Không cần đến cảnh
giới hoành tráng được mô tả trong kinh Hoa Nghiêm hay tư tưởng siêu việt
được diễn đạt trong kinh Đại Bát Nhã, vốn là những thứ có thể làm cho
những kẻ sơ cơ như chúng ta khiếp hãi, mà ngay những câu kệ đơn giản mộc
mạc trong kinh Pháp Cú hay kinh Phật thuyết Bát Đại Nhân Giác cũng
khiến chúng ta cảm nhận được chiều sâu thăm thẳm, khi chúng ta đọc những
trang kinh đó bằng những suy niệm chân thành.
Trong phần cuối
của bài kệ thứ ba trong kinh Phật thuyết Bát Đại Nhân Giác, Đức Phật dạy
rằng, bậc Bồ tát cần phải: "Thường niệm tri túc, an bần thủ đạo, duy
Tuệ thị nghiệp”. (Thường nghĩ đến việc biết đủ, yên trong cảnh nghèo mà
giữ đạo, chỉ lấy việc đạt đến tuệ giác làm sự nghiệp đích thực của
mình). Kinh Phật thuyết Bát Đại Nhân Giác rất ngắn, chỉ gồm tám bài kệ
ngắn nói về tám điều giác ngộ lớn, song chỉ cần một phần của bài kệ thứ
ba này cũng đủ làm kim chỉ nam cho những ai thành tâm tu học, muốn đi
vào thế giới của Phật đà.
Vì sao cần phải "Thường niệm tri túc”?
Tri
túc có nghĩa là biết đủ. Nhưng biết thế nào là đủ? Kẻ có một trăm thì
muốn có một ngàn. Kẻ có một ngàn thì muốn có một vạn. Kẻ có một vạn thì
muốn có muôn vạn. Biên giới của đủ là đâu? Lòng tham của con người không
bao giờ có biên giới. Loài thú có thể lười biếng đi săn khi đã ăn no,
nhưng con người không bao giờ ngưng được tư tưởng chiếm hữu, dù đã sống
trong điều kiện vật chất vượt quá nhu cầu sống hàng ngày. Trong chữ
“dục” 欲(ham muốn) có chữ “khiếm“ 欠? có nghĩa là “thiếu”. Quả là sâu sắc.
Đối với người đã có lòng tham dục thì lúc nào cũng thấy thiếu, nên phải
bươn chải mãi theo lòng dục. Muốn ngừng thì cần phải tri túc. Tất cả
tầm quan trọng nằm ở chữ Tri. Nguyễn Công Trứ từng nói “Tri túc tiện
túc, đãi túc, hà thời túc?”. Hễ biết đủ là thấy đủ, chờ cho đủ thì biết
đến khi nào mới đủ? Cái khó nhất là biết đủ. Khi đã biết đủ thì những
cái thêm vào đều là thừa.
Trong lịch sử triết học Tây phương, có
một giai thoại kể rằng triết gia phái khắc kỷ là Diogène sống với những
nhu cầu sống được giảm đến mức tối thiểu. Mỗi tối, ông chui vào một cái
thùng gỗ để ngủ. Ông chỉ giữ một cái bát nhỏ để vừa làm cái chén ăn cơm
vừa làm cái ly uống nước. Ông tưởng như thế đã là nhu cầu tối thiểu của
con người, là đã “tri túc”. Tình cờ một ngày kia, ông gặp một đứa bé ăn
mày vục hai tay vào vòi nước để uống, ông hiểu rằng cái bát kia vẫn là
vật thừa nên đập vỡ luôn cả cái bát - tài sản duy nhất của mình!
Cuộc
sống vốn giản dị hơn ta tưởng. Chính chúng ta đã biến nó thành phức tạp
bằng những tham vọng vô nghĩa và những nhu cầu thường lắm khi phù phiếm
của mình. Cuộc sống thiên về vật chất đã biến những thứ vô vị trên đời
thành những nhu cầu cần thiết. Và buộc chúng ta phải chạy mãi theo
chúng, để cố sống theo mọi người, cố suy nghĩ như mọi người.
Nhà
văn và triết gia Mỹ Henry David Thoreau (1817-1862) đã vào rừng, sống cô
đơn trong căn lều nhỏ suốt một thời gian dài với tinh thần sống đơn
giản (simple living) và tri túc (self-sufficiency). Ông tự trồng trọt mà
sống giữa lòng thiên nhiên tịch lặng, và ông khám phá ra rằng nhu cầu
thực sự để con người sống trong an lạc vốn vô cùng ít. Nhờ thời gian đó,
ông đã để lại cho đời tác phẩm bất hủ "Walden, or Life in the Woods"
(Walden, hay đời sống trong rừng).
Chúng ta quên rằng chúng ta
chỉ có thể đáp ứng được mọi nhu cầu bằng cách biết tiết chế chứ không
phải bằng cách thỏa mãn nó. Ta không thể nào tiêu trừ một tham vọng bằng
cách làm thỏa mãn nó, vì tham vọng không bao giờ thấy đủ. Chỉ có tinh
thần “tri túc” mới đem lại cho ta sự thanh thản trong tâm hồn, nhất là
giữa một thế giới mà sự tiêu dùng và hưởng thụ vật chất luôn được những
xảo thuật quảng cáo nâng lên thành một giá trị của cuộc sống.
Vì sao cần phải “an bần thủ đạo”?
Kinh
dạy “an bần thủ đạo” cũng như người xưa thường nói “an bần lạc đạo”
(yên cùng cảnh nghèo mà vui với đạo). Nhưng phải có đạo để lạc thì mới
thấy an trong cảnh bần được. Muốn sống yên vui trong cảnh nghèo thì phải
có một đời sống nội tâm thực sự hoặc phải mang một tâm hồn thuần phác
như người nông dân chân chất. Đối với người tu hành hoặc người đọc sách,
trong tâm phải có sở đắc thì mới có thể yên vui với cảnh nghèo, nếu
không thì sự an bần đó chỉ còn là hình thức. Đó là sự đè nén đầy mặc cảm
của những tham vọng không thành. Không ít vị tu sĩ trụ trì, khi trò
chuyện với người viết, đã chặc lưỡi thở dài khi so sánh cảnh đầy đủ của
ngôi chùa khác với sự nghèo nàn của ngôi chùa mình!
Tôi không
hiểu tại sao có rất nhiều Phật tử, kể cả những vị xuất gia, vẫn thường
quan niệm rằng những tu sĩ nào có “hảo tướng”, thường xuyên được tín đồ
cúng dường hậu hỹ, được tu ở những ngôi chùa đẹp tại những thành phố lớn
là do phước báo đời trước. Quan niệm kiểu đó có khác gì cho rằng những
bậc ẩn tu nơi thâm sơ cùng cốc như đạo sư Mật tông vĩ đại Milarepa, hay
bậc chân tu khổ hạnh như thánh Gandhi đều là những người gánh chịu
nghiệp báo? Ở đời, hễ đã nhận người khác một món quà, dù là vật phẩm
cúng dường, là đã thiết lập nên một sự ràng buộc vô hình trong mối quan
hệ xã giao. Món quà càng có giá trị cao thì sự lệ thuộc càng nhiều, và
sự nhiễu loạn của tâm càng lớn.
Chúng ta thường tỏ thái độ hãnh
diện với những tiện nghi cao cấp đang sử dụng như xe cộ, điện thoại di
động đời mới… như là cách để khẳng định mình, mà quên mất rằng hễ đời
sống tinh thần càng hời hợt thì con người, tăng cũng như tục, càng lo bù
đắp và che lấp bằng những thứ trang sức phù phiếm bên ngoài.
Đối
với các tu sĩ, thử hỏi nếu cứ mãi bận lo thù tạc xã giao với các thí
chủ giàu có thường xuyên cúng dường cho chùa thì lấy đâu ra thời gian để
nghiên cứu kinh điển hay quán tưởng trầm tư? Có thể gọi đó là phước báo
được chăng? Nói về hảo tướng và hưởng thụ vật chất trần gian có ai bằng
Đức Phật? Có ngôi chùa nào đẹp bằng cung vàng điện ngọc của nhà vua,
thế thì tại sao Ngài vẫn từ bỏ cảnh lầu son gác tía để ra đi tìm Chánh
Pháp?
Đối với một người tu học thì phước báo phải nên hiểu là
phước báo về mặt tâm linh. Trước mọi phong ba biến động của cuộc đời, mà
giữ tâm lặng được như mặt nước của cái giếng cổ trong bài Đạo ý của
Nguyễn Du: Trạm trạm nhất phiến tâm, Minh nguyệt cổ tỉnh thủy (Mảnh lòng
mênh mông tịch lặng, Trăng soi mặt nước giếng xưa), đó mới thật sự là
phước báo.
Các bậc cổ đức nhiều khi từ chối vàng bạc hoặc chức
tước vua ban tặng để dành thời gian cho việc tu hành trong chốn lâm
tuyền, vì các ngài sợ cái Vật làm lụy đến cái Tâm. Tổ Linh Hựu bao năm
sống cô độc trên ngọn Quy sơn để tiếp tục tu tập sau khi chứng ngộ.
Trước
khi muốn cứu đời, trước khi muốn hoằng pháp thì chúng ta phải đủ sức
mạnh nội tâm để bước đi một cách cô đơn trong cuộc đời và trong tư
tưởng, để nghe ra tiếng nói của Tâm. Tâm không tĩnh lặng được trước Vật,
còn để Vật sai sử thì lấy gì để bàn về cõi Đạo mênh mông vi diệu của
Phật giáo?
Đối với hầu hết chúng ta, tu tập trong điều kiện khó
khăn về vật chất chưa phải là điều hay, nhưng nếu cứ bận tâm mãi những
tiện nghi vật chất thì tự cắt bỏ con đường đi vào cõi đạo.
An bần
thủ đạo với một tâm thái ung dung là điều cực khó, mà câu chuyện về
nhân vật Phương Sơn Tử của Tô Đông Pha sau đây là một minh họa đặc sắc.
"Phương
Sơn Tử là người ẩn cư trong khoảng Quang Hoàng. Thiếu thời, hâm mộ cách
sống của Chu Gia và Quách Giải(1). Bọn hào hiệp trong làng xóm đều tôn
sùng. Khi hơi lớn, biết kiềm tính và đọc sách; muốn lấy việc đó mà rong
ruổi với đời. Nhưng rồi không gặp thời. Về già, ẩn lánh trong khoảng
Quang Hoàng, nơi chỗ gọi là Kỳ Đình. Ở nhà tranh, ăn rau trái, không
giao thiệp với đời. Bỏ xe ngựa, vứt áo mão, đi bộ. (…)
"Tôi bị
biếm trích ở Hoàng Châu, qua Kỳ Đình, thì gặp. Bèn kêu: “Hỡi ôi! Cố nhân
của ta, Trần Tháo Quý Thường đây mà. Sao lại ở đây?” Phương Sơn Tử cũng
kinh ngạc, hỏi tôi vì sao đến đây. Tôi nói duyên cớ. Ông cúi đầu không
đáp; rồi ngửa lên trời mà cười. Bảo tôi ngủ lại nhà. Tường vách xơ xác,
nhưng trông vợ con và nô tỳ đều có vẻ ung dung thỏa ý. Tôi giật mình lấy
làm kinh ngạc. Lòng riêng nghĩ, Phương Sơn Tử khi thiếu thời, ưa rượu
và thích kiếm, tiêu tiền như rác. Mười chín năm trước, tôi ở Kỳ Sơn thấy
Phương Sơn Tử cưỡi ngựa theo hai tay kỵ mã, kẹp hai mũi tên dạo chơi ở
mạn núi phía Tây. Có con chim khách vụt bay trước mặt, sai người cưỡi
ngựa đuổi bắn, không trúng. Phương Sơn Tử nổi giận, một mình thúc ngựa
lên bắn một phát, chim rơi, rồi nhân đó ngồi trên lưng ngựa bàn với tôi
về phép dùng binh và chuyện thành bại xưa nay, tự cho là bậc hào sĩ trên
đời. (…)
Phương Sơn Tử thuộc nhà thế phiệt, nếu làm quan thì giờ
đây đã hiển hách. Nhà cửa vườn tược ở Lạc Dương rất tráng lệ, sánh
ngang với bậc công hầu. (…) Vậy mà bỏ tất cả để một mình vào tận núi
thẳm để ở. Há không có sở đắc mà được như thế sao?”" (lược dịch theo
Phương Sơn Tử truyện của Tô Đông Pha).
Câu chuyện trên phác họa
một cách ngắn gọn mà tuyệt vời sự tương phản giữa hình ảnh một hào sĩ
kiêu hùng với một người ẩn cư trong núi. Đó là hạng người đã có sở đắc
để an bần lạc đạo. Hễ trong lòng đã có sở đắc thì mới có thể ung dung tự
tại giữa cảnh nghèo, theo đúng nghĩa hai chữ an bần. Bản thân Phương
Sơn Tử vui trong cảnh nghèo không quan trọng bằng chi tiết: “Tường vách
xơ xác, nhưng trông vợ con và nô tỳ đều có vẻ ung dung thỏa y” (Tường đổ
tiêu nhiên, nhi thê tử nô tỳ giai hữu tự đắc chi ý). Biến cái an vui
trong lòng mình thành cái an vui trong lòng người khác, như Phương Sơn
Tử, mới thực sự là cực đỉnh của sự an bần thủ đạo. Đó mới thực sự là đạo
hạnh của một bậc chân tu, và là một dạng của vô úy thí.
Vì sao cần phải “Duy Tuệ thị nghiệp”?
Có
lẽ đây là câu hỏi thừa, vì toàn bộ tòa lâu đài tư tưởng vĩ đại của Phật
giáo được xây dựng trên hai trụ cột của Trí và Bi. Tuệ là Trí. Đã đi
theo chân Phật, thì dù tại gia hay xuất gia, cũng đều phải tìm cầu giải
thoát. Mà giải thoát chỉ có thể tìm thấy trong ánh sáng của Tuệ giác,
chứ không phải trong việc tích lũy kiến thức hay công đức. Không cần
phải đem thân gởi chốn am mây mới gọi là tu, mà hễ một khi Tuệ kiếm vung
lên là trần duyên đứt đoạn, để mở đường đi vào cõi giác. Cùng đích của
đạo Phật, dù với vô vàn phương tiện thiện xảo hay với vô lượng pháp môn
tu học, cũng chỉ nỗ lực khai mở được con mắt Bát nhã cho chúng sinh.
Như
khi ta tạo một con số bắt đầu bằng số 1 và sau đó là rất nhiều số 0. Số
lượng số 0 đằng sau số 1 càng nhiều thì giá trị con số đó càng tăng.
Các số 0 đó có thể là sự tích lũy công đức hay chuyên cần tu học… Nhưng
chính số 1 mới là con mắt Bát nhã, mới là Tuệ trong tinh thần “Duy Tuệ
thị nghiệp” của Phật giáo. Nếu bỏ số 1 đi thì giá trị của chuỗi các số 0
đó, dầu dài bao nhiêu đi nữa, cũng chỉ là 0, theo tinh thần “Quách
nhiên vô thánh” của tổ Đạt Ma khi trả lời Lương Võ Đế.
Các Phật
tử vẫn có một thói quen kỳ lạ là thường đánh giá các tu sĩ qua ngôi chùa
họ đang cư trú, làm như ngôi chùa là nơi đảm bảo cho trí tuệ hay công
phu đạo hạnh! Cách đánh giá đó đã vô tình biến tư tưởng “Duy Tuệ thị
nghiệp” của đạo Phật thành “Duy Tự thị nghiệp” (lấy cái chùa làm sự
nghiệp) mất! Chính Trí tuệ đạt từ kinh điển hay sự thực chứng mới đảm
bảo cho sự tồn vong của đạo Phật. Dù có trải qua muôn ngàn cơn pháp nạn,
nhưng hễ một khi hạt giống Tuệ giác còn nảy mầm thì nó vẫn phát triển
thành khu rừng tư tưởng Phật giáo.
Câu kinh gồm ba mục “Thường
niệm tri túc, an bần thủ đạo, duy Tuệ thị nghiệp”, nhưng thực ra “Thường
niệm tri túc” và “An bần thủ đạo” là hệ quả tất yếu của “Duy Tuệ thị
nghiệp”. Một khi đã xác định được “Duy Tuệ thị nghiệp” thì tự nhiên tâm
dần sẽ tĩnh, sẽ dần bớt đi sự tham chấp vào của cải trần gian.
Đạo
Phật chủ trương thập loại chúng sinh đều bình đẳng trước Phật pháp, nên
luôn luôn mở rộng cửa cho mọi người. Chúng sinh vô lượng, căn cơ vô
lượng nên phải có vô vàn con đường dẫn đến cửa thiền. Chư pháp, do đó,
không thể có hình tướng nhất định mà chư Phật cứ tùy theo căn cơ để hóa
độ chúng sinh.
Không ít người, do không hiểu được những yếu tố sơ
đẳng trong Phật học, cho rằng đạo Phật chỉ đưa con người đến chỗ bế tắc
(!). Họ quên rằng có quá nhiều kẻ trốn vào thiền môn chỉ vì một lý do
đơn giản là bị bế tắc khi đối diện với cõi thế. Bế tắc trong tư tưởng,
trong tình cảm, thậm chí trong cơm áo. Thuở còn tại thế, Đức Phật đã
từng cảnh báo có những kẻ quy y theo Phật, gia nhập Tăng đoàn chỉ để
kiếm cơm! Thuở đó còn vậy, huống gì đến thời mạt pháp hiện nay. Đối với
những kẻ bế tắc đó thì Phật pháp, dù có quảng đại và nhiệm mầu đến mấy,
cũng chỉ là một loại “cần câu cơm” giúp họ tạm thời làm ổn định những
cơn quậy phá của cái bao tử rỗng, hoặc một loại “si rô an thần” giúp họ
làm dịu đi những cơn khủng hoảng thần kinh!
Hàng mấy ngàn năm
qua, tinh thần bao dung của Phật giáo luôn mở rộng vòng tay để đón nhận
bao nhiêu bậc lợi căn pháp khí, xả thân cầu pháp thì đồng thời cũng đón
nhận không ít bụi bặm bay vào chốn thiền môn. Song một khi tư tưởng “Duy
Tuệ thị nghiệp” còn sống thì tư tưởng Đức Phật vẫn còn mãi ngời sáng,
và đạo Phật vẫn mãi mãi tồn tại và phát triển.