời để dẫn tới trước
cửa ngõ Văn hóa Phật giáo. Tuổi trẻ Việt Nam lần
đầu được tiếp cận đạo Phật với tư cách của những
người trẻ tuổi có tri thức, nhân cách và vị thế
riêng chứ không phải là những “cụ già thu nhỏ”
lon ton níu áo chạy theo những cụ già đạo hữu đã
thành cây đại thụ trong Vườn Nhà Lam như bao
nhiêu năm về trước.
Đây là lần đầu
tiên, các em thiếu nhi không phải là những người
lớn thu nhỏ mà có hẳn một vai trò được công nhận
trong sinh hoạt Phật giáo Việt Nam thời cận đại.
Đó là sự ra đời của Gia Đình Phật Hoá Phổ – Tiền
thân của Gia Đình Phật Tử Việt Nam – vào năm
1930 với sự tham gia của một thế hệ đàn anh, đàn
chị là những nhân vật thành danh, có đầy đủ năng
lực và uy tín trong nhiều lĩnh vực, đảm trách
vai trò huynh trưởng lãnh đạo, tổ chức và giáo
dục.
Năm 1940, đoàn Thanh
Niên Phật Học Đức Dục, được gọi theo tiếng Pháp
là “Commission d’Études Bouddhiques et de
Perfectionnement Moral” được thành lập tại Huế.
Ngày Phật Đản 1944, một đại hội thanh niên được
tổ chức tại đồi Quảng Tế, Huế, khai sinh Gia
Đình Phật Hóa Phổ. Đó là tiền thân của Gia Đình
Phật Tử sau nầy.
Nhờ viễn kiến với
tầm nhìn xa, thấy rộng của Bác sĩ Tâm Minh Lê
Đình Thám và các trí thức, văn nghệ sĩ Phật giáo
nổi tiếng thời bấy giờ mà tinh thần kế thừa của
thế hệ trẻ được nuôi dưỡng và phát huy trong
khung cảnh cửa thiền. Những tên tuổi đã thành
danh như Tráng Thông, Đinh Văn Nam, Võ Đình
Cường, Phạm Hữu Bình, Lê Bối, Nguyễn Hữu Ba,
Phạm Đăng Trí, Lê Ngọc Thừa, Đinh Văn Vinh... đã
cùng nhau năng nỗ đóng góp tài năng và tấm lòng
cho thế hệ trẻ.
Chủ trương
nổi bật nhất của công cuộc chấn hưng dành cho
tuổi trẻ là khai phóng và kế thừa. Khai phóng là
sự khai thông, mở trói, đối thoại, bình đẳng của
mọi khuynh hướng thay đổi theo chiều hướng tích
cực của trào lưu tự do dân chủ trên toàn thế
giới như cải tiến, chấn hưng. Đó là một tiến
trình cải cách và ứng dụng nhằm làm rõ thêm, đẹp
thêm, phong phú thêm và hữu dụng thêm từ một
thực tại đang bị thoái trào hay đứng yên trong
tù đọng và xuống cấp trong lãng quên. Khai phóng
là phá bỏ những rào cản giới hạn, nhất quán và
quyết đoán mở ra những con đường tươi mới, phát
huy những khả năng và tiềm năng tổng hợp để
vận dụng vào nỗ lực phá bỏ hiện trạng tiêu cực
và xây dựng lại theo hướng tiến tích cực. Nói
tóm lại, khai phóng là tiền đề của tự do dân chủ,
của cánh cửa thoáng rộng để hiểu và bước vào cửa
ngõ của Văn Hóa Phật Giáo.
Việt
Nam
với một số dân trên 85 triệu người thuộc vào
khối những nước có “dân trẻ”. Theo thống kê năm
2009 thì 65% dân Việt trong nước thuộc về thế hệ
trẻ. “Tuổi trẻ” thường được định nghĩa là lớp
người ở giai đoạn đầu lứa tuổi trung niên (30-35)
hay trẻ hơn.
Với tri thức và
tâm lý tuổi trẻ Việt Nam hiện nay, cuộc Chiến
Tranh Việt Nam đã đi vào lịch sử. Đấy có thể là
nguồn sử liệu phong phú để tham khảo, nghiên cứu,
nhận thức hay trân trọng chứ không còn là chất
liệu sống vẫn còn tươi mới, vẫn hằng ngày rần
rật chạy trong máu thịt như thế hệ đàn anh.
Trong lĩnh vực
tâm linh và tôn giáo, tuổi trẻ Việt Nam và thế
giới – nếu không bị hệ lụy trói buộc bởi truyền
thống kế thừa tôn giáo nặng nề của gia đình –
thường có cái nhìn dò hỏi, khai phá và độc lập
của chính mình trên căn bản kiến thức hiện đại
và sự suy niệm về tâm linh tự do, phóng khoáng.
Không hiểu tuổi trẻ Việt Nam sẽ có bao nhiêu
người đồng ý với một người tuổi trẻ Hoa Kỳ, tổ
tiên gốc Ái Nhĩ Lan (Ireland), có tôn giáo gia
đình là Tin Lành Thệ Phản (Protestant). Đó là
Sam Shaw, một thanh niên 28 tuổi, sinh ra và lớn
lên tại Mỹ, tốt nghiệp đại học Princeton. Sam
Shaw viết trong Nhật Ký Hành Hương (Diary of a
Pilgrimage. Batam; NY. 2009.):“Tôi là một người
Ki Tô giáo ‘vô thần’ vì tôi tin rằng, Thượng Đế,
đấng Jesus Christ chẳng phải là những con người
giống như loài người nhỏ bé đang chen chúc trên
hành tinh nầy. Những vị cao cả ấy là Sự Thật hay
là Người Nói Lên Sự Thật. Các Ngài không phải là
thần linh trao truyền phép lạ xa vời và đầy ảo
tưởng. Các Ngài là những tia sáng rực rỡ, tỏa
sáng tận cùng trong đầu óc tôi, trong trái tim
tôi...” (NKHH. Tr. 261)
Tuổi trẻ nhìn về
tôn giáo sao mà đẹp lạ lùng. Một câu La Tinh đầy
minh triết khắc trên một đại giáo đường lừng
danh thế giới như Notre Dame ở Paris chắc gì đã
đánh động được lòng người bằng một dòng chữ đơn
sơ dán sau kính xe của một người trẻ tuổi phương
Tây, như: “I am lonely, Jesus is my best
friend.” (Tôi cô đơn, Đức Giê Su là người bạn
chí thiết nhất của tôi.) Tôn giáo không còn là
thần linh và ma quỷ. Tôn giáo chính là phần tinh
hoa cao cả và siêu tuyệt nhất từ thời vô thủy và
đến hôm nay vẫn còn hiện hữu trong tâm thức sâu
kín của mỗi con người.
Với một tinh thần
“phá chấp” như Sam Shaw, vô hình chung, tuổi trẻ
đang đứng trước chân trời thoáng rộng của văn
hóa Phật giáo. Đó là một thế giới mênh mông,
trùng điệp những cánh rừng thiền bạt ngàn không
có rào khóa hay giới hạn nhỏ bé của những khái
niệm bị xé nhỏ, tách rời hiện thực như: Duy tâm,
duy vật; triềt lý, giáo lý; tín điều, tư tưởng;
khoa học, tâm linh... Trong một tổng thể “hợp
duyên” chẳng có một sự lý hay sự việc nào chỉ do
một nguyên nhân hay điều kiện duy nhất mà thành
cả.
Giáo điều, nhồi
sọ, áp đặt lối nhìn và cách nghĩ không thích hợp...
là khuynh hướng truyền thống của tôn giáo đối
với tuổi trẻ. Hậu quả không tránh khỏi là lớp
tuổi trẻ “ngoan đạo” sẽ bị mụ mẫm đầu óc và niềm
tin tôn giáo sẽ tiến tới gần hay bị đồng hóa với
mê tín dị đoan. Lớp trẻ không bị trói buộc sẽ
quay lưng với tôn giáo vì không tìm thấy ở đó sự
thông thoáng, hồn nhiên, tươi mát đáp ứng cho
nhu cầu tâm linh.
Ngày nay, với
cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mà đặc biệt là
sự tiến bộ nhảy vọt của ngành thông tin vi tính.
Môi trường truyền thông đại chúng đã rút ngắn
khoảng cách không gian và thời gian giữa mỗi cá
nhân và môi trường sống toàn cầu. Sinh hoạt tôn
giáo cũng theo sự biến chuyển đó mà thay đổi.
Tính cách huyền nhiệm, linh thiêng, kỳ bí của
tôn giáo giảm dần theo sự phát triển của mạng
lưới truyền thông. Ngày xưa, lời tuyên bố của
hàng giáo phẩm cao cấp trong tôn giáo thường
mang tính cách giáo chỉ, pháp lệnh đối với tín
đồ trong tôn giáo đó. Nhưng ngày nay, sự “giao
khoán” đức tin không có lý do tồn tại. Nhất là
đối với đạo Phật thì chính đức Phật đã dạy rằng,
cần phải hiểu trước đã mới tin. Tin bừa là làm
thui chột chính mình và phỉ báng người đưa tin.
Mạng lưới thông
tin, vi tính thời nay có tác động tinh thần mạnh
mẽ đối với tuổi trẻ vượt ra ngoài dự ước của thế
hệ đàn anh. Thế giới có 7 tỷ người mà dân cư
mạng lưới internet chiếm hơn 6 tỉ; trong khi tín
đồ của 20 tôn giáo (có từ 1 triệu tín đồ trở lên)
cộng lại thì chỉ mới 4 tỷ. Đa số tuổi trẻ trên
thế giới thực hành “công phu” với mạng lưới
internet thường xuyên hơn là tới các nơi thờ
phụng của tôn giáo. Tiếng nói của truyền thông
có sức thông tin, bình luận, thuyết phục và lôi
kéo tuổi trẻ trực tiếp và mạnh mẽ hơn là hấp lực
của tôn giáo. Đây vừa là một cơ hội nhưng đồng
thời vừa là một hệ lụy cho tuổi trẻ vì mạng lưới
toàn cầu có khả năng là một đống rác vĩ đại, mặc
dầu cũng có vô số vàng bạc, minh châu. Nhưng làm
sao để tìm được của quý mà khỏi bị vấy bẩn vẫn
còn là một nan đề cho tuổi trẻ thời nay.
Trong các tôn
giáo lớn của thế giới ngày nay, chỉ có duy nhất
đạo Phật là có tín đồ bình đẳng với giáo chủ.
Nhà Phật mở ra một chân trời tự do khi tín lý
nhà Phật xác định mọi sinh thể đều có sẵn Chân
tánh, Phật tánh trong mình nên mọi chúng sinh
đều có khả năng thành một vị Phật của tương lai.
Xu thế phù hợp
với luận lý và chức năng của thời đại thuộc mọi
lĩnh vực là có gieo trồng mới có thu hoạch; có
đầu tư mới có lợi nhuận. Đạo Phật đã đưa ra một
bản vẽ rõ ràng của công trình “đầu tư” ấy. Đó là
TU. Tu không phải là van lạy cầu xin tha lực mà
phải tự mình khổ luyện mới thành.
Như sự Khổ là một hệ lụy tất nhiên của đời sống,
nhưng không có thuốc “diệt khổ” nào ngoài chính
mình biết nương theo Phật pháp làm phương tiện
để tự cứu lấy mình cho bớt khổ. Phật giáo trong
cũng như ngoài nước quan tâm tham dự những khóa
tu ngày càng đông. Đặc biệt là những khóa tu mùa
Hè dành riêng cho tuổi trẻ đang diễn ra khắp
nơi. Như khóa Tu Mùa Hè đợt 1 của chùa Hoằng
Pháp đã quy tụ tới 2200 thiếu niên nam nữ nô nức
về tham dự. Tại những thành phố lớn, đông người
Việt ở Hải ngoại, các trung tâm văn hóa Phật
giáo cũng có những khóa tu đặc biệt dành cho
tuổi trẻ Việt Nam và nước ngoài. Chùa Tam Bảo,
thành phố Baton Rouge ở miền Đông nước Mỹ cũng
có khóa tu mùa Hè bằng Anh Ngữ dành riêng
cho tuổi trẻ.
Nói đến tuổi trẻ
là nói đến một thế giới đầy linh hoạt, biến
chuyển rất nhanh và luôn luôn tươi mới vì đang ở
trong bình minh của cuộc đời. Đạo Phật cũng chỉ
rõ sự sống là một dòng biến dịch không ngừng từ
vô thủy đến vô chung. Tất cả đều ở trong vòng
quay biến hiện qua từng sát na sinh diệt. Bởi
vậy, tuổi trẻ và đạo Phật gặp nhau bằng sự tương
ứng tự nhiên chứ không qua ngưỡng cửa của lý
luận và rao giảng.
Thử lắng nghe một
thanh niên 18 tuổi nói lên cảm tưởng của chính
mình với bằng hữu cùng trang lứa về một khóa tu: “Tớ
là Nguyễn Minh Luân, 18 tuổi. Hè này, tớ đã có
một quyết định khiến cả gia đình lẫn bạn bè đều
hết hồn: Đi tu! Không phải đi tu là cạo đầu xuất
gia lên chùa ở luôn mà tớ đăng ký ‘Khóa tu mùa
Hè’, một chương trình học đạo đặc biệt chỉ dành
cho thanh thiếu niên do chùa Hoằng Pháp tổ chức.
Có 2200 teen quyết tâm đi tu (...) Cuộc sống
hiện tại với những giá trị vật chất đầy đủ khiến
cho tuổi teen chúng mình thích chạy theo những
xu hướng mới, thích tự khẳng định mình. Nhưng
nếu bạn cùng chúng tớ thử một buổi tối ngồi
thiền dưới những ngọn nến lấp lánh và cầu nguyện,
bạn sẽ lắng nghe được ước mơ và những điều tốt
đẹp nhất từ chính mình đấy!”
Tuổi trẻ thế hệ
Nguyễn Minh Luân không còn đứng trước cửa ngõ mà
đã mở cửa bước vào thế giới văn hóa Phật giáo
rồi đó.
Trần Kiêm Đoàn,
MSW; Ph.D
Đại học LPU, CSUS, CRC (Mỹ)
Cựu Liên đoàn trưởng GĐPT Liễu Hạ (62-67)